Monday, December 27, 2021

Bình Thường Nhưng Không Tầm Thường - Tăng Song Nam



Một lần tôi đi xích lô về nhà. Ông xích lô trông rất vừa tầm, không già yếu quá để ái ngại, không trẻ quá để hoảng hốt sợ đi láo, tôi ngồi đĩnh đạc, hưởng cái thú “ngồi trên xế lô như ngồi trong giấc mơ…”.Từ sân bay về nhà tôi không xa lắm, ông xích lô bảo:
- Tôi ở cũng gần đấy, cô cứ yên tâm, tôi đi thong thả, hết cuốc này tôi nghỉ rồi…

Lúc ấy khoảng 5 giờ hơn, tôi bảo bác nghỉ sớm nhỉ, giờ hết nắng sao bác không chạy thêm... Ông ấy cười:
- Nắng với tôi chả mùi vần gì, tôi là dân Quảng mà…

Tôi ngạc nhiên, cái giọng này không phải là dân Quảng, tôi bảo:
- Nghe giọng bác không giống giọng Quảng nhỉ...?

Ông khẽ dặng hắng:
- Tôi nối đẹc téng béc téng nôm è cô... - Rồi ông cười, vui vẻ - Cô nghe được không?

- Nghe được nghe được,-tôi cũng cười- Bác giỏi thế, thường chỉ thấy người Huế nói được như vậy...

Ông bảo:
- Tôi đọc nhiều, nghe nhiều nên cũng lậm.

Chà, cái này lạ đây:
- Bác cũng hay đọc ạ, bác đọc gì, truyện à?

Không nghe ông trả lời, có vẻ như ông đang mỉm cười.
- Tôi đọc đủ thứ, tôi thấy cô đang cầm cuốn Hạt cơ bản, cuốn đó tôi cũng đọc rồi.

Ố la la, choáng:
- Thế bác có hiểu hết không?

- Thì hiểu làm gì, tôi thấy lạ thì đọc thôi, cũng không cần hiểu, biết sao là hiểu, cô! Ngay người dịch cũng chưa chắc đã hiểu hết ý tác giả. Một cuốn sách có biết bao điều người ta muốn nói, sao mà hiểu được hết, phải không cô?

Đến lượt tôi mỉm cười:
- Xem ra bác sống khỏe nhỉ, đạp xích lô rồi đọc sách...

Bác ta chắc cũng mỉm cười, nhẹ nhàng:
- Tôi sống khỏe, không bức bối chuyện cơm áo, đạp xích lô đủ ăn, dư thì mua sách, thiếu thì đi coi... cọp.

Tôi tò mò:
- Bác không phải lo cho vợ con sao?

- Vợ con tôi ngoài Quảng, cô à, tôi vô đây một mình. Các con tôi lớn hết rồi, hắn còn gửi tiền cho tôi xài.

- Vậy sao bác phải đi đạp xích lô cho cực vậy?

- Tôi không thấy cực, tôi thấy khỏe lắm, cô à, trước đây tôi dạy học, cực hơn rất nhiều...

Bác ta nói rủ rỉ rù rì như độc thoại, như đang ngồi chơi bên bàn cà phê chứ không phải đang đạp xích lô, ngoằn ngoèo qua những con hẻm nhỏ.
- Tôi thích tự do, cô à. Tôi dạy học được hơn mười năm, mười năm sau đó năm nào tôi cũng muốn bỏ, vợ chồng tôi cùng dạy học, dạy toán nên sống khỏe nhờ dạy thêm... Rồi tôi ngán quá, tôi ngán làm người mô phạm, ngán bận áo bỏ trong thùng, tôi ngán phải lên lớp ngày này qua ngày khác, nói đi nói lại cũng từng đó câu... Tôi rất thương học trò, thấy tụi nó thật ngộ và học trò cũng quý tôi. Nhưng cô à, tôi không muốn làm nữa. 

Từ lâu tôi ao ước được sống không gò bó, tôi thích đọc sách, thả lỏng cho tâm trí bay với những cái lạ lùng xa xôi trong sách vở. Tôi thích bận quần cụt, áo thả ra ngoài. Tôi thích chỉ làm việc (đặng kiếm ăn) nửa ngày, nửa ngày tôi đọc sách, chơi cờ hay nằm chơi, không làm gì hết, nghĩ ngợi lang bang, không phải nói những câu xã giao, không phải chăm chút cửa nhà, giữ mối láng giềng bà con làng nước... Tôi muốn tuột bỏ hết các mối quan hệ, chỉ quan hệ với cái thần hồn của mình thôi, chăm sóc cái thần xác của mình thôi. Tôi muốn sống tự ên, không vướng bận gì, các con tôi lớn và tôi thấy yên tâm với sự trưởng thành của chúng. Tôi dành cho chúng sự độc lập. 

Tới năm đó tôi nói với vợ: tôi nghỉ việc, đi chơi một chuyến nghe. Vợ tôi không hiểu. Những triệu chứng trước nay của tôi bả đều không quan tâm, đơn giản vì bả không nghe được can cớ gì mà tôi trở chứng vậy. Con cái đã lớn, đến tuổi hưu tha hồ an nhàn vậy sao phải bỏ việc, tức là bỏ vô số chế độ này kia và nhất là bỏ một vị thế xã hội rất đàng hoàng.

Đến đây tôi ngắt lời bác ta.
- Tôi cũng không hiểu, bác có thể an nhàn đúng như vậy mà. Nếu không thích gò bò bác có thể không dạy học nữa, làm việc khác cũng được. Thì đạp xích lô cũng là một việc khác đó thôi.

Bác ta cười.
- Cô định nói đạp xích lô không có vị thế đàng hoàng đúng không, nhưng chính là tôi muốn thoát khỏi mọi thứ vị thế mà... Tôi muốn chỉ ăn đủ sống, nghe ngóng, chơi cờ, đọc sách, có lẽ lâu lâu có một dịp chuyện trò với ai đó nghe mình (cũng không muốn thường xuyên lắm - cái vụ chuyện trò đó) và trên hết tôi muốn bận một bộ đồ chỉ che nắng che gió, không phải vừa với thứ vị thế nào...

Bác ta đã ngưng nói, tôi cũng nín thinh, quả thật tôi vô cùng bối rối, một tâm sự như vậy không thể thấy hằng ngày. Tôi muốn nói: Bác thật dũng cảm, thật khó mà làm được như vậy, phải không?

Mấy ngày sau tôi tình cờ thấy bác ta ngồi ăn sáng đầu hẻm, gần sát hẻm nhà tôi. Ngồi trên xe mặt bịt kín bằng khẩu trang và kính mát, tôi quan sát bác ta như một thám tử. Quả thật cốt cách của bác ta không tầm thường chút nào, dù bận quần cụt với cái áo sơmi đã ngả màu cháo lòng. Ăn xong, bác ta thong thả đứng dậy, kéo cái xe xích lô ra và đạp đi, mọi động tác đều nhẹ nhàng, điềm đạm như một văn nhân với cuốn sách của mình.

Rồi một lần tôi ghé đó uống cà phê, bâng quơ hỏi về bác ta, bà bán cà phê nói:
- Ối ổng ở mướn nhà tui đó, có một cái ghế bố với một thùng sách thôi, với báo nữa, ổng lấy báo làm đệm đó cô, phẻ re. Hôm rồi có thằng con coi bảnh lắm đến rước, về quê cưới vợ cho con rồi.

Tôi suýt sặc, té ra bác ta cũng phải vận com-lê ca vát đứng làm sui.

A, thoát làm sao được cái vị thế ở đời.

Tăng Song Nam

No comments:

Post a Comment