Chương 13: VỀ XỨ ĐÀNG NGOÀI
Trong năm năm (1) ở Đàng Trong, tôi chuyên cần tìm hiểu và học để biết chắc chắn những gì liên quan đến Đàng Ngoài; ngôn ngữ là ngôn ngữ chung vì cả hai xứ đều thuộc về một quốc gia. Theo những câu chuyện những người từ Đàng Trong tới tỉnh Quy Nhơn, nơi tôi thường trú, kể lại, tôi sẽ chỉ thuật lại những gì cần thiết cho việc tìm hiểu xứ Đàng Trong và việc cai trị xứ này vẫn còn thuộc về Đàng Ngoài.
Về địa thế, không kể Đàng Trong phụ thuộc vào Đàng Ngoài, thì gồm có 4 tỉnh có bề rộng và bề dài bằng nhau, ở giữa là kinh thành của Đàng Ngoài, tên kinh thành này cũng là tên cho cả nước (2), ở đây có triều đình và có vua cai trị. Kinh thành thì ở giữa có bốn tỉnh vâyquanh như một hình vuông góc, các tỉnh khá lớn, diện tích cả nước gấp bốn lần Đàng Trong. Phía Đông là vịnh Hải Nam, giữa có con sông lớn, thuyền bè đi lại được, nó bắt nguồn từ tỉnh Đàng Ngoài xa chừng 18 dặm, có một số thuyền Nhật Bản.
Nước sông này thường dâng lên vào tháng sáu và tháng một, làm ngập hầu như cả nửa kinh thành, nhưng lụt này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Về phía Nam thì gần Thuận Hóa, như chúng tôi đã nói, thuộc về Đàng Trong; về phía Bắc thì giáp với Trung Quốc, nhưng không cần có luỹ tường che chở, vì thế sự giao thông đi lại giữa người Trung Hoa và người Đàng Ngoài rất thường xuyên, không cần tường luỹ, không cần cửa đóng then cài, họ đều buôn bán với các người ngoại quốc khác. Sau cùng, về phía Tây là nước Lào, nơi cha Alexandre de Rhodes người thành Avignon thuộc dòng chúng tôi đã từ Đàng Trong mà tới (3). Tôi cho rằng nước Lào cũng ở cạnh Tây Tạng là đất mới khám phá ra, tôi cũng cho là Tây Tạng cách xa và rộng ở cạnh nước Lào, theo vị trí thì thấy hai nước này đều rộng lớn. Cho nên tôi nghĩ là không thể có nước nào chen vào giữa hai nước đó và cũng vì các cha đã tới đó đều khẳng định là tỉnh cuối cùng của Tây Tạng, về phía Đông thì ở cạnh và thông thương với dân tộc bán nhiều tơ lụa và bát đĩa bằng đất nung tinh xảo và quý như ở Trung Quốc với nhiều hàng hóa khác, mà chúng tôi biết rằng là Đàng Ngoài có rất nhiều người thường bán cho người Lào.
Về việc cai trị ở xứ này thì các vua chúa nối tiếp nhau như sau. Quyền tối cao của nhà vua thì ở trong tay một người gọi là bua, thế nhưng vị này không dính vào việc nước, ông trao tất cả quyền hành cho một người thân tín gọi là chúa với đủ mọi thế lực rộng lớn và biệt lập, khi hòa bình cũng như lúc chiến tranh, đến nỗi vị này hầu như không còn nhận ai là kẻ trên mình nữa. Nhà bua thì ngự trong đền, xa hết mọi việc trong nước, chỉ giữ lại cho mình một sự tôn sùng bề ngoài như thể một vị thần thiêng liêng với quyền ban hành luật pháp, chuẩn y sắc lệnh hay chỉ dụ. Khi chúa mất thì bao giờ cũng để cho con mình kế vị trong việc trị nước; thế nhưng thường xảy ra cái nạn, các người quản trị những người con đó cũng ham chức vị và cho giết đi để tranh giành quyền làm chúa (4).
Thế lực của các chúa rất rộng lớn, vì đi liền với một nước rộng lớn có dân số đông gấp ba hay bốn lần dân Đàng Trong; còn quân đội thì như chúng tôi đã nói ở trên, có thể lên tới 80.000 người. Nên không khó gì khi chúa muốn thì chúa có thể cho mộ thêm cho tới 300.000 hoặc hơn với đầy đủ vũ khí, bởi vì các tướng lãnh trong nước như ở nước chúng ta có các công hầu bá tước, họ phải tự lực cung cấp đủ cho cuộc chiến tranh (5). Còn lực lượng của nhà vua thì không quá 40.000 binh lính hộ vệ; thế nhưng các chúa Đàng Ngoài và cả Đàng Trong đều công nhận ông là kẻ bề trên và cả một chúa khác chúng tôi đã nói ở phần một, ông này đã trốn lánh trong tỉnh giáp với Trung Quốc, mặc dầu ông vẫn luôn làm ngụy (6).
Khi chúng tôi nói vương quốc này theo dòng truyền kế thì chúng tôi cũng nói về nhà vua, bao giờ cũng có thế tử kế nghiệp để giữ dòng truyền thống đế vương; đó là tất cả những gì tôi muốn vắn tắt nói về Đàng Ngoài theo những điều tôi được biết khi tôi trở về Châu Au.
**************
Chú thích
(1) Lại một lần nữa, chúng ta xem năm 1622 là năm Borri bỏ Đàng Trong chứ không phải năm 1621, Đỗ Quang Chính cũng sai vì chỉ cho Borri ở Đàng Ngoài trong 3 năm, chứ không phải 5 năm (xem: Sd, tr.27)
(2) Từ đời Lê, đổi Đông Đô thành Đông Kinh, và người ngoại quốc gọi xứ Bắc là Đông Kinh (Tunquim, Tonquin, Tonkin)
(3) Thực ra không bao giờ De Rhodes tới Lào, chỉ có Raphael de Rhodes là người con tinh thần của Alexandre de Rhodes đã tới Lào rồi lập nghiệp ở xứ Bắc (xem Lịch sử việc truyền giáo Tây Tạng của Launay)
(4) Thực ra chưa bao giờ xảy ra, con các chúa Đàng Ngoài thảy đều kế nghiệp cha: Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn…
(5) Chế độ phong kiến ở Bắc cũng khác chế độ phong kiến ở Châu Au. Các công hầu bá tước chỉ có quyền trong khi sống, sau đó thuộc về nhà vua nhà chúa; các hoạn quan đứng đầu một tỉnh, sau khi mất thì thuộc về nhà vua; khi có đám rước thì chúa đi voi, còn vua đi kiệu; nhà chúa tổ chức hết các cuộc đón tiếp phái đoàn ngoại giao, các cuộc thi đua tập dượt, trừ có phái đoàn ngoại giao Trung Quốc thì thuộc về nhà vua.
(6) Nhà Mạc ở Cao Bằng
Xem tiếp 👉 KẾT LUẬN 👈
Xem lại 👉 Chương 12: ĐỜI SỐNG TINH THẦN Ở ĐÀNG TRONG 👈
No comments:
Post a Comment