Saturday, February 15, 2020

Virus corona mang lại sự khởi sắc cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang

Công ty sản xuất khẩu trang y tế Kolmi-Hopen, tại Saint-Barthelemy-d'Anjou, Pháp, hoạt động hết công suất. Ảnh chụp ngày 05/02/2020 REUTERS/Stephane Mahe


Audio

Đêm hôm qua tôi viết vu vơ về khẩu trang made in china. Hôm nay Đài RFI cũng nói như vậy.

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới lan rộng từng ngày, số người chết và bị lây nhiễm không ngừng tăng nhanh, khẩu trang y tế đang là vận dụng thiết thân của người dân nhiều nơi như Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông … Nhưng « cung không đủ đáp ứng cầu ».

Từ nhiều ngày nay, khẩu trang trở nên khan hiếm trên thị trường và vô tình, siêu vi corona đã mang lại sự khởi sắc cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang tại Pháp. Nhiều doanh nghiệp « ngập » trong các đơn hàng, kho hàng không mấy khi được « lấp đầy ».

Khẩu trang - « hàng hiếm » tại Pháp

Ngày 04/02, đài France Bleu Paris ghi nhận tại nhiều hiệu thuốc ở Paris và vùng phụ cận, khẩu trang phẫu thuật thường có giá 30 cent euro, nay đã tăng lên gấp 3-10 lần. Một nhân viên cửa hàng dược phẩm chỉ trích là nhiều hiệu thuốc đang tìm cách « gặt hái » trên nỗi sợ virus corona của khách hàng. Trả lời đài France Info, ông Bruno Maleine, chủ tịch Hội đoàn dược sĩ vùng Ile-de-France, nhấn mạnh việc các hiệu thuốc tranh thủ dịch bệnh để tăng giá khẩu trang y tế tuy không phạm luật, nhưng liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và ông lấy làm tiếc là chuyện này đã xảy ra. Ông Maleine nhấn mạnh là các dược sĩ cần có thái độ chuyên nghiệp và phục vụ xã hội với đạo đức nghề nghiệp.

Không chỉ ở vùng Paris, mà nhiều nơi tại Pháp, nhu cầu khẩu trang đã tăng đột biến. Theo nhân viên của nhiều hiệu thuốc mà RFI Việt ngữ có dịp trao đổi, một phần là do tại Pháp cũng đang dịch cúm thông thường theo mùa, nhiều người Pháp muốn mua khẩu trang phòng bệnh, nhưng đa phần khách là người châu Á, mua với số lượng nhiều để gửi về nước cho người thân đang phải chống chọi với virus corona.

Tại Saint-Maur-des-Fossées, ngoại ô Paris, cho dù thành phố không có quá nhiều cư dân châu Á, cũng không phải là điểm du lịch thu hút nhiều du khách, số lượng khẩu trang hiệu thuốc Pharmacie de Champignol bán ra đã tăng mạnh. Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt, dược sĩ Isabelle Nathario, chủ hiệu thuốc, giải thích :

« Đúng là chúng tôi thấy nhu cầu mua khẩu trang đã tăng mạnh. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mua hàng. Các nhà bán sỉ khẩu trang cho chúng tôi đã làm hết khả năng có thể để đẩy nhanh thời gian giao hàng, nhưng đúng là chúng tôi chỉ mua được ít thôi. Các nhà phân phối của chúng tôi cũng không còn hàng. Chúng tôi phải tự xoay xở, thương lượng với những hiệu thuốc đồng nghiệp đã mua được một khối lượng lớn khẩu trang. Có ba loại khẩu trang : khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang FFP2 và FFP3, hai loại này có bộ lọc tốt hơn khẩu trang phẫu thuật. Hiện nay, chúng tôi chỉ có khẩu trang phẫu thuật. Rất khó để mua được khẩu trang FFP2 và FFP3, có vẻ như do Nhà nước thu mua …

Khách hàng hỏi mua khẩu trang thì có hầu như tất cả mọi người, cả người Âu và người châu Á, nhưng mà đúng là khách châu Á hỏi mua với số lượng lớn hơn rất nhiều. Họ thường mua để gửi sang châu Á. Chẳng hạn, một khách hàng giải thích với chúng tôi là bà mua hộ khẩu trang để gửi cho con gái của bà bạn hiện đang ở Thượng Hải. Đấy, cô gái đó muốn mua, rồi bạn bè của cô ấy muốn mua nữa nên nhờ bà mua hộ rồi gửi đi. Có người thì mua để gửi đi, có người mua để sẵn đấy phòng khi cần, bởi vì thực ra tại Pháp cũng đang có dịch cúm. Một số người đeo khẩu trang khi đi thăm người ốm hoặc những người bị bệnh thì cũng muốn đeo khẩu trang vì sợ lây cho người xung quanh. Họ mua khẩu trang, nhưng chỉ khoảng chục cái thôi, chứ không mua cả hộp 50 cái đâu ».

Nhà thuốc cũng cho biết giá bán khẩu trang có thể tăng, nhưng số lượng khẩu trang bán được đã tăng gấp … 300 lần do với trước khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Dược sĩ Isabelle Nathario giải thích tiếp :

Có thể là giá đã tăng một chút, nhưng thực ra thì khẩu trang phẫu thuật cũng không đắt lắm. Giá bán khẩu trang là giá tự do, mỗi nhà thuốc đều có thể đưa giá họ muốn. Họ có quyền tăng giá. Vì hàng đang khan hiếm, một số nhà thuốc đã tăng giá quá cao, trong khi bình thường thì các nhà thuốc thường cạnh tranh giá với nhau. Các nhà cung cấp khẩu trang là doanh nghiệp Pháp, nhưng khẩu trang thường được sản xuất tại Trung Quốc. Khẩu trang tôi nhập mới được chuyển đến, tất cả đều được sản xuất tại Thượng Hải. Vậy đấy, khẩu trang được sản xuất tại Trung Quốc, rồi được bán sang Pháp, sau đó lại được mua để chuyển về Trung Quốc

Tôi mới gọi cho nhà cung cấp và giá thì đã tăng rất nhiều. Nếu họ có hàng, thì thường tôi sẽ nhận được ngay ngày hôm sau. Nếu mà tôi có hàng, thì ai mua bao nhiêu tôi cũng bán, tôi không hạn chế số lượng bán ra. Vào những lúc bình thường, thỉnh thoảng mới có có người hỏi mua khẩu trang thôi, thường là mỗi tuần chỉ bán được một hộp, có khi ít hơn. Nhưng từ khi có dịch đến nay, tôi đã bán được 300 hộp, tức là tăng gấp 300 lần, mà đấy là tôi còn chưa đáp ứng hết được nhu cầu của khách đâu »

Còn ngay tại trong Paris, nhất là tại quận 13, nơi có nhiều cửa hàng, siêu thị châu Á và đông người Hoa sinh sống, và khu phố Belleville có cộng đồng người Hoa tập trung, tình trạng khan hiếm khẩu trang tại các hiệu thuốc còn nghiêm trọng hơn. Chủ hiệu thuốc Pascale Bui, người gốc Việt, cho AFP biết, ngay từ ngày 25/01, bà đã không còn khẩu trang để bán, nhưng ngày nào cũng có vài chục khách đến hỏi mua khẩu trang, chủ yếu là người gốc châu Á. Cá biệt, có một người đàn ông tự nhận là đại diện cho một hội đoàn thiện nguyện của người Hoa còn đi thu mua 500.000 khẩu trang. Vì khan hiếm hàng, nên nhiều hiệu thuốc phải định mức lượng hàng bán cho khách.

Cơ hội bất ngờ cho các nhà sản xuất Pháp

Trước đây, Trung Quốc là nước cung cấp phần lớn khẩu trang y tế cho toàn thế giới. Nhưng khi nạn dịch bùng phát, nhu cầu khẩu trang bùng nổ, Trung Quốc buộc ngưng xuất khẩu, chỉ tập trung sản xuất nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu bức thiết của người dân trong nước. Không chỉ tại Trung Quốc, nhiều nước khác như Đài Loan đã ra lệnh tạm ngưng bán khẩu trang cho nước ngoài, chỉ tập trung đáp ứng thị trường nội địa.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm 07/02/2020 báo động là thế giới đang lâm vào tình cảnh khan hiếm khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế khác. « Cầu vượt quá cung » rất nhiều lần đã khiến giá bán khẩu trang bị đẩy lên rất cao, thậm chí cao gấp 20 lần. Trong một cuộc họp tại Genève, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết sẽ trao đổi với lãnh đạo các chuỗi cung ứng để tìm giải pháp khắc phục tình trạng « tắc nghẽn » trong sản xuất thiết bị bảo hộ y tế.

Cùng ngày, tập đoàn điện tử khổng lồ Foxconn Đài Loan, chuyên về lắp ráp điện thoại iPhone cho Apple, tuyên bố bắt đầu sản xuất khẩu trang phẫu thuật trong nhà máy ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Trên mạng xã hội Wechat, Foxconn khẳng định đã thành công trong sản xuất thử nghiệm và đang chờ giấy chứng nhận để đến cuối tháng 02/2020 cho xuất xưởng 20 triệu khẩu trang phẫu thuật. Tuy nhiên, hôm 08/02, để bảo đảm ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng, chính quyền Trung Quốc đã không cho phép Foxconn mở cửa trở lại vào ngày 10/02.

Pháp thường nhập khẩu trang từ Trung Quốc. Hiện giờ, nhiều khẩu trang bán tại các hiệu thuốc vẫn là hàng trước đây các doanh nghiệp nhập về từ Trung Quốc. Nhưng nay, nguồn cung từ Trung Quốc không còn. Bối cảnh thế giới khan hiếm như hiện nay bỗng biến thành cơ hội bất ngờ cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang của Pháp. Nhiều doanh nghiệp phải khẩn trương tuyển thêm nhiều lao động, tăng ca sản xuất ngày và đêm mà vẫn không đủ hàng bán.

Công ty Kolmi-Hopen chuyên sản xuất các loại khẩu trang, có nhà máy sản xuất tại Saint Barthélémy, Anjou, gần thành phố Angers (Maine-et-Loire), đang đứng trước cơ hội nói trên. Ngày 01/02/2020, ông Gérard Heuliez, tổng giám đốc hãng Kolmi-Hopen giải thích với đài France Info : « Vào thời điểm bình thường, chúng tôi sản xuất hơn 150 triệu khẩu trang y tế và hơn 20 triệu khẩu trang bảo hộ mỗi năm. Bây giờ, với nhu cầu tăng theo cấp số nhân, theo tổng số đơn hàng mà chúng tôi nhận được, chúng tôi phải sản xuất hơn 500 triệu khẩu trang ».

Tổng giám đốc Gérard Heuliez còn cho biết công ty đang đứng trước áp lực rất lớn để thỏa mãn khách hàng. Chẳng hạn, các nhà phân phối châu Âu đặt mua tới 350 triệu khẩu trang. Bình thường công ty có 102 nhân viên, nhưng nay công ty hy vọng sẽ tuyển thêm được khoảng 30 lao động để có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu mua khẩu trang của các nước.Khẩu trang của công ty Kolmi-Hopen sẽ được xuất sang châu Á, các nước láng giềng châu Âu và đương nhiên là phục vụ cả người tiêu dùng trong nước. Hôm 31/01, Kolmi-Hopen thông báo từ tuần đầu tháng 02 tăng ca 24/24h, 7/7 ngày.

Còn tại vùng Loire, một doanh nghiệp khẩu trang khác cũng đang phải làm việc hết tốc lực. Đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ Valmy. Ông Nicolas Brillat, giám đốc cơ sở sản xuất của Valmy tại Mably, phát biểu hôm 29/01 : « Trong công xưởng, không khí làm việc sôi sục, khẩn trương, bởi vì chúng tôi nhận được đơn hàng nhiều gấp 50 lần so với đơn hàng bình thường vào thời điểm này trong năm (…) Chúng tôi có 15-20 nhân công tùy theo giai đoạn, nhưng chúng tôi sẽ phải tuyển dụng thêm 50 lao động, tức là nhiều gấp 2,5 lần so với sĩ số hiện nay ».

Trong ba ngày 17-19/01/2020, tổng thống Pháp Macron đã cho tổ chức triển lãm hàng Pháp ngay tại phủ tổng thống để vinh danh các sản phẩm Made in France, quảng bá nền sản xuất Pháp tới công chúng. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới đang hoành hành tại Trung Quốc là một thảm họa cho thế giới, có thể gián tiếp tác động tiêu cực đến kinh tế Pháp. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, đây lại là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp khẩu trang của Pháp vươn xa hơn.

NguỒn: RFI/Thùy Dương

No comments:

Post a Comment