Wednesday, August 31, 2022

Vũ Điệu Li Băng rất đẹp

Mời Quý khách bấm lên youtube xem Vũ Điệu Li Băng đẹp mê mẩn



Bonus 😊

Chiếc bật lửa đầu thế kỷ 1800

Mời Quý khách bấm lên twitter xem "Chiếc đèn thần" trong chuyện cổ tích Aladin 😊💗

Tuesday, August 30, 2022

Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên - Tình Nhớ CD17




Bản 1 - 5


Bản 6 - 11


(sưu tầm từ internet)

Elaine, Trọn Đời yêu Em - Tình Đặc Biệt CD4




Bản 1 - 5


Bản 6 - 11


(sưu tầm từ internet)

Tình Khúc Tango Chachacha - Dạ Lan CD4




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

The Jimmy Show: Phượng Cầm - Ban Nhạc Nữ Duy Nhất Của Người Việt Hải Ngoại

Mời bạn bấm lên youtube để xem

Những Giọt Mưa Trên Vùng Đất Khô Cằn - Giao Thanh Phạm


Năm 1980 tôi bỏ vợ và cô con gái mới 13 tháng để đi vượt biên một mình. Chẳng biết vì may mắn ra sao mà tôi chỉ mất có hơn 4 tháng thì qua tới Mỹ. Cứ nghĩ, vào thời điểm ấy, chắc chẳng bao giờ còn gặp lại được vợ con. Thế là tôi nhắm mắt bắt đầu cuộc đời mới.

Qua Mỹ tháng 8, tháng 9 tôi cắp sách đến trường, vừa đi học vừa đi làm. Được đồng bạc nào gởi hết về Việt Nam cho vợ con, qua những thùng đồ cần thiết nhưng giản dị. Những tờ 100 đô cuộn thật chặt, bó bằng giấy bạc, bọc trong bao ny lông, nhét dưới đáy cây kem đánh răng, hoặc trong hộp bánh, hay trong cái khe hở của chiếc máy cassette giả trang, với những lời nhắn nhủ, “đồ kỷ niệm”, “quà sinh nhật cho con”… đừng bán.

Ai dè, lại may mắn thêm một lần nữa, hơn một năm sau thì nhận được điện tín vợ báo “Anh ơi, em và con được tàu Úc vớt, mang vào Singapore”. Thế là vừa mừng vừa lo, chạy cuống cuồng. Gia tài có độc nhất hai cái thùng giấy, một thùng đựng quần áo, một thùng đựng sách vở.

Vừa đi học, vừa đi làm bán thời gian, có nhiêu gởi về cho vợ con hết nhiêu, bên đây thằng chồng chỉ có trên răng dưới “bác”, ngay cả cái sổ nhà băng còn không có. Ăn thì ăn đường, ngủ thì ở cái shop may đồ gia công của mẹ thằng bạn. Trong túi chưa bao giờ có hơn mấy chục bạc.

Vợ con qua tới biết sống sao ? Ở đâu ? Không lẽ kéo nhau núp ở đâu cả ngày, chờ tối đến, shop may đóng cửa mới mò về “nhà” ?

Chân ướt chân ráo, qua Mỹ được hơn năm trời, mới học xong được 3 khóa, tín chỉ chưa được 50, bằng cấp thì không có, biết tính sao ?

Hồi mới bước chân vào trường Đại Học năm trước, có hai thằng kia nhỏ hơn tôi độ 2-3 tuổi, qua từ năm 1975 và đã đi học ở đây được gần hai năm. Chúng nó có xe, có nhà mướn, có việc làm bán thời gian nhưng cũng chưa được 5 đô/giờ. Hồi đó lương tối thiểu là $2.75/giờ. Hai thằng nó độc thân ky cóp giúp đỡ tôi, lúc thì ly cà phê, khi thì lon nước ngọt.

Một thằng, mẹ nó có cái shop may nho nhỏ, ban ngày thợ đến may, ban tối họ về, mẹ nó thương tình cho tôi ở đỡ không lấy tiền. Cái này là sai luật pháp nhưng liều vì không tiền, biết sao ? Cũng may ở đó có cái bồn tắm nhưng khổ cái là không có máy nước nóng. Mùa hè thì còn đỡ, mùa đông vừa tắm vừa nhảy. Chưa đầy vài phút nhảy ra chui ngay vào trong cái túi ngủ.

Khi được tin vợ con tôi chỉ mấy tuần nữa thì qua tới, chúng nó chạy lăng xăng như gà mắc đẻ. Đứa tìm nệm cũ, đứa tìm giường tủ, đứa xin được ít nồi niêu soong chảo, đứa khuân về bộ sofa lòi lò so, ngồi đâm đau cả đít …

Thằng Hải đến cái shop may tôi đang trú ngụ vào một buổi tối, lừng khừng mãi, mới loay hoay moi trong túi ra xấp tiền, run run nói : “Tao biết mày chẳng có tiền, mà vợ con thì sắp qua tới nơi. Tao để dành mấy năm nay được 2 ngàn rưởi, tao cho mày mượn dằn cọc mướn nhà, dư chút đỉnh chợ búa và mua sắm cho vợ con, còn ít thì phòng khi cần đến”.

Tôi đứng há miệng chết trân, chẳng biết nói gì. Cái thuở 1981 ấy hai ngàn rưởi nó to lắm. Giá một chiếc xe mới trung bình chỉ khoảng 6-7 ngàn. Tôi lại đang là cái thằng khố và áo, gom lại chưa đầy được cái thùng giấy. Công ăn thì nhiều, việc làm thì chưa có. Học hành chưa tới đâu, tương lai thì tối như mõm chó mực.

Số tiền ấy to lắm. Tôi với nó chẳng thân thích gì, chỉ biết nhau qua lại ở trường. Nó cho thằng trọc đầu vay tiền, thì có tóc hay chỗ nào để nắm mà đòi lại ? Và khi nào thì trả ?

Nó chẳng nói gì nữa, cầm nắm tiền dúi vào tay tôi rồi bỏ ra về. Tôi đứng ngẩn ngơ, nước mắt đoanh tròng mà đầu óc trống rỗng. Hai chữ "cảm kích" không đáng để diễn tả.

Hai tuần sau, chúng nó chạy đôn chạy đáo sau giờ học đi tìm nhà mướn dùm cho tôi. Chúng nó mới có tín dụng để xin mướn nhà, chứ như tôi, mướn cái chòi lá vẫn chưa đủ tư cách. Thằng Hải đi học cả ngày, buổi tối làm nghề đổ xăng trong phi trường quá nửa đêm mới về, thế mà sáng nào cũng cùng tôi đi lùng sục tìm nhà trọ. Rác rưởi thiên hạ bỏ đi, thì ba thằng lại khuân về cái tổ quạ cũ và dơ dáy nhất thành phố ấy cho thằng bạn trang điểm để đón vợ con.

Hơn tuần nữa vợ qua, tôi đi nhận nhà. Ba thằng xúm lại cuối tuần quét dọn, lau chùi và trang hoàng nhà cửa. Chúng nó khuân về cho mấy bao gạo, ít đồ khô, và mắm muối i như kiểu cha mẹ lo cho con trai lớn ra ở riêng.

Đến bữa ra phi trường đón, thằng Dũng chở tôi đi chờ chực cả tiếng đồng hồ mà không một lời phàn nàn. Làm xong thủ tục chở vợ chồng con cái tôi về nhà là nó biến ngay. Quay lại không thấy nó đâu, tôi mới chợt nhớ lời nó nói mấy hôm trước : “Vậy là từ nay chỉ còn hai thằng tao, mày về lo cho vợ con êm ấm nhé”. Giờ nhớ lại nghe buồn đứt ruột.

Ngày vợ đến, mặc dù tôi đã định cư ở Mỹ được gần 1 năm rưỡi trời, nhưng vì chúi đầu vào sách vở, nên chẳng có gì ngoài hai cái thùng giấy. Vợ bước vào nhà đứng khựng lại mấy giây ngỡ ngàng. Mãi sau này nàng mới kể lại : “Lúc ấy, em thất vọng quá, nhìn vô trong nhà, trống hốc trống hoác từ trước ra tới sau. Ngoài tấm nệm cũ đặt thẳng dưới nền nhà và cái ghế sofa rách rưới cũ kỹ ra, thì chẳng có gì. Em không nghĩ được là anh đã làm gì gần hai năm nay ?”. Sau này nàng hiểu rằng, thằng chồng cu ky, cút kít, cắm đầu đi học lo cho tương lai, nên mới thế.

Tình bạn giữa ba đứa chúng tôi không còn quá sâu đậm như hồi còn “độc thân” nữa vì giờ đã có “người khác” xen vào, nhưng nó lại có cái nhẹ nhàng sâu lắng của tình bạn chân thật ít có cơ hội gặp nhau vì chẳng bao lâu sau, chúng tôi chuyển trường, mỗi đứa một nơi.

Thế rồi, đường đời cứ vậy trôi đi, chúng tôi học xong, mỗi đứa dọn đi đến những vùng xa xôi hẳn, ít có cơ hội gặp lại. Cái món nợ hai ngàn rưởi đó tôi đã thanh toán xong ít lâu sau đó, nhưng cái ân tình đó tôi còn nợ đến tận thiên thu. Có lẽ chỉ khi nào từ bỏ cõi đời này thì món nợ ấy mới trả đủ. Mỗi khi có dịp ghé về California, tôi lại tìm gặp những người bạn xa xưa. Chúng nó giờ con cái đầy đàn, gia đình ấm êm hạnh phúc.

Chuyện cũ chẳng đứa nào nhắc lại bao giờ, nhưng riêng tôi thì có bao giờ quên được. Hôm nhận tiền trả nợ, Hải nói với tôi : “Ôi, ơn nghĩa gì, tình cảm trong đời nó phải như những giọt nước, bốc hơi bay lên trời, gom tụ đủ lại thì sẽ thành mưa, tưới xuống những mảnh đất khô cằn cho cây trái đơm bông”. Ghê thế đấy, cái triết lý của thằng nhóc qua Mỹ một mình mới hơn 20 tuổi đầu.

Những giọt nước đó, tôi vẫn chuyển giao đi đầu đủ, bằng hết sức mình, bởi cái tấm chân tình ấy hết đời này tôi cũng trả chưa đủ

Giao Thanh Phạm

Giấc mơ điên

Tạm gác lại những chuyện làm lụng vất vả thường nhật, hai anh em hẹn nhau đi chơi cho khuây khỏa đôi ngày để tích trữ năng lượng để quay về đối phó với thực tại phũ phàng nhất là về kinh tế chính trị.

Mới ngày đầu tiên anh Năm đi làm, đến chiều anh gọi than thở: "Con bà nó! Bây giờ thành phố niu dọt nó tính thuế kẹt xe bất kể dân ngoại thành hay nội thành. Co' mấy ông dân niu dọt thứ thiệt, lên radio chưởi thẳng ông thị trưởng và cái đám đái nát ăn hại đó".

Mình chỉ đành trả lời:
- Xem ra, lũ nó đang thực hiện vụ thuế khói c@rb0n t@x, nhưng lũ nó chơi chữ 'c0n9g€t1on t@x' mà thôi. Mình làm gì bây giờ?

Anh nín thinh hông nói nữa. Mình lặng trong suy tư thời thế bây giờ là thế, càng ngày càng thắt chặt đời sống của dân... Anh đánh tan nốt lặng của mình: "Bữa nay em có đi bầu không?".

- Bầu làm chi cho mệt, khi thấy kết quả năm 2020 như vậy. Riêng tiểu bang mình bầu thống đốc năm rồi, những con số nhảy cũng tương tự như năm 20. Đến 9 giờ tối kiểm phiếu ông bên Đảng Cộng Hòa thắng lớn. Thế mà ông dân chủ đang tại chức lúc nửa đêm ra nói "Chưa vội nhé!". Đến sáng hôm sau, ổng thắng với con số nhích chỉ đủ một chút xíu.

Nhắc vụ bầu hôm thứ ba 23 tuần rồi, mụ @0c thắng ở thành phố niu dọt với câu nói "xã hội chủ nghĩa thật tuyệt vời". Mi`nh thấy trên dá hù câu nói của mụ, đúng là một lũ ăn cướp. Thành phố niu dọt càng ngày càng điêu tàn, tiếc cho một thời huy hoàng của nó. Do đâu?

***

Cuối tuần anh Sáu gọi về cũng than "Con bà nó! Bây giờ miếng đất San Francisco đầy những người ăn xin lam lũ, đường phố toàn những trại là trại cắm dùi. Còn San Diego thì đầy những người bất hợp pháp, nó cướp phá móc túi giựt đồ giữa ban ngày ban mặt. Giờ thêm vụ cấm bán xe chạy bằng xăng, nó ép dân vào ngõ cụt. Thử nghĩ xem, chỉ có dân đi làm mới đóng thuế cho tiểu bang liên bang thì cần lái xe chứ những người ăn trợ cấp xã hội, xì ke thuốc phiện... thì họ cần chi đến những phương tiện xe cộ.

Mình cười cười bảo:
- Xem ra cá lì cũng đang trên đường 'tư bản giẫy chết'...

***

Một trong những người mướn nhà mình, bà bảo rằng, dưng không một năm rưỡi nay bà đổ bịnh liên miên, nào ung thư não, nghẽn mạch máu, tay chân run, thận đình công, bị cô dịt dật đến 4 lần cho dù đã chích 4 lần ... Mình nghe bà than hoài làm mình muốn bịnh theo bà, mà bà đâu có già bao nhiêu, chỉ trên 60 một chút thôi.

Ây da, mình nghe than phiền nhiều quá rồi mình không còn tâm tư để kể chuyện vân du cho anh và bạn nghe.

***

Đêm hôm qua mình có giấc mơ thật lạ kỳ, mình đang đi lên một ngọn núi cao đất trời xanh thẳm, mình có ghé vào một căn nhà nhỏ, nơi đó mình gặp Ông Phạm Duy và ca sĩ Duy Quang đang làm từ thiện để cứu rỗi càng nhiều người càng tốt. Sau đó mình đi ra ngoài và bơi ở một giòng sông trong vắt, bất chợt mình thấy từng đoàn vật khổng lồ như khủng long từ trong núi đi ra, những con thú con cá rất to hiện ra ... Những con vật khổng lồ đó đều về cùng một hướng. Dân trong xóm chạy ra xem cảnh tượng này, mình mới hỏi một bác đứng cạnh:
- Tại sao lại có những con thú khổng lồ này xuất hiện ở thời nay vậy Bác?

Bác bảo: Sắp tới, loài người sẽ có một cuộc đại diệt chủng ....

Mình trầm tư không sợ và đang tìm đường xuống núi. Đứng chênh vênh trên cao nhìn xuống vực sâu thẳm, chỉ thấy con đường như một nhánh cây khô vàng nâu gác bên mé vực giữa rừng núi mênh mông ... Chợt mình thức giấc.

Nằm trong bàng hoàng, nghĩ ngợi về giấc mơ, muốn qua phòng Phật thắp nén nhang, rồi viết vài giòng sẽ đầy đủ hơn, nhưng con số đỏ trên đầu giường bảo thời gian còn quá sớm.

Giờ đây gần trọn giấc mơ đã trôi theo giòng sông trong mộng...

(Ban đầu chủ đề của tâm tư này là "Thời xe điện đang đến". Gõ bàn phím một hồi, chủ đề biến thành "Giấc mơ điên" 😊)










Monday, August 29, 2022

Những Gì Còn Lại - Nhạc sĩ Tuấn Khanh


Trong đám tang của Chris Kyle, tay bắn tỉa lừng danh nhất nước Mỹ, qua đời năm 2013 ở Texas, người ta nhìn thấy chiếc xe tang đi qua một đoạn đường dài hơn 300 cây số mà suốt hai bên đường, luôn có người dân đứng vẫy cờ hoặc nghiêm chào tiễn biệt.


Đó là một hình ảnh xúc động hiếm có về cái chết của một con người. Chris Kyle làngười lính SEAL được ca ngợi như một thiên thần hộ mạng vì đã cứu cả trăm đồng đội của mình trên chiến trường Trung Đông nhờ tài bắn tỉa. Anh giải ngũ, trở về nhà và sau đó chết như một người lính.


Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, tức ngày 2/3/2018 tại Sài Gòn, đám tang của nhạc sĩ, đại tá Nguyễn Văn Đông cũng xuất hiện một cảnh tượng xúc động tương tự. Khi lễ di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai bảo ai, đã bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Thấp thoáng trong những hàng khác, cũng có những cá nhân im lặng đưa tay chào, không cần hiệu lệnh. Hầu hết đó là những cựu thiếu sinh quân VNCH cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân đã chào tiễn biệt ngài đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.


Hàng người đứng chào theo kiểu nhà binh trước đám tang của nhạc sĩ – đại tá Nguyễn Văn Đông, đem lại niềm xúc động lạ thường, tương tự như hình ảnh tiễn xe tang của Chris Kyle. Nhưng có lẽ còn đặc biệt hơn với câu chuyện Việt Nam, khi mọi thứ về con người và hệ thống của chính quyền miền Nam bị săn lùng, giam giữ và hủy diệt nhiều năm, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó, rồi bất ngờ hiển lộ.

Nhưng ngoài âm nhạc, vẫn còn đôi chuyện về đại tá Nguyễn Văn Đông chưa được nói hết. Bài viết này là những gì còn lại, chưa kể, sau cuộc tiễn đưa đó.

Đọc tiểu sử cá nhân sau năm 1975, người ta chỉ biết ngắn gọn rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đi trại tù của Nhà nước Bắc Việt trong 10 năm, và sau đó không đi Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operation). Đó là một chiến dịch nhân đạo do tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh nhằm giải thoát hàng trăm ngàn quân nhân cựu quân nhân VNCH bị đưa đi tù, dưới danh nghĩa cải tạo (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program). Mọi thứ về đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lâu nay vẫn được mô tả thoáng qua, y như cách mà báo chí Nhà nước đưa tin ông mất. Ấy vậy mà vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo vẫn còn bị khiển trách vì đã có thái độ trân trọng thái quá với một “sĩ quan ngụy”.

Năm 1975, ngay sau khi đại tá Nguyễn Văn Đông ra trình diện, dù được chính quyền quân quản tuyên bố là chỉ đi “học tập tư tưởng mới” trong vài tháng. Thế nhưng, sự thật sau đó là 10 năm dài tù đày ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Cho đến sau năm 1980 thì đưa về Chí Hòa. Đại tá Nguyễn Văn Đông được trả về nhà vào năm 1985 để được chết ở nhà, theo chính sách khoan hồng của cách mạng. Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể rằng khi chia tay ông 10 năm trước, bà vẫn còn nhớ hình dáng một người đàn ông gầy nhưng khỏe mạnh, để rồi khi nhận lại ông, thì lúc đó gần như chỉ là một cái xác, chỉ còn thoi thóp.

Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại rằng gia đình lúc đó chỉ còn đợi ngày để chôn ông, vì do ông mang quá nhiều căn bệnh cũng như thuốc men lại quá đắt đỏ và khan hiếm vào thời đó.

Rồi nhiều năm sau, ông sống lại như một kỳ tích, khỏe mạnh. Hai người im lặng sống trong căn nhà nhỏ chỉ có đôi vợ chồng già, không con cái, không nhiều sinh hoạt với xã hội. Bà Nguyệt Thu nói rằng cho đến nhiều năm sau khi ông được thả về, bà vẫn còn khả năng sinh con nhưng ông không còn có thể. Vì vậy hai người đã chọn sống cô đơn cùng nhau đến ngày chung cuộc.

Lời của bà kể như tiếng chuông chùa xa xăm về một nỗi đau không lời. Về với ông được 2 năm, thì bà bị chia cắt với đại tá bởi 10 năm tù không hề tòa án, cũng như không hề có lời giải thích. Khi được trả về nhà, thì ông đã như một phế nhân.

Bà nói rằng không muốn sinh con vì ông quá yếu. Nhưng cũng có thể bà không muốn có một đứa con, bởi cuộc sống như ác mộng mà bà và ông trải qua, nếu có đơm hoa kết trái thì chắc cũng không thể có được lúc tỏa hương.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đến trại Suối Máu ngay sau khi trình diện. Thực tế là trại này tên là trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các binh sĩ Bắc Việt chờ trao trả theo các thỏa ước. Tên Suối Máu là do các tù nhân sau năm 1975 gọi thành quen mặc dù bị quản giáo cấm. Bởi năm 1968, cuộc đột kích thất bại ở cứ điểm này, mà dân trong vùng mô tả máu dân thường và của hai bên Nam Bắc chảy như suối, từ đó mà thành tên.

Trại Suối Máu giam giữ khoảng 5000 người, chia làm năm trại theo ký hiệu K. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở K5.

Chỉ một năm ở trại này, do điều kiện giam giữ và ăn uống khắc nghiệt, không chỉ đại tá Nguyễn Văn Đông mang bệnh, mà rất nhiều người cũng đổ ra đủ thứ bệnh từ nội khoa đến ngoại khoa. Mà thuốc thì chủ yếu là một loại dược phẩm dân tộc được bào chế ở miền bắc có tên là Xuyên Tâm Liên. Bệnh gì cũng uống một loại ấy.

Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác giả của tác phẩm Đại Học Máu, đã kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bị mang bệnh ghẻ nhầy nhụa kỳ lạ, khiến cả mảng lưng của ông lở loét. Đã vậy nhiều chứng bệnh khác như đau bao tử, thấp khớp, huyết áp… ập tới hành hạ ông liên tục nhiều năm. Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em khiêng lên trạm xá được ít bữa thì y tá ở đó đuổi về. Lý do là ở bệnh xá không có thuốc điều trị, cũng như cho về thì khỏi mang trách nhiệm.

Nhà văn Hà Thúc Sinh viết rằng mấy người bạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khiêng ông ra hố nước để tắm lại sau nhiều ngày nằm liệt, như một cách giúp duy nhất có thể. Nhưng do phải đi lao động nên mọi người chỉ kịp nhìn thấy ông Nguyễn Văn Đông nằm sấp trên mặt đất, chứ không còn đứng nổi, cố múc nước rồi nằm quơ quào cố tắm rửa một mình như vậy.

Nói về sáng tác trong giai đoạn đó, đại tá Nguyễn Văn Đông đã cố giữ lại cảm hứng của mình trong những năm đầu bị tù, vì nghĩ rằng cùng lắm 2-3 năm gì đó sẽ ra. Nhưng rồi dần dần mọi thứ thui chột theo sức khỏe và niềm hy vọng. Ngay lúc bệnh đã nặng, nhưng phát hiện tù nhân Đỗ Văn Phúc là em họ của ca sĩ Duy Khánh cũng bị tù chung trại, ông đã vui đến mức sáng tác lại. Cảm mến giọng hát của người này mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng một bài hát để tặng, có tựa đề là “Sài Gòn trong trái tim tôi”. Tác phẩm này, giờ chắc đã tuyệt bút, chỉ còn được nhắc lại với đôi ba câu với những ai từng nghe qua như “Sài Gòn tiếc nuối không thôi, Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi. Ôi, Sài gòn trong trái tim tôi…”

Năm 1985, khi khiêng ông về nhà, bà Nguyệt Thu nói rằng không nghĩ ông sống qua được năm đó. Sự tuyệt vọng tràn ngập đến mức khi nhận được hồ sơ ghi danh đi chương trình H.O ngay trong nhóm đầu, ông đã từ chối vì muốn được chết trên quê hương mình. Bà cũng thuận theo ý ông. Ấy vậy mà với sự chăm sóc nhẫn nại và yêu thương của người vợ hiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chậm chạp sống lại một lần nữa, cho đến ngày buộc phải chia tay trần thế.

Khác với cuộc đưa tiễn người lính Chris Kyle, buổi chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều người khóc. Chỉ có những cánh tay đưa lên, im lặng chào đưa tiễn ông. Động tác rất quen thuộc khiến những người xa lạ nhau như gần lại. Có điều gì đó dâng lên trong suy nghĩ, đầy xúc động. Quả là có những triều đại nguy nga lộng lẫy, nhưng mọi thứ đã không còn. Nhưng cũng có những chế độ đã mất nhưng con người và tinh thần quốc gia thì còn sống mãi.

Tuấn Khanh 05/03/2018
 
Mời Quý khách bấm lên youtube để xem






Khúc Tình Dối Gian - Tình Nhớ CD29




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

Một Chuyến Taxi Đêm



Tôi là một tài xế taxi. Không nhiều tài xế nhận làm việc ca đêm. Riêng tôi, vì cuộc hôn nhân mới tan vỡ nên tôi đồng ý làm ca đêm. Và vị khách của đêm cuối năm ấy để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt.

Tôi nhận được lời nhắn vào lúc 2:30 sáng. Tôi dừng xe, xung quanh vẫn tối đen, chỉ trừ ánh đèn hắt ra từ một cửa sổ nhỏ ở tầng trệt.

Bình thường, cũng như mọi tài xế taxi khác, tôi chỉ bấm còi một hai lần, đợi một chút, nếu vẫn chưa thấy khách ra thì lái xe đi. Nhưng không hiểu tại sao lần này, tôi lại ra khỏi xe, bước lên bậc tam cấp.

Không khéo người ta cần mình giúp, tôi nghĩ vậy và gõ cửa.
- " Xin chờ một phút" – một giọng nói run rẩy cất lên.

Sau một lát yên lặng, cửa mở. Một bà cụ nhỏ bé đứng trước mặt tôi, mặc một chiếc váy hoa, đội mũ nhỏ có mạng che mặt. Chiếc valy nhỏ đặt dưới chân. Căn phòng phía sau lưng cụ trông như không có ai ở đã nhiều năm. Tất cả đồ đạc đều được phủ ga trắng.

- "Cậu mang đồ ra xe giúp tôi được không?" - bà cụ hỏi.

Một tay tôi nhấc chiếc valy lên, nó còn nhẹ bẫng, còn tay kia thì khuỳnh ra cho bà cụ vịn. Chúng tôi đi rất chậm ra xe.

- "Cậu tốt quá!", bà cụ nói nhẹ nhàng mắt không nhìn vào tôi, tựa như đang nói với một ai khác. Khi chúng tôi vào xe, bà đưa cho tôi địa chỉ cần tới và nói:

- "Cậu có thể đi xuyên qua khu chợ cũ được không?"

- "Nhưng đó không phải là đường ngắn nhất, cụ ạ!"

- "Tôi không vội mà!".

Ngừng lại một lát, bà nói tiếp:
- " Tôi đang đến viện dưỡng lão!"

Mắt bà long lanh:
- "Thế cũng tốt! Đằng nào thì bác sĩ cũng nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa."

Tôi tắt đồng hồ đo cây số và hỏi:
- "Đầu tiên cụ muốn cháu đưa đi đâu?"

Hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Bà cụ chỉ cho tôi tòa nhà bà từng làm việc, khu chung cư vợ chồng bà đã thuê khi họ mới cưới. Bà bảo tôi dừng lại trước một cửa hàng nội thất nơi trước đây là sàn nhảy, bà vẫn đến khiêu vũ khi còn thiếu nữ. Thỉnh thoảng bà bảo tôi đi chậm qua một tòa nhà hay một góc phố đặc-biệt-nào-đó dừng lại trong bóng tối và im lặng.

Khi những ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện phía chân trời, bà cụ đột nhiên nói
- "Tôi mệt rồi, chúng ta đi thôi."

Chúng tôi tới địa chỉ mà bà cụ đưa cho tôi mà không nói thêm câu nào. Đó là một viện điều dưỡng dành cho những người già không nơi nương tựa. Hai người hộ lý và một chiếc xe lăn đã chờ sẵn ngoài cổng.

Bà cụ dừng bước, vừa rút ví ra, vừa hỏi tôi, dịu dàng:
- "Tôi phải trả cậu bao nhiêu?"

- "Không gì cả, cụ ạ!" - Tôi nói

- "Cậu cũng phải kiếm sống mà" - Bà cụ hỏi, giọng vẫn dịu dàng, tuyệt nhiên không có chút ngạc nhiên nào.

- "Sẽ còn những hành khách khác mà cụ" - Tôi trả lời.

Bất giác, tôi cúi xuống ôm lấy bà cụ. Bà cũng ôm chặt tôi.
- "Cậu đã cho tôi rất nhiều" - Bà cụ nói - " Cám ơn cậu".

Tôi siết nhẹ tay bà cụ rồi quay ra. Trời vẫn còn mờ tối. Sau lưng tôi, cánh cửa viện điều dưỡng đã đóng lại. Đó cũng là âm thanh khép lại một cuộc đời.

Cả ngày hôm đó tôi không đón thêm một hành khách nào nữa, tôi lái xe đi lang thang, đắm chìm trong suy nghĩ, rồi băn khoăn tự hỏi :

- Điều gì sẽ xảy ra nếu bà cụ gặp một tài xế dữ dằn, hoặc đang nóng vội trên chuyến xe cuối cùng? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bóp còi rồi bỏ đi hoặc từ chối tuyến đường đặc biệt của bà cụ? Nhìn lại, tôi không thấy mình từng làm một việc gì khác quan trọng hơn so với buổi đón khách ấy trong cuộc đời. Chúng ta đã được nghe rằng cuộc đời mình được đánh dấu xoay quanh những khoảnh khoắc vĩ đại. Thế nhưng những khoảng khắc vĩ đại ấy lại thường đến rất bất chợt, được bao bọc trong những gì ta tưởng là tầm thường mà hóa ra lại tuyệt vời.

Bất giác tôi cảm thấy mình hạnh phúc xiết bao, ít ra tôi hiểu rằng sự cô đơn trong trái tim của một người từng bất hạnh như tôi vẫn còn rất nhiều yêu thương, và vì thế mọi cánh cửa vẫn chưa hề khép lại.

Vô Danh

Chiện vui: Khi em đi mua chảo 😊

Mời bạn bấm lên clip để xem.  Anh nghĩ em là người nữ nào? 😊💗

Nhớ Mưa Sài Gòn - Guitarist Vĩnh Tâm - Phương Nam CD




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

Friday, August 26, 2022

Một Thuở Yêu Đàn - Phạm Mạnh Đạt Cassette3




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Một Thuở Yêu Đàn - Phạm Mạnh Đạt Cassette1




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Phượng Buồn - Mưa Hồng Cassette50




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Nhạc Tình Bất Hủ 3 - Ngọc Lan Thái Châu - Diamond CD4




Bản 1 - 5


Bản 6 - 11


(sưu tầm từ internet)

Thursday, August 25, 2022

Tại sao con người khi giận dữ lại hе́t lên với nhau?



Cό vị hiền triết đang đi du ngoạn trên giὸng sông thὶ thấy một gia đὶnh trên bờ sông la hе́t với nhau đầy giận dữ. Ông liền quay lᾳi những người học trὸ cὐa mὶnh, khẽ mỉm cười hὀi:
– Tại sao con người khi giận dữ lại hе́t lên với nhau?

Những người học trὸ ngẫm nghῖ một lát rồi một trong số họ lên tiếng:
– Bởi vὶ chúng ta mất bὶnh tῖnh nên phải hе́t lên với nhau.

Vị hiền triết không đồng у́ với câu trả lời, ngài nόi:
– Nhưng tại sao phải hе́t lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nόi với một âm thanh vừa phải đὐ nghe?

Các đệ tử lại phải ngẫm nghῖ để trả lời nhưng không cό câu giải thίch nào khiến thầy cὐa họ hài lὸng. Sau cὺng ông nhẹ nhàng:
– Khi hai người đang giận nhau thὶ trái tim cὐa họ đã không cὸn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia cό một khoảng cách rất xa, nên muốn nόi cho nhau nghe thὶ họ phải dὺng hết sức bὶnh sinh để nόi thật to. Sự giận dữ càng lớn thὶ khoảng cách càng xa, họ càng phải nόi to hơn để tiếng nόi cὐa họ bao trùm khoảng cách ấy.

Ngưng một chút, ngài lại hὀi:
– Cὸn khi hai người bắt đầu yêu nhau thὶ thế nào? Họ không bao giờ hе́t to mà chỉ nόi nhὀ nhẹ, tại sao? Bởi vὶ trái tim cὐa họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhὀ…

Rồi ngài lại tiếp tục:
– Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thὶ họ không nόi nữa, họ chỉ thὶ thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tὶnh yêu cὐa họ. Cuối cùng ngay cả thὶ thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhὶn nhau, thế thôi! Vὶ qua ánh mắt đό họ đã biết đối phương nghῖ gὶ, muốn gὶ…

Ngài kết luận: “Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lύc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gὶ khiến các con cảm thấy xa cách nhau. Nếu không thὶ cό một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thὶ các con sẽ không cὸn tὶm ra được đường quay trở về”.

(sưu tầm)

Chim khôn hót tiếng rảnh rang 
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe 
(Ca dao Việt Nam )

Câu ca dao trên quả đúng thật. Xưa kia ở diễn đàn DT mình tưởng gã là thư sinh từ tốn lễ độ, nhưng vào mùa thu năm rồi mình vô tình thấy gã ở website nọ, gã hùa phe chưởi rất hồ đồ, văng tục thóa mạ người khác rất thậm tệ, hóa ra trái tim gã bị mù lòa đã lâu, không nhân hậu như mình đã nghĩ tốt về gã. Thôi, nhiêu vậy cũng đủ rồi. 😊

Tình Đầu Trôi Đi Không Trở Lại - Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên Hoàng Thi



Thi Nhạc sĩ Nguyễn Tất Nhiên, sinh ngày 30.5.1952
Ngày 3.8.1992, người ta thấy ông nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California.


Bản 1 - 5


Bản 6 - 11


(sưu tầm từ internet)

Những Cuộc Tình Không Trở Lại - Thanh Hà Ngọc Hương - Bích Thu Vân CD




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

Wednesday, August 24, 2022

Người Tù Và Người Vô Gia Cư - Trần Mộng Tú



Ở góc ngã ba con phố có một người vô gia cư, loay hoay với cái bị quần áo hoài không biết để chỗ nào dưới cái gốc cây anh đang ngồi. Cái cây này to lắm tuy ở ngã ba nhưng nó lại thụt vào gần sát một bức tường nên anh nghĩ mình có thể ngủ lại đây mà không làm phiền ai.

Cả thế giới đang ẩn trốn trong nhà vì nạn dịch Coronavirus, chắc chẳng ai nỡ tới đây mà đuổi anh. Anh đặt cái bị sát tường rồi ngồi ngay lên trên cho chắc ăn, khoanh tay lại, ngả đầu vào tường, nhắm mắt lim dim tìm giấc ngủ.

Trời cũng bắt đầu vào tối, anh cũng vừa bắt đầu ngủ thì thấy như có ai dựa và người mình, làm anh tỉnh hẳn. Đúng là một người đàn ông khác cũng có một cái bị nhỏ đang ngồi dựa lưng vào tường nhưng quá gần vào anh.

Anh xích ra một chút thì cái thân hình đó lại ngã thêm lên mình anh một chút. Anh tỉnh hẳn ngủ nhìn vào cái người đang ngã vào mình. Trong nhá nhem của tranh tối, tranh sáng, ánh đèn từ cây cột đèn bên kia đường chiếu sang, anh cũng nhận ra đó là một người đàn ông trẻ, trẻ hơn anh nhiều. Anh ta khoảng dưới 30 tuổi thôi. Anh lay lay người khách lạ gọi.

– Này anh, sao anh dựa vào tôi thế này?

Người khách tỉnh dậy, ngỡ ngàng nhưng lễ phép
– Xin lỗi ông tôi mệt quá, thấy có chỗ ngả mình được nên ghé vào.

Chưa đợi người đàn ông hỏi thêm anh thật thà nói:
– Tôi vừa được nhà tù thả ra sáng nay, nhưng đi lang thang nguyên ngày vừa đói vừa mệt, thấy có gốc cây và bức tường dựa người được nên tôi ghé vào. Mệt quá mới ngã lên ông.

Người đàn ông vô gia cư ái ngại hỏi:
– Được thả tù ra sao anh không về nhà?

– Tôi đâu có nhà mà về.
Anh ta ngập ngừng một chút rồi nói: Trước tôi ở với anh và chị dâu. Khi tôi vào tù được một năm thì họ dọn đi tiểu bang khác không liên lạc với tôi nữa. Nhà nước mới thả tôi ra vì dịch Coronavirus đã vào tới nhà tù, nhân viên nhà tù đã nhiễm bệnh. Chúng tôi được thả vì chúng tôi không phải những tù nhân nguy hiểm, hạn tù của chúng tôi cũng dưới 5 năm.

Người đàn ông vô gia cư im lặng, ông thấy đời mình đã khổ mà đời người trẻ này cũng không có vui gì, ông không muốn hỏi tại sao anh bị nhốt vào tù. Ông cũng không muốn kể tại sao ông thành vô gia cư. Ông nghĩ ông Trời đã viết sẵn cho mỗi người một kịch bản (Scenario) rồi. Người nào không thoát ra được thì phải đóng hết vở kịch đời người thôi. Ông ngồi xích vào người tù mới tự do này hơn chút nữa cho anh ta dựa hẳn vào ông. Ông thò tay vào cái bị sau lưng moi ra nửa cái bánh hamburger còn lại trưa nay đưa cho người bạn mới.

– Anh ăn đi.

Người đàn ông trẻ cầm miếng bánh rất tự nhiên, ăn một cách ngon lành.
– Cám ơn ông nhiều lắm.

Anh ta nói xong cầm cái bị quần áo của mình lùi xa một khoảng cách giữa hai người, cái khoảng cách có thể một người thứ ba ngồi vào giữa.

Người đàn ông vô gia cư ngạc nhiên hỏi.
– Anh sợ lây nhiễm Coronavirus hay sao mà tự nhiên ngồi xa tôi vậy.

Người thanh niên lắc đầu nói khẽ:
– Tôi muốn để một chỗ trống giữa tôi và ông cho Thượng Đế ngồi vào.

Gió thổi xào xạc những chiếc lá bay bay trên đường, bóng tối nhẹ nhàng phủ xuống, con phố chìm hẳn vào đêm.

Trên bầu trời thấp thoáng những vì sao.

Mật mã số trên rau quả bán tại Hoa Kỳ

Nếu bạn ở Hoa Kỳ, nên ghi nhớ những con số đầu và 5 loại màu này nhé 😊
 

Cờ bê đê kiểu mới

Bạn có thấy gì không? Đúng là siêu nghệ thuật, phải không bạn? 😊
 

Cơm Nguội - Tiểu Tử



Ông già đó lái xe đưa hai thằng cháu nội sáu bảy tuổi đi ăn MacDonal's. Bữa nay chúa nhựt, vợ chồng thằng con ông không có đi làm, nhưng vì phải đi dự đám cưới của một người bạn vào buổi trưa nên thằng con ông nhờ ông đến nhà vừa giữ nhà vừa trông chừng hai đứa nhỏ. Nó đã điện thoại cho ông hôm tuần trước để…”xí chỗ” bởi vì nó biết hai đứa em của nó lâu lâu cũng nhờ ông làm như vậy. Nhà ông chỉ cách nhà của các con ông có ba bốn chục phút xe hơi – nếu xa lộ không bị kẹt – nên việc đi lại không gây nhiều phiền phức. Ông sống một mình, thành ra khi đứa con nào cần, gọi ông là ông “ừ”! Trừ phi ông đã hẹn lỡ với mấy ông bạn già đi đánh bài ở nhà ông nào đó, hay đi ăn phở ở khu 13 chợ tàu Paris…

Giữ hai đứa cháu đến bốn giờ chiều vẫn chưa thấy cha mẹ chúng nó về. Giờ này phải cho chúng nó ăn cái gì – quen giữ mấy đứa cháu nên ông rành thông lệ đó. Ông đề nghị đưa chúng nó đi ăn MacDo's, hai đứa vỗ tay nhảy cẫng reo mừng. Vậy là ông chở chúng nó đi, sau khi viết ít chữ để lại trên bàn ăn cho vợ chồng thằng con ông biết.

Nhà hàng nằm ngoài đồng nên có sân chơi rộng lớn với nhiều đu và cầu tuột. Giờ này thật đông khách, nhứt là trẻ con. Nhờ có bãi đậu xe mênh mông nên ông già không phải khó khăn tìm chỗ.

Vừa xuống xe, hai thằng nhóc chạy thẳng ra sân chơi. Ông già nói vói theo bằng tiếng Việt:
- Hai đứa muốn ăn cái gì để ông nội lấy.

Hai đứa không quay đầu lại nhưng nói to bằng tiếng Pháp:
- Hamburger và coca.

Ông lại hỏi:
- Không lấy happy meal hả?

Hỏi như vậy, vì thông thường trẻ con hay lấy món đó để có đồ chơi.

Tụi nhỏ vừa trèo lên cầu tuột vừa nói lớn bằng tiếng Pháp:
- Không! Cái đó của con nít!

Ông bật cười, vừa chửi thầm “cha tụi bây” vừa bước vào trong. Nối đuôi một lúc rồi ông mang mâm đồ ăn ra ngồi ở một cái bàn ngoài sân dưới nắng, cho ấm. Hai thằng cháu nội của ông đang chơi cầu tuột, la hét bằng tiếng Pháp, om sòm. Trong đám trẻ tóc vàng, chúng nó tóc đen mắt hí nên dễ thấy. Ông nhìn theo tụi nó trèo lên tuột xuống, chen chúc với bầy tây con mà ông thấy thương.

Hai thằng cháu nội của ông chỉ hiểu chớ không nói được tiếng Việt. Tiếng Việt, tụi nó nói được có hai tiếng “ông nội”.( Đó là bây giờ, sau khi được ông sửa nhiều lần. Chớ hồi còn bốn năm tuổi, tụi nó gọi ông bằng “ ông nại”, nghe thấy cười lắm !)Thành ra, trong đối thoại giữa ông cháu, tụi nó nói tiếng Pháp, còn ông thì dùng tiếng Việt. Ông nghĩ: “Cứ bắt tụi nó phải nghe tiếng Việt, kẻo không chúng nó sẽ quên. Rồi mình sẽ đốc thúc ba tụi nó đưa tụi nó đi học nói và học viết nữa”.

Một lúc sau, thấy hai đứa nhỏ chơi đủ lâu, ông đứng lên vẫy tay gọi:
- Tí ! Tú! Lại ăn nè!

Tụi nhỏ còn ráng tuột thêm hai lần nữa rồi mới chạy vào, mặt mày đỏ ửng, mồ hôi mồ kê. Ông nói:
- Vô toa-lét rửa tay rửa mặt rồi ra ăn.

Hai đứa gật đầu nhưng vẫn cầm ống hút chọc lủng nắp ly giấy, hút vài ngụm coca trước khi hí hửng đi vào bên trong. Ông mỉm cười nhìn theo mà nghe tình thương dào dạt trong lòng… Ông nhớ lại ở bên nhà hồi xưa, hồi thời mà cha chúng nó bằng tuổi chúng nó bây giờ, ông cũng hay dẫn đi “ăn cái gì” lúc bốn năm giờ chiều chúa nhựt. Mà ở Việt Nam đâu cần phải lái xe đi cả chục cây số như ở xứ Pháp này. Cứ thả bộ ra đầu ngõ là có đủ thứ để “bỏ bụng”: cháo lòng, mì, phở v.v… Hồi đó, khi được dẫn đi ăn, cha chúng nó cũng có bộ mặt hí hửng giống như tụi nó bây giờ. Vậy mà cũng đã gần bốn chục năm…

Hai đứa nhỏ trở ra ngồi vào bàn ăn hamburger. Thằng lớn, tên Tí, để ý thấy ông nội không có hộp MacDo's nào hết, bèn hỏi:
- Ông nội không ăn gì à?

- Không, ông không có đói.

Ông cầm cái ly giấy đựng cà phê đưa lên:
- Ông uống một cái cà-phê là đủ rồi.

Thằng nhỏ, tên Tú, chen vào, miệng còn ngồm ngoàm hamburger:
- Mấy người già kỳ cục lắm! Ăn uống không giống ai hết!

Thằng anh rầy:
- Nói bậy ! Mày nói như vậy là không có lễ độ!

Rồi nó lên giọng người lớn để dạy em, nói chậm rãi:
- Người ta nói: mấy người lớn tuổi không biết cách ăn uống. Mầy hiểu chưa?

Ông bật cười, chửi đổng “Cha mầy”! Thằng Tí không hiểu tiếng chửi đó nên hỏi:
- Ông nội nói cái gì vậy? “Cha mầy” là nghĩa gì?

Ông đưa tay gãi cổ, tìm cách giải nghĩa:
- Ờ…ông muốn nói… Nghĩa là… Nghĩa là…

Thấy ông nội nó có vẻ gặp khó khăn trong tiếng Việt, thằng Tí đề nghị:
- Ông cứ giải nghĩa bằng tiếng Pháp đi, có lẽ dễ hơn đó!

Ông gật đầu, nói bằng tiếng Pháp:
- Ông muốn nói rằng…muốn nói rằng là… con dễ thương!

Thằng nhỏ mỉm cười, vừa gật gật đầu vừa hí hửng nói:
- Merci! Merci!

Thấy thương quá, ông chồm qua mặt bàn hôn lên má phinh phính của nó. Thấy vậy thằng em đòi:
- Còn con! Còn con!

Ông bèn đưa tay ôm hai cái đầu cụng lại rồi hôn chúng nó trơ trất. Hai đứa rụt cổ cười lên hắc hắc. Trong khoảnh khắc đó, ông già cảm thấy không còn sự sung sướng nào bằng…

Ăn xong, thằng Tí xin phép ông nội cho tụi nó tiếp tục chơi một lúc nữa. Ông vén tay áo nhìn đồng hồ rồi gật đầu. Hai đứa nhỏ vừa chạy đi vừa nói nửa tiếng tây nửa tiếng ta: “Merci ông nội !”. Ông mỉm cười nhìn theo một lúc rồi mới đi vào bên trong lấy thêm một ly cà phê.

Ngồi vào bàn, ông vừa nhăm nhi vừa nhớ lại thời ông còn nhỏ. Hồi đó, ông ở dưới quê với bà ngoại. Chiều nào đi học về, cũng bước vào bếp bốc một cục cơm nguội to bằng nắm tay rồi ra ngồi ngoài hiên ăn với miếng đường mía màu nâu sặm đen nhỏ bằng ngón chân cái. Vậy mà sao ngon vô cùng! Và ngày nào cũng vậy. Hể nghe đói – ngoài hai bữa cơm chánh – là cứ vô bếp lục cơm nguội. Lúc nào nấu cơm, bà ngoại cũng nấu nhiều. Bà nấu trong cái nồi đất và không biết nấu cách nào mà khi nguội cơm dính vào nhau chớ không bời rời. Cho nên chỉ cần cầm chiếc đũa bếp xắn xuống một cái là có ngay một cục cơm gọn bân! Nồi cơm nguội luôn luôn nằm trên đầu ông táo. “ Để kiến đừng bò vô, vì kiến sợ tro bếp”. Hồi đó nấu bếp bằng củi nên bếp đầy tro. Lâu lâu, bà ngoại có hốt tro đổ bớt, nhưng vẫn chừa lại một lớp dầy để giữ than cho âm ỉ dùng “ghế” nồi cơm. Bà giải nghĩa: “Sôi vừa cạn nước là dập tắt lửa ngọn rồi cời than với tro ra khỏi chưn ông táo, bắc nồi cơm xuống đặt lên đó cho gạo nở. Như vậy kêu là ghế nồi cơm. Nấu cơm ngon hay không ăn thua ở cái chỗ biết ghế hay không biết ghế. Chỉ có vậy thôi !”. Bà coi chuyện nấu cơm trong nồi đất và bằng lửa củi là chuyện dễ ợt. Điều quan trọng đối với bà ngoại là phải nấu dư dư ra một chút. “Cho thằng nhỏ nó có cơm nguội nó ăn”. Nói như vậy chớ thỉnh thoảng bà cũng cho “thằng nhỏ” một khúc khoai mì hay một củ khoai lang…những thứ không phải hiếm – nhứt là ở vùng quê – nhưng vì nhà nghèo nên những thứ như vậy cũng trở thành hiếm hoi cho lúc đói lòng của “thằng nhỏ”…

Nghĩ đến đó, ông già buông tiếng thở dài. Sao mà có thể nghèo như vậy được? Bà ngoại chỉ có mấy nọc trầu, vài hàng cau, đôi ba cây ổi cây mít…Ngần đó thứ chỉ đủ cho hai bà cháu có hai bữa cơm rau khô mắm hằng ngày. Vậy mà bà ngoại cũng ráng nuôi cho ông đi học. “ Cái thứ mồ côi, Trời bù cho cái khác. Thằng nhỏ sáng dạ học giỏi, bắt nó ở nhà chăn trâu sao đành”. Vậy là ông phải cắp sách đến trường như mọi đứa trẻ khác và chiều về nếu không có củ khoai thì vẫn còn có nồi cơm nguội... Thành ra, cơm nguội đối với thằng nhỏ nghèo là ông hồi đó, lúc nào cũng có giá trị như hamburger của hai thằng cháu nội của ông bây giờ. Còn hơn thế nữa là nhờ có cơm nguội mà ông đã đi hết bậc tiểu học một cách trơn tru rồi sau đó thi đậu học bổng vào trường lớn ở Sàigòn, cũng dễ dàng như bà ngoại nấu cơm trong nồi đất!

Ông già vén tay áo xem đồng hồ rồi đứng lên gọi:
- Tí! Tú! Về, tụi con!

Hai đứa chạy lại mang mâm hộp không ly không dẹp vào trong rồi theo ông nội chúng nó ra xe.

Về đến nhà thì ba mẹ của hai thằng nhỏ cũng đã về rồi. Ba chúng nó hỏi bằng tiếng Việt:
- Tụi con đi chơi có vui không?

Hai đứa gật đầu. Thằng Tí giành nói:
- Ông nội cho tụi này chơi cầu tuột, chơi đu, lâu thật lâu. Đã luôn!

Ba chúng nó quay sang ông già:
- Tụi nó có ngoan không, ba?

- Ngoan chớ. Dễ dạy lắm.

Mẹ chúng nó vừa đưa cho mỗi đứa một cái bánh sô-cô-la vừa nói bằng tiếng Pháp:
- Mẹ tưởng tụi con không có đi ra ngoài nên mẹ mua bánh cho tụi con đây.

Hai đứa vừa ôm mẹ hôn vừa nói “Cám ơn! Cám ơn!” tía lia. Thằng Tú bẻ cái bánh của nó ra làm hai rồi đưa phân nửa cho anh nó:
- Ăn với Tú nè! Để dành cái bánh của Tí lác nữa ăn!

Thằng anh vui vẻ cầm lấy phần bánh nói “ merci” rồi vừa hôn lên má em vừa nói bằng tiếng Việt:
- Cha mầy!

Mẹ nó giật mình, trừng mắt, la lên bằng tiếng Pháp:
- Tí ! Sao con chửi nó?

- Con đâu có chửi. Con nói nó dễ thương mà!

- “Cha mầy” là tiếng chửi đó!

- Hồi nãy, ông nội nói “cha mầy là dễ thương”!

Ông già bật cười trong lúc mọi người đều ngạc nhiên nhìn ông không hiểu. Ông nói:
- Ờ ! Hồi nãy ba có giải nghĩa như vậy khi thằng Tí nói một câu dễ thương. Thật ra, hai tiếng đó tùy trường hợp và tùy cách nói mà thành tiếng chửi hay tiếng mắng yêu, tụi con hiểu không?

Mẹ chúng nó quay sang hai con, nói bằng tiếng Pháp:
- Tiếng đó chỉ có người lớn mới có quyền dùng thôi. Tụi con không được nói, nghe chưa?

Thằng Tí gật đầu, rồi vừa kéo thằng em đi vào trong vừa càu nhàu:
- Ồ… tiếng Việt Nam rắc rối quá!

Mấy người lớn nhìn nhau mỉm cười. Ông già nói, giọng nghiêm trang:
- Ba nghĩ tụi con nên sắp xếp thì giờ để chở tụi nhỏ đi học nói và học viết tiếng Việt. Ở Paris thiếu gì chỗ dạy. Ngoài ra, ba cũng muốn nhắc tụi con thường xuyên nói tiếng Việt với chúng nó thay vì dùng tiếng Pháp. Để cho chúng nó đừng quên. Mình đi lưu vong, bỏ hết mất hết. Chỉ còn có tiếng nói mang theo mà cũng để cho mất luôn…thì mình sẽ thành ra cái giống gì, hả các con?

Giọng ông già bỗng như nghẹn lại. Ba mẹ tụi nhỏ chừng như xúc động , làm thinh. Yên lặng một lúc, mẹ thằng Tí vừa đi vào bếp vừa nói:
- Để con đi làm cơm. Ba ở lại ăn với tụi con nghen.

- Không, con. Chơi một chút rồi ba về.

Ba tụi nhỏ rót trà vào tách đưa cho ông già:
- Biết ba thích uống trà nên con có pha sẵn bình Ô long cho ba đây.

- Ờ…Cám ơn con!

Ông già hớp một hớp, đặt tách xuống, gật gù:
- Ùm…Ngon!

Rồi ông tiếp:
- Hồi nãy, ở ngoài Mac Do's, tự nhiên sao ba nhớ lại ba hồi nhỏ. Hồi đó, vì nghèo nên ba đâu có quà bánh gì để ăn. Ba chỉ biết có cơm nguội ăn với đường mía, loại đường cục đậm đen nhìn không thấy thèm mà khi cắn vô mùi mật mía thơm phức làm tươm nước miếng.

Ông già ngừng nói đưa tách lên môi hớp một hớp trà, làm như ông vừa bắt gặp lại vị ngọt đậm đà của cục đường đen và ông cần một hớp trà để đẩy đưa cho hậu vị…

Người con ông ngồi đối diện, uống trà trong im lặng. Anh biết cha anh đang sống lại với dĩ vãng nên không dám làm xáo trộn giòng suy tư của cha. Ông già nói tiếp:

- Hồi thời đó bà ngoại của ba nấu cơm trong nồi đất, nhúm lửa bằng giăm bào, chụm bằng củi. Muốn cho lửa bắt phải hít hơi đầy phổi rồi dùng ống trúc mà thổi nhiều lần. Ống trúc đó gọi là “ ống thổi”. Khi sử dụng, phải để ý. Bởi vì ống thổi có một đầu sạch và một đầu dơ. Đầu sạch là đầu mà mình chúm môi kê vào để thổi, còn đầu dơ là đầu mà mình thọc vào chỗ có lửa. Đầu đó luôn luôn bị cháy nám đen và dính tro bụi. Người không biết, thổi ở đầu dơ, một lúc sau mồm mép dính lọ đen thui mà không hay!

Ông già khịt mũi cười rồi mới tiếp:
- Rồi phải đợi cơm sôi để hạ lửa, sớm một chút là cơm nhão, trễ một chút là cơm khê. Nấu cơm cực lắm chớ không phải như bây giờ nấu bằng nồi điện, chỉ cần nhận có cái nút!

Ông ngừng nói, cầm tách lên hớp mấy hớp trà. Ba thằng Tí cũng đẩy đưa:
- Như vậy mới là tiến bộ, chớ ba.

- Dĩ nhiên. Đó là điều cần thiết cho cuộc sống. Bây giờ mà bắt mấy bà mấy cô nấu cơm bằng nồi đất, bằng lửa củi… chắc họ nổi loạn! Ba muốn nhắc lại chuyện nấu cơm hồi trước là để cho con thấy trong hột cơm hồi đó có chút công sức của người nấu, có chút tình người làm cho hột cơm có giá trị hơn hột cơm “nhận nút” của thời bây giờ. Chỉ có vậy thôi.

Ông già ngừng nói, nhìn thằng con một chút rồi tiếp:
- Nhưng chuyện mà ba muốn nói ở đây là chuyện “cơm nguội” . Cơm nguội là một thứ chẳng có gì hấp dẫn ! Cho dù nó có nằm trong nồi đất hay trong nồi điện gì, nó cũng không gợi thèm như tô phở hay tô mì. Nó không có chỗ đứng trong hàng quà bánh. Chẳng ai để ý tới nó hết ! Vậy mà khi mình đói và chẳng có gì ăn thì cục cơm nguội lại trở thành “có giá”! Nó như loại bánh xe xơ-cua của xe hơi: bình thường chẳng ai nhìn đến, nhưng khi bị xẹp bánh mới thấy cái bánh xơ-cua, dù đã mòn lẵn, thật hữu ích vô cùng.

Ông già lại ngừng nói, tự tay rót trà vào tách, chậm rãi như để cho thằng con có thời giờ” thấm “ những gì ông muốn nói. Sau một hớp trà, ông tiếp:
- Con thấy không? Cục cơm nguội cũng có cái giá trị của nó đó chớ! Ngoài ra, khi ăn cục cơm nguội, đối với những ai chỉ biết nồi cơm điện chớ chưa từng biết cái nồi đất như tụi con chẳng hạn, thì cục cơm nguội chẳng gợi lên hình ảnh gì khác. Nhiều lắm là chỉ gợi lên hình ảnh cái bánh xơ-cua thôi ! Còn như đối với những người như ba, nhai cục cơm nguội là nhớ công ơn người thổi lửa nấu cơm nuôi mình. Nhai cục cơm nguội là nhớ cái gốc nghèo của mình. Cái gốc mà từ đó ba đã cố gắng vươn lên để về sau, ở Sàigòn, tụi con mới có đủ thứ quà bánh bỏ vào bụng khi cần, và để bây giờ, ở đây, tụi thằng Tí thằng Tú mới có hamburger. Con thấy không ? Cơm nguội đâu phải chỉ là cơm nguội!

Dứt lời, ông già đứng lên cầm tách trà uống một hơi. Ông đặt tách xuống rồi nhìn ra ngoài:
- Thôi, ba về kẻo tối. Già rồi, mắt mũi dở lắm, con à.

Rồi ông hướng vào trong, nói lớn:
- Ông nội về nghe tụi con!

Tụi nhỏ ló đầu ra cửa buồng nói nửa tiếng Pháp nửa tiếng Việt “Au revoir Ông Nội”. Có tiếng mẹ chúng nó từ trong bếp vọng ra: “Dạ ! Ba về. Lái xe cẩn thận nghen ba!”

Ra đến cửa, ông già đưa tay bắt tay thằng con. Anh ta cầm tay cha, vừa siết mạnh vừa nói:
- Cám ơn ba! Cám ơn!

Trong cái siết tay đó, hình như người con muốn nói lên một điều gì… Anh ta đưa ông già ra xe, đứng nhìn theo chiếc xe đi lần ra ngõ trong ánh hoàng hôn chập choạng. Xe đã đi khuất mà anh ta vẫn còn nhìn theo hướng đó, ân hận sao hồi nãy mình không nói được một lời gì để cho cha hiểu rằng mình thương cha vô cùng…thương vô cùng…

Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng. Bỗng ông thở dài, lẩm bẩm: “Mình, bây giờ, cũng chỉ là một thứ cơm nguội đối với các con. Tụi nó chỉ phone tới, khi nào tụi nó cần…”

Con đường trước mặt ông sao thấy như dài thăm thẳm…

Những Người Thích… Cạo - Huy Phương


Vé Số Cạo, nỗi đau của nhiều gia đình

Nếu bạn muốn chơi trò may rủi mà không có nhiều tiền, không cần phải đi casino hay mua vé lotto, thì chơi trò vé cạo là tiện nhất. Ði casino thì phải đem theo tiền, mất thời gian đi xa, mua vé số thì phải chờ ngày xổ, dò số và đôi khi quên dò hoặc đánh mất vé số. Ðánh đúng vào tâm lý “dân cờ bạc” và kích thích sự ham muốn, chơi vé số cạo chỉ tốn vài đồng, có kết quả ngay tại chỗ và cũng lãnh tiền ngay tại chỗ (instant game hay instant lottery.) Vé số cạo có nhiều tên gọi tùy theo mỗi quốc gia, được gọi là scratchcard hay scratch off, scratch ticket, scratcher, scratchie, scratch-it, scratch game, scratch-and-win. Nó cũng mới ra đời đây thôi, do công ty Scientific Games Corporation, người phát minh (chết người!) là John Koza và mới được cấp môn bài năm 1987.

Vé số cạo được bán ở khắp nơi, chợ búa, tiệm rượu, cây xăng… nhân tiện bạn ghé qua mua bao thuốc lá, đổ xăng, ở chỗ tiền lẻ, mua một cái vé số cạo, móc túi lấy đồng xu, cạo tại chỗ, hoặc kín đáo hơn, ra xe, trước khi nổ máy, đem vé số ra cạo. Những người chơi vé số cạo không bao giờ mang vé số về nhà để cạo trước mặt vợ con! Nhưng có mấy ai trúng!

Những điều ít người biết về vé số cạo

Ông Nguyễn Ty, một H.O. định cư tại một tiểu bang miền Ðông Hoa Kỳ năm 1992, điều hành một tiệm Cigarette & Lotto trong vòng 8 năm trước khi về hưu, đã cho chúng tôi biết có người mê … cạo đến nỗi bỏ ra $3,000 mua liền ba tập 100 tờ, loại $10 và đứng cạo ngay tại chỗ trong tiệm ông cho đến hết. Có nhiều người khách quen biết, cạo… thiếu số tiền lên đến hàng chục nghìn đồng. Ông thấy chưa có ai sạt nghiệp vì uống rượu, mua lotto nhưng đã có người mất xe, mất nhà và mất vợ vì … vé số cạo. Khách hàng của ông trong 8 năm chỉ có một người trúng $20,000, nhưng hầu hết nợ nần, tan vỡ gia đình hay sạt nghiệp.

Theo tỷ lệ 100 tờ chỉ có 55 tờ trúng từ $1 đến những con số cao nhất như $5,000, $250,000, và 45 tờ không trúng đồng nào. Trong 55 tấm vé trúng này, nếu bạn trúng được $500 hay một con số lớn hơn, hy vọng là huề vốn, ngoài ra xem như thua đậm. Tuy vậy, sở xổ số không cho ai thua nhiều, thua vừa đủ và lâu lâu cho người chơi chút hy vọng. Người chủ tiệm này cho biết những người sạt nghiệp không phải là những người không bao giờ trúng, mà đã từng trúng những số lớn như $20,000, vì vậy họ hy vọng sẽ có lần trúng nữa và cứ chạy theo cho đến lúc… kiệt lực.

Trong lịch sử vé số cạo, vào tháng 6- 2010, một cư dân Puerto Rico đi nghỉ hè ở Texas đã cạo được 1 triệu đồng khi mua hai vé số loại “$100,000,000 Diamond Mine”; sau khi đóng thuế, ông này còn đem về nhà được $400,000. Một ông ở Las Vegas du lịch Texas mua $50 vé số cạo và đã trúng $10 triệu. Như vậy, mỗi khi đi du lịch ra ngoài tiểu bang, người ta có cơ hội trúng nhiều “scratch off lotto ticket” hơn chăng?

Lợi tức cho một đại lý bán vé số cạo là 5% và hưởng trên số trúng của khách hàng là 1%. Những tiệm đại lý trung bình có thể bán ra mỗi tháng từ $10,000 vé số cạo, con số này có thể tăng cao trong những ngày Giáng Sinh hay Lễ Tết.

Vé số trúng $500 có thể lãnh tại tiệm và được miễn thuế, từ $1,000 trở lên phải lãnh ở Sở Xổ Số Thành phố và phải đóng thuế theo quy định. Do vậy nhiều người trúng $1,000 không muốn khai thuế lôi thôi, họ bán lại cho chủ tiệm lấy $800. Chủ tiệm bán lại cho những người già hay low income lấy $850, vì những người này được miễn thuế (theo quy định khác nhau của luật tiểu bang.)

Cuối năm, những người thua vé số có quyền “claim” số tiền thua để được trừ thuế, do đó có nhiều người đi lục thùng rác tại các tiệm lotto, tập trung cho đủ $10,000 đem đến Sở Xổ Số khai thua với số tiền trên, xin giấy chứng nhận để bỏ vào hồ sơ khai thuế.

Khách hàng của Vé Số Cạo

Ở tiệm Lotto trong khu chợ ABC tôi thường gặp một công nhân của một Auto Repair Shop, vì anh vẫn thường mặc bộ đồng phục mang tên hãng. Anh thường tận dụng giờ nghỉ trưa chạy ra đây, mua một hai cái vé $5, lúi húi cạo… trật, rồi chạy về.

Ðóng vai đi… cạo ngồi bên anh, tôi được anh cho biết có một lần cạo trúng $1,000, nhưng cũng cách đây năm năm, từ đó đến nay chỉ trúng $5, $3 cao lắm là $100. Mỗi tháng anh tốn khoảng $300 chỉ cho vụ cạo này. Biết chơi là lỗ, nhưng bỏ không được vì đã ghiền, nhưng chơi cũng thấy vui và lúc nào cũng nuôi hy vọng.

Có những người mê vé số cạo đến đỗi mỗi sáng lúc 9:00 tiệm mở cửa là anh ta đã có mặt, chỉ cần bỏ ra $3, $5, cạo xong mới chịu đi. Không phải giới bình dân mới mê vé số cạo. Người chủ tiệm lotto ở trong bài này cho phóng viên NV biết, có những bà già giàu có ở trong những khu nhà sang trọng đã điện thoại cho chủ tiệm cho biết, sẽ có một người tài xế đưa tấm chi phiếu ra tiệm và chủ tiệm cứ giao những xấp vé số cạo cho người này mang về cho bà. Một nhân viên làm công cho tiệm liquor cho biết: “Không phải chỉ những người đi xe hơi đời cũ mới mê vé số cạo, nhiều ông bà đi Mercedes, BMW đời mới cũng ghé tiệm mua vé số cạo.”

Ở tiệm lotto đắt nhất Bolsa gần chợ ABC, tôi trông thấy hầu hết những người lúi húi đứng cạo là trung niên, thường là những người còn đi làm, thỉnh thoảng mới có một ông, bà cụ cao niên ghé qua, nhưng những người sau này chỉ mua một vé cầu may. Theo nghiên cứu của Sở Xổ Số người thất nghiệp mua vé số cạo nhiều hơn là người đang có công ăn việc làm và người về hưu.

Tục ngữ Việt Nam có câu “ào ào không bằng hao lỗ mội (lỗ nước rỉ)”, tuy mỗi vé số cạo chỉ từ $3-$20 nhưng khi đã mê chơi không bỏ được, ngày nào cũng ghé qua cửa tiệm thì còn tốn kém hơn đi kéo máy ở casino. Em rể của anh T. là một công nhân xây dựng, lương rất cao, mỗi ngày lãnh hơn $200, nhưng suốt đời không có một “cắc bạc” dính túi vì dính vụ vé cạo, nợ nần lên tới $400,000, cuối cùng phải bán xe, tiền hưu trí 401K, tiền saving đều hết sạch, gia đình tan nát. Vợ người bạn tôi mỗi khi gặp tôi, đều nhắc nhở ráng nói giúp chồng bà bỏ vé số cạo. Trong khi bà tính toán từng đồng bạc, đi chợ không dám mua thịt cá loại đắt tiền cho gia đình ăn, thì mỗi ngày ông tới tiệm lotto cạo từ 5 đến $15. Những người thích cạo thoạt đầu cứ nghĩ là 5, 3 đồng không đáng là bao, nhưng dần dà nghiện cạo lúc nào không hay.

Năm 2010 nhiều sở xổ số tiểu bang đã đem về cho ngân sách giáo dục hàng tỉ đô la, nhưng cũng không thiếu người sạt nghiệp! Anh bạn chủ tiệm nói trên, kết luận một câu chắc nịch: – “Ai đã từng mê và ghiền cạo “số cạo” thì chắc chắn trước sau gì cũng sẽ bị nó (Sở Xổ Số) cạo trọc đầu!

Huy Phương/Người Việt

Cái Dáng Rất Buồn - Trần Mộng Tú


Anh bước vào giai đoạn lú lẫn (Alzheimer ) ở cuối đời. Mấy năm nay anh đã thay đổi rất nhiều. Bắt đầu anh quên quên nhớ nhớ, tiếp đến là anh dễ xúc động, anh hay khóc. Mấy năm trước, nghe cô bạn đọc Thơ của anh, anh cười, anh nhớ lại, đọc tiếp theo, chỉ độ một năm sau đó, anh không đọc theo nữa, anh chỉ nghiêng đầu lắng nghe, rồi bật khóc. Hình như anh biết được người kia vừa nói ra những câu gì rất thân yêu, rất thân thuộc với mình, và điều đó làm anh xúc động, anh khóc rưng rức. Chị lại nhỏ nhẹ dỗ anh:

- Nín đi, nín đi, Thơ của anh, cô ấy nhớ đấy mà, phải vui chứ.

Anh nghe chị, ngoan như em bé, lau nước mắt, bằng mấy ngón tay, rồi cười, một nụ cười rất thơ trẻ.

Những năm kế tiếp, anh bắt đầu quên mặt họ hàng, quên mặt những người bạn thân, anh chỉ nhớ có chị thôi. Anh 85 tuổi, chị 80 tuổi. Hai vợ chồng già sống với nhau, con trai, con gái đều có gia đình. Đứa ở xa, đứa ở gần cũng vậy thôi. Một năm tụ họp gia đình đôi ba lần vào dịp Lễ, Tết.

Khi anh mới bắt đầu lãng quên, sức khỏe anh vẫn còn tốt, sáng sáng chị chở anh tới Gym. Chị bơi lội, anh ngồi ngoài nắng hóng mặt trời. Chị đi chợ, đi tới nhà bạn họp mặt luôn luôn có anh đi theo. Mỗi ngày anh một chậm hơn và quên nhiều hơn nhưng anh vẫn tự lo được vệ sinh cho mình, chị chỉ cần nhắc.

Rồi bỗng một ngày anh không làm gì một mình được nữa, chị phải phụ anh. Cơ thể chị nhỏ quá so với anh, chị không thể khênh vác, tắm gội cho anh được. Anh bắt đầu ngu ngơ như một đứa trẻ còn mặc tã, mà anh đang mặc tã thật, chị không thể nào khênh, đỡ anh làm những việc vệ sinh cá nhân cho anh. Chị gọi con, con trai chị từ tiểu bang xa về tìm Home Care để gửi Bố vào.

Tìm mãi mới được một nơi gần nhà, Mẹ chỉ lái xe có 8 phút là thăm được Bố. Số tiền hơi cao, nhưng để con lo.

Con ở lại thêm vài ngày nữa yên tâm có chỗ tốt cho Bố mà Mẹ không phải đi xa, muốn thăm Bố lúc nào cũng được. Chị ngậm ngùi :

- Ừ thôi con về nhà với vợ, con đi.

Mấy hôm có con, chị yên tâm. Con đi rồi, chị một mình trống trải, thấy căn nhà của mình sao nó rộng mênh mông thế này, căn nhà không có anh bỗng tự nhiên thành xa lạ, giống như chính chị cũng vừa dọn vào một ngôi nhà mới, chị buồn trống cả hồn. Buổi tối đi ngủ chị nghĩ tới anh ở nhà mới với những người xa lạ chắc anh còn buồn hơn chị bây giờ. Thương anh quá, chị mong sao cho đến sáng để vào thăm anh. Anh ở đã nhà mới được hai tuần, mỗi ngày chị tới thăm, người ta không cho chị vào hẳn phòng anh, ngay cả phòng khách cũng chưa được vào (Vì đang thời Đại Dịch) họ đưa anh ra ngoài hàng hiên, nơi đó có sẵn mấy cái ghế cho anh chị ngồi gặp nhau. Chị thấy anh sạch sẽ, tươm tất chị cũng mừng, nhưng mỗi lần thấy anh hiền lành như một đứa trẻ ngoan, chị lại mủi lòng.

Sao anh thay đổi nhanh thế! Gặp chị anh không vui, chị đứng lên về anh không buồn, trên nét mặt anh chị không thấy một cảm xúc nào, anh nhìn chị như nhìn cái cây hay bức tường trước mặt, ánh mắt anh không vui, không buồn. Con chim sẻ sà xuống sân cỏ trước mặt hai người, chị cầm tay anh lay lay, chỉ anh, anh nhìn mà như không nhìn, ánh mắt anh không biểu lộ mộ cảm xúc nào.

Khi tới thăm anh, chị cứ đinh ninh là khi anh bước ra, thấy chị, ánh mắt anh sẽ sáng lên, miệng anh sẽ mỉm cười và khi chị bịn rịn chia tay về, ánh mắt anh sẽ buồn buồn, tay anh sẽ nắm chặt tay chị. Nhưng không, anh thản nhiên đứng lên đi vào, không hề quay đầu lại.

Chị không thấy anh khổ, không thấy anh buồn hay vui. Hình như anh không còn cảm giác buồn vui nữa. Sao anh thay đổi nhanh thế!

Chị nghĩ tới ba tháng mùa Đông sắp tới, người ta đã cho chị biết là sẽ không có thăm viếng vì trời lạnh người già yếu không thể ra ngoài hiên được và thân nhân vẫn chưa được quyền vào bên trong, nếu đại dịch vẫn còn.

Chị nghĩ tới nét mặt vô cảm xúc của anh, nghĩ tới hình ảnh anh đi vào không hề quay đầu lại và chị đứng ứa nước mắt nhìn theo dáng cái lưng im lặng của anh khuất sau cánh cửa.

Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó, chị cũng không được nhìn thấy, mặc dù nó vẫn hiện hữu. Bất giác chị ôm mặt mình nấc lên.

Trần Mộng Tú (9-18-2020)

Tuesday, August 23, 2022

Thương Nhớ Một Người - Giáng Ngọc Cassette82




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Golden Hits - M@nt0v@ni & Giàn nhạc Giao hưởng




Bản 1 - 6


Bản 7 - 12


(sưu tầm từ internet)

Lãng Du - Thanh Lan - Hương Xưa Collections




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

Vùng Trước Mặt - Chế Linh Tuấn Vũ - Làng Văn CD54




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

Those Were The Days - P@ul .M.




Bản 1 - 9


Bản 10 - 17


(sưu tầm từ internet)