Monday, March 27, 2023

Giá Ngàn Vàng - Văn Phan



"Thưa Chú Tư Khu Vực, dạ tui có chuyện này muốn nói riêng với Chú Tư, nhờ chú giúp đỡ..."

Phải khó khăn lắm Bà Tám Đào mới đi thẳng được vào đề để nói lên cái điều mà từ mấy tháng nay bà từng trông đợi có dịp tốt để nói với gã công an khu vực bà ở, nói một cách riêng tư để cho người khác khỏi nghe thấy. ​

Dịp tốt đó chính là hôm nay đây, ngày Mồng Hai Tết, tại chính ngôi nhà bà Tám Đào. Không phải riêng Xã Tăng Nhơn Phú của bà mà cả làng, cả nước cũng đang tưng bừng ăn mừng Tết Nguyên Đán. Phải biết rằng cái Tết Việt Nam nó lớn lao và thiêng liêng lắm, mỗi năm chỉ tới có một lần thôi. Để giao hoà cùng sự đổi mới của đất trời, lòng người cũng trở nên phơi phới hân hoan và rộng mở. Tự ngàn xưa, Tết vẫn là dịp để cầu xin, khấn hứa và làm lành, làm phước cho người ta nữa. Cho nên mấy ngày Xuân nhựt như hôm nay thì gần như là ai cầu cái gì cũng được, ai xin cái gì người ta cũng cho...

Bà Tám Đào thừa biết vậy, và dường như gã công an khu vực tên Tư mặt mũi còn non choẹt cũng thừa biết vậy. Tuy đang say sưa rít từng hơi thuốc Con Mèo "có cán" mà Bà Tám Đào đã lễ phép mời mọc, gã công an khu vực vẫn không quên để tâm theo dõi thái độ ngập ngừng của bà chủ. Tư Khu Vực nhoẻn miệng cười:

"Có gì thì Bà Tám cứ nói. Coi liệu giúp được gì thì tôi giúp. Tết nhứt rảnh rang mà, Bà Tám!"

Như để tạo thêm hậu thuẫn cho những điều mình sắp nói, Bà Tám Đào đẩy lẹ dĩa nem nướng về phía Tư Khu Vực, rồi thuận tay châm thêm một ít bia hơi vào chiếc ly sắp cạn của gã công an, đằng hắng lấy giọng rồi nói luôn một lèo:

"Dạ... dạ chắc Chú Tư và mấy chú ở trển cũng biết là hiện nay Mỹ lại tiếp tục cho đám con lai còn sót lại ở Việt Nam được qua Mỹ. Cả mẹ với lại anh, chị em của đứa con lai cũng được đi nữa. Nhà nước mình thì lúc nào cũng khoan hồng, nhân đạo, đang nới tay nhiều lắm. Thành thử tui cũng muốn cho con Mỹ Hằng của tui nộp đơn đi Mỹ theo diện con lai đặng tui đi theo nó một thể. Nói Chú Tư thông cảm -- tới đây Bà Tám Đào hơi thấp giọng -- hoàn cảnh của mẹ con tui ở đây khó khăn quá, mặc dù đất nước mình đang trên đà đi lên... đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội..."

Tư Khu Vực gắp lẹ một miếng nem nướng bỏ vào miệng, ngậm đó, rồi hỏi liền:
"Ủa, mà Mỹ Hằng nó là cháu của Bà Tám mà, nó đâu phải là con?"

Bà Tám Đào, từ đầu chỉ chờ đợi gã công an nói vậy, vội vàng thưa:
"Dạ, thì chính cái chỗ Mỹ Hằng nó không phải là con ruột của tui nên tui mới muốn thưa với Chú Tư chuyện này đặng nhờ Chú Tư giúp đỡ. Cũng không khó lắm đâu, Chú Tư à! Thiếu gì người lúc này chỉ cần mua một đứa con lai, đen hay trắng gì đó cũng được, làm giấy tờ lại đường hoàng là đi Mỹ được rồi. Chắc Chú Tư cũng biết là Thứ Năm tuần rồi mẹ con bà Bảy Phụng đã lên máy bay đi Mỹ. Thiệt sướng ghê vậy đó! Bả mới mua con Huệ Đen dưới miệt Cà Mau rồi đem về làm giấy tờ đâu chừng hai năm mà đã đi dược rồi. Lẹ thiệt! Ăn thua là mình biết làm giấy tờ hợp pháp cho mình thôi à! Chớ còn bọn Mỹ thì nó ngu lắm, Chú Tư ơi! Nhà nước mình đưa danh sách vô bao nhiêu thì nó nhận bấy nhiêu, chớ nó không biết ai thiệt, ai giả đâu, Chú Tư à!"

Tư Khu Vực lấy tay lắc lắc, xoay xoay ly bia hơi đã gần cạn trên mặt chiếc bàn gỗ nhỏ có lót kiếng, làm cho nó phát ra những tiếng kêu leng keng khi những cục nước đá chưa tan hết chạm vào thành ly, ra chiều suy nghĩ... Ngoài kia, nắng đã lên cao quá mấy đọt dừa trong xóm, và hương vị ngày Tết chừng như cũng đang dâng cao, chan hoà trong nắng ấm. Mấy tiếng pháo nổ lẻ tẻ đâu đây trong xóm -- do đám con nít cứ thích làm cho người lớn phải giựt mình -- càng giúp làm tăng thêm cái không khí nhộn nhịp vui chơi của ngày Tết.

Gã công an thấy Bà Tám Đào nói cũng có lý... Thiếu gì mấy con mẹ đú đỡn trên huyện hay trên Sài Gòn liều mạng mua đại một đứa con lai, làm giấy tờ khai quan hệ là mẹ con, nộp đơn cầu may mà cũng được đi? Nhà nước ta thì có dại gì mà giữ lấy cái đám của nợ nầy trong nước, một bọn chuyên ăn bám và chây lười lao động? Cả đến việc vượt biên lậu mà chính quyền địa phương ở nhiều nơi còn đứng ra tổ chức nữa là chuyện cái đám con lai Mỹ! Có điều là với quyền hạn của công an khu vực, gã phải chứng nhận con Mỹ Hằng là con ruột của Bà Tám Đào thì mẹ con bả với thằng Tèo -- con thiệt của bả -- mới được đi Mỹ. Chính đó mới là cái trách nhiệm về lâu về dài của gã. Nếu trong ngành có thằng nào xấu bụng chơi khăm, tố cáo gã về cái vụ chứng dối này thì kẹt lắm, mất chức như chơi, chớ đừng nói gì tới mấy cái phần thưởng "tiên tiến" cuối năm!

Thấy Bà Tám Đào có vẻ sốt ruột muốn nghe được trả lời ra sao về vụ đó, Tư Khu Vực lấp lửng:
"Cái đó cũng còn tuỳ, Bà Tám à! Chuyện này lúc nói thì dễ, chớ khi làm thì giấy tờ nó rắc rối lắm đó! Với lại, con Mỹ Hằng nó chưa có hộ khẩu ở đây mà! Rồi còn vấn đề cái khai sinh do Bà Tám đứng tên làm mẹ nó nữa!"

Cả hai, Bà Tám Đào cùng gã công an khu vực, bỗng nhiên cùng để tâm tới chuyện con Mỹ Hằng. Bà Tám Đào dư sức biết là con Mỹ Hằng chưa có hộ khẩu ở nhà mình. Nhưng đó cũng là tại bà chưa chịu chạy tiền cho công an xã lo vụ này. Nay bà thấy cũng cần phải xin cho nó vào hộ khẩu lè lẹ, rồi lại phải làm cho nó một giấy khai sinh mới, khai tên mẹ đẻ là Dương Thị Xuân Đào nữa. Như vậy là cần phải chạy lo chút đỉnh như hồi mấy năm trước bà và thằng Tèo mới từ vùng kinh tế mới trốn về, phải làm giấy tờ lại hết, cũng qua tay gã công an khu vực tên Tư nầy.

Phần Tư Khu Vực thì lại mơ màng nghĩ đến con Mỹ Hằng với cái thân hình nẩy nở và làn da trắng muốt của nó... Kể ra thì, vì là trai mới lớn lên, gã thích con nhỏ quá đi chớ! Nhưng gã biết chắc đến hai trăm phần trăm là gã không thể nào cưới con nhỏ làm vợ được, chỉ vì gã đã mang thân là Công An Nhân Dân, có lý lịch ba đời đều tốt, lấy con gái "nguỵ" còn chưa được nữa là lấy con lai Mỹ, trong lúc Đế Quốc Mỹ là tên xâm lược Việt Nam, là kẻ thù của nhân dân ta! Hơn nữa, vì mặc cảm đủ thứ, gã lấy làm chắc là con Mỹ Hằng chẳng có ưa thích gì gã hết. Mới hôm kia nó đã bĩu môi, rồi nguýt gã một cái dài thòn sau khi gã, lợi dụng lúc quẹo xe đạp lẹ vào trong hẽm, làm bộ vô tình đụng tay vào bờ vai tròn trịa của nó... Bọn con gái trong xã Tăng Nhơn Phú nầy hình như đứa nào cũng chê công an, mặc dù đa số công an bây giờ cũng làm ăn khấm khá lắm chớ, nhiều tay sắm tới "xế nổ", chạy ì xèo ngoài lộ, coi đã con mắt! Đó là chưa nói tới mấy tay SBC, tức là công an chuyên săn bắt cướp, lái Honda chạy nhanh như máy bay phản lực!

Bà Tám Đào gắp thêm mấy miếng nem còn lại, bỏ vào chén của Tư Khu Vực, rót hết chai bia hơi thứ ba vào ly gã công an, rồi nói như phân bua:
"Có lệnh trên cấm công an uống bia, nhưng giờ này đã gần khuya rồi, mai mới có Mồng Ba Tết. Chú Tư chỉ việc về ngủ, lo gì! Tui thấy chuyện làm hộ khẩu với khai sanh cho con Mỹ Hằng thì dễ thôi, điều kiện cứ y hệt như hồi trước chú Tư làm giúp cho thằng Tèo đó thì có sao đâu? Nay thêm cái phần chứng nhận con Mỹ Hằng là con ruột của tui thì chắc là điều kiện phải tăng lên nhiều hơn, cái đó là dĩ nhiên rồi! Dù không có tiền bạc bao nhiêu -- bà Tám Đào lại thấp giọng như sợ ai nghe thấy -- tui cũng ráng chạy để chú Tư lo giùm cho tui và em nó. Tương lai của mẹ con tui nằm trong tay chú đó! Được chuyện này thì chú muốn gì lại chẳng được, hả chú Tư?" Bà Tám vừa nói, vừa cười thiệt tươi, ngó Tư như ngụ ý một cái gì xa xôi lắm...

Tư Khu Vực, chợt khám phá ra điều gì thú vị, tủm tỉm cười một mình. Rồi như bỗng nhận thấy ngồi lâu ở nhà dân cũng có điều bất tiện, gã bèn đẩy ghế, đứng dậy cáo từ:
"Thôi, cũng đã khuya rồi, tôi về trụ sở đã! Chuyện con lai của Bà Tám để tính lại, chắc cũng không khó lắm đâu! Mai mốt tôi ghé lại đây, mình bàn tiếp. Chỗ bà con, quen biết mà, lo gì? Thôi, chào bà Tám nghe... À quên, năm mới xin chúc Bà Tám sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát tài, phát lộc gấp mười năm ngoái!"

Được lời như cởi tất lòng, Bà Tám liền màu mè níu kéo:
"Thì ở lại chơi chút nữa đã, ngày mai vẫn còn Tết mà, chú Tư!"

Thấy Tư Khu Vực cứ nhứt định kiếu từ, Bà Tám Đào liền lên tiếng chúc Tết đáp lễ gã công an, dùng những lời lẽ hết sức hoa mỹ mà bà dư biết nếu là ngày thường thì bà không có cách nào nghĩ ra nổi!

Bà Tám Đào tiến ra phía cửa, sát theo sau gã công an. Cái khổ người gầy ốm, cao lênh khênh của Tư Khu Vực coi bộ khá tương phản với cái dáng phốp pháp, mỡ màng của bà Tám Đào, một người đàn bà đã trạc ngoài tứ tuần, ngày xưa từng một thời oanh oanh, liệt liệt, hết chủ sòng đến chủ "ba"... Gã công an vỗ vai bà Tám Đào, miệng nói với người đàn bà đối diện, nhưng trí thì nghĩ đến con Mỹ Hằng, con nuôi của bả, không biết giờ này còn đi chơi đâu chưa về nhà:

"Bà Tám hứa gả con Mỹ Hằng cho tôi, mà nay lại cho nó đi Mỹ, vậy là làm sao? Có mối nào giới thiệu đi, thế vô đó, nghen! Điều kiện là phải giống y như Mỹ Hằng mới được à!"

Hai người cùng cười thoải mái sau câu nói đùa đó. Bà Tám Đào nhìn theo gã công an cho tới khi gã khuất dạng phía cuối con hẻm. Tự nhiên Bà Tám Đào thấy lòng mình tràn đầy một niềm hy vọng...
* * *
"Mỹ Hằng à, tao có cái này muốn nói với mày..."

Mỹ Hằng, mà tên Mỹ-Việt là Barbara Mỹ Hằng, mới tắm xong, đang bận hong tóc cho khô bằng cách tay trái cầm cái lược nâng từng lọn tóc lên cao, tay phải thì cầm cây quạt nan quạt lấy quạt để. Nguyên do là sáng nay điện bị cúp thình lình, nhà có quạt máy cũng như không, mặc dầu theo lịch của Sở Điện Lực Thành Phố thì Thứ Hai và Thứ Sáu mỗi tuần đều có điện. Đang bực mình vì cái vụ cúp điện bất thường, chợt nghe bà Tám hỏi, Mỹ Hằng quay lại phía má nuôi nó:
"Có gì thì nói đại đi bà ơi, tóc người ta còn ướt nhèm hà!"

Bà Tám nhìn con nhỏ cười cười:
"Mà mày muốn đi Mỹ hông? Đi tìm ba mày ở bển!"

Mỹ Hằng nguýt bà Tám một cái, rồi kéo giọng dài thòn:
"Thôi đi bà ơi! Ai mà không muốn đi Mỹ? Ở đây đặng chết đói hả? Mà bà làm như chuyện đi Mỹ dễ lắm đó! Nói thiệt với bà, nếu dễ thì cả xóm này nó đi không còn một mống... À quên, chỉ còn vài mống ở lại với tụi bộ đội! Tui nói thiệt với bà -- Mỹ Hằng vừa nói vừa tiếp tục hong tóc -- dù phải hy sinh tới gì gì đi nữa mà được đi Mỹ, tui cũng chấp nhận, miễn đặng sống mà tới Mỹ, đừng có bị giết thì thôi à! Tui không có sợ bị tụi hải tặc nó hiếp, chỉ sợ tụi nó hiếp đã rồi giết chết như con Oanh, con Hà mà thôi! Nhưng mà cũng tại tụi nó ngu quá, kháng cự làm gì? Được như tui thì tui chấp hết tụi nó, mình 'dui dẻ' với nó, nó tới đâu, mình tới đó thì chắc chắn tụi nó không giết mình đâu! Tui nói thiệt, thà bị hải tặc nó bắt đi làm đĩ ở Thái Lan cả đời còn hơn là đi cuốc cho Việt Cộng ở đây một ngày... Mà bộ hôm nay bà trúng mánh gì lớn lắm sao lại nổi hứng nói chuyện đi Mỹ với tui, hả? Cứ đưa đây hai cây đi, ít ít thì cây rưỡi thôi cũng được, tui vượt biên tới Mỹ cho bà coi!"

Bà Tám Đào nghe con Mỹ Hằng nói, coi bộ khoái chí, vừa cười vừa giỡn:
"Cây thì không có cây, mà có thịt cho mầy, chịu hông?"

Mỹ Hằng chưa kịp phản ứng gì, thì Bà Tám đã xề lại bên cạnh nó, nói nhỏ nhỏ:
"Mầy chịu cho thằng Tư Khu Vực ôm ấp một cái hông? Hễ chịu thì mẹ con mình đi Mỹ liền, đi bằng máy bay phản lực đường hoàng, khỏi cần phải đi ghe, đi bộ như người ta đâu!"

Nghe đến tên Tư công an khu vực, và nghe bà Tám Đào biểu mình cho thằng Tư Khu Vực ôm ấp, Mỹ Hằng xí một cái rồi giẫy nẩy:

"Thôi, thôi đi bà ơi! Hết người rồi hay sao mà bà biểu tui ưng cái thằng mắc dịch đó? Bộ bà hông biết nó là Việt Cộng thứ dữ hay sao? Nói thiệt với bà, tui thù Việt Cộng tới tận xương tủy! Bây giờ bà cắc cớ lại biểu tui lấy công an nữa, vậy là sao? Lấy công an rồi lại được đi Mỹ, mà đi máy bay nữa! Chèng đéc ơi! Làm gì có chuyện lạ đời như vậy? Thiệt tui không hiểu bà nói cái gì!"

"Thiệt mày không hiểu gì hết sao Mỹ Hằng?" Bà Tám Đào, cũng còn cười cười, hỏi vặn lại.

"Ai mà hiểu nổi bà? Mà thôi, gì chớ cho thằng Tư Khu vực ôm ấp một cái là hổng có tui rồi, bà ơi!"

Nói tới đây tự nhiên Mỹ Hằng lại chợt nghĩ tới những người đàn ông, con trai khác đã lần lượt đi qua đời nó, như một cuốn phim. Hình ảnh thằng Bảy "ghi-ta", thằng Việt, thằng Thành "Honda", thằng Triệu, Ông Út, Chú Mành, Ông Có phệ, lão Hai già gân... lần lượt hiện ra trong trí nó... Nhưng mạnh mẽ và sống động nhứt vẫn là ký ức của nó về cái ngày và đêm nó bán trinh cho một gã Ba Tàu ở Chợ Lớn tên là Mành. Hồi đó nó mới có 14 tuổi! Má ruột của nó ép nó bán trinh cho chú Mành để lấy 6 phân vàng, lúc mẹ con nó bán hết đồ đạc, chuẩn bị đi kinh tế mới. Cũng chính tại vùng kinh tế mới này, một năm sau, má nó lâm bịnh và chết. Nó đến nương nhờ dì ruột của nó là bà Năm Huệ, cũng là dân kinh tế mới. Nhưng chỉ được ít lâu thì bà Năm Huệ tuyên bố thẳng với nó là vợ chồng bả không thể nuôi nổi nó, vì nó làm thì ít mà ăn thì nhiều, trong khi dân ở vùng kinh tế mới không ai làm đủ ăn! Khí hậu độc địa, đất đai khô cằn, nhà nước thì đem con bỏ chợ, không trợ cấp gì hết cho dân cư, những vùng kinh tế mới dần dần trở thành những vùng hoang vu, đói kém...

Mỹ Hằng theo đám dân liều mạng, bỏ kinh tế mới trốn về Sài Gòn kiếm ăn. Không nhà cửa, không hộ khẩu, lại sợ bị công an bắt, Mỹ Hằng đến xin ở nhờ nhà Bà Tám Đào. Hồi đó phong trào con lai Mỹ được làm giấy tờ đi Mỹ đương lên cao, ai cũng nghe, cũng biết. Bà Tám Đào trước sau là dân trọc trời, khuấy nước, tính ngay đến chuyện nuôi con Mỹ Hằng làm con để mưu cái lợi là đi Mỹ chung với nó. Vì thế, bà không có hành hạ nó cho đáng đồng tiền, bát gạo như người ta, mà cứ để cho nó sống tự nhiên, phây phây ra đó mà chờ thời...

Tuy là con gái mới lớn lên, nhưng Mỹ Hằng, vốn tốt giống và cơ thể khá phát triển, đã là mồi ngon cho bọn đàn ông, con trai có chút đỉnh tiền bạc mà ham của lạ trong cái chế độ cộng sản buồn chán ở Việt Nam... Nói chung, bọn đàn ông đi qua đời nó thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội cũ, mà đẹp trai nhứt phải nói là thằng Bảy, tự Bảy "Ghi-ta", con của một ông thiếu tá chế độ cũ đã đi học tập ngoài Bắc. Hai đứa, ngoài chuyện chung đụng thể xác, còn có chút quyến luyến tình cảm với nhau, cho đến khi thằng Bảy "Ghi-ta" theo mẹ nó trốn về Sài Gòn trước, rồi đi đâu mất tiêu luôn! Tuyệt nhiên Mỹ Hằng không hề chung đụng với bộ đội hay công an bao giờ, hay nói chung chung là với Việt Cộng. Cũng vì hồi mới "giải phóng" tụi Việt Cộng, chưa kịp hủ hoá và chưa nếm mùi tham nhũng, còn nghèo kiết xác, không có tiền bao gái, phần khác là vì Mỹ Hằng cùng các bạn đồng trang lứa với nó không mấy ai ưa Việt Cộng, không ưa theo bản tính Trời cho, chớ không phải vì cái gì hết...

Bà Tám Đào, nãy giờ mắc chạy xuống nhà bếp bớt lửa, chắt nước, rồi vần nồi cơm cho nó khỏi khét, giờ mới chạy trở lên chỗ con Mỹ Hằng còn đứng hong tóc. Thấy con nhỏ có chiều suy nghĩ, Bà Tám Đào giải thích:

"Đây nè, để tao nói cho mà nghe nè! Thằng Tư Khu Vực sẽ làm giấy tờ cho mày đi Mỹ theo 'diện' con lai, như bà Bảy Phụng với con Huệ đó! Dĩ nhiên là làm cho cả tao với thằng Tèo đi nữa! Nó làm giúp đủ thứ giấy tờ: khai sinh của mày nè, hộ khẩu của mày nè, giấy chứng nhận tao lấy Mỹ có đứa con lai tên là Dương Thị Mỹ Hằng tự là Barbara nè, rồi giấy đăng ký xuất cảnh theo 'diện' con lai trên huyện Thủ Đức nữa... Mày thấy hông, hễ thằng Tư Khu Vực nó làm cái gì là chắc ăn cái đó à! Còn chuyện đi Mỹ bây giờ của đám con lai đâu có còn khó khăn gì nữa? Mày không thấy con Huệ, con Mary, con Hạnh ngoài Chợ Nhỏ sao? Nhưng có điều ở đời này nhứt thế, nhì tiền, ba tình... Thế thì coi như tao với mày 'trần trụi' rồi, thằng cha mầy có ở đây thì cũng tù cộng sản mọt gông, chớ nói gì tới mày! Mình chỉ còn nước dùng tiền với tình thôi. Tiền, tình, tu, tù, tự tử... đó mậy! Bây giờ tao phân công: tao thì già ngắt rồi, tao lo chạy tiền, còn mày trẻ đẹp thì mày lo vụ tình. Cứ tống cho thằng Tư Khu Vực hai thứ đó thì lên trời cũng được nữa, chớ đừng nói chuyện đi Mỹ!"

Nói xong một hơi, Bà Tám Đào chừng như hứng chí, cười sằng sặc để lộ hai hàm răng có mấy chiếc răng bọc vàng đã ngả màu. Kể ra thì về tiền bạc cho vụ này, bà không lo lắm, mà chỉ lo cái vấn đề tình, nghĩa là làm sao cho con Mỹ Hằng nó chịu hy sinh ăn nằm với thằng Tư Khu Vực đôi ba bận gì đó, để lấy lòng gã công an đặng gã làm giấy tờ cho lẹ, mẹ con bả đi Mỹ thiệt sớm mà làm lại cuộc đời, chớ ở đây khổ quá... Đối với Bà Tám Đào thì chỉ cần chừng mươi hôm trúng mánh là bà dư sức lo tiền, lo bạc cho Tư Khu Vực để gã chạy mọi thứ giấy tờ cần thiết cho mẹ con bà đi Mỹ.

Bà Tám Đào hiện kiếm tiền cũng khá khá nhờ làm cái nghề chạy hàng hợp tác xã. Cái nghề này cũng giống giống như cái nghề chạy hàng Quân Tiếp Vụ hồi chế độ cũ, nhưng cách làm ăn và thâu nhập thì khá hơn nhiều, nhờ vào cái nạn tham nhũng và hối lộ lan tràn trong chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Vì lúc nào trong nền kinh tế của chế độ này cũng có hai thị trường song song: một thị trường chính thức do các công ty sản xuất và mua bán quốc doanh của nhà nước quản lý, và một thị trường chợ đen do bọn mánh mung và con buôn thao túng. Vì hàng tiêu thụ trong nước lúc nào cũng khan hiếm và vì giá các sản phẩm do nhà nước thu mua hay sản xuất lúc nào cũng rẻ hơn gấp mấy lần giá ngoài thị trường tự do -- do bọn chợ đen khống chế -- nên hễ ai có vốn đứng ra làm trung gian chạy hàng từ cừa hàng nhà nước sang cửa hàng tư nhơn thì cũng đều có lời, không nhiều thì ít. Một kí-lô xi-măng hoặc một ký-lô xút công nghiệp thì rất rẻ -- nếu có phiếu mua hàng do nhà nước cấp -- nhưng lại rất mắc khi được bày bán trên thị trường tự do ngoài đường phố. Mọi thứ khác từ nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột ngọt, thịt cá... cho tới nguyên liệu sản xuất và máy móc đều bị chi phối bởi quy luật nầy, tạo cho đám con buôn chạy mánh như Bà Tám Đào một môi trường làm ăn rất là béo bở.

Bà Tám Đào vốn là một người lanh tay, lẹ chưn nên đã mua chuộc được rất nhiều cán bộ tham nhũng làm việc trong các cửa hàng quốc doanh cũng như các cơ sở sản xuất do nhà nước quản lý. Đầu mối làm ăn của bà trải dài đến 20 cây số, từ Huyện Thủ Đức đến Chợ Bến Thành, Sài Gòn, với nhơn sự liên hệ bao gồm từ giám đốc, cửa hàng trưởng và cán bộ quản lý thị trường xuống tới nhơn viên bán hàng. Để mua đứt các tay chủ chốt đó, bà sẵn sàng dùng cả tiền lẫn tình, lẫn mọi thủ đọan con buôn lọc lừa để làm vừa lòng các thành phần tham nhũng của chế độ, miễn sao tiền bạc vào đầy túi của bà thì thôi!

Nhờ có công lao che chở và nuôi nấng Mỹ Hằng tử tế từ mấy năm nay, Bà Tám Đào rất tin tưởng ở ảnh hưởng và thẩm quyền cuả mình đối với nó. Bà Tám Đào tấn công tiếp:

"Tao chỉ nhờ mày có chừng đó thôi, là chịu khó để cho thằng Tư Khu Vực nó ôm ấp một chút, cũng chẳng hao mòn cái gì, mà lại được việc... Mình làm thiệt kín đáo, họa chăng chỉ có ông Trời biết được mà thôi! Vài ba lần xong việc thì giấy tờ mình cũng đã trót lọt rồi. Tao với mầy bỏ mẹ cái xứ chó đẻ này, qua bển giàu sang mấy hồi! Lúc đó mày muốn kiếm một thằng chồng cỡ nào mà lại chẳng được? Nói cho mày biết, đàn bà, con gái ở bển có giá lắm đó, chớ không phải như ở bên này đâu! Người ta nói ở bên Mỹ... kêu bằng ‘nhứt con nít, nhì đàn bà, thứ ba chó, mèo’, tức là thứ tư mới đến đàn ông đó, nghe mậy! Mình phải bỏ con tôm... câu con cá mới là khôn đó, nghe Mỹ Hằng!"

Bà Tám Đào vừa nói tới câu tục ngữ gợi hình kia vừa lấy tay nhéo một cái vào phần trên của cái đùi con Mỹ Hằng, rồi cười khúc khích, làm con nhỏ cũng phải bật cười theo, tuy nó đã phải nhảy nhổm lên vì bị nhéo thình lình vào chỗ da non! Thừa thắng xông lên -- kiểu bộ đội cụ Hồ hồi 1975 -- Bà Tám Đào thuyết giảng tiếp:

"Bọn đàn ông có chỗ yếu đó, mình là đàn bà phải biết thế mà tấn công thì trăm trận, trăm thắng. Nói cho mầy biết, lúc mới vào đây, Việt Cộng thằng nào cũng làm ra vẻ 'đạo đức cách mạng' hết, khó mà dụ tụi nó lắm! Nhưng ở lâu rồi, nhờ mấy 'Chú Ba' ở Chợ Lớn tập riết rồi nó cũng bén mùi, giờ thì tụi nó còn ăn bạo và chơi dữ hơn thời Ông Thiệu nữa! Phải mầy mà còn con gái thì tao cũng ráng giữ gìn 'cái ngàn vàng' đó cho mầy! Đằng này, dẫu gì thì mày cũng đã biết nhiều đàn ông rồi, thêm một thằng Tư Khu Vực nữa cũng chẳng mất mát gì, lại được cơ hội đi Mỹ giàu sang, nở mày, nở mặt với bà con chòm xóm, dại gì mà bỏ qua? Mình ghét Việt Cộng thiệt, nhưng 'cho' nó một vài cái thì cũng chẳng chết thằng Tây nào! Mình đâu có phải yêu thương, ăn đời, ở kiếp gì với nó đâu mà sợ, mậy?"

Mỹ Hằng nghe bà Tám Đào nói cũng có lý, có tình lắm. Với lại, nghe nhắc tới chuyện chung đụng với đàn ông, nó cũng thấy thích thích... Mang hai dòng máu lãng mạn Mỹ-Việt trong người, lại đang tuổi sung sức, Mỹ Hằng coi chuyện trai gái tuy có xấu hổ thiệt, nhưng cũng rất dễ mê! Mà thằng Tư Khu Vực thì cũng không đến nỗi tệ... Nó lại là người gốc miền Nam nữa, chớ không phải là bọn Bắc kỳ 75! Điều quan trọng hơn cả là nó coi bộ hiền hơn mấy thằng công an mắc dịch ngoài xã mà Mỹ Hằng đã có đôi lần lời qua, tiếng lại vì bất mãn. Mỹ Hằng vẫn còn nhớ rõ là mỗi khi có việc phải nhờ đến công an khu vực, thằng Tư lúc nào cũng tỏ ra sốt sắng giúp đỡ cho con nhỏ hết, đôi khi lại còn cười tình và tỏ dấu dê ngầm nó nữa...

Bà Tám Đào tinh ý nhận thấy con Mỹ Hằng đang thừ người ra, suy nghĩ cái gì đâu đâu, không trả lời, trả vốn cho bà gì hết. Bà giả bộ như có việc cần dưới bếp, quày quả trở xuống nhà sau, để mặc con Mỹ Hằng, tay còn cầm cây quạt nan đứng lặng thinh bên cửa sổ, mái tóc hung hung của nó còn chưa khô nước mới tắm che khuất một phần cái mũi cao, hếch lên của nó, rồi đổ xuống đôi gò ngực khá lớn của một đứa con gái đang độ xuân thì...
* * *
Tư Khu Vực vừa đạp xe, vừa huýt gió theo điệu nhạc của bài "Chiều Mát-xcơ-va," phom phom tiến về phía con hẻm nơi xóm bà Tám Đào. Đã gần hai tháng nay, lòng gã công an khu vực lúc nào cũng khoan khoái khi đi công tác xuống khu vực mình phụ trách. Cái lý do hiển nhiên của sự khoan khoái này nằm ở ngay trước mặt gã. Đó là cái căn nhà hẹp mà sâu của mẹ con Bà Tám Đào với ba phòng riêng biệt, nơi đó lâu nay Tư Khu Vực đã được hưởng những giây phút tuyệt vời với người mà gã mê thích là con Mỹ Hằng lai, con gái Bà Tám Đào.

Phải nói rằng từ cái ngày tốt nghiệp ra trường cho tới nay, trong sắc phục màu vàng của một "Công An Nhân Dân", chưa lúc nào Tư Khu Vực cảm thấy được "phục vụ nhân dân" là điều thích thú như bây giờ. Sung sướng này thật bõ những ngày bị chính nhân dân -- nhứt là bọn con gái trong xã -- khinh thị, dè bĩu, ngoài mặt thì dạ dạ, thưa thưa, bên trong thì lúc nào cũng coi công an như là một thứ cai ngục của nhà tù Cộng Sản bao la. Một vài con nhỏ như Nguyệt "Thanh Niên Xung Phong" hay Yến "Thủy Lợi" còn nói thẳng với Tư Khu Vực là tụi nó thề sẽ không bao giờ lấy chồng hoặc cho con gái lấy chồng làm công an như gã, mặc dù cả hai con nhỏ này đều là Đoàn Viên Thanh Niên "Tiên Tiến". Chắc cũng tại bọn con gái ghét công an, chớ gì? Tư Khu Vực thầm nghĩ vậy, và đành lòng chấp nhận sự thể đó. Vì thế, mặc dù có uy quyền trong tay và được nhân dân sợ sệt, một công an khu vực như Tư thiệt khó mà gần đàn bà, con gái để cho cuộc sống đỡ khô khan...

Nhưng hãy cứ gác cái chuyện "Tình yêu công an" sang một bên, bởi chuyện Tư Khu Vực và con Mỹ Hằng không thuộc lãnh vực này. Tư Khu Vực đã thiệt sự được con Mỹ Hằng trao thân mấy lần rồi để đền bù cho công khó của gã làm khai sanh mới, hộ khẩu mới, chứng nhận quan hệ mẹ con giữa Bà Tám Đào và Mỹ Hằng, rồi nộp đơn lên huyện giúp cho mẹ con bà Tám Đào xin xuất cảnh đi Mỹ theo chương trình con lai... Dĩ nhiên là Tư Khu Vực dư sức biết con Mỹ Hằng chẳng bao giờ yêu đương gì gã. Nhưng nhờ cái vụ đi Mỹ này mà gã công an ăn nằm được với con nhỏ thì cũng là một thành công rực rỡ và là một lạc thú to lớn đối với một thanh niên miền Nam đã trót mang cái nghiệp là Công An Nhân Dân như thằng Tư!

Cho nên, trưa nay, khi Tư Khu Vực đến nhà Bà Tám Đào, thì cũng như là làm một chuyến công tác thường lệ thôi, hàng xóm chẳng có ai nghi ngờ hay đoán ra chuyện gì. Với lại, thấy chiếc xe đạp của Tư Khu Vực dựng trước "căn hộ" của Bà Tám Đào thì ai còn dám vô hỏi han gì nữa? Còn mẹ con Bà Tám Đào thì dĩ nhiên là giữ bí mật tuyệt đối chuyện này, vì đó là lẽ sống, là tương lai của đời họ. Giữa thời buổi này, chẳng có ai ở Việt Nam lại dại dột mà nghĩ rằng đi Mỹ chưa chắc đã sướng! Bây giờ con Mỹ Hằng chỉ ráng "chịu đựng" như vậy chừng hơn một năm thôi là nó có cả một tương lai huy hoàng, nhà lầu, xe hơi, quần jean, áo gió đang chờ đợi nó nơi đất Mỹ thần tiên! Hơn nữa, mỗi lần gần gũi Tư Khu Vực, Mỹ Hằng cũng cảm thấy mình được đền bù nhiều lắm, chớ chẳng hề mất mát tí nào như người đời vẫn làm bộ nói vậy để hù dọa bọn con gái nhà lành!

Vừa dựng chiếc xe đạp "quốc doanh" dưới cửa sổ đằng trước "căn hộ" của bà Tám Đào, Tư Khu Vực đã gọi với vào trong:
"Bà Tám ơi! Ra mà nhận giấy báo nè! "

Bà Tám Đào, đang chặt nước đá cục trong nhà để sửa soạn pha nước uống cho Tư Khu Vực, lật đật chạy ra:
"Giấy báo gì vậy, Chú Tư? Có phải 'giấy báo' đóng tiền đi lao động hông?"

Tư Khu Vực cười nhăn cả hai hàm răng, đôi vành môi kéo dài ra, dễ chừng đến tận mang tai:

"Ừa, sắp đi lao động thôi... Mà lao động ở tận bên Mỹ lận! Nói chơi chớ Bà Tám Đào đã có giấy báo của phòng Đăng Ký Xuất Cảnh Huyện Thủ Đức cho biết là hồ sơ bà và con gái xin xuất cảnh đi Mỹ theo 'diện' con lai đã được huyện chấp thuận và sẽ chuyển lên thành phố cứu xét tiếp. Vậy là được chưa?"

Tư Khu Vực vừa nói vừa lôi từ cái cặp da -- mà gã vẫn thường đeo kè kè bên mình -- ra cho mẹ con Bà Tám Đào thấy một miếng nhỏ in rô-nê-ô màu vàng khè, chứng tỏ giấy đã được tái chế nhiều lần, có in hàng chữ "Giấy Báo" khá lớn bên trên, phía dưới đóng một cái mộc đỏ lòm! Bà Tám Đào cùng Mỹ Hằng rú lên một tiếng mừng rỡ như bắt được vàng. Mỹ Hằng coi bộ quýnh quáng hơn cả, tay cứ vỗ đeng đéc vào đùi, chưn thì cứ hết bước tới lại bước lui...

Đợi cho nỗi mừng rỡ ban đầu của mẹ con Bà Tám Đào đã lắng bớt xuống, Tư Khu Vực mới chậm rãi nói:
"Sướng chưa? Kết quả chắc ăn rồi đó nghe! Bà Tám coi đãi tui cái gì đây? Phải ăn mừng lớn mới được chớ! Còn Mỹ Hằng nữa -- Tư Khu Vực gần như thì thầm. Phải 'cho' anh gấp mười lần đó, à nghen! 'Cho' bù vào chớ không vài bữa nữa đi Mỹ thì mất tiêu luôn à!" Tư Khu Vực không quên liếc yêu Mỹ Hằng một cái sau câu nói mà gã cho là sâu xa đó. Bà Tám Đào hiểu ý liền. Bà kéo nhẹ tấm màn cửa sổ bên ngoài lại cho kín đáo hơn, rồi bắc ghế ngồi ngay trước cửa ra vào, giả vờ đuổi mấy con gà đang léng phéng bước vào hiên nhà bà để kiếm ăn. Tư Khu Vực thì chỉ xẹt một cái là đã tót xuống tới căn phòng phía sau, nơi đó chưa chi đã nghe tiếng con Mỹ Hằng cười rúc rích...

No comments:

Post a Comment