Friday, February 28, 2025

Ly Hương, Sự Lựa Chọn Nghiệt Ngã - Nguyễn Thị Oanh


Xuất khẩu người lao động Việt sang Nam Hàn

Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này.

43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước. Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất? Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe: “Vì tương lai con cái!”.

Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình. Thật chua chát khi hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…

Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đI ủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm.

Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ…


Xuất khẩu người lao động Việt sang Mỹ

Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi? Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu. Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “con”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “người”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?…

Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy? Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 28 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước.

Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế?
***
Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này. Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948. Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia. 70 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.

Còn chúng ta? Sau 73 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel), những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.

Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam

Nguyễn Thị Oanh

Kỷ Niệm Chúng Mình - Diễm Ca 2 - Cassette




Mặt A


Mặt B




(sưu tầm từ internet)

Buồn Trong Kỷ Niệm - Premier 1 - Sóng Nhạc Cassette

Băng đợt 1 bìa xanh sang lại tại Hoa Kỳ từ Băng gốc trước 1975.
(Nhạc của Anh Mikey B. Cảm ơn Anh nhiều. )



Mặt A


Mặt B


👉 Băng đợt 2 bìa đỏ sang lại tại Hoa Kỳ từ Băng gốc trước 1975  👈

Thursday, February 27, 2025

Còn Tiếng Hát Gửi Người - Tiếng hát Duy Trác - Thúy Nga CD43




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

Cơn Gió Thoảng - Thanh Mai Quốc Dũng - CD





Bản 1 - 5


Bản 6 - 11


(sưu tầm từ internet)

Tuesday, February 25, 2025

Tiếng hát Khánh Ly - Sơn Ca 7 - Cassette




Mặt A


Mặt B




(sưu tầm từ internet)

Cassette - Hoài niệm một thời đã xa

Khi nào Anh Mikey mang được những đĩa nhạc Than, Reels về Mỹ, Anh nhớ thu lại cho Nora nghe với. Cảm ơn Anh nhiều.



Mới đây, khi đến nhà một người bạn, nhìn thấy chiếc máy cassette nằm ơ hờ trong tủ kính, chợt giật mình nhận ra, dường như bây giờ không còn mấy người nghe băng cassette. Giữa thời đại nhạc số, chiếc máy nghe nhạc một thời được các gia đình nâng niu đã trôi vào quên lãng.


Philips Electronics N.V., most commonly known as Philips, is a multinational Dutch electronics corporation. It was founded in 1891 by Anton and Gerard Philips in Eindhoven, Netherlands.
Philips was the inventor of compact cassette. Philips introduced a prototype in Europe in August 1963 (at the Berlin Radio Show). In 1965, based on a patent that guaranteed compatibility, Philips made the technology available free of charge to manufacturers all over the world.


Năm 1963, hãng Philips ở Hà Lan lần đầu tiên ra mắt băng compact cassette với khẩu hiệu "Nhỏ hơn một bao thuốc lá", cùng với đó là chiếc máy nghe cassette. Đến năm 1965, những băng nhạc cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường. Theo nhà sưu tập Phương Chánh Hùng (TP. Nha Trang), máy cassette đã du nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975, nhưng phải đến cuối thập niên 70, loại máy nghe nhạc này mới dần phổ biến. Những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, máy nghe băng cassette rất đắt. “Khoảng năm 1980, người thân ở nước ngoài gửi về cho ông ngoại tôi chiếc máy cassette JVC - M70. Chiếc máy này khi đó được mua ở Mỹ với giá tương đương 1,4 cây vàng, khi về Việt Nam nếu bán lại còn có giá cao hơn”, ông Hùng chia sẻ.


Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng bên cạnh chiếc máy cassette JVC - M70, Nha Trang.


Thời kỳ hoàng kim của máy và băng cassette là giai đoạn 1985 - 1995. Các tiệm chuyên bán máy cassette nổi tiếng ở Nha Trang có thể kể đến như: Tường Nghiêm, Tứ Hải, Phúc Lành, Quang Phó… Dù không còn đắt đỏ như giai đoạn trước đó nhưng để sở hữu những chiếc máy cassette của các thương hiệu nổi tiếng như: Sharp, Sony, JVC... cũng mất đến mấy chỉ vàng. Cùng với sự phổ biến của những chiếc máy cassette, nghề bán và sao băng cassette làm ăn rất khấm khá. Các tiệm bán băng cassette "vang bóng một thời" chính là: Phú Sĩ (đường Phan Chu Trinh), Giang Quân (đường Bạch Đằng), Nghĩa (đường Huỳnh Thúc Kháng).

Ngoài bán các băng nhạc được phát hành mới ở trong nước, các tiệm này còn thu băng cassette từ các băng cối được sản xuất trước năm 1975 và từ băng, đĩa nhạc nước ngoài để bán cho giới yêu nhạc. Không chỉ sao y nguyên băng, các tiệm còn làm các băng nhạc tuyển theo yêu cầu của khách hàng. Bà Ngọc Liên từng kể, thời ấy bà thường đến tiệm Phú Sĩ để mua, thu băng cassette về nghe. Bà thường mua những băng nhạc có những bài hát của ABBA, Boney M, Modern Talking, sau này có thêm Whitney Houston, Diana Ross, Celine Dion... Bà Phan Thu An (phường Phước Tiến, Nha Trang) còn nhớ cho đến thập niên 90 bà vẫn thường đi mua, đặt tiệm băng đĩa thâu các băng nhạc tuyển chọn các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có 👉 băng nhạc Sơn Ca 7 👈 lừng danh một thời.


Một phần trong bộ sưu tập băng cassette mà ông Phương Chánh Hùng lưu giữ, Nha Trang
Từ thành phố đến thôn quê, đâu đâu cũng vang lên tiếng nhạc từ máy nghe cassette. Còn nhớ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, hầu như đám cưới nào ở quê tôi cũng mở nhạc của Boney M, Modern Talking… để tạo không khí. Có thêm nhạc, đám cưới xôm tụ hẳn lên. Cũng nhờ có máy cassette, lứa 8x như tôi biết đến giọng hát của Thu Hiền, Bảo Yến, Ngọc Sơn, Tuấn Vũ... Lớn lên chút nữa, tôi cùng bạn bè thường canh sóng radio nghe những bài hát của Michael Learns to Rock, Backstreet Boys, The Moffatts, các bài hát trong chương trình Làn Sóng Xanh... để thu lại vào băng. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn nhớ cảm giác dùng bút chì cho vào bánh răng quay để gỡ rối băng cassette. Lắm khi dây băng bị rối gỡ không được đành phải cắt bỏ một phần. Không có keo để dán, tôi thường lấy mủ lá cây lêkima, vú sữa để nối dây băng. Những chiếc băng cassette nhỏ xinh đã là một phần kỷ niệm không quên của thời tuổi trẻ đã xa.

Thời hoàng kim của máy nghe nhạc cassette đã qua nhanh! Từ cuối thập niên 90, với sự phổ cập rất nhanh của đầu máy nghe đĩa CD, những băng cassette không đủ sức cạnh tranh và dần dần rơi vào quên lãng. Với sự phát triển của nhạc số, phim kỹ thuật số…, các tiệm cho thuê, bán băng đĩa cũng dần đóng cửa. Nhiều gia đình vẫn còn giữ lại những chiếc máy cassette thân thuộc một thời nhưng không mấy ai còn giữ lại những chiếc băng cassette. “Bây giờ là thời đại công nghệ số, đến đĩa nhạc bán còn khó thì nghề thu âm băng cassette làm sao có đất sống”, nhạc sĩ Kiên Thanh từng lý giải với tôi trong một cuộc trò chuyện cách đây khá lâu.

Khi người nghe có thể dễ dàng tìm và lưu trữ những bản nhạc yêu thích qua các ứng dụng trên điện thoại như: Apple Music, Spotify, iTunes… thì thật khó để “yêu cầu” lớp trẻ hôm nay phải yêu thích những chiếc đĩa than, băng cassette, CD. Thế nhưng, băng cassette vẫn chưa hoàn toàn biến mất trong đời sống này. Những người ưa hoài cổ vẫn âm thầm lưu giữ những chiếc máy, băng cassette. Điển hình như nhà sưu tập Phương Chánh Hùng đang lưu giữ khoảng 30 máy cassette, gần 200 băng cassette với đầy đủ thể loại như: Cải lương, nhạc trữ tình, nhạc quốc tế, trong đó có những băng nhạc còn mới nguyên (chưa bóc tem) được ông mua từ các trang bán hàng trực tuyến. Từ băng nhạc của danh ca quốc tế cho đến những vở cải lương một thời nức tiếng như: Nửa đời hương phấn, Lá sầu riêng, Phạm Công - Cúc Hoa… đều hiện diện ở đây. Thi thoảng, ông lại với tay bật máy, bỏ chiếc băng nhỏ xinh để tìm lại hoài niệm một thời đã xa.

Những năm gần đây, một số hãng thu âm quốc tế cũng bắt đầu phát hành các băng nhạc cassette trở lại. Các băng cassette ghi âm tiếng hát các ngôi sao ca nhạc như: Ariana Grande, Taylor Swift... đã có doanh số bán ra rất tốt. Tại Việt Nam, hãng đĩa Thời Đại cũng phát hành album dưới định dạng cassette cho các ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Nguyên Hà và ban nhạc Cá Hồi Hoang… Tuy nhiên, theo nhận định của giới sành nghe nhạc, rất khó để những chiếc máy nghe nhạc cassette phổ biến trở lại trong đời sống thường nhật. Thật khó để thế hệ trẻ hôm nay yêu thích những chiếc băng cassette khi nhạc số đã đi vào tất cả ngõ ngách của đời sống. Dấu hiệu “hồi sinh” của băng cassette chỉ là ánh nắng lóe lên trong hoàng hôn của một phương trời viễn mộng, là thú vui của những người có lòng hoài cổ.

Xuân Thành

Monday, February 24, 2025

Rừng Xưa - Tiếng hát Hoàng Oanh 2 - Reel




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Lò ép mía nấu đường - Hoàng Nhật Tuyên


Cảnh dùng che ép mía ngày xưa.

Qua lò ép mía nấu đường
Muốn vô kết nghĩa can thường cùng ai.


Đó là một trong những câu ca dao lưu truyền ở nhiều nơi tại khu vực Nam Trung Bộ, liên quan tới nghề thủ công dùng che ép mía, nấu đường ngày xưa. Nhắc lại nghề này, chắc nhiều người lớn tuổi không khỏi bồi hồi với bao ký ức sống động một thời. Với tôi cũng vậy.

Quê tôi xưa kia nhiều nhà trồng mía. Có nhà trồng để bán, nhưng cũng có nhà chỉ trồng chừng vài sào để lấy đường, sử dụng trong gia đình. Những đám mía lớn lên từ các mảnh đất màu mỡ, cây nào cây nấy mập tròn, thẳng tắp, vươn cao. Thường thường vào cuối tháng 11, sang tháng Chạp âm lịch, khi mía lác đác trổ cờ, ấy là lúc mùa thu hoạch bắt đầu để phục vụ Tết và sau đó kéo dài cho đến mấy tháng của năm sau.

Để lấy đường, vào dịp này người trong làng thường dựng lên một cái chòi tranh, đặt lên đó bộ che để ép mía, bên cạnh người ta đắp lò, đặt mấy cái chảo to để nấu nước mía vừa ép. Bộ che mía được làm bằng 3 khối gỗ to, cao chừng 1m.

Trong làng không phải ai cũng có được bộ đồ nghề này. Vì có giá trị như thế, lại đun, nấu bằng củi lửa, dễ bốc cháy nên có nhiều chuyện phải kiêng kỵ. Cũng từ lý do ấy mà người ta gọi bộ che là ông Che, mấy cái lò để đặt chảo là bà Lò. Thông thường, một gia đình giàu có nào đó hoặc 3 - 4 gia đình trong làng thân nhau góp tiền lại mới sắm được một bộ che. Để có bộ che ưng ý, người ta chọn ngày lành, tháng tốt lên núi cao, tìm đốn những khúc gỗ, thường là loại gỗ quý như lim, sến, kiền kiền… rồi vận chuyển về làng, sau đó thuê những người thợ mộc có tay nghề giỏi đẽo gọt.


Bộ che, gồm một ống che đực (ở giữa) và hai ống che cái (hai bên), máng mâm, khẩu, trụ

Một bộ che ép mía hoàn chỉnh gồm có 3 ống che (3 trục hình trụ tròn) được đặt sát vào nhau, khi quay những chiếc nhông trên các thân trụ tròn sẽ ăn khớp và làm cho cả 3 trục đều quay. Phía trên 3 trục này có một thanh gỗ lớn để giữ cố định phần trên của các ống che và được cột vào thanh gỗ khác dài hơn để buộc vào ách cho trâu kéo đi. Khi trâu đi vòng quanh, kéo theo thanh gỗ dài làm cho các trục chuyển động theo vòng tròn, mía đưa vào bị ép chặt, nước sẽ chảy ra giữa các trục, sau đó đổ xuống dưới đáy che theo một đường mương nhỏ. Người ta hứng lấy nước mía từ đây, trút vào mấy cái chảo to để nấu cho sôi, bỏ thêm vài vá vôi bột, vớt sạch bọt rồi múc lên thùng để lóng cặn. Nước mía nấu lần đầu này sẽ thành loại nước uống rất ngon, gọi là món chè hai. Nếu làm thành đường thì tiếp tục nấu nước chè hai mấy công đoạn nữa.


Cảnh nấu đường thủ công ngày xưa.

Nấu đường đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, do đó không phải ai cũng làm được. Đường tốt hay xấu tùy lượng vôi bỏ vào chảo nhiều hay ít rồi canh lửa cho vừa. Ở quê tôi có nhiều loại đường làm từ các lò ép như
  • đường đen hay còn gọi là đường bát (tức loại đường đen đổ vào những chiếc bát ăn cơm cho đông cứng lại);
  • đường trầm hay là đường hạ (loại đường này được nấu đến độ sền sệt không còn nước thì đổ vào chum, vại, ghè… cất giữ một thời gian mới sử dụng);
  • đường muỗng (loại đường khi nấu đến độ kết tinh thì đổ vào những cái muỗng gỗ, lấy cây dầm nhỏ khuấy cho nổi cát, rồi để nguội)
Có thể nói, thu hoạch mía, ép đường là một bức tranh lao động nhộn nhịp ở làng quê. Với bọn nhỏ chúng tôi, đây là những ngày rất vui vì được ăn mía thỏa thích. Mía chất thành đống, không có chủ mía nào lại không cho. Ăn mía ở ngoài ruộng. Ăn mía ở chòi nấu đường. Bã mía nhai xong bỏ trắng cả đất. Song có lẽ, món chè hai là món khoái khẩu mà đã sống ở gần nơi ép mía không ai có thể quên được. Các chủ mía và chủ lò ép cũng chẳng tiếc gì không mời những người quen qua đường một bát. Thật thú vị khi cầm cái bát bằng sọ dừa đầy nước chè hai, ngửa cổ tu một hơi dài giữa cảnh làng quê thanh bình, nơi đang có con trâu kéo ông Che kêu kẽo kẹt và gần đó là mấy chảo nước đường đang sôi sùng sục, khói lên nghi ngút tỏa mùi thơm lừng…

Những ngày che mía hoạt động là những ngày bọn nhỏ chúng tôi hay tụ lại quanh cái chòi tranh, có lúc giúp mấy cô chú vác mía lại gần lò, có lúc giúp người lớn dắt trâu kéo che. Không chỉ được uống nước chè hai, đôi khi chúng tôi còn được ăn món đường non dẻo quánh mà mấy bác ở lò ép đổ vào những bẹ chuối rồi dùng đũa vích lên, quấn lại; cũng có khi được ăn những củ bình tinh xâu lại thành xâu, bỏ vào chảo đường nấu cho queo, hay món bánh tráng nhúng mật…

Nhà tôi ngày trước mỗi năm chỉ trồng hơn sào mía. Những ngày thu hoạch tuy vất vả nhưng ai cũng vui, nhất là khi đường đã nấu xong mang về nhà. Một ít biếu bà con, một ít để làm bánh Tết, còn lại mẹ tôi cất vào mấy cái bầu đan bằng nan tre có lót rơm, chống ẩm, để dành cho gia đình ăn cả năm.

Ngày nay, các nhà máy đường ra đời, nghề dùng che ép mía, nấu đường thủ công không còn nữa, tất cả gần như đã lùi dần trong ký ức. Dù vậy ai đã từng sống ở các làng quê có nhiều mía vào mấy mươi năm trước thật khó quên. Vừa rồi tôi xem truyền hình, thấy chiếu bộ phim tư liệu giới thiệu những cánh đồng mía xanh tốt ở một địa phương trong tỉnh. Nội dung phim cũng đơn giản thôi, vậy mà xem xong cứ bồi hồi. Chợt nhớ ngày xưa.

Hoàng Nhật Tuyên

Nụ cười chua thời cô vi: Luật giãn cách

Bây giờ đang là năm 2025, nhìn lại mấy tấm hình chỉ cách đây 4 năm thôi mà mình tưởng chừng như thế kỷ trước, thời mà con người chưa có đủ dụng cụ hiện đại. Một thế kỷ sau, người ta đã lên đến cung trăng, đã lên internet, etc, vậy mà người ta cũng tin như sấm truyền... Thế chúng ta có khác nhân loại ở thế kỷ trước không nhỉ ?

Mình nói ra thì chúng bảo mình là cu non cu già, hy vọng một ngày nào đó chúng nhìn lại chúng xem thử độ ngờ nghệch của chúng ở mức độ nào





Chút Tình Xa Vắng - Thùy Dương Music - Cassette




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Đừng Nói Xa Nhau - Đường Chân Trời - Nhạc sĩ Anh Việt Thu thực hiện - Băng Nhựa 1 & 2



Đừng Nói Xa Nhau - Băng Nhựa 1


Đường Chân Trời - Băng Nhựa 2


(sưu tầm từ internet)

Sunday, February 23, 2025

Saturday, February 22, 2025

Vũng Lầy Của Chúng Ta - Khánh Ly CD




Bản 1 - 6


Bản 7 - 12


(sưu tầm từ internet)

Uyên Ương 1 - Cassette




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Dép Da Trâu - Hoàng Nhật Tuyên


Ảnh xưa: Quan mang giày, lính hầu mang dép da trâu

Tôi nhớ hồi mình còn nhỏ (vào cuối thập niên 1950), ở quê tôi, một số người vẫn còn dùng dép da trâu để đi lại. Muốn có được đôi dép loại này, người ta phải tiến hành nhiều công đoạn. Đối với gia đình chúng tôi, ông nội là người khéo tay, hay đảm nhiệm công việc này. Mỗi khi trong hay ngoài làng có người làm thịt trâu, ông nói cha hay mẹ tôi đến mua vài miếng da lớn. Mang về nhà, ông dùng dao cạo hết lông. Miếng da trâu lúc này còn tươi, dựa vào kích cỡ lớn hay nhỏ và hình dáng của hai bàn chân từng người trong gia đình, nội dùng lưỡi dao bén, cắt thành miếng để làm đế. Việc này phải làm nhanh vì để lâu da sẽ thối, hoặc khô sẽ khó cắt. Tiếp đó, ông khoét thêm 3 lỗ nhỏ ở mỗi miếng đế dép tại 3 điểm, để xỏ quai tựa như đôi dép tông, dép xỏ ngón ngày nay. Xong xuôi, ông nói chúng tôi mang phơi nắng suốt một tuần liền cho thật khô. Trong thời gian phơi, để miếng da khỏi bị cong hay co cuốn, phải dùng những viên gạch nặng đè lên.

Về quai dép, ông thường dùng các sợi vải bện lại rồi xỏ vào 3 cái lỗ đã có sẵn trên đế. Tuy nhiên, vì làm bằng sợi vải, quai dép khi thấm nước dễ mục, dễ đứt, nên sau đó sợi vải được thay thế bằng da trâu, cắt thành sợi nhỏ và dài như chiếc đũa rồi đem phơi như cách làm đế. Cũng có trường hợp bắt được kỳ đà hay trăn núi, người ta liền lấy da để làm quai.

Nhờ ông nội khéo tay nên không chỉ người lớn, mà cháu chắt trong nhà đứa nào thích ông cũng làm cho một đôi. Với tôi, gắn liền với đôi dép da trâu có những kỷ niệm khó quên. Da trâu ngoài làm dép còn là món ăn. Mỗi khi mua da trâu về để ông nội làm, phần còn lại bà nội và mẹ tôi thường cạo sạch lông, nướng qua trên lửa cho vàng lớp bên ngoài, sau đó luộc thật lâu cho mềm, thái mỏng rồi làm món nộm với bắp chuối sứ trộn mè rang cùng các loại rau thơm. Đây là món ăn bình dân nhưng rất ngon, nhất là vào những năm đất nước còn khó khăn, đói kém.


Ảnh xưa: Người đàn bà miền Bắc mang dép da trâu.

Dép làm bằng da trâu sử dụng rất bền. Khi vào bụi tre để đốn, nhờ mang nó mà không bị giẫm gai. Cùng với các loại guốc mộc (đế làm bằng các loại gỗ), người quê tôi ngày xưa không chỉ dùng dép này đi lại trong nhà, mà còn mang đi dự các lễ hội trong làng, trong xã. Vì sử dụng được lâu nên mới có câu ca:

Bền như đôi dép da trâu
Lên rừng xuống biển, đi đâu cũng bền.


Có chàng trai tỏ tình với cô gái:

Lấy anh khỏi sợ chân đau
Vì anh có dép da trâu trong nhà …


Sau này lớn lên, đọc truyện cổ tích, tôi phát hiện có một truyện nội dung khá hóm hỉnh gắn liền với đôi dép da loại này. Chuyện kể rằng, ngày xưa, có hai chàng trai nghèo là Ất và Giáp lều chõng về kinh dự thi. Ất đi giày mo cau, còn Giáp đi đôi giày da trâu mới tinh. Vì học khuya, bụng đói nên vào một đêm, khi Giáp ngủ say, Ất lén lấy đôi dép da trâu của bạn, rửa thật sạch, bỏ vào nồi nấu chín rồi làm món gỏi đánh thức bạn dậy để thưởng thức. Đang đói, lại được ăn món lạ, Giáp khen đáo khen để rồi hỏi bạn: “Không có tiền, lại đêm hôm khuya khoắt, tìm ở đâu ra món da trâu ngon thế này?”. Ất cười, bảo: “Cứ ăn đi, rồi mai sẽ biết”. Đến sáng, chuẩn bị lên đường để đi tiếp, Giáp thấy mất dép nên hỏi bạn. Ất bèn trả lời: “Đêm qua, ông ăn khen ngon quá trời, sao bây giờ còn hỏi”.

Ngày nay, cuộc sống phát triển, có quá nhiều loại giày dép đẹp, sang trọng để dùng, nên khi nghe tôi kể về đôi dép da trâu, con cháu đứa nào cũng tưởng nói giỡn, không tin.

Hoàng Nhật Tuyên

Ước Hẹn - Thanh Hà - Doremi Cassette 24




Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Hòn Vọng Phu - Hoàng Oanh * Trung Chỉnh - Hoàng Oanh CD5




Bản 1 - 5


Bản 6 - 10


(sưu tầm từ internet)

Bánh Tráng Nướng Mắm Ruốc - Đào Thị Thanh Tuyền


Tôi không biết món ăn vặt này xuất hiện ở Nha Trang khi nào, một hôm con trai tôi (khi ấy học lớp 9) thỏ thẻ: “Con thích ăn bánh tráng trứng, ngon lắm!". Nghe con mô tả cái bánh tráng được phết lên đó mắm ruốc, mỡ hành, thịt băm, xúc xích..., nướng trên lửa cùng mấy cái trứng cút hay trứng gà đập ra bỏ lên bánh tráng rồi lấy muỗng thoa cho nó lan ra hết cái bánh, có tương ớt, xốt mayonnaise... tôi nghĩ ngay đến cái bánh tráng mắm ruốc ngày xưa.

Thật khó quên những năm 77 - 81 tôi đi học Sài Gòn, trên những chuyến xe đò Nha Trang - Sài Gòn thời ấy, mỗi khi đi qua vùng Phan Rí, Phan Thiết thường thấy những người bán hàng rong bán bánh tráng mắm ruốc. Cái bánh tráng nướng có mè, dày, giòn, khi nào có khách mua, người bán múc một cục mắm ruốc có trộn ớt, tỏi giã nhuyễn bỏ chính giữa. Bẻ miếng bánh tráng, xúc chút mắm ruốc. Ăn xong, uống nước no bụng như tỉnh cả người, tạm quên đường dài.

Thời gian dần trôi, món bánh tráng mắm ruốc quê mùa ngày xưa dần ít thấy, ít người chuộng. Cho đến một lần ghé Phan Thiết, tôi mới biết cái món ăn vặt này “lên đời” khi gần như có một “ngành công nghệ chế biến” hẳn hoi, tên gọi cũng được kéo dài ra: Bánh tráng cuốn mắm ruốc nướng.

Hai chị bán hàng thoăn thoắt đôi tay. Trên cái bàn thấp, một hộp nhựa lớn chả lụa, nem chua, trứng cút đã được cắt thành miếng nhỏ; thẩu củ cải, cà rốt chua, hũ mắm ruốc đã qua chế biến có ớt, tỏi, vị mặn mặn, ngọt ngọt; hộp nhựa đựng tóp mỡ, thịt bằm, tô hành mỡ… Lấy miếng bánh tráng mè mỏng đặt trên cái đĩa, chị bán hàng múc một muỗng mắm ruốc và thoa đều lên mặt, thêm hành mỡ, chả lụa, nem chua, trứng cút, tóp mỡ, thịt bằm, đồ chua cùng sốt, tương ớt, rồi đưa lên lò và nướng. Bánh vừa độ chín, thật khéo léo, chị bán hàng lấy hai chiếc đũa và cuốn tròn cái bánh tráng lại. Bánh tráng nóng, giòn rụm cộng thêm mùi vị tổng hợp của nhân bên trong, đủ mặn, ngọt, chua, cay, bùi, béo… Chao ơi là ngon.

Lên Đà Lạt, tôi lại thấy món này cải biên còn diệu kỳ hơn: Trên cái bánh tráng phết mắm ruốc còn có pa-tê, trứng cút, hải sản, xíu mại, phô mai, xúc xích... và sốt mayonnaise trông khá hấp dẫn. Trời lành lạnh, ăn cái bánh tráng nướng kiểu này, uống ly sữa đậu nành nóng thì còn gì bằng.

Tà tà đi khắp miền Trung từ Phan Thiết ra đến Quảng Ngãi đều có thể thấy món bánh tráng mắm ruốc. Tuy nhiên, từ Phú Yên đổ ra, cái bánh tráng nướng mắm ruốc chân phương hơn, nhân ít hơn, chỉ có mỡ hành, ruốc tôm, trứng... Và theo tôi quan sát, những nơi vốn là “quê xứ” của bánh tráng thì món bánh tráng nướng mắm ruốc không nổi tiếng bằng ở Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Sài Gòn...

Người đi xa về lại Nha Trang những ngày mùa đông lạnh, ngang qua hàng bánh tráng trứng nướng, mùi thơm lan tỏa ấm sực một góc phố. Rồi đôi khi, gặp lại mùi thơm ấm áp ấy ở nơi khác, cảm giác đầu tiên là nhớ nhà, nhớ biển.

Đào Thị Thanh Tuyền

Thursday, February 13, 2025

Tác Giả Tác Phẩm - Ngô Thụy Miên - SBTN CD




Bản 1 - 9


Bản 10 - 17


(sưu tầm từ internet)

Tuesday, February 11, 2025

Monday, February 10, 2025

Ngạt ngào mùi hương dủ dẻ - Trần Ninh Thọ


Hoa dủ dẻ (dúi dẻ).

Cuộc sống với bao vất vả, xuôi ngược, với bao lo toan cơm áo gạo tiền, lợi danh…, nhưng rồi ai nấy cũng có những phút giây tĩnh lặng, quay về, nhìn lại đời mình với bao vui buồn, kỷ niệm. Chiều về thăm quê nhà, có người đàn ông đã lớn tuổi đi trên con đường nhỏ gập ghềnh, chợt phát hiện mùi hương rất thơm tỏa ra từ bụi rậm của cái bờ rào đầy cây lá. “Hoa dủ dẻ đây mà!”. Nói rồi, tựa như một đứa trẻ, ông chậm rãi đến bên lùm cây, vạch cành xanh, hái được bông hoa màu vàng nhạt trông như một chiếc hoa tai đưa lên mũi, khẽ thốt thành lời: “Đã bao năm rồi!”.

Người đàn ông đã lớn tuổi ấy là tôi. Hoa dủ dẻ với tôi có bao kỷ niệm! Ở khắp miền Trung, cây hoa này mọc rất nhiều. Hoa chen lẫn cùng với hoa sim, hoa mua sống ở các bụi lùm trên đồi, lẫn trong bờ rào dọc các khu vườn. Đó là loài cây bốn mùa ra hoa, ra trái. Trái chín, ít cơm nhưng ăn rất ngọt. Tuy là loài hoa bình dị mọc hoang nơi gò đồi, nhưng dủ dẻ có mùi thơm khá đặc biệt, chỉ cần cất một bông vào túi áo, mùi hương ngạt ngào cứ vậy theo ta cả buổi.

Ở quê tôi, hoa dủ dẻ gắn liền với một câu chuyện cổ tích. Rằng, ngày xưa, trên thiên đình, có nàng tiên bé nhỏ nhưng rất xinh đẹp. Một lần, được phân công đi theo trong đoàn tùy tùng để phục vụ Ngọc Hoàng cùng các vị chư thần xuống trần thế thưởng ngoạn, vì thấy trần gian đẹp quá, nàng tiên liền bỏ đoàn, nán lại chơi thêm. Tức giận vì sự việc, Ngọc Hoàng ra lệnh biến nàng tiên nhỏ bé kia thành cây dủ dẻ, thế là từ đó loài cây ấy đã nở hoa thơm.

Bọn nhỏ chúng tôi đứa nào lớn lên cũng biết câu chuyện cổ tích ấy và ai cũng thích loại hoa này. Nhớ hồi còn bé, khi chiều xuống, tôi cùng đám bạn trong xóm thường rủ nhau vào các bụi rậm tìm hoa. Mặt mày nhem nhuốc, có khi còn bị gai cào, vậy mà đứa nào cũng hớn hở khi hái được. Hoa mang về nhà, để trên bàn cho thơm. Hoa mang đến lớp học tặng cô và các bạn nữ.

Lớp học ở trường xã của tôi ngày ấy có Quyên, một cô bé khá xinh, có đôi mắt đen láy và lúc nào gặp tôi cũng nở nụ cười tươi để lộ cái lúm đồng tiền thật sâu bên má. Quyên thích hoa dủ dẻ nhưng nhà ở xóm Sông, hàng ngày trừ khi đi học, Quyên phải ở nhà giúp mẹ bán hàng tạp hóa, đâu có thời gian như đám trẻ xóm Gò chúng tôi. Quyên nâng niu từng bông hoa dủ dẻ được tặng và có lần bảo tôi sau này lớn lên, có nhà riêng, Quyên sẽ nhờ tôi tìm những cây dủ dẻ trên các đồi hoang về trồng quanh vườn để được thường xuyên đón nhận mùi hoa ấy. Tôi hứa sẽ giúp, nhưng lời hứa đâu có thực hiện được. Năm 1965, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, chiến tranh ngày càng ác liệt. Quê tôi bị đạn bom cày xới liên miên. Đám học trò từ đó mỗi đứa một phương.

Chiều nay, cầm bông hoa dủ dẻ có màu vàng nhạt tựa chiếc hoa tai, lại nhớ ngày xưa cũng bông hoa y như vầy, mỗi khi hái được tôi đã gói trong tờ giấy học trò, chờ lúc đi học để tặng Quyên. Giữa trời chiều, bông hoa trong bàn tay tôi lan ra mùi hương dịu ngọt.

Trần Ninh Thọ

Gọi Tên Những Loài Hoa - Vân Hạ


Loài hoa không tên.

Có một cái Tết tôi được cháu gái tặng một chậu hoa nhỏ. Hỏi cháu hoa gì, cháu nói không biết. Bạn tới chơi cũng hỏi hoa gì, thế là tôi bỏ công đi tìm tên cho hoa. Và câu trả lời đó là hoa… mõm sói, dù nó có tên khoa học dài ngoằng hẳn hoi.

Có lẽ người Việt thích thật thà chân chất. Ví như cái tên hoa gạo nghe mộc mạc thân thương hơn hẳn cái tên hoa mộc miên cầu kỳ của người Trung Hoa. Hoa ban đỏ, còn có tên khác là hoa tử kinh hay hoa Hongkong vì được Hongkong chọn làm quốc hoa, thì ở Việt Nam có tên hoa móng bò. Cái tên hoa móng bò dân dã được giải thích vì lá của cây khuyết một góc nhìn giống cái móng bò. Ngay đến hoa forget me not (đừng quên tôi), tên tiếng Anh là vậy, nhưng nó cũng có những tên Việt nôm na khác nữa là hoa lỗ bì hay đôm đốm!

Ví như hoa sử quân tử, loài hoa vừa đẹp vừa thơm nhưng lại có tên là hoa… giun! Hoa này ở quê tôi gọi là lung lăng rừng vì nó vốn là hoa dại trong rừng trước khi được đưa về trồng trong thành phố, nghe cũng dễ thương. Rồi hoa Triêu Nhan theo tiếng Nhật, loài hoa từng đi vào thơ Haiku, được coi là biểu tượng của sự ẩn dật cao quý, thì trong tiếng Việt nó có tên hoa bìm bìm. Một loài hoa khác cũng mọc hoang dại như bìm bìm lại có tên rất ngoại quốc là hoa tigon. Cũng tựa như vậy, cái tên hoa linh lan nghe cũng cho cảm giác sang hơn hẳn tên hoa lan chuông thật thà.

Cùng sinh trưởng, cùng nở hoa trên cùng một dải đất, bên cạnh những loài hoa mang tên gọi kiêu sa có âm hưởng ngoại quốc như hoa salem, hoa mimosa, còn có hoa đuôi chuột, hoa đuôi chồn, hoa mõm chó, hoa mõm sói, hoa chuồn chuồn… Riêng hoa chuồn chuồn, loài hoa dại mọc và nở khắp nơi còn có tên khác đẹp hơn là hoa xuyến chi. Và bò cạp nước, loài hoa vàng đẹp thướt tha còn có tên muồng hoàng yến, muồng hoàng hậu, lồng đèn.

Hoa lá cỏ cây do trời đất sinh ra. Gọi tên gì, xếp vào hàng cao quý hay hoang dại là do con người. Rất may cây không biết nên không vì vậy mà không nở hết mình. Xin cảm ơn cả những loài hoa không tên.

Vân Hạ

Những Rừng Mai Cổ Của Ngày Xưa - Khuê Việt Trường


Cội mai vàng.

Lùi lại vài chục năm trước ở Nha Trang, khi đó, khu Phước Đồng, Mỹ Gia hay Hòn Rớ không có, tất nhiên là cũng không có con đường Phong Châu và đường Nguyễn Tất Thành hoặc đèo Cù Hin. Cuộc sống như thể là một cuộc hoán đổi và bây giờ đã khác. Tất nhiên, cái Tết cũng khác, dẫu mỗi năm tờ lịch cứ dịu dàng rụng xuống, để đất trời chuyển mùa và ngày rực rỡ bắt đầu cho khởi đầu luôn tươi đẹp. Khi đó, con sống Tắc vắt ngang đường Phong Châu bây giờ nằm giữa hai bên cây cỏ ngút ngàn, một con đường đất nhỏ để tới sông, nơi đây có một con thuyền gỗ nối dây bằng hai cọc gỗ ở hai bờ. Người đi qua bên kia kiếm củi, bắt cá lên chiếc thuyền gỗ níu dây mà qua lại con sông. Khi ấy, Nha Trang có những cánh rừng mai cổ thụ, để khi đất trời chuyển mùa, hoa đang chìm khuất trong xanh lá, tự rụng những chiếc lá vàng và bắt đầu đơm nụ. Khi đó, những người săn mai rừng để đem về phố bán cho người chơi Tết bắt đầu len lỏi vào những cánh rừng đó, chặt những cành mai rừng về bán.

Một người dân bán hoa mai ven đường phố Nha Trang .

Bây giờ, bạn đi trên Đại lộ Nguyễn Tất Thành, băng qua đèo Cù Hin rất dễ dàng. Về phía biển, nơi các resort đang được xây dựng chính là rừng mai ngày xưa đó mà người đi săn mai gọi là mai động (mai mọc ở triền cát). Những cây mai động sinh sôi từ hạt của cây mai những năm trước, sau khi ra hoa, kết trái, ra hạt, hạt rơi và tìm chỗ để đâm chồi. Mai động sống trong điều kiện cát và nắng, có khi rất cằn cỗi nên tạo dáng đẹp. Hoa mai động chỉ có 4 đến 6 cánh, màu hoa nhạt, mau rụng nhưng khi nở là bung hoa vàng cả đất trời. Để chặt được hoa, những người săn mai đi từ sáng sớm, theo Quốc lộ 1, bỏ xe ở đó rồi mang theo cơm nước đi bộ vào. Gặp mai, chặt thành bó gọn, vận chuyển ra. Để hoa nở đúng dịp Tết khi đem bán, không vội lặt lá mà chỉ lặt trước 4 - 5 ngày và thui gốc cho cây mai sống lâu. Với ý thức bảo về nguồn sống của mình, những người săn hoa mai luôn để lại gốc mai, cây nhỏ và nhánh nhỏ. Chính nhờ cách giữ gìn “nguồn sống” của mình như thế mà đến mùa hoa mai năm sau, những cây mai nhỏ đã kịp phát triển cho người thu hoạch.

Với mai rừng thì cả một kỳ công. Mai rừng có trên những vách núi, đôi khi men theo bờ suối ở núi Cù Hin, núi Chín Khúc và khu vực rừng men theo hồ Kênh Hạ và len sâu vào. Hoa mai rừng có khi có 8 - 12 cánh, màu vàng đậm và rất lâu tàn. Bên cạnh đó, mai rừng dáng rất đẹp vì phải sống trên vách núi hoặc chen cùng cây to. Vì thế, mai rừng giá cao hơn mai động.

Ngày đó, khu vực trồng hoa mai Võ Dõng cũng trồng hoa mai dưới đất, lý do khi trồng như thế cây mai phát triển nhanh hơn, và theo thị hiếu thời đó, người dân thích mai cành, hết Tết thì đem bỏ đi. Những ngày cuối năm, chen cùng các loại hoa Tết là những cành mai trồng từ vườn, hoa mai động và những cành mai rừng bày bán trên khắp mọi nẻo đường. Hoa mai bày ra đó, người mua ngắm nghía chọn, trả giá và đem về nhà như đem cái Tết về. Những cánh mai đẫm những giọt mồ hôi của những người săn mai ấy đem lại cho những ngôi nhà sắc vàng của niềm vui.

Bây giờ, trong ngày Tết ở Nha Trang gần như vắng bóng những cành mai động, mai rừng. Thị hiếu chơi hoa mai bây giờ cũng khác, người ta thích những chậu mai tạo dáng, mua đem về chơi Tết, hết Tết lại gởi các vườn mai để năm sau đem về. Cho nên, những ngày giáp Tết, đi vòng qua phố hoa, bất chợt gặp một cánh mai rừng hay mai động như gợi lại những cánh rừng mai thuở ấy. Những cánh rừng hoa mai Nha Trang của ngày xưa xa lắc.

Khuê Việt Trường

Xem thêm 👉 Đi tìm Mai Tết ở Xứ Ngàn Mai - Hoàng Nhật Tuyên 👈

Đi tìm Mai Tết ở Xứ Ngàn Mai - Hoàng Nhật Tuyên


Đèo Cù Hin gắn liền với dãy núi Hoàng Ngưu Sơn. Đèo nối liền Nha Trang với sân bay quốc tế Cam Ranh. .

Có dịp đi trên đại lộ Nguyễn Tất Thành từ khu vực Phước Đồng qua đèo Cù Hin, vào sân bay Cam Ranh, giữa cảnh nhà cửa, phố xá nhộn nhịp, giữa những khu resort, ít ai hình dung được rằng, nơi đây hơn 40 năm trước là khu vực đầy hoang vu; bên này đèo chỉ có mấy chục hộ dân thuộc khu kinh tế mới Đồng Bò Hạ sinh sống bằng nương rẫy, còn bên kia là Bãi Dài với những động cát trắng, chỗ cao chỗ thấp nối tiếp nhau, đầy bụi lùm. Cũng ít ai biết được, ở khu vực ấy, ngày xưa, mai vàng xuất hiện rất nhiều. Dân đi tìm mai về bán trong dịp Tết đã đặt cho nơi đây cái tên thật đẹp: “Xứ ngàn mai”.

Một người dân bán hoa mai trên đường phố Nha Trang .

Vào những năm từ 1982 đến 1986, khi mới về công tác ở Nha Trang, có mấy lần tôi được bạn bè rủ đi cùng. Phương tiện để đi xa chủ yếu là xe đạp với hành trình khá vòng vèo. Thường thì sáng sớm, mấy anh em khởi hành, rồi từ Nha Trang lên Thành Diên Khánh, theo Quốc lộ 1, khi tới Cam Đức rẽ xuống, gửi xe chỗ nhà quen, đi đò qua đầm Thủy Triều để về phía biển vì những năm ấy chưa có cầu bắc qua đầm.

Bản đồ từ thành phố Nha Trang đến Đèo Cù Hin .

Cũng có khi tìm mai rừng ở triền núi Cù Hin, nhưng hồi đó, đa phần chúng tôi đi tìm ở những vùng cát rộng, trải dài theo ven biển từ Bãi Dài dẫn vào phía bán đảo Cam Ranh. Mai ở đây rất nhiều, mọc thành bụi lùm và được chúng tôi gọi với cái tên chung là mai động. Vào những ngày gần Tết, khi đất trời chuyển mùa, những cây mai này tự rụng lá, bắt đầu đơm nụ rồi lác đác nở. Vì sống trên nền cát cằn cỗi, lại chịu nhiều nắng gió khắc nghiệt, nên không ít cây mai có dáng khá đẹp. Mai sống ở các động cát ít cánh hơn mai vườn, thường mỗi bông chỉ có 5 hay 6 cánh, thi thoảng mới gặp loại có 8 đến 12 cánh, màu cũng nhạt hơn mai vườn. Tuy vậy, đây là loại hoa khi nở rộ đã tạo nên một sắc vàng rất rực rỡ, kiêu sa.

Mai ở trên rừng hay ở động cát, nếu gặp, người ta chặt hoặc cưa những cành mình ưng ý, rồi bó thành bó mang về, còn gốc thì dưỡng lại cho cây tiếp tục ra cành. Để hoa nở đúng dịp Tết khi đem bán, người ta không vội lặt lá (chỉ lặt 4 - 5 ngày trước Tết) và thui gốc trước lúc cắm vào bình nước.

Ở Nha Trang, từ giữa thập niên 1990 trở về trước, Tết đến, người ta ít bán mai trồng trong chậu kiểng như ở các giai đoạn sau này mà chủ yếu là mai cành, trong đó đa phần lấy từ vùng đất được mệnh danh là “Xứ ngàn mai”. Cũng có những người săn mai chuyên nghiệp lặn lội vào tận các cánh rừng như: Vĩnh Hy, Núi Chúa, Bắc Ái… của tỉnh Ninh Thuận tìm mai rồi mang về Nha Trang bán, nhưng số này không nhiều.

Qua mấy chuyến đi theo bạn bè, kiếm được một số cành mai ưng ý, cái chưng trong nhà, cái làm quà Tết tặng người thân, tôi có nhiều niềm vui, nhiều trải nghiệm, khám phá lý thú. Một hình ảnh đẹp mà bao năm tháng trôi đi tôi vẫn nhớ mãi, đó là giữa đồi cát trắng bình yên bên bờ biển nổi lên mấy bụi mai nở sớm đứng bên nhau phủ đầy sắc vàng lộng lẫy dưới cái nắng cuối Chạp, trong khi ngoài kia từng đợt sóng vỗ ì ầm, phía trên cao là bầu trời xanh thăm thẳm. Có một cụ già ở Thủy Triều, dạo ấy đã kể cho tôi nghe rằng, thời xa xưa, khi còn bé, cụ đã thấy nơi này có nhiều mai rồi. Ở Bãi Dài có cả cái dốc cát rất lớn mang tên dốc Bông Mai (vì có nhiều mai) gắn liền câu ca dao:

Xa quê nhớ biết bao nhiêu
Nhớ đầm Thủy Triều, nhớ dốc Bông Mai
Dốc Bông Mai xuân về hoa nở
Người nhớ người biết thuở nào phai.

Mai ở “Xứ ngàn mai” là vậy, từ xa xưa đã đi vào ca dao. Gần đây khi đọc cuốn “Người Ninh Hòa kể chuyện xưa” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Triều Dương (Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2014), tôi còn phát hiện, trong ấy có in truyền thuyết nói về cây mai biển và mai vườn ở Thủy Triều. Chuyện kể rằng, ngày xưa, tại vùng đất phía bắc bán đảo Cam Ranh, có gia đình nọ sinh đôi hai cô con gái, đặt tên là Mai Chị và Mai Em. Cả hai vừa xinh đẹp, vừa tinh thông võ nghệ do người cha truyền dạy. Năm hai chị em 18 tuổi, trong làng có cọp về quấy phá, hai cô đã cùng cha lên đường mai phục giết được cọp làm cho bà con làng trên, xóm dưới vô cùng thán phục, biết ơn. Rồi vài năm sau, ở vùng cát ven biển lại xuất hiện một con quái vật mình rắn đầu người, giết hại nhiều gia súc và dân làng. Lúc này người cha ốm nặng không đi được nên hai chị em đã cầm kiếm lên đường, mai phục nơi động cát. Khi quái vật xuất hiện, họ đã chiến đấu suốt một ngày. Cuối cùng, con vật hung dữ bị giết, nhưng chị em Mai đều bị thương. Dù sức đã yếu, Mai Chị vẫn cố gắng dìu em gái, song không được nên đành để em lại nơi động cát, còn mình cố bò về làng với mong muốn nhờ bà con ra giúp. Đáng tiếc, do chất độc từ con quái vật ngấm vào người nên vừa về tới vườn nhà, Mai Chị gục xuống, qua đời. Còn Mai Em, lúc dân làng tìm đến thì cô cũng đã trút hơi thở cuối cùng. Điều kỳ diệu là ở hai nơi chị em Mai mất, sau đó đã mọc lên hai cây mai giống nhau, và khi mùa xuân đến cả hai đều nở đầy hoa vàng. Tuy hoa mai mọc ở vườn có màu vàng đậm hơn hoa mai mọc ở biển, nhưng nhìn kỹ giống như hai chị em sinh đôi… Mai vườn và mai biển là truyền thuyết độc đáo trong số nhiều truyền thuyết mà người Khánh Hòa xưa trong quá trình khai phá, xây làng, lập ấp đã sáng tạo để giải thích về hiện tượng tự nhiên, giới thiệu địa danh, thắng cảnh, sản vật… trên quê hương mình.

Bao năm tháng trôi đi, vùng đất hoang vu với những động mai vàng mà chúng tôi tìm đến năm nào giờ không còn nữa, thay vào đó là những khu resort nghỉ dưỡng, những tòa nhà cao tầng đang thu hút khách du lịch. Tuy vậy, không chỉ riêng tôi, mà chắc chắn còn nhiều người khác nữa, mỗi lần qua đây không thể không nhớ về những cội mai rực rỡ giữa mùa xuân ở nơi từng được gọi là “Xứ ngàn mai”...

Hoàng Nhật Tuyên

Xem thêm 👉 Những Rừng Mai Cổ Của Ngày Xưa - Khuê Việt Trường 👈