Bà cụ hướng đôi mắt về phía cuối hẻm. Cặp mắt hơn tám mươi không cho phép cụ nhìn thấy tỏ tường những sự việc đang diễn ra ở khoảng cách không đầy 100m. Bà chỉ nghe thấy tiếng xe chạy vọng tới. Đó là tiếng xe của các nhân viên công lực. Bây giờ, đường phố là của công an, của dân phòng. Họ tụ tập từng nhóm. Họ bay lượn thảnh thơi từ nơi này đến nơi khác như đàn bướm tung tăng đi hút mật hoa. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra sự chấp hành chỉ thị giãn cách xã hội của chính phủ. Ai có việc ra ngoài thì phải là việc thật cần kíp. Đó là lệnh trên giấy tờ. Còn trong thực tế thì lại khác. Chỉ được coi là cần kíp nếu được những ông thần đường phố này chấp nhận. Năn nỉ, khóc lóc cũng vô ích. Tuy vậy, dân nói nhỏ cho nhau nghe: “Có “bác” thì việc gì cũng xuôi cả. Nhưng phải là “bác to” mới được nhé! Khi ra ngoài đường thì phải đi, đứng, ngồi, thậm chí là cả nằm nữa, người nọ cách người kia đúng 2m. Giãn cách xã hội là như thế. Cả thế giới áp dụng chứ không phải chỉ riêng một Việt Nam mình. Không đúng khoảng cách đó là bị phạt. Tiền phạt bây giờ được tính bằng tiền triệu. Hễ trông thấy chỗ nào có sai quy định là họ lập tức sầm sập chạy tới cả một đoàn, áp sát vào người dân, tay lôi kéo, xô đẩy, miệng chửi thề, quát tháo ầm ĩ. Những viên chức nhà nước mẫn cán - rất mẫn cán. Bệnh dịch là mối nguy, mối lo lớn. Nhưng, trước khi bệnh tràn tới thì nỗi lo canh cánh thường xuyên của dân đen là những vị thiên lôi này. Họ hiện diện trong đời sống của người dân trong từng khoảnh khắc. Bất kể thời gian và không gian.
Thành phố trở thành một bãi tha ma. Vắng tanh vắng ngắt. Nhà nhà cửa đóng then cài. Những cái miệng lúc nào cũng bịt kín. Không có bí mật nào được tiết lộ cả. Hàng xóm láng giềng trước đây thân thiện, qua lại với nhau như anh em một nhà, buồn vui đều có mặt. Ấy thế mà bây giờ lạt lẽo, lạ xa, sợ sệt lẫn nhau. Ngay cả con cháu ruột thịt cũng không ngoại lệ. Ai cũng có thể là tác nhân gây bệnh cho người khác. Nghi kị. Nghi kị. Nghi kị… Kinh khủng quá xá! Khi sống đã lẻ loi. Lúc chết lại càng cô quạnh. Không một mảnh khăn tang đưa tiễn. Chúa và Phật không được phép đến gần. Người dưng nước lã hối hả, dồn dập chuyển xác chết vào lò thiêu vì đó là ổ vi trùng nguy hiểm. Nắm xương tàn được chất đống cùng với bao nhiêu nắm xương tàn khác trên những chiếc xe giao hàng để chuyển đến cho thân nhân. Tất cả đều diễn ra trong lạnh lùng, vô cảm. Người sống đống vàng. Cũng một thân xác ấy, khi còn thở thì được xưng tụng như thế. Nhưng, trong cơn đại dịch này, cái thân xác ấy khi đã nhắm mắt xuôi tay lại trở nên một nỗi kinh hoàng cho xã hội. Từ xã hội nhỏ cho đến xã hội lớn. Bị xua đuổi. Bị hất hủi. Mọi thứ tình cảm dành cho nó không còn nữa.
Bà cụ rời khung cửa sổ. Từng bước run run tiến lại phía bàn thờ. Hai bàn tay xương xẩu cung kính chắp lại. Cặp mắt mờ mờ tỏ tỏ của bà nhìn lên Đức Thế Tôn thật chân thành, thật tha thiết. Bà lâm râm cầu nguyện: “Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A D Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Kính xin Đức Phật từ bi đoái nhìn xuống chúng sinh đang gặp tai ương khốn khổ mà độ trì cứu giúp. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Rồi bà lọng cọng quỳ xuống, kính cẩn lạy Phật.”
Xong xuôi, bà đến ngồi vào cái đi-văng kê ở góc nhà. Vắng lặng quá thể. Tiếng muỗi vo ve nghe rõ mồn một. Mấy con thạch sùng nằm trên bức tường vôi loang lổ, dáng vẻ biếng lười. Thỉnh thoảng chúng lại tắc lưỡi than thân. Tiếng kêu của loài động vật quanh năm suốt tháng bám trên trần nhà khiến bà rùng mình. Tiếng kêu ấy làm gia tăng sự buốt giá của cái vắng lặng ghê hồn. Đã từng bao phen trải qua cảnh đơn chiếc, nhưng chưa bao giờ bà có cảm giác hãi sợ như thế này. Chồng và con bà dù có những lúc phải đi xa, nhưng rồi sẽ lại trở về. Chắc chắn là như thế. Bà chờ đợi người đi trong niềm vui và hy vọng. Cái bếp kia luôn luôn âm ỉ ngọn lửa đoàn tụ. Nhưng, bây giờ thì không. Không một mảy may hy vọng. Số người chết cứ tăng lên vùn vụt từng ngày. Những xe chở xác chết đến lò thiêu nối đuôi nhau mà nhích… nhích… nhích… một cách vất vả. Bất cứ ai và bất cứ khi nào thần chết cũng có thể đến bắt đi mà không cần báo trước. Mặc dù ngày nào bà cũng nhận được tin tức của con cháu qua điện thoại, nhưng lòng mẹ nào có thể yên được và bà chắc rằng con cái bà cũng chẳng thể nào an tâm về bà. Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia. Lúc nào bà cũng có cảm giác đang ngồi trên đống lửa.
Ngoài cái chết do dịch thì còn một cái chết khác đang lơ lửng trên đầu. Chết đói. Người ta thì bà không biết, chứ con cái bà thì bà biết rõ chúng như những đường chỉ tay của bà. Cuộc sống của chúng chẳng lấy chi khá giả. Toàn là vặt mũi bỏ miệng. Cứ ngăn sông, cấm chợ mãi; cứ cách ly cách liếc hoài thì biết làm gì sống đây, Trời? Đành rằng bầu và bí chẳng thể nào đoạn tuyệt nghĩa tình vì mãi mãi chung giàn máu đỏ da vàng. Thế nhưng, miệng ăn núi lở. Cái túi thần chỉ có trong truyện cổ tích. Khi những cái túi bình thường kia cạn kiệt thì tương lai sẽ ra sao? Đói thì đầu gối phải bò. Đúng vậy. Nhưng, bò đi đâu? Mọi đám cỏ- kể cả những đám cỏ cháy xém- đều đã bị khóa chặt. Đầu gối rất muốn bò, nhưng lại không được phép bò. Đành phải nằm một chỗ chờ sung rụng. Và, hôm nay, sung đã rụng đến chỗ bà. Địa điểm phát quà cứu trợ đặt ở đầu hẻm. Tất cả đều là nhu yếu phẩm. Gạo, rau, củ, quả, nước đóng chai, thuốc men thường dùng… Những gói nghĩa tình bầu bí quấn quyện Rồng- Tiên huyết nhục. Ân cần thăm hỏi. Ân cần đưa trao. Ân cần dặn dò. Trong những câu nói, người ta nghe được tiếng sụt sùi của nghẹn ngào dòng lệ. Đến lượt bà, người ta hỏi bà cần thứ nào? Thứ nào đối với bà cũng là cần thiết. Rất cần thiết. Thế nhưng, đâu chỉ riêng một mình bà gặp khó khăn? Bà chỉ vào những gói gạo. Đúng, bà chỉ cần có gạo thôi. Bà sẽ để dành đó, chờ khi nào con cháu bà về, bà sẽ nấu cho tụi nó một nồi cơm. Cứ tưởng tượng đến cảnh con cháu tụ tập bên nồi cơm bốc khói nghi ngút và những cái miệng ăn ngấu ăn nghiến là bà cảm thấy như được cải lão hoàn đồng. Bà run run đón nhận gói gạo, miệng móm mém nơi lời cám ơn và bước ra. Những bước chân run rẩy. Run rẩy vì tuổi tác. Run rẩy vì xúc động.
Một người phụ nữ đang đứng xếp hàng chờ tới lượt, vội vàng chạy đến bên bà, một tay dìu bà, một tay đỡ lấy bịch gạo đang chực rơi ra khỏi bàn tay của bà. Bất chợt, những tiếng còi ré lên inh ỏi cùng những bước chân sầm sập chạy tới. Gần một chục thanh niên trai tráng, mặt bịt khẩu trang, thái độ dữ dằn áp sát vào hai người phụ nữ một già một trẻ. Một tiếng thét giận giữ:
- Đ.m. Chị kia! Buông bà cụ ra ngay! Chị không tuân thủ luật giãn cách xã hội của chính phủ hả? Muốn phạt không? Đ.m.
Chị nhỏ nhẹ:
- Các anh có thấy bà cụ quá già và quá yếu không? Tôi chỉ đến giúp cụ thôi, chứ không có ý chống lại luât giãn cách của chính phủ.
- Đ.m. Không nói nhiều. Đm. Buông ra! Buông ngay ra! Đ.m.
Chị lớn tiếng:
- Các anh hãy đứng cách xa chúng tôi ngay! Các anh đâu được phép đứng sát chúng tôi. Đứng xa ra đúng chỉ thị của chính phủ.
- Đ.m. Mày dám cãi lệnh chúng tao à?
Một cái tát như trời giáng vào mặt chị. Những cánh tay trai tráng xô đẩy, giằng co, cố giựt cho bằng được tay chị ra khỏi tay bà cụ. Cuối cùng, sức phụ nữ không địch lại sức trai trẻ. Chị và bà cụ ngã đập mặt xuống mặt đường. Bịch gạo vỡ toang. Những hạt gạo trắng bắn ra tung tóe. Hai bàn tay xương xẩu của cụ quơ cào… quơ cào… quơ cào… Cái miệng móm mém thều thào: “Gạo… gạo… gạo… cơm… cơm… cơm…”. Ít phút sau, đầu cụ nghẹo sang một bên. Từ khóe miệng, một dòng máu đỏ trào ra. Những hạt gạo vẫn còn dính trên mấy đầu ngón tay nhăn nheo… 😢😢😢
Uyên Sồ
Thung Lũng Máy Nước, 14/8/2021
Khi đọc bài này, mình khóc đến sưng mắt 😢😢😢😢😢😢
No comments:
Post a Comment