Sunday, December 30, 2018

Chuyện thương tâm: Ngày Giáng Sinh 2018 ở Hà Nội

Bên Việt Nam, có ai làm thống kê cho những người già cơ cực như vầy?  Họ chiếm bao nhiêu phần trăm trong xã hội cộng sản ngày nay nhỉ?



Chai nhựa mất khoảng 500 năm mới tiêu hủy được

Mời bạn xem từng món rác bạn thải ra, nếu nó được vất xuống đại dương, thì nó sẽ mất cả hàng trăm năm để tự tiêu hủy. 
Mong bạn góp một tay làm sạch môi trường cho các thế hệ tương lai

Đầu lọc thuốc lá: 10 năm
Bọc đi chợ         : 20 năm
Ly chén xốp       : 50 năm
Lon hủ nhôm     : 200 năm
Khay nhựa         : 400 năm
Tả trẻ em người lớn: 450 năm
Chai nhựa                : 450 năm
Dây cước câu cá      : 600 năm

Tango Latin



Chiều về trên đảo Santorini, viên ngọc biếc của biển Aegean - Trịnh Thanh Thủy


Người ta thường hay gộp đôi cái xấu và cái ác, cái đẹp cùng điều thiện với nhau để nói và dễ so sánh. Nhìn cái xấu người ta hay liên tưởng đến cái ác và xem cái đẹp người ta lại vẩn vơ nghĩ đến những điều thiện của loài người. Trông hoa đẹp tươi nở ta thấy được nụ cười an lành hạnh phúc. Thấy ngày tàn, hoa rụng, ta chợt lao xao, đớn đau cho cuộc từ ly, tàn úa của một kiếp hoa hay một kiếp người.

Những hiện tượng thiên nhiên của trái đất xảy ra mỗi ngày như cuộc chiến giữa cái xấu và ác cùng điều thiện và cái đẹp. Đôi khi trong cái ác lại có điều thiện, cũng như trong cái đẹp lại có cái ác xảy ra như một nghịch lý.

Chắc các bạn đã từng nghe đến những vòng đai hay chuỗi núi lửa nằm rải rác trên toàn thế giới. Trong lòng chúng lúc nào cũng sôi sục những kim loại nóng chảy. Khi cần là phun trào và chúng là gạch nối giữa bàn chân con người và trung tâm trái đất. Chúng đang hoạt động, ngưng hoạt động hoặc vẫn còn hoạt động ngầm. Tuy nhiên, đằng sau những cơn địa chấn và sức bùng nổ khủng khiếp của sự tàn phá, lại là nguồn năng lực tiềm ẩn đầy sức sống và cái những đẹp vô cùng tận. Chính trong cái ác nguyên thủy của bạo lực ấy, núi lửa lại sản sinh những phong cảnh tuyệt vời một khi cơn giận của mẹ thiên nhiên nguội dần, và trở về với nỗi bình yên. Sau đó, núi lửa biến thành những tụ điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến từ các nơi trên thế giới. Hòn đảo núi lửa Santorini ở Hy Lạp là một trong những vết thương nứt nẻ của đất mẹ có cái đẹp mê hồn.

Santorini nổi tiếng là nơi có cảnh hoàng hôn xuống đẹp nhất trên thế giới. Nếu bạn là người say mê lịch sử và các kiến trúc của di tích thời cổ đại, hãy đến Hy Lạp. Hãy tới Athens - thành phố của những truyền thuyết và những vị thần, nơi có ngọn đồi Acropolis nổi tiếng. Hy Lạp còn nổi tiếng với các hòn đảo có phong cảnh tuyệt đẹp với làn nước trong xanh biếc của biển Aegean, Địa Trung Hải như Rhodes, Crete, Mykonos, Zakynthos… mà Santorini được xem là hòn đảo đẹp nhất.


Tôi theo chân đoàn du lịch đến viếng Santorini sau khi ghé đảo Patmos và Rhodes. Từ mực nước biển ở du thuyền đang từ từ hướng về phía đảo Santorini, chúng tôi nhìn lên vách đá khổng lồ sừng sững ở xa xa. Chúng tôi thấy một vệt trắng chạy dài men theo triền đỉnh núi. Để mọi người khỏi lầm tưởng đó là vệt tuyết đông còn sót lại, người hướng dẫn du lịch cắt nghĩa ngay rằng đó là màu của hàng loạt những ngôi nhà sơn hay quét vôi toàn trắng nằm san sát nhau tạo thành. Ông thêm, có lẽ các bạn không biết chúng ta đang chạy ngay trên miệng của một núi lửa. Do một cơn biến động của trái đất, một cảnh nổ núi lửa đã xảy ra cách đây hàng triệu năm, nên phần đất này đã sụt lở sâu xuống thành một chỗ trũng bình yên. Ngày nay, các du thuyền đã dùng làm bến đậu để neo tàu và thả khách xuống đảo. Màu nước nơi này xanh thẫm hơn các nơi khác có lẽ vì độ sâu của nó sâu hơn các vùng biển chung quanh, có chỗ sâu đến 400m. Màu xanh ngọc bích của biển Aegean hoà với màu trắng của kiến trúc nhà cửa của cư dân tạo cho Santorini một nét đặc thù tuyệt đẹp.


Tàu nhỏ và xe bus đưa chúng tôi lên đỉnh núi và đến làng Oia để bắt đầu cuộc du hành. Chỗ cho xe bus đậu thật hiếm hoi và chật chội nằm men theo con đường dốc núi rất nguy hiểm. Những người tài xế đều phải thật giỏi mới đậu được chiếc xe bus dài và lớn vào khoảng trống nhỏ hẹp trên lề đường. Thời gian chưa vào hè, mà khách du lịch đông như kiến. Lúc này đương mùa cherry (anh đào). Rải rác đâu đó bên lề đường, một vài người bán rong cherry chín, mời mọc khách mua. So với cherry ở Hoa Kỳ, chúng không to bằng có lẽ vì phong thổ đất núi mà lại mềm ỉu vì khí hậu nóng và bị phơi cùng bụi bặm ngoài trời. Tôi thích nhất là bing cherry ở Mỹ, lấy từ tủ lạnh ra cứng giòn, mọng nước tím đậm và ngọt lịm. Ở Hy Lạp, tại chợ ở Athens, họ đổ đống cherry chín cao ngất, nom thật hấp dẫn, chúng tôi mua thử, giá đắt hơn ở Mỹ. Vài người bạn đòi lựa, họ không cho và múc bán cho du khách lẫn lộn những trái dập và chưa chín tới, ăn chua đến nỗi người mua ăn không nổi, mời cả đoàn ai cũng lắc đầu, đành bỏ thùng rác.

Fira là thủ phủ của Santorini nhưng Oia là ngôi làng đẹp và đông du khách nhất. Nó lại gần chỗ neo du thuyền nên nếu bạn đến vào tháng 7, 8 là lúc cao điểm, có lẽ trong ống kính thu hình cảnh trí của bạn, ngoài bạn, phần hậu cảnh lúc nào cũng có toàn những người là người.

Chúng tôi được dẫn đi thăm làng Oia trên con đường ngoằn ngoèo dọc theo ven triền núi dốc, người lên kẻ xuống như đi trẩy hội, chỉ chực va vào nhau. Phía dưới là biển Địa Trung Hải xanh ngát. Bên trên là chênh vênh những ngôi nhà, tiệm ăn, cửa hàng, sơn toàn trắng với đường cong quyến rũ của các mái vòm. Những lan can hiên nhà cùng những viền cửa sổ pha sắc màu trang nhã, như một mời gọi, vừa tinh khiết vừa lịch thiệp. Xa xa là con phố mang mang vẻ kiến trúc cổ thời đế chế Byzantine còn lưu lại. Đó đây, những căn nhà kiểu “cave house” thấp lùn, vuông vức như các chiếc rương con, hay các cụm nấm rơm, mái tròn, màu sắc thoáng nhẹ, xây bám vào vách núi xem thật lạ. Kiểu xây này không những giúp chống chọi lại gió bão mà sắc trắng còn khiến hơi nóng mặt trời khi rọi xuống giảm đi rất nhiều. Loáng thoáng đâu đó vài tường nhà có sắc nâu đỏ, vài ngôi giáo đường trắng vươn hẳn lên cao với mái vòm xanh biếc như một nét đặc thù của các ngôi nhà thờ Chính Thống Giáo. Chính Thống Giáo (Orthodox) đã ngự trị trong tín ngưỡng của dân Hy Lạp qua 17 thế kỷ dài.


Đến với Santorini không gì bằng tìm một quán ăn hay tiệm cà phê. Chọn một góc khuất yên tĩnh nhìn ra biển khơi, ngắm bình minh vừa lên hay hoàng hôn đang phai, bạn sẽ nghe những nhấp nhô đời sống trong mình lắng xuống. Nếu ban trưa nghe “bao tử mơ mòng” (*), bạn hãy gọi một món ăn nhẹ. Hàng quán trên đảo san sát, nơi nào cũng sẵn sàng phục vụ những món đặc sản của đảo hay của đất nước Hy Lạp cổ kính. Mỗi lần ghé Âu Châu tôi lại gọi món bánh crépe ưa thích. Tôi chọn món crépe mặn như một thứ bánh sandwich. Tôi thích thú đứng nhìn người thợ làm vỏ bánh crépe. Ông tráng một lớp bột trên chiếc khuôn tròn, rồi dùng một cái gạt bột hình chữ T, gạt bột vòng theo khuôn. Bàn tay ông khéo léo, dùng một cái gạt bánh khác mỏng dẹt, trở bánh qua lại như chúng ta trở bánh xèo, khiến bánh chín đều và vàng toả hương thơm nức. Tôi chọn ham, cheese, và vài thứ rau quả điểm thêm cho có chất tươi, chiếc bánh crépe khi dọn ra đẹp, ngon và giòn một cách lạ lùng.

Tôi không uống rượu nhưng bạn hãy thử gọi và nhấp một chút vang đặc sản của địa phương Santorini còn gọi là “Vinsanto” mà bí quyết sản xuất được lưu truyền từ thời cổ đại. Tiếng gió lùa trên chiếc phong linh bằng vỏ ốc reo vui theo những cung bậc của điệu nhạc guitar “Romance” dập dìu trong quán. Cơn phiền muộn nào đó vừa dấy trong lòng bạn sẽ tan đi. Giọng Andy Williams ma mị từ quá khứ vọng về trong tiết điệu lời ca thiết tha của bài “Vino de Amor” sẽ làm ta sống lại cảm giác bềnh bồng của thứ vang ngọt tình yêu. Men rượu và men tình hoà quyện. “Một khi em nhấp vào thứ rượu nho ngọt ngào mùa hè đó, em sẽ tan loãng, ngất ngây. Khi ấy anh biết em thuộc về anh... Rượu nho của tình yêu và hương vị môi em để lại một vầng sáng thiên đường khi anh trộm một nụ hôn...”

Tôi nhìn những dây nho vừa lùn vừa cuộn tròn như con cuốn chiếu hay con mèo trong ổ, của ruộng nho làng Oia mà tròn mắt ngạc nhiên. Ôi những dây nho mầu nhiệm làm nên men tình, men rượu là đây. Khác với lối trồng nho thành giàn và có vồng ở California, nơi tôi ở, cư dân Santorini trồng nho theo một phương pháp đặc chế. Vì khí hậu khô hạn và có gió, mặt đất lại toàn sỏi và đá sạn, họ gieo nho trong một cái vòng bện lại trông như cái rổ. Cứ thế nho lớn lên bện rễ vòng theo rổ để tránh gió và tiết kiệm được nước tưới cây. Đến mùa thu hoạch, trái mọc đầy đất, nông dân chỉ việc gom lại và đem làm rượu nho. Có nơi đất núi họ chỉ gieo hạt và bỏ mặc cho cây nho chống chọi với nắng gió, tới lúc có trái đến hái mang về. Nho ở đây được xem là giống nho ngon nhất Âu Châu làm nên thứ vang lẫy lừng vì được lên men từ giống nho uy mãnh và rất kiên cường. Một thứ con của núi rừng, của đất mẹ, tự nuôi, tự lớn, giữa trời và đất, tự chống chỏi và đứng vững trong cuồng phong bão táp.

Đến Santorini du khách được khuyên nên thử 3 món đặc sản là rượu vang trắng, cà chua cherry và hạt pistachio rang (hạt dẻ cười). Tôi có thử hạt pistachio địa phương, tuy hạt dài và nhỏ nhưng dòn và rất thơm ngon nhờ mới rang, đắt hơn ở Mỹ gấp hai ba lần.


Phút chờ đợi rồi cũng đến, hoàng hôn bắt đầu xuống trên đảo Santorini. Những tụ điểm cao, tốt nhất để chụp hình, quay phim, đông kín người, ai cũng muốn đem về cho mình những tấm hình đẹp nhất. Từ làng Oia nhìn ra biển Aegean, mặt trời như quả cầu lửa rơi nhẹ từ từ chạm vào đường chân trời. Vài dải mây vắt ngang lờ lững. Trùng dương đăm đắm sắc hoàng hôn. Con người ngẩn ngơ trước vẻ đẹp toàn mỹ của sự chuyển đổi của thiên nhiên phía trước mặt. Thời gian bỗng như ngưng đọng, hơi thở tôi dường chậm lại. Những trái pistachio còn xanh điểm hồng trên cành cao, tắm ngập ráng chiều. Màu ngọc biếc của biển xanh đang phai dần qua vàng cam rồi xám nhạt, thoắt chợt tối. Bóng núi đã sạm đen. Gió biển thổi đong đưa tóc ai trong chiều. Đêm bắt đầu thả áo chùng đen dần trùm phủ vạn vật.

Trịnh Thanh Thủy

Nguồn: Báo Việt Tide

Một chuyến du lịch Nam Phi - Nguyễn Phục Hưng


Ảnh Hiền Vy

Mỗi khi nhắc đến Châu Phi (Africa) thì hình như ai ai cũng nghĩ ngay đến sa mạc Sahara với những đồi cát nóng bỏng và những sắc dân tương đối "không văn minh". Tuy nhiên Nam Phi (South Africa) rất khác Bắc Phi. Nam Phi vào tháng 6 dương lịch, thì đang là mùa thu và thời tiết bắt đầu lạnh lạnh vì Nam Phi thuộc Nam Bán Cầu, trong khi Bắc Phi với sa mạc Sahara lại ở ngay vùng xích đạo. Trước khi làm một chuyến du lịch Nam Phi, có lẽ nên sơ lược vài hàng về lịch sử địa lý của miền này, vì lịch sử vùng này có nhiều điều thú vị, đáng ngạc nhiên. Vả lại, thêm một chút kiến thức, có thể còn làm cho chuyến đi của thêm ý nghĩa.

Vài hàng lịch sử

Trái hẳn với các nước Châu Phi nghèo và chậm tiến khác như Maroc, Tunisie, v.v., Nam Phi (hay tên chính thức là Cộng Hòa Nam Phi - Republic of South Africa, RSA) là một xứ văn minh, rất rộng lớn, chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 2000km và chiều ngang khoảng 1500km. Nam Phi có một lịch sử khá phức tạp. Từ thế kỷ thứ 17, dân Hòa Lan đã đến đây lập nghiệp và dựng ra thành phố nổi tiếng Cape Town, là một hải cảng tiếp lương thực cho các thương thuyền từ Âu Châu qua Á Châu và Ấn Độ Dương. Dân số ở Nam Phi gồm nhiều sắc dân khác nhau; với khoảng 76.7% là các sắc dân da đen. Dân lai chiếm 8.9% tổng số dân số, họ là hậu duệ của những người da trắng kết hôn với dân da màu (Mã Lai, Phi Châu, Ấn Độ, Madagasca). Dân lai rất siêng năng và được người da trắng tin cậy. Phần còn lại là gốc da trắng (khoảng 10.95%), Ấn Độ (khoảng 2.9%), và khoảng 1500 người gốc Tầu (hậu duệ của dân Tầu qua khai mỏ kim cương từ thế kỷ trước). Thành phần dân da trắng cũng rất phức tạp gồm dân Africaners (gốc Hòa Lan, gốc Đức, gốc Pháp hay gốc Anh), họ nói tiếng Afrikaans, một ngôn ngữ bản xứ pha trộn với tiếng Đức và Hòa Lan, rất khó hiểu. Ngoài ra còn dân da trắng nói tiếng Anh gồm các dân gốc Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ý.

Cũng may, ngày nay đa số dân ở các thành phố Nam Phi, dù thuộc nhóm nào, cũng khá thông thạo tiếng Anh nên du khách ít gặp trở ngại, dù tiếng Anh chỉ là một trong 4 sinh ngữ chính thức tại Nam Phi (tiếng Zuolou, Xhosa, Afrikannas và English).

Thủ đô của Nam Phi?

Một câu hỏi giản dị nhưng lại rất khó trả lời: Thành phố nào là Thủ Đô của Nam Phi? Thật là ngạc nhiên và thú vị là Nam Phi có tới 3 Thủ Đô: Cape Town là thủ đô cho ngành Lập Pháp, Bloemfontein là thủ đô cho ngành Tư Pháp (Tòa Án) còn ngành Hành Pháp thì có thủ đô tại Pretoria. Không biết có nơi nào trên thế giới có sự phân quyền rõ ràng hơn tại Nam Phi không? (Có lẽ Việt Nam phải theo gương Nam Phi để có sự phân lập tam quyền rõ ràng như vậy, chứ cứ như bây giờ thì Quốc Hội, Tòa Án và Hành Pháp Việt Nam đều nằm một chỗ và dưới quyền điều động của Đảng Cộng Sản hết!). Còn thành phố lớn nhất Nam Phi lại là Johannesburg.

Saturday, December 29, 2018

Bay Đi Cánh Chim Biển - Ngọc Lan Kiều Nga Như Mai - AsiaCD 11



Đất nước Bhutan


Kho tàng vô giá ở Bhutan


Từ rất lâu tôi đã nghe danh Bhutan, một xứ nằm vắt vẻo dọc theo dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, được mệnh danh là một “Vương Quốc hạnh phúc nhất thế giới”. Nước này, còn có tên là “Rồng Sấm”, nằm lọt thỏm trong gọng kềm giữa hai quốc gia to lớn là Ấn Độ và Trung Hoa (nơi biên giới của Tây Tạng), mà không hề hấn gì, quả là lạ.”. Hạnh phúc đã là một kho tàng vô giá ở đất nước nhỏ bé này. Tôi cũng là một người theo đuổi hạnh phúc, tôi chọn xứ sở xa lắc này để ghé thăm và xem họ đã theo đuổi hạnh phúc và đạt nó như thế nào?

Tuy nhiên việc đi vào một nước để xem thần dân của họ có được hạnh phúc không, bạn phải trả một giá phải nói là khá đắt, so với các chuyến du lịch sang mấy quốc gia khác. Để có 1 ngày được sống và trải nghiệm tại Bhutan, bạn phải chi trả phí tổn khoảng 250 đô la một ngày cho một người, bao gồm chi phí ăn ở, đi lại và hướng dẫn viên. Chi phí này đã làm chùn chân nhiều du khách và ai cũng hỏi, Bhutan có đáng để đi du lịch hay không? Theo tôi, Bhutan là một quốc gia rất đáng để bạn ghé thăm, không những chỉ để thấy hương hạnh phúc của họ mà bạn còn được sống với những cảnh quan thiên nhiên trong lành và tuyệt đẹp. Nơi đây xứng đáng với danh xưng được tặng “Cõi Tây Phương cực lạc cuối cùng” (The last Shangri-la). Sở dĩ có qui luật này vì Bhutan cố tình hạn chế số khách du lịch vào xứ sở của họ. Họ không muốn nền văn minh vật chất toàn cầu hóa của thế giới làm hư đi và xáo trộn nếp sống vốn êm đềm và trong lành của dân họ.

Ngồi trên máy bay của hãng Bhutan Airlines có hình vẽ con cá hoá long ở đuôi phi cơ, khi sắp tới Paro, chúng tôi có dịp thưởng ngoạn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn phủ băng và đỉnh núi cao nhất thế giới Everest mây giăng qua khung cửa sổ. Nếu bạn thích phiêu lưu mạo hiểm, bạn sẽ được trải nghiệm những giờ phút thật hồi hộp và ú tim khi nhìn phi công đáp xuống phi trường Paro, Bhutan. Giống phi trường Lukla, Nepal, sân bay Paro nổi tiếng là 1 trong 10 phi trường thơ mộng và nguy hiểm nhất thế giới, rất khó cất và hạ cánh, hãng máy bay Boeing đã công nhận như vậy. Nó bị kẹp giữa hai dãy núi Himalaya dài hơn 18 ngàn bộ. Muốn hạ cánh phi công phải luồn lách qua các ngọn núi (với gió núi rất mạnh) và trên nóc các căn nhà, để cuối cùng hạ cánh trên một đường băng nhỏ, rộng chỉ 6 ngàn 500 bộ. Máy bay chỉ được phép hạ cánh vào ban ngày, với điều kiện mắt nhìn thấy được trong tình trạng thời tiết tốt nhất. Vì sự nguy hiểm vô cùng ấy, theo luật định, chỉ 8 phi công thật giỏi, thuần thục và đủ khả năng được cấp chứng chỉ bay, hạ, cất cánh. Cho nên nếu bạn thăm Bhutan, chuẩn bị sẵn để đối đầu với chuyến bay bị trễ hay dời lại vì thời tiết xấu. Thế mà nguy hiểm không làm chùn chân du khách, mỗi năm có khoảng 30 ngàn du khách(được phép) đến viếng Bhutan.


Phi trường Paro

Vừa bước xuống phi cơ, chân chạm mặt đất nhìn xung quanh tôi bỗng thấy ngẩn ngơ. Phi trường Paro thật không giống bất cứ một phi trường nào trên thế giới. Chung quanh là núi, trước mặt là toà nhà được gọi là phi trường, xa xa là một Dzong tức tu viện xây theo kiểu một pháo đài, Nó đẹp và thơ mộng lạ lùng. Đặc sắc nhất là các hoa văn truyền thống của Bhutan được vẽ hay chạm khắc, khắp nơi trong, ngoài phi trường tạo nên những nét đặc thù. Nó trông như một cái chùa hay đền đài hơn là một phi trường của một quốc gia. Sau này, khi đã thăm thú giải non sông gấm vóc Bhutan, tôi khám phá ra nhà cửa, tu viện, hay bất cứ kiến trúc nào, họ cũng xây rập khuôn theo một mẫu thiết kế nhất định. Bức hình chụp to lớn trên vách tường là tụ điểm cho khách du lịch muốn chụp hình lưu niệm cùng vị vua và hoàng hậu của họ.


Bên ngoài phi trường

Bên trong phi trường, khách không phải xếp hàng dài đợi thủ tục hải quan, vì chúng tôi, vỏn vẹn trên trăm người, vừa đáp xuống trong một chuyến bay chiều, mà có lẽ là chuyến cuối trong ngày! Vào đây bạn có cảm giác lạc vào một thế giới khác, một bộ lạc hay đất nước riêng biệt nào đó mà làn sóng văn minh, chưa hề chạm tới vì toàn dân đều mặc quốc phục(bắt buộc).


Bên trong phi trường

Qua sáu ngày sống và trải nghiệm những tháng ngày thong dong, an lạc ở đây tôi dần dần hiểu ra bí quyết cuộc sống hạnh phúc của người dân Bhutan. Kho báu hạnh phúc này không phải môt giờ một ngày mà có, nó đã là sự tu tập tinh tấn và ý chí thực hành kiên định trải qua nhiều thế hệ của toàn dân xứ Rồng Sấm. Các quốc gia trên thế giới dùng GDP là chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế giàu mạnh của một nước, trong khi Bhutan không đặt căn bản sự phát triển quốc gia mình bằng kinh tế mà dùng chỉ số GNH để tính toán Tổng Hạnh phúc Quốc nội (Gross National Happiness.). Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới này lập hẳn ra một bộ tên là Bộ Hạnh Phúc, chỉ để đảm bảo rằng người dân của vương quốc nhỏ bé này cảm thấy hạnh phúc về mọi mặt của cuộc sống.

Đây là những chia sẻ về cuộc sống hạnh phúc của họ.

Nói đến thuế lợi tức, nông dân không phải trả thuế nhưng nếu lợi tức trên 700 ngàn một tháng, chúng tôi chỉ trả rất thấp khoảng 5 hoặc 6 % lợi tức thu nhập hoặc ít hơn. Nếu rất cao như 1 triệu đô 1 tháng phải trả độ 35% thuế. Tuy nhiên nếu bạn vào đây làm thương mại, bạn phải trả thuế rất cao, như thuế xe hơi là 35%. Lợi tức người dân trung bình khoảng 1800 đô mỗi tháng không nhiều, chỉ đủ dùng cho một gia đình. Nếu có dư, chúng tôi cúng cho chùa hay chia sẻ với người túng thiếu. Hầu hết tất cả mọi người dân trong nước đều làm vậy. Nếu bạn kiểm soát tiền trong băng họ, bạn sẽ thấy họ không có đủ tiền để bỏ băng vì có dư chút nào họ đều giúp người khác hay làm từ thiện. Chúng tôi cũng thực hành ý nghĩa của một câu chuyện cổ của Phật Giáo Tây Tạng về sự sống chung hoà hợp và chia sẻ. Chuyện của một con Voi, Thỏ, Khỉ và Gà Gô chung sống cùng nhau trong một khu rừng rậm. Bốn con vật này rất yêu thương và tử tế với nhau. Giáo lý này cũng dạy chúng ta cách sống chuẩn mực trong xã hội giữa người trẻ và người già: Người già nên thương yêu người trẻ còn người trẻ nên kính trọng người già.


Bức tranh Phật Giáo

Chúng tôi quan niệm đời sống ngắn ngủi hãy tận hưởng và vui vẻ hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai nữa. Chúng tôi được dạy không tham lam, tiền bạc là vật ngoại thân nên người dân không tàng trữ tiền làm gì. Ngày giờ có rảnh họ đi chùa, tu học và làm việc thiện. Chúng tôi sống trong khung cảnh rừng núi đẹp đẽ, không khí tinh khiết, không bụi bặm ô nhiễm, ăn chay, không sát sinh. Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có lệnh cấm hút thuốc và bán thuốc lá. Xứ chúng tôi không có trộm cắp, bạo lực, hiếp dâm hay mãi dâm, ma túy. Ngoài ra chúng tôi cố gắng bảo tồn và phục hồi truyền thống, không để văn minh hiện đại phá hủy giá trị phong cách lâu đời của dân tộc. Sống sao cho đơn giản là châm ngôn của chúng tôi.


Gian nhà bếp truyền thống

Dân số của Bhutan khoảng hơn 700 ngàn người và đạo Phật là quốc giáo với tỷ số 98% trên toàn quốc. Là một quốc gia lấy kim chỉ nam Phật Giáo làm gốc, đạo Phật ở Bhutan chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Tây Tạng Kim Cương Thừa(Quốc giáo). Ở đây, Phật giáo chia làm hai nhánh, một được gọi là Ninh Mã (Nyingma) do ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) là giáo chủ, hai là Tây Tạng Truyền Thống Cách Lỗ(Kagyu) do Tôn Khách Ba làm giáo chủ(giáo phái này là giáo phái của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ở Bhutan, các bé trai trong độ tuổi từ 6 - 9 đã bắt đầu cuộc sống tu hành trong các ngôi chùa, nơi các nhà sư được học ngôn ngữ cổ của kinh Phật, ngôn ngữ gốc của Bhutan, và tiếng Anh. Sau này, các em có thể chọn lựa cho mình một trong hai con đường: học giáo lý nhà Phật và trở thành tu sĩ hay sadi, hoặc trở lại sống cuộc sống bình thường (đa số)với đức tin và sự thấm nhuần triết thuyết nhà Phật và lập gia đình nếu muốn (phái Ninh Mã). Luật lệ bên phái Cách Lỗ khe khắt hơn, nếu là sadi phải làm sadi suốt đời tu hành, không được lập gia đình.


Hai chú tiểu

Có gần gũi với người dân xứ này mới thấy họ hiền lành, vui vẻ, hiếu khách và không ngần ngại tiếp xúc với du khách. Tôi thấy nụ cười cởi mở của họ nở ra ở khắp nơi, góc mái hiên nhà, trên triền núi, giữa bến sông hay một khoảng sân chùa. Ngay cả thú vật hình như cũng vui cười bay nhảy nơi đây, vì dân chúng không ăn thịt, chỉ ăn rau. Chim chóc và chó chỗ nào cũng có. Thật kỳ diệu, người, thiên nhiên và vạn vật chung sống hoà bình thật an lành, hạnh phúc.


Một gia đình Bhutan


Một điệu múa truyền thống


Khám phá Bhutan và Thiền Viện Hang Cọp

Nếu bạn yêu phong cảnh sông núi thì nơi này chính là chốn dừng chân lý tưởng nhất. Không biết từ lúc nào người Bhutan đã hiện diện tại đây từ 2000 năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Đạo Phật được truyền bá mạnh mẽ vào đây từ thế kỷ thứ 7 sau Thiên Chúa Giáng Sinh và dần dà gây ảnh hưởng sâu xa đến chính trị tôn giáo và văn hoá, cũng như cuộc sống của người dân. Lịch sử Bhutan có ghi lại các cuộc nội chiến tương tàn dành quyền lực rồi cuối cùng đã được thống nhất bởi vị lạt ma Ngawang Namgyal là thủ lĩnh quân sự người Tây Tạng. Bây giờ Bhutan theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến. Do đó khi viếng thăm, bạn sẽ thấy còn rất nhiều dấu vết các pháo đài được gọi là dzong tồn tại. Các Dzong ngày nay còn là tu viện, nơi học hỏi và nghiên cứu Phật pháp. Dân số vào khoảng 700 ngàn người với 20 tỉnh, mỗi tỉnh có một tu viện(Dzong). Tu viện luôn được chia làm hai nơi, một bên đặt văn phòng hành chánh, phần còn lại dành cho các tu sĩ.


Tu viện(Dzong)


Bên trong tu viện

Khi thăm các tu viện, đền thờ hay chùa chiền các nơi, sông núi, chỗ nào tôi cũng thấy các lá cờ đủ màu giăng ngang dọc. Tôi hỏi và được biết thêm rằng, trong đạo Phật có 5 màu chính, xanh lục, xanh dương, trắng, đỏ, vàng. Xanh dương tượng trưng cho sông, trắng cho nước, vàng cho đất, đỏ là lửa và xanh lục cho cây cối. Do đó chúng ta thấy nhiều lá cờ 5 sắc giăng gần núi hay sông, cầu, là biểu tượng của sự sống, cho môi trường tốt lành và không khí thanh sạch trong đời này và những đời khác. Còn các cây phướn trắng tượng trưng cho người đã khuất.


Sông nước Bhutan

Du khách đến đây được đi thăm các tu viện và được hướng dẫn viên cắt nghĩa đầy đủ về lịch sử, văn hoá cũng như tôn giáo của họ. Tượng phật ngồi bằng đồng Dordenma lớn nhất thế giới đang được xây cất ở Thimphu là thắng cảnh nổi bật hấp dẫn du khách. Phật tử, và dân bản xứ tụng kinh, sinh hoạt bên dưới pho tượng đông vô kể. Tượng cao 173 ft(53m), bên trong rỗng nhưng có đặt 125 ngàn tượng Phật bằng đồng cỡ nhỏ. Pho tượng khổng lồ lớn hơn tượng Phật Bảo Liên ở Hồng Kông và tượng ở Nara bên Nhật. Tượng ngự trên cao, khắp thành phố, bất cứ đi đâu cũng nhìn thấy, hệt như pho tượng Giê Su giang tay ở Rio De Janeiro bên Ba Tây vậy. Dự án này khoảng 100 triệu đô, hơn 50 triệu đã bỏ ra cho đến giờ vẫn chưa xong. Ngân sách dự án này do người Hoa ở Bhutan đi quyên góp phật tử ở khắp nơi, nhiều nhất là các nhà giàu ở Trung Quốc. Người Bhutan đã tự hào mình không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng không biết họ có thấy được một âm mưu ẩn tàng nào của Trung Quốc trong việc đặt một “tượng Phật ngồi” với tiền của Trung Quốc giữa thành phố Thimphu là thủ đô của Bhutan?. Bài học của Việt Nam, Lào, Miến Điện, và Sri Lanka, không biết Bhutan có biết không?


Tượng Phật Dordenma

Bạn có biết thành phố gồm khoảng 95 ngàn dân này không có lấy một ngọn đèn xanh, đỏ để kiểm soát trục lộ giao thông. Thế mà chẳng có tai nạn xảy ra. Đời sống và lối suy nghĩ của họ có lẽ đặt căn bản trên sự đơn giản và tự giác nên người dân cảm thấy càng đặt nhiều luật lệ giao thông càng phiền hà, rắc rối. Ngay trung tâm thành phố chỉ có 1 trạm cảnh sát duy nhất với các nhân viên cảnh sát thay nhau hướng dẫn giao thông.

“Cái đẹp nhất được để dành vào phút chót”. Vào những ngày cuối ở Bhutan chúng tôi được dẫn đi xem Đền Tiger’s Nest còn được gọi là Thiền Viện Hang Cọp. Trên triền dốc, gần đỉnh ngọn núi cao, Tu viện Taktshang treo lơ lửng giữa mây trắng và bầu trời xanh trong vắt đã là một biểu tượng của Bhutan lôi kéo đôi chân du khách khắp thế giới về đây.


Thiền viện Hang Cọp bên vách núi

Chuyến đi là một kỷ niệm mà tôi nghĩ khó ai có thể quên cuộc hành trình thích thú và đầy cam go này. Sở dĩ tôi nói cam go vì trong quá trình lên núi đã có nhiều người bỏ cuộc, ở bất cứ nơi nào trong chặng đường leo núi khó khăn này. Ngoài ra điều kiện thời tiết rất bất thường, không may gặp mưa, đường trơn trợt khó đi, cũng là một trong những nguy hiểm bất trắc cản đường khách hành hương. Thời gian mới chính là mấu chốt rắc rối lớn trong suốt chuyến đi. Hướng dẫn viên bảo đoàn chúng tôi chỉ có 3 tiếng đồng hồ để lên núi và 2 tiếng để xuống núi, dù chúng tôi khởi hành từ rất sớm để đến chân núi lúc mặt trời vừa lên. Vấn đề là tu viện nằm vắt vẻo trên một khoảng đất nhỏ nên không có nhiều chỗ để du khách ngủ qua đêm. Chúng tôi phải xuống núi trước khi trời sập tối nếu không sẽ không thấy đường để xuống. Đường lên và xuống núi gập ghềnh, dốc cao, khó đi, xuống dốc mà gặp mưa trơn trợt thì té lăn quay là chuyện thường. Mùa đông lạnh thì đầy tuyết đóng băng nên rất trơn. Người leo phải tự lượng sức khoẻ mình có đi nổi hay không mới dám đi vì đã lên rồi phải xuống, mà khi xuống còn trơn và dễ té hơn khi lên. Hơn nữa, khi leo núi bạn không thể nhờ vả vào ai được, không ai có thể giúp bạn ngoại trừ sức lực chính mình. Người già không nên leo. Tôi thấy có người thuê ngựa nhưng ngựa chỉ giúp mình đi một đoạn ngắn trên con đường đi lên thôi, phần còn lại phải tự leo lấy vì đường mỗi lúc một hẹp, lại rất dốc, ngựa quá to không đi được. Người dẫn đường khuyên chúng tôi không nên thuê ngựa vì khi ngựa bị trượt chân thì mình cũng bay theo ngựa xuống núi, thà tự leo, tự kiểm soát còn hay hơn.

Ai leo núi cũng cần có một cây gậy, không có, bạn có thể thuê ở chân núi khoảng 1 đô, có người thuê cả hai cây gậy. Gậy để chống lấy sức lúc leo lên và giữ thăng bằng lúc leo xuống. Ỷ y mình đã từng đi hiking leo núi đã quen, nhưng thấy hướng dẫn viên khuyên, nên tôi cũng thuê một cây. Ban đầu tôi tay máy ảnh, tay cầm gậy không chống mà đi tung tăng vừa đi vừa chụp hình, nhưng càng lên cao, đường càng hẹp, và khi bắt đầu quá mệt mới thấy sự hữu dụng của gậy. Khi xuống núi, tôi cảm thấy như sau lưng có một lực đẩy phăng phăng, kéo mình tuột xuống, mới biết không có gậy chắc chết, vì không biết bám vào đâu. Lúc mới leo, tôi hầu như dẫn đầu đoàn, nhưng vì mê cảnh đẹp dọc đường và mải chụp hình, càng ngày tôi càng bị bỏ lại phía sau. Sợ bị lạc, tôi bắt đầu leo nhanh hơn và hậu quả là tôi bắt đầu thở dốc. Dừng lại nghỉ, kiểm soát hơi thở và đi từ từ, tôi khoẻ và tiếp tục leo. Tuy nhiên vì thời giờ có hạn, cứ vừa leo vừa xem giờ, nhìn chung quanh chẳng còn thấy ai trong đoàn, tôi bỗng hồi hộp vì ý nghĩ mình đã bị bỏ lại. Trên đường đi, tôi chứng kiến hai vợ chồng già, người Âu Châu, mỗi người hai cây gậy mà vẫn té. Còn có người leo trước té vào người leo sau, may ông kia đỡ kịp không thì cả hai cùng ngã.


Đường núi lên Thiền Viện

Dọc đường, chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh núi non đẹp như vậy, dù tôi đã từng leo núi ở Mỹ và cảnh núi ở đây rất khác. Ánh nắng ban mai của thần Thái Dương rọi xuyên qua cây cỏ tạo nên rừng cây những màu sắc kỳ ảo tuyệt đẹp. Loại dây leo Spanish Moss lóng lánh sương, chỉ sống ở độ núi cao, giăng đầy trên các cây cổ thụ chắc cũng cả ngàn tuổi, khiến phong cảnh nên thơ vô ngần. Có những loại cây cỏ chỉ mọc ở dãy Hy Mã Lạp Sơn nhìn rất khác. Những chiếc lá dương sỉ thay màu từ xanh qua vàng đỏ, xuất hiện rất nhiều, tô vẽ cho bức tranh sơn thủy những màu nóng, lạnh tương phản, quyến rũ hồn tôi. Không dằn được cảm xúc, chốc chốc tôi dừng lại làm một pô hình, rồi leo tiếp. Cứ thế, cuối cùng tôi cũng đến nơi mà thấy dường như mình vừa trải qua con đường thiên lý vạn dặm.


Rừng, Spanish Moss và lá Dương Sỉ đỏ

Đứng trên triền cao nhìn xuống ngọn thác đổ và phía bên dưới là con đường vòng vèo mình đã qua mà nhiều người đang leo lên, tôi bỗng rùng mình. Phần thưởng của tôi là Tu viện Taktshang, “trú xứ của hổ” sừng sững đứng tựa bên vách núi, những hàng lá phướn kéo dài suốt từ đỉnh núi tu viện đến chân mình đang tung bay trong gió. Lòng tôi dịu hẳn xuống, con ngươi mở rộng nuốt cảnh thần tiên vào mắt để sẵn sàng cho cuộc thám hiểm thế giới tu hành và khe núi, nơi ngày xưa chúa tể sơn lâm đã từng đặt chân đến. Thăm thiền viện xong, tôi hít một hơi thở sâu, rồi từ tốn thở ra, sửa soạn cho cuộc hành trình xuống núi, tuy nhanh hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn, đang chờ tôi ở phía trước. Tôi lẩm bẩm lòng dặn lòng “Đã đi là phải đến, mà đến rồi phải trở ra cho bằng được”, vì không ai dắt, bồng hay dìu mình xuống dùm, dù thế nào cũng phải tự lực mà đi.

Trịnh Thanh Thủy

Nguồn: Việt Báo

Friday, December 28, 2018

Phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam

Sa tế tôm và scallop

Nora sưu tầm một bài ở website Ngôi Sao của Ngô Tuyết Phượng chỉ cách làm sa tế tôm, bạn chỉ cần mua thêm scallop khô ngâm, giã và tướt nó ra. Hương vị sẽ giống như sa tế mua.


Nguyên liệu:
- Tôm khô: 50 gr
- Dầu màu hạt điều
- Sả băm: 100 gr
- Tỏi, hành băm: 50 gr
- Ớt khô, ớt tươi.


Cách làm:
- Tôm khô rửa sạch ngâm mềm, lấy ra để ráo. Dùng chày giã nhỏ.

- Cho 1/2 chén dầu vào chảo, dầu nóng cho sả băm, tỏi hành băm vào phi thơm, cho tôm khô vào xào cùng, thêm 1 chén dầu (1/2 dầu ăn và 1/2 dầu màu điều).

- Nấu lửa vừa nêm ít đường, muối ít, nước mắm cho có vị mặn ngọt vừa ăn. Thêm ít ớt tươi và ớt khô nấu thêm vài phút là được.

- Sa tế tôm có thể dùng để ướp với các món xào, nướng , hay cho vào lẩu mùi thơm đậm đà, cay cay mặn mặn rất ngon.


Sa tế tôm và scallop được làm sẵn trong hũ

Khi trước Nora thường làm sa tế tôm và scallop để giành khi nấu ăn nhất là những món xào với hải sản, khi mì xào vừa chín tới cho vô một muỗng sa tế tôm- scallop , nó sẽ làm đĩa mì ngon hơn, hay khi ăn bún bò Huế cho một tí sa tế vô tô bún hương vị sẽ đậm đà hơn.

Bây giờ làm biếng, Nora mua sa tế làm sẵn hơi đắt tiền một chút . Nora đăng hình để bạn thấy thích, muốn thử thì tự làm cho rẻ hơn





Bến Xuân - Thúy Nga CD392



Bản 1 - 6


Bản 7 - 13


(sưu tầm từ internet)

Đường Xưa Lối Cũ - Saxophone Lê Tấn Quốc Những Tình Khúc Bất Tử - SVF CD



Thursday, December 27, 2018

“Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” - Nguyễn Hồng Quý


Cái khoảnh khắc chuyển giao từ cực này sang cực kia, lúc năng lượng khác đi vào để thay thế cho dòng năng lượng cũ, ngay khoảnh khắc ấy có cảm xúc. Ví như người ta đang nhịp chân ngồi trong quán cafe nhìn ra đường, thấy có người đẹp đi ngang qua, trong lòng vui làm sao. Khi người đẹp đi qua rồi, phía xa xa chủ nợ đang đi tới, trong lòng liền buồn làm sao. Khuôn mặt liền bí xị, thấy cuộc đời đen như nhọ nồi. Cảm xúc thay đổi nhanh như người yêu cũ trở mặt.

Trong con người ta đều có sẵn đủ mọi loại cảm xúc, mọi loại năng lượng. Nó ẩn bên trong, chỉ chờ đúng thời điểm, đúng đối tượng nó sẽ thoát ra. Mọi thứ, sợ hãi, can đảm, buồn, vui, khóc, cười, v.v… Thay vì kìm nén hay lảng tránh cảm xúc, ta nên để nó thoát ra một cách tự nhiên. Thay vì trách cứ, ân hận thì ta nên chấp nhận, suy nghĩ về cảm xúc của mình.

Ngày đầu tiên tôi bỏ thuốc lá không khác gì địa ngục. Những nỗi sợ hãi hiện ra, nó như thể cuộc đời tôi sắp mất mát một cái gì đó to lớn lắm. Tôi suy nghĩ rằng tôi đã hút thuốc quen rồi, bỏ đi có được không. Tôi nhung nhớ điếu thuốc cực kỳ, trong ngày đầu tiên tôi chẳng làm gì được ngoài nghĩ về việc mình đang hút thuốc. Qua ngày thứ 2, 3, tôi thôi nhung nhớ, thay vào đó tôi đang nghiện hiệu ứng cai thuốc. Tôi thích thú hiệu ứng cai thuốc cực kỳ, tôi lâng lâng bay bổng, đi như trên mây. Tôi chẳng tập trung được vào bất cứ việc gì, tôi chỉ quan tâm tới hiệu ứng lâng lâng ấy. 7 ngày sau hiệu ứng mất dần, thói quen lẫn suy nghĩ về thuốc cũng mất đi.

Bảy nhân bảy bốn mươi chín ngày! Tôi như người chưa từng hút thuốc, thậm chí trước đó lão hàng xóm nhả khói tôi hít phải còn thấy thơm phức. Bây giờ tôi thấy hôi rình. Cai được 6 tháng tôi hút lại. Vấn đề bắt đầu nảy sinh. Cái ngày tôi hút thuốc lại, cầm điếu thuốc trên tay tôi sợ hãi. Nỗi sợ không khác gì ngày đầu tiên tôi cai thuốc. Tôi suy nghĩ rằng tôi không hút thuốc quen rồi, bây giờ hút lại có được không. Hai vấn đề, một nỗi sợ. Ở đây ngay khoảnh khắc chuyển giao năng lượng, từ cực này sang cực kia, từ sự đồng nhất này sang sự đồng nhất kia đều chứa đựng cảm xúc. Sau đó tôi hút lại, chỉ sau điếu thứ nhất, tôi nhả khói lẫn gạt tàn một cách điêu luyện. Kỹ năng đó không mất, nó chỉ chờ khi tôi hút lại lập tức nó được sử dụng.

Cái vấn đề ở chỗ bảy nhân bảy bốn mươi chín ngày, con số bí mật. Đức Phật ngồi 49 ngày, thuyết pháp 49 năm. 1 tuần có 7 ngày… Đủ mọi trường hợp cho con số 7. Tương truyền vũ trụ này đứng thứ 7 hay được tạo ra theo thứ tự ở thứ 7 gì đó. Người xưa lại nói bảy ba hai mốt, thường chế nhạo những ai muốn làm một cái gì đó mang tính bộc phát. Hai mươi mốt ngày để hình thành một thói quen, bốn mươi chín ngày để lưu nó vào dòng Nghiệp. Người nào nhịn ăn đủ 49 ngày, cái đói với người đó như hình với bóng. Như sự thật hiển nhiên, 49 ngày họ bị đồng nhất bởi sự đói, họ cùng sự đói là một. Người ta sau khi chết 49 ngày mà không tái sinh, họ bị nghiện cái chết. Bây giờ với người đó cái chết là sự thật, là bản thể của họ. Cái chết chính là sự sống, họ phải sống trong cái chết. Nếu không họ sẽ chết và cái chết sẽ biến mất khỏi họ.

Thân xác này không gì ngoài cái chết của linh hồn. Thân xác này đã sống quá lâu rồi và xem đó như là sự thật hiển nhiên vậy. Bây giờ thân xác là sống, linh hồn là không có. Linh hồn chỉ có sau khi chết. Nhưng ít ai biết và nghĩ ngược lại. Rằng linh hồn sắp được sinh ra một lần nữa, và ở đây thân xác này, không gì ngoài sự chết. Chết ở đây, là sinh ra ở kia. Chết ở kia, là sinh ra ở đây. Bảy bảy bốn mươi chín ngày!

Chẳng ra khỏi cửa, biết chuyện thiên hạ. Chẳng ngó ngoài sân, thấy được đạo Trời. Nhà to rốt cuộc cũng dụng cái Không mà ở, chén sành cũng dùng cái Không mà trở nên hữu dụng!” (Lão Tử)

Rượu đựng trong bầu, uống cho tới khi cái trống Không tràn đầy, gọi là uống rượu. Vậy là uống vì cái Không được tràn đầy hay là uống rượu đây? Uống mà rượu còn hoài, cái Không chưa đầy, thì uống làm gì?

Niềm vui đong đầy, liền phá lên cười, cười đi cho vơi cái vui. Cái vui xong rồi, còn lại trống Không. Niềm vui không còn, còn lại cái Không. Vậy há người ta chẳng cười vì cái Không đó hay sao?

Tâm mang sự buồn, ức lên mà khóc, khóc đi cho vơi nỗi buồn. Nỗi buồn qua rồi, còn lại trống Không. Nỗi buồn không còn, còn lại cái Không. Vậy há người ta chẳng khóc vì cái Không đó hay sao?

Lấy đất làm nhà, nhà làm xong rồi, chẳng còn gì làm. Rốt cuộc, cũng chỉ làm vì cái Không. Cái Không chưa trọn vẹn, nhà thời vẫn làm, làm cho tới khi cái Không viên mãn. Vậy rốt cuộc là có xây nhà hay không?

Người buồn, ta buồn, có gì khác? Người vui, ta vui, có gì khác? Vui này, buồn này trong Tâm, Tâm này nơi thân, đi khắp núi non bốn bể, vui buồn như nhau. Chẳng ra khỏi cửa, biết chuyện thiên hạ!

Làm như không làm, làm rồi cũng Không, chưa làm cũng Không. Người ăn ở Không, tức đang ở Không. Người đang làm đó, bất quá cũng chỉ đang tiến về cái Không. Có cái gì trong Vũ Trụ mà chẳng đi về Không? Đạo Trời rốt cuộc cũng chỉ là Không. Bây giờ chưa thấy đạo Trời, sau thấy cũng chỉ Không. Bây giờ chưa biết đạo Trời, sau biết cũng chỉ Không. Bởi đạo Trời chẳng nằm ngoài cái Không. Vậy nay ta Không cho trọn vẹn, khỏi mất công đi tìm, tìm rồi cũng chỉ thấy mỗi cái Không. Chẳng ngó ngoài sân, thấy được đạo Trời!

Hiện tại chưa về Không, còn vương vấn đó, bởi giấu nó đi, chẳng đặng làm cho về Không. Mai này hoá Hư Không, ở đó liền muốn khóc. Nhưng chẳng có cái gì để khóc, vậy liền sinh thành em bé. Sinh ra khóc oà, khóc đặng cho về Không. Mai này lớn lên, cứ lại đè nén, vui được một phần, sầu khổ mười phần. Cười được ba khắc, khóc tận ba canh.

Nguyễn Hồng Quý

Daniel Winn, họa sĩ gốc Việt được gia đình Hoàng tử Đức Waldemar Schaumburg-Lippe phong Hiệp Sĩ


Thiệp mời Daniel Winn từ Hoàng gia Đức. (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)

Thiệp mời Daniel Winn từ Hoàng gia Đức. (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)

Thiệp mời Daniel Winn từ Hoàng gia Đức. (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)

Thiệp mời Daniel Winn từ Hoàng gia Đức. (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)

Thiệp mời Daniel Winn từ Hoàng gia Đức. (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)

Thiệp mời Daniel Winn từ Hoàng gia Đức. (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)


Beverly Hills, California (NV) – Có những người học và theo đuổi các ngành kĩ sư, bác sĩ vì đó là niềm đam mê của họ. Nhưng cũng có những người chọn ngành học vì muốn làm vui lòng ba mẹ, gia đình hoặc vì muốn có được thu nhập cao, ổn định. Daniel Winn là người nằm trong số này, cho đến khi ông đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt cho đời mình, thay đổi hoàn toàn hướng đi mà ba mẹ, gia đình đã dự định từ trước cho ông. Đó là quyết định bỏ bằng bác sĩ để theo đuổi đam mê trở thành một họa sĩ.

Tối Thứ Bảy, 22 Tháng Mười Hai, 2018 là một buổi tối đặc biệt đối với người hoạ sĩ gốc Việt Daniel Winn: Ông được gia đình Hoàng Gia của Hoàng Tử Đức Waldemar Schaumburg-Lippe phong Hiệp Sĩ trong một buổi lễ tổ chức tại Winn Slavin Fine Art, Beverly Hills, California.

Đây là lần tiên một họa sĩ gốc Việt có vinh dự này. Ông Daniel được gia đình Hoàng Gia Đức Waldemar Schaumburg-Lippe phong Hiệp Sĩ vì những đóng góp cho nghệ thuật và những nỗ lực trong lĩnh vực y tế và từ thiện.


Hoạ sĩ Daniel Winn được gia đình Hoàng Gia Đức phong Hiệp Sĩ. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Tại buổi lễ, ông Daniel Winn nói với phóng viên Người Việt: “Tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi được gia đình Hoàng Gia Đức phong Hiệp Sĩ vì điều này rất hiếm khi xảy ra.”

Thiệp mời Daniel Winn từ Hoàng gia Đức. (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)

Hoàng tử Waldemar Schaumburg-Lippe là một trong những hoàng tử có dòng máu hoàng tộc được xếp hạng cao ở châu Âu. Thống kê vào năm 2015, họ hàng thân thích của gia đình hoàng gia này trị vì tại 25 quốc gia và 14 lãnh thổ hải ngoại trên toàn thế giới. Hoàng gia Schaumburg-Lippe chủ yếu sống ở Đức hoặc Monte Carlo, Monaco và được biết đến là ân nhân, nhà từ thiện cho nhiều tổ chức từ thiện qua nhiều thế hệ, theo thông tin từ trang mạng Wikipedia.


Daniel năm 16 tuổi (1982) (Ảnh từ Daniel Winn Facebook)

Họa sĩ Daniel Winn đến Mỹ năm 9 tuổi. Vì niềm đam mê hội họa và điêu khắc nên từ lúc còn là sinh viên ông đã nhận làm các công việc bán thời gian tại các cửa hàng bán đồ hội họa, đóng khung tranh ảnh để kiếm tiền mua bút vẽ, màu và các đồ dùng để vẽ khác.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học University of California, Irvine’s School of Medicine vào năm 1992, Daniel đã có một quyết định mang tính bước ngoặt của đời mình, đó là thay vì đi làm công việc phù hợp với tấm bằng bác sĩ, ông lại quyết định đi ngược với mong muốn của gia đình để mở một cửa hàng đóng khung tranh ảnh nhỏ vào năm 1993. Ông Daniel làm việc ở đó nhiều giờ mỗi ngày và bảy ngày một tuần. May mắn, chỉ trong vòng vài năm nhiều hợp đồng sinh lợi đã đến với ông.

Nhờ bước chạy đà thuận lợi đó, ông Daniel tiếp tục mở thêm các phòng tranh cao cấp ở Newport Beach và Laguna Beach. Sau đó, ông sáng lập Masterpiece Publishing, Inc vào năm 1997 để giúp các họa sĩ, nhà điêu khắc khác bán các tác phẩm nghệ thuật của họ.

Công ty ông đã đưa các tác phẩm đi triển lãm và bán tại nhiều nơi như New York, Los Angeles, Toronto, Montreal, Hong Kong…

Năm 2014, ông Daniel được nhận giải California Senate Resolution từ Dân Biểu Liên Bang Lou Correa.

Năm 2017, ông sáng lập Winn Slavin Fine Art ở Beverly Hills, California.

Có mặt tại Winn Slavin Fine Art cùng với ba mẹ của mình để chứng kiến ông Daniel Winn được phong Hiệp Sĩ, anh Kirk Sorensen, một khách hàng mua tranh, cho biết những bức tranh do ông Daniel Winn sáng tạo có giá từ $15,000 đến vài trăm ngàn. Gia đình anh có mua một bức có tên gọi là “Clarity” với giá $25,000.

Tại buổi lễ, ông Daniel cũng công bố tác phẩm nghệ thuật vẽ gia đình Hoàng Tử Đức bao gồm Hoàng Tử Waldemar Schaumburg-Lippe, phu nhân Antonia Schaumburg-Lippe và con trai ông, Hoàng Tử Mario-Max Schaumburg-Lippe.

Hoàng Tử Mario-Max Schaumburg-Lippe nói với phóng viên Người Việt: “Daniel Winn là một người bạn tuyệt vời và cũng là một họa sĩ yêu thích của gia đình tôi. Tôi yêu gia đình mình và luôn muốn có một bức tranh gia đình thật đẹp. Bức tranh đặc biệt này được vẽ bởi một họa sĩ cũng rất đặt biệt. Tôi yêu bức tranh này.”

Họa sĩ Daniel Winn (trái) phát biểu tại buổi lễ trước khi ông được phong Hiệp sĩ. Phía sau là tác phẩm nghệ thuật vẽ gia đình Hoàng Gia Đức Waldemar Schaumburg-Lippe mà ông mất hơn 3 tháng để tạo nên. (Hình: Công Thành/Người Việt)


Vợ chồng nữ diễn viên Loni Anderson và Bob Flick đến chung vui với hoạ sĩ Daniel Winn. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Một số diễn viên kỳ cựu của Hollywood cũng có mặt để chia vui với ông Daniel Winn như vợ chồng nữ diễn viên Loni Anderson và Bob Flick, hay diễn viên Hank Garrett.

Ông Hank Garrett, người nổi tiếng với vai diễn hitman trong bộ phim ‘Three Days of the Condor’, đem về cho ông giải thưởng New York Film Critics’ Award, cười nói: “Nhìn những bức vẽ tuyệt đẹp đang được triển lãm ở đây, tôi muốn Daniel Winn sẽ vẽ một bức tranh chân dung cho vợ tôi.”


Diễn viên kỳ cựu Hollywood Hank Garrett đến chia vui với hoạ sĩ Daniel Winn. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Các tác phẩm của hoạ sĩ Daniel Winn được giới yêu thích hội hoạ ưa chuộng có lẽ vì chúng có thể chạm đến tận đáy tâm hồn và cảm xúc của họ.

Ông Daniel chia sẻ, một lần phó giám đốc của Wells Fargo Bank mua một bức vẽ có tên là “Knowledge Creation” của ông. Bà đã khóc khi nhìn thấy bức vẽ và nói với ông Daniel là tác phẩm đó khiến bà xúc động mạnh. Bà cảm nhận được năng lượng, tinh thần và ý nghĩa toát ra từ bức tranh.


Tác phẩm “Knowledge Creation” của hoạ sĩ Daniel Winn. (Hình: ông Daniel Winn cung cấp)

Ông Han, cư dân Cupertino, cựu sinh viên trường Stanford University, hiện đang làm việc ở Silicon Valley, từ Bắc California xuống để chúc mừng người bạn Daniel Winn, nói: “Điều tôi thích nhất là các tác phẩm nghệ thuật do Daniel sáng tạo thể hiện con người thật của chúng ta. Daniel là một hoạ sĩ có sức sáng tạo dường như không giới hạn và một trái tim từ thiện lớn. Bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu biết được những việc làm giúp đỡ người khác của Daniel. Ông ấy sẵn sàng cho đi nhiều hơn là nhận lại. Đó là lý do vì sao tôi luôn ủng hộ ông ấy.”

Với những gì đã đạt được sau hơn 25 năm theo đuổi đam mê hội hoạ, có lẽ ông Daniel cũng làm cho song thân của mình rất tự hào dù rằng họ đã không còn trên thế gian để chứng kiến những thành công của ông. Theo lời ông Daniel, chính ba mẹ là những người đã hiểu, yêu thương và ủng hộ cho ông rất nhiều ngay cả khi ông quyết định làm trái ý họ để theo đuổi niềm đam mê thật sự của đời mình.


Từ phải qua trái: Hoạ sĩ Daniel Winn, Công chúa Antonia Schaumburg-Lippe, Hoàng tử Waldemar Schaumburg-Lippe, Hoàng tử Mario-Max Schaumburg-Lippe, Dược sĩ Linh Bùi và Bác sĩ Michael Đào. (Hình: Công Thành/Người Việt)

Công Thành