Bệnh tấn công lá gan Source: Getty Images/Sebastian Kaulitzki/Science Photo Library
Mời quý khách nghe SBS-Xuân Ngọc trò chuyện cùng Bác sĩ Kiều Chinh
Những người bị nhiễm viêm gan B hoặc C mà không tiến hành điều trị thì gan sẽ dần bị tổn thương và có thể tiến triển thành xơ gan, chai gan và giai đoạn nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong là ung thư gan.
1. Bệnh viêm gan có mấy loại và loại nào nguy hiểm nhất?
Bệnh viêm gan hay còn gọi là bệnh viêm gan siêu vi được chia thành 5 loại chính theo tên của 5 loại virut gây bệnh là A,B,C,D và E.
Trong đó, viêm gan B và C là hai loại viêm gan nguy hiểm cần được quan tâm nhất vì hơn 25% những người bị nhiễm viêm gan B hoặc C mà không tiến hành điều trị thì gan sẽ dần bị tổn thương và có thể tiến triển thành xơ gan, chai gan và giai đoạn nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong là ung thư gan.
2. Chúng ta có thể bị nhiễm viêm gan B và C từ đâu?
Những con đường lây truyền viêm gan B thường gặp nhất bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm bệnh hoặc dịch cơ thể bị nhiễm bệnh
- Từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang em bé trong thai kỳ hoặc trong khi sinh
- Quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị nhiễm bệnh
- Dùng chung hoặc dùng lại kim tiêm
- Thiết bị y tế hoặc kim tiêm chưa được khử trùng có thể được sử dụng bởi bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ cắt tóc vỉa hè.
- Cộng đồng người Việt của chúng ta thỉnh thoảng hay về Việt Nam để làm răng, cắt tóc hoặc thẩm mỹ thì cần lưu ý về chất lượng của các trung tâm dịch vụ này.
- Sử dụng lại dụng cụ tiêm chích ma túy của người khác, đây chính là cách lây lan phổ biến nhất về bệnh Viêm Gan Siêu Vi C ở nước Úc.
- Dùng những dụng cụ xâm mình và xâu khoen trên cơ thể mà không được tiệt trùng hợp lý.
Phần lớn người bị nhiễm viêm gan không có triệu chứng nào. Nhưng cũng có người có các triệu chứng như là bị cúm:
- Mệt mỏi
- Sốt
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau bụng dưới
- Đau khớp.
- Vàng da
- Nước tiểu/ phân có màu đậm
4. Vậy thì tôi chỉ cần đi thử máu định kỳ hàng năm là được phải không?
Một điều rất quan trọng mà quý vị cần phải lưu ý đó là thử máu tổng quát sẽ không bao gồm kiểm tra viêm gan B hoặc C.
Do đó, nếu quý vị muốn biết chắc chắn bản thân có bị nhiễm hay không thì cần yêu cầu rõ với bác sĩ rằng tôi muốn thử máu để kiểm tra viêm gan B hoặc C.
5. Nếu bị viêm gan B hoặc C thì có cần phải điều trị không?
Trước đây một số người chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan B và C nên cho dù họ biết mình có nhiễm bệnh cũng không quan tâm lắm đến việc điều trị nhưng xin phép được trả lời là nếu bị viêm gan B hoặc C thì rất cần điều trị càng sớm càng tốt đế tránh dẫn đến xơ gan hay ung thư gan.
Cụ thể là:
- Viêm gan B hiện nay chưa có thuốc trị dứt hẳn mà chỉ có thuốc uống để giúp kiểm soát lượng vi rút trong máu ở mức độ an toàn để nó không phá huỷ lá gan.
- Viêm gan C thì đã có thuốc trị dứt hẳn đến 95% và tác dụng phụ rất thấp. Do đó quý vị có thể hoàn toàn an tâm với việc uống thuốc và điều trị.
Một người nếu đã điều trị dứt hẳn nhưng sau đó có sự tiếp xúc với máu của người bệnh thì vẫn có thể nhiễm lại bởi vì bệnh viêm gan C hiện nay không có vắc xin để phòng ngừa.
7. Thế còn viêm gan B thì có vắc xin không?
Rất may mắn là hiện này chúng ta đã có vắc xin để ngừa cho Viêm gan B.
8. Vậy thì ai có thể được chích vắc xin viêm gan B, đến đâu để chích và chi phí như thế nào?
Quý vị cần gặp bác sĩ gia đình để làm xét nghiệm máu trước. Nếu như kết quả thử máu cho thấy rằng quý vị chưa từng bị nhiễm viêm gan B và không có kháng thể đối với viêm gan B thì bác sĩ gia đình sẽ cho quý vị chích vắc xin.
Và lưu ý Vắc xin cho viêm gan B cần được chích đủ 3 lần theo thứ tự:
- Mũi tiêm Thứ nhất - Vào bất kỳ thời điểm nào
- Mũi tiêm Thứ hai – Tối thiểu 1 tháng (hoặc 28 ngày) sau mũi tiêm thứ nhất
- Mũi tiêm Thứ ba – 6 tháng sau mũi tiêm thứ nhất
Về mặt chi phí, hiện nay vắc xin cho viêm gan B được miễn phí cho tất cả các người Việt ở Úc dưới 10 năm kể cả là không có Medicare.
9. Vậy những người Việt ở Úc hơn 10 năm hoặc du học sinh và du khách thì thế nào?
Nếu quý vị nào ở Úc hơn 10 năm thì sẽ phải trả tiền cho vắc xin này nhưng xin quý vị yên tâm là chi phí này cũng đã được chính phủ hỗ trợ. Tổng cộng 3 mũi chích khoảng $100.
Đối với du học sinh hoặc người du lịch đến Úc và ở Úc dưới 10 năm thì vẫn được hỗ trợ chi phí vắc xin cho viêm gan B nhưng họ cần phả trả lệ phí khám bệnh cho bác sĩ.
10. Viêm gan B có lây qua đường ăn uống hay không?
Chúng ra sẽ không bị lây viêm gan B do ăn hoặc uống cùng người bị nhiễm bệnh hoặc ăn thực phẩm mà người bị viêm gan B chuẩn bị hoặc nấu.
11. Những người bị nhiễm viêm gan B hoặc C ở Úc có bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử hay không?
Rất tiếc hiện nay vẫn còn tình trạng kỳ thị hoặc phân biệt đối xử với người bị nhiễm viêm gan B hoặc C ví dụ trong vấn đề di trú hoặc đi thực tập của các bạn sinh viên học ngành sức khoẻ.
Do đó quý vị có quyền không cần nói cho người khác biết về bệnh viêm gan của mình và nếu cần những sự giúp đỡ liên quan đến vấn đề kỳ thị hoặc phân biệt đối xử thì có thể liên hệ với tổ chức viêm gan Victoria theo số 1800 703 003.
12. Cộng đồng người Việt bị viêm gan B và C nhiều vậy thì có nguy cơ nhiểm coronavirus cao không?
Hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy những người khỏe mạnh và sống với bệnh viêm gan B hoặc C có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao hơn.
Tuy nhiên, nếu như đang sống với bệnh viêm gan B hoặc C và có một số bệnh khác như huyết áp cao, tiểu đường hoặc bệnh gan tiến triển (xơ gan) thì tình trạng bệnh có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn nếu mắc COVID-19.
13. Làm thế nào để có một lá gan khoẻ mạnh?
Tổ chức Viêm gan Victoria đã phát triển một ứng dụng miễn phí có tên LiverWeLL nhằm đã cung cấp hàng loạt những lời khuyên hữu ích để giúp cộng đồng có một lá gan khoẻ mạnh bao gồm:
- Ăn lành mạnh: Giảm bớt những thực phẩm giàu chất béo và đường
- Uống lành mạnh: Hạn chế uống rượu.
- Tập thể thao: Bổ sung thêm một số hình thức tập thể dục vào thói quen hàng ngày của bạn
- Tinh thần thoải mái: Chăm sóc bản thân về mặt cảm xúc, tinh thần và thể chất
Nguồn: SBS/ Xuân Ngọc- Kiều Chinh
No comments:
Post a Comment