Sunday, December 4, 2022

Thùy Nhiên – Giọng Ca Của Phòng Trà Ca Nhạc Ngày Xưa




Et Pourtant (Charles Aznavour) - Thùy Nhiên

Thùy Nhiên là ca sĩ được nhắc đến nhiều từ những năm cuối của thập niên 50s. Thật vậy, năm 1957, Thùy Nhiên đã là một trong những giọng ca trụ cột của phòng trà Hòa Bình. Cùng thời với cô còn có Bích Chiêu, Bạch Yến, Nhật Thiên Lan …

Không có nhiều tài liệu viết về cô nên phải là người yêu thích sinh hoạt ca nhạc của miền nam từ thập niên 50 thì mới biết đến giọng hát truyền cảm của Thùy Nhiên. Cũng giống như Tiny Yong-Tôn Nữ Thiên Hương, ca sĩ Thùy Nhiên sinh ở Cambodge rồi theo gia đình về Sài gòn lập nghiệp. Không biết cô bắt đầu đi hát từ năm nào nhưng tên tuổi của cô đã được giới yêu nhạc nhắc tới nhiều từ năm 1957. Ngoài công việc là ca sĩ cho phòng trà Hòa Bình, Kontiki và The Army BOQ, ca sĩ Thùy Nhiên còn cộng tác với nhiều ban nhạc nổi tiếng trên đài phát thanh. Từ những tài liệu còn lưu lại, cô cũng có ghi âm cho hãng dĩa nhựa Tân Thanh thời bấy giờ.

Thùy Nhiên có một giọng hát cao vút. Cô có làn hơi dài và ngân nga tốt nhờ một trình độ thanh nhạc vững vàng. Tuy nhiên khi hát, cô có cách nhả chữ tròn tiếng chứ không thuần theo kỹ thuật xướng âm tây phương nên những bài nhạc do cô trình bày vẫn còn giữ được nét dịu dàng của âm sắc Việt. Giọng hát của cô khỏe, lúc vang rền, khi mượt mà, khi lại nũng nịu thật nữ tính. Những ca khúc do cô trình bày thường là loại nhạc tiền chiến nhẹ nhàng hay những bài nhạc ngoại quốc có phong cách bán cổ điển Tây Phương. Người ta nói cô hát những bài nhạc ngoại quốc xưa có lời Việt như “Trở Về Mái Nhà Xưa” tức Come back To Soriento, hay “Sầu” tức Tristese, rất hay. Tiếc là không có bản ghi âm của các ca khúc này được lưu lại để các thế hệ sau này có thể thưởng thức được nét truyền cảm của giọng hát Thùy Nhiên. May mắn thay, công chúng vẫn còn có thể tìm thấy bản ghi âm của ca khúc Mái Tóc Dạ Hương của nhạc sĩ Nguyễn Hiền qua giọng hát của Thùy Nhiên do hãng dĩa Tân Thanh phát hành. Bản ghi âm này cho thấy khả năng có thể trình bày thành công những ca khúc đòi hỏi trình độ thanh nhạc cao của cô.

Ca sĩ Thùy Nhiên không có nét đẹp sắc xảo của minh tinh màn bạc. Cô lại trang điểm đơn giản nên đôi khi khó cho người đời hiểu được vì sao cô được công chúng yêu thích hàng đêm tại các phòng trà và sân khấu đại nhạc hội. Ngoài môt giọng hát hay và truyền cảm, Thùy Nhiên còn có một gương mặt sáng chân tình. Đôi mắt của cô làm cho người đối diện cảm thấy dễ chịu và trên môi thì luôn nở một nụ cười toát lên nét hiền hòa, thân thiện và chân thât của cô.

Năm 1965, Thùy Nhiên góp mặt trong một album phát hành bên Hoa Kỳ của hãng dĩa 49th State. Trong album này ca sĩ Thùy Nhiên trình bày ràng rựa hai ca khúc của Pháp đang thịnh hành thời bấy giờ là “Et Pourtant” của Charles Aznavour và “Quand Le Soleil Etait La” một bài hát nguyên gốc bằng tiếng Tây Ban Nha, lời Pháp của John William. Cùng góp mặt trong album này còn có các giọng ca đang được giới trẻ yêu chuộng thời bấy giờ là Phương Dung, Trần Kim Anh, Phước Vân và Ngọc Mỹ.


Quand Le Soleil Etait La (Spanish-John William) - Thùy Nhiên


Ít lâu sau đó Thùy Nhiên lập gia đình rồi theo chồng về nước. Phòng trà vắng cô, người ta tìm giọng ca khác thay vào. Sài Gòn vắng Thùy Nhiên vẫn tiếp diễn sinh hoạt hàng ngày với tiếng người, tiếng xe cộ, tiếng máy bay và cả tiếng đạn pháo từ chiến trường ngày càng gần hơn. Thoát chốc, hơn 45 năm. Người Sài Gòn bây giờ mấy ai còn nhớ đến giọng hát của cô? Nếu có thì cũng phải khó khăn lắm mới hình dung ra một Thùy Nhiên với nụ cười hiền hậu của phòng trà Hòa Bình ngày xưa.

Trong suốt một thời gian dài trên dưới 10 năm dưới ánh đèn sân khấu, giọng hát của ca sĩ Thùy Nhiên đã là một điểm sáng trong sinh hoạt ca nhạc miền nam thời bấy giờ. Xin nghi nhận bài viết này như lời cám ơn chân tình gửi đến ca sĩ Thùy Nhiên cho những đóng góp của cô trong giai đoạn cực thịnh của nền tân nhạc Việt Nam.

Chu Văn Lễ
Vancouver ngày 20 tháng 5 năm 2016

No comments:

Post a Comment