Monday, August 12, 2019

Từ anh thợ sơn đến Bác sĩ chuyên khoa và huy chương OAM của Nữ Hoàng




Xin mời nghe cuộc trò chuyện giữa Bác sĩ Hồ Quang Phú với phóng viên Mai Hoa

Từ một cậu bé bỏ học năm lớp 10, lao công đào binh từ chiến trường K, vượt biên qua Úc làm đủ thứ từ thợ sơn, thợ mài, phụ shop, công nhân bưu điện đến trở thành một bác sĩ chuyên khoa, Bác sĩ Hồ Quang Phú- người vừa vinh dự nhận Huy chương OAM của Nữ Hoàng vì sự đóng góp của ông trong lãnh vực Y khoa và cộng đồng, nói về ba người với ba câu nói đơn giản đã ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời ông.

Cộng đồng người Việt Úc Châu vừa vinh dự có thêm một thành viên được trao tặng Huy chương Phục vụ cộng đồng và nhân sinh.

Đó là Bác sĩ Hồ Quang Phú ở Sydney đã được Ngài Toàn Quyền Úc Peter Cosgrove trao tặng huy chương OAM nhân dịp sinh nhật Nữ Hoàng mới đây vì sự đóng góp của ông trong Y khoa.

Order of Australia Medal


Để đi từ một người lao động làm những công việc nặng nhọc đến trở thành bác sĩ chuyên khoa sản và hiếm muộn, một người thầy được nhiều sinh viên tại trường Y thuộc đại học Sydney yêu mến là cả một chặng đường dài lý thú.

Với hàng trang là lớp 10 bỏ học giữa chừng khi còn ở Việt Nam, đi nghĩa vụ quân sự chiến trường Campuchia bị đẩy ra trận sau hai tháng quân trường chỉ được bắn đúng ba phát đạn thật, chứng kiến vô số bạn đồng ngũ bị làm bia đỡ đạn bia tập bắn cho lính Pol Pot, Phú đào ngũ.

Phú bị bắt đi lao động cải tạo và những ngày đói vàng mắt vì chỉ ăn bo bo với nước mắm ở Bù Đăng Bù Đốp tưởng phải bỏ mạng vì những cơn sốt rét rừng năm 18 tuổi.

Gia đình gom góp vay mượn cho Phú đi vượt biên. Chuyến đi vượt biên ly kỳ với hai lần bể bánh xe lôi, bị bỏ lại trên đường đi đến điểm hẹn để xuống ghe ra tàu lớn ở Cần Thơ, hai lần bị lạc đoàn, và khi lên được ghe thì lại bị chết máy.

Nhóm ông bị chậm đến một ngày một đêm tính luôn thời gian ghe nhỏ bị chết máy trong lúc chạy đuổi theo tàu lớn thế nhưng cũng lên được tàu.

Bác sĩ Hồ Quang Phú

Vào lúc cậu thanh niên Phú nghĩ mình bỏ về lại Sài gòn để tránh bị bắt tù lao động lần nữa thì một người phụ nữ trong đoàn bị lạc nói Phú đừng về vì  "Chồng tôi sẽ không đi nếu như không có tôi".

Và đúng vậy người chồng trên chuyến tàu lớn đã tìm mọi cách để nấn ná ở lại một ngày một đêm trong tình trạng hai bên hoàn toàn không có một phương tiện gì liên lạc ngoài niềm tin và sự gắn bó vợ chồng đã giúp họ tìm thấy và hợp lại với nhau trên tàu.

Sự gắn bó keo sơn của cặp vợ chồng người tổ chức chuyến đi không chỉ đã giúp họ tìm nhau mà còn giúp cả đoàn vượt biên gần 105 người ra đi trọn vẹn sau một ngày một đêm lạc nhau kẻ trên bờ người trên biển.

Cũng trong một ngày một đêm lạc nhau đi tán loạn trên bến Ninh Kiều, gần như ai cũng đoán ra cái nhóm người lạ mặt không giống dân địa phương đang đi lơ ngơ không biết đường trong khu chợ chồm hổm trên bờ bến Ninh Kiều kia là nhóm người từ Sài Gòn đi vượt biên nhưng đã không ai báo công an để bắt họ; và nếu không có sự mách nước của một người phụ nữ bán hàng thúng ở chợ thì có lẽ chuyến đi vượt biên cậu thanh niên 20 tuổi Phú đã kết thúc ở trại cải tạo.

Chính người phụ nữ vô danh tốt bụng trong ngôi chợ chồm hỗm bằng lòng tốt cho đi không hồi đáp đã giúp nước Úc có một bác sĩ tương lai tài giỏi và một OAM mà cộng đồng người Việt tự hào.
Những hành động và thái độ của những người ông gặp trên đường đời đã gieo trong Phú về lòng tốt và lòng biết ơn.

Tuy nhiên để biến ông từ một người trẻ lao động chân tay thành một bác sĩ chuyên khoa rât giản dị, một giảng viên đại học rât thân tình thích giúp đỡ người khác, đã có ba người với ba câu nói đơn giản ảnh hưởng cuộc đời ông.


Nguồn: SBS/ Mai Hoa 17/07/2019

No comments:

Post a Comment