Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salmane. Arnhujp ngày 11/04/2017.
Vương triều Saoud đang trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng quốc tế sau khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích, được cho là đã bị sát hại, sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul.
Có quy mô rộng nhất, nắm đầy quyền lực trong tay, gia tộc Saud, gồm 200 hoàng tử và 25.000 thành viên, cai trị vương quốc Ả Rập Xê Út từ đầu thế kỷ XX.
Gia tộc Al Saoud là ai ?
Theo AFP, tên của dòng tộc Saoud được đặt trong tên nước Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia). Để hiểu được nguồn gốc của vương quốc Hồi Giáo này, phải ngược về đầu thế kỷ 18. Năm 1745, lãnh chúa Mohammed Ben Saoud quyết định củng cố quyền lực bằng việc kết hợp với nhà thần học Mohammed Ben Abdel Wahab (1703-1792). Năm 1744, Wahhab phát động một chiến dịch thanh giáo và phục hưng để quay lại với Hồi Giáo thuần khiết và chân chính của Đấng sáng lập.
Năm 1902, Abdel Aziz Ben Saoud (trị vì từ 1902-1953) đánh đuổi dòng tộc đối thủ Rachidi ra khỏi Riyad và dần dần củng cố quyền lực bằng cách dùng sức mạnh để thống nhất bán đảo. Năm 1925, Abdel Aziz chiếm được quyền kiểm soát các thánh địa Mecca và Medina. Năm 1932, ông lập vương quốc Ả Rập Xê Út và tự xưng quốc vương.
Để duy trì quyền lực, quốc vương Abdel Aziz Ben Saoud cưới con gái của nhiều tộc trưởng. Tổng cộng, ông có 45 con trai. Gia đình hoàng gia hiện có khoảng 25.000 thành viên, trong đó có 200 hoàng tử giữ nhiều chức vụ trong bộ máy hành chính. Khi băng hà, năm 1953, người con trai Saoud, được quốc vương Abdel Aziz chỉ định, lên kế ngôi.
Tuy nhiên, do quản lý yếu kém và tham nhũng, quốc vương Saoud bị Hội Đồng Hoàng thân (gồm các thành viên quan trọng trong gia đình hoàng gia) phế truất năm 1964. Người em cùng cha khác mẹ, hoàng thái tử Faysal (1964-1975), lên thay thế. Là nhà kiến tạo một chính sách hiện đại hóa, ông bị một người cháu, bị cho là tâm thần, ám sát năm 1975.
Khaled, một người em cùng cha khác mẹ, kế vị cho đến khi qua đời vào năm 1982. Hoàng thái tử Fahad đăng quang và trị vì cho đến khi Abdallah kế nghiệp vào năm 2005.
Ai đang trị vì hiện nay ?
Vua Abdallah qua đời vào tháng 01/2015. Trước đó, vào tháng 06/2012, ông gây ngạc nhiên khi chọn Salmane, người em cùng cha khác mẹ làm hoàng thái tử. Tương tự, quốc vương Salmane cũng gây bất ngờ khi, vào tháng 06/2017, chọn con trai Mohammed Ben Salmane làm thái tử kế nghiệp, lúc đó 31 tuổi, và phế truất người cháu Mohammed Ben Nayef.
Kể từ khi được chọn là hoàng thái tử, Mohammed Ben Salmane, với biệt danh « MBS », xây dựng một vương triều pha lẫn cải cách và độc tài. Ông trấn áp mọi sự phản đối, nhưng lại cho phép phụ nữ lái xe, cho tổ chức nhiều buổi hòa nhạc và xây rạp chiếu phim.
Vậy việc truyền ngôi diễn ra như thế nào trong triều đại Saoud ? Theo luật của Ả Rập Xê Út, nhà vua phải là hậu duệ của quốc vương Abdel Aziz. Tháng 10/2006, thể thức truyền ngôi đã được cải cách để đảm bảo việc nhẹ nhàng chuyển giao quyền lực tại vương quốc rất bảo thủ này. Như đến giờ, cơ chế này vẫn chưa được sử dụng.
Nguồn: RFI/Thu Hằng (đăng ngày 20/10/2018)
*******************************************************************************
Người biểu tình đòi thả nhà báo Jamal Khashoggi. (Ảnh: AFP)
Nhờ cuộc phỏng vấn trùm khủng bố Osama bin Laden vào những năm 1980, Jamal Khashoggi nổi lên trở thành một trong những nhà báo có uy tín nhất ở Saudi Arabia và sau này trở thành cây bút của Washington Post
Thế nhưng, cái tên Jamal Khashoggi giờ đây còn được nhắc đến nhiều hơn vì vụ nhà báo Mỹ này mất tích ngày 2/10 sau khi bước vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến quan hệ giữa 3 nước trở nên vô cùng phức tạp.
“Bệ phóng” Osama bin Laden
Khashoggi học Đại học bang Indiana của Mỹ và sau khi tốt nghiệp, ông trở về Saudi Arabia làm việc cho một tờ báo tiếng Anh.
Đó là thời kỳ đầu những năm 1980, khi những tay súng thánh chiến khơi mào cuộc chiến ở Afghanistan nhờ được sự ủng hộ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Và trong những tay súng thánh chiến được Mỹ hậu thuẫn đó có Osama bin Laden, người đã mời Khashoggi đến Afghanistan để phỏng vấn hắn. Tất nhiên, nhà báo này đã nhiệt tình nhận lời và sau đó có thêm vài lần phỏng vấn bin Laden.
Khashoggi được cho là đã đứng về phe thánh chiến ở Afghanistan nhưng ông không phải là trường hợp cá biệt.
“Đầu tiên và trên hết, ông ấy ở đó với tư cách là một nhà báo, dù cũng phải thừa nhận rằng ông ấy là một người đồng tình với các tay súng thánh chiến Afghanistan nhưng phần lớn các nhà báo Arab thời đó, và cả nhiều nhà báo phương Tây cũng thế” – Thomas Hegghammer, người từng phỏng vấn Khashoggi về quãng thời gian ông ở Afghanistan, chia sẻ với New York Times.
Dù từng đăng một bức ảnh bản thân cầm súng trường trong tay, Khashoggi được cho là chưa bao giờ thực sự chiến đấu ở Afghanistan hay có khả năng chiến đấu.
Cái mác “kẻ cực đoan”
Một vài người thuộc phe cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ từng cho rằng những câu chuyện ca ngợi Khashoggi là người bảo vệ dân chủ và tự do ngôn luận thực chất bị thổi phồng.
Và vì thế, họ thúc đẩy một thuyết âm mưu rằng câu chuyện xung quanh vụ mất tích của ông hôm 2/10 vừa qua chỉ nhằm phá hoại quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Saudi Arabia nhằm mục đích có lợi cho Iran.
Những ngày qua, cũng đã có một vài nhân vật bảo thủ ở Mỹ tìm cách gắn cho Khashoggi cái mác một kẻ cực đoan vì ông từng bày tỏ sự đồng tình với cuộc chiến mà bin Laden tiến hành những năm 1980, và cũng vì mối liên hệ của ông với phong trào Anh em Hồi giáo. Nhưng đồng nghiệp của ông khẳng định với New York Times rằng tất cả là dối trá.
Khashoggi đã tỏ ra bất bình với bin Laden khi tên này bắt đầu ủng hộ chủ nghĩa khủng bố những năm 1990, điều mà sau này đã dẫn tới vụ tấn công nhằm vào tòa tháp đôi ở New York ngày 11/9/2001.
“Osama bin Laden… không chỉ tấn công vào New York và [nhằm vào chính phủ ở] Washington mà còn tấn công vào đạo Hồi, vào đức tin lẫn những giá trị của sự dung thứ và cùng tồn tại mà tôn giáo này rao giảng” – Khashoggi viết không lâu sau vụ tấn công 11/9. Ông cũng chỉ trích thuyết âm mưu lan truyền ở Saudi Arabia về vụ việc trên nhằm làm lu mờ thực tế rằng có tới 15 trong số 19 kẻ tấn công đến từ Saudi Arabia.
Khi trùm khủng bố khét tiếng bị Mỹ tiêu diệt năm 2011, Khashoggi cho rằng, bin Laden đã chuyển từ việc đấu tranh cho những gì hắn coi là chính nghĩa sang ủng hộ sự thù hằn.
Lúc đó, Khashoggi đã đăng dòng tweet rằng: “Tôi đã gục ngã và khóc lóc một lúc, cảm thấy tan nát vì Abu Abdullah (biệt danh của Osama bin Laden). Ông từng là một con người tuyệt vời và dũng cảm những ngày xưa tươi đẹp ở Afghanistan, trước khi ông sa đà vào sự thù hằn và giận dữ”. Khashoggi từng được cho là đã cố gắng thuyết phục bin Laden từ bỏ con đường bạo lực.
Thân thiết với Hoàng tộc Saudi
Truyền thông Saudi Arabia có mối quan hệ vô cùng mật thiết với Hoàng tộc, vì thế khi Khashoggi càng vươn lên vị trí cao hơn trong thế giới truyền thông của vương quốc này, ông cũng càng thân thiết hơn với các hoàng thân, quốc thích.
Khashoggi từng giữ vai trò cố vấn cho Hoàng gia và có lúc đã tháp tùng Quốc vương Abdullah công du. Vì mối quan hệ thân thiết với Hoàng thân Turki al-Faisal, người đứng đầu cơ quan tình báo của Saudi Arabia, mà có lúc Khashoggi cũng bị đồn là gián điệp của nước này.
Nhưng Khashoggi là một người khá công khai ủng hộ dân chủ, vì thế ông đã gặp rắc rối khi Saudi Arabia tìm cách chặn đứng làn sóng nổi dậy mang tên “Mùa xuân Arab” ở khu vực này. Và dù thường lên tiếng chỉ trích Hoàng gia Saudi Arabia, ông vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với họ. Khashoggi đã hơn một lần bị đuổi việc vì xu hướng có phần “nổi loạn” của ông nhưng thường là sau đó vẫn được thuê lại.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với Khashoggi vào năm 2015 khi Quốc vương Salman lên nắm quyền và tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đến con trai ông, Mohammed, người được phong Thái tử thừa kế ngai vàng vào năm 2017.
Tháng 6/2017, Khashoggi rời Saudi Arabia giữa lúc Thái tử Mohammed bin Salman cố gắng tìm mọi cách thâu tóm quyền lực, trong đó có việc bắt giữ một số hoàng thân khác và các doanh nhân nổi tiếng. Một vài người bạn của Khashoggi cũng bị bắt.
6 tháng trước khi Khashoggi sang Mỹ, Hoàng gia Saudi Arabia đã “treo” bút ông vì nhà báo này chỉ trích Tổng thống Donald Trump và sự tin tưởng tuyệt đối của chính phủ Saudi Arabia đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Ở Mỹ, Khashoggi bắt đầu viết bình luận cho tờ Washington Post từ tháng 9/2017 cho đến khi mất tích. Tại Washington Post, ông đã có những bài viết chỉ trích Saudi Arabia trong các vụ việc như phong tỏa, cô lập Qatar, những tranh cãi của nước này với Lebanon và Canada… Mặc dù vậy, ông ủng hộ một số cải cách của Thái tử Saudi Arabia như cho phép phụ nữ lái xe./.
Nguồn: Wikipedia / Người Việt Forum
No comments:
Post a Comment