![](https://live.staticflickr.com/65535/54319059154_8c562e957b_c.jpg)
Lăng Ông Bà Chiểu, Sài Gòn thời xưa. .
Mời bạn nghe audio: RFI/ Thanh Phương và Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến
Tất nhiên phong tục Tết Việt Nam từ bắc vào nam đều là như nhau, do sinh hoạt của người dân thời xưa chủ yếu là nông nghiệp, mà vào thời điểm đầu năm âm lịch là “nông nhàn”, mới xong vụ lúa, mọi người đều nhàn nhã và thời tiết mùa Xuân rất đẹp, cho nên mới có các hoạt động lễ hội. Lễ hội Tết là lễ hội lớn nhất trong năm. Nhưng theo nhà báo/nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả nhiều quyển sách và bài viết về lịch sử Sài Gòn, Tết Sài Gòn thời xưa có những ý nghĩa riêng:
“Tết của Sài Gòn thì có hai ý nghĩa. Trước tiên là phong tục nhớ ơn tổ tiên, tiền nhân. Trong tháng Chạp (tháng 12 ta), đầu tiên là phải đi tảo mộ, hay còn gọi là đi “chạp mộ”. Theo cụ Trịnh Hoài Đức, phong tục chăm sóc mộ của người thân, của tổ tiên của người Việt khác với người Hoa. Người Hoa thì tháng 3 mới làm lễ “Thanh Minh”, nhưng người Việt thì chăm sóc các mộ phần như là một cách để “rước” tổ tiên về ăn Tết.
Trước đây, chúng ta đến các nghĩa trang để tảo mộ, dọn dẹp mộ phần của ông bà, tổ tiên, nhưng bây giờ phần lớn là đã được hỏa táng, nên hài cốt để trong các chùa và nhà thờ. Trước Tết, con cháu bao giờ cũng phải đi thăm và làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết.
Ý nghĩa thứ hai: Ngày Tết là ngày mà ai cũng mong có sự may mắn. Ngày xưa các cụ quan niệm Tết là phải đuổi “tà ma”, tức là những điều không may mắn. Theo cụ Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí”, từ đêm 28 cho đến đêm 30, có một phong tục rất hay, đó là những đoàn hát 5 - 10 người, mà người dẫn đầu gọi là “Na nhân” hay “Nậu sắc bùa”, đi đến các nhà dân, mang những bùa đuổi tà ma, niệm thần chú, đánh trống con và hát, cầu chúc cho chủ nhân năm mới được may mắn. Thường thì chủ nhân sẽ đem rượu ra khoản đãi và tặng tiền. Trịnh Hoài Đức gọi phong tục này là “tống cựu nghinh tân”- tiễn cũ, rước mới.
Phong tục này na ná giống phong tục ở miền bắc, miền trung cổ xưa: Vào đêm 30, trẻ em, nhất là của các nhà nghèo, đi đến các nhà giàu để hát đồng giao, nổi bật là bài “ Xúc xắc xúc xẻ”. Cụ Dương Quảng Hàm trong cuốn "Văn học sử Việt Nam" có ghi lại bài này: “ Xúc xắc xúc xẻ, nhà ai còn thức…..”
Ý nghĩa thứ ba: Đương nhiên Tết là vui chơi. Đất Nam Kỳ, Kiên An-Gia Định-Sài Gòn ngày xưa là đất phong lưu. Người Việt Nam từ miền bắc, miền trung đã nam tiến vào khu vực Nam Bộ, thời Minh Mạng gọi là Nam Kỳ, khai phá đất mới. Miền đất mới này rất tốt tươi, mưa thuận gió hòa, cho nên người dân Sài Gòn, dân miền nam ăn Tết rất phong lưu.
Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức, nhà nào ở Phiên An thời gian đó cũng may sắm quần áo mới, quét dọn nhà cửa và treo liễn. Liễn là những cuộn giấy dài, hoặc người ta trình bày những liễn đối bằng gỗ và trên tranh, đầu tiên là những lời chúc.
Theo cụ Trương Vĩnh Ký trong tập sách báo “Phong loại thoái trình”, có những câu chữ mà nhà nào cũng thích viết trên các liễn đối, ví dụ như “Ngũ Phước Lâm Môn”, tức là 5 cái phước đến cửa nhà mình: Phú ( Giàu ), Quý ( Sang ), Thọ ( Sống lâu ), Hương ( Khỏe mạnh ), Ninh ( Bình yên ). Câu này là lấy trong kinh sách của Nho học. Hoặc là câu “ Tam Dương Thai Thái”, có nghĩa làm sao có được một tháng Giêng, đầu Xuân, khí trời tươi tắn, thái hòa. Hoặc những câu chúc như “ Phước - Lộc - Thọ”, gọi là Tam Đa.
Nói đến các sinh hoạt ngày Tết xưa dĩ nhiên không thể không nói đến việc đi lễ chùa. Dân Sài Gòn cũng không ra ngoài thông lệ đó, đặc biệt Lăng Ông ( Bà Chiểu ), tức là khu đền và mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), là nơi mà ai cũng phải đến trong những ngày đầu Xuân:
“Tả quân Lê Văn Duyệt, hay còn gọi là Tổng trấn Thành Gia Định Lê Văn Duyệt, là người thay mặt Vua điều hành toàn bộ Nam Kỳ, trong đó có Sài Gòn. Ông nổi tiếng là chính trực, công bằng, thanh liêm, được người dân kính nể, gọi là Đức Thượng Công hay là Quan Thượng. Khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, người dân thờ phượng ông như một vị thánh.
![](https://live.staticflickr.com/65535/54318844046_32a225cd1e_c.jpg)
Lăng Ông trên mặt sau tờ 100 đồng Việt Nam Cộng Hòa.
![](https://live.staticflickr.com/65535/54319091523_3ff8211a51_c.jpg)
Tam quan Lăng Ông, ghi "Thượng Công Miếu".
Ngoài lễ thờ cúng đức Thượng Công, thường có phong tục xin xăm. Xăm là những lời tiên đoán năm mới sẽ như thế nào, tùy theo tuổi. Chung quanh Lăng Ông thì có nhiều thầy bói tướng. Bói tướng thì có hai mặt, một mặt là mê tín, nhưng một mặt thì đó cũng là một nét văn hóa. Người thời đó lo âu rất nhiều, nên muốn biết sang năm sẽ như thế nào. Không chỉ dân Sài Gòn đến Lăng Ông, mà người dân từ nhiều tỉnh thành khác cũng đến đây.
Kế đến là những người theo đạo Phật thì dĩ nhiên là sẽ đến các chùa. Bên nhà thờ Công Giáo thì cũng cử hành những thánh lễ vào đêm Giao Thừa. Cuối những năm 1970 trở đi và bây giờ vẫn còn, đó là một số nhà thờ làm thánh lễ vào dịp Tết theo hình thức dân tộc, cũng áo dài khăn đóng và cũng có những lư hương, chiêng trống theo kiểu Việt Nam, tạo ra một sự hài hòa rất đẹp.”
Ngoài những ý nghĩa thiêng liêng nói trên, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, câu này lại càng đúng với đất Nam Kỳ trù phú, với đất Sài Gòn hoa lệ. Người dân Sài Gòn thời xưa ăn chơi ngày Tết như thế nào, nhà nghiên cứu Phúc Tiến cho biết:
“Ngày xưa các cụ chơi Tết là 7 ngày đầu tiên. Người Sài Gòn rất là phong lưu: Ai đến nhà mình, dù không quen biết, đều được mời ăn uống no say. Nhà nhà uống rượu nếp than, ăn bánh tét, rồi cờ bạc. Cụ Trịnh Hoài Đức nhấn mạnh là trong mấy ngày Tết không được đòi nợ!
Về phong tục Tết thì trước mỗi nhà đều dựng một cây tre, trên đó có buộc một ít giấy vàng bạc, một giỏ đựng trầu cau và vôi, gọi là cây nêu. Cây nêu thì ngoài bắc cũng có, nhưng mỗi nơi có thay đổi đôi chút. Cây nêu tượng trưng cho mong muốn mời tổ tiên, Trời Đất, thánh thần, cả những vong linh gọi là cô hồn, những người chưa siêu thoát, tham dự lễ hội 7 ngày Tết đó.
Một tục lệ nữa là đốt pháo. Sau Tết Mậu Thân thì không đốt pháo nữa, nhưng trước đó thì pháo vang rền. Pháo là tiếng để xua đuổi tà ma và đồng thời tạo niềm vui. Tuy nhiên, ở Việt Nam từ những năm 1990 trở đi, nếu tôi nhớ không lầm, thì không còn cho đốt pháo nữa, bởi vì pháo gây tai nạn nhiều quá và gây khói bụi, ô nhiễm không khí khiến người già có thể bị hen suyễn, khó thở.
Ngoài ra, còn có tục lệ chơi đánh đu. Phong tục này chưa được phục hồi. Theo cụ Trịnh Hoài Đức thì có 3 loại đu: Đu tiên, tức là 8 cô gái xinh đẹp cùng đứng trên xích đu nhúng nhảy, đu rút, đu giằng xoay, thường là kéo dài đến rằm tháng Giêng.”
Một phong tục khác ở Việt Nam thời xưa gắn liền với những ngày Tết, đó là lễ tế Trời, tế Thần Nông ở Đàn Xã Tắc. Theo lời nhà nghiên cứu Phúc Tiến, ngay tại Sài Gòn cũng có một Đàn Xã Tắc:
“Vào đêm Giao Thừa, cũng như ngày mùng Một Tết, Vua sẽ làm lễ tế Trời và tế Thần Nông. Nơi diễn ra lễ đặc biệt này gọi là Đàn Xã Tắc. Đàn Xã Tắc là một cái đài vuông, xây bằng gạch, tượng trưng cho Đất, trên một gò đất cao hình tròn, tượng trưng cho Trời. Đến tiết Lập Xuân, có nghĩa là đầu tháng 2 Âm lịch, Vua và các quan đại thần đến Đàn Xã Tắc để làm lễ cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.
Phong tục này, theo sách sử ghi, có từ thời nhà Đinh, nhà Lê và chỉ diễn ra tại kinh đô Huế. Thế nhưng, tại Sài Gòn - Phiên An - Gia Định, là đất mới, thủ phủ của tỉnh phương Nam, năm 1823, Vua Minh Mạng đã cho lập một Đàn Xã Tắc ở Gia Định. Hiện giờ, theo khảo sát của chúng tôi, căn cứ vào những gì mà cụ Trương Vĩnh Ký viết, Đàn Xã Tắc dường như nằm ở khu vực chung quanh trường Lê Quý Đôn, có nghĩa là ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai, hồi xưa là Hồng Thập Tự với Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hồi xưa là Công Lý.
Cũng có thể gò đất cao nằm bên trong Dinh Độc Lập, trên đó có một ngôi nhà nhỏ kiểu xưa, hình bát giác, chính là khu vực Đàn Xã Tắc. Phong tục này rất tiếc là không còn nữa, nhưng tại Huế những năm gần đây người ta đã khôi phục Đàn Xã Tắc.
Đặc biệt, cũng liên quan đến Tổng trấn Lê Văn Duyệt, chỉ riêng Sài Gòn, đúng ngày rằm tháng Giêng, có một lễ mà bây giờ ta có thể gọi là duyệt binh, tập trận, rất là khí thế. Quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt sẽ mặc phẩm phục đại trào từ trong Thành Gia Định, gọi là Thành Bát Quái, đi mở đầu là những phát súng thần công, đi voi, diễu binh đến địa điểm gọi là mô súng, mà các nhà sử học ngày nay xác định đó là khu vực ở Công trường Dân Chủ. Nơi đây ngày xưa có Trại Lê Văn Duyệt, nay là Bộ Tư Lệnh Thành.
Tại đây sẽ diễn ra một cuộc thao dượt với hàng ngàn binh lính, voi, ngựa, đại pháo. Toàn bộ khu vực từ Công trường Dân Chủ đến khu vực Hòa Hưng, Nghĩa Trang Đô Thành, nay là Công viên Lê Thị Riêng, là một khu vực đất trống, mà người dân gọi là Đồng Tập trận. Hôm đó, sau khi tập trận bộ binh, tượng binh, kỵ binh, sẽ có một cuộc tập trận trên sông. Quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt tiếp tục đi, hoặc là tiếp tục đi voi trên đường bộ, hoặc xuống thuyền đi trên Kênh Nhiêu Lộc thông ra Thị Nghè, đến khu vực nay là Bến Bạch Đằng, nơi sẽ diễn ra tập trận trên sông.
Tại sao chỉ Sài Gòn mới có thao diễn quân sự trên sông như vậy? Bởi vì lúc đó ta phải đề phòng quân Xiêm từ hướng Campuchia tấn công qua Nam Kỳ, cũng như là phòng ngừa các đế quốc phương Tây. Cho nên riêng ở Sài Gòn lại có một lễ duyệt binh vào ngày rằm tháng Giêng.”
RFI/Thanh Phương
No comments:
Post a Comment