Nora đăng bài này, các anh chớ có dại mà đăng ký ở trang webs ngoại tình nha 😊.
RFI - Tuấn Thảo
Cả hai trang web AshleyMadison và Gleeden đều nhắm cùng một đối tượng, thành viên có mở tài khoản, trả tiền đăng ký các dịch vụ hẹn hò thường là đàn ông thích có quan hệ ngoại tình cho dù ở ngoài đời, họ đã lập gia đình. Vào thời đại thông tin toàn cầu, các dịch vụ kết bạn bốn phương, hẹn hò trực tuyến đã có từ lâu. Đi tìm bạn đời trăm năm, hóa ra chỉ là tình nhân qua đêm (qua đường), chuyện này trên mạng xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng, hiện tượng các trang web chủ yếu khai thác các quan hệ ngoại tình ở Pháp chỉ thật sự bùng phát trong 5 năm gần đây.
Theo kết quả thăm dò ý kiến do cơ quan IFOP thực hiện hồi đầu năm 2014, thì tại Pháp cứ trên 10 người đàn ông, là có tới 6 người cho biết đã từng đi ăn vụng (gần 60%). Tỷ lệ này nơi phụ nữ Pháp thấp hơn một chút, cứ trên ba phụ nữ mới có một người mới dám xé rào, đi chơi với bồ nhí (32%). Cũng như người Ý, dân Pháp nổi tiếng là lãng mạn đào hoa. Phải chăng vì thế mà đối với họ chuyện đi ăn vụng không phải là chuyện to tát? Dù gì đi nữa theo kết quả thăm dò, chỉ có 47% dân Pháp nghĩ rằng ngoại tình là điều không thể chấp nhận, trong khi tỷ lệ này là 60% ở Đức, 84% ở Hoa Kỳ, 95% ở Thổ Nhĩ Kỳ ….
Dựa vào tâm lý ‘’ăn cơm riết hoài cũng chán, lâu lâu lại thèm ăn phở’’, các trang web hẹn hò lao vào khai thác quan hệ ngoại tình. Chuyện ăn vụng, cặp bồ nhí được các website biến thành những gói dịch vụ hấp dẫn theo kiểu : hẹn hò lý tưởng khách sạn xa hoa, lâu đài vương giả, chiều thu thư giãn, quán trọ Rouen. Lâu đài vua chúa ven bờ sông Loire thì ta còn dễ hiểu, chứ còn thị trấn Rouen thì có gì mà hấp dẫn ? Chỉ có những người tinh ý mới hiểu rằng thành phố Rouen từng được văn hào Gustave Flaubert chọn làm bối cảnh quyển tiểu thuyết Madame Bovary, chán ngán hôn nhân và cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt, nên mới dan díu ngoại tình.
Infidelia chấm com, entre-infideles, 123-infidele, rencontresinfideles, adultere-rencontre, tại Pháp hiện giờ có hơn một chục các trang web như vậy, hầu hết đều dùng những khẩu hiệu quảng cáo ‘’độc địa’’ để mời mọc khách hàng. Có người cho là các chiêu này nửa hài hước, nửa khiêu khích, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng những trò như vậy là trơ trẻn sống sượng, tà dâm vô đạo, bởi vì làm như vậy thì chẳng khác gì phá hoại gia can, kinh doanh trên nỗi khổ tâm của những cặp vợ chồng, chưa đủ thỏa mãn hay không còn mặn mà chăn gối.
Với hơn một triệu tài khoản, trang web Gleeden được xem như là website hẹn hò có nhiều thành viên nhất tại Pháp. Logo quảng cáo của công ty này khai thác hình tượng của Eva ăn trái cấm qua ảnh chụp của một đôi môi đàn bà đang cắn một quả táo. Doanh thu hàng năm của Gleeden lên tới gần 20 triệu euro hàng năm, điều đó đủ cho thấy quan hệ ngoại tình là một ngành kinh doanh béo bở, do công ty này chỉ cần tuyển dụng 30 nhân viên để điều hành các dịch vụ trực tuyến. Trang web này do hai anh em người Pháp sáng lập trước khi bán lại cho tập đoàn Mỹ BlackDivine.
Tuy có mức doanh thu cao như vậy, nhưng trang web Gleeden thật ra chỉ thuộc cỡ trung bình nếu phải so sánh với mạng AshleyMadison chấm com của Canada do ông Noel Biderman sáng lập, hiện có hơn 37 triệu thành viên trên toàn thế giới. Với khoảng 200 nhân viên điều hành và doanh thu hàng năm xấp xỉ 100 triệu euro, trang mạng AshleyMadison hốt bạc nhờ gãi đúng chỗ ngứa, đánh trúng tim đen của những kẻ thích đi ăn vụng.
Sau mười năm hiện diện trên thị trường quốc tế, mãi tới đầu năm 2014, AshleyMadison mới lập chi nhánh văn phòng tại Pháp. Trang web tiếng Pháp vừa mới được khai trương, thì chỉ vài tháng sau đã có tới 200.000 người đăng ký mở tài khoản. Các mạng ngoại tình không đòi hỏi nhiều đầu tư, có thể kiếm lời nhanh chóng, điều đó giải thích vì sao các trang web dành cho giới độc thân (chẳng hạn như Meetic) bây giờ cũng muốn lao vào khai thác dịch vụ hẹn hò ngoài hôn nhân.
Theo lời cô Anne-Sophie Duthion, giám đốc truyền thông của mạng Gleeden, trong trường hợp của nhiều cặp vợ chồng, quan hệ tình cảm không còn khăn khít, chăn gối dần nguội lạnh sau nhiều năm chung sống. Việc có quan hệ ngoài hôn nhân là một cách để mở một dấu ngoặc đơn, đem lại một luồng dưỡng khí trong quan hệ đôi lứa. Bà giám đốc mạng Gleeden còn khẳng định rằng : 68% thành viên của mạng này, tức là cứ trên 10 người có tới 7 người nghĩ rằng ngoại tình là một trong những bí quyết để duy trì đời sống hôn nhân của họ. Nói như vậy thì chẳng khác gì ‘’dùng độc trị độc’’. Nghịch lý của những người đi ngoại tình là vẫn là họ không muốn ly dị, họ không muốn từ bỏ hôn nhân của họ vì lý do này hay vì lý do nọ (lợi ích cho con cái, san sẻ các chi phí khi sống chung, thành kiến từ phía gia đình).
Một lập luận mà nhà xã hội học Jean-Claude Kaufman cho là không thuyết phục cho lắm. Ông là tác giả quyển sách khảo sát các mạng hẹn hò trực tuyến, mang tựa đề Sếch @mour (tạm dịch là Tình dục và tình yêu thời đại a còng) do nhà xuất bản Armand Colin phát hành vào năm 2010. Theo ông, một lần sa ngã ngoại tình sau hàng chục năm chung sống, có thể không làm tan vỡ quan hệ vợ chồng, nhưng với điều kiện là đôi vợ chồng này hiểu rõ nhau …. Cái lần vấp ngã ấy có thể xem như là ngọn sóng nhỏ nhưng chưa đủ mạnh để làm lật thuyền, chưa đủ lớn để khiến cho người cầm lái buộc phải đổi hướng. Ngược lại trong trường hợp cơm không lành canh chẳng ngọt, thì quan hệ đôi lứa vốn đã có nhiều mâu thuẫn lại càng dễ tan vỡ hơn.
Theo ông điều quan trọng nhất vẫn là sự tin tưởng lẫn nhau, đời sống vợ chồng giống như là một hợp đồng giữa hai người có trách nhiệm, và trong trường hợp có xé rào, vượt qua các giới hạn, thì phải đối thoại để cùng nhau giải quyết vấn đề. Lập luận của mạng hẹn hò Gleeden là một cách để chỉ đường cho nai chạy, tạo thêm cái cớ cho những người mà trong thâm tâm đã có ý định ăn vụng. Theo ông Jean-Claude Kaufman, tình dục hay tình cảm không phải là một mặt hàng để đổi chác. Các mạng hẹn hò ngoại tình trong bản chất, là một hình thức trục lợi kinh doanh, chứ không phải là hoạt động không kiếm tiền lời nhằm mục đích công ích.
Theo khảo sát thăm dò của cơ quan IFOPĐối tượng khách hàng của các trang web ngoại tình thường là giới trung niên (nam nhiều hơn nữ) từ 35 tới 55 tuổi, họ thường đã lập gia đình có con, hay sống chung với ‘’bạn đời’’. Họ làm đủ mọi ngành nghề trong xã hội, nhưng yếu tố chung vẫn là họ có một cuộc sống ổn định, thu nhập khá giả. Tính trung bình một thành viên (nam) của mạng hẹn hò phải chi khoảng 500 € hàng tháng : gồm cả chi phí mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ, cũng như các khoản chi để gửi hoa, mua quà tặng : hẹn hò với tình nhân chẳng lẽ đến với tay không ?
Ngoài ra còn có khoảng dành để đi chơi, đặt tiệm ăn, mướn phòng khách sạn : đàn ông Pháp nổi tiếng là ga lăng (galant), hẹn hò đi du hí chẳng lẽ bắt bồ nhí phải trả tiền ? Nhưng hào phòng xài sang không có nghĩa là người đàn ông sẽ đạt mục đích. Các thành viên sử dụng trang web ngoại tình, một khi đã gặp mặt nhau rồi, có quyền không tiến xa thêm một bước, nếu cảm thấy không hạp, hay đối tượng không có duyên, chưa kể tới các hình thức mại dâm đội lốt hẹn hò.
Thời đại thông tin chớp nhoáng, chuyện hẹn đi chơi với mèo, dễ èo như bấm chuột gửi meo cái vèo (email). Nhưng hẳn chắc cũng có những buổi hẹn hò hứa hẹn lý tưởng lại hoá ra vô cùng lãng nhách, cực kỳ vô duyên, những trường hợp ‘’kết thúc vô hậu’’ mà chẳng có thành viên nào muốn khiếu nại phàn nàn. Một tâm lý khá dễ hiểu : đã mang tiếng ăn vụng, có ai mà còn dám la làng.
Thành viên các mạng ngoại tình không ngại trả phí cao nhnưg với hai điều kiện : danh tính của họ phải được bảo mật tối đa, và các dịch vụ hẹn hò phải hết sức kín đáo. Chính cũng vì thế mà hồi cuối tháng 7 vừa qua, một luồng gió đã thổi bùng lên cơn sốt hoảng hốt trên mạng, sau khi có thông tin 37 triệu người ngoại tình bị ‘’lộ tẩy’’ vì tin tặc đánh cắp dữ liệu trang web ngoại tình AshleyMadison.
Không những AshleyMadison, mà hai trang web hẹn hò khác mag tên là Cougar Life và Established Men, thuộc cùng một tập đoàn (Avid Life Media), cũng đã bị hacker thâm nhập. Điều đó có nghĩa là các chi tiết đời tư của hàng triệu người có tài khoản đều có nguy cơ bị phơi bày. Các dữ liệu cá nhân bị đánh cắp ở đây bao gồm các thông tin cá nhân như : biệt danh và tên thật của các thành viên, địa chỉ và hình ảnh của họ, các chi tiết thanh toán bằng thẻ tín dụng và nhất là các bản ghi chép lại toàn bộ các cuộc trò chuyện, hẹn hò trực tuyến.
Tuy ẩn danh, nhưng nhóm hacker này (có tên là The Impact Team) đã cho biết vì sao họ thâm nhập cơ sở dữ liệu của các mạng ngoại tình kể trên. Để bảo đảm sự ‘’kín đáo tuyệt đối’’ cho khách hàng, AshleyMadison cam kết (theo yêu cầu) xóa bỏ toàn bộ hồ sơ của khách hàng và tất cả các dữ liệu có liên quan với chi phí là 19 đô la. Nói như vậy có nghĩa là, khi các thành viên yêu cầu mạng này không lưu trữ các thông tin mà họ cho là nhạy cảm, họ có thể an tâm vì trên nguyên tắc toàn bộ các dữ liệu liên quan đều sẽ được xóa sạch.
Một trường hợp khác nữa là sau một thời gian sử dụng, một người muốn ngừng toàn bộ các dịch vụ của AshleyMadison, họ có quyền yêu cầu ban điều hành xóa tất cả các thông tin cá nhân, để tránh bị bắt quả tang. Tuy nhiên, AshleyMadison đã kiếm tiền từ dịch vụ xóa thông tin (1,7 triệu đô la doanh thu trong năm 2014 chỉ riêng cho khâu này), nhưng không bao giờ thục hiện cam kết. Điều đó giải thích vì sao nhóm hacker đã tấn công mạng này để phơi bày cung cách làm ăn của họ, cắm đầu chạy theo lợi nhuận, mà không bảo vệ khách hàng.
Không biết nhóm hackêr này sẽ làm lớn chuyện tới đâu để đánh sập uy tín của AshleyMadison. Dù gì đi nữa, trong vòng nhiều ngày trang web này đã tạm thời đóng cửa, trong khi có gần 20% thành viên tự động hủy bỏ các tài khoản của họ. Trong Kinh Thánh, vì Adam và Eva ăn trái cấm mà bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Không biết sau vụ hacking này, có bao nhiêu người sẽ bị "đuổi ra khỏi nhà". Bởi vì cũng như nhân vật Magneto trong loạt phim X-Men có nói : bạn đừng bao giờ coi thường phản ứng của một người đàn bà, vừa bị phản bội.
RFI - Tuấn Thảo 15.8.2025
No comments:
Post a Comment