Giọng đọc: Yến Uyên & Nguyễn Đình Khánh
“Đợi tôi với... Bác tài ơi, đợi tôi với...”
Con bé vừa chạy, vừa la bải hải khi thấy chiếc xe bus bắt đầu chuyển bánh. Tiếng gọi lanh lảnh như một niềm thất vọng gấp gáp sắp đổ ập xuống đầu, cùng với tiếng chân chạy thình thịch của nó làm cho túi vải đeo đập liên tu sau lưng. Tiếng kêu bay bắn đi, nhanh hơn bước chân chạy, lọt thẳng vào tai bác tài xế. Ông ngoảnh lại, nhìn thấy một con bé khoảng 13, 14 tuổi cùng với bà mẹ đang gấp gáp chạy về phía mình, hai tay nó quơ quào loạn xạ cố gây thêm sự chú ý của ông.
Chiếc xe bus mới dợm bánh, từ từ dừng lại. Bác tài bấm nút mở cửa chờ nó đến. Khoảng vài phút sau, con bé đã đứng trên bậc tam cấp của xe, nó vừa thở hổn hển, vừa tụt cái túi đeo sau lưng lục tìm vé đưa cho bác tài. Một số khách tỏ vẻ khó chịu vì sự chậm trễ ấy. Một bà với khuôn mặt khó đăm đăm nhìn nó không mấy gì thiện cảm, gắt:
“Thôi, nhanh lên đi cho người ta nhờ. Đã hẹn giờ giấc đoàng hoàng rồi mà lại còn trễ.
Đúng là... người Việt Nam!”
Bà nói thế, tựa như bà là một người ngoại quốc nào đó chứ không phải người Việt.
Nhưng rõ ràng bà cũng là người đồng hương cùng nói một ngôn ngữ với nó. Khuôn mặt bà loè loẹt, dị dạng do sự “tân trang” sửa chữa quá nhiều nên trông có cái vẻ khó tính một cách dị thường. Một số người Việt khó chịu khi nghe bà nói câu đó. Họ quay lại nhìn bà, nhưng chẳng ai nói gì. Con bé thì cuống cuồng trình vé rồi đảo mắt một vòng tìm chỗ ngồi ghi trên tấm giấy. Ánh mắt nó đậu ở một ghế còn trống gần cửa sổ. Bên cạnh, có một gã đàn ông đang ngồi lơ đãng...
Phải mất thêm vài phút nữa mọi thứ mới êm xuôi. Con bé chen vào chỗ trống duy nhất đã dành cho nó. Nó ngồi thở dốc, nhưng khuôn mặt đầy phấn khởi và vui sướng. Nó nhìn ra ngoài cửa sổ, đưa tay vẫy vẫy người thiếu phụ đang trông theo với một nét lo lắng rõ rệt hiện trên nét mặt:
“Má… Con đi nghe má... Không sao đâu mà. Con thương má...”
Nói rồi. Nó chu miệng, dán vào kiếng xe, hôn chùn chụt:
“Bye má...”
Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Tiếng bà mẹ trẻ nói với theo:
“Cẩn thận nghe con. Tới nơi nhớ điện thoại về cho má liền nghe...”
Chiếc xe từ từ đi nhanh dần, để lại người mẹ trẻ trên bến xe. Nó nhìn theo cho đến khi bóng bà khuất sau một khúc rẽ, lúc đó nó mới thở phào. Sửa đổi lại thế ngồi cho ngay ngắn, kéo cái bịch đeo trên lưng xuống để trên đùi. Khuôn mặt nó rạng rỡ vui tươi. Có lẽ, nó đang cần phải nói. Nói thật nhiều để đổ tuôn ra những phấn khởi trong nó. Nó lén nhìn gã đàn ông ngồi cạnh, người đồng hành với mình đây. Nó nghĩ thầm, trông mặt gã có vẻ... hơi dữ bởi những nét nhăn đậm trên trán và ở đuôi con mắt như những vết cắt. Gã có một vết sẹo dài chém từ góc tai trái xuống tới cằm. Đôi mắt gã hơi giảo hoạt, bất lương. Nhưng không hề gì. Con bé nhìn thấy ai cũng như nhau. Nếu không nói là mọi người đều rất tốt. Nó chẳng biết gì về thế giới bên ngoài mái nhà nó thường sống, mà trong đó một bà mẹ trẻ, góa bụa luôn luôn gìn giữ nó một cách quá quắt tới độ nó cảm tưởng mình đang sống trong ngục tù. Phải nói mãi, năn nỉ mãi và quả quyết cả hơn ngàn lần “sẽ không có chuyện gì xảy ra” để mẹ nó xiêu lòng, cho nó đón một chuyến xe đò đi dự một khóa tu tập ở ngôi chùa cách xa nhà khoảng sáu tiếng lái xe.
“Má à. Thiệt tình là con không hiểu sao má lại không cho con đi chớ. Má đưa con ra bến xe, con ngồi trên xe đò một mạch. Tới nơi đã có người trong chùa ra đón con rồi. Ở hai ngày là lại có người đưa con ra bến xe, con lại về với má mà...”
“Mày đi xa xôi dữ vậy. Không có người kèm sao đi tới nơi? Lỡ giữa đàng có chuyện chi thì tao biết tính sao đây chớ? Thôi, bỏ qua đi!! (Dỗ dành) Đợi tới chừng má xin nghỉ được vài ngày thì má sẽ đi với con nghe.”
“Chời! Má!! Đợi má nghỉ thì qua khóa tu tập còn đâu nữa, lên trển làm chi không biết!”
Nhì nhằng, năn nỉ gần cả tháng, sau khi đã điện thoại lên chùa cả chục lần, bà mẹ mới bằng lòng ghi danh cho nó. Mới sáng mơi này, trước khi đưa con ra bến xe, bà cũng còn cẩn thận, thắp nén hương lầm rầm khấn vái:
“Nam mô A Di Đà Phật. Xin trời Phật độ trì. Xin ngài Quan Âm gia hộ cho đứa con khờ khạo của con đi tới nơi, về tới chốn. Mọi điều dữ đều tai qua, nạn khỏi. (Rồi bà kể lể ỷ ôi tựa như đang nói chuyện với một người bằng xương, bằng thịt đứng trước mặt). Con chỉ có đứa con duy nhất. Từ ngày ổng mất cho tới nay, con không dám bước thêm bước nữa, mọi tình thương con đều dành cho nó hết. Nó khờ khạo, bé bỏng, cần được những bàn tay yêu thương che chở. Xin ngài độ trì cho nó đi đường bình an.”
Nói xong, người mẹ trẻ vái thêm ba vái, rồi kính cẩn cắm mấy nén hương vào lư, trong khi đó, con bé sốt ruột chờ đợi ngoài cửa:
“Má ơi... Đi chưa má, trễ quá rồi đó nghe!”
Bà mẹ gắt khẽ:
“Thì từ từ chớ. Mày hối như hối tà, hối ma vậy!”
*
Xe bắt đầu ra xa lộ. Dòng xe cộ ngược xuôi, hối hả tăng theo với sự vui mừng của con bé. Nó nhìn đồng hồ. Mới có ba giờ chiều. Chắc khoảng chín, mười giờ tối mới tới nơi. Khoảng sáu giờ chiều thì xe sẽ ngừng lại ở một thành phố nhỏ cho khách ăn uống, nghỉ ngơi, đi đứng cho giãn gân cốt, sau đó đi tiếp chừng bốn tiếng nữa là tới. Ở đó đã có một chị Phật tử trên chùa sẽ đón nó tận bến. Chời. Sao mà vui thích quá!
Nó khẽ liếc nhìn gã đàn ông và mỉm cười với gã bằng một nụ cười đầy thiện cảm. Gã cũng nhìn nó, nhếch mép. Gã có thể nghe được mùi hương trinh nữ của nó thoang thoảng, cộng thêm vì ngồi quá gần, gã nhìn thấy được cả những sợi lông măng trên đôi má không son phấn. Gã còn nhìn sâu qua cổ áo, thấy được thấp thoáng một phần ngực trắng hồng. Trong gã, nổi lên một dục tâm bất chính. Gã lân la làm quen:
“Đây là lần đầu tiên cô em đi xa một mình?”
Con bé trả lời bằng một giọng phấn khởi:
“Phải. Và điều này làm em rất sung sướng!”
Nói rồi. Con bé huyên thuyên kể về cuộc hành trình của nó. Tuy ngắn ngủi, chỉ có hai ngày, nhưng đối với nó quả là một cuộc “cách mạng” vĩ đại, vì nó có thể thuyết phục được má nó, chứng tỏ cho má nó biết rằng, nó đã lớn!!
Gã đàn ông gật gù:
“Phải rồi. Thế giới bên ngoài thật đẹp. Đáng lý em phải biết nó sớm hơn nữa...”
Con bé mở tròn đôi mắt nhìn gã, hỏi bằng một giọng ngây thơ:
“Thiệt hả ông? Sớm hơn là bao sớm?”
“Như tui nè. Tui ra đời năm mới có chín tuổi mà đâu có chết chóc chi đâu. Đâu có bị gì...”
Con bé nghe gã nói thế. Nhưng ánh mắt nó bỗng đậu lên vết thẹo chém trên má trái làm cho mặt gã thêm dữ, ánh mắt nửa ngờ vực, nửa tò mò:
“Còn cái sẹo này là ông bị sao vậy?”
Gã đưa tay sờ cái sẹo. Ậm ừ.
“Cái này hả? Thì hồi đó... bị bệnh. Đưa vô nhà thương mổ gấp nên còn lại vết thẹo...”
Hắn nói dối trơn tru như mỡ. Vết thẹo đó, một thời giành gái, đánh nhau với nhóm băng đảng khác nên bị chém. Nhưng không hề gì. Con bé nói gì nó chả tin. Lại nữa, gã đang nghĩ cách làm thế nào để có thể chiếm đoạt con nhỏ trước khi nó đi đến nơi muốn đến. Trông nó tinh khôi như một viên ngọc quý. Càng tinh khôi lại càng gợi cảm và kích thích gã hơn nữa. Gã chỉ có một cơ hội duy nhất là ở trạm dừng xe giờ cơm chiều. Gã nhìn con bé thèm thuồng như con quỷ thèm ăn thịt người. Trong đầu óc gã đầy tính toán. Nhưng gã hiểu, dù có ngây thơ cách mấy, nếu không khéo mà làm cho con bé sợ nó sẽ lánh xa. Bây giờ nó đang vui, là một cơ hội rất tốt để tạo thêm tình thân và lòng tin tưởng ở nó.
Bằng một giọng thân mật, gã gạ gẫm:
“Nè em. Tí nữa tới giờ ăn chiều, xe đò sẽ ngừng lại ở một thành phố nhỏ. Để tui đãi em một bữa cơm làm quen nghen.”
Con bé ngước mắt lên nhìn gã, cảm động:
“Cảm ơn ông. Nhưng má em có gói theo thức ăn nhiều lắm. Lại nữa. Em ăn chay...”
Gã giở giọng ngang tàng, bất chấp:
“Thì ăn mặn một bữa có sao đâu. Trời, Phật có phạt mình vì tội ăn mặn đâu mà lo!!”
Con bé trợn tròn mắt. Tưởng như mình không thể tin được đôi tai đang cắm trên cái đầu nhỏ bé của nó khi nghe gã nói những câu như thế. Nó cãi:
“Ý cha! Không được đâu ông à. Em không có ăn mặn được đâu, vì má nói, phải giữ gìn cho thân tâm trong sạch trước khi thọ “bát quan trai” đó!”
Gã tò mò:
“Thọ bát quan trai là cái gì vậy hả? Sao tui thấy mấy cái đạo, cái nào cũng rắc rối, hà rằm. Luật này, luật nọ... nhức cái đầu!”
Con bé toét miệng cười rồi giải thích:
“Đức Phật nói một Phật tử tại gia cần phải làm lễ thọ bát quan trai một tháng ít nhất một lần. Nếu lên chùa để thọ thì tốt lắm, bằng không làm ở nhà cũng được. Thọ bát quan trai là mình hứa với đức Phật một ngày, một đêm giữ đủ tám giới cấm, và chỉ ăn một bữa trưa mà thôi. Trong lúc thọ giới, thì ráng giữ gìn tâm ý cho trong sạch mà nhất là không phạm các giới mình đã hứa...”
Gã nghe con bé nói vậy, tuy chẳng hiểu gì thêm, nhưng cũng ậm ừ cho qua:
“Thôi. Nếu vậy, em cho tui đãi em một ly nước được không? Chắc là ly nước thì ông Phật cho chứ gì?”
Con bé cười toét miệng:
“Được chứ! Nước thì được uống thả giàn. Chỉ sợ uống nhiều... bể bụng thôi!!”
Sau câu nói đó. Con bé cười khúc khích. Nó bắt đầu huyên thuyên kể về những gì nó thích và những người thân chung quanh nó. Lối kể chuyện của con bé thiệt là không mạch lạc chút nào. Từ chuyện này, nó nhảy qua chuyện khác cái rụp tựa như nó đang vất vả chạy theo cái tâm thức thay đổi luôn luôn trong đầu nó. Nó đang nói đến người mẹ, rồi lại nhảy qua con bạn thân đang khổ sở, buồn sầu vì đã không được đi theo nó. Rồi nó lại tưởng tượng tới cảnh chùa và buổi tu tập trong hai ngày sắp tới. Hình như nó nói chuyện mà không cần sự trả lời của gã. Nó nói một thôi, nghe chừng hiểu được gã đang chán phải nghe nó nói, nên quay lại hỏi gã:
“Còn ông. Ông cũng đi chùa hả?”
“Không. Tui đi có... công chuyện...”
Mà công chuyện gì kia chứ. Gã là một gã lang thang, sống đầu đường xó chợ. Ai mướn gì thì làm nấy. Trong quá khứ gã đã từng liên hệ tới băng đảng và giết người. Gã là một kẻ vô thần, không tin vào bất cứ ai ngoại trừ mình. Mà chính gã, đôi khi gã cũng chẳng tin lấy chính mình, vì nhiều lần toan tính đều bị trật lất. Đôi khi gã trộm nghĩ, cuộc đời ưa chơi khăm gã, đì gã miết tới độ gã không thể ngóc đầu lên nổi. Hôm nay, còn lại một ít tiền trong túi, gã định làm một cuộc hành trình qua một thành phố khác coi có gì khá hơn chăng, tình cờ lại gặp được con bé. Gã nhìn con bé thòm thèm. Lâu lắm rồi gã chưa được làm tình.
Ý nghĩ đó làm cho lòng gã rạo rực. Gã lén thò tay trong túi, sờ thấy được mấy viên thuốc kích thích tình dục nằm cồm cộm mà gã có được do một thằng du côn trả công gã trong lần khuân vác đồ cho nó tuần trước. Định bụng, tí nữa, trong giờ nghỉ lao ăn chiều, gã sẽ lén bỏ một viên trong ly nước của con bé. Ý nghĩ đó làm cho gã cảm thấy rạo rực và khó chịu ở phần dưới. Gã nhìn lén con bé. Lúc này, nó đang dựa đầu vào thành xe ngủ gà, ngủ gật. Chắc hẳn, sau một lúc nói chuyện liên tu, nó đã hết chuyện để nói và bắt đầu mệt.
Xe lao đi vun vút như nuốt lấy đường dài. Nhưng với gã, sao gã cứ thấy thời gian trôi qua chậm như rùa. Gã xoay trở luôn luôn. Mùi hương thơm nồng của con bé cứ tỏa ra thoang thoảng. Nếu như không có người chung quanh, có thể gã cũng đã làm bậy, xé quần, xé áo con bé ra rồi. Nhưng gã cũng phải cố. Cố gắng kìm giữ cái “con quỷ dâm dục” trong gã.
Cuối cùng rồi xe cũng ngừng lại ở một thành phố nhỏ. Mặt trời đã bắt đầu ngả bóng. Người tài xế nói oang oang, nhắc nhở trong khi mọi người lục tục xuống xe và tản mác vào trong những quán ăn:
“Xin bà con cô bác vui lòng trở lại đây sau 45 phút. Xe sẽ bắt đầu chạy lại đúng một tiếng nữa.”
Con bé đứng phắt dậy. Gã cũng đứng lên theo nhắc nhở:
“Nè cô em. Cô em đi theo tui nghe. Ngay dưới kia có cái quán ăn ngon lại rẻ tiền. Họ cũng dễ dãi lắm nghe. Vô trỏng, tui sẽ nhờ nhà hàng hâm cơm giùm cho cô em và xin đãi cô em ly nước...”
“Được mà. Nước thì em uống được. Nhưng... (ngập ngừng) Hay khỏi cần nhờ vả người ta hâm cơm chi. Em sợ phiền họ đó ông à. Mình đã không mua gì của người ta mà lại còn làm phiền người ta nữa!!”
Sợ con bé đổi ý. Hắn dễ dãi:
“Được. Cô em tính vậy cũng tốt...”
Gã đi theo sát con bé, như sợ nó bỗng biến mất. Còn con bé vẫn ngây thơ chẳng biết gì. Nó đeo cái túi trên lưng trở lại, theo dòng người xuống xe. Trong tâm nó thấy cái gã đàn ông này thật tốt. Mới có gặp vài tiếng trên xe đã giúp đỡ nó đủ thứ. Cả hai vào một quán vắng. Gã ép con bé vào một chiếc bàn ở góc quán, cố lấy giọng tự nhiên:
“Mình ngồi đây cho khỏe. Ăn uống xong là ra xe liền kẻo trễ nghe.”
Con bé nhìn quanh. Lòng hơi lo âu:
“Ông à, sao mình vô quán này vắng quá. Em thấy ai cũng vô cái quán gần xe, quán này xa xe quá, ông đưa em vô đây làm chi?”
Gã nói khỏa lấp:
“Chà... Sao cô em không biết gì hết. Quán vắng họ mới làm nhanh được. Cô em vô quán đông sợ kêu đồ ăn, làm chậm, ăn không kịp đó!”
Nghe gã nói như vậy, thấy có lý, con bé khe khẽ kéo ghế ngồi xuống. Đối diện với nó là gã đàn ông khắc khổ với khuôn mặt có vết sẹo dài. Trong cảnh tranh tối, tranh sáng của một buổi chiều gần tàn. Trông mặt gã thật đáng sợ, con bé có cảm tưởng như gã đang manh nha muốn nuốt chửng lấy mình. Vừa có ý nghĩ đó, con bé bỗng cảm thấy hối hận tột cùng. Sao lại đi nghĩ xấu cho một người đã từng tốt với mình đến thế? Nó sụp đôi mắt xuống lâm râm cầu nguyện. Nó sám hối những tư tưởng xấu mà nó vừa dành cho gã.
Người bồi bàn bưng ra hai ly nước lạnh và hỏi họ cần ăn gì. Gã đọc tên một món ăn rẻ tiền nhất. Vừa lúc người bồi quay đi, gã đàn ông đã nhanh như cắt, bỏ một viên thuốc nhỏ mà gã vừa xé ra từ một cái túi giấy. Gã ngoáy ly nước cho thật đều rồi đẩy về trước mặt con bé, trong lúc nó đang cúi xuống cầu nguyện và sám hối:
“Nè. Có nước cho cô em đây!”
Con bé ngước lên. Nhìn gã bằng một đôi mắt thiên thần, đầy sám hối. Nó thong thả lôi ra trong túi của mình một phần cơm trắng trộn với muối mè, nó để ngay ngắn trước mặt với ly nước gã vừa đẩy về phía nó. Chắp hai bàn tay lại nguyện khẽ:
“Nguyện cho thức ăn và nước uống này biến thành những thức trân vị và thánh thủy dâng lên chư Phật mười phương. Và xin nguyện cho con và toàn thể pháp giới chúng sanh có được một đời sống tinh thần và vật chất thong dong, hồi tâm vào đạo và khi mãn báo thân này được vãng sanh vào cõi Tịnh độ của Ngài.”
Đôi mắt con bé khép hờ. Khuôn mặt trong sáng thánh thiện của nó cùng câu nguyện trước khi ăn làm cho gã cảm thấy mình như vừa bị ai xáng cho một cú trúng đầu tới tối tăm mặt mũi. Trong một vùng tâm thức sâu thẳm nhất, gã nhìn thấy được khuôn mặt đứa con gái của gã, cũng khoảng bằng tuổi con bé ngồi trước mặt. Nhưng đó là một khuôn mặt tím bầm đầy những khổ đau của độc dược mà nó đã dùng để tự tử khi biết được trong bụng mình đang cưu mang một bào thai không có người thừa nhận. Đứa con gái gã chết tức tưởi ngay sau đó vài giờ.
Gã bỗng kêu rú lên khi nhìn con bé từ từ nâng ly nước lên môi, cùng lúc, như một phản xạ tự nhiên, tay gã vung lên, gạt mạnh vào ly nước, chiếc ly tuột khỏi tay con bé rớt xuống nền nhà vỡ tan. Gã nhìn thấy đôi mắt ngạc nhiên của con bé:
“Ồ... Ly nước đã đổ... (Ngước nhìn gã như nói một lời an ủi). Nhưng không sao ông ạ. Chắc chắn ông đã được ban phước lành vì em đã chú nguyện trong ấy rồi....”
Nhưng dường như gã không còn nghe con bé nói gì nữa. Gã lảo đảo đứng lên, chân tay thừa thãi, lóng cóng làm đổ nốt ly nước của mình trên bàn, lắp bắp:
“Tôi...tôi... tôi xin... lỗi em. Có lẽ...không cần nữa....”
Nói rồi, gã đi thẳng một mạch ra cửa. Để lại con bé ngồi ngơ ngẩn, chẳng hiểu có chuyện gì mà gã phải đi gấp tới thế?
*
Khoảng một tiếng sau. Chiếc xe bus lại bắt đầu chuyển bánh. Nếu có người để ý kỹ sẽ thấy trên xe còn một ghế bỏ trống bên cạnh chiếc ghế con bé đang ngồi...
Chiêu Hoàng
No comments:
Post a Comment