Saturday, June 17, 2023

Ân Tình Của Người Cha - Việt Hải




Giọng đọc: Nam Anh-Thục Đoan



"Còn cha gót đỏ như son
Mất cha tâm thức soi mòn từ đây
Công cha dưỡng dục vun đầy
Núi cao thăm thẳm ơn này dâng cha
Có cha như có nóc nhà
Không cha lạc lõng đời là bơ vơ
Cho con hình ảnh tôn thờ
Cha đi ngày đó con bờ quạnh hiu..."

("Cha Tôi", VHla/Father's Day 2004)


Tôi làm bài thơ trên khi ngày Lễ Cha đến gần hơn. Nếu mẹ là hình ảnh gần gủi nhất khi người con mới chào đời và mẹ mang con trong bụng mình 9 tháng 10 ngày với bao vất vã, khổ cực thì sự liên hệ kỳ diệu giữa tình mẫu tử qua ống nhau truyền sự dinh dưỡng để con của mẹ được tượng hình khôn lớn. Với hình ảnh ban sơ gắn bó, chặt chẽ giữa tình mẫu tử đó, vai trò người cha bị phai nhạt đi chăng ?

Thưa không hẳn như vậy đối với những người con được hình ảnh người cha đi bên cạnh những năm tháng măng non rồi trưởng thành của cuộc đời thì cuộc đời sẽ mang nhiều ý nghiã nồng nàn hơn, hạnh phúc hơn cho tình phụ tử vốn thắm thiết như định luật của thiên nhiên.

Những ngày còn bé, tôi nhìn cha trong trong bộ quân phục đại lễ tôi thần tượng ông làm sao đó! Dáng ông đầy oai phong, uy nghi của nét anh hùng trong tôi. Cha tôi vẫn là những hình ảnh gần gủi đưa tôi từng bước đi chuẩn bị khi tôi va chạm với những ngày đầu đời. Nếu người mẹ là người đóng góp cho từng mạch máu, từng sợi gân cơ cứng cáp tạo dựng hình hài trực tiếp từng dòng sữa đầu đời, hay qua những món ăn mà tôi khoái khẩu, hay những quần áo mới mà mẹ mua cho ngày khai trường hay mừng đầu năm, thì cha đến với tôi nhiều ý nghiã của sự gian nguy khi tôi gặp phải hay những rèn luyện có tính cách thử thách ngoài trường đời.

Tôi còn nhớ phòng tôi ngủ ở lầu 2, kế bên có lùm cây mận hồng đào từ nhà láng giềng chià sang. Tôi thích những chùm hoa trắng nở rộ khi mùa mận đến, trong cái tuổi ngây thơ của thời tiểu học, trong lúc ngồi học bài và bổng nhìn ra cửa hành lang, một chú rắn lục đang lẻn chui vào phòng tôi từ cây mận ngoài kia. Đầu óc tôi toé hỏa tam tinh trong nỗi sợ sệt tôi la hoảng lên. Cha tôi từ phòng bên cạnh chạy sang với cây baton đập chú rắn đang núp dưới gầm giường ngủ của tôi. Rồi một lần khác cha tôi đưa anh em chúng tôi đi Cát Lái hóng mát và dự picnic cuối tuần với các gia đình bạn bè của ông, tôi còn nhớ ở tuổi đầu đời thật liếng khỉ tôi đu cành cây khô cạnh bờ sông, nhánh cây bỗng gãy đôi, tôi văng xuống sông ông nhào theo cứu tôi lên bờ. Những kỹ niệm thời niên thiếu đó làm sao tôi quên được ? Nó hiện về trong tôi đẹp đẽ như đầu mùa Xuân tôi theo cha tôi đi mua mai vàng về chưng trang điểm căn nhà cho những điềm may kết lộc đầu năm.

Cha tôi có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, tôi nhớ ông tập luyện võ thiếu lâm, thái cực quyền, hít thở khí công và tập chạy bộ. Hồi tôi còn nhỏ có những sáng sớm chủ nhật ông và tôi chạy bộ tàng tàng từ góc đường Cường Để và Lê Thánh Tôn gần bến Bạch Đằng ngược về hướng đường Thống Nhất để vào Sân Hoa Lư, rồi chạy nhiều vòng trong đó, tôi chạy lẽo đẽo theo sau mà đôi chân gần như rã rời, lứa tuổi lên 9 hay 10 của thời còn non nớt. Cha tôi vẫn tiếp tục chạy và hít thở điều hòa vòng cái sân vận động này, tôi mệt lã cứ tà tà tiếp tục cuốc bộ quanh sân sau khi cảm thấy mình hết xí quách. Đoạn ông chạy băng qua mặt tôi, bằng cử chỉ trìu mến ông xoa nhẹ lên đầu tôi và nói vọng theo: "Hãy ráng lên con!". Vâng, câu nói tuy tầm thường như vậy mang nhiều ý nghĩa đặc biệt với tôi sau này khi trưởng thành. Khi đi học võ ra giao đấu bị trúng đòn của đối phương, hay giao đấu tennis nếu có thua phải về luyện lại, hãy ráng lên và ráng lên,... Rồi oan khiên khi hai mùa thu năm ấy tôi bị hai con quái vật "Celebral Hemorrhage Stroke", tức chứng tai biến vỡ mạch máu não đốn tôi ngã quị như một võ sĩ bị hạ đo ván, tôi nhìn 2 cháu con trai tôi, tôi nhớ đến lời khuyên năm xưa của cha tôi "Hãy ráng lên con!" và tôi cố gượng đứng dậy cho các con tôi hiểu rằng cha chúng sẽ luôn cố gắng và không bỏ cuộc.

Những kỹ niệm thời niên thiếu với cha tôi vẫn đong đầy trong trí nhớ. Khi cái thuở mới đi học ông là người gò tay cho tôi tập viết, ông hướng dẫn tôi những bài toán đố khó khăn với tâm trí thơ ấu tôi tại bậc tiểu học. Cha tôi là người đầu tiên dạy tôi viết và phát âm từng câu Anh ngữ và Pháp ngữ. Khi đau yếu, cha tôi phát thuốc cho uống, những viên thuốc nhức đầu hay cảm cúm đầy ân tình của thời xa xưa đó đã tạo cho tôi cái tiền lệ để sau này tôi phát thuốc lại cho các con tôi. Ngày lễ Cha kể về Cha, nhớ về Cha, tri ân Cha với những ân tình phụ tử vốn nồng nàn, vốn thiêng liêng, hay để nhớ về dĩ vãng cũ vẫn sống mãi và thật đẹp trong tôi.

Năm 1963 khi ông sang học tại Mỹ, ông gửi về cho gia đình một bức hình chụp ông cùng 3 người bạn đồng khóa của (1) hải quân hoàng gia Úc, (1) Đan Mạch và (1) Hy Lạp tại cây cầu sơn đỏ Kim Môn (Golden Gate). Bốn người thanh niên trong bộ lễ phục hải quân đại diện cho QG mình và họ khoác thêm áo navy overcoat màu navy blue đang tươi cười rạng rõ trước ánh ban mai của mùa Xuân chan hòa tại vịnh San Francisco, mặt sau ông ghi vài dòng chữ mà nét chữ ông viết quen thuộc và trân quý trong ánh mắt tôi:

"Hải con thương, Ba hy vọng sau này con có dịp sang đây để nhìn thấy cái kỳ quan Golden Gate Bridge này của thế giới. Nó thật hùng vĩ con à. Ba TPD".

Hôm sau tôi mang vào lớp học khoe ngay với các bạn học, mà cả bọn nhóc tì của tôi xuýt xoa. Có đứa bảo: "Ba mày le thế!". Tôi cười tít mắt vì "tuổi trẻ thích lấy le đấy". Thật ra chúng tôi chả đứa nào dám ước mơ xa vời như chuyện thần tiên đặt chân đến một xứ giàu có mà lại xa xôi, thì cái ước mơ đặt đôi chân nhỏ bé lên vĩa hè gần chân cầu Kim Môn của San Francisco vốn là chuyện thần thông, hoang đường. Nếu có mơ thì bọn nhóc chúng tôi chỉ dám mơ ước được có một lần bước lên phi cơ để xem bên trong nó như thế nào và có được cái cảm giác mình ra sao khi nó bay trên mây thôi thì chúng tôi hả dạ lắm rồi.

Sau này ông được thả ra sau khi bị tù đầy tại miền Việt Bắc 13 năm, ông sang Mỹ sau gần 30 năm mà ông đã đến xứ này. Mùa hè 1993, tôi chở ông lên San José thăm các bạn ông, xong tôi đưa ông ghé thăm bên nhà vợ tôi tại Sacramento, trên đường về lại trùng hợp ngay Father's Day, tôi đánh đường vòng qua San Francisco trước khi về lại Los Angeles. Tôi cho xe đừng tại công viên khu rest area ngay chân cầu Kim Môn. Hai vợ chồng tôi trong bộ đồ sweat-suit và khoác áo chiếc áo tennis jacket. San FranCisco vào 3 giờ chiều có gió lồng lộng lùa trên mặt biển thổi lạnh cóng chân tay dù là mùa hè nắng vẫn còn nhiều, nắng chiều chiếu xuống dòng nước biển xanh. Ánh mặt trời chiếu sáng từ hướng Oakland cho thấy cả vùng trời bao la quanh vịnh thật đẹp mắt. Dáng của Ba tôi lúc này trông quá già, ông ốm yếu, hom hem trong nỗi ngậm ngùi của tôi, ông khoác chiếc áo pardessus đen phủ kín người để chống lạnh, tôi ôm cha tôi khi máy ảnh liên tục bấm hình do vợ tôi làm phó nhòm. Tôi kể lại cho cha tôi nghe bức hình năm xưa mà ông gửi với lời ước mơ nếu tôi có dịp đến nơi đây để chiêm ngưỡng một kỳ quan thế giới, và vì chuyến đi đường vòng xa xôi này chỉ đưa cha tôi về lại dĩ vãng của ngày xưa mà ông đã quên lãng. Chuyến đi lại may mắn diễn ra đúng ngày lễ dành cho Cha hay ngày Lễ Cha, tôi bắt tay ông, xiết nhẹ trong nỗi hạnh phúc và hôn lên bờ vai gầy guộc của ông thay cho lời chúc mừng: Happy Father's Day.

Tình Cha trong thi ca:
Cũng để vinh danh cho nhiều người Cha khác từ các bạn bè tôi, tôi xin họ chia xẻ những niềm riêng tư để bài viết có nhiều điểm son hơn, đa dạng hơn về từng tâm lý hay cá tính đặc biệt của những người Cha. Hầu hết các bài gửi tôi nhận được là thơ. Ví dụ người bạn thơ của tôi là chị Vũ Hoài Mỹ (VHM) thường nhắc nhỡ về bố chị mà trong suốt cuộc đời chị, chị vẫn ái mộ cha mình hơn tất cả hình ảnh nào khác. Có thể ông là người nuông chiều và lo lắng cho con nhất trần gian theo sự cảm nhận của chị. Nhân ngày giỗ của ông cụ ngaỳ 5 tháng 5, chị sáng tác bài thơ "Nén Hương Lòng" mà VH xin trích thuật vài đoạn trong bài thơ dài 48 câu như sau:

"Sáng nay chim hót điệu bùi ngùi
Ánh nắng bình minh kém vẻ tươi
Vạn vật cỏ cây buồn giỗ Bố
Lòng con thổn thức giọt sầu rơi.

Về vùng kỷ niệm tuổi thơ ngây
Hạnh phúc nuôi con lớn tháng ngày
Theo Bố gót hồng khi chớm mỏi
Triền vai Bố ngọt giấc con say..."


Khi VHM tập tễnh bước vào lớp mẫu giáo, bố mình cầm tay tập cho chị viết những mẫu tự non nớt, đầu đời, rồi bố tập cho VHM đánh vần Việt ngữ.

"Mỗi tối Bố cầm tay tập viết
Đánh vần Bố dạy đọc vài chương.

Bố vun đầy ắp những thương yêu
Con út nên luôn được Bố chiều
Mẹ mắng... "nuông nhiều càng nhõng nhẽo"
Bố bênh con... Mẹ cũng cưng theo"


Bỏ 12 câu và đọc tiếp bài thơ "Nén Hương Lòng" của VHM:
"Bố người đôn hậu lại bao dung
Thương vợ, yêu con đến tột cùng..."


Nhà thơ tâm sự tiếp là người thầy hướng dẫn chị vào thơ, họa, văn chương cũng như nghệ thuật là chính bố mình. Bởi thế tôi không ngạc nhiên khi chị cho những dòng thơ thật thi vị mà "Bố là tất cả trong con":
"Lớn lên Bố dạy biết làm thơ
"Bé" được ngồi xem Bố đánh cờ
Bố vẽ cho con say hội họa
Hồn con bố ướp cả trời mơ...
...
Bố, nguồn an ủi của đời con
Nhờ Bố niềm tin mãi vẹn mòn
Cổ thụ, nơi con làm điểm tựa
Tim yêu ấp ủ tất lòng son..."


Ngày giỗ Bố để nhà thơ ôn về dĩ vãng của thuở xưa, để nuối tiếc những ngày cũ còn có Bố đi bên cạnh cuộc sống, để những ý tưởng còn Bố là điều hạnh phúc trong cuộc sống, còn Bố là còn gia sản tinh thần của tình phụ tử mật thiết và vô giá:
"Hôm nay giỗ Bố nhớ miên man
Tim vẫn quặn đau nỗi bàng hoàng
Bất hạnh ôi, ngày con mất Bố
Ước mơ từ đấy cũng phai vàng...

Giờ đây con biết ở nơi cao
Phụ tử tình thâm vẫn dạt dào
Nâng đỡ, dắt dìu con mỗi bước
Bố yêu, tình Bố tựa ngàn sao..."


Nhà thơ nhớ nhung về Bố mình khi đốt nén hương lòng ngày mùng 5 tháng 5, nhà thơ cầu xin cho Bố mãi mãi siêu thoát về miền Thánh phúc:
"Bên di ảnh Bố ngọn đèn hồng
Con hứa giữ mình luôn thủy chung
Siêu thoát Bố vui miền Thánh Phúc
Đây, con dâng Bố Nén Hương Lòng!"
("Nén Hương Lòng", Ngày 05/05/2004, VHM)


Nhà thơ Vũ Thị Thiên Thư(VTTT) kể lại tâm sự Cha mình, một cán bộ y tế tại nông thôn, đã sát cánh cứu giúp người dân trong làng và các anh em Nghiã quân bị thương khi chiến đấu. Người lính và dân lành đến với ông được chữa trị và họ thường gọi ông là "bác sĩ", trong hoàn cảnh đất nước thiếu thốn, phong vị này nói lên nghĩa cử tri ân vị ân nhân giàu lòng từ tâm, bác ái. Bài thơ có tựa đề vỏn vẹn một chữ "Ba":
"Đốm thuốc đỏ trên tay
bóng đơn ngồi hiu hắt
Ba đốt đêm dài
Một đời mãi miết
những anh em nào
đã cùng nhau
dựa kề nỗi chết
những bàn tay nào
bấu víu vào nhau..."


Người Cha miệt mài xã thân cứu giúp người vì lòng nhân từ của ông, vì lương tâm chức nghiệp "cứu nhân độ thế", những lời tâm tình mà ông thường chia xẻ với các con:
"Áo trắng một trời mơ
Ba đứng trong sân nắng mới lên rực rỡ
lời nhắn nhủ dạt dào
thầy yêu kính thân trao
"Nầy các con...
...Lương Y như từ mẫu...,""


Khi người em ruột của ông là một Nghiã quân bị trúng đạn, ông cố gắng cứu chữa cho em mình, bệnh nhân trong cơn đau rên la, lòng ông đau như quặn thắt:
"Bàn tay chưa mỏi mệt
nối từng mảnh thịt da
chuyền từng giây sự sống
lòng đại dương bao la
Nồi da nấu thịt xương rời rã
củi anh em đốt từng mảnh quê hương"


Sau năm 75, dưới chế độ mới khó thăng tiến cho tương lai các con, rồi một ngày kia ông đưa các con vượt biên. Khi các con lên tàu ra đi, ông đứng trên bờ nhìn theo mà lòng buồn tan tác...:
"cơn trốn chạy
bao nhiêu máu
bấy nhiêu xác thân mồ chung biển cả
dao cưa lòng Ba
ruột gan đoài đoạn
trăm nhánh sông con
một dòng sông lớn
con ạ!
Đời chia xa...
Thả xuống trùng khơi
bầy con tan tác..."

Khi các con đi rồi, Cha ở quê nhà hiu quạnh. Tình thương con của Cha đã dâng cao như ngút ngàn. Tác giả nhớ lại những ngày cũ khi mà giữa tình phụ tử, hai bên sống trong hai đầu nỗi nhớ: Con nhớ Cha và Cha nhớ Con:
"Ba gọi thầm "...con ơi !"
Đóm lửa mong manh
Ba ngồi soi đêm lạnh
sợi chỉ mành
ngọn đèn lu
cơn gió lanh chanh
Con bên nầy biển nhớ
Trùng trùng vây quanh"
("Ba", Vũ Thị Thiên Thư)

Tưởng cũng nên ghi nhận VTTT là cây bút được trúng giải văn chương 2004 do nhật báo Việt Báo tổ chức qua bài văn "Ba Tôi Sang Mỹ Thăm Con Cháu". Xin chia vui cùng VTTT.
Bài Viết Về Cha Cảm Động:

Tôi có dịp đọc bài tùy bút được trình bày dưới hình thức một lá thơ của tác giả Đàm Giang viết "Một Ngày Cho Bố". Bài văn đăng trên trang Phan Chu Trinh – Đà Nẵng thật cảm động, tôi không nén nỗi xúc cảm khi đọc ngòi bút này:
"Bố thương mến của con,

Đã hơn ba mươi lăm năm qua, không tuần lễ nào, tháng năm nào mà con không nhớ đến bố, ngày nào con cũng đi ngang qua hình bố trên bàn thờ thờ cúng tổ tiên, và con vẫn không khỏi ngậm ngùi ân hận không được nhìn thấy bố một lần chót trước khi bố nhắm mắt lìa đời.

Là con gái út, bố dành cho con nhiều độc quyền, nhiều ưu tiên, và cho con nhiều thời giờ hơn với các anh chị của con. Bố bận rộn những ngày con còn nhỏ khi bố phải làm việc cực khổ để nuôi gia đình, và chúng con không bao giờ thiếu thốn vật chất. Lớn lên vào trong Nam , bố dành nhiều thì giờ hơn và những cuối tuần bố đã dắt chúng con đi chơi khắp nơi mà con nhớ nhất là những buổi đi dạo trong sở thú, đi coi gánh xiệc với những trình diễn hồi hộp mà con nhắm mắt nắm chặt tay bố vì sợ. Khi mẹ bảo con học đàn thì bố muốn con học nấu cơm tây, nên con đã có đặc ân của cả bố và mẹ.

Con đã hàng giờ ngồi say mê nhìn bố vẽ những bức tranh thủy mạc mực tầu mài nghiên ống nước, kỷ niêm bốn bức tranh Mai Lan Cúc Trúc của bố vẫn còn đây...

Những ngày bố đau vì bệnh suy tim mỗi ngày một gia tăng, mẹ thường bảo con mang thưc ăn vào phòng riêng cho bố vì bố phải ăn nhạt và uống thuốc. Bố không chịu ăn nhạt và mẹ biết con có thể năn nỉ bố để bố siêu lòng.

Ngày bố và mẹ rời Việt Nam đi du ngoạn và bố nói bố sẽ đi vào nhà thương bên Âu Châu để Bác Sĩ chẩn đoán và trị bệnh, con không ngờ đó là lần chót chúng con thấy bố. Bố đã giã từ cõi đời sau một bữa ăn trưa và trong giấc ngủ buổi trưa tại nhà thương, nhẹ nhàng êm ái. Như vậy đó !! Thật khó cho con chấp nhận sự thật. Tại sao ? Tại sao ? Bố còn quá trẻ, bố mới 56 tuổi !!

Con vẫn nhớ bố, con vẫn ngậm ngùi... Bố ơi, dù con đã trưởng thành, dù con đã thành công trên trường đời, trong tâm tưởng con vẫn là đứa con gái nhỏ bé được bố cưng chiều suốt một đời. Bố mãi mãi là thần tượng, là người cha yêu kính, là một nghệ sĩ có ảnh hưởng đến sự phát triển cá tính của con.

Con luôn luôn yêu thương kính trọng bố. Con của bố.
Giang."
(Đàm Giang - June 16 2002)

Kế tiếp là bài thơ "Cha là Người thầy vĩ đại" của Giáng Nga. Ý thơ tác giả dùng gợi về hoài niệm:
"Duy nhất mình Con, Cha càng thương
Đứa con gái rượu nghịch vô cùng
Hay ăn nhưng mãi mà không lớn
Bé hạt tiêu dành sức chạy rong
Tòng tam tụ ngũ với con trai
Làng trên xóm dưới phá dài dài..."



Kỷ niệm khi mà người cha theo sát những sinh hoạt của con thơ vì Cha nuông chiều:
"Những ngày thật đẹp lên năm sáu
Nhảy mái nhà, leo tít ngọn cây
Cha là người dạy "con khỉ con"
Biết đi xe đạp bẻ cua tròn
Biết ôm bút mực say mê vẽ
Biết cả làm thơ thẩn vụng non
Lên tám Cha cưng luyện đánh cờ..."


Bài thơ khá dài nên được trích đoạn về những dấu yêu, những nhớ nhung của tác giả về người cha của mình:
"Mười bảy tiễn con đi lấy chồng
Cha mong con bé sẽ bao dung
Yêu đời với trái tim bay nhảy
Với nụ cười tươi đôi mắt trong."
("CLNTVD", Giáng Nga)

Tết là dịp đoàn tụ gia đình, Tết là mùa xuân mang hạnh phúc đầu năm đến cho người dân Việt. Tuy vậy, biến cố Tết Mậu Thân 1968 cũng đã đem đến cho thi nhân Ngọc Anh những u buồn, vì Tết Mậu Thân đã nghiệt ngã cướp đi mạng sống của cha cô.
"Tháng sáu hằng năm,ngày lễ Cha
Vết thương ngày cũ xé toang ra
Băm sáu năm rồi không ngơi nghỉ
Một ngày là một cõi xót xa..."


Lệ nhoà oan khiên cho người con khi mỗi độ xuân về hay lòng ngậm ngùi trong ngày lễ nhớ đến Cha hy sinh vì công vụ cho QG. Chinh chiến chia ly con người để thi nhân mãi mãi xót xa khi nhớ về Cha vì sự ra đi ở tuổi thanh xuân của ông:
"Máu Ba thắm đỏ tà áo trắng Lệ nhoà, đất thảm, thế gian đau ! Da ngựa bọc thây thời chinh chiến Lông hồng bay bổng chốn mây qua Thể phách tinh anh về xứ Phật Mười phương Cực Lạc khấn cho Ba". ("Lễ Cha, Nhớ Mậu Thân 68", Ngọc Anh)

Thi nhân Hồng Vân cũng mang cùng tâm trạng như Ngọc Anh, dâng đóa hoa trắng tưởng nhớ đến cha mình:
"Tiễn biệt Cha đi bầu trời trong
Lệ rơi giả biệt khóc tiếng lòng
Đường đời trầm luân bao nghiệt ngã
Kỹ niệm bên Cha chẳng xóa nhòa..."


Tiễn biệt Cha đi rồi con về với quạnh hiu, những lời tụng niệm u hoài của Bát Nhã Tâm Kinh văng vẵng tận thiên thu:
"Tiễn biệt Cha đi trời giăng nắng
Hồn con hiu quạnh sao trống vắng
Dâng tiếng lòng tâm kinh Bát Nhã
Văng vẵng âm trầm ngày tiễn Cha."
("Tiễn Cha", Yvonne Hồng Vân)

Thi nhân kế tiếp thương cha già sống lẽ loi tại quê nhà, khi người mẹ đã quá vãng. Từ Paris, người sáng tác bài "Nhớ Mong":
"... Con viết vần thơ nhớ Ba nhiều
Thương Ba xiết kể biết bao nhiêu
Những ngày kế cận bên con cháu
Lòng vui như nắng ấm mỗi chiều"


Nỗi nhớ mong về Cha để nhớ từng bữa cơm gia đình, hương vị vẫn nồng nàn dù chỉ là bữa cơm đạm bạc:
"Nhớ lắm Ba ơi con nhớ Ba !
Bữa cơm đạm bạc khói hương trà
Ân cần Ba thăm nom từng đứa
Bàn chân Ba dạo bước bên nhà..."
("Nhớ Mong", Kính tặng Ba yêu quí,
Trung Dĩ, La Rochelle, 26/02/2003 CHTT9).


Thi nhân của bài thơ kế theo học chương trình Pháp suốt bậc trung tiểu học và học Anh ngữ bậc đại học, tuy vậy lòng cô chan chứa một quả tim đầy tình tự Việt Nam. Cô là người đẹp một thuở của Sàigòn, nhưng lòng hiếu thảo và tình thương yêu mẹ cha vượt khỏi hạnh phúc hôn nhân. Khi cha không còn hiện hữu trong cuộc sống, cô ở độc thân lo cho mẹ già. Một đức tính hiếu hạnh, hiếm quý tại xã hội phương tây, và đây là bài "Ơn Cha" của Mỹ Hạnh, M.Curie:
"Lời Cha dạy dỗ năm xưa
Nghe như văng vẳng lòng chưa quên người
Ơn Cha nghiã nặng sáng ngời
Bao năm vẫn nhớ những lời Cha khuyên
Cha đi giấc ngủ bình yên
Những lời cha dạy hãy siêng chuyên cần..."


Được rèn luyện trong tinh thần từ bi vô ngã, thi nhân ấp ủ lấy lý tưởng cho riêng mình cái chân giá trị "Thờ Cha Kính Mẹ". Chị nêu một gương hy sinh hạnh phúc cá nhân cho tuổi già của mẹ, tôi cho là tấm gương đáng kính:
"Vào đời quảng đại tu thân
Gương cha bát ngát tinh thần vị tha
Dẫu đời ví phỏng phong ba
Ơn Cha nghiã Mẹ vốn là trân châu".
("Ơn Cha", Mỹ Hạnh, Xuân 2003)

Hình ảnh người Cha già biểu tượng cho gốc cổ thụ dâng bóng mát đời con. Trong cái tình tự gia đình khi mà ca dao Việt Nam vẫn ví công Cha cao như núi thì trong cái ý nghiã đó thi nhân Bích Tuyết sáng tác bài thơ "Cha Tôi" như sau:
"Cha già như bóng mát
Che phủ rợp đời con
Công Cha như núi non
Non cao tận ngút ngàn
Tỏa rộng bầu trời xanh..."


Trong bài thơ 20 câu, tôi nêu ra những dòng tiêu biểu. Như ước mơ của những người con hiếu hạnh cầu xin cho Cha mình sống mãi, khoẻ mạnh:
"Còn Cha đời hạnh phúc
Ấp ủ mãi đời con
Cầu xin Cha khoẻ mạnh
Mãi mãi con còn Cha...
Happy Father's Day !"
("Cha Tôi", Bích Tuyết)


Hạt Cát là nhà thơ có nhiều bài thơ mượt mà, mang đầy tình tự quê hương, cô sáng tác bài thơ "Nhớ Ơn Cha" để tri ân và nhắc lại những kỷ niệm xưa khi mà người cha hy sinh và đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích con cái học hành để xây dựng tương lai:
"Con một tuổi, cha năm mươi đầu bạc,
Về làng quê cha vui thú thôn vườn.
Không ruộng rẫy nên nếp nhà thanh bạch,
Một đàn con, lương hưu trí khiêm nhường.
Dù túng bấn vẫn lo con tập, sách


Mặc xóm giềng lắm kẻ cứ dèm pha:
"Ở nhà quê con gái cho đi học,
Lớn lên rồi cũng làm vợ người ta" ..."


Ở miền quê, thôn xóm thuở xa xưa việc người con gái dấn thân vào đường học vấn không được đánh giá cao như nơi đô thị. Điều cảm động cha ân cần khuyến khích con đi học, mỗi bước tiến thành công của con là Cha mừng. Phải chăng đó là niềm mơ ước chung của cha mẹ Việt Nam ?

"Con nhớ mãi ngày thi vào Đệ Thất,
Cha ân cần tay nắm dắt con đi.
Xe đò chật, cha con ngồi chen chút,
Cha dặn dò chẳng thiếu một điều chi.
Con thi đậu cha mừng rưng nước mắt..."


Nhớ về từ dĩ vãng của mấy thập niên đã qua rồi, màu thời gian đã phai dần qua làn tóc để tưởng nhớ về Cha mà hồn dâng dòng lệ rưng rưng:
"Mới ngày nào, mấy chục năm thấm thoát,
Tóc con giờ cũng đã bạc cha ơi!
Ngồi nghĩ lại, nhớ lời cha muốn khóc,
Nhờ ơn cha, con hãnh diện làm người".
("Nhớ Ơn Cha", Hạt Cát)

Bích Khuyên là nàng thơ xuất thân từ quê hương của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, nơi quê hương của gạo trắng, nước trong, của rừng dừa Bến Tre. Nhưng lời tình tự kể về nỗi xao xuyến lòng như sau:
"Một đêm mưa mơ dáng cha trở về
Ru con ngủ à ơi thời thơ ấu
Con chim nhỏ bình yên trên cành đậu
Quên những ngày bão táp gió mưa sa
Mẹ đã xa như bóng xế chiều tà
Con chỉ có tình Cha niềm an ủi..."


Một ngày kia con khôn lớn theo chồng xa hình ảnh của Cha. Người Cha già sống đơn chiếc nơi quê cũ và rằng Cha vẫn mãi trông ngóng chờ tin con. Con như điểm tựa của nỗi nhung nhớ ở tuổi xế chiều. Ôi, tình phụ tử này thiêng liêng và biểu tượng cho bao người cha già Việt Nam nơi quê xa hay tại bất cứ nơi nào trên mặt đất nhớ con chớ cho đến cuối đời, thương con thương cho đến ngày nhắm mắt ra đi:
"Tình của Mẹ, nghĩa Cha vô bờ bến
Cao tựa núi, bao la như lòng biển
Con tắm mình trong hạnh phúc, yêu thương
Rồi một ngày con sống kiếp tha phương
Chống gậy trúc mỗi chiều Cha ra ngỏ
Đêm dần xuống nặng thêm lòng thương nhớ
Đứa con khờ nay phiêu dạt nơi đâu ?"


Rồi khi con trở về quê xưa, bóng Cha không còn nữa, một trời cảnh cũ đìu hiu, vắng lặng để con gọi Cha trong tiếng vọng từ hư không, để con thêm nuối tiếc ngày cũ và để con khao khát lời ru của Cha thay Mẹ hiện về từ dĩ vãng xa xôi:
"Khi con về vườn cũ trắng hoa cau
Gọi "Cha hỡi !"... Ôi! Một trời vắng lặng
Mới thấu nỗi biệt ly đau cùng tận
Mất Cha rồi khao khát tiếng ru hời".
("Tiếng Cha Ru Con Ngủ", Bích Khuyên)


Đi lấy chồng ở tuổi trăng tròn, rồi xa quê hương, nhà thơ Tuyết Phượng mang nỗi sầu ly hương qua bài lục bát 24 câu về "Nghĩa Mẹ Tình Cha":
"Xa quê xa bóng Mẹ hiền
Nuôi con vất vã truân chuyên một đời
Công Cha nghiã Mẹ sáng ngời
Xa Cha con nhớ những lời khuyên răn..."

Thi nhân nhắc lời Cha khuyên lơn là lòng từ tâm, gương Cha cho con là sự cần cù, nhẫn nại để khi con ra đời đạt sự thành công thì đó là hạnh phúc của Cha:
"Gương Cha căm cụi siêng năng
Nuôi con khôn lớn Cha hằng từ tâm
Đời Cha nhẫn nại âm thầm
Mong con hạnh phúc vạn lần Cha vui...".
("Nghĩa Mẹ Tình Cha", Tuyết Phượng)

Từ kinh đô văn hóa Paris, tôi nhận được đoản thơ của nhà thơ Ngọc Diễm, vốn có hồn thơ văn lãng mạn, ND cho tôi biết bài "Gửi Hương Cho Gió" là bài thơ nhớ về người Cha. Bất cứ trong bối cảnh nào cô cũng thấy bóng ẩn hiện của người cha ấp ủ trong cuộc sống:
"Tôi thấy ai cười qua dáng mưa,
Tôi nghe tiếng nói những chiều xưa.
Bao ngày hoa lệ luôn còn đó,
Kia bóng ai ngồi dưới nắng trưa... "
("GHCG", 5.2004, NT Ngọc Diễm, France)


Thi nhân kế từ bắc Cali, Ngọc An chia xẻ tâm sự khi kể về Cha mình qua sáng tác "Giọt Lệ Nhớ Cha", một bài thơ cảm động và khá dài:
"... Cha của con bóng hạc xế chiều
Tuổi 88 thân Cha mòn mõi
Từng bước Cha đi khập khểnh hắt hiu buồn
Đôi mắt mờ… mây bạc trắng giăng giăng
Hoàng hôn đổ, màu tóc Cha bạc trắng "


Người con từ hải ngoại về Vũng Tàu thăm Cha, Cha già xót xa khi nhìn con tuổi đời chồng chất, nhưng cuộc sống lẻ bạn làm cha suy tư. Cha cầu mong con được hạnh phúc trong cuộc sống trước ngày cha ra đi:
"... Lần nầy con về, Cha lặng lẽ xót xa
Trong đôi mắt như có điều nhắn gửi
Con của Cha, nay tuổi đã về chiều
Cha hy vọng trong chuổi ngày còn lại
Được thấy con có hạnh phúc, có tình yêu
Chẳng lẽ... con của Cha bóng lẻ đìu hiu
Đã miệt mài hơn hai mươi năm chẵn
Kiếp phù sinh tuy dài nhưng rất ngắn
Thoáng giật mình... Cha đã sắp quy tiên..."


Lời người con thưa cùng cha cuộc sống mình hạnh phúc là khi làm điều xã hội phước thiện và lo cho vẹn tròn chữ hiếu. Thật vậy, hạnh phúc có thể là do niềm vui tâm linh khi mà tâm hồn ta tìm được trạng thái thanh thản, khi tư tưởng an lạc, thư thái hay bằng lòng với những điều gì mình có...
"Và tâm con luôn hướng cõi niết Bàn
Mong hướng thiện, mong làm điều phước thiện…
Lần nầy con về lo chữ hiếu
Kim Tỉnh con xây, yên chỗ Cha nằm
Mẹ một bên Cha ở một bên
Khi giải tỏa Mẹ về bên Cha gần gủi
Nghĩ điều nầy lòng con thêm buồn tủi..."

Bỏ đi một đoạn dài, lời thơ thi nhân luyến tiếc vì hình ảnh xa xưa của người cha vốn khoẻ mạnh, cao lớn và quắc thước. Thời gian trôi qua đã hủy hoại sức khoẻ và nhân dáng của người Cha nhân ái để rồi cuộc đời chỉ là sự tương phản xót thương:
"Biết lần nữa con về … Còn được gặp ?
Mắt lòa, chân khập khểnh
Đưa vòng tay gầy guộc khẳng khiu
Ôm hôn con… con gái Cha yêu"
("GLNC", TL Hoàng Lan/Ngọc An )


Tình Cha trong âm nhạc:

Nói về ngày tri ân Cha, tôi muốn mượn những bài hát vinh danh Cha của các nhạc sĩ hay những bài thơ ca tụng ân tình cha trong cuộc sống của chúng ta. Có thể nói nhạc phẩm gần gủi với tôi là bài "Cha Là Tất Cả Trong Con", nhạc Mai Đức Vinh, lời phỏng dịch từ bài thơ nguyên tác Anh ngữ: "You've been everything to me" bởi nhà thơ Vương Ngọc Long (VNL):
"Cha là tất cả trong con
Là Thầy dậy dỗ cho con nên người
Là người Bạn thiết vui chơi
Là gương mẫu mực sáng soi vô bờ
Là lòng độ lượng bao la
Là người Anh cả chẳng hà nệ chi
Cha ơi! con nói được gì"


Tôi yêu bài nhạc này vì nó gần gủi với kỹ niệm cũ của tôi khi tôi tìm về quá khứ để luyến tiếc theo từng câu thơ của VNL:
"Cha ơi! con nói được gì
Những điều con nghĩ, những khi con làm
Cha ơi dù có thế nào"


Với tôi hình bóng người cha của những năm tháng khôn lớn vẫn in bóng đậm đà, người cha chế ngự cho một quyết định tối hậu mình nghe theo, người tiêu biểu cho hướng đi khi mình chập chững bước ra ngoài xã hội:
"Cha ơi dù có thế nào
Lòng con vẫn mến dạt dào thương Cha
Đôi khi con chẳng một lời
Nói gì mua được nụ cười của Cha
Ước gì Cha hãy thứ tha
Những gì con đã làm Cha bẽ bàng
Có điều con mãi tin rằng
Rằng Cha với Mẹ vẫn hằng thương con!"

Sự bao dung của tình phụ mẫu đối với con cái bao la như trời biển. Nếu ai hỏi tôi người đàn ông nào cưu mang hay thương tôi nhiều nhất, tôi không cần suy nghĩ nhiều mà chỉ đưa hình ảnh của cha tôi.

Trong nhạc phẩm "Cha Yêu" của nhạc sĩ Quốc Vượng, ta thấy rằng hình bóng người cha được mô tả thật nồng nàn, yêu mến như:
"Một chiều lang thang mình tôi bước âm thầm
Đường về hôm nay đã vắng bóng cha
Nhớ mãi dáng người cha yêu xưa
Cha yêu ơi mình con trong mưa
Giờ naỳ ngồi đây lòng thương nhớ cha đã rời xa
Kỷ niệm thơ ngây ngày xưa quá êm đềm
Ngọt ngào trong tim năm tháng khó quên
Đến phúc cuối cầm tay cha yêu..."

Giờ cuối cùng của Cha nhắn lại các con của Cha hãy thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Ngày con khôn lớn không còn Cha nữa, mặc dù tiếng lòng dặn dò của cha vẫn sống mãi trong con.

"Mong bao con phải thương yêu nhau
Lời người con xin nguyện luôn khắc sâu suốt cuộc đời
Cha yêu ơi con nhớ không quên ngày đó
Khi con thơ khôn lớn bên cha từng ngày
Giờ còn đâu nữa ngọt ngào thơ ấu..."


Tình cha con vốn lưu luyến, vốn nhiệm màu trong dòng huyết quản, tạo dựng bởi sự gắn bó, khắng khít do sự tự nhiên của đất trời:
"Cuộc đời ai biết đâu ngày mai
Con không quên năm tháng bao la tình cha
Dang đôi tay ôm ấp con thơ vào lòng
Người là ánh sáng rọi đường con bước
Cha ơi mãi không quên tình cha."
("Cha Yêu", Quốc Vượng)

Người Cha đi tù vì chế độ CS sau biến cố tháng 4 năm 1975 vốn nhiều vô số. Cuộc đời lê lết kiếp cha chịu địa ngục trần gian của CS thì số phận người con cũng chia chung số kiếp lầm than, thi nhân NT Bích Ngọc sáng tác bài "Con Nhớ Ngày Cha Đi Tù":
"Con nhớ ngày cha đi tù
mắt mẹ ướt thâm quầng đêm khó ngủ
gặm củ sắn mẹ dành cho chưa đủ
con đói cha ơi!


Trạc phân bò năm ấy đội qua sông
nước ngập ướt tràn xuống môi con mặn
sông vô tình vẫn trôi bình lặng
bão tố cha ơi! Bão tố tơi bời!"


Gia đình vắng bóng người Cha là một điều bất lợi. Hình ảnh người Mẹ hiền chân yếu tay mềm phải bơ vơ chống chọi với thiên tai chỉ còn là nỗi thương tâm, tội nghiệp:
"Lũ lụt đi qua, rơm ướt mẹ phơi
cong người xuống, mẹ gồng trên vai hẹp
gánh cả giang sơn, đầu trần, không dép
mẹ thẫn thờ, lảo đảo gọi tên cha..."
(VH )


Nhà Thơ Thanh Thanh đã chuyển dịch sang lời Mỹ đăng trong một nội san Anh ngữ cho các người cha Mỹ hiểu tâm trạng Bích Ngọc:
 
"THE DAYS DAD GOT IMPRISONED

How harrowing were the days dad got imprisoned:
Mom could hardly sleep, got her eyes wet, rings wizened.
Gnawing the tiny rootstock Mom spared for me: how sad!
I was so hungry, dad!

The cow feces I bore on my head across the river,
Wetted, dripped from the basket, salted my lips.
The heartless stream was still flowing to make me shiver.
Oh dad! such storms had risen to break life into chips.

After the flood, mom dried the damp hay nearly kaput;
Humping her back, she carried on either slender shoulder
The burden of family responsibility, bareheaded, barefoot;
She staggered, listlessly calling for dad, the householder..."
(VH skipped the last paragraph)

THANH-THANH (geocities.com/POETfromVIETNAM)


Nhạc Anh ngữ về Cha:
Về nhạc Anh ngữ nói về người có khá nhiều, tuy nhiên trong bài viết này tôi chỉ nêu ra 2 bài tiêu biểu qua lời chuyển dịch Việt ngữ để bài văn sẽ bớt chiều dài của nó:

Bài hát tôi tình cờ nghe trong một đêm thanh vắng trên đài TV Mỹ và rung động nhiều lắm: "Cha Yêu, Cha Có Nghe Tiếng Con Không ?" do nữ nhạc sĩ Charlotte Church sáng tác thật cảm động từ lời ca đến cung điệu buồn u uẩn, khi người con dâng tiếng lòng như van lơn, như tha thiết có người cha bên đời. Tôi nghe trong sự mủi lòng. Khi người con biết quý trọng và nói lên sự cần thiết của hình ảnh của người Cha mà mình yêu quý. Xã hội Hoa Kỳ chịu sự chia ly gia đình quá nhiều qua nạn tan vỡ trong hôn nhân. Để rồi có những người con lạc loài, lẻ loi, bơ vơ mơ bóng người Cha đến với mình, hãy che chở mình. Cha vẫn là biểu tượng thiêng liêng từ tâm tưởng của người con:
"Lạy trời
Con xin lạy trời
Cho ánh đèn soi sáng đêm khuya
Như hồn cha soi sáng tâm hồn con,
Cha có nghe tiếng con nói ?
Cha có thấy con không ?
Cha có tìm con khi con lạc giữa đêm khuya ?
Cha có ở gần con không ?
Cha có nghe tiếng con nói ?
Cha ơi, xin cha cho con thêm can đảm nha cha ?
Nhìn trời cao, con thấy hằng triệu ánh mắt,
Ánh mắt cha đang ở nơi nào ?
Bây giờ cha ở đâu vì hôm qua mình đã chia ly ?
Và cửa trời đã đóng chặc ?
Màn đêm tối thẫm mịt mù
Gió bay lạnh lắm cha ơi
Thế gian bao la xung quanh con lạc loài
Xin cha tha thứ cho con
Xin cha hãy hiểu tiếng lòng của con
Cha ơi con kẹt giữa dòng sông cuộc đời
Cha có nghe tiếng con cầu khẩn ?
Những gì con nói
Dường như màn đêm vang vẵng tiếng vọng
Con nhớ hết những điều cha dạy
Những quyển sách cha đọc cho con
Con xin những lời cha đọc
Giúp con nghị lực qua cơn giông tố trước mặt nghe cha?
Hàng cây sừng sững quá cao
Con cảm thấy mình quá bé nhỏ
Ánh trăng kia càng lẽ loi, ngàn sao kia càng nhạt dần
Cha ơi cha có biết con thương cha lắm không ?
Cha ơi cha có biết con cần cha trong đời không ?
Cha ơi, cha có biết con nhớ thương
Đêm đêm cha hôn con khi đi ngủ không ?
(Trần Việt Hải chuyển ngữ)

Bài thứ hai là "Papa" do nam ca nhạc sĩ Paul Anka sáng tác và lời Việt chuyển ngữ là "Cha Tôi". Paul Anka là người ca sĩ có giọng ca trầm ấm, đôi khi thì cao vút. Lời ca khúc này lại tương phản với bài trên, nó cho thấy tình Cha cho con thật đậm đà, thật nồng nàn và bao la như biển cả. Trách nhiệm hay thiên chức Cha Mẹ vẫn cao cả trong một xã hội đạo đức và nhân bản. Cha đi làm nuôi con khôn lớn và sống trọn vai trò mà lương tâm giao phó: Thương Yêu, đùm bọc và lo lắng cho con cái:

"Mỗi sáng Ba đi làm để nuôi gia đình,
cho chúng con đủ ăn,
áo mới luôn, quần mới luôn,
có đôi giày cho vui bước chân.

Cứ mỗi khi đêm về là Ba đến giường,
đắp chăn giùm con,
khẽ hôn vào trán con,
đọc tiếng kinh cầu sau khi đã xong.

Sống với Ba êm đềm rồi con lớn dần,
dần theo thời gian,
đã thấy da mồi tóc sương,
Ba cũng già đi theo tháng năm.

Thương cho Má,
Má yếu đuối sức kém hay ốm đau.
Cũng biết thế,
khiến Ba thương, thương cho Mẹ, ôi Mẹ yêu.
Khi Mẹ chết, Ba điên lên và Ba hét lên:
"Xin cho tôi qua đời thay cho vợ tôi !"

Cứ đến khi đêm về,
là Ba chối từ bước lên lầu trên,
Má chết đi phòng trống vắng,
Ba yên ngủ ngay trên ghế đôi.

Con nhớ hôm ngọt ngào lời Ba nói:
"Hỡi con của Ba,
Ba sống như người lớn khôn,
Ba đơn chiếc nhưng mãi không già."

Mỗi lần hôn đàn con mình,
nhớ tới tiếng Ba nói,
vẫn luôn vang lên trong tim:
"Các con còn sống là Ba còn sống."
Nhớ hoài ! Ôi, con nhớ, con nhớ hoài,
lời nói của Ba, và của Ba.
Không quên, con không quên,
lời nói của Ba còn mãi..."
(Phỏng dịch từ nguyên tác "Papa")

Lời kết:
Qua đoạn cuối bài thơ của Nguyễn Thị Bích Ngọc mà bản dịch Anh ngữ do thi sĩ Thanh Thanh chuyển ngữ cùng hai bài ca Anh ngữ trình bày qua lời phỏng dịch Việt ngữ nói về ân tình của cha, VH xin kết thúc bài viết đón chào dịp Father's Day 2004. Cầu xin một ngày Lễ Cha thật bình yên, thật hạnh phúc và thật vui vẽ đến tất cả các người cha Việt Nam đã lo lắng cho con cái dù ở gần hay vẫn còn xa cách vì lý do nào đó. Cầu chúc quý bác, thân phụ các thân hữu của Việt Hải và quý anh em hiện mang vai trò cha một ngày vui đầy mãn nguyện.

VH xin cám ơn tất cả các bạn đã gửi thơ đóng góp cho bài viết chung này, để từ đó bài viết mang sắc thái đa dạng về hình ảnh của những từ phụ, dù là người cha thôn quê hay người cha thành thị, người cha của mỗi miền đất nước Việt Nam, bắc, trung hay nam đều cho thấy điểm tương đồng như nhau: Lòng cha vị tha, quảng đại và tình cha thương con cái vô bờ bến những vần tục ngữ hay ca dao Việt Nam đề cập trong dân gian.

Sau hết, VH xin gửi lời tri ân thiên thu đến Cha mình đang an nghĩ nơi chốn tuyền đài: "Con viết cho Ba bằng nụ cười và bằng nước mắt nhớ nhung và thương yêu... bây giờ và mãi mãi về sau. Và cuối cùng mình sẽ gặp lại nhau..."

"HAPPY FATHER'S DAY"

Ghi chú: VH cũng xin gửi tặng cháu Uyển Diễm và kính dâng hương hồn cố trung tá Nguyễn Quang Hưng, một người cha tuyệt vời.

Việt Hải Los Angeles

No comments:

Post a Comment