Saturday, February 17, 2024

Vũ Khanh, tiếng hát của tình yêu và niềm tin


Ca sĩ Vũ Khanh



Một người ca sĩ có tiếng nói trầm ấm, làn hơi mạnh mang đậm màu sắc và tình cảm của người Hà Nội đã không hề bị phai nhạt đi cho dù đã hơn 40 năm xa quê.

Đó là tiếng hát Vũ Khanh.

Từ một duyên may…

“Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu…” (Nỗi lòng người đi)

Vũ Khanh là con út trong một gia đình có 11 người anh em và là người duy nhất theo nghiệp đàn ca. Anh nói vui rằng chưa có ông thầy tướng số nào ‘chấm’ cho anh cái mệnh ca sĩ trong lá số tử vi, mà tất cả là:

“Tất cả chỉ là một cái duyên may mắn thôi chứ tôi không phải là một con gà nòi, không phải như là Ý Lan, bố mẹ là nghệ sĩ rồi mình bước vào sự nghiệp ca hát ca tự nhiên như vậy. Tất cả là tình cờ thôi. Hồi đó tại Mỹ này thì anh em nghệ sĩ chưa nhiều, mình chỉ là một nhóm anh em sinh viên đi học rồi ngao nghêu những buổi văn nghệ bỏ túi. Quay qua quay lại ở bên này đã 40 năm rồi, và tôi đóng góp cũng trên 30 năm trong lĩnh vực ca nhạc này.”

“Bản nhạc đầu tiên mà tôi bước lên sân khấu là bản nhạc Cô hàng nước của anh Vũ Huyến.”

Bản nhạc đầu tiên mà tôi bước lên sân khấu là bản nhạc Cô hàng nước của anh Vũ Huyến. - Ca sĩ Vũ Khanh

“Anh còn còn có mỗi mỗi cây đàn
Anh đem là đem anh bán nốt
Anh theo, theo cô hàng, hàng chè xanh
Tình tính tang, tang tính tình
Cô hàng rằng, cô hàng ơi
Rằng có nhớ, nhớ hay chăng…” (Cô hàng nước)

Với ca khúc Cô hàng nước, chàng thanh niên Vũ Công Khanh đã chinh phục hơn 5000 khán giả của đêm đại nhạc hội ở San Diego năm đó, năm 1978. Và cũng chính Cô hàng nước là nốt nhạc đầu tiên mở đầu cho bản tình ca hơn 30 năm về cuộc đời nghệ sĩ của Vũ Khanh.

Để rồi từ đó, anh chính thức bước vào trái tim của khán giả khắp nơi với hình ảnh lãng tử rất riêng của mình và giọng hát trầm ấm thấm sâu vào lòng người.

Khi kể lại kỷ niệm của đêm khởi đầu ấy, Vũ Khanh không nghĩ rằng chỉ “từ việc cầm đàn, hát những bản nhạc như một thói quen, rồi đón nhận những lời khen. Từ những lời khen đó, mình bắt đầu gia nhập vào những sinh hoạt văn nghệ, rồi trở thành ca sĩ của hải ngoại từ lúc nào tôi cũng không biết nữa.”

“Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên, quên cây đàn…” (Cây đàn bỏ quên)

Theo như lời kể lại, ca khúc Cây đàn bỏ quên chính là nấc thang đưa tiếng hát Vũ Khanh tới ngôi vị cao của nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại.

Rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng chỉ sau một lần nghe tiếng hát của Vũ Khanh đã gửi gắm cho anh niềm tin đối với những tác phẩm đầu tiên của mình. Đó là những nhạc phẩm chưa được giới thiệu với người nghe. Người nhạc sĩ lúc ấy vẫn tìm cho mình một tiếng hát để chuyển tải hết tất cả những điều họ muốn nói bằng lời ca, bằng âm nhạc. Ca khúc “Lời tiền thân của cát” của cố nhạc sĩ họ Trầm, Trầm Tử Thiêng, là một trong những bản nhạc được viết ra để chờ một ngày, ông gặp được Vũ Khanh.

Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh
Có hay không có trong cõi vô tình
Anh ngồi mãi đó, Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh!
Anh lại trở về bên bờ sông đó
Còn nỗi thương quê mất tròn tuổi nhỏ
Có phải mưa nguồn xóa phăng bờ cát.
Cơn lũ nào tuôn, triền dâu xơ xác.
Tuôn về biển mẹ sâu rộng muôn trùng.
Sông thì nhỏ bé, máu góp sao cùng.
Sông thì nhỏ bé, máu góp sao cùng... (Lời tiền thân của cát)

Có lẽ khi Trầm Tử Thiêng chọn Vũ Khanh để thực hiện ca khúc này, ông đã biết rằng tiếng hát trầm và rõ trong từng âm vực, sắc nét trong những nốt cao lẫn thấp của người ca sĩ này sẽ cùng ông nói lên một triết lý nhân sinh, nhỏ như dấu chấm trong cõi vô tình.

“Nó khởi nguồn từ khi tôi gặp anh Trầm Tử Thiêng, ngồi chung máy bay khi đi qua trại Parawang ở Philippines để thăm các đồng bào tỵ nạn bên đó. Khi gặp anh, qua ca khúc ‘Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’, anh rất quí tôi, anh bảo rằng kỳ này về anh sẽ đưa cho em một số tác phẩm của anh. Khi tôi thực hiện thì anh lại ra đi, người tác giả không ở bên cạnh mình để nói cho mình biết hết tất cả chi tiết của bản nhạc đó. Thế là mình chỉ hát qua những cảm xúc của những âm thanh, melody thôi.”

Chính vì điều này mà sau khi đưa ca khúc “Lời tiền thân của cát” đến với khán thính giả, mặc dù rất nhiều người cho rằng ca khúc này như mặc định dành cho tiếng hát Vũ Khanh, nhưng anh chưa bao giờ hài lòng với lần thu âm ca khúc đó và cả những lần mình trình diễn.

“Có nhiều người khen tôi hát bản đó nhưng thú thật tôi cảm thấy thẹn thùng lắm. Thứ nhất là khó hát. Điểm thứ hai nữa là mình chưa đủ để chuyển tải. Mỗi lần tôi nghe thấy bản đó tôi ấy náy lắm. Nếu có dịp tôi sẽ thâu lại cho thật trọn vẹn hơn. Tôi chưa cho tôi được điểm tốt về bản nhạc đó. Mình cần phải hát hay hơn nữa. 10 phần thì tôi chỉ mới có chuyển tải được mới có 6 thôi. Tôi tiếc là không có anh ấy ở bên cạnh.”

Tiếng hát từ tình yêu

Mỗi một người nghệ sĩ thường hay chọn một dòng nhạc của một nhạc sĩ phù hợp với phong cách và giọng hát của mình. Vũ Khanh tự nhận mình không có cái may mắn ấy.

“Mỗi một ca sĩ đàn anh đàn chị bước lên thì thường có một nhạc sĩ sau lưng. Nhưng khi mình qua bên này, mình không có được may mắn đó, mình tự chọn bản nhạc. Ví dụ như tôi hát nhạc của Trịnh Công Sơn thì làm sao bằng Khánh Ly được nhưng có một bản nhạc mà tôi rất yêu, và có lẽ tôi tự chấm cho tôi, tôi tự khen tôi là tôi chuyển tải đầy đủ, đó là bài ‘Sóng về đâu’ của Trịnh Công Sơn.”

“Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu…”(Sóng về đâu)

Hơn 30 năm đi hát, là hơn 30 năm Vũ Khanh gắn liền với những tình khúc bất tử của nhiều nhạc sĩ. Anh là người thể hiện rất thành công các ca khúc nổi tiếng của nhiều người như Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Song Ngọc…

Người ta có thể nghe một Vũ Khanh “rất Hà Nội” với Hà Nội ngày tháng cũ của Song Ngọc thì cũng có thể nhìn thấy một Vũ Khanh rất hào hoa, lãng mạn với Áo lụa Hà Đông.

“Tôi thích những bản nhạc thơ mộng hơn. Một bản nhạc như ‘Ta đưa em vào cõi chết’ và một bản là ‘Áo lụa Hà Đông’ sẽ khác nhau nhiều lắm. Nếu có chọn lựa thì tôi sẽ chọn Áo lụa Hà Đông vì nó thơ mộng, nó lãng mạn. Những hình ảnh nó tác dụng đến đời sống của mình.”

Nếu có người đã từng ví von rằng “nửa đêm nghe Sỹ Phú hát như đắp chăn bông vào người” thì tiếng hát của Vũ Khanh làm cho người ta cảm thấy như từng nốt nhạc đang chạy thẳng vào huyết mạch của họ, như họ đang được kể cho nghe một câu chuyện vừa mới ngày hôm qua, trên trần thế, nơi phố núi đầy sương.

“Phố núi cao phố núi đầy sương.
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn.
Anh khách lạ đi lên đi xuống.
May mà có em đời còn dễ thương.
Em Pleiku má đỏ môi hồng đây buổi chiều quanh năm mùa đông.
Nên tóc em ướt và mắt em ướt...” (Còn chút gì để nhớ)

Rồi cũng có những khi, tiếng hát trầm ấm của Vũ Khanh như chia sẻ cùng người nghe những hương vị đắng, cay, ngọt, mặn, khi cao vút, khi thủ thỉ nhẹ nhàng sâu tận trong tim.

“Khi em về chừng như sang đông
Trời tháng năm mà nghe lành lạnh
Khi em về ngồi nghe biển hát
Chiều qua nhanh như em xa anh…” (Tiễn đưa)

Và niềm tin, độ lượng

Khi Vũ Khanh hát một ca khúc, người nghe có thể cảm nhận như anh đang ôm trọn cả bản nhạc ấy vào trong từng câu từng chữ. Lúc đó, mỗi một nốt nhạc anh hát lên, tình tứ, nhẹ nhàng, có cả vị tha và độ lượng.

“Ta cho em tất cả. Hỡi nụ hôn tình đầu!

Có một bản nhạc mà tôi rất yêu, và có lẽ tôi tự chấm cho tôi, tôi tự khen tôi là tôi chuyển tải đầy đủ, đó là bài ‘Sóng về đâu’ của Trịnh Công Sơn. - Ca sĩ Vũ Khanh

Bây giờ tình tan vỡ, ta còn lại thương đau
Ta yêu em lầm lỡ. Ôm vòng tay dại khờ.
Em là loài hoang thú. Ta vất vả tinh khôn.
Loài cổ hoang (ngu si) mắt mờ.
Bạc vàng phấn son mơ.
Nơi mộ hoang lạc thú. Em bướm hồng lửng lơ
Ôi! Chông gai đầy lối. Cất bước đi về đâu
Một lần ta lầm lỡ, Trăm đường còn sầu đau!” (Ta yêu em lầm lỡ)

Ta yêu em lầm lỡ là một ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ai đã từng nghe Vũ Khanh thể hiện ca khúc này chắc chắn sẽ giật mình ngoảnh lại vì “bản nhạc này tôi hát cách đây cũng khoảng 25 năm rồi.”

Tất cả những tác phẩm của người nghệ sĩ khi được tạo ra từ trái tim thì chắc chắn sẽ đi đến hàng triệu trái tim khác. Vũ Khanh hát bằng chính những thăng trầm của cuộc đời mình, cộng với niềm tin tôn giáo mà anh có được đã góp phần làm cho tiếng hát của anh độ lượng càng thêm độ lượng.

“Chuyện người đàn bà 2000 năm trước
Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành cổ đó
Dấu tích hành thân.
Vì đâu? Vì đâu? Vì đâu,
Nên tội tình mang nhục hình.
Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu…” (Chuyện người đàn bà 2000 năm trước)

“Tôi hiểu về kinh thánh, và tôi biết được câu chuyện kinh điển về người đàn bà bị phạm tội và bị ném đá.

Bản nhạc này được thể hiện cái kinh điển của kinh thánh, vừa nói được cuộc đời vừa nói trong lĩnh vực về tâm linh nữa. Hai mặt của cuộc đời, nên nó có một ý nghĩa đối với tôi. Nếu kết tội một người khác thì mình nhìn mình xem mình có tội hay không. Mình chưa phạm tội thì đó là một cái may mắn của mình. Biết đâu ngày hôm nay mình phạm tội thì sao. Tôi bám vào triết lý sống đó mà tôi răn dạy tôi.”

Vũ Khanh đến với âm nhạc với tình yêu trân trọng như niềm tin anh dành cho Đức Chúa trời của mình. Chính vì thế mà những ca khúc nói về triết lý nhân sinh hay những tình yêu có màu sắc của thánh đường được anh diễn tả rất trọn vẹn và sâu lắng.

“Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Bóng ai cắp rổ cắp rổ lên cồn
Lên cồn hái dâu hái dâu…” (Gọi em là đoá hoa sầu)

“Gọi em là đoá hoa sầu là cảm xúc của một tu sĩ khi ông gục đầu trên bàn và ông ấy mơ. Mơ về những hình ảnh đẹp.”

Không phải là tu sĩ, không phải là người rao giảng kinh thánh, cũng không phải người sinh ra trong gia đình nghệ thuật, nhưng bằng tình yêu và niềm tin của mình, tiếng hát trầm ấm như ru hồn người của người đàn ông lãng tử đã mang đến cho cuộc đời những khúc tình ca đẹp và trong như ngôi giáo đường. Tuổi trẻ rồi sẽ qua. Người rồi sẽ xa. Tác phẩm và tiếng hát sẽ còn mãi. Những gì Vũ Khanh muốn gửi lại cho một “chấm nhân sinh” trong cuộc đời này là sự bình lặng và sự cân bằng trong một kiếp.

“Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh
Có hay không có trong cõi vô tình
Xin làm hạt cát quay bến sông này.
Xin làm kiếp khác thay kiếp bèo mây...”

RFA - Cát Linh

No comments:

Post a Comment