Từng tháp tùng Tổng thống Mỹ George W. Bush trong chuyên cơ Air Force One, từng giúp Bộ trưởng tư pháp soạn kế hoạch cải cách Sở di trú và nhập tịch Hoa Kỳ, là một trong những kiến trúc sư soạn Luật ái quốc Hoa Kỳ sau vụ 11-9, từng có mặt trong nhóm luật sư điều tra hai vụ xìcăngđan liên quan (cựu) Tổng thống Bill Clinton, từng là trợ lý Bộ trưởng tư pháp phụ trách Văn phòng chính sách pháp luật và là giáo sư luật Đại học Georgetown phụ trách Luật châu Á và nghiên cứu chính sách…, tất cả chi tiết trên đều nói về một thanh niên tốt nghiệp Đại học Harvard – Viet D. Dinh.
Viet D. Dinh và Bộ luật An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ
Trợ lý Bộ trưởng tư pháp Viet D. Dinh ngồi trong nhà hàng La Colline ở Capitol Hill. Nhấm càphê, anh nghe câu chuyện rôm rả của các nhân viên Nhà trắng và Quốc hội. Bất ngờ, một người lao vào, la to: “Một máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới”. Việt và những người trong nhà hàng im lặng và rồi máy nhắn tin của họ đồng loạt kêu. Họ nhìn nhau và tất cả chạy ra ngoài. Lúc đó là khoảng 9 giờ 30 sáng 11-9-2001.
Đến trụ sở Bộ tư pháp, Việt thấy mọi người đang di tản. Nước Mỹ bị tấn công! Sáng hôm sau, trong phòng hội nghị trên tầng bốn Bộ Tư pháp, Việt cùng nhóm viên chức cấp cao thực hiện cuộc họp khẩn. Trong phòng không có John Ashcroft. Sếp Bộ tư pháp, cùng nhiều bộ trưởng khác, đang ở nơi nào đó bí mật. “Vấn đề nằm ở chỗ nào?” – Việt hỏi, đưa mắt nhìn những người quanh bàn. Vài giờ sau, chính xác hơn là nhiều ngày sau đó, họ thảo luận các biện pháp cấp bách đối phó tình huống hiện tại, về công tác điều tra và tình báo, về sự phối hợp cần thiết giữa FBI thuộc Bộ Tư pháp và CIA, về khả năng kiểm soát và theo dõi công dân Mỹ…
Một dự luật ra đời: Đạo luật Ái Quốc. Ngày 19-9, tại Quốc hội, kế hoạch chấn chỉnh bộ máy an ninh Mỹ được thảo luận. Trong cuộc họp, có nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ, vài viên chức Nhà trắng và phía Bộ Tư pháp có đại diện John Ashcroft cùng trợ lý Viet D. Dinh, mang theo bản dự thảo 40 trang. Cuối cùng, Đạo luật Ái Quốc trở thành luật, được Quốc hội chuẩn y và được Tổng thống Bush ký ngày 26-10… Vài chi tiết trích từ bài Six weeks in autumn trên Washington Post 27-10-2002 của tác giả Robert O’Harrow Jr. đã cho thấy vai trò tham gia “gỡ rối” vụ 11-9 của Viet D. Dinh như thế nào…
“Nếu Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft và Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld là bộ mặt của Nội các Bush trong chiến dịch chống khủng bố, Viet D. Dinh và một nhóm nhỏ các cố vấn đứng sau hậu trường là bộ não của chiến dịch” – tờ Los Angeles Times viết, trong bài nói về Viet D. Dinh trong số đề ngày 18-9-2002. Thoạt đầu là nhân vật mờ nhạt trong Bộ Tư pháp (thời Bộ trưởng Janet Reno), Viet D. Dinh nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt gây chú ý nhất chính trường Mỹ, tham gia soạn thảo và định hình chính sách luật liên bang, từ luật kiểm soát vũ khí, luật chống sản phẩm văn hóa đồi trụy trên Internet, luật chống buôn người đến cả việc chọn chánh án cấp bang. Điều gây bất ngờ nhất trong bộ máy Bộ Tư pháp là Viet D. Dinh được bổ nhiệm là một trong 11 viên chức cấp cao trong Văn phòng chính sách pháp luật (một trong bộ khung chính của cấu trúc Bộ Tư pháp). “Viet D. Dinh ngày càng trở thành một phần gắn kết trong mỗi quyết định mà chúng tôi đưa ra” – Bộ trưởng John Ashcroft nhận xét. Sự thăng tiến nhanh của Viet D. Dinh khiến nhiều chính khách Cộng hòa từng nói rằng anh có thể là ứng viên người Mỹ gốc Á đầu tiên có mặt trong Tối cao Pháp viện.
Thành tích chính trị
Sự kiện 30-4-1975 đã khiến gia đình Viet D. Dinh tan nát. Cha ông bị bắt đi “học tập cải tạo” (sau đó trốn trại và sống như một người “bất hợp pháp”). Năm 1978, mẹ Viet D. Dinh tìm cách cho con vượt biên. Trong 12 ngày lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ, Viet D. Dinh cùng những thuyền nhân còn lại được một tàu đánh cá Thái Lan cứu trợ thực phẩm và nước uống. Họ đến Malaysia, đối diện với họng súng tuần dương nước này, yêu cầu họ phải rời ra khơi. Nhà chức trách Malaysia chỉ cho họ nghỉ tạm qua đêm. Tối hôm đó, mẹ của Viet D. Dinh lẻn vào màn đêm, dùng rìu đập thủng thuyền. Thế là họ được phép vào trại tỵ nạn. Ở Malaysia 6 tháng, gia đình Viet D. Dinh được đưa đến Oregon vào tháng 11-1978. Bốn năm sau, cha của Viet D. Dinh được bảo lãnh sang Mỹ. Năm 1992, Viet D. Dinh đón một trong những người chị/em gái mình tại một trại tỵ nạn ở Hong Kong – một sự kiện được Dateline NBC tường thuật chi tiết.
Sau trận thiên tai do núi lửa St. Helens gây ra năm 1980, gia đình Viet D. Dinh dọn đến Fullerton. Tại Quận Cam, Viet D. Dinh giúp mẹ (vốn là giáo viên) trong cửa hàng may đồ và kiếm thêm với nghề phục vụ bàn (bố mẹ Viet D. Dinh có một cửa hàng tạp hóa tại Salem, bang Oregon). Dù gia đình mong trở thành bác sĩ nhưng Viet D. Dinh học luật. Nhờ học bổng và trợ giúp tài chính của một số Việt kiều, Viet D. Dinh vào Đại học Harvard rồi sau đó học tiếp ba năm Trường luật Harvard.
Thời gian này, Viet D. Dinh làm trợ lý nghiên cứu tại Trường chính phủ Kennedy và giúp thành lập một tổ chức chăm lo sinh viên Việt Nam tại Massachusetts. 25 tuổi, tốt nghiệp đại học, Việt làm thư ký cho Chánh án Laurence H. Silberman tại Tòa thượng thẩm Hoa Kỳ. Một năm sau, Việt làm việc cho Chánh án Sandra Day O’Connor. Đó chính là thời điểm Việt nhận lời mời tham gia nhóm luật sư đặc biệt, điều tra vụ Whitewater dính dáng Tổng thống Bill Clinton (sau đó cũng tham gia nhóm điều tra vụ Monica Lewinsky). Năm 1996, Việt được một cựu giáo sư mời dạy Đại học Georgetown. Cuối cùng, năm 2001, Việt được chọn làm trợ lý Bộ trưởng Tư pháp (người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến nay ở cương vị này). Trong cộng đồng Việt kiều tại Mỹ, Viet D. Dinh là tấm gương được nói đến nhiều, một trong những người có mặt quyển 25 Vietnamese Americans in 25 years phát hành vào tháng 4-2000 nhân dịp 25 năm sự kiện bi thảm 30-4-1975.
Tại sao Viet D. Dinh được tin cậy và được chính Bộ trưởng tư pháp John Ashcroft cất nhắc lên vị trí hiện tại có thể là câu hỏi nhiều người quan tâm. Dù tài năng là điều không thể phủ nhận nhưng Việt thật ra có thiên hướng làm chính trị và sớm gây chú ý cho phe Cộng hòa. Hồi mới tốt nghiệp Trung học Fullerton, Việt đã xin làm tình nguyện viên tại trung tâm bầu cử người Mỹ gốc Á do dân biểu Cộng hòa (lúc đó) Robert K. Dornan dựng lên. Trước năm 1999, Viet D. Dinh xây dựng mối liên kết với phe Cộng hòa bằng cách làm luật sư cho hai trong số thượng nghị sĩ quyền lực nhất Capitol Hill – đầu tiên là thượng nghị sĩ Cộng hòa Alfonse M. D’Amato (trong nhóm điều tra vụ Whitewater dính dáng Tổng thống Clinton) và sau đó là thượng nghị sĩ Cộng hòa Pete V. Domenici (trong nhóm điều tra vụ bê bối Monica Lewinsky). Trong vụ lùm xùm liên quan kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 (giữa ứng cử viên George W. Bush và Al Gore), Việt cũng viết thư gửi Tối cao Pháp viện Mỹ nhân danh nhóm cử tri Florida ủng hộ Bush.
Tháng 1-2001, khi việc bổ nhiệm Ashcroft vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp hứng chịu làn sóng phản đối do quá khứ từng dính dáng nhiều vấn đề liên quan quyền công dân của nhân vật này, Viet D. Dinh đã viết một bài bình luận trên Washington Post ca ngợi chính sách “thông cảm sâu sắc” của Ashcroft đối với các cộng đồng thiểu số tại Mỹ. Khuynh hướng thân Cộng hòa chính là lý do tại sao Việt không được phe Dân chủ ủng hộ. Chính sách kiểm soát vũ khí của Viet D. Dinh cũng khiến giới kinh doanh súng phản đối. Tháng 5-2001, khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm Viet D. Dinh chức trợ lý Bộ trưởng tư pháp, Việt nhận được tỉ lệ 96 phiếu thuận so với 1 phiếu chống. Người duy nhất bỏ phiếu chống (lúc đó) là thượng nghị sĩ Dân chủ Hillary Clinton!
(sưu tầm)
No comments:
Post a Comment