Friday, October 1, 2021

Xứ Đàng Trong Năm 1621 - Chương 6

Chương 6: VỀ HÀNH CHÍNH VÀ DÂN CHÍNH NƠI NGƯỜI ĐÀNG TRONG
 

Lính Đàng Trong năm 1793

Tôi sẽ nói vắn tắt đủ để hiểu biết một cách ngắn gọn. Bởi vì nếu tôi trình bày dài dòng quá thì tôi sẽ đi xa ý tôi đã định cho tôi trong bản tường trình này. Nói chung thì việc hành chính có cái gì giống như ở Nhật và ở Tàu. Thế nhưng, người Nhật trọng nhiều về võ thuật hơn về học thuật. Trái lại người Tàu trọng nhiều về học thuật và coi thường võ thuật. Người Đàng Trong không hoàn toàn xa người Nhật và lại cũng gần người Tàu, nghĩa là ở giữa và cũng theo tinh thần của dân tộc mình, vừa trọng võ vừa chuộng văn tuỳ theo cơ hội. Do đó họ thưởng và đặt lên các chức vụ và cấp bậc trong nước, khi thì là các tiến sĩ, lúc thì là các tướng sĩ, họ chỉ định và cắt đặt lúc thì người này khi thì người kia tuỳ theo nhu cầu.

Xứ Đàng Trong có nhiều trường đại học 1 trong đó các giảng viên và các cấp bậc được cất nhắc lên theo lối khoa cử, cũng như ở Tàu. Họ cũng dạy các khoa, dùng những sách và tác giả như nhau, như Khổng Tử theo kiểu nói của người Bồ. Ông là một tác giả uyên thâm, với giáo thuyết sâu sắc và có uy tín nơi họ, cũng như nơi chúng ta, chúng ta có Aristote 2. Và thực ra ông kỳ cựu hơn. Sách của ông chứa đầy lý lẽ bác học, nhiều chuyện lạ, nhiều châm ngôn sâu sắc, nhiều tục ngữ và nhiều sự tương tự, tất cả đều bàn về thuần phong mỹ tục, như chúng ta có Seneca, Caton, và Ciceron 3. Phải mất nhiều năm học mới có thể đọc được các câu, các chữ, và các hình để viết. Cuốn sách họ chuộng hơn cả và họ quý trọng hơn cả là cuốn bàn về triết học luân lý gồm có đạo đức học, kinh tế học và chính trị học. Thật là thích thú khi thấy và nghe họ học trong lớp, họ đọc và lớn tiếng xướng bài như thể ca hát. Họ phải làm như thế để cho quen và tập cho mỗi lời một cung giọng riêng của nó, vì có rất nhiều, mỗi lời chỉ nhiều việc, tất cả đều khác nhau. Vì thế, để đàm thoại với họ thì cần phải biết những lý thuyết về âm nhạc và phép đối âm.

Tiếng nói thông thường thì khác với chữ viết họ dạy và họ đọc khi học và viết. Cũng như ở nơi chúng ta tiếng bình dân chung cho tất cả thì khác, còn tiếng Latinh chỉ dạy trong trường thì khác 4. Đây là điểm khác với Trung Hoa, văn nhân hay quý phái cũng chỉ có một thứ tiếng nói gọi là quan thoại, nghĩa là tiếng các tiến sĩ, quan tòa và quan cai trị.

Còn chữ viết như chữ in trong sách thì có tới tám mươi ngàn chữ tất cả đều khác nhau. Vì thế các cha dòng Tên phải mất tám và có khi mười năm để học những sách ấy trước khi trở nên tinh thông và có thể đối đáp giao thiệp với họ. Nhưng người Đàng Trong đã rút bớt rất nhiều, chỉ còn giữ lại chừng ba ngàn chữ họ thường dùng để viết văn bài, thư tín, đơn từ, ký sự và những sự khác không liên quan tới sách in, thiết yếu phải soạn bằng chữ Hán. Người Nhật còn tài giỏi hơn, mặc dầu về sách viết và sách in, họ gắng theo người Tàu, nhưng về các việc thường thức họ đã sáng chế ra bốn mươi tám chữ phối hợp với nhau để diễn đạt và trình bày tất cả những gì họ muốn, không hơn không kém gì những vần a, b, c của chúng ta.

Nhưng mặc dầu có thứ chữ này, chữ Hán vẫn rất thông dụng ở Nhật. Bốn mươi tám chữ này tuy tiện lợn hơn để diễn đạt tư tưởng, nhưng không được trọng bằng, đến nỗi người ta khinh chê coi như chữ của đàn bà.

Việc phát minh tốt đẹp và tài tình về ngành in đã được thực hiện ở Trung Hoa và Đàng Trong trước khi được biết đến ở Châu Au, mặc dầu chưa được hoàn bị. Họ không xếp chữ nhưng dùng cái đục hay dao mà khắc hay đục trên một tấm gỗ những hình thái chữ mà họ muốn in trên sách. Rồi họ trải giấy trên bàn gỗ đã khắc đã gọt và cho vào ép cũng như cách chúng ta làm ở Châu Au khi người ta in trên phiến đồng hay vật gì tương tự.
Ngoài những sách chúng tôi đã nói là những luận thuyết về luân lý, họ còn có những sách khác, như họ nói, giảng về những sự thần linh như về việc sáng tạo và khởi thuỷ vũ trụ, về linh hồn, về ma quỷ thần thánh và nhiều giáo phái khác, những sách này gọi là sách kinh khác với những sách đời gọi là sách chữ 5. Chúng tôi sẽ nói về lý thuyết các đạo chúa đựng trong những sách đó ở phần thứ hai bản tường trình này, như vậy đúng chỗ của nó hơn.

Mặc dầu ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống ngôn ngữ người Trung Hoa, vì cũng như người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, nhưng có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú hơn và dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tài sành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng và các dấu khác nhau 6.

Tiếng Đàng Trong, theo tôi, là một tiếng dễ hơn các tiếng bởi vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ 7 nhưng chỉ có một tiếng hay lời nói rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay tương lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại là thay thế cho tất cả những biến cách và tất cả những thì, tất cả những ngôi cũng như những sự khác liên quan tới số và biến cách. Thí dụ động từ avoir trong ngôn ngữ Đàng Trong có nghĩa là có, từ này không thay đổi gì. Người ta thêm một đại từ vào là người ta có thể thay đổi cách sử dụng và như thế chúng tôi chia động từ này như sau: tôi có, anh có, nó có 8. Họ chỉ cần một đại từ mà không trực tiếp thay đổi động từ. Cũng vậy, để chỉ các thì khác nhau thì họ nói, về thì hiện tại: tôi bây giờ có, về thì quá khứ: tôi đã có; về thì vị lai: tôi hoặc sau hoặc sẽ có. Ở cả hai thí dụ trên, từ có không bao giờ thay đổi 9.

Do đó người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học được đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn 10.

Nhưng để bắt đầu lại câu chuyện chính của tôi, tôi đã nói rằng người Đàng Trong không những chỉ trọng các văn nhân, tán thưởng trình độ học vấn uyên thâm của họ, nâng họ lên những chức vụ cao và có thế giá, phát cho họ lương bổng hậu hĩ, mà còn rất quý trọng những người can tràng, có giá trị và giỏi giang về võ bị. Nhưng họ cai trị và khác chúng ta, họ không có tục lệ làm như ở Châu Au chúng ta. Bởi vì đáng lý ra họ ban phát cho các tướng lãnh có tài có công, như người ta thường làm nơi chúng ta, một lãnh thổ, một bá tước địa, một thái ấp hầu tước để thưởng công họ, thì họ lại thưởng bằng cách đặt dưới quyền người họ thưởng một số nhân đinh và một số nhân khẩu và lính hầu nhất định của chính nhà vua 11. Những người này ở bất cứ nơi nào trong nước đều phải nhận người được thưởng là chủ, phải phục dịch bằng binh khí, trong tất cả mọi trường hợp người này cần tới, nộp tất cả các khoản thuế mà cho người này như trước đó họ nộp cho chính nhà vua vậy.

Vì thế, thay vì chúng ta nói người này là chúa cai quản một địa điểm nào, là bá tước hay vương hầu cai trị một lãnh thổ nào thì họ lại nói người này là một nhân vật có năm trăm đinh, người kia có một ngàn đinh, chúa cứ tăng số đinh cho người này, người khác một ngàn, hai ngàn là tăng thêm quyền, thêm thế giá, thêm nguồn lợi và tăng thêm của cải cho họ khi cho họ thêm lính hầu mới. Về các cuộc chiến tranh của họ, tôi sẽ nói ở chương sau. Còn ở đây, tôi phải nói về một việc đáng được biết, có liên quan tới dân chính. Thứ nhất họ xét xử các sự việc rất nhanh chóng, như người ta thường làm trong quân đội và như người ta thường nói “trong thời chiến” (more belli), chứ không kéo dài nơi tòa án qua đường lối các quan tòa, các công chứng viên, các biện lý với tất cả tờ bồi, thủ tục. Các vị khâm sai và các quan trấn thủ các tỉnh làm hết các chức vụ đó. Các ông ngồi tòa mỗi ngày bốn giờ liền, trong một cái sân đẹp và rộng, ngay giữa tư dinh của mình, hai giờ buổi sáng và hai giờ buổi chiều.

Những ai tranh tụng thì tới đó, trình bày khiếu nại và tố tụng. Vị khâm sai hay quan trấn thủ tự vào cửa sổ mà nghe người này người kia lần lượt trình bày, kêu cả. Thường thì các quan này là những người có óc phán đoán ngay thẳng, biết nghe và có kinh nghiệm trong các vụ tố tụng. Các ngài tra hỏi hai bên một cách xác đáng, nhất là để ý tới ý kiến của người phụ tá. Rồi hội ý với nhau, chấp nhận cho bên nguyên hay bên bị, nên họ dễ dàng nhận ra sự thực của vụ việc và tức thì không trì hoãn, họ lên tiếng công bố án xử và người ta tức khắc cho thi hành không khiếu nại hay hình thức tố tụng nào khác nữa, hoặc là án tử hình hoặc là án phát vãng hay phạt trượng, phạt tiền: các ngài lên án phạt tội mỗi người theo hình phạt luật định.

Các trọng tội thông thường phải thú nhận và bị phạt nặng thì rất nhiều. Nhưng người ta trừng phạt nghiêm khắc nhất những kẻ gian dối, trộm cướp và ngoại tình. Khi hạng thứ nhất thú nhận là đã vu cáo một người về một trọng tội mà người đó không phạm thì sẽ bị phát rất ngặt, nghĩa là chịu hình phạt đáng lý ra người kia phải chịu nếu thực sự đã phạm cái tội người ta tố cáo. Nếu trọng tội người ta cáo gian đáng phải tử hình thì người cáo gian này sẽ phải xử tử. Và thực tế cho thấy cách xử này là cách tốt nhất để biết đích xác sự thực. Còn kẻ trộm cướp thì bị phạt chiếu theo của ăn trộm, ăn cướp, nếu chúng lấy một của gì quan trọng thì phải chém đầu, nếu là của không đáng giá bao nhiêu, thí dụ một con gà, thì bị chặt ngón tay nếu là lần thứ nhất, nếu còn tái phạm thì bị chặt ngón khác, nếu bị bắt lần thứ ba thì bị cắt tai, lần thứ tư thì bị cắt cổ.

Kẻ ngoại tình, phái nam cũng như phái nữ bất kể, sẽ bị trừng phạt về trọng tội của họ bằng cách để cho voi giày theo cách thức như sau. Người ta dẫn phạm nhân ra khỏi thành tới một thửa ruộng và trước mặt rất đông người đến coi, người ta đặt thủ phạm ở giữa, tay chân bị trói, ở ngay cạnh con voi. Rồi người ta tuyên án phạt kẻ sắp bị xử và thi hành án xử theo từng điểm một. Trước hết voi dùng vòi quấn, rồi nắm và ép chặt tội nhân và nâng tội nhân lên cao, đưa ra cho mọi người trông thấy, rồi tung lên cao và đón tội nhân rớt xuống trúng ngà. Tội nhân từ cao rớt xuống và vì nặng nên cắm sâu vào ngà, tức thì voi hất người đó xuống đất rồi dẫm chân lên và đạp cho tan nát. Voi làm việc này mà không bỏ sót một điểm nào làm cho mọi người có mặt sửng sốt và sợ hãi. Vì chứng kiến hình phạt kẻ khác chịu mà mọi người phải giữ trung thành trong đạo vợ chồng.

Không phải ngoài đề vì chúng tôi vừa nhắc tới hôn nhân, nếu chúng tôi kể qua ở đây mấy đặc điểm riêng biệt để kết thúc chương này. Không bao giờ thấy người Đàng Trong, tuy còn là lương dân, lại kết hôn trong những bậc bị luật Thiên Chúa và luật tự nhiên cấm đoán, rất ít trong bậc thứ nhất thuộc hàng ngang giữa anh chị em họ 12. Những cấp bậc khác được phép thì ai cũng được, miễn là chỉ có một vợ. Thực ra, những người giàu có, càng có thế giá và có của thì họ có tục lấy nhiều vợ mọn. Họ còn cho là biển lận và keo kiệt nhựng ai không cưới nhiều vợ khi mình có đủ tiền của để dễ dàng làm việc này.

Những vợ mọn được gọi bà hai, bà ba, bà tư tuỳ theo thứ tự mỗi người. Tất cả đều là nàng hầu của bà vợ cả. Bà này được trọng nể là vợ đích thực, vợ chính thức. Chính bà vợ này chọn các nàng hầu tuỳ theo ý mình và cưới về cho chồng. Hôn nhân của họ không bền chặt vì luật xứ Đàng Trong cho phép li dị, tuy không phải chỉ để tuỳ ý và tuỳ thích của bên này hay bên kia. Để ly dị, điều cần thiết phải làm trước tiên là chứng tỏ được tại sao mình xin ly dị, vì có nhiều tội nặng tỏ tường, nếu có tội thật thì được xin ly dị và lấy người khác. Vì chồng quản lý tài sản của vợ nên họ cũng bỏ nhà mình đến ở nhà vợ mới. Họ được vợ nuôi, vợ lo cho hết các việc trong nhà, còn chồng ở trong gia đình chẳng làm gì, không vất vả gì và nếu chỉ có một vài đồng thi họ cũng bằng lòng vì được mọi sự cần dùng về ăn uống và ăn mặc.


*************************

Chú thích

(1) Nhưng thực ra có hoàn toàn như Borri nói không? Ở Đàng Trong, nhà Nguyễn cũng bắt chước Đàng Ngoài mở các khoa thi.
(2) Aristote nhà triết học thời danh Hy Lạp thế kỷ 4 tr.c.n.
(3) Các văn sĩ Latinh, Roma; Seneca thế kỷ 1 s.c.n, Caton thế kỷ 3-2 tr.c.n, Ciceron nhà hùng biện đại tài thế kỷ 1 tr.c.n.
(4) Thời đó người ta còn dùng Latinh để giảng dạy ở các trường đại học, còn tiếng mẹ đẻ thì mới manh nha.
(5) Kinh là kinh điển như Tứ thư, Ngũ kinh, còn sách là sách viết thông dụng không thuộc kinh điển.
(6) Hoa ngữ có năm thanh, còn Việt ngữ có sáu thanh.
(7) Chia động từ: conjugaison, biến cách: déclinaison, trong La ngữ.
(8) Động từ tiếng Pháp avoir (có) j’ai (tôi có), tu as (anh có), il a (nó có), nous avons (chúng tôi có), vous avez (các anh có), ils ont (chúng nó có).
(9) Một động từ avoir có thể thay đổi hình dạng rất nhiều tuỳ theo khi nói về hiện tại, quá khứ, tương lai, nghi vấn, truyền khiến v.v…
(10) Borri thú nhận, tuy biết tiếng Việt, nhưng chưa đủ để giảng dạy giáo lý cho chu đáo.
(11) Ở Châu Au nhà vua ban bổng lộc cho công hầu bá tước bằng đất đai thuộc quyền sở hữu của họ và họ có thể truyền lại cho con cháu. Ở Việt Nam, họ chỉ được lợi tức, nghĩa là thay mặt vua thu thuế các hộ, hoặc một trăm hoặc một nghìn hay hơn nữa. Họ không có quyền để lại cho con cháu, nhà vua vẫn giữ quyền sở hữu.
(12) Thường gọi là anh em thúc bá.

No comments:

Post a Comment