Friday, October 1, 2021

Xứ Đàng Trong Năm 1621 - Chương 11

 Chương 11: THIÊN VĂN

Trước hết nên biết về một ít tục lệ thịnh hành trong xứ này có liên quan tới thiên văn học, nhất là về những thiên thực. Họ ham hiểu biết khao này đến nỗi trong viện đại học (1) của họ có những phòng rất rộng lớn để giảng khoa này một cách công khai và người ta trích ra nhiều tiền thưởng và dành cho các nhà thiên văn lợi tức đặc biệt gồm có nhiều ruộng vườn để làm một thứ tiền lương. Chúa có các nhà thiên văn của chúa. Hoàng tử có các nhà thiên văn của hoàng tử. Những người này chuyên chú học hỏi để rồi thông báo cho đúng thời kỳ có thiên thực. Nhưng họ không có bộ lịch cải cách và những khoa chuyên nghiệp bàn về sự vận chuyển của mặt trời và mặt trăng nên họ thường tính rất sai về mặt trăng và nguyệt thực, do đó thường thường họ nhầm tới hai hay ba giờ và nhiều khi, tuy hiếm hơn, tới một ngày trọn, còn họ chỉ tính đúng về điều chính yếu của thiên thực (2).

Khi họ tính đúng thì họ được ban thưởng cho đất ruộng, trái lại nếu tính sai thì mất cả những ruộng đất đã được từ những lần trước. Khi có thiên thực, xứ này trở nên rất náo động. Trong thời gian đó, họ giữ những tập tục xung quanh mặt trời và mặt trăng. Họ sửa soạn các nghi lễ rất linh đình. Chúa được báo trước ra sắc lệnh cho tất cả các tỉnh trong nước và bắt các văn nhân cũng như thường dân phải chuẩn bị đợi ngày đó. Khi ngày đó tới thì tất cả các quan trấn tỉnh, các hàng quan khác, các tướng lãnh, kị binh và dân chúng cùng các viên chức, tất cả hội họp nhau trong mỗi thành phố và lãnh thổ. Nhưng cuộc tập họp chính yếu là ở trong phủ chúa, nơi có mặt tất cả các quan cao cấp trong nước, tất cả đều ra ngoài đem theo vũ khí và cờ hiệu. Chúa đứng đầu mặc y phục tang chế, rồi tất cả triều đình, họ nhìn ngắm mặt trời và mặt trăng, và trong khi thấy thiên thực thì họ quỳ xuống lạy một hay hai hay nhiều lần, nói mấy lời thương xót vị hành tinh đang chịu cực nhọc và thống khổ. Bởi vì họ cho rằng thiên thực không là gì khác, nếu không phải là mặt trời và mặt trăng bị con rồng nuốt và thay vì nói như chúng ta là mặt trăng bị khuất một nửa hay bị khuất hết, thì họ lại nói. Da an nua, da an het, có nghĩa là con rồng đã ăn một nửa, con rồng đã ăn hết tất cả.

Cách nói của họ tuy có vẻ quá đáng, nhưng lại nói lên được cái cơ bản của thiên thực, cũng một nguyên tắc như chúng ta, nghĩa là do đường hoàng đạo là đường chính và là đường của mặt trời gặp đường của mặt trăng trong khi vận chuyển, đó là hai điểm gọi là đầu và đuôi của con rồng, như các nhà thiên văn thường nói, do đó dễ đi đến kết luận là họ cũng có cùng một lý thuyết với chúng ta về thiên thực, sử dụng cùng từ ngữ và tên gọi con rồng, họ cũng có những từ như Lâu (Aries), Tất (Taurus), Tĩnh (Gemini) và những từ khác để chỉ các cung hoàng đạo.

Nhưng chúng ta hãy trở lại việc các dân tộc này thương xót các hành tinh: sau khi họ đã thờ lạy rồi thì chỉ còn nghe thấy tiếng súng hỏa mai, súng musqueton, súng đại bác người ta bắn, thứ nhất là từ phủ chúa, sau từ khắp kinh thành, hết các chuông đều đổ inh ỏi, nào kèn thổi, nào trống đánh, tóm tắt là người ta không bỏ một dụng cụ nào, kể cả soong nồi và những dụng cụ làm bếp khác mà không đem ra khu vang trong thời gian đó, nghe rất ồn ào và inh ỏi. Họ nói là làm thế để ngăn cản không cho con rồng nuốt mặt trời và mặt trăng hay để bắt nó phải nhả và mửa vật nó đã nuốt.

Nói chung thì như vậy. Bây giờ tôi xin nói riêng đến việc có liên quan tới vụ nguyệt thực xảy ra ngày mồng 9 tháng 12 năm 1620 vào 11 giờ thiên văn, nghĩa là một giờ trước nửa đêm. Vào chừng thời gian này tôi đang ở Nước Mặn thụôc tỉnh Quy Nhơn, tại đây có một tướng lãnh cai quản khu chúng tôi ở. Một lần ông đến thăm chúng tôi, mấy ngày trước khi xảy ra nguyệt thực, chúng tôi có bàn về việc đó. Ông quả quyết là sẽ không có và ông cực lực bác lại lời chúng tôi, mặc dầu chúng tôi đã cho ông thấy sự thực bằng cách tính toán của chúng tôi và cả cách thức nguyệt thực sẽ xảy ra, tất cả đã được vẽ trong sách của chúng tôi. Nhưng không tài nào làm cho ông tin được. Ông rất cố chấp và quả quyết là nếu có nguyệt thực thì hẳn chúa đã cho biết trước một tháng trong toàn cõi, theo tục lệ. Bây giờ chỉ còn tám ngày mà vẫn chưa có sắc lệnh ban hành trong nước, như thế là dấu hiệu hiển nhiên cho thấy là không có nguyệt thực xảy ra. Mà vì ông cứ cố chấp quả quyết ngược lại những điều chúng tôi nói, nên ông thách chúng tôi, ai thua thì phải mất cho người được một Cabaia (là một thứ áo bằng lụa). Chúng tôi vui lòng thỏa thuận như thế, nếu chúng tôi thua, chúng tôi cũng sẽ vui lòng biếu ông chiếc áo dài còn nếu chúng tôi được thì thay vì áo dài, ông phải đến nghe giáo lý tám ngày (3) trong nhà chúng tôi và nghe những gì thuộc về đạo thánh của chúng tôi. Ông đáp, tôi bằng lòng và không những thế mà còn tin theo Kitô giáo nếu quả thực tôi thấy có nguyệt thực, và hơn nữa, ông nói: nếu những sự bí ẩn ở trên trời như các thiên thực, các cha hiểu biết xác đáng và chắc chắn, còn hiểu biết chúng tôi chỉ là sai lầm, thì là đạo của các cha và sự hiểu biết về Thiên Chúa thật, không thể không đích đáng và đạo của chúng tôi hoàn toàn sai lầm. Thời điểm xảy ra nguyệt thực mà chúng tôi đã tiên đoán đã đến, viên tướng lãnh đến nhà chúng tôi, đem theo nhiều học trò và nho sĩ để làm chứng về những gì sẽ xảy ra, nhưng vì nguyệt thực chỉ bắt đầu từ 11 giờ thiên văn, nên trong thời gian đó tôi đi đọc kinh nguyện, tôi cũng nhớ quay trở đồng hồ cát chừng một giờ trước. Nhưng họ liên tục đến gọi tôi như có vẻ thách thức ra coi nguyệt thực, họ cho rằng tôi lui vào nhà trong không phải để đọc sách nguyện mà để che giấu sự hổ thẹn vì thực ra không xảy ra. Họ rất bỡ ngỡ thấy tôi trả lời quả quyết là chưa tới giờ và phải kiên nhẫn một chút cho đến khi đồng hồ cát của tôi mà họ nhìn ngắm như một đồ vật từ ở thế giới bên kia rơi xuống (4). Và khi tôi bước ra ngoài, tôi chỉ cho họ thấy là vòng mặt trăng không hoàn toàn tròn như thường lệ vào lúc bắt đầu có nguyệt thực, rồi tối dần tối dần, thế là sáng tỏ sự thật như tôi đã tiên đoán. Viên tướng lãnh và các văn nhân đều ngạc nhiên về sự việc xảy ra, tức thì họ truyền lệnh cho người ta tới các nhà trong khu phố và tới khắp các phố phường loan tin có nguyệt thực, mọi người chạy ra để khua chuông đánh trống và làm các nghi lễ như thường lệ để cứu mặt trăng trong cơn nguy khốn.

Một trường hợp tương tự đồng thời đã xảy ra, giữa những người và ở một địa điểm quan trọng hơn nhiều. Chúng tôi biết rằng các nhà toán học của chúa không biết nguyệt thực này, trái lại các nhà toán học của hoàng tử lần này chuyên chú học hỏi nên biết là có nguyệt thực ở Quảng Nam nhưng với một sai lầm quan trọng, không phải họ chỉ lầm hai hay ba giờ mà một ngày tròn. Họ công bố sẽ có nguyệt thực vào ngày Rằm nghĩa là một ngày trước khi xảy ra nguyệt thực thực sự. Cha Francois de Pina lúc đó đang ở trong phủ, cha báo tin cho một cận thần, ông này ở gần hoàng tử hơn các vị khác, lúc nào cũng theo ngài với tính cách người chủ nghi lễ, và theo chức vụ được gọi là ông nghè (5), và nhờ vị này thưa với ngài là nguyệt thực không thể xảy ra vào thời điểm như nhà chiêm tinh đã loan báo, mà là vào ban đêm hôm sau như cha Cristoforo Borri đã nói. Cha nhờ ông cho chủ ông là hoàng tử biết tin đó và cũng cho ngài thấy sự sai lầm của các nhà chiêm tinh. Nhưng ông nghè chưa tin lời cha cho lắm. Vì không hoàn toàn tin tưởng nên cũng không muốn nói. Thế rồi đến giờ các nhà chiêm tinh đã đoán thì chúa và cả phủ ra xem nguyệt thực theo cách thức của họ và cứu mặt trăng mà họ tưởng là sắp bị ăn. Nhưng thấy rõ là đã bị lừa, ngài rất giận các nhà toán học và truyền bớt một tỉnh lợi tức họ đã được theo tục lệ chúng tôi đã nói trên, khi họ tính sai. Bấy giờ ông nghè lợi dụng cơ hội thưa với chúa là đạo trưởng Tây dương đã nói với mình, trước khi xảy ra, là đêm sau mới có.

Thế rồi ông nghè đến tìm cha để biết chắc chắn thời điểm nguyệt thực. Cha cho biết theo đồng hồ và các dụng cụ khác, là sẽ xảy ra đúng 11 giờ đêm sau. Nhưng ông cũng chưa lấy làm chắc và vì ngờ vực, ông không muốn đánh thức chúa khi chưa thấy rõ nguyệt thực bắt đầu. Chờ cho tới lúc đó ông mới chạy đến đánh thức ngài và vội vã cùng mấy người cận thần làm các nghi lễ kính bái và cúng tế theo tục lệ khi có nguyệt thực. Ông cũng không dám công bố biến cố này ra vì sợ làm mất uy tín của các nhà toán học và sách vở họ dùng.

Sau khi nói về nguyệt thực thì chúng tôi xin kết thúc chương này bằng một vụ nhật thực xảy ra vào ngay 22 tháng năm năm 1621. Trong vụ này, các nhà thiên văn của chúa tiên đoán là sẽ xảy ra và kéo dài trong hai tiếng đồng hồ. Nhưng vì họ rất tín nhiệm chúng tôi về vấn đề này và để biết chắc chắn hơn, họ đến tìm chúng tôi để xem chúng tôi nghĩ sao. Tôi cho họ biết rằng chắc chắn sẽ có nhật thực và không gì xác đáng hơn. Chúng tôi cho họ coi đường vẽ trong lịch của chúng tôi. Nhưng tôi cố ý không nói cho họ biết là vì thị sai của mặt trăng với mặt trời nên trong xứ Đàng Trong không thể trông thấy được. Họ không biết thế nào là thị sai. Do đó theo sách và cách tính của họ, họ thường nhầm lẫn, không tìm đúng thời điểm. Tôi khất họ một thời gian ngắn để coi rõ lại điểm này.

Tôi chỉ nói chung chung với họ là cần phải đo lại trời với đất để xem nhật thực có thể thấy được ở Đàng Trong hay không và như vậy tôi có ý hoãn câu trả lời cho tới lúc họ công bố có nhật thực. Sau cùng, họ thích thú vì thấy sách của chúng tôi phù hợp với ý kiến của họ và không đào sâu hơn nữa, họ chắc chắn là sẽ có nhật thực và đưa tin cho chúa. Chúa liền công bố sắc lệnh và truyền giữ và làm những việc theo thông tục. Khi sai lầm của các nhà thiên văn đã được phổ biến đi khắp nơi thì tôi cho biết là nhật thực này không thể xem thấy ở bất cứ nơi nào trong xứ Đàng Trong. Điều này đến tai hoàng tử. Để biết rõ sự thật, ông sai các nhà toán học đến hỏi ý kiến tôi và tranh luận về vấn đề này. Kết quả cuộc tranh luận là về phía họ, họ rất lúng túng và phân vân làm cho hoàng tử lưỡng lự, không biết trong lãnh thổ thuộc quyền ông, có nên theo ý kiến là sẽ có nhật thực như đức thân phụ ông đã công bố hay nên nói ngược lại. Điều làm ông khó xử hơn cả và là điều ông chú ý hơn hết, đó là không những các sách của họ mà cả sách của chúng tôi cùng nói là sẽ có nhật thực và ông sẽ mất uy tín nếu không công bố như thường lệ. Thế nhưng lòng tin tưởng vào lý thuyết của chúng tôi, trong dịp nguyệt thực mới xảy ra đây, ngăn cản không cho ông giải quyết. Đến nỗi để khỏi nghi ngờ, ông lại phái người tới hỏi chúng tôi một lần nữa để cho biết chúng tôi còn quả quyết nữa không. Tôi đáp là sau khi đã làm tất cả các phép toán và đã tính rất kỹ thì tôi thấy một cách không thể sai lầm rằng không một nơi nào trong nước ông có thể thấy nhật thực vì thế ông không phải lo lắng cho công bố gì nữa.

Ngày đó trời đẹp, sáng và trong, không có chút mây nào. Vả lại vào tháng 5, mặt trời ở xứ này chiếu thẳng trên đầu và vào khoảng 3 giờ chiều, giờ phải xảy ra điều họ kể, giờ mọi người chịu nóng bức. Thế nhưng chúa không quên ra khỏi phủ với các cận thần, chịu mệt nhọc trong thời gian chờ đợi, nhưng không có chuyện gì xảy ra chúa bực tức đã khiển trách họ rất nặng lời và quở mắng họ rất nghiêm khắc. Họ tạ lỗi, và cho là nhật thực chắc chắn xảy ra, nhưng trong khi tính toán họ đã nhầm lẫn một ngày liên quan tới sự giao hội của mặt trăng và chắc chắn là ngày mai cũng vào giờ này sẽ có nhật thực. Chúa tin lời họ nói và ngày hôm sau vào đúng giờ này, chúa chẳng nhận thấy được gì ngoài cái nóng bức như ngày hôm trước. Các nhà toán học lại một phen nữa bị chúa trách phạt.

***********************

Chú thích

(1) Có thể là quá đáng không?

(2) Trình độ nghiên cúu lịch và khoa học thiên văn của ta thời đó khá thấp kém. Xem Hoàng Xuân Hãn, Lịch và Lịch Việt Nam, tập san KHXH Paris 1982, tr.54-58

(3) Nghe giáo lý trong tám ngày. Có liên hệ tới Phép giảng tám ngày của De Rhodes không?

(4) Hẳn không ngoa vì trình độ khoa học, cơ giới của ta thời đó quá thấp, ngay cả chúa Sãi cùng cận thần cũng không hơn.

(5) Có thể lúc này Sãi vương có mặt ở Quảng Nam, vì ngài ở Ai tử thuộc Quảng Bình. Như vậy Borri thuật lại vụ nguyệt thực ở Quy Nhơn (Nước Mặn) và Quảng Nam nữa, lúc này có De Pina

Xem tiếp 👉 Chương 12: ĐỜI SỐNG TINH THẦN Ở ĐÀNG TRONG 👈

Xem lại 👉 Chương 10: QUAN TRẤN TỈNH QUY NHƠN QUA ĐỜI 👈

No comments:

Post a Comment