Tuesday, July 16, 2019

Người mù mất con mắt, người bận rộn mất thứ quý giá hơn nhiều


Tượng Phật Ushiku Daibutsuby (A Di Đà), Nhật Bản

Trong xã hội hiện đại ngày nay, thông thường người ta nói những người dốc sức làm việc, không có thời gian tự do cho bản thân mình là người bận rộn. Kỳ thực, đây chỉ là ý nghĩa bề ngoài của nó mà thôi. Trong chữ Hán còn có một kiến giải độc đáo về hàm nghĩa chân chính của chữ “bận” này. Cũng phải nói thêm rằng chữ Hán là một loại văn tự đặc thù, hình tượng và ý nghĩa của nó là có liên quan chặt chẽ với nhau, chính là “Văn dĩ tải Đạo”. Chữ “bận” (忙) là một ví dụ rất sâu sắc.

Đầu tiên, để hiểu được về chữ “bận”, ta xét đến trường hợp của người mù.

Chữ Mục (目) biểu thị con mắt, còn chữ Manh (盲, đui, mù) lại do chữ Vong (亡: Mất) và chữ Mục (目) ghép thành. Ý nghĩa của nó chính là con mắt đã bị mất đi rồi. Bởi vậy mà người mù chính là người đã mất đi con mắt để nhìn.

Còn chữ “bận” (忙), nó được cấu tạo bởi chữ tâm đứng (心) và chữ  vong (亡). Chữ tâm (心) là chỉ về cảnh giới nội tâm, tình cảm của con người. Ví như: hận (恨), hối hận (悔), kinh hãi (惊), sợ (惧), khiếp (怯), phiền muộn (恼), căm phẫn (愤), giác ngộ (悟), e sợ (怕), lo âu (忧), đau thương (恸), tình cảm (情)… đều chứa đựng chữ tâm (心) này. Ví thế chúng đều là chỉ phạm trù thuộc về nội tâm, tình cảm của con người. Một người đã “tâm vong” thì chính là người “bận”.

Cho nên, bận rộn (忙) có hàm ý chính là chỉ nội tâm, tình cảm của một người đã bị mất đi rồi. Từ ý nghĩa này có thể thấy, người bận rộn chính là người mà đã bị mất cảnh giới tinh thần và nội tâm hoặc là người có tâm trí đã bị mê lạc, bị mất phương hướng. Bởi vì đã bị mất đi tình cảm, tinh thần, nên người bận rộn thường hay nóng nảy và nông nổi.

Người có nội tâm và cảnh giới tinh thần phong phú thường là người không để bản thân mình quá bận rộn, bị cuốn vào công việc, mà là thường xuyên xét lại mình, làm thuần tịnh tâm thái của bản thân mình.

Những người tu luyện thời cổ đại, thân ở trong chùa hoặc đạo quán làm bạn với trăng thanh gió mát, ở trong tụng kinh hoặc tĩnh tọa mà sống. Cảnh giới cao nhất của người tu đạo chính là thanh tĩnh vô vi, thuận theo tự nhiên. Họ sở dĩ cách ly với cuộc sống như vậy, chính là vì không muốn những sự tình nơi thế tục làm bại hoại bản tính thật của mình, như thế họ mới có thể tĩnh tu mà đạt đến cảnh giới tịnh hóa cả thân và tâm.

Vào thế kỷ trước, ở Nhật Bản có một loại bệnh là “Karoshi” (Chết do làm việc quá mức). Những người làm việc quá sức, quá nhiều trong một thời gian dài sẽ ở trong tình huống không có bất kỳ một biểu hiện bệnh nào mà chết đột ngột. Bởi vậy, đối với những người không tìm được ý nghĩa nhân sinh mà nói, bận rộn quá mức cũng đồng nghĩa với việc đang khiến cảnh giới tinh thần của mình bị chết đi. Hơn nữa, nó cũng là “khúc dạo đầu” cho quá trình chết đi của thân thể.

Người hiện đại bởi vì chạy theo “danh, lợi, tình” mà trở nên bận rộn, thậm chí ngay cả lúc ăn cơm thì tiếng chuông điện thoại cũng không ngừng reo. Người như vậy căn bản không có thời gian, cũng không muốn suy nghĩ xem mục đích của cuộc đời là gì.

Thậm chí ngay cả khi họ có cơ hội được nghe về mục đích của cuộc đời thì trong lòng cũng bán tín bán nghi bởi vì cảnh giới tinh thần của họ đã bị mai một quá nhiều. Người này thậm chí luôn vì được một chút lợi nhỏ mà vui , mất một chút lợi nhỏ mà đau buồn.

Bởi vậy, người thực sự sáng suốt sẽ không biến bản thân mình thành người bận rộn, bị công việc cuốn đi. Ngẫm lại, chẳng phải con người ai cũng muốn có được sức khỏe tốt, có được cuộc sống hạnh phúc sao? Vì sao nhiều người thành đạt ở cả phương Đông và phương Tây có được gia tài lớn rồi mà vẫn cảm thấy không hạnh phúc, cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa? Phải chăng, chạy theo “danh, lợi, tình” không thể đem lại hạnh phúc thực sự cho con người? Chỉ có tu tâm dưỡng tính khiến cho cảnh giới tinh thần của bản thân mình thong dong tự tại, thản đãng tiêu sái mới có được một cuộc đời tốt đẹp và hạnh phúc!

An Hòa

Nguồn: Tri Thức

No comments:

Post a Comment