Thursday, December 30, 2021

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Ngọc Chánh – Trưởng ban nhạc Shotguns một thời


Nhạc sĩ Ngọc Chánh được công chúng biết đến với các nhạc phẩm Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư, Tuổi Biết Buồn sáng tác chung với nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên, vai trò của ông được đánh giá cao nhất khi là trưởng ban nhạc nổi tiếng Shotguns và thành lập hãng băng đĩa Shotguns – Nguồn Sống, có nhiều đóng góp quan trọng trong làng nhạc khi lăng xê thành công được nhiều bài hát, ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975.


Nhạc sĩ Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy


Nhạc sĩ Ngọc Chánh tên thật Nguyễn Ngọc Chánh, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1937 tại Sài Gòn trong gia đình có tất cả 10 anh chị em. Tuy nhiên 8 trong số 10 anh chị em này đều bị mất từ lúc nhỏ, chỉ còn lại 2 người là nhạc sĩ Ngọc Chánh (thứ sáu) và cô em út tên Ngọc Lan (tên giấy tờ là Nguyễn Thị Trí). Người em gái này cũng đã đột ngột qua đời vào năm 1989, để lại sự bàng hoàng hụt hẫng và đau đớn cho người con trai tên Long (cũng là tay trống của ban nhạc Shotguns lúc bấy giờ) và cho người anh ruột là nhạc sĩ Ngọc Chánh.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh mê nhạc và có năng khiếu từ thuở bé. Lúc lên 6 tuổi, ông được học guitar với một anh bạn lớn tuổi hơn tên là Cổ Tấn Tịnh Châu, rất giỏi về ngón đàn Flamenco, rồi sau đó học thêm với một nhạc sĩ Phi Luật Tân là Monito. Có lẽ nhờ vậy mà ngay từ lúc nhỏ ông đã có một số kiến thức khá vững vàng về nhạc lý để soạn thành 2 cuốn sách chỉ dẫn Tự Học Đàn Guitar từ lúc mới 13, 14 tuổi.

Năm 1945, khi được 8 tuổi, gia đình xin cho ông vào trường dòng Lasan Đức Minh (Tân Định), đến năm 11 tuổi (1948) thì chuyển sang trường Lê Văn Hai học trong 2 năm nữa rồi vào học tại Trường Kỹ Thuật Cao Thắng (1950). Trong khoảng thời gian học tại đây, nhạc sĩ Ngọc Chánh viết 2 cuốn sách tự học về guitar rồi bán bản quyền sách cho nhà xuất bản Mỹ Tín vào năm 1953 (khi ông 16 tuổi) với giá 24.500.

Lúc đó ông Mỹ Tín có một tiệm nổi tiếng sản xuất và bán đàn guitar ở đường Võ Tánh, nhưng cũng có trưng một số cây đàn piano cũ, là niềm mơ ước của Ngọc Chánh nên ông đã xin mua một cây piano cũ với giá 22.000 đồng bằng cách đổi bản quyền sách của mình và được ông chủ trả thêm 2.500 đồng. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách dạy về guitar sớm nhất của làng nhạc thời đó. Số tiền 2 ngàn còn lại, nhạc sĩ Ngọc Chánh mang về biếu mẹ và đãi bạn ăn mừng.

Có đàn nhưng không có tiền học piano. Trong buổi trò chuyện với cố thi sĩ Du Tử Lê, nhạc sĩ Ngọc Chánh kể rằng thời đó rất hiếm trường tư dạy piano. Ông nói:

“Tôi biết mình là con nhà nghèo, mẹ tôi sẽ không thể đài thọ tiền học đàn cho tôi. Nên tôi phải nói dối mẹ tôi rằng, tôi muốn đi học thêm Anh Văn. Nghe tôi nói muốn đi học tiếng Anh, mẹ tôi thích lắm, cho rằng con mình hiếu học, nên đã đồng ý cho tôi tiền để đi học thêm…”

Với số tiền mẹ cho, ông ghi tên học piano với thầy Nguyễn Văn Dung trên đường Hiền Vương.

Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Ngọc Chánh được nhận vào phục vụ trong Ban Văn Nghệ của Bộ Công Dân Vụ nên được hoãn quân dịch. Nhưng chỉ 3 tháng sau, ông rời nơi này để chơi đàn mưu sinh tại các quán nhỏ, sau đó là ở các nhà hàng trong vòng 2 năm.

Từ năm 1960 đến 1966, nhạc sĩ Ngọc Chánh lần lượt được mời làm trưởng ban nhạc tại rất nhiều nơi từ nhỏ đến lớn, bắt đầu là sân khấu ca nhạc tại Hồ Tắm Cộng Hòa, sau đó là vũ trường Melody, Lai Yun, Văn Cảnh, Eden Rock, nhà hàng Mỹ Phụng…

Năm 1966, được lệnh tổng động viên, nhạc sĩ Ngọc Chánh tham gia vào Biệt đoàn văn nghệ trung ương, sau đó là Ban Hoa Tình Thương cùng với nhiều nghệ sĩ tài năng, trong đó có nhạc sĩ Khánh Băng, Nguyễn Ánh 9, ca sĩ Elvis Phương, Pat Lâm, nhạc công Duy Khiêm, trống Phùng Trọng…

Sang năm 1968, vì sự kiện Tết Mậu Thân nên toàn bộ những chương trình giải trí ở các phòng trà, vũ trường tại Sài Gòn đều bị đóng cửa, giới nghệ sĩ bị thất nghiệp hàng loạt, ngoại trừ một số ca sĩ hát nhạc ngoại quốc tại các club Mỹ.

Trước tình hình đó, ca sĩ Pat Lâm được người cha nuôi người Mỹ làm ở Đại sứ quán Mỹ đề nghị ông quy tụ những nghệ sĩ trong ban Hoa Tình Thương để thành lập một ban nhạc trình diễn vào mỗi cuối tuần tại USO (viết tắt từ United Services Organizations, là tổ chức phi lợi nhuận đưa các hoạt động giải trí tới phục vụ quân đội Mỹ đóng ở khắp nơi trên thế giới), cũng như biểu diễn ở các club Mỹ khắp miền Nam.


Ban nhac Shotguns


Khi đó các nghệ sĩ đang thất nghiệp, gặp được lời đề nghị quý giá này, chỉ 1 tuần sau ban nhạc Shotguns đã được thành lập với Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống, sau đó thay bằng Lưu Bình), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Được một thời gian thì bổ sung thêm giọng hát Ngọc Mỹ và Quốc Hùng đánh bass, Duy Khiêm đánh guitare accord…

Nhạc sĩ Ngọc Chánh và ca sĩ Pat Lâm – 2 linh hồn của ban nhạc quyết định chọn tên ban nhạc là Shotguns, bắt nguồn từ bài nhạc Mỹ trong đĩa đơn cùng tên là Shotguns rất ăn khách vào thời điểm đó.


Ban nhạc Shotguns thời kỳ năm 1968. Từ trái qua: ca sĩ Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Pat Lâm, nhạc sĩ Hoàng Liêm… trình diễn ngày mãn khóa tại Trung Tâm huấn luyện Quang Trung.

Sang năm 1969, khi tình hình chiến cuộc lắng dịu hơn, sinh hoạt âm nhạc về đêm trở lại bình thường thì nhạc sĩ Ngọc Chánh quyết định về đóng đô và trình diễn hàng đêm ở Sài Gòn. Giai đoạn này, Ngọc Chánh cũng chuyển hướng cho ban Shotguns, từ một ban nhạc chuyên hát nhạc Pop Rock, nhạc ngoại quốc tại các club Mỹ, chuyển sang hát nhạc Việt trữ tình, nhẹ nhàng và lãng mạn cho người Việt nghe. Quyết định này ban đầu không được nhiều người trong ban đồng tình, vì hát cho club Mỹ được nhiều tiền hơn hát cho sân khấu Việt Nam.

Đầu năm 1970, khi ca sĩ Jo Marcel rời phòng trà Queen Bee để xây dựng Ritz, ca sĩ Khánh Ly đã thuê lại Queen Bee nằm trên tầng 2 của khu thương xá Eden và mời ban nhạc Shotguns về đóng đô mỗi đêm.


Đầu năm 1971, Khánh Ly rời Queen Bee để khai trương phòng trà – vũ trường Tự Do thì nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận thầu lại Queen Bee, đồng thời thuyết phục được ca sĩ Thanh Thúy trở lại sân khấu ca nhạc sau 5 năm giải nghệ đi lấy chồng.

Sự tái xuất này của danh ca Thanh Thúy gặt hái được những thành công rực rỡ. Mời bạn đọc bài viết của ký giả Ngọc Hoài Phương đăng trên tuần báo Hồng số 10 phát hành ngày 14 tháng 7 năm 1971 sau đây:

“Sau hơn 5 năm xa lánh ánh đèn màu sân khấu, khi tái xuất giang hồ, giọng hát liêu trai của Thanh Thúy vẫn còn ăn khách như thuở nào. Nàng vẫn được đón tiếp với trọn vẹn cảm tình của giới ái mộ dành cho một thần tượng. Và có lẽ ngay chính nàng cũng không thể ngờ được sau quyết định tiếp tục trở lại nghiệp cầm ca này, nàng lại được tiếp đón nồng hậu đến như vậy.

Nhắc đến Thanh Thúy thì bắt buộc phải nhớ lại thuở vàng son của nàng trong những năm 1963, 1964 đã qua. Tên tuổi nàng đã đạt tới tuyệt đỉnh danh vọng trong những năm đó. Và bây giờ, khi trở lại với đám đông trong khung cảnh Queen Bee này, tài nghệ của nàng còn có phần điêu luyện, vững vàng hơn xưa nữa là khác. Giọng ca khàn khàn, lê thê đó vẫn còn dư hấp lực để lôi cuốn người nghe. Và ngày nay nếu nàng vẫn còn được nhiều người ái mộ, thiết tưởng đó là chuyện dĩ nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Nàng đã chọn Queen Bee cho lần tái xuất hiện này. Đêm 16/3 vừa qua, giới yêu nhạc ở thủ đô đã chen chúc nhau tới đây để được nghe lại giọng ca Thanh Thúy, được nhìn lại vóc dáng quen thuộc của nàng. Vẫn khuôn mặt đó, vóc dáng đó và giọng ca đó, người ta không tìm thấy một sự thay đổi nào ở người ca sĩ này. Hình như, đối với Thanh Thúy, khoảng thời gian mấy năm qua chưa đủ để cho nàng có những thay đổi quan trọng, có chăng chỉ là tài nghệ của nàng vững vàng hơn mà thôi. Sự tái xuất hiện của Thanh Thúy được ghi nhận như một hiện tượng tốt trong sinh hoạt An Nam ta.

Và kể từ buổi tối hôm đó, với sự góp mặt thường xuyên của Thanh Thúy, với dàn nhạc nổi tiếng Shotguns do Ngọc Chánh điều khiển cùng các nghệ sĩ tài danh khác, Queen Bee đã được giới yêu nhạc coi như một nơi giải trí ngon lành nhất, thích thú nhất. Thường thường các phòng trà rất buồn tình đối với các trận mưa vào buổi tối, bởi vì sẽ vắng khách. Nhưng đối với Queen Bee, mưa hay nắng không phải là một vấn đề quan trọng. Điển hình là trong đêm 1/7, khi bộ biên tập báo Hồng mở cuộc hành quân tại Queen Bee, trời cũng mưa. Vậy mà những khách tới trễ cũng khó khăn trong việc tìm chỗ ngồi. Đây là một điểm son của phòng trà này.

Trở lại với người ca sĩ mang tên Thanh Thúy, điều mà rất nhiều người đã công nhận rằng, mặc dầu đã từng là một giọng ca bậc nhất, đã từng chiếm được ngôi vị cao nhất trong những năm trước đây, và cho tới nay nàng vẫn được đón tiếp nồng hậu như xưa, nhưng không phải vì thế mà Thanh Thúy có bộ mặt kên kên khó chịu như một số nghệ sĩ khác. Nàng nói năng thật nhỏ nhẹ dễ thương và lúc nào cũng cởi mở với những người đã quen hoặc chỉ mới biết sơ sơ.

Với tính tình hòa nhã như vậy, với tên tuổi và tài năng sẵn có, chúng tôi tin tưởng rằng Thanh Thúy sẽ còn gặt hái thêm nhiều thành quả trên bước đường ca hát mà nàng còn nặng nợ, không thể dứt bỏ được”.

Trụ ở phòng trà Queen Bee được 3 năm, nhạc sĩ Ngọc Chánh đưa toàn ban Shotguns về số 91 đường Công Lý, rồi thành lập phòng trà Quốc Tế từ tháng 5 năm 1974 và hoạt động thêm 1 năm thì xảy ra biến cố 1975.

Theo nhà báo Trần Quốc Bảo, trong 5 năm hoạt động, ban Shotguns đã quy tụ được những nhạc sĩ – nhạc công tài năng hàng đầu của Sài Gòn là:

– Nhạc sĩ dương cầm Lê Văn Thiện: người đã hòa âm hàng ngàn nhạc khúc và được hàng trăm ca sĩ ưu hạng trình bày.

– Nhạc sĩ Hoàng Liêm: người solo guitar được khách ái mộ phong tặng đệ nhất Đế Vương Tây Ban Cầm độc tấu.

– Đức Phú, Lưu Bình, Hoàng Hải, Mạnh Tuấn: những tiếng trống cừ khôi đã tạo nên những vũ bão âm thanh với đôi dùi huyền nhiệm.

– Saxo Trần Vĩnh, Xuân Tiên: Hai tiếng kèn như hai ngọn núi cao nhất, hú gió gọi mưa về làm mát lòng người.

– Bass guitar Duy Khiêm: người nhạc sĩ được các ca sĩ ưu ái cho là hạt ngọc quý trong xâu chuỗi kim cương của dòng nhạc.

– Đan Thọ: nhà vĩ cầm với chiếc áo vàng trong cuộc đua violin cho tới nay chưa có người thay thế.

– Nhạc sĩ Cao Phi Long: ngôi sao sáng chói trên vòm trời trompet Việt Nam.

Ngoài ra, tại phòng trà Queen Bee và Quốc Tế, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tạo ra được một nơi sinh hoạt văn nghệ sôi động với những giọng ca nổi tiếng nhất Sài Gòn là Thái Thanh, Thanh Thúy, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu, Mỹ Thể, Trúc Mai… và là nơi làm bệ phóng cho những giọng ca thế hệ sau đó được thành danh: Thanh Lan, Dạ Hương, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín…

Song song với việc biểu diễn chương trình văn nghệ hàng đêm, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn tổ chức thực hiện băng nhạc Shotguns từ năm 1969 cho đến năm 1975, ra mắt hơn 30 băng nhạc Shotguns rất giá trị mà cho đến nay vẫn còn nhiều người tìm nghe. Những băng nhạc này của nhạc sĩ Ngọc Chánh được đánh giá cao vì có giá trị nghệ thuật rất lớn, cộng với phần hòa âm độc đáo của ban nhạc Shotguns do nhạc sĩ Lê Văn Thiện hoặc chính nhạc sĩ Ngọc Chánh soạn hòa âm.

Với chất lượng âm thanh 4 chiều chuyển động, tiền thân của surround sound sau này, các băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh thực thiện đã đi tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm âm nhạc có chất lượng tốt nhất thời bấy giờ.


Ngoài băng nhạc mang nhãn hiệu Shotguns chuyên về dòng nhạc trữ tình, tiền chiến với các giọng ca thượng thặng như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly… nhạc sĩ Ngọc Chánh còn chủ trương thực hiện các băng nhạc mang nhãn hiệu khác và dòng nhạc khác, điển hình là băng Nhạc Trẻ do Kỳ Phát phụ trách với các ca sĩ chuyên hát nhạc trẻ là Elvis Phương, thanh Lan, Minh Xuân & Minh Phúc, Thái Hiền, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Thanh Mai… Ngoài ra còn có các băng nhạc chủ đề Siêu Âm, Chế Linh, Hồn Nước (chuyên về cải lương)…


Sau năm 1975, có một thời gian nhạc sĩ Ngọc Chánh cộng tác với đoàn Kim Cương để thực hiện các buổi diễn văn nghệ phục vụ cho chính quyền mới. Năm 1975, ông cùng với đoàn Kim Cương thực hiện băng nhạc đỏ mang tên Đường Chúng Ta Đi với sự tham gia của nhiều ca sĩ nhạc vàng là Thanh Tuyền, Hà Thanh, Lệ Thu, Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu…


Đến năm 1978, Ngọc Chánh cùng gia đình vượt biển sang Mã Lai, rồi sang Mỹ năm 1979. Cuối năm đó, ông tái lập lại ban Shotguns tại Hoa Kỳ và biểu diễn ở vũ trường Maxim’s – thành phố San Jose.


Ban Shotguns tại Hoa Kỳ
Năm 1983, vũ trường này bị cháy, Ngọc Chánh chuyển về Quận Cam để mở vũ trường Ritz, được sang lại từ nhạc sĩ Vô Thường. Phòng trà vũ trường Ritz mở rộng được quy mô gấp nhiều lần chỉ sau 5 năm, trở thành bệ phóng để hàng loạt ca sĩ thế hệ sau 1975 trở nên nổi tiếng là Ý Lan, Don Hồ, Dalena, Ngọc Lan, Lynda Trang Đài…


Sau gần 20 năm làm chủ ban nhạc, vũ trường và phòng trà ca nhạc, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã quyết định giải nghệ vào năm 1998. Từ đó đến nay, ông cùng với vợ dành nhiều thời gian để đi du lịch nhiều nơi và theo đuổi niềm đam mê mới: nhiếp ảnh.


Từ đầu thập niên 1980, mặc dù rất bận rộn trong việc gầy dựng lại ban Shotguns và điều hành vũ trường những nhạc sĩ Ngọc Chánh vẫn dành thời gian đi học môn nhiếp ảnh.

Đến năm 2007, ông thực sự bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chuyên chụp ảnh thiên nhiên mà bạn đọc có thể xem một vài tác phẩm của ông ở bên dưới.




Mời Quý khách xem thêm 👉 Ảnh Đẹp Mùa Xuân - Nhạc sĩ Ngọc Chánh Photography 👈



Mời Quý khách xem thêm 👉  Ảnh Đẹp Mùa Hạ - Nhạc sĩ Ngọc Chánh Photography 👈




Mời Quý khách xem thêm 👉  Ảnh Đẹp Mùa Thu - Nhạc sĩ Ngọc Chánh Photography 👈



Mời Quý khách xem thêm 👉  Ảnh Đẹp Mùa Đông - Nhạc sĩ Ngọc Chánh Photography 👈




Mời Quý khách xem thêm 👉 Ảnh Đẹp Sông Hồ - Nhạc sĩ Ngọc Chánh Photography 👈




Mời Quý khách xem thêm 👉Ảnh Đẹp Thuyền và Biển - Nhạc sĩ Ngọc Photography 👈 




Mời Quý khách xem thêm 👉 Ảnh Đẹp Núi Rừng - Nhạc sĩ Ngọc Chánh Photography 👈

Trần Quốc Bảo – Tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ

No comments:

Post a Comment