Tuesday, November 29, 2022

Một Thời “Tự Sơ Nữ” Thuận Đức - Phạm Công Luận


Các “Tự sơ nữ” Thuận Đức trong một bức ảnh quý còn lưu lại.

Khoảng năm 2013, tôi được chú Lý Lược Tam, một nhà nghiên cứu văn hóa cổ người Triều Châu kể cho tôi nghe về những người phụ nữ Hoa tha hương có cách sống độc lập trên đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Họ là một hiện tượng xã hội đáng yêu và độc đáo mà đến nay, không nhiều người biết hay còn nhớ về họ.

Chú Lý Lược Tam kể rằng ở Trung Quốc có một huyện gọi là Thuận Đức, thuộc tỉnh Quảng Đông có nhiều phụ nữ đều là những người không lập gia đình. Từ đầu thế kỷ 20, sau các biến động bên nước Trung Hoa, họ tìm đường di tản qua Sài Gòn – Chợ Lớn để kiếm sống. Nghề chính của cộng đồng nhỏ này là đi làm thuê giúp việc nhà và chăm sóc trẻ nít cho giới nhà giàu, nhiều nhất là cho nhà mấy ông Tây. Họ là những người giúp việc nhà chuyên nghiệp, sạch sẽ và trung thực, luôn mặc một kiểu trang phục giống nhau là áo xẩm dài gần đầu gối. Chỉ có những người giàu có ở Sài Gòn trước 1954 mới có thể mướn họ, ngoài dân Tây là những người Hoa hay người Việt giàu có. Trong đó, có gia đình Hui Bon Hoa (Chú Hoả) thuê nhiều người trong số họ.

Về già, các bà Thuận Đức không đi làm thuê nữa mà sắm một cái rương nhiều ngăn bằng thiếc mặt kiếng thủy tinh để đi bán dạo. Đây là gánh hàng xén mà họ gọi là “Bào phá quại xin” (Bào Hoa – kim chỉ). Họ lang thang khắp nơi đi bán vào buổi sáng, chiều nghỉ. Bên trong những ngăn tủ của họ là kem đánh răng, gương lược, kim, chỉ, vòng đá cẩm thạch… Khi đi bán, họ bận áo đen vải dài.


Hàng hóa của các” tự sơ nữ”, còn gọi là “Bào phá quài xị”.

Do cùng hoàn cảnh tha hương, cùng số phận phụ nữ không chồng tha hương kiếm sống nơi xứ người, họ gắn bó thương yêu nhau như người ruột thịt trong nhà. Họ hùn tiền với nhau mua một dãy phố trên lầu gần ngã tư Nguyễn Tri Phương – Trần Phú (Nguyễn Hoàng cũ), gần khu tẩm liệm Nhà thương Quảng Triệu (nay là bệnh viện Nguyễn Tri Phương) để cùng sống chung với nhau. Phía mặt tiền nhà, họ cho đúc hai chữ “Phát chân” như muốn thể hiện phương châm sống và làm việc cả đời của họ.

Ngoài nghề chính là bán tạp hóa lúc tuổi xế chiều, các bà Thuận Đức còn có nghề phụ là se lông mặt cho các phụ nữ thích làm đẹp quanh khu vực giáp giữa quận 1 và quận 5. Khi hành nghề, họ có một cục phấn dùng thoa lên mặt khách hàng cho nổi lông mặt, dùng sợi chỉ kéo căng ra và rà trên da mặt. Sợi chỉ khi kéo căng hay chùng sẽ tự xoắn lại và cuốn đi lông tơ trên mặt khách. Cứ thế, họ sống quanh quẩn trên đường phố giữa hai quận phồn thịnh nhất Sài Gòn cũ, cho đến lúc già yếu, qua đời trong sự chăm sóc của những người đàn bà Hoa đồng hương, không mơ gì có lần về lại cố quốc.

Trong cuốn hồi ký của bà Lý Vỹ Linh, con gái của nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của Singapore có nhắc đến những phụ nữ ở Thuận Đức giúp việc nhà cho gia đình bà. Họ đến sống ở nhiều nước Đông Nam Á, theo bước chân của những người Hoa tha hương, không chỉ ở Việt Nam.

Trong cuốn “Sài Gòn chuyện đời của phố” tập 3, tôi có thuật lại câu chuyện được nghe kể liên quan đến phụ nữ Hoa làm nghề giúp việc cho người Pháp. Khoảng đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm giúp việc nhà rất được ông chủ Tây tin cậy, trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây mà họ trông nom. Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này không có gì sai sót trong mắt ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng xe Rồng Xanh (Dragon vert). Tuy nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số tiền lớn và bà bị nghi ngờ. Không biện minh được, bà thắt cổ tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình.

Bà xẩm nói trên có thuộc nhóm phụ nữ gốc Thuận Đức hay không? Có thể là không, vì bà đơn độc và thiếu sự chia sẻ đến nỗi thắt cổ tự tử vì bị chạm đến lòng tự trọng.

Một lần đến thăm “Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn” trên đường An Dương Vương, tôi được gặp anh Dương Rạch Sanh, người sáng lập nên phòng trưng bày này. Không phải từ lúc ban đầu tiếp nhận được các kỷ vật, anh đều hiểu về những câu chuyện chung quanh nó. Nhưng theo anh, nhờ có “duyên”, qua thời gian dài sưu tầm, anh nối kết được những kiến thức về nhiều món đồ vật, các loại văn bản với nhau để cuối cùng ráp lại được bức tranh toàn cảnh về một nhân vật hay một hoạt động xã hội khá thú vị, nói lên được nhiều điều khá sâu sắc về cộng đồng người Hoa tha hương sống nhiều đời trên đất Chợ Lớn này.

Anh Sanh kể: “Ý tưởng thành lập “Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn” được nảy sinh sau lần Tụ Quần Cư, một ngôi nhà cổ dọn dẹp đồ vật cũ vào năm 2015. Do từng viết báo về đời sống người Hoa ngày xưa, anh được đề nghị nên lưu giữ những món đồ đều là vật dụng lúc sinh thời của những người phụ nữ độc thân ở đây, nếu không chủ nhà đành phải đem bỏ. Thấy tiếc những đồ vật đã có một lịch sử gắn bó với một cộng đồng người Hoa xa xưa, anh Sanh mang về một số ít, dù chưa biết dùng để làm gì.

Sau đó, anh bắt đầu tìm hiểu về cộng đồng này sâu hơn và nhanh chóng nảy sinh ra ý tưởng lập ra một phòng trưng bày thể hiện đời sống người Hoa Chợ Lớn trăm năm qua. Anh cho biết, nhóm phụ nữ độc thân đặc biệt này từng được gọi là “Tự sơ nữ”, “chị má” hoặc “bà cô”, là nhóm phụ nữ “quyết tâm sống độc thân” của vùng tam giác sông Châu Giang, Quảng Đông, Trung Quốc. Đại đa số trong nhóm này là những phụ nữ từ huyện Thuận Đức, từng theo nghề dệt tơ tằm ở quê nhà.

Trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 1942, hàng ngàn phụ nữ độc thân từ vùng tam giác sông Châu Giang tỏa đi đến các nước Đông Nam Á để làm nghề giúp việc, trong đó phần lớn đã đến vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn của Việt Nam. Khi về già, họ lần lượt lập nên các ngôi nhà được dân gian gọi là “Nhà bà cô” như Phổ Thắng Đường, Nhất Đắc Đường, Hợp Thành Đường, Tái Trân Đường, Thủ Trân Đường, Tụ Quần Cư… Những ngôi “Nhà bà cô” đó hiện nay chỉ còn sót lại Tụ Quần Cư ở số 150 đường Trần Quý, Phường 6, Quận 11, những ngôi nhà khác do nhiều nguyên nhân khách quan nay đã không còn tồn tại.

Còn sót lại một phụ nữ trong nhóm “Tự sơ nữ” là cụ Văn Mai, có tên là Văn Ngọc Phương, mọi người thường gọi cụ là “cô Húc”, sinh năm 1922. Cụ là người phụ nữ cuối cùng trong cộng đồng phụ nữ “Tự sơ nữ” nói trên. Lúc sinh thời, cụ chuyên bán các mặt hàng Bào Hoa – kim chỉ trước cửa chùa Bà Thiên Hậu và chùa Quan Âm ở Chợ Lớn. Năm 2012, sau khi cụ Văn Mai qua đời, một số di vật cùng với nghề “kinh doanh” của cụ do người chị em thân thiết là cụ Lý Liên (1937-2020) tiếp quản. Cụ Lý Liên sau đó đã quyên tặng di vật của cụ Văn Mai cho “Phòng trưng bày kỷ vật người Hoa Sài Gòn-Chợ Lớn”.


Cụ Văn Mai từng ngồi bán các mặt hàng Bào Hoa – kim chỉ trước cửa chùa ở Chợ Lớn.

Sau nhiều lần nghiên cứu và phục chế, nhóm của anh Sanh đã tái hiện lại khung cảnh bà Văn Mai đang bán các mặt hàng kim chỉ trước cửa chùa Bà Thiên Hậu Chợ Lớn năm xưa, giờ chỉ là hình ảnh để hoài niệm một nghề truyền thống này của người Hoa ngày nay đã không còn.

Phạm Công Luận

No comments:

Post a Comment