Monday, October 22, 2018

Lịch sử đĩa hát ở Việt Nam thời thuộc địa - Thời kỳ ống xi lanh


Edison với máy ghi âm đầu của ông năm 1878

Gần đây ở Việt Nam tôi thỉnh thoảng vào một nhà riêng hay nhà hàng trang trí đẹp và nhìn thấy một máy quay đĩa cũ với một loa kèn to tướng. Hiện nay cũng có một phong trào tìm lại các đĩa hát cũ và hiếm.

Tôi mới bắt đầu tìm hiểu đến nền âm thanh thu thanh của xứ Việt trong quá khứ lúc tôi được mời tham gia một công trình sưu tầm và xuất bản một số bản âm nhạc được thu đĩa ngày xưa ở xứ Đông Nam Á. Kết quả của công trình này là bộ sách, đĩa với chủ đề Longing for the Past: The 78 Era In Southeast Asia (Dust-to-Digital, 2013).

Thực ra thông tin về ngành kinh doanh sản xuất đĩa hát ở Việt Nam cũng hiếm. Các bài và sách nhạc sử cho rằng nhạc Việt được các công ty quốc tế khai thác ghi âm từ những năm 1920. Nhưng các công ty quốc tế lớn Châu Âu và nước Mỹ đã cố mở thị trường cho các máy quay đĩa và đĩa hát từ rất sớm và xứ Việt không phải một ngoại lệ.

Qua các máy vi tính, điện thoại, loa to, ống nghe nhỏ âm thanh được thu và phát lại là một việc rất bình thường trong đời sống mỗi người bây giờ. Nhưng 150 năm trước thi chưa có ai tưởng tượng đến khả năng ghi lại âm thanh. Kỹ thuật bắt đầu có với sáng kiến của Thomas Alva Edison là một máy ghi âm gọi là phonograph. (Chữ này gốc từ tiếng Hy Lạp - phono nghĩa là tiếng, graph nghĩa là ghi).

Máy này ghi âm thanh trên mặt ống xi lanh rỗng được gắn trên cây cần tròn. Âm thanh được ghi trên mặt ống xi lanh bằng một cây kim và cũng được phát lại với một cây kim. Chiếc máy chưa kèm loa này ghi trên một ống xi lanh và cũng phải quay bằng tay. Trong những năm sau thì Edison và nhiều nhà sáng chế khác phát triển máy này cho kêu rõ và vững chắc hơn.

Nhờ kỹ thuật đơn sơ này người Việt được ghi âm lần đầu tiên đầu thế kỷ 20. Hiệp hội Nhân học (Société d'anthropology) đã thu âm những người Việt đến dự Hội chợ Thế giới 1900 ở Paris trong việc thực hiện một Bảo tảng Đĩa hát (Musée phonographique). Trong 388 ống xi lanh của các dân tộc đến dự Hội chợ cũng có 14 xi lanh của dân tộc "Annamite."

Thông báo và Ký ức của Hiệp Hội Nhân học Paris số 3 (1902)

Người thực hiện công trình này là thành viên của hội, bác sĩ Léon Azoulay. Ông chủ trương việc sử dụng máy thu thanh để sưu tầm cách nói, đọc, đối thoại, câu chuyện, bài hát và nhạc đàn của các dân tộc. Ống xi lanh đầu trên danh sách ở trên ghi 6 thứ dấu của tiếng Việt ("Les 6 tons").

Joseph Vita Viterbo là người tổ chức công việc này. Ông là một cựu chiến binh Pháp đến Việt Nam năm 1885, người từng lập ra một xưởng ở Hà Nội (có lẽ là xưởng đầu tiên) sản xuất ren dệt, đồ thêu, vật trang sức. Xưởng của ông cũng thuê độ 200 người Việt trong đó có nhiều thợ mộc chế biến bàn ghế xuất khẩu. Viterbo có vị trí lớn trong cộng đồng thực dân ở Hà Nội lúc bấy giờ. Ông từng làm thành viên của Phòng Thương mại Hà Nội (Chambre de commerce) và được cử làm thành viên hội động thành phố Hà Nội (Conseiller municipal).

Năm 1900 ông Viterbo và một số công nhân của xưởng ông được đến dự Hội chợ Quốc tế để sáng chế bản sao của một đình cổ ở Cổ Loa. Tôi nghĩ rằng ông chọn trong những nhân viên của ông để thu âm cho công trình của Hiệp hội Nhân học. Theo nghiên cứu của giáo sư Jann Pasler thì một người đàn ông tên "Ba" là giọng hát và giọng nói chính trên các ống xi lanh này. (từ bài "Sonic Anthropology in 1900" trong tạp chí 20th Century Music năm 2014 của bà).

Trong công trình thu thanh này ông Azoulay đã thu người đọc và phát âm một đoạn của sách Kinh Thánh là Dụ ngôn về đứa con hoàng (Phúc âm Lu-ca 11: 15 - số 185, "Enf.[ant] prod[igal] lu" [đọc] và "syllabisé" [phát âm]).

Hai bản âm thanh này chứng minh công trình này tập trung vào ngôn ngữ học. Nhưng ông Azoulay cũng đã ghi một vài đoạn âm nhạc ngắn. "Déclamation théâtrale du guerrier Hang-Wou" [Sự ngâm nga sân khấu của Hán Vũ Đế?] chắc được trích từ một đoạn hát tuồng.

Các chuyên gia về nhạc truyền thống và biết nhiều hơn tôi nên nghe và phân loại các bản ghi âm sau. Có một bản ghi tên "Chant populaire d'amour de Tui Kiéo" (Tình ca dân gian của Thúy Kiều?) nghe như ngâm thơ kiểu hát chèo. Giọng phát âm của người ngâm không được rõ thì rất khó nắm bắt được từng lời. Mặc dù được đặt tên Tui Kiéo/Thúy Kiều tôi không nghe được câu thơ nào của thi ca Nguyễn Du.

Song lẻ cũng có một bản khác với một phụ nữ ngâm bản "Conte pour endormir les enfants (chanté et épelé)" (Câu chuyện để ru con (hát và phát âm). Bài ru con này xen kẽ chữ Truyện Kiều vào lời ngâm.

Chỉ có hai bản nhạc không lời được ghi âm trong công trình năm 1900. Thứ nhất là "Deux airs populaires de fête sur flûte à 6 trous" (Hai giai điệu dân gian của ống sáo 6 lỗ tay), thứ hai là "Deux airs populaires de fête au violon / vièle à 2 cordes" (Hai giai điệu dân gian lễ hội của đàn nhị).

Đại đa số các bản ghi âm được thu từ Hà Nội giới thiệu với lời tiếng Pháp "Tonkin Hanoï," nhưng có một bản "Chant populaire de l'amour" với lời giới thiệu "Tonkin Bắc Ninh" và một bản khác với lời giới thiệu "Cochinchina Saïgon."

Máy ống xi lanh đầu thế kỷ 20 của hãng Columbia Graphophone

Kỹ thuật ghi âm thanh năm 1900 chưa được hay và chuẩn, và các người được ghi trên ống xi lanh này có lẽ không được coi như nghệ sĩ xuất sắc. Nhưng các bản ghi âm là như một viên nang thời gian để biết chút ít về sinh hoạt văn nghệ người Việt (chủ yếu là người Hà Nội) và Hiệp hội Nhân học thu thanh hơn 100 năm trước đây. Lâu năm các bản âm thanh không được nghe ở Việt Nam. Hơn một trăm năm các ống xi lanh này chỉ nằm trong kho của Centre de rechérche en ethnomusicologie. Rất đáng mừng là họ thu lại và chia sẻ các bản ghi âm này cho mỗi người.

Mặc dù là phương tiện đầu tiên để thu và giữ lại âm thanh của người Việt ngày xưa, hình như kỹ nghệ thu thanh bằng ống xi lanh không bao giờ được phổ thống ở Đông Dương. Năm 1902, hai công ty Pháp sản xuất máy ống xi lanh là Compagnie générale des phonographes, cinématographes et appareils de précision của hãng Pathé và Thibouville-Lamy et cie. có mặt tại Exposition de Hanoi để giới thiệu máy này. Năm 1905 mới có hai tiệm ở Hà Nội bán máy phonograph Pathé và ống xi lanh của nhạc Tây cho người Pháp nghe là tiệm Boilot ở rue 26 Paul Bert (phố Tràng Tiên) và tiệm Léon Chanson ở 132 Route de Grand Bouddha (đường Quán Thánh) là Café du Grand Lac (Quán Cà phê Hồ Tây).

Cùng thời đã có một thứ máy thu và phát lại khác được sáng chế và cạnh tranh với máy của Edison. Đó là máy quay đĩa, và lịch sử của đĩa hát ở Việt Nam thực sự bắt đầu từ khi máy này được vào xứ Đông Dương.

Nguồn: BBC / Jason Gibbs

Ngày Em 20 Tuổi - Thiên Trang - Cassette



Sunday, October 21, 2018

Giọt Mưa Thu - Nhạc Tiền Chiến 3 - Giáng Ngọc Productions CD



Lịch sử gia tộc Al Saoud thống trị Ả Rập Xê Út


Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salmane. Arnhujp ngày 11/04/2017.


Vương triều Saoud đang trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng quốc tế sau khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích, được cho là đã bị sát hại, sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul.

Có quy mô rộng nhất, nắm đầy quyền lực trong tay, gia tộc Saud, gồm 200 hoàng tử và 25.000 thành viên, cai trị vương quốc Ả Rập Xê Út từ đầu thế kỷ XX.

Gia tộc Al Saoud là ai ?

Theo AFP, tên của dòng tộc Saoud được đặt trong tên nước Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia). Để hiểu được nguồn gốc của vương quốc Hồi Giáo này, phải ngược về đầu thế kỷ 18. Năm 1745, lãnh chúa Mohammed Ben Saoud quyết định củng cố quyền lực bằng việc kết hợp với nhà thần học Mohammed Ben Abdel Wahab (1703-1792). Năm 1744, Wahhab phát động một chiến dịch thanh giáo và phục hưng để quay lại với Hồi Giáo thuần khiết và chân chính của Đấng sáng lập.

Năm 1902, Abdel Aziz Ben Saoud (trị vì từ 1902-1953) đánh đuổi dòng tộc đối thủ Rachidi ra khỏi Riyad và dần dần củng cố quyền lực bằng cách dùng sức mạnh để thống nhất bán đảo. Năm 1925, Abdel Aziz chiếm được quyền kiểm soát các thánh địa Mecca và Medina. Năm 1932, ông lập vương quốc Ả Rập Xê Út và tự xưng quốc vương.

Để duy trì quyền lực, quốc vương Abdel Aziz Ben Saoud cưới con gái của nhiều tộc trưởng. Tổng cộng, ông có 45 con trai. Gia đình hoàng gia hiện có khoảng 25.000 thành viên, trong đó có 200 hoàng tử giữ nhiều chức vụ trong bộ máy hành chính. Khi băng hà, năm 1953, người con trai Saoud, được quốc vương Abdel Aziz chỉ định, lên kế ngôi.

Tuy nhiên, do quản lý yếu kém và tham nhũng, quốc vương Saoud bị Hội Đồng Hoàng thân (gồm các thành viên quan trọng trong gia đình hoàng gia) phế truất năm 1964. Người em cùng cha khác mẹ, hoàng thái tử Faysal (1964-1975), lên thay thế. Là nhà kiến tạo một chính sách hiện đại hóa, ông bị một người cháu, bị cho là tâm thần, ám sát năm 1975.

Khaled, một người em cùng cha khác mẹ, kế vị cho đến khi qua đời vào năm 1982. Hoàng thái tử Fahad đăng quang và trị vì cho đến khi Abdallah kế nghiệp vào năm 2005.

Ai đang trị vì hiện nay ?

Vua Abdallah qua đời vào tháng 01/2015. Trước đó, vào tháng 06/2012, ông gây ngạc nhiên khi chọn Salmane, người em cùng cha khác mẹ làm hoàng thái tử. Tương tự, quốc vương Salmane cũng gây bất ngờ khi, vào tháng 06/2017, chọn con trai Mohammed Ben Salmane làm thái tử kế nghiệp, lúc đó 31 tuổi, và phế truất người cháu Mohammed Ben Nayef.

Kể từ khi được chọn là hoàng thái tử, Mohammed Ben Salmane, với biệt danh « MBS », xây dựng một vương triều pha lẫn cải cách và độc tài. Ông trấn áp mọi sự phản đối, nhưng lại cho phép phụ nữ lái xe, cho tổ chức nhiều buổi hòa nhạc và xây rạp chiếu phim.

Vậy việc truyền ngôi diễn ra như thế nào trong triều đại Saoud ? Theo luật của Ả Rập Xê Út, nhà vua phải là hậu duệ của quốc vương Abdel Aziz. Tháng 10/2006, thể thức truyền ngôi đã được cải cách để đảm bảo việc nhẹ nhàng chuyển giao quyền lực tại vương quốc rất bảo thủ này. Như đến giờ, cơ chế này vẫn chưa được sử dụng.


Nguồn: RFI/Thu Hằng (đăng ngày 20/10/2018)

*******************************************************************************

Chân dung “phức tạp” của nhà báo Jamal Khashoggi

Người biểu tình đòi thả nhà báo Jamal Khashoggi. (Ảnh: AFP)

Jamal Khashoggi là nhà báo Mỹ gốc Saudi Arabia. Ông là ai mà khiến Mỹ-Thổ-Saudi lục đục? Thực ra ông có một quá khứ “phức tạp” bao gồm mối liên hệ với Osama bin Laden và Hoàng gia Saudi Arabia.

Nhờ cuộc phỏng vấn trùm khủng bố Osama bin Laden vào những năm 1980, Jamal Khashoggi nổi lên trở thành một trong những nhà báo có uy tín nhất ở Saudi Arabia và sau này trở thành cây bút của Washington Post

Thế nhưng, cái tên Jamal Khashoggi giờ đây còn được nhắc đến nhiều hơn vì vụ nhà báo Mỹ này mất tích ngày 2/10 sau khi bước vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến quan hệ giữa 3 nước trở nên vô cùng phức tạp.

“Bệ phóng” Osama bin Laden

Khashoggi học Đại học bang Indiana của Mỹ và sau khi tốt nghiệp, ông trở về Saudi Arabia làm việc cho một tờ báo tiếng Anh.

Đó là thời kỳ đầu những năm 1980, khi những tay súng thánh chiến khơi mào cuộc chiến ở Afghanistan nhờ được sự ủng hộ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Và trong những tay súng thánh chiến được Mỹ hậu thuẫn đó có Osama bin Laden, người đã mời Khashoggi đến Afghanistan để phỏng vấn hắn. Tất nhiên, nhà báo này đã nhiệt tình nhận lời và sau đó có thêm vài lần phỏng vấn bin Laden.

Khashoggi được cho là đã đứng về phe thánh chiến ở Afghanistan nhưng ông không phải là trường hợp cá biệt.

“Đầu tiên và trên hết, ông ấy ở đó với tư cách là một nhà báo, dù cũng phải thừa nhận rằng ông ấy là một người đồng tình với các tay súng thánh chiến Afghanistan nhưng phần lớn các nhà báo Arab thời đó, và cả nhiều nhà báo phương Tây cũng thế” – Thomas Hegghammer, người từng phỏng vấn Khashoggi về quãng thời gian ông ở Afghanistan, chia sẻ với New York Times.

Dù từng đăng một bức ảnh bản thân cầm súng trường trong tay, Khashoggi được cho là chưa bao giờ thực sự chiến đấu ở Afghanistan hay có khả năng chiến đấu.

Cái mác “kẻ cực đoan”

Một vài người thuộc phe cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ từng cho rằng những câu chuyện ca ngợi Khashoggi là người bảo vệ dân chủ và tự do ngôn luận thực chất bị thổi phồng.

Và vì thế, họ thúc đẩy một thuyết âm mưu rằng câu chuyện xung quanh vụ mất tích của ông hôm 2/10 vừa qua chỉ nhằm phá hoại quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Saudi Arabia nhằm mục đích có lợi cho Iran.

Những ngày qua, cũng đã có một vài nhân vật bảo thủ ở Mỹ tìm cách gắn cho Khashoggi cái mác một kẻ cực đoan vì ông từng bày tỏ sự đồng tình với cuộc chiến mà bin Laden tiến hành những năm 1980, và cũng vì mối liên hệ của ông với phong trào Anh em Hồi giáo. Nhưng đồng nghiệp của ông khẳng định với New York Times rằng tất cả là dối trá.

Khashoggi đã tỏ ra bất bình với bin Laden khi tên này bắt đầu ủng hộ chủ nghĩa khủng bố những năm 1990, điều mà sau này đã dẫn tới vụ tấn công nhằm vào tòa tháp đôi ở New York ngày 11/9/2001.

“Osama bin Laden… không chỉ tấn công vào New York và [nhằm vào chính phủ ở] Washington mà còn tấn công vào đạo Hồi, vào đức tin lẫn những giá trị của sự dung thứ và cùng tồn tại mà tôn giáo này rao giảng” – Khashoggi viết không lâu sau vụ tấn công 11/9. Ông cũng chỉ trích thuyết âm mưu lan truyền ở Saudi Arabia về vụ việc trên nhằm làm lu mờ thực tế rằng có tới 15 trong số 19 kẻ tấn công đến từ Saudi Arabia.

Khi trùm khủng bố khét tiếng bị Mỹ tiêu diệt năm 2011, Khashoggi cho rằng, bin Laden đã chuyển từ việc đấu tranh cho những gì hắn coi là chính nghĩa sang ủng hộ sự thù hằn.

Lúc đó, Khashoggi đã đăng dòng tweet rằng: “Tôi đã gục ngã và khóc lóc một lúc, cảm thấy tan nát vì Abu Abdullah (biệt danh của Osama bin Laden). Ông từng là một con người tuyệt vời và dũng cảm những ngày xưa tươi đẹp ở Afghanistan, trước khi ông sa đà vào sự thù hằn và giận dữ”. Khashoggi từng được cho là đã cố gắng thuyết phục bin Laden từ bỏ con đường bạo lực.

Thân thiết với Hoàng tộc Saudi

Truyền thông Saudi Arabia có mối quan hệ vô cùng mật thiết với Hoàng tộc, vì thế khi Khashoggi càng vươn lên vị trí cao hơn trong thế giới truyền thông của vương quốc này, ông cũng càng thân thiết hơn với các hoàng thân, quốc thích.

Khashoggi từng giữ vai trò cố vấn cho Hoàng gia và có lúc đã tháp tùng Quốc vương Abdullah công du. Vì mối quan hệ thân thiết với Hoàng thân Turki al-Faisal, người đứng đầu cơ quan tình báo của Saudi Arabia, mà có lúc Khashoggi cũng bị đồn là gián điệp của nước này.

Nhưng Khashoggi là một người khá công khai ủng hộ dân chủ, vì thế ông đã gặp rắc rối khi Saudi Arabia tìm cách chặn đứng làn sóng nổi dậy mang tên “Mùa xuân Arab” ở khu vực này. Và dù thường lên tiếng chỉ trích Hoàng gia Saudi Arabia, ông vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với họ. Khashoggi đã hơn một lần bị đuổi việc vì xu hướng có phần “nổi loạn” của ông nhưng thường là sau đó vẫn được thuê lại.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với Khashoggi vào năm 2015 khi Quốc vương Salman lên nắm quyền và tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến con trai ông, Mohammed, người được phong Thái tử thừa kế ngai vàng vào năm 2017.

Tháng 6/2017, Khashoggi rời Saudi Arabia giữa lúc Thái tử Mohammed bin Salman cố gắng tìm mọi cách thâu tóm quyền lực, trong đó có việc bắt giữ một số hoàng thân khác và các doanh nhân nổi tiếng. Một vài người bạn của Khashoggi cũng bị bắt.

6 tháng trước khi Khashoggi sang Mỹ, Hoàng gia Saudi Arabia đã “treo” bút ông vì nhà báo này chỉ trích Tổng thống Donald Trump và sự tin tưởng tuyệt đối của chính phủ Saudi Arabia đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Ở Mỹ, Khashoggi bắt đầu viết bình luận cho tờ Washington Post từ tháng 9/2017 cho đến khi mất tích. Tại Washington Post, ông đã có những bài viết chỉ trích Saudi Arabia trong các vụ việc như phong tỏa, cô lập Qatar, những tranh cãi của nước này với Lebanon và Canada… Mặc dù vậy, ông ủng hộ một số cải cách của Thái tử Saudi Arabia như cho phép phụ nữ lái xe./.


Nguồn: Wikipedia /  Người Việt Forum

Saturday, October 20, 2018

Sentimental Saxs - Lê Tấn Quốc - SaiGon Audio CD




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10

(sưu tầm từ internet)

Chống thuốc lá ở Việt Nam: Cuộc chiến dằng dai





Mời quý vị nghe phần phỏng vấn bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, giám đốc Việt Nam của Health Bridge Canada, một tổ chức rất tích cực trong việc chống hút thuốc tại Việt Nam.

Theo Điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá (Global Adult Tobacco Survey - GATS  2015), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới ở Việt Nam là 45,3%. Còn theo nghiên cứu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Hút thuốc là nguyên nhân thứ hai gây ra các bệnh tim mạch, chỉ đứng sau nguyên nhân tăng huyết áp. Đặc biệt, có đến 30% trường hợp tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ việc tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Điều này cho thấy thuốc lá là một vấn đề sức khỏe công cộng của toàn xã hội, chứ không riêng gì người hút.

Trong thời gian qua, chính quyền Việt Nam đã có những nỗ lực chống nạn hút thuốc lá, qua việc phê chuẩn Công Ước Khung về Kiểm Soát Thuốc Lá, ban hành Luật Phòng Chống Tác Hại của Thuốc Lá và cho phép thành lập Quỹ Phòng Chống Tác Hại của Thuốc Lá. Nhưng những biện pháp được thực hiện cho đến nay chưa đem lại kết quả mong muốn.

Hôm nay, mời quý vị nghe phần phỏng vấn bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, giám đốc Việt Nam của Health Bridge Canada, một tổ chức rất tích cực trong việc chống hút thuốc tại Việt Nam.

( Trích phỏng vấn BS Phạm Thị Hoàng Anh )

RFI : Thưa bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, hiện nay, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam là khoảng bao nhiêu ? Những nguyên nhân nào khiến cho tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam cao như thế ?

Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh : Theo Điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá (GATS 2015), ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, nữ giới là 1,1%. Tính trên dân số thì số người hút thuốc ở Việt Nam là khoảng 15,6 triệu. Kết quả cũng cho thấy là có khoảng 28,5 triệu người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và có 5,9 triệu người tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc tại nơi làm việc.

RFI : Thưa bác sĩ, vì sao số người hút thuốc lại cao như thế ? Phải chăng một trong những nguyên nhân là giá thuốc lá ở Việt Nam còn rẻ so với thu nhập của người dân ?

Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh : Thứ nhất là trong một khoảng thời gian rất dài, người dân Việt Nam rất thiếu thông tin về tác hại của thuốc lá. Trong thời gian chiến tranh và nhất là vào thời bao cấp, chính phủ còn bao cấp, phân phối thuốc lá như là một mặt hàng chiến lược.

Lý do thứ hai là chúng ta thiếu những chính sách hiệu quả trong một thời gian rất là dài. Chính là do thiếu thông tin về tác hại thuốc lá, chính phủ ít quan tâm đến vấn đề này. Về giá thuốc lá trong một thời gian dài do chúng ta không tiếp cận với thị trường bên ngoài, trong thời gian cấm vận, các xí nghiệp trong nước chủ yếu là sản xuất các thuốc lá tự sản và tự tiêu tại chỗ, giá lúc ấy rất là rẻ, dễ mua.

Sau này, khi mở cửa, Nhà nước cũng không ý thức được sự nguy hiểm của sản phẩm này cho nên các công ty thuốc lá là một trong những công ty nhận được các giấy phép đầu tiên ở Việt Nam, khi Việt Nam thoát khỏi cấm vận. Trong một thời gian rất nhanh chóng, họ đã triển khai các chiến lược về quảng cáo, cho nên trong một thời gian dài, việc quảng cáo rất phổ biến.

Về hút thuốc nơi công cộng thì người dân hầu như không coi đấy là một hành vi bất bình thường, một điều bất lợi cho cá nhân mình, mà coi đó là chuyện bình thường.

Thứ ba là khi đã có luật rồi thì chúng ta thực thi chính sách còn yếu, còn khó khăn, do sự phổ biến cũng như sự chấp nhận dễ dàng của xã hội, nhất là về việc hút thuốc nơi công cộng.

Một lý do nữa, đó là sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Họ luôn luôn cưỡng lại những mong muốn của y tế công cộng xây dựng những chính sách mạnh như về thuế và về giá. Vì thế giá thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ và thuốc lá trong một thời gian đã được quảng cáo rất là rộng rãi.

Sau này việc quảng cáo đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng những sự lách luật của ngành công nghiệp thuốc lá để quảng cáo thì vẫn phổ biến. Hiện nay, tuy thuốc lá không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tại các điểm bán, việc kiểm soát cấm quảng cáo thuốc lá vẫn không được thực hiện và sự vi phạm rất là phổ biến.


Nguồn: RFI / Thanh Phương (đăng ngày  08/10/2018)

Wednesday, October 17, 2018

Chỉ có ở Venezuela: Nghề xa xỉ làm túi xách bằng tiền giấy

Uớc gì tôi mua đuợc túi xách xếp bằng tiền Bolivar làm kỷ niệm 😊




Siêu lạm phát đã tàn phá nền kinh tế Venezuela, và tiền giấy bolivar cũ gần như mất giá hoàn toàn. Nhưng với một số nghệ sĩ đầy sáng tạo, những tờ tiền vô giá trị này thực sự là cơ hội kinh tế.

Sự sụp đổ của đồng tiền Venezuela đã phá hủy nền kinh tế nước này, đẩy hàng triệu người dân vào tình trạng đói nghèo cùng cực.

Những nghệ sĩ như Edison Infante, 23 tuổi, biến những tờ tiền vô giá trị của quốc gia mình thành một loại tài sản, bằng cách đan những tờ tiền giấy thành ví và túi xách.

Giống hàng triệu người khác, họ phải rời bỏ làng quê. Giờ đây họ làm việc ở thành phố biên giới của Colombia có tên Cúcuta để nuôi gia đình ở nhà.

Nghệ thuật của họ đã thu hút hàng triệu người mua từ khắp Colombia và trên thế giới - vì tính biểu tượng siêu thực về một nền kinh tế sụp đổ.



Những chiếc túi xách có thể làm từ hơn một ngàn tờ tiền, tương đương chỉ một vài xu đô la Mỹ.

Những tác phẩm này được bán với giá từ 7 - 15 đô la Mỹ, vừa đủ tiền để nuôi ăn cả nhà trong ít nhất hai tuần ở Venezuela, Infante cho biết.

Siêu lạm phát đã làm bốc hơi tài khoản tiết kiện và hủy hoại tiền lương của người Venezuela.



Mỗi ngày hàng chục ngàn người Venezuela qua biên giới đến Cúcuta, một thành phố nằm ở biên giới phía tây Venezuela, cách Caracas 680km về hướng Tây Nam. Họ băng qua biên giới làm việc để có tiền mua thực phẩm khan hiếm tại nhà, hoặc di cư qua phần Nam Mỹ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán mức lạm phát hàng năm của Venezuela sẽ lên tới 1.000.000% cuối năm nay.

Trong nỗ lực kiềm chế tình trạng lạm phát phi mã, chính phủ vừa tạo ra một loại tiền tệ mới - đồng bolivar chủ quyền - trị giá bằng 100.000 đồng bolivar cũ. Nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy cơn khủng hoảng chậm lại, và các nhà phê bình nói loại tiền này có thể khiến tình huống tồi tệ hơn.


Tại biên giới Venezuela, người đổi tiền chợ đen ngồi canh chừng những túi nhựa chất đầy những tờ bolivar mệnh giá 20.000, 50.000 và 100.000 - loại tiền bolivar chủ quyền mới chưa có mặt tại Cúcuta vào thời gian thực hiện bài viết.

Mỗi ngày, hàng ngàn người Venezuela trở về nhà sau ngày làm việc ở Colombia, đổi một nắm tiền xu lẻ thành hàng cọc tiền trên đường về nhà.


Các tờ tiền cũ với mệnh giá thấp hơn bị coi như là rác thải, như đồng 10 bolivar được in năm 2011, đồng 100 bolivar được in năm 2015 và đồng 1.000 bolivar in 2016.

Các nghệ sĩ mua lại số tiền này với số lượng lớn, giá khoảng một đô la Mỹ hoặc hơn cho một thúng tiền, nhiều hơn trị giá thật hiện nay của các tờ tiền này. Ở đây, Jorge Corderos đang chia lại nguyên liệu làm nghệ thuật của anh, chú ý là anh chia làm các túi mệnh giá từ 2 đến 5 bolivar.

"Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ sử dụng một đồng 5.000," anh cho biết.


Cordero học kỹ thuật gấp giấy thành chuỗi và sau đó dán lại từ hồi anh ở tù ở Venezuela.


Kỹ thuật này có thể áp dụng với bất cứ loại chất liệu bỏ đi nào như tạp chí, giấy gói kẹo hay vỏ gói thức ăn.

Tiền giấy là loại chất liệu quá xa xỉ, anh cho biết: chịu nước, trơn và rất chắc.


Với Infante, các túi tiền bolivar như một ân huệ mà họ có được trong thời điểm khó khăn. Sự mới mẻ của các loại trang sức làm từ tiền và mối liên hệ thời sự của chúng đồng nghĩa với việc anh có thể sống khá ổn trong khi rất nhiều người Venezuela khác khổ sở đi bán kẹo hoặc làm thuê.

Chỉ cần bán một món mỗi ngày, Infate đã có thể sống được. Mọi người từ Bogota đã đến mua số lượng lớn để bán lại ở thủ đô của Colombia. Người Mỹ và người Ý cũng mua nhiều túi xách gấp từ tiền bolivar của Infante để mang về nhà.

Infante hy vọng nghề thủ công có thể giúp anh thoát khỏi vùng biên giới khó khăn và đến thành phố lớn kiếm nhiều tiền hơn, như Bogota ở Colombia hay Lima ở Peru. Nhưng hy vọng thật sự của anh, như anh bày tỏ, là một ngày nào đó được trở về sống ở một Venezuela yên bình.

Nguồn: BBC Capital / Dylan Baddour (đăng ngày 15 tháng 10 2018)

Saturday, October 13, 2018

Các nhạc khúc mừng lễ đầu năm của sắc tộc Chàm




Mời bạn nghe cuộc trò chuyện giữa RFA Thy Nga với ca sĩ Chế Linh


Thời xa xưa từng có vương quốc Chiêm Thành nhưng rồi bị người Việt tràn xuống chiếm lĩnh, dân Chàm bị phân tán.

“Hận đồ bàn” nhạc phẩm của Xuân Tiên qua giọng hát Việt Ấn diễn tả cảnh nước mất nhà tan … Theo số liệu thì hiện nay, có khoảng tám chục ngàn người gốc Chàm vẫn sống ở miền Trung Việt Nam, bốn chục ngàn ở vùng Châu đốc, Tây Ninh và Saigon. Bên Campuchia thì có cộng đồng hơn 270 ngàn người gốc Chăm.

Từ biến cố tháng Tư 1975, lối chừng 15 ngàn người gốc Chàm sang Thái Lan tỵ nạn. Hiện, ở quanh Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, có cộng đồng trên 10 ngàn người Chàm; 2 ngàn ở Mỹ; khoảng 400 ở Canada; cũng 400 ở Úc; và 1500 người ở Tây Âu.

Trong nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc, mà một trong các việc cần phải thể hiện, là cử hành những lễ hội truyền thống của sắc dân mình, người Chàm đang sửa soạn lễ đầu năm.


“Ginang Saranai” hòa tấu …

Theo Chăm lịch thì ngày đầu năm nay nhằm 19 tháng Tư dương lịch nên chương trình kỳ này, Thy Nga xin dành cho các ca khúc Chăm, mời quý vị cùng nghe để góp vui với sắc dân Chàm các nơi …

cái lễ hội này gọi là “Ri chà nư cơl aro akó thul tức là lễ mừng đầu năm. Lễ hội này là mừng đón năm mới và giải trừ những phiền muộn, thất thóat, lo âu, cãi vã, tranh tụng, v.v… thuộc về năm cũ.

Trong giới nghệ sĩ Việt Nam, Thy Nga biết chắc chắn là Từ Công Phụng và Chế Linh gốc Chàm. Lâu nay, Chế Linh xúc tiến mạnh mẽ công cuộc giữ gìn và phát huy văn hóa Chăm nên Thy Nga hỏi chuyện anh. “Dạ thưa Chị, cái lễ hội này gọi là “Ri chà nư cơl aro akó thul tức là lễ mừng đầu năm. Lễ hội này là mừng đón năm mới và giải trừ những phiền muộn, thất thóat, lo âu, cãi vã, tranh tụng, v.v… thuộc về năm cũ.

Chủ lễ này cúng vái và cầu nguyện rồi đem xuống giòng nước thả trôi bằng một cái bè nhỏ, ý như muốn mượn giòng nước để tẩy gội sạch những gì xấu trong năm cũ .Mùng 1 tháng Chăm lịch rơi vào tháng Ba, tháng Tư dương lịch, không nhất định.

Những món ăn chính trong ngày lễ này gồm có cá, gà, vịt, dê, rau cải, v.v… không có thịt bò, cũng không có thịt heo vì người Chăm chúng tôi có 2 đạo: đạo Chăm cữ thịt bò, chết thì thiêu. Đạo Bà Ni cữ thịt heo, chết rồi chôn.

Chủ lễ chính của buổi lễ này là ông Ing chuyên cúng vái để truyền đến những thần linh, rồi nhảy múa nghinh đón vị Đô đốc Hải quân, và vinh danh các vị anh hùng đã có công trong lịch sử Champa.

Lễ đầu năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức tại Sacramento vào ngày 22 tháng Tư tới đây. Bà con các nơi đổ về dự lễ hội. Làm giống hệt như bên Việt Nam, là cất lên cái rạp lớn đề ăn mừng.”

Thy Nga: Sacramento là nơi qui tụ đông nhất người Chăm đến định cư ở Hoa Kỳ, phải không ạ. Tôi cũng được biết là năm ngoái, tại đó có tổ chức Trại Hè Thanh niên Champa, sinh hoạt rất đông vui. Hình ảnh trên trang web Bingu Champa.

Chế Linh: “Bingu” là “hoa”. “Bingu Champa” là “Hoa Champa” trang web này do chúng tôi chủ trương, ý muốn nói là những người Chăm, chúng tôi mong họ như là những đóa hoa góp phần làm văn hóa dân tộc. Thy Nga: Tôi nghe nói là ban nhạc dân tộc Chăm được thành lập vào năm 1983 tại Paris và do anh hướng dẫn, trình diễn tại một số quốc gia, xin anh cho biết thêm chi tiết.
Chế Linh: Ban nhạc này, chúng tôi thành lập với mục đích đi sâu hơn trong giới trẻ Chăm và Việt để hiểu rõ văn hóa và nghệ thuật Chăm rất phong phú. Thế nên, chúng tôi nuôi dưỡng ban nhạc ấy để phổ biến, đem văn hóa nghệ thuật Chăm đi gần gũi với văn hóa nghệ thuật của các dân tộc khác. Chúng tôi cũng đã đi Pháp, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Mã Lai, Úc, bây giờ là bên Mỹ nhiều hơn.

Thy Nga: Ban nhạc sử dụng các nhạc cụ, nhạc khí nào?

Chế Linh: Nhạc cụ nhạc khí truyền thống của chúng tôi có Ginang (trống đôi, hai người đánh), Pinừng (trống ôm trong lòng ngực), Saranai (kèn), cheng, khèn, lục lặc, chứ không có một nhạc cụ nào của Tây phương cả, và cái chính là đàn Tr’ưng.

Thy Nga: Nghe nói đến đàn Tr’ưng là tôi nhớ lại nhạc sĩ Nguyễn đình Nghĩa đã từ trần. Được biết anh đã cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Champa?

Chế Linh: Thưa phải, từ trước 1975 lận. Chúng tôi cũng đã gắn bó với nhau để tìm những âm thanh lạ, nhạc cụ lạ để đưa vào văn hóa nghệ thuật Việt. Khi ra nước ngoài, chúng tôi vẫn còn đeo đẳng. Hai anh em đã đi nhiều quốc gia nhưng mà rất tiếc, anh qua đời quá sớm!

“Urang Nao” (Người đi) … Lời ca diễn tả hoàn cảnh cô gái trông chờ tình lang đi biền biệt

Thy Nga: Xin anh cho biết là cuốn CD nhạc dân gian Chăm phát hành cách nay vài năm, đã được phổ biến ra sao?

Chế Linh: Nhạc cụ nhạc khí truyền thống của chúng tôi có Ginang (trống đôi, hai người đánh), Pinừng (trống ôm trong lòng ngực), Saranai (kèn), cheng, khèn, lục lặc, chứ không có một nhạc cụ nào của Tây phương cả, và cái chính là đàn Tr’ưng.

CD nhạc dân gian Chăm đã được Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp cũng như chính phủ Malaysia tài trợ sản xuất, ra mắt năm 2000 tại Kuala Lumpur. CD này được phổ biến bằng cách gửi cho tất cả các quốc gia chứ không bán.


Bản 1 - 7


Bản 8 - 14

Nora xin gửi CD đến các bạn nghe cho biết


Trong cuốn CD đó, chỉ mình tôi hát. Có lẽ nay mai, sẽ có một số những CD của các giọng ca, các nhạc sĩ người Chăm viết bài tiếng Chăm.

Thy Nga: Chương trình “Radio Sắp Chăm” tại Phnom Penh hoạt động thế nào?

Chế Linh: “Radio Sắp Chăm” tại Phnom Penh ở Campuchia do các em sinh viên thanh niên Chăm ở đó lập ra từ năm 2004. Chương trình 4 ngày / tuần nói bằng tiếng Chăm cho bên Việt Nam và các vùng lân cận nghe. Trên thế giới thì chúng tôi dự tính cũng sẽ phát thanh như vậy và có khoảng 2 tiếng đồng hồ.

“Katha Daok Cham” (bài ca Chăm) nói lên tâm tình của đôi trai gái yêu nhau nhưng bị cấm đoán vì khác đạo. Theo như anh Chế Linh cho biết thì dân tộc Chăm có hai đạo: đạo Chăm và đạo Bà Ni, đội khăn khác nhau. Đôi trẻ yêu nhau, mong làm sao chập hai khăn lại để cùng đắp.

Thy Nga xin chúc các bạn người Chăm khắp nơi vui thiệt nhiều vào dịp lễ Ró kó thul, và mến chúc những kẻ yêu nhau mau chóng đạt mộng ước chập được hai khăn lại để đắp chung.

“Katha Daok Cham” (bài ca Chăm) …

Nguồn: © 2007 Radio Free Asia / Thy Nga, phóng viên đài RFA


Friday, October 12, 2018

Dạo phố Ulaanbaatar, Mongolia

Trong video clip có nói về Thành Cát Tư Hãn . Mời bạn xem

Thursday, October 4, 2018

Mối tình kỳ lạ của nữ danh ca Bạch Yến

Mối duyên tình với Trần Quang Hải khiến Bạch Yến chuyển từ một ca sĩ hát nhạc Tây phương sang hát nhạc dân tộc

Bạch Yến sinh năm 1942, là một trong những danh ca của Sài Gòn trước 1975. Bà được biết đến như một nghệ sĩ thực thụ với những ca khúc tân nhạc Việt Nam và nhạc ngoại quốc từ khi còn là một cô bé.

Bạch Yến được biết đến như một nghệ sĩ thực thụ với những ca khúc tân nhạc Việt Nam và nhạc ngoại quốc từ khi còn là một cô bé

10 tuổi, bà giành huy chương vàng cuộc thi tuyển lựa những giọng ca nhi đồng do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức và sau đó được mời cộng tác với ban ca nhạc nhi đồng của Đài. Năm 15 tuổi, bà bắt đầu được khán giả chú ý với ca khúc Đêm đông của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Năm 21 tuổi, Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn và trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình truyền hình Mỹ vào đầu năm 1965. Bà là người đại diện cho Việt Nam tham gia Environment Show - chương trình ăn khách nhất của nước Mỹ thời ấy và biểu diễn cùng nhiều danh ca, ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Bob Hoge, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones… Ngoài tiếng Việt, bà có thể hát tốt các bản nhạc tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Do Thái.

Năm 1978, bà lập gia đình với nhạc sĩ Trần Quang Hải, con trai của Giáo sư Trần Văn Khê và định cư tại Pháp. Tình yêu và sự đồng cảm, sẻ chia với chồng đã giúp bà thêm thăng hoa trong âm nhạc. Trong 30 năm qua, bà cùng chồng đi khắp thế giới để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Hiện Bạch Yến đang ấp ủ thực hiện một liveshow lớn của vợ chồng bà sau Tết Nhâm Thìn tại Việt Nam.

Danh ca Bạch Yến (Ảnh NS cung cấp)

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, giọng ca từng làm mưa làm gió khắp các sân khấu ca nhạc trong và ngoài nước những năm 60 vẫn giữ được sự trẻ trung, tươi tắn và phóng khoáng. Nhấp ly trà chanh trên quán cà fe phố cổ, trong lần về nước biểu diễn dịp cuối đông, danh ca Bạch Yến cười tình tứ khi chia sẻ với phóng viên mối tình lãng mạn, kỳ lạ và cuộc hôn nhân “siêu tốc” với nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - Giáo sư Trần Quang Hải…

Lần tái ngộ định mệnh tại Paris

Năm 1965, kết thúc khóa học tại Pháp, danh ca Bạch Yến được mời qua Mỹ tham gia chương trình truyền hình The Ed Sullivan show - chương trình ăn khách nhất của Mỹ vào thời ấy. Và bà cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong chương trình này, biểu diễn cùng nhiều danh ca, ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Bob Hoge, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones… Hợp đồng của Bạch Yến với chương trình Ed Sullivan chỉ kéo dài trong vòng 12 ngày, song nhiều hoạt động khác đã níu chân cô ca sĩ ở lại Mỹ đến 12 năm (1965-1978).

Sang Mỹ một thời gian, Bạch Yến mất liên lạc với mẹ ở Việt Nam. Sau nhiều lần tìm kiếm mẹ không được, Bạch Yến cảm thấy rất buồn với cuộc sống lưu lạc trên đất Mỹ. Bà thường đi du lịch cho khuây khỏa. Năm 1978, trong lần sang Paris nghỉ Bạch Yến có đến xem chương trình Đại nhạc hội Pháp.

“Lần ấy, tôi muốn tìm gặp một số bạn bè Việt Nam cũ đang sống tại Paris nên cố tình mặc tà áo dài truyền thống, trang điểm thật đẹp, đứng ngay lối cửa đi vào rạp hát để gây sự chú ý. Bỗng nhiên tôi thấy một người đàn ông dắt theo một bé gái nhỏ đi rất nhanh về phía mình rồi chào và ôm hôn hai má. Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi: “Anh có biết tôi là ai không?”, người đó trả lời: “Là ca sĩ Bạch Yến chứ ai!”, Bạch Yến bồi hồi nhớ lại. Bà nói may mà người đó nói đúng tên chứ không thì bà sẽ ngó lơ, không tiếp chuyện. Còn về phía Bạch Yến, nhìn khuôn mặt người đó bà đã nhận ra con trai của cụ Trần Văn Khê, nhạc sĩ Trần Quang Hải.

Danh ca Bạch Yến bên chồng, nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - Giáo sư Trần Quang Hải

Sở dĩ bà nhận ra Trần Quang Hải là vì trong những ngày đầu cùng mẹ đặt chân tới Pháp học cách hát của Tây phương, tình cờ có gặp Giáo sư Trần Văn Khê. Lần đó Giáo sư Trần Văn Khê chỉ tay về phía một thư sinh gầy gò giới thiệu: “Kia là con trai tôi!”. Thời điểm ấy, Trần Quang Hải mới chỉ là cậu thiếu niên 17 tuổi còn Bạch Yến đã là một danh ca nổi tiếng. Khoảng cách giữa họ quá xa và Bạch Yến không có ấn tượng gì về cậu thư sinh ốm nheo nhắt ấy…

Bạch Yến cho rằng cuộc tái ngộ tại Paris là “duyên tiền định”, sau gần 20 năm “người bạn cũ” đầu tiên Bạch Yến tìm thấy lại là Trần Quang Hải. Người đàn ông đứng trước mặt bà không còn vẻ non nớt, trái lại toát lên sự tự tin, hoạt bát và đầy vững chãi. Trần Quang Hải lúc này đã ly dị vợ, sống cùng con gái 5 tuổi còn Bạch Yến ở cái tuổi 36 đang đứng trên đỉnh vinh quang của nghề hát, có nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhưng…vẫn cô đơn.

Ngỏ lời cầu hôn sau…24 giờ gặp gỡ

Bạch Yến thổ lộ cho đến giờ bà vẫn nhớ như in lần gặp gỡ định mệnh tại Paris năm 1978. Sau lần gặp gỡ đó, hai người có cuộc hẹn ăn cơm vì Bạch Yến muốn nhờ Trần Quang Hải dịch giúp vài câu để bà có thể giao lưu với khán giả Pháp trong đêm Đại nhạc hội sắp tới mà bà được mời biểu diễn. Chính cuộc hẹn này đã khiến bà để ý tới người nhạc sĩ không mấy tiếng tăm nhưng kiến thức sâu rộng về âm nhạc dân tộc cũng như khiếu hài hước.

Cả hai đã cười rất nhiều trong cuộc hò hẹn đầu tiên và chưa đầy 24 giờ kể từ khi gặp lại, Bạch Yến đã nhận được…lời cầu hôn của Trần Quang Hải. Tưởng vị nhạc sĩ nói đùa, bà cũng gật đầu: “ok!” Chỉ đến khi ông tự đặt 400 thiếp mời và gửi hết tới bạn bè trong vòng một tuần mới khiến bà bất ngờ, vừa xúc động vừa buồn cười lại cảm thấy khó xử.

Bạch Yến (phải) và nhạc sĩ Trần Văn Trạch, em trai Giáo sư Trần Văn Khê (Ảnh tư liệu)

“Tôi nghĩ cả hai đùa ghẹo nhau thôi, không ngờ ông ấy làm thật khiến tôi “đâm lao rồi phải theo lao”. Ngỏ lời cầu hôn sau 24 giờ và làm đám cưới sau…2 tuần, mọi chuyện thật đường đột”, Bạch Yến cười. Thời trẻ, bà được nhiều người đàn ông theo đuổi, người Việt cũng có mà người ngoại quốc cũng có nhưng đều không đi đến đâu. Nhiều ông chủ ngoại quốc giàu có chạy theo tán tỉnh nhưng bà từ chối vì chỉ thích lấy chồng Việt cùng chung nguồn cuội và tiếng nói. Một vài lần, bà cũng trao trái tim cho người Việt nhưng họ lại làm bà khổ. Bà khước từ vài lời cầu hôn vì sợ người đàn ông đến với mình bởi nhan sắc và ánh hào quang trên sân khấu.

Chính vì trải qua vài lần lỡ dở trong chuyện tình cảm nên trước ứng xử vừa táo bạo vừa thành thật của vị nhạc sĩ nghèo và không mấy tiếng tăm này cũng khiến bà bối rối. Cuối cùng bà tặc lưỡi, sẽ ở lại cùng ông mấy tháng tại Paris sau đó sang Mỹ biểu diễn tiếp theo hợp đồng. Bà tự trấn an, một đám cưới chưa có giấy đăng ký kết hôn thì việc chia tay cũng dễ dàng!

Vậy là tính từ hôm họ gặp nhau sau gần 20 năm đến hôm tổ chức hôn lễ là tròn 15 ngày. Hôm đó, Trần Quang Hải bí mật mượn nhà người bạn chuẩn bị tiệc cưới nhỏ với rượu, ít bánh ngọt và trái cây. Đám cưới quá giản dị nhưng đầm ấm, rộn tiếng cười với sự tham dự của nhiều bạn bè nghệ sĩ. Quà cưới tặng đôi tân lang tân nương cũng đậm giá trị về tinh thần như một bức tranh, một bài hát, vài khúc thơ tình tứ… Nhưng ấn tượng nhất với Bạch Yến là ca khúc Tân hôn dạ khúc, Trần Quang Hải sang tác tặng vợ mới cưới trong ngày hôn lễ. “Tối hôm nay ngày vui chúng mình/ Hát bên nhau hạnh phúc dạt dào/ Từ nay, từ nay vui sống trăm năm/ Ước mơ nay tình yêu đã thành/ Hứa cho nhau dù bao khổ sầu/ Gần nhau, gần nhau nguyện sống bạc đầu”…

Quyết định làm đám cưới sau 24 giờ gặp gỡ, giờ Bạch Yến và Trần Quang Hải đã ở bên nhau được hơn 30 năm

“Theo chồng…bỏ cuộc chơi!”

Đám cưới của Bạch Yến và Trần Quang Hải tại Paris không chỉ đường đột với người trong cuộc mà ngay cả với Giáo sư Trần Văn Khê cũng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Khi con trai thông báo về đám cưới, Giáo sư Trần Văn Khê đang ở TP. Hồ Chí Minh và sau này khi được con dâu hỏi, ông nói thật “ tưởng hai đứa đã có gì với nhau rồi nên mới vội vàng tổ chức đám cưới”.

Nữ danh ca chia sẻ, sau đám cưới càng khám phá tìm hiểu bà càng cảm thấy con người Trần Quang Hải nhiều thú vị và càng say đắm ông hơn. Và đám cưới “siêu tốc” của hai người đã kéo dài hơn 30 năm khiến nhiều bạn bè không khỏi vị nể, ghen tị. Trong quãng thời gian gắn bó, tất nhiên cũng giống như bao cặp vợ chồng khác, Bạch Yến và Trần Quang Hải không tránh khỏi những bất đồng, mâu thuẫn. Tuy nhiên những cãi cọ nhỏ không đủ làm hôn nhân rạn nứt mà càng tăng thêm dư vị trong tình yêu.

Trong mắt Bạch Yến, Trần Quang Hải vừa là người thầy vừa là người tri kỷ trong âm nhạc. Ở bên ông, bà thấy cuộc sống nhiều niềm vui, lạc quan và đầy lãng mạn. Ông cũng rất quan tâm, tôn trọng vợ. Bạch Yến kể, ông để bà đi thăm bạn cũ một mình mà không bao giờ thể hiện sự ghen tuông khó chịu.

Sống trên đất Pháp nhưng vợ chồng Bạch Yến vẫn giữ phong tục Việt, mỗi khi Tết đến hai người háo hức chuẩn bị

Về phía Bạch Yến, thành thật mà nói, bước vào cuộc sống hôn nhân bà đã từ bỏ nhiều ánh hào quang để trở thành người vợ đúng nghĩa. Bà học hỏi tập nấu từng món ăn thuần Việt, dọn dẹp nhà cửa và thích nghi với “tật bày bừa” của chồng. Không thể sinh con, bà tự nguyện đón con gái 5 tuổi của Trần Quang Hải về nuôi dưỡng. Người đời vẫn nghi kỵ “mấy đời bánh đúc có xương…” nhưng với trường hợp của Bạch Yến, bà đã dạy dỗ con gái chồng như con đẻ của mình. Ở nhà, Bạch Yến dạy con hoàn toàn là văn hóa Việt, phong tục tập quán Việt. Con gái Trần Quang Hải cũng đã hơn 40 tuổi, có bằng tiến sĩ, lập gia đình có con…

Hơn 30 năm vẫn hưởng “cuộc sống vợ chồng son”

Giờ ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, đã lên chức ông bà ngoại nhưng Bạch Yến – Trần Quang Hải vẫn hưởng cuộc sống ngọt ngào của đôi tình nhân trẻ. Ngoài thời gian cùng nhau rong ruổi khắp các nước để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam, Bạch Yến cùng chồng khoác ba lô đi du lịch nhiều nơi. Họ vẫn tặng nhau những món quà dịp đặc biệt, vẫn trao nhau nụ hôn lãng mạn bên bờ hồ hay nắm chặt tay nhau khi đi xem phim ở rạp…


Nhìn Bạch Yến với nụ cười rạng rỡ, làn da vẫn hồng hào căng mịn, diện quần bò, áo hở cổ, nếu gặp lần đầu ít ai dám nghĩ bà đã bước sang cái tuổi 70. Phủ nhận chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, nữ danh ca bật mí bí quyết kéo dài tuổi thanh xuân chính là cuộc sống nhiều niềm vui, đời sống hôn nhân tình tứ, thăng hoa cả trong tình yêu và âm nhạc. “Ở cái tuổi này, đừng nghĩ cả hai vợ chồng tôi không còn người theo đuổi nhé. Luôn tạo sự hấp dẫn trong mắt nhau cũng là một trong những bí quyết của nghệ thuật giữ lửa”, nữ danh ca hóm hỉnh.

Dù ở cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng Bạch Yến - Trần Quang Hải vẫn hưởng cuộc sống hôn nhân tình tứ, nhiều niềm vui và lãng mạn (Ảnh: Blog GS Trần Quang Hải)

Nguồn: Dân Trí / Nguyễn Hằng