Monday, February 24, 2020

Chuyện lạ ở Nhật Bản: "Cấm đeo kính" - Quy định riêng với nhân viên nữ?


"Vì sao nam giới được đeo kính, còn phụ nữ thì không?”.  Câu hỏi đang khuấy động cộng đồng mạng sau khi có những bài đăng rằng một số nơi cấm nhân viên nữ đeo kính khi làm việc. Thực tế có tồn tại những quy định cấm như vậy không tại Nhật Bản?

Quan điểm trái chiều trên mạng
Chủ đề làm dấy lên tranh luận mạnh mẽ trên mạng. Nhiều người phản đối quy định này. Dưới đây là một vài phản ứng trên mạng xã hội.

"Không thể tin là có những chỗ làm áp dụng quy định như thế."

"Đây là sự phân biệt đối xử với phụ nữ."

"Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài thôi việc nếu bị cấm đeo kính khi làm việc.”

"Có người không đeo được kính áp tròng, và kính áp tròng cũng đắt nữa. Công ty sẽ trả tiền mua kính áp tròng chứ?"

Tuy nhiên, một số người bày tỏ hiểu được điều này, cho rằng có thể có những nơi muốn phụ nữ không đeo kính khi làm việc.

Nhiều phụ nữ làm các công việc như tiếp tân, bồi bàn, chăm sóc sắc đẹp, và giữ trẻ, đã phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ bị cấm đeo kính khi làm việc.

Một nhân viên chăm sóc sắc đẹp được giải thích lý do là "kính nguy hiểm vì có thể rơi vào khách hàng". Nhưng có những lý do không hề thuyết phục. Một nhân viên lễ tân được giải thích là "phụ nữ đeo kính trông lạnh lùng", còn một nhân viên cơ sở mát-xa được cảnh báo là kính "gây không khí ảm đạm".

Phụ nữ thì phải tuân thủ quy định
Chúng tôi gặp một cô gái đã thôi công việc bán thời gian vì quy định cấm đeo kính.

Cô gái 20 tuổi, đeo kính từ khi học tiểu học. Năm ngoái, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô quyết định làm việc bán thời gian tại một nhà hàng Nhật.

Khi đi dự phỏng vấn tuyển dụng, cô đeo kính. Người phỏng vấn cô là một nam quản lý cũng đeo kính, nhưng không hề đề cập gì về kính của cô.

Sau đó, khi cô đến văn phòng để học cách mặc kimono và đồng phục của nhân viên phục vụ bàn, sếp của cô, cũng là nữ giới, nói với cô rằng nữ phục vụ bàn không được phép đeo kính ở nhà hàng.  Sếp cũng nói rằng quy định được áp dụng vì "kính bị mờ khi phục vụ các món nóng, món có hơi nước", và "kính không hợp với kimono".

Cô gái thấy lý do thứ nhất có thể chấp nhận được, nhưng lý do thứ hai thì không thuyết phục. Cô đã hỏi sếp tại sao các quản lý là nam giới thì được đeo kính còn cô thì không. Sếp cô nói "nam giới mặc com-lê thì không vấn đề gì". Cô gái chỉ ra rằng nếu chỉ cấm nhân viên nữ, thì nhân viên nam vẫn tiếp xúc với khách hàng trong cặp kính mờ hơi nước. Sếp cô đáp lại với vẻ tức giận rằng phụ nữ không bao giờ đeo kính khi mặc kimono là điều đương nhiên.

Cô gái bị dị ứng với kính áp tròng. Cô không có lựa chọn nào khác, đành thôi việc. Cô nói: "Đó là một kinh nghiệm khiến tôi rất sốc. Tôi thấy lý do 'kính không hợp với kimono' không đủ thuyết phục. Tôi cũng thấy buồn vì một quản lý là nữ giới lại trung thành với quy định cấm nhân viên nữ đeo kính".

Ảnh hưởng tới tiếp viên hàng không
Nhiều người đăng trên mạng rằng tiếp viên hàng không cũng bị cấm đeo kính. Ở Nhật Bản, nghề này thường được coi là nghề dành cho phụ nữ.

Chúng tôi đã hỏi hai hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản là Japan Airlines và All Nippon Airways xem họ có quy định cấm đeo kính hay không.

Cả hai hãng đều cho biết tiếp viên hàng không, cả nam và nữ, đều bị cấm đeo kính khi làm việc. Chúng tôi hỏi vì sao, thì được trả lời rằng vì lý do an toàn, vì trong tình huống khẩn cấp kính có thể rơi và vỡ, cản trở việc sơ tán hành khách cũng như các nghiệp vụ khác.

Phát thanh viên truyền hình và kính
Tại NHK, nhiều phát thanh viên nam đeo kính, nhưng ít thấy phát thanh viên nữ đeo kính. Chúng tôi đã xem thử ảnh các đồng nghiệp trên trang web của NHK và thấy rằng không có nữ phát thanh viên nào đeo kính.

Phải chăng là có quy định cấm nhân viên nữ đeo kính? Chúng tôi hỏi phòng phát thanh viên.

Inoue Asahi là người dẫn chương trình thời sự của NHK. Cô kiểm tra cho chúng tôi xem có quy
định này không, và nói rằng không có quy định cấm nào về kính cả.

Bình thường cô Inoue đeo kính, nhưng khi lên hình thì không. Cô nói rằng ở trường quay cô đeo kính áp tròng vì mặt cô không hợp với kính, và đeo kính có thể làm thay đổi ấn tượng của khán giả đối với cô. Cô nói cô muốn khán giả nhớ gương mặt không đeo kính của mình, nhưng điều này không liên quan gì đến việc cô là phụ nữ.

Chúng tôi hỏi cô nghĩ thế nào về những ý kiến trái chiều đối với việc cấm đeo kính.
Cô nhắc đến phong trào #KuToo của phụ nữ phản đối việc bị buộc phải đi giầy cao gót. Cô nói rằng việc mọi người đặt câu hỏi và thảo luận về hiệu lực của quy định nơi làm việc là điều quan trọng.  Có thể có những người muốn tránh tranh luận, nhưng môi trường làm việc với bầu không khí tích cực và mọi người có thể ăn mặc thoải mái thì sẽ có lợi cho tất cả mọi người.



Kính thể hiện cá tính
Thành phố Sabae trong tỉnh Fukui ở miền Trung Nhật Bản sản xuất hơn 90% gọng kính tiêu thụ trên cả nước. Người dân ở đây không cho rằng đeo kính gây ấn tượng ảm đạm hay lạnh lùng.

Một nhân viên tại phòng thư ký và quan hệ công chúng của thành phố nói: "Các công ty chắc phải có lý do khi cấm đeo kính. Nhưng điều lạ là quy định đó lại chỉ áp dụng với nhân viên nữ. Kính có thể thể hiện cá tính của người đeo".

Nhân viên này cũng nói rằng quan điểm cho rằng kính không hợp với kimono là không đúng.
Thành phố tặng kính cho những người đến tuổi thành niên, một phần để khuyến khích các bạn
trẻ trân trọng cá tính của mỗi người. Thành phố chọn kính hợp với kimono cho các bạn nữ tham dự lễ thành niên trong thành phố.

Nhân viên này cũng nói: "Có thể vẫn tồn tại quan điểm thành kiến và ấn tượng xưa cũ. Nhưng ngày nay kính là phụ kiện thời trang, nhiều người đeo kính khác nhau cho những dịp khác nhau".

Thành kiến vô thức?
Sook Ja Park, một nhà tư vấn về tính đa dạng, nói rằng quy định cấm đeo kính có liên quan đến
thành kiến vô thức về giới.

Thành kiến vô thức là những quan điểm rập khuôn, hình thành một cách vô thức từ môi trường và trải nghiệm.

Nhà tư vấn Park nói rằng khi phụ nữ không được làm điều mà nam giới được làm thì đó chính là sự phân biệt đối xử.

"Phụ nữ bị đánh giá từ bề ngoài vì những quan niệm như 'phụ nữ phải xinh đẹp' hay 'vẻ ngoài dễ nhìn là bước đầu tiên dẫn tới thành công'. Những giá trị này ăn sâu bén rễ trong xã hội Nhật Bản, đến mức nhiều phụ nữ không thấy đó là thành kiến mà coi là điều đương nhiên. Việc mọi người bắt đầu thảo luận sẽ tạo thành phong trào và thu hút sự chú ý của dư luận vào những thành kiến vô thức như vậy. Từ đó, có thể mang lại thay đổi cho xã hội, và tôi cho rằng đây là điều quan trọng".

Nguồn: NHK

No comments:

Post a Comment