Hồng cầu
Bác sĩ Eric Hưng Trần giải thích Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là một tình trạng khá phổ biến, khi cơ thể không có đủ chất sắt để tạo ra lượng hồng cầu cần thiết. Không chỉ trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi mà nhiều người khác cũng có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt. Một trong những thành phần chính để tạo ra hồng cầu là sắt. Khi cơ thể bị thiếu sắt trầm trọng và kéo dài mà không được điều trị sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Các dấu hiệu của thiếu máu do thiếu sắt
Người bị thiếu máu, thiếu sắt thường có các triệu chứng mệt mỏi, trí nhớ kém, giảm năng suất làm việc, đau ngực và khó thở khi gắng sức, tim đập nhanh, chóng mặt, nhức đầu, niêm mạc mắt nhạt màu...
Nguyên nhân của thiếu máu do thiếu sắt
Có bốn nhóm nguyên nhân dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt:
Một là cơ thể không được cung cấp đủ nhu cầu về sắt. Chế độ ăn uống thiếu cân đối, ăn kiêng rất dễ bị thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
Hai là cơ thể không hấp thu đủ sắt, do mắc một số bệnh như viêm loát dạ dày, viêm ruột...
Ba là do nhu cầu về sắt tăng cao đối với một số đối tượng như trẻ em đang lớn, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người luyện tập thể thao nhiều...
Bốn là do cơ thể bị mất sắt do mất máu, có thể bị mất máu do xuất huyết tiêu hóa, viêm đường ruột, viêm chảy máu đường tiết niệu, chấn thương... Riêng nữ giới còn có thể bị mất máu qua kinh nguyệt hoặc bệnh lý đường sinh dục như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung...
Điều trị và phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt
Việc điều trị sẽ tùy vào nguyên nhân cũng mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Người bị thiếu máu do thiếu sắt có thể cần điều chỉnh chế độ ăn uống giàu chất sắt, uống thuốc viên hoặc thuốc nước bổ sung sắt, tiêm sắt qua bắp cơ hoặc truyền sắt qua tĩnh mạch.
Chế độ ăn bổ sung sắt có thể bao gồm các loại thịt đỏ, hải sản, trứng, các loại đậu, rau màu xanh đậm như bông cải xanh… Bên cạnh đó cần ăn kèm các thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh...để giúp cơ thể tăng hấp thu sắt.
Thuốc bổ sung sắt nên được uống xa bữa ăn, khoảng 1 tiếng trước khi ăn hoặc 2 tiếng sau khi ăn, để tránh tình trạng một số thực phẩm hoặc thức uống (sữa, trà, cà phê...) làm cản trở hấp thu sắt.
Một số tác dụng phụ khi uống thuốc bổ sung sắt bao gồm buồn nôn, táo bón, đi cầu phân đen. Cần theo dõi kỹ các triệu chứng và hỏi ý kiến bác sĩ khi uống bổ sung sắt.
Việc bổ sung sắt bằng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, để tránh trường hợp quá liều dẫn đến thừa sắt có thể gây tổn thương các bộ phận trong cơ thể.
SBS - Thanh Ngôn
No comments:
Post a Comment