Friday, May 31, 2019

Tiếng hát Thái Thanh trước 1975 - Cassette 3


Kính biệt Thi sĩ Tô Thùy Yên – “Cảm ơn hoa đã vì ta nở”


Thi sĩ Tô Thùy Yên (20/10/1938 - 21/5/2019)

Thi sĩ Tô Thùy Yên là thành viên chủ lực của tạp chí Sáng Tạo, cùng với Thanh Tâm Tuyền và Quách Thoại.

Ông được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ tự do" và ở miền Nam vào thập niên 1960, và nhiều tạp chí văn học khác ở miền Nam, cũng như là người chủ xướng của nhà xuất bản văn học Kẻ Sĩ.

Ông nhập năm 1964 phục vụ ngành chiến tranh chính trị, chức vụ sau cùng của ông là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Văn nghệ của Cục Tâm lý chiến.

Sau năm 1975, ông vào nhà tù cộng sản hai lần, một lần 10 năm và một lần 3 năm.




Vậy là nhà thơ Tô Thùy Yên, một trong những nhà thơ lớn của miền Nam trước 1975, đã “thức cho xong bài thơ” để “mai sớm ra đi” – cuộc đi cũng chính là “về như chiếc lá rơi về cội” nhưng ở “giữa cánh đồng không, bên kia sông” kịp “cài hờ lên cửa tặng” nhân gian những bài thơ thuộc hàng những bài hay bậc nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Nhà thơ Tô Thùy Yên, tác giả của “Ta về”, của “Chiều trên phá Tam Giang”, của “Trường Sa hành”, của “Hề, ta trở lại gian nhà cỏ”, và một loạt những bài thơ khác sống mãi trong lòng người đọc yêu văn chương miền Nam, vừa qua đời tối thứ Ba 21 tháng Năm 2019 ở Houston, Texas hưởng thọ 81 tuổi.

“Thức cho xong bài thơ”

Tên khai sinh là Đinh Thành Tiên, nhà thơ Tô Thùy Yên sinh ngày 20 tháng Mười năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh trường Petrus Ký và trường tư thục Les Lauriers, ông từng theo học Văn chương Pháp ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhưng quyết định bỏ dở.

“Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu” (được xem) là bài thơ đầu tay của Tô Thùy Yên, sáng tác năm ông còn là một thiếu niên. Ông có thơ đăng trên báo Đời Mới từ những năm 16, 17 tuổi.

Năm 1956, Tô Thuỳ Yên là người miền Nam duy nhất tham gia vào nhóm Sáng Tạo, một nhóm văn nghệ sĩ sáng tác có cùng "ý thức văn nghệ mới", bên cạnh các cây bút từ miền Bắc di cư vào Nam như Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền...

Thơ Tô Thùy Yên xuất hiện nhiều trên tạp chí Sáng Tạo, cùng với Thanh Tâm Tuyền và Quách Thoại, ông được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ tự do" và ở miền Nam vào thập niên 1960. Ngoài ra ông còn cộng tác đều đặn với nhiều tạp chí văn học khác ở miền Nam, và chủ trương nhà xuất bản văn học Kẻ Sĩ.

Cuối năm 1963 đầu năm 1964 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị, chức vụ sau cùng của ông là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Văn nghệ của Cục Tâm lý chiến. Sau năm 1975, ông vào nhà tù cộng sản hai lần, một lần 10 năm và một lần 3 năm.

Sau khi ra tù, nhà thơ Tô Thùy Yên và gia đình sang Mỹ định cư năm 1993, ban đầu đến Saint Paul, Minnesota. Đến năm 2000 thì gia đình chuyển về Houston, Texas cho đến khi ông qua đời.

Không in thơ nhiều, đến cuối đời, nhà thơ Tô Thùy Yên chỉ có Thơ tuyển (tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 1995) và Thắp Tạ (An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ, 2004) trong tủ sách người yêu thi ca.


Nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019) trong tranh của họa sĩ Đinh Cường (1939-2016)

“Ông ra đi nhẹ nhàng, như trong giấc ngủ,” đó là những gì người vợ chính thức của nhà thơ Tô Thùy Yên, bà Huỳnh Diệu Bích, kể lại với báo Người Việt.

Nhà thơ Du Tử Lê trong một bài viết trên blog cá nhân của mình, như một bạn thơ đã trân trọng gọi nhà thơ Tô Thùy Yên là “một tiếng thơ lớn của miền Nam” và khi nhớ về ông như một người đồng nghiệp ở Cục Tâm lý chiến Saigon, như là một người rất là nguyên tắc, rất kỷ luật trong công việc

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái tri nhận nhà thơ Tô Thùy Yên đã “để lại một dấu ấn lớn trong sinh hoạt văn học của miền Nam” khi trả lời phỏng vấn mới đây của VOA-Việt ngữ và nhắc đến một kỷ niệm với nhà thơ Tô Thùy Yên liên quan đến bài thơ nức tiếng “Ta về” mà ông viết khi trở về sau 10 năm trong nhà tù cộng sản.

Ông Thái kể khi anh em từ Việt Nam phát động phong trào xây dựng nhà cho gia đình các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974, nhà thơ Nguyễn Duy ở trong nước thiết tha muốn mời được Tô Thùy Yên từ hải ngoại trở về, cùng làm một đêm thơ ở Saigon. Tô Thùy Yên không về được vì sức khỏe không cho phép, nhưng đã chép nguyên văn bài thơ “Ta về” để tặng cho chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa, và bài thơ đó đã được anh em bán đấu giá để góp tiền xây nhà cho gia đình các chiến sĩ VNCH đã tử trận trong trận chiến Hoàng Sa 1974.

“Bây giờ ngồi nhớ lại Tô Thùy Yên thì nhớ lại nụ cười rất hiền của một người miền Nam, nhớ lại điếu thuốc, và nhớ lại hai câu thơ: “Chút rượu nồng xin rưới xuống, Giải oan cho cuộc biển dâu này,” ông Thái kể lại.

Trước sự ra đi này của nhà thơ Tô Thùy Yên, nhiều văn nghệ sĩ thế hệ sau tiếc thương ông và nhớ về ông và nhớ đến bài thơ “Ta về” – sau 10 năm tù cải tạo mà tuyệt nhiên không oán hận, không nguyền rủa, chỉ có tình người.

Viết trên facebook cá nhân của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh tha thiết gọi Tô Thùy Yên là “nhà thơ lớn, có trái tim độ lượng với cả những kẻ chỉ biết căm thù” và gọi ông là “một ngôi sao sáng của văn hóa tự do Việt Nam”.

Trả lời phỏng vấn của SBS Vietnamese, từ Saigon, nhà thơ Trần Tiến Dũng tưởng nhớ nhà thơ Tô Thùy Yên và nhắc mãi về “chất hành giả” trong thơ ông, “vừa cốt cách cổ xưa vừa mang hình ảnh rất hiện đại trong ngôn ngữ hình ảnh của Tô Thùy Yên” và cho rằng không gian thơ của Tô Thùy Yên khó tìm thấy ở một ai khác vì đó là “một giọng thơ nửa hào hùng nửa bi tráng nửa phẫn uất nửa yêu thương... rất nhiều thứ cảm xúc trộn lẫn”.

“Cài hờ lên cửa tang”

Vậy là Tô Thùy Yên, người tặng thơ, đã ra đi.

Chỉ có người như Tô Thùy Yên, nhà thơ của những câu chữ đã đi đến cái tận cùng của nỗi sống và cái chết, cái tận cùng của da diết lẫn dửng dưng, mới viết nên những dòng thơ tự thân nó phát sinh ra một nguồn năng lượng khác, đẹp lành như thứ ánh sáng đầu ngày nhưng cùng lúc lại day dứt lạ lùng như những tia nắng cuối trong chiều.

Võ Phiến (1925-2015), trong bộ sách “Văn học miền Nam” nổi tiếng, đã dành nhiều mỹ từ khi nói về “triết lý” trong thơ Tô Thùy Yên, “nếu miễn cưỡng phải là triết gia, ông là thứ triết gia ràn rụa nước mắt, triết gia héo hắt tâm can… Cái triết này không tháp ngà tháp nghiếc gì.”

Có thể nói thơ Tô Thùy Yên đầy vũ trụ quan, nhưng hoàn toàn không đấng toàn năng nào có chỗ trong thơ ông. Những câu chữ trong kinh Phật thảng hoặc xuất hiện nhưng lại mang màu sắc triết lý của Tô Thùy Yên rất riêng.

Thơ Tô Thùy Yên là nơi ông gửi gắm những trăn trở của thi sĩ trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ, nơi cất giữ những băn khoăn siêu hình. Triết nhưng không làm dáng, triết nhưng nghiêng về “cảm” nhiều hơn khi đứng trước cái vô định vĩ đại của không gian, thời gian và sự hữu hạn bé nhỏ của kiếp người.

“Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời”
(Trường Sa hành)


Luôn có một “cuộc đi” trong thơ Tô Thùy Yên, một thúc giục lên đường trong cuộc đi đã bắt đầu từ vô lượng kiếp và có lẽ không bao giờ có sự kết thúc.

“Đến ngả ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.”
(Đãng tử)


Đọc thơ Tô Thùy Yên tức là cùng ông vào sinh ra tử, đàm đạo với cả hai phía âm dương và cái tận cùng. Cả những lúc không dấn thân vào cuộc đi, ngồi yên hít thở thì cái triết không làm dáng trong thơ ông cũng mời mọc người đọc cùng ông nghe cái cựa quậy của đất trời, để cùng luận bàn về sự mong manh trong kiếp nhân sinh.

“Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân

Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm.”
(Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)



Bút tích của nhà thơ Tô Thùy Yên trong chuyến về thăm Saigon năm 2014

Trong một bài viết về thơ Tô Thuỳ Yên, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc có ý rằng Tô Thuỳ Yên là một "nhà thơ trí thức". Trí thức ở đây là chuyện ông coi việc làm thơ là công việc nghiêm túc cần làm, chứ "không cậy vào cảm hứng, vào năng khiếu" và từ đó lịch sử thi ca Việt Nam có "hiện tượng Tô Thuỳ Yên" hiếm hoi, vì thơ ông "càng về sau càng trẻ trung và càng tươi tắn".

Tô Thùy Yên đã sống một cuộc đời chỉ để làm thơ “cài hờ lên cửa tặng” nhân gian, như Nguyễn Hưng Quốc gọi đó là sự "đầy tự giác" của "một người đầy ưu tư, đầy khắc khoải", còn Võ Phiến thì mô tả đó là “một cuộc sống đầy thao thức sáng tạo”, và cho rằng “tâm hồn ông tưởng chừng có kích thước vũ trụ”, nhưng cũng đừng quên một căn tính khác trong thơ Tô Thùy Yên, thơ của một người lính trong thời chiến.

“Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài, đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình.
...
Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới, u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời”
(Qua song)


Giữa không gian chiến tranh chết chóc trong cuộc chiến tàn khốc nhất, không có cay nghiệt thắng thua, chỉ có tình người, chỉ có tấm lòng rốt ráo cảm thương thân phận bé nhỏ của người lính, một sinh linh mà nhà thơ muốn khóc cùng.

Mở lòng ra với vạn vật và vô tận như vậy, nhưng ngôn ngữ trong thơ Tô Thùy Yên được chắt lọc rất cẩn thận. Thơ ông có những chữ không thể thay thế bằng những chữ tương tự nào khác được, vậy mà lại không có vẻ sắc nét điêu luyện hay trang trọng đến mức xa cách của miền Bắc.

Tứ thơ, cảnh thơ, tiếng thơ và tim thơ Tô Thùy Yên mang cốt cách rất miền Nam, đầy chất liệu bình dân từ ca dao, câu hò, điệu ru của đồng bằng Nam Bộ. Nam Bộ nhưng không xuề xòa, dễ dãi, càng không cẩu thả. Tô Thùy Yên như một phù thủy, nhà thơ hóa phép cho những hình ảnh từ chất liệu văn học dân gian một trường ý nghĩa mới.

“Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?”
(Ta về)


Làm sao không nhận ra những “Mình về ta chẳng cho về / Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ” rồi “Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân” đến “máu chảy ruột mềm” và “chớp bể mưa nguồn”. Nhưng tất cả những vạt áo, hoa bưởi, tầm xuân, máu chảy ruột mềm, chớp bể mưa nguồn đó… từ ngòi bút Tô Thùy Yên, có một đời sống mới, một phong cách mới mang dấu ấn Tô Thùy Yên.

Dù là thể loại nào, hễ Tô Thùy Yên chạm tới, từ thơ tự do, thơ văn xuôi, đến thơ bảy chữ trường thiên, dù ông "đổi khác ngày ngày như hình thể chất lỏng lưu thông / Cho quá khứ, hiện tại, tương lai rời rạc nhau, không cùng sắc thái" thế nào thì sự tài hoa của ông đều chảy ra triền miên thấm đẫm từng hình ảnh, từng con chữ.

Tô Thuỳ Yên những năm tuổi trẻ đã có nhiều lần "hẹn chết" và tự viết về ngày mai của mình.

"Tôi xô tôi rụng xuống hư vô giá lạnh, rạch ngon một lằn sơn bi thảm lên nền trời khuya trong khoảnh khắc của họ sao băng.
Và của vĩnh cửu.
Có tan nát, hãy tan nát thật huy hoàng, một đời như một chiếc pháo bông.
(Tự do)


Nhưng làm sao những ám ảnh khắc khoải đó chỉ như pháo bông trong khoảnh khắc được. Thơ ông sẽ còn gây ảnh hưởng lâu dài, một thứ ảnh hưởng chứa chan một nguồn năng lượng kỳ lạ có thể làm cho người đọc cùng lúc bình yên hơn, hoài nghi hơn, và dằn vặt hơn.

Sự ra đi của Tô Thùy Yên là thứ mất mát không gì bù đắp được, sự mất mát không có thế hệ truyền thừa trong lịch sử thi ca và văn học Việt Nam, không chỉ của miền Nam trước 1975, dù không biết bao nhiêu người nói tiếng Việt đang 16, 26, 36, 46 tuổi hôm nay biết Tô Thùy Yên là ai, nói gì chuyện họ biết đến cái đẹp lạ lùng trong thơ ông.

Với những người yêu thi ca, trên cửa nhà sẽ còn mãi nhiều dòng thơ của một Tô Thùy Yên da diết và dửng dưng “cài hờ” lên tặng:

“Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.”
(Ta về)


Vinh danh ông, Tô Thùy Yên, “bếp lửa nhân quần ấm tối nay”. Mong ông đang vui với hoa, như bài thơ ông viết trong ngày đã vừa cũ.

Nguồn: SBS/Trinh Nguyen , Mai Hoa (đăng ngày 25/5/2019)

Monday, May 27, 2019

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người thiết kế Dinh Độc Lập - một di tích quốc gia tại Sài Gòn


Bút tích và chữ ký của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh trưởng tại Huế trong một gia đình thanh bạch, thủa thiếu thời ông phải đi dạy kèm con cái các nhà giàu để có tiền ăn học. Cơ duyên đưa đẩy, chính nhờ việc dạy kèm mà ông gặp được cô học trò giỏi, vừa đẹp người lại vừa đẹp nết để trở thành người bạn đường tri kỷ một đời. Và cũng nhờ gia đình vợ giúp đỡ, Ngô Viết Thụ được đi du học ngành kiến trúc ở Pháp năm 1950. Tại Pháp, ông được một giáo sư có nhiều uy-tín là kiến trúc sư Lemaresquier thương mến và nâng đỡ tận tình. Do sự khuyến khích của Giáo sư Lemaresquier, Ngô Viết Thụ ghi danh học thêm ở Viện Kiến Thiết Đô Thị Paris.

Trong khi còn là sinh viên kiến trúc Paris, Ngô Viết Thụ đã đoạt giải Paul Bigel do Viện Hàn Lâm tổ chức. Năm 1955 ông được chọn làm đại diện tham dự giải Khôi Nguyên La Mã (Premier Grand Prix de Rome). Tuy là một vinh dự nhưng cũng là một đòi hỏi lớn cho bản thân vì phải ganh đua, với hàng trăm thí sinh xuất sắc, của Âu Châu. Năm đó cuộc thi chỉ còn có 10 người vô chung kết. Đề tài thi cuối cùng là phác họa một “Ngôi Thánh Đường trên Địa Trung Hải”. Hội đồng giám khảo gồm 29 kiến trúc sư thượng thặng của ngành kiến trúc Âu Châu. Đồ án của thí sinh Ngô Viết Thụ được Hội đồng tuyển chọn nhưng vị Chánh chủ khảo đã gọi Ngô Viết Thụ vào phòng thi để chỉ trích về điểm ông đã vẽ ngôi Thánh đường xây lưng về thánh địa Jesusalem. Nhờ lanh trí và nhờ cái vốn kiến thức về Hán học, thí sinh Ngô Viết Thụ đã viện dẫn tư tưởng triết học Đông phương để biện minh: “Chúa trời là Thượng Đế, là đấng tạo hóa, do đó, Chúa có mặt khắp nơi, nơi nào có ánh sáng là có Chúa”. Trong một dịp tâm sự với kẻ viết bài này, KTS Ngô Viết Thụ đã nhắc lại kỷ niệm trên đây và nói: “Lúc đó bỗng nhiên tôi nhớ tới chữ Hán trong sách Minh Tâm Bửu Giám là “Hoàng thiên vô bất sở tại” câu đồng nghĩa với trời có mặt khắp nơi”.


Bản thiết kế giúp ông dành được giải thưởng lớn khi còn học bên nước ngoài

Nhờ tài ứng đối trôi chảy mà thí sinh Ngô Viết Thụ thuyết phục được vị Chánh chủ khảo để hân hoan nhận lãnh giải Khôi Nguyên La mã, đem lại vinh dự cho dân tộc việt Nam. Lúc đó ông vừa tròn ba mươi tuổi. Giải này đã đem lại cho ông cơ hội ngàn năm một thuở: Ông được cấp học bổng 3 năm liền để ở lại Ý Đại Lợi nghiên cứu và sáng tác. Và lại được ở ngay trong khu biệt thự Médicis, một tài sản lớn của Pháp ở Thủ đô nước Ý. Chính nơi đây, KTS Ngô Viết Thụ đã thai nghén nhiều đồ án kiến trúc để áp dụng trong tương lai tại Việt Nam và đã làm vẻ vang cho sự nghiệp của ông. (1)

Ông am hiểu sâu sắc về phong thủy, kín đáo vận dụng khéo léo hiểu biết trong mỗi tác phẩm kiến trúc của mình, chỉ ai có kiến thức trong lĩnh vực này mới nhận ra. Đối với ông vận dụng phong thuỷ trong kiến trúc là để chiêm nghiệm xem thực hư ra sao, vì nó là lĩnh vực không dễ dàng nói bằng lời.

Một người Vệt Nam đoạt giải “khôi nguyên La Mã” với số phiếu 28/29. Cánh nhà báo lúc đó còn điều tra và giải thích rằng 1 phiếu nghịch mà Ngô Viết Thụ nhận được là do trong số 29 vị giám khảo có 1 vị có học trò cùng tranh tài, nên ông ta chỉ bỏ phiếu thuận duy nhất cho học trò của mình. Khi kết quả được công bố, bạn bè của Ngô Viết Thụ, chủ yếu là người Pháp, đã sung sướng công kênh ông lên vai trên những con phố ở Paris trong niềm vui sướng vô hạn. Cho đến tận hôm nay, Ngô Viết Thụ là người châu Á duy nhất đoạt được giải thưởng “Khôi nguyên La Mã” này. (2)

Ngô Viết Thụ sinh ra ở Thừa Thiên Huế, ông có một tuổi thơ nhọc nhằn, túng thiếu, ở với ông ngoại và may mắn được ông kèm cặp chữ Hán. Năm 1948, học xong Trường Cao đẳng kỹ thuật Đà Lạt, được gia đình vợ giúp sang du học ở Pháp. Năm 1950, Ngô Viết Thụ thi đậu vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. 5 năm sau ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc D.P.L.G, được hưởng suất học bổng ba năm nghiên cứu và sáng tác tại khu biệt thự Madicis của Viện Hàn lâm Pháp tại La Mã. Tại đây, ông đã dự thi thiết kế công trình Ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải có sức chứa 40 ngàn tín đồ. Đồ án được lọt vào vòng trong, bao gồm 10 tác phẩm xuất sắc nhất. Vòng cuối, tác phẩm của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đoạt Giải thưởng Lớn Roma về kiến trúc (Premier Grand Prix de Roma).

Ông là thành viên Hội Kiến trúc Sư Pháp SADG (Société des Architectes Diplômés par le Gouvernement) từ 1955 và thành viên Kiến trúc sư Đoàn Việt Nam từ năm 1958.

Năm 1960, KTS Ngô Viết Thụ về Sài Gòn làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở tuổi 30. Về Việt Nam, con đường kiến trúc rộng mở đối với ông, nhiều công trình xây dựng của ông lưu dấu ấn đầy giá trị về kỹ thuật lẫn mỹ thuật.

Năm 1962, ông là người châu Á đầu tiên trở thành Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (H.F. A.I.A.) đồng lúc với một số kiến trúc sư danh tiếng cùng thời như J.H. Van den Broek, Arne Jacobsen, Steen Eiler Rasmussen, Hector Mestre, Amancio Williams, Hernan Larrain-Errazuriz, Emilio Duhart H., Jerzy Hryniewiecki và John B. Parkin.


Sau năm 1975, Ông bị cộng sản bắt vô tù (trại cải tạo) một năm. Vợ ông và tám đứa con đang sống trong cảnh đầy đủ, bỗng chốc mất hết, bà phải tần tảo buôn bán để nuôi con và gia đình. Vì quá vất vả bà đã sanh bệnh, qua đời năm 1977, lúc ấy Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chỉ có 51 tuổi. Và từ đó ông quyết ở vậy cho tới khi ông bị tai biến mạch máu não ngày 4/3 và ra đi lúc 10 giờ sáng ngày 9-3-2000. (3)

Để tỏ lòng kính mến đối với một bậc thầy trong ngành kiến trúc Việt Nam, Viện Trưởng Viện Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn cùng với một số Giáo sư và cũng là môn đệ của ông, đã đứng ra xin phép nhà chức trách địa phương cho phép xe tang cố KTS Ngô Viết Thụ được dừng lại trước cổng Dinh Độc Lập (cũ) để vong hồn ông được nhìn lại lần cuối tác phẩm ông đắc ý nhất trong số các tác phẩm kiến trúc mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời. (4)

Dinh Độc Lập - Một di tích quốc gia đặc biệt tại thành phố Sài Gòn

Mặt tiền Dinh Độc Lập


Một phía thân chữ T của Dinh Độc Lập

Đây là công trình đầu tay của ông khi vừa tốt nghiệp ở phương Tây trở về, tuy nhiên, nhìn tổng thể, ông không cứng nhắc theo phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn với kiến trúc Á Đông, đặc biệt là kiến trúc truyền thống Việt Nam.


Khi thiết kế Dinh Ðộc Lập, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương đông và cá tính của dân tộc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông. Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT ( 吉 )có nghĩa là tốt lành , may mắn; Tâm của Dinh là vị trí phóng trình Quốc Thư;


  • Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU ( 口 ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU ( 口 ) 
  •  Cột cờ chính giữa tạo thành hình chữ TRUNG (中) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. 
  • Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ), theo quan niệm dân chủ hữu tam viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. 
  • Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ).
  • Trên cờ kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ ( 主 ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. 
  •  Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.


Bức rèm hoa đá đặc sắc

Một số công trình khác của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

Chợ Đà Lạt- Kiến trúc chữ H


Chợ Đà Lạt năm 1970

Chợ Đà Lạt được khởi công xây dựng từ năm 1958, được KTS Ngô Viết Thụ chỉnh trang, đặc biệt là thay đổi diện mạo mặt tiền, thiết kế bổ sung cầu bê tông nối từ khu Hòa Bình (khu B) vào chợ lầu (khu A). Chợ Đà Lạt có 3 tầng, là một trong những chợ lầu đầu tiên tại Việt Nam. KTS Ngô Viết Thụ còn thiết kế một công viên trước chợ kéo dài ra tận hồ Xuân Hương, các dãy phố lầu xung quanh chợ, bên hông có bậc tam cấp dẫn lên đường Lê Đại Hành, tất cả tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa, đẹp mắt giữa lòng thành phố. Nhờ đó, nhiều năm nay chợ Đà Lạt là điểm đến thú vị của du khách thập phương.

Chợ Đà Lạt ngày nay

Đại học Nông Lâm ở Sài Gòn



Mặt chính là tòa nhà Phượng Vỹ được thiết kế theo hình chữ U. Theo KTS giải thích về ý nghĩa của kiến trúc tòa nhà thì thiết kế mặt tiền tòa nhà Phượng Vỹ theo những đường nét của chữ Nông theo Hán tự – 農 (NÔNG) nhắc nhở “Vụ Nông Vi Bản” nghĩa là lấy nông nghiệp làm gốc . Đại học Nông Lâm trước đây có khắc tên của của người thiết kế là ông Ngô Viết Thụ, tuy nhiên sau này đã bị xóa đi.

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam


Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam (Phường Phước Vĩnh, Thành phố Huế) là một trong những nhà thờ to lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế. Nhà thờ có lịch sử từ năm 1682, khi đó được dựng bằng tranh tre.


Đến đầu thế kỷ 20, nhà thờ đã trở thành một công trình bằng đá chắc chắn. Nhà thờ có mặt bằng xây dựng mang dạng thánh giá, đầu hướng về phía Nam đuôi hướng Bắc. Nhà thờ có kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại nhưng phần trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2.500 người đến dự lễ. Nhìn tổng thể, kiến trúc nhà thờ Phủ Cam toát lên vẻ thanh thoát nhẹ nhàng với điểm nhấn là hai đỉnh nhà thờ vút cao.


Nhà thờ Bảo Lộc

Nhà thờ Bảo Lộc là nhà thờ có sức chứa lớn nhất ở Việt Nam, với khả năng chứa khoảng 3000 giáo dân


Viện nguyên tử Đà Lạt


Đây là lò phản ứng duy nhất ở Đông Dương do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. Lò chính phản ứng ở giữa, xung quanh là các phòng làm việc của viện hình vòng cung.


Trung tâm được xây dựng tại một khu vực có diện tích 21 hecta bên đường Nguyên Tử Lực, phía đông bắc trung tâm Đà Lạt. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4-1961 và được hoàn thành vào tháng 12-1962.

Trường Đại học Sư phạm Huế


Mô hình kiến trúc Việt Nam Quốc Tự


Xem thêm ở đây 👉  Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: Việt Nam Quốc Tự

 Nguồn: Designs

Chú thích:
(1) (3)(4) : https://vietbao.com/a28918/kien-truc-dinh-doc-lap-kts-ngo-viet-thu-qua-doi
(2):             https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=73F218

Sunday, May 26, 2019

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: Việt Nam Quốc Tự - Công trình quan trọng của Phật Giáo Việt Nam


Mô hình kiến trúc Việt Nam Quốc Tự năm 1964 do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Ảnh chụp từ hướng Tây Nam.


Mô hình kiến trúc Việt Nam Quốc Tự năm 1964 do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Ảnh chụp từ phía Tây mô hình Việt Nam Quốc Tự.


Mặt tiền chánh điện Việt Nam Quốc Tự 15/02 Canh Tuất (1970).

Việt Nam Quốc Tự lúc ban đầu xây dựng khá thô sơ và tồn tại hơn mười năm, sau đó đã bị hư sập nên tháo dỡ và chỉ còn lại ngôi tháp với phần nền móng.


Việt Nam Quốc Tự trước khi khởi công xây dựng lại năm 2014.

Việt Nam Quốc Tự trước khi khởi công xây dựng lại năm 2014, tòa tháp 7 tầng lung linh vào ban đêm.

Việt Nam Quốc Tự được thiết kế lại 

Dự án Việt Nam Quốc Tự là công trình kết hợp giữa nét kiến trúc truyền thống của Phật giáo Việt Nam và kết cấu theo hướng hiện đại. Tòa tháp được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2014 với quy mô rộng 11.000m2.

Đến năm 1993, cố Hòa thượng Thích Từ Nhơn với danh nghĩa trụ trì đã cho tiếp tục xây dựng hoàn thiện ngôi tháp trên nền đất gần 4.000 m2. Chùa được trùng tu và tôn tạo mới với nhiều hạng mục hơn, hoàn thành ngôi tháp 7 tầng và các cảnh Phật để tăng ni phật tử, khách thập phương chiêm bái. Đến nay, chùa Việt Nam Quốc Tự vẫn là điểm lui tới của các tín đồ Phật giáo xa gần.


Bản vẽ phối cảnh Việt Nam Quốc Tự với diện mạo trên khu đất rộng 11.000 m2.






Việt Nam Quốc Tự nằm trên mặt tiền của con đường liền kề với nhiều công trình kiến trúc lớn, như Học viện Hành chính Quốc gia, khách sạn quốc tế Kỳ Hòa. Việt Nam Quốc tự là điểm nhấn cuối đường Lê Hồng Phong, một con đường có chiều ngang rộng lớn, xuyên qua vòng xoay trung tâm Ngã Bảy, tạo một không gian uy nghi cho ngôi tháp giữa một khu đông dân cư mà thoáng đãng.


Việt Nam Quốc Tự đang trong quá trình xây dựng.

Nguồn: Designs VN

(Lưu ý: Nora xin cắt bớt vài đoạn trong bài và sắp xếp lại chút xíu)

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: Vì sao ngày nay Sài Gòn bị ngập nặng?


Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (17/9/1927 - 3/9/2000)

Lời tòa soạn: Ông Ngô Viết Thụ là nhà kiến trúc xuất sắc bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, và có lẽ là kiến trúc sư tài ba nhất của đất nước trong thế kỷ XX. Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam đưa ra đây câu chuyện về ông trên Internet để giới thiệu cho các sinh viên ngành xây dựng và kiến trúc một tấm gương để học hỏi. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh ngày 17 tháng 9 năm 1926 tại tại làng Lang Xá, tỉnh Thừa Thiên – Huế, con của ông Ngô Viết Quang và bà Nguyễn Thị Trợ. Ông lập gia đình với bà Võ Thị Cơ từ năm 1948, trong khi theo học dự bị kiến trúc tại trường Cao đẳng Kiến trúc tại Đà Lạt.

Trong giai đoạn 1950-1955, ông là sinh viên ngành kiến trúc tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia ở Paris. Năm 1955, ông nhận giải nhất Giải thưởng lớn Rôma về kiến trúc, nội thất thường được gọi là khôi nguyên La mã. Sau đó ông nhận bằng  tốt nghiệp kiến trúc sư D.P.L.G.

Trong thời gian 1955-1958, ông lưu trú tại Biệt thự Medicis của viện hàn lâm Pháp tại Roma để làm nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc.

Năm 1962, ông là người châu Á đầu tiên trở thành Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (H.F. A.I.A.) cùng với một số kiến trúc sư, danh tiếng cùng thời. Ông đã thiết kế nhiều công trình xây dựng lưu dấu ấn đầy giá trị về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nổi bật là dinh Độc Lập (1961-1966), Viện Đại học Huế (1961-1963), Viện Hạt nhân Đà Lạt (1962-1965), Làng Đại học Thủ Đức (1962), chợ Đà Lạt (1962), khách sạn Hương Giang 1 tại Huế (1962)….

Trước khi rời Sài Gòn, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ căn dặn lại rằng: “Không được phát triển thành phố về hướng Nam & Đông Nam. Nếu muốn mở rộng thành phố thì hãy mở rộng về hướng Tây và Tây Bắc. Vì hướng Nam và Đông Nam là nơi duy nhất thoát nước cho thành phố Sài Gòn.”

Việc ngập lụt của Sài Gòn còn cần phải kể đến chuỗi thành tích bán đất thịt để đổi lấy xi-măng gạch đá của tư duy công nghiệp nặng mà những người cộng sản có niềm tin quyết thắng là sẽ thành công. Khi có các tòa nhà, các biệt thự…và vài ba đồng tiền trước mắt thì nước mưa không có chỗ đất thịt để trôi đến và ngấm vào. Nước đọng lại trong thành phố không chảy đi được, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sự xuẩn động của những kẻ cai trị thành phố qua các thời kỳ đã cho phát triển thành phố về hướng Nam và Đông nam nên ngày nay Sài Gòn ngập lụt, vô phương cứu chữa.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đoạt giải khôi nguyên về kiến trúc do viện kiến trúc La Mã tổ chức, suốt 20 năm trước khi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đoat giải này chưa có ai trên thế giới được trao giải này cả.Hồi giữa thập niên 60 của thế kỷ trước báo chí Việt Nam Cộng Hòa đăng tải rộng rải thông tin này và các thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư, sinh viên, học sinh  miền Nam Việt Nam đều biết điều này.

Việt Nam từng là một quốc gia có nền văn hiến, nơi có những nhân tài có óc công hữu- tức là hy sinh vì lợi ích của cộng đồng. Đạo mất trước, nước mất sau. Ngày nay, dưới ý thức hệ của Karl Marx, dân tộc Việt Nam có quan lại là những kẻ sẵn sàng bán đổi tài sản của công hữu,  của dân tộc để lo vun vén cho cá nhân. Trong trường hợp này là đám quan chức thành phố Hồ Chí Minh- mà đứng đầu lúc đó là Trương Tấn Sang- bán đất phía nam Sài Gòn cho tư bản ngoại lai xây nhà, làm mất đi vũng thoát nước cho cả thành phố, chỉ đổi lấy vài đồng bạc lẻ.

Ở trường đại học Nông Lâm tại Sài Gòn, có khắc tên vinh danh kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người thiết kế nên cả nền kiến trúc trường này, nay đã bị “ai đó” cố tình dời đi.

Sau khi từ trần, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ có truyền tử là kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là một kiến trúc sư danh giá của Việt Nam, và tiếp nối tấm gương của người bố, ông Nam Sơn có nhiều đóng góp giá trị về học thuật cho nền kiến trúc nước nhà.

Triệu Hoài An (Tổng thư ký, Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam)

Nguồn: Nghiệp Đoàn Báo Chí

Wednesday, May 22, 2019

Trăm Năm Bến Cũ - The Best Of Tuấn Vũ - Giáng Ngọc CD




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)