Friday, April 27, 2018

Biến cố Hải Hồng: Ảnh hưởng của một chiếc tàu đối với chính sách của Canada về người tị nạn Đông Dương - Dara Marcus



Dẫn nhập

Vào tháng 10 năm 1978, một chiếc tàu chở khoảng 2.500 người tị nạn đã thu hút được sự chú ý của dư luận trên toàn Canada và khắp thế giới. “Thuyền nhân” đã liên tục bỏ Việt Nam ra đi kể từ khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, nhưng biến cố tàu Hải Hồng (Hai Hong) đã làm thay đổi phản ứng của Canada trước phong trào tị nạn Đông Dương. Chiếc tàu này không được phép cập bến ở Malaysia, trong khi máy hư, nên tàu đành thả neo đậu ngoài khơi bờ biển Port Klang, và lâm vào tình thế giằng co bế tắc với nhà chức trách Malaysia. Chỉ chở 2.500 người, tàu này không phải một vấn nạn quá lớn nếu xét trong phạm vi phong trào tị nạn Đông Dương, nhưng đó là một tình thế khẩn cấp đối với những người trên chiếc tàu quá chật chội; họ thiếu đồ ăn, nước uống, đồ dùng y tế, và chỗ ở đàng hoàng. Tàu Hải Hồng đã thu hút được sự chú ý của báo chí và khiến xã hội ra tay cứu giúp nhiều hơn những tình huống tị nạn Đông Dương cho tới lúc đó. Tình huống tàu Hải Hồng đã khơi mào việc thực hiện trên diện rộng luật di trú mới vừa có hiệu lực chỉ mấy tháng trước, trong đó có một chính sách tị nạn nhân đạo nhất quán, sự tham gia của tỉnh bang vào quá trình chọn lựa di dân, và chương trình tư nhân bảo lãnh.

Trong bài này, tôi nghiên cứu phản ứng của Canada trước tình huống tàu Hải Hồng trong khuôn khổ lịch sử của Đạo luật Di trú 1976 và các luật liên quan. Tôi bắt đầu bằng câu chuyện thuật lại bối cảnh diễn ra sự kiện này, sau đó tôi điểm lại luật lệ về tị nạn của Canada vào lúc đó, và phản ứng của giới chính trị, báo chí và công chúng trước sự kiện Hải Hồng. Cuối cùng, tôi bàn đến ảnh hưởng của sự kiện này đối với phản ứng nói chung của Canada về vấn đề tị nạn Đông Dương.

Bối cảnh dẫn tới biến cố Hải Hồng

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn thất thủ trước Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, và Nam Việt bị Bắc Việt chiếm. Khi chế độ Cộng sản lên nắm quyền, nhiều người ở miền nam Việt Nam, đặc biệt những người có liên quan tới chính quyền, bị bỏ tù, bị buộc lao động khổ sai ở các trại cải tạo, hoặc bị đưa vào các vùng kinh tế mới. Giáo sư, công chức chính quyền cũ, văn nghệ sĩ, thương gia, và thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự thấy bức bách đến nỗi muốn bỏ xứ ra đi. Khoảng 130.000 người ra đi vào năm 1975, chủ yếu tái định cư ở Mỹ (Chan 21). Sau đợt di tản ban đầu, mỗi tháng đều đặn có khoảng 2.000-5.000 người đào thoát khỏi Việt Nam; tuy nhiên, bắt đầu từ sáu tháng cuối năm 1978, có tới hàng chục ngàn người bỏ trốn mỗi tháng, cao nhất là 21.505 người vào tháng 11 năm 1978 (sđd. 37). Tuy nhiều người bí mật đào thoát, cũng nhiều người đút lót cho cán bộ hàng chục ngàn đô-la Mỹ để được phép ra đi.

Đa số hành khách trên tàu Hải Hồng là người gốc Hoa ở miền nam Việt Nam; họ lâm vào tình cảnh tương tự người gốc Á ở Uganda khi họ bị trục xuất khỏi Uganda năm 1972. Người Hoa hội nhập tốt vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở miền nam, kiểm soát 70-80% hoạt động kinh tế, bao gồm nắm giữ 100% ngành bán sỉ và khoảng 50% ngành bán lẻ (Trần 56), và sở hữu 28 trong số 32 ngân hàng ở miền nam Việt Nam (sđd. 61).

Năm 1975, nhiều người bị tịch thu tài sản và doanh nghiệp, và năm 1976, các loại thuế đặc biệt được đánh vào lợi nhuận cao, khi nhà nước cố gắng, nhưng bất thành, chiếm quyền kiểm soát nền kinh tế ở miền nam. Để xử lý thất bại này, một chiến dịch đánh tư sản có mật danh “X2” được triển khai vào ngày 23 tháng 3 năm 1978. Chính quyền tịch thu hàng hóa từ hàng chục ngàn doanh nghiệp và buộc người dân rời khỏi thành phố để định cư ở các vùng kinh tế mới, nơi thường thiếu thốn thực phẩm, và gần như không có cách kiếm sống (Chan 41). Quan hệ giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc đã từ từ xấu đi kể từ khi Sài Gòn sụp đổ, và vào ngày 30 tháng 4 năm 1978, chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Hoa kiều thuộc Quốc Vụ Viện Trung Quốc ở Bắc Kinh nói rằng “chính quyền Việt Nam đã tăng cường trục xuất ‘người Hoa’”; hơn 40.000 người đã bị trục xuất kể từ đầu tháng 4, và tới giữa tháng 7 con số này vượt quá 160.000 người (Chan 39). (2)  Những người sống ở miền nam Việt Nam không thể, và thường không muốn, trốn sang Trung Quốc, bằng đường bộ hoặc đường thủy, nên nhiều người đã sang Malaysia và Indonesia.

Ngày 24 tháng 8 năm 1978, một chiếc tàu cũ tên Southern Cross đáng lẽ phải nhận chở một lô hàng muối ở Bangkok, Thái Lan. Nhưng thay vì thế, tàu này cập cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, và đón 1.250 người đã trả tiền cho chính quyền để được tự do. Chiếc tàu này được cán bộ chính quyền hộ tống ra vùng biển khơi, ở đó tàu gọi radio cầu cứu, tuyên bố là vừa đón người tị nạn từ một con thuyền gặp nạn. Cả Singapore và Malaysia đều không tin, và không chịu cho tàu cập bến. Hành khách được thả xuống một đảo hoang của Indonesia, tại đó Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tiếp quản tình hình và thuyết phục Indonesia đưa thuyền nhân vào các trại tị nạn đã được lập cho người tị nạn Đông Dương.

Nhờ hốt bạc từ phi vụ Southern Cross, nhóm này quyết định mua một tàu khác để tổ chức vượt biên cho thêm nhiều người Việt sẵn sàng trả giá đắt để được tự do (Davies 99). Tàu Hải Hồng được đóng năm 1948 tại Panama, và được mua phế liệu năm 1978. Thay vì được đưa sang Hong Kong để phá lấy phế liệu, chiếc tàu hen gỉ này cập bến ở Việt Nam, nơi thuyền trưởng và thủy thủ đoàn dự định đón 1.200 hành khách. Tuy nhiên, chính quyền bắt buộc họ nhận thêm 1.300 người. Trong số những người ra đi có một số thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, nhưng đại đa số là người Hoa. Mỗi người tị nạn trả khoảng 3.200 đô-la Mỹ, tức 16 lượng vàng; 10 lượng cho cán bộ chính quyền Việt Nam, và 6 lượng cho nhóm chủ tàu. Tàu Hải Hồng rời Việt Nam vào ngày 24 tháng 10 năm 1978, với khoảng 2.500 người trên boong.

Từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, tàu đi Indonesia, nhưng bị Bão Rita đánh chệch hướng và làm hư hại. Trong tình trạng hư máy, gần như không còn đồ ăn hay nước uống, tàu Hải Hồng mất mấy ngày cố cập bến ở Indonesia nhưng bị xua đuổi, và cuối cùng thả neo gần Port Klang ở vùng biển Malaysia. Tuy nhiên, vì hành khách đã trả tiền cho chính quyền Việt Nam để được ra đi, Malaysia, giống như Indonesia, không chịu nhận họ là người tị nạn. Malaysia bày tỏ quan ngại chính đáng rằng nếu nhận các “thuyền nhân” này là người tị nạn thì xem như khuyến khích việc buôn lậu người tị nạn Việt Nam.



Tàu Hải Hồng tiếp tục neo ngoài khơi, nhận thực phẩm và vật dụng y tế do Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (Red Crescent). Giống như Indonesia và Thái Lan, Malaysia đã không ký Công ước Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc về Tình trạng của Người Tị nạn, và trên nguyên tắc không bị ràng buộc bởi các kỳ vọng giống như những nước đã ký. Malaysia lúc đó cũng đang cố tránh tăng số người đã có mặt ở các trại tị nạn Đông Dương của mình; cái giá để được nhận vào một trại của Malaysia là phải có người khác ra khỏi trại, do được một nước khác nhận hoặc tự nguyện hồi hương. Nhiều nước, trong đó có Canada, thông cảm với cảnh ngộ của hành khách trên tàu Hải Hồng, và tranh luận với Malaysia và với nhau để bàn nên giải quyết ra sao, nhưng ban đầu tránh đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào. Malaysia cuối cùng công bố ý định của mình là kéo chiếc tàu bị hư này ra ngoài khơi và phó thác những người trên tàu cho số phận định đoạt. Bud Cullen, lúc đó là Bộ trưởng Lao động và Di trú Canada, nghĩ rằng “Malaysia cương quyết không để chúng ta bắt nọn, mà họ đương nhiên có quyền làm vậy, vì đã nhận hơn 35.000 người tị nạn” (Pappone 14).



Tình hình ở Canada

Lúc bấy giờ, Canada đang áp dụng Đạo luật Di trú 1976 mới của mình, có hiệu lực vào năm 1978. Trước khi luật này được ban hành, phản ứng của Canada trước các cuộc khủng hoảng tị nạn được quyết định tùy từng trường hợp. Một mục đích của luật mới này là có một chính sách tị nạn nhân đạo khác hẳn với các cân nhắc di trú khác của Canada, thay vì một loạt các kiểu phản ứng tùy cơ ứng biến được áp dụng cho tới lúc đó vốn “chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố chính trị và kinh tế” (Somerset 108). Các phong trào tị nạn không còn là vấn đề cả

thập niên mới xảy ra một lần; cần có một chính sách nhất quán về cách giải quyết, chứ không phải chỉ mỗi khi nảy sinh một cuộc khủng hoảng tị nạn thì mới quyết định liệu có nhận những di dân có thể mang lại lợi ích cho Canada hay không.

Phản ánh quan điểm ủng hộ ngoại giao, ủng hộ giữ gìn hòa bình, ủng hộ viện trợ,3 Đạo luật Di trú 1976 chú trọng đến những người nên được nhận vào Canada, chứ không phải những người nên bị từ chối, và xem người tị nạn là một diện di dân mới, được miễn tính điểm theo hệ thống dùng để xác định khả năng chấp nhận các di dân tiềm năng. Diện di dân mới bao gồm không chỉ những người tị nạn khớp với định nghĩa của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, mà cả “những người bị trừng phạt và bị đào thải không đủ tiêu chuẩn là người tị nạn theo định nghĩa cứng nhắc của Liên Hiệp Quốc” nhưng được Nội các tuyên bố là vẫn cần được hỗ trợ nhân đạo (Knowles 209). Người tị nạn không bị ngăn cản nhập cư vì lý do y tế hay sức khỏe, và không buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn giống như di dân kinh tế về khả năng có an cư lập nghiệp thành công ở Canada.

Tuy nhiên, tuy có những quy định mới này về người tị nạn, những mối quan tâm kinh tế vẫn quan trọng. Trong thập niên 1950 và 1960, nhu cầu cần lao động có kỹ năng của Canada được đáp ứng bằng người tị nạn từ Hungary và Tiệp Khắc, “có lẽ thêm một động cơ chính trị quốc tế là ước muốn làm bẽ mặt Liên Sô (Somerset 108). Tác giả Somerset cho rằng “khi làn sóng người tị nạn từ Châu Âu chấm dứt vào cuối thập niên 1960, chính các nhu cầu dân số và kinh tế vẫn còn của Canada đã dẫn tới việc nhận người tị nạn từ những nơi khác (109).

Đạo luật Di trú 1976 cũng cho phép các tỉnh bang ký những thỏa thuận di trú riêng với chính quyền liên bang. Trong thập niên 1970, chính quyền Québec đã nhận ra rằng tỉnh bang này có tỉ lệ sinh sản thấp nhất Canada, số di dân chọn định cư ở Québec ít hơn mong muốn, nên Québec tận dụng luật này để có quyền chọn lựa di dân của chính mình, do cần cổ xúy ngôn ngữ, văn hóa và xã hội tiếng Pháp. Ngày 20 tháng 2 năm 1978, Bộ trưởng di trú liên bang Cullen và Bộ trưởng di trú Québec Jacques Couture ký thỏa thuận Cullen-Couture, cho Québec được quyền tự do chọn lựa và chiêu mộ di dân của chính mình (Knowles 218). Thỏa thuận này sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới cách tiếp cận của Canada với vấn đề Hải Hồng, cũng như các quyết định tái định cư người tị nạn Đông Dương về sau.
Có ý nghĩa quan trọng không kém là chương trình tư nhân bảo lãnh mới; theo chương trình này, “ngoài việc hỗ trợ không chính thức, các nhóm có quan tâm [nhà thờ, nhóm thiện nguyện viên và tổ chức với ít nhất năm công dân Canada, gọi là các Nhóm Năm, hay G5] cũng có thể ‘bảo lãnh’ một hoặc nhiều gia đình người tị nạn, ngoài bất cứ số người nào tham gia trong chương trình tị nạn của chính quyền” (Chénier-Cullen 203). Chương trình bảo lãnh người tị nạn có hiệu lực vào ngày 10 tháng 4 năm 1978 (Pappone 22). Tuy nhiên, mãi tới sau khi xảy ra sự kiện Hải Hồng công chúng Canada mới bắt đầu ủng hộ chương trình này.

Canada lần đầu tiên nhận một nhóm lớn những người tị nạn không từ Châu Âu với phong trào người gốc Á ở Uganda vào năm 1972, được công nhận rộng rãi là một trong những chương trình tái định cư người tị nạn thành công nhất trong lịch sử Canada. Tác giả Somerset cho biết rằng, trước năm 1978, “Canada có nhiều kinh nghiệm trong việc tái định cư người tị nạn, và đến năm 1978 đã có một cơ cấu pháp lý cụ thể để tiếp nhận và tái định cư người tị nạn” (109). Do vậy, khi đông đảo người Đông Dương bắt đầu bỏ quê hương ra đi, Canada đã có hiểu biết và phương tiện pháp lý để đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.

Phản ứng của Canada trước vụ Hải Hồng

Trong một văn bản Nội các ngày 26 tháng 6 năm 1975, Bộ trưởng Andras, người tiền nhiệm của Cullen, “nói rằng ông sẽ không xin thẩm quyền tiếp nhận người tị nạn Việt Nam và Cam Bốt ngoài số 3.000 người đã được Nội các cho phép” (A-5-a, Volume 6457 2). Tuy nhiên, sau này hóa ra cam kết của chính phủ Canada đối với vấn đề tị nạn Đông Dương “đã dần dần tăng lên kể từ tháng 10 năm 1976, đến tháng 1 năm 1978 đã tăng từ hạn mức 180 ‘thuyền nhân’ Việt Nam mỗi năm lên 50 gia đình mỗi tháng” (Anderssen and Jiménez 2). Từ năm 1975 tới năm 1978, Canada đã nhận 9.060 người tị nạn Đông Dương:
Phần lớn trong số đó định cư ở Montreal, Calgary, Edmonton, và Toronto, và những số ít hơn tại các nơi khác. Phần lớn những người tị nạn này là người có nghề nghiệp chuyên môn hoặc có kỹ năng cao, và nhiều người trong số họ đã tìm được việc làm. Nói chung, dường như là việc tái định cư của họ khá thành công. (Somerset 109).

Tháng 6 năm 1978, Bộ trưởng Cullen thông báo có thêm “một phong trào tị nạn đặc biệt để nhận vào Canada tới 20 gia đình tị nạn Đông Dương [Cam Bốt] mỗi tháng lên tới một tổng số không được công bố gồm 1.000 người... Chương trình này sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức thiện nguyện và nhà thờ trong việc giúp di dân mới an cư lập nghiệp với sự hỗ trợ của các nguồn ngân quỹ của chính phủ liên bang” (Cullen 305-78MC 4-5). Trước khi biến cố Hải Hồng thay đổi cục diện truyền thông và dư luận, ý định là tiếp tục tiếp nhận 70 gia đình mỗi tháng.

Ngày 15 tháng 11, ba tuần sau khi tàu rời Việt Nam, và sáu ngày sau khi neo đậu ở vùng biển Malaysia, những bài báo đầu tiên về tình huống Hải Hồng đã xuất hiện trên các tờ báo ở Canada. Ban đầu, báo chí chủ yếu bàn tới việc Malaysia không muốn cho người tị nạn cập bến, “vì có những tường trình cho rằng chiếc này thuộc sở hữu của một tập đoàn” bắt trả tiền mới cho đi (UPI The Gazette 15/11/78). Một số ít cho rằng Canada “sẵn sàng xem xét những người tị nạn có mang thư hứa cấp thị thực (promise-of-visa letters)” đã được giới chức Canada cấp trước khi Sài Gòn sụp đổ, cũng như những ai “có thân nhân ở Canada” (CP The Gazette 15/11/78). Ottawa cũng sẵn sàng xem xét tiếp nhận những người khác, nhưng “đang đợi kết quả một cuộc điều tra của cao ủy Liên Hiệp Quốc về cảnh ngộ của những người tị nạn này” (Gazette News Services The Gazette 16/11/78).

Lúc này, Bộ trưởng Couture vận dụng thỏa thuận Cullen-Couture và các quyền hạn tỉnh bang của ông, và vào ngày 15 tháng 11 tuyên bố rằng Québec “sẵn sàng nhận ít nhất 200 người tị nạn Hải Hồng, tức 30% số người được Canada nhận, nếu con số đó cao hơn 200” (Pappone 15). Với Québec, nhận một số trong những người tị nạn này hoàn toàn hợp lý; không những vì tỉnh bang này đã có khá nhiều dân gốc Việt, mà còn vì, do Việt Nam là cựu thuộc địa của Pháp, nhiều người Việt đã nói tiếng Pháp, rất hợp với các mục tiêu của thỏa thuận Cullen-Couture. Lập trường này còn có một động cơ chính trị mạnh mẽ; Couture là Bộ trưởng thuộc Đảng Người Québec (Parti Québécois) chủ trương ly khai, và vì vậy, chủ động ra tay và đi trước chính phủ liên bang về các vấn đề quốc tế là việc rất có giá trị. Bằng việc tuyên bố Québec sẵn sàng nhận 200 người tị nạn từ tàu Hải Hồng, Bộ trưởng Couture chứng tỏ Québec muốn hành động tách biệt với chính phủ liên bang; các quyền hạn mới của tỉnh bang về vấn đề di trú đã giúp có thể làm được như vậy.


Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của Couture, với hạn mức lúc đó chỉ có 70 gia đình mỗi tháng, chẳng mấy ai kỳ vọng rằng Canada sẽ thực sự nhận thêm người tị nạn Đông Dương, và dù báo chí tăng cường đưa tin về những người tị nạn này, không ai đề nghị rằng Canada nên tăng số lượng tiếp nhận. Báo tiếng Pháp bắt đầu đăng những bài dài, không chỉ về việc Malaysia không chịu nhận người tị nạn, mà còn những phóng sự mô tả chi tiết tình hình từ những ký giả tới thăm tàu Hải Hồng; họ tường thuật rằng “ta có thể thực sự bước đi trên người họ, đàn ông, phụ nữ, trẻ em, và người già, nằm dài hoặc ngồi xổm, lộ rõ vẻ kiệt sức và khổ sở, nhưng tất cả, không trừ một ai, đều giữ phẩm giá” (Paringaux 16/11/78).4 Những tờ báo khác tập trung vào việc các nước Đông Nam Á khác không chịu nhận hành khách trên tàu Hải Hồng, bắt đầu đăng những bài xã luận kêu gọi tình người nói chúng, không đề nghị rằng Canada nên nhận những người tị nạn này, vì “một nông dân Việt Nam sẽ gần như không thể thích ứng với một thế giới, văn hóa và khí hậu khác hẳn”, mà đề nghị chính phủ Canada “khuyến khích những người bạn Malaysia của chúng ta đón nhận một số trong ‘chuyến hàng người’ bệnh tật và bất hạnh” trên tàu Hải Hồng (Xã luận The Toronto Star 15/11/78).

Trong khi đó, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và nhiều nước khác, trong đó có Canada, thương lượng với chính phủ Malaysia. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc có quan điểm cho rằng hành khách trên tàu Hải Hồng là người tị nạn, với lời khẩn cầu cá nhân của Poul Hartling, Cao ủy viên Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn, “bắt đầu gây áp lực để Malaysia cho phép họ lên bờ” (Pappone 12). Tuy nhiên, Malaysia tiếp tục không chấp nhận hành khách trên tàu là người tị nạn, viện dẫn lý do họ đã trả tiền để được đi. Ottawa và chính phủ các nước khác nỗ lực thuyết phục Kuala Lumpur hoãn kéo tàu Hải Hồng ra vùng biển khơi; tuy nhiên, do không có cam kết cụ thể từ bất cứ nước nào, Malaysia tiếp tục lời đe dọa của mình và siết chặt an ninh xung quanh con tàu. Sau nhiều cuộc họp, giới chức Malaysia cuối cùng đồng ý kiến nghị lên Thủ tướng của họ là họ “hoãn buộc tàu Hải Hồng ra neo đậu ở vùng biển khơi trong thời hạn đủ lâu để Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và các nước khác có thời gian tìm ra cách dàn xếp tái định cư” (Pappone 14). Tuy nhiên, nếu Thủ tướng đồng ý, các nước tiếp nhận sẽ “phải có hành động ngay lập tức để … đưa các hành khách này ra khỏi Malaysia” (sđd. 14).

Quyết định mà chính phủ Canada đương đầu trong vấn đề Hải Hồng có một tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức: Canada không muốn bỏ rơi 2.500 người tị nạn trên tàu Hải Hồng, nhưng nếu nhận họ có nghĩa là bỏ qua hàng chục ngàn người tị nạn đã ở tại các trại chờ tái định cư, trong đó có hơn 35.000 người chỉ riêng ở Malaysia. Bộ trưởng Cullen băn khoăn liệu trong trường hợp này Canada có nên “ưu tiên cho những người trên tàu Hải Hồng vừa mới tới” (Pappone 15). Ông công khai phát biểu rằng Canada sẽ ủng hộ bất cứ quan điểm nào mà Liên Hiệp Quốc đưa ra, nhưng ông cảm thấy rằng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc mất quá lâu để quyết định cách xử lý tình huống này. Ông quyết tâm có hành động nhanh chóng về vấn đề Hải Hồng, và ông tin rằng Canada nên đảm trách vai trò dẫn đầu, một “cam kết ở mức độ mà các nước khác sẽ được khích lệ noi theo”, dù có quan ngại rằng rốt cuộc Canada có thể “một thân ôm cả gánh nặng” (sđd. 19). Cuối cùng, Cullen chọn cách mạo hiểm, cho phép tình thế khẩn cấp của tàu Hải Hồng được ưu tiên hơn sự công bằng cho những người tị nạn đang đợi ở các trại.

Như đã nêu trên, Couture trước đó đã tuyên bố rằng Québec sẽ nhận 200 người tị nạn trên tàu Hải Hồng; về sau Cullen gọi lời đề nghị của Québec là “bước khai thông thực sự đầu tiên” cho việc Canada tham gia giải quyết vấn đề Hải Hồng (Pappone 15). Quyết định của chính phủ liên bang về cam kết nhận 600 người tị nạn được đưa ra nhanh chóng, mà chẳng bàn bạc gì nhiều trong Nội các. Tuy nhiên quyết định đó không phải không có sự ủng hộ, như Cullen nhận xét rằng báo chí “lúc đó thúc đẩy chúng tôi đi theo đúng chiều hướng mà chúng tôi muốn đi bằng cách liên tục hỏi chúng tôi định làm gì” (Cullen được trích dẫn trong Pappone 15). Các dân biểu “tăng cường chất vấn chúng tôi tại Hạ viện, và điện tín và thư từ của công chúng gởi tới tấp đến Bộ Lao Động và Di trú” (sđd. 15). Báo chí đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của Canada đối với vấn đề này.

Ngay sau khi có tuyên bố đó, hai viên chức Ian Hamilton và Dick Martin, cùng với thực tập sinh Scott Mullin của Bộ Di trú được lập tức cử đến Kuala Lumpur để đảm trách việc chọn lựa người tị nạn mà Canada sẽ nhận từ tàu Hải Hồng. Họ được báo là Bộ trưởng Cullen quyết tâm hành động nhanh về vấn đề Hải Hồng, và thực vậy, chuyến bay đầu tiên tới Canada là vào ngày 25 tháng 11, chỉ 16 ngày sau khi tàu Hải Hồng bị kẹt ngoài khơi Port Klang.

Tuy nhiên, trước khi chuyến bay đầu tiên của người tị nạn có thể được tổ chức, Hamilton, Martin, và Mullin cần phải tiếp xúc với người trên tàu Hải Hồng. Dù Canada công khai tuyên bố sẽ nhận 600 người tị nạn, Malaysia không chịu tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chọn lựa.

Hamilton tin rằng lời đe dọa kéo tàu ra khơi của họ không phải là vô căn cứ, và Malaysia giữ quan điểm rằng hành khách trên tàu Hải Hồng không phải là người tị nạn chính đáng. Do đó người Canada không được phép lên tàu, còn người tị nạn không được lên bờ Malaysia. Khi các viên chức cố gắng quan sát chiếc tàu từ cách một dặm, cảnh sát tịch thu ống nhòm của họ. Chẳng bao lâu sau hai bên đạt được một sự nhượng bộ: cảnh sát Malaysia neo đậu một tàu quét thủy lôi giữa tàu Hải Hồng và bờ biển, tại đó họ đưa từng nhóm nhỏ người tị nạn bằng thuyền tới chỗ các viên chức Canada đang đợi để phỏng vấn và xử lý. Cảnh sát an ninh bày tỏ rõ ràng quan điểm của họ về tình huống này, họ mang vũ khí tự động và gậy để chứng tỏ rằng những người tị nạn này không được hoan nghênh và bị xem là nguy hiểm. Không hề nhụt chí, các viên chức Canada nhanh chóng chấp nhận cách bố trí này và dần chiếm được cảm tình của các cảnh sát viên nhờ giữ thái độ vui vẻ và thân thiện, và hào phóng tặng họ nhiều vật kỷ niệm của Canada.

Bất chấp cái nóng ngột ngạt và mưa tầm tã, những gián đoạn do cảnh sát gây ra, và những trì hoãn không thể lý giải được của giới chức Malaysia, nhóm viên chức di trú sẵn sàng lao vào quá trình chọn lựa trước ngày 21 tháng 11. Bắt đầu từ trước lúc mặt trời mọc và làm việc tới lúc mặt trời lặn, nhóm này chọn được 74 người trong ngày đầu tiên (sau 6 giờ trì hoãn), và 356 người trong ngày thứ hai, kết thúc với tổng cộng 604 người vào cuối ngày thứ ba. Trong số những người đựa chọn lựa có một cụ 82 tuổi, hành khách lớn tuổi nhất trên tàu, cũng như hai người trẻ nhất, cả hai đều ra đời trên tàu Hải Hồng. Đáng ngạc nhiên là những người tị nạn này không gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào; tuy nhiên, hai cụ bà đã chết trên đường đi trước đó, và một phụ nữ khác chết vì bị té sau khi Canada bắt đầu xử lý hồ sơ. Tuy nhiều người bị nổi mẩn đỏ da vì sống cả tháng trời trong điều kiện kinh khủng mà không có chỗ tắm, chấn thương nặng nhất chỉ là một người bị gãy chân.

Vào lúc 3 giờ sáng ngày 24/11, sau khi hoàn tất quá trình xử lý hồ sơ, Hamilton nhận ra rằng trong tình trạng làm việc quá nhiều đến kiệt sức, họ đã vô tình xử lý hồ sơ một gia đình 15 người tới hai lần, khiến họ bị thiếu 15 người tị nạn. Ông thuyết phục các cảnh sát viên bấy giờ đã trở nên thân thiện đưa ông quay lại tàu Hải Hồng. Ở đó, ông quỳ trong bóng tối bên mạn tàu và xử lý hồ sơ nhận thêm 15 người nữa.

Ngay cả sau khi người tị nạn đã được chọn, Malaysia cũng không giảm bớt việc canh phòng. Nhà chức trách không chịu cho phép người tị nạn đi tắm trước khi lên máy bay sang Canada. Thay vì thế, họ cho hộ tống có vũ trang từ bến tàu tới xe buýt ra phi trường. Vì các hãng máy bay dân dụng từ chối tham gia, các máy bay quân sự Canada được dùng để vận chuyển người tị nạn. Khi các máy bay quân sự đáp ở Malaysia, cảnh sát tiến vào lục soát máy bay xem có vũ khí hay không, rồi giữ an ninh chặt chẽ xung quanh máy bay.


Tại Canada, người ta chuẩn bị đón tiếp người tị nạn tại căn cứ quân sự Longue-Pointe gần Montréal. Kế hoạch dự kiến là những người tị nạn này sẽ lưu lại không quá 48 giờ – đủ thời gian để xử lý, tiến hành khám sức khỏe toàn diện và để họ tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi và chọn quần áo mùa đông – nhiều người đi chân trần, không ai chuẩn bị cho mùa đông – trước khi lên đường tới địa điểm thường trú của họ. Những người tị nạn này tới Canada theo bốn nhóm: ngày 25 và 28 tháng 11, và ngày 1 và 5 tháng 12. Báo chí có mặt để ghi chép về những người mệt mỏi, nhưng miệng cười tươi bồng trẻ con vẫy cờ Canada khi họ tới quê hương mới của mình.

Canada rốt cuộc không hành động đơn thương độc mã. Pháp và Mỹ công bố ý định nhận một số trong những người tị nạn này gần cùng lúc với Canada, dù Canada là nước đầu tiên chọn lựa, xử lý, và đưa người ra khỏi tàu Hải Hồng. Cuối cùng, Canada nhận 604 người, Mỹ nhận 897, Cộng hòa Liên bang Đức nhận 657, Pháp nhận 222, Thụy Sĩ nhận 52, New Zealand nhận 9, và Úc nhận 8.5 Ngoài ra, Mỹ tình nguyện nhận bất cứ người tị nạn nào còn sót lại khi quá trình chọn lựa chấm dứt; nhóm 76 người tị nạn cuối cùng rời tàu Hải Hồng vào ngày 24 tháng 4 năm 1979, lên đường sang Mỹ.

Phản ứng của công chúng và báo chí Canada trước quyết định này 

Vì biến cố Hải Hồng được chú ý nhiều ở Canada, các phản ứng của báo chí và công chúng trước cách chính phủ xử lý vụ việc này chắc chắn có những hệ quả quan trọng cho những lần giải quyết về sau đối với cuộc khủng hoảng tị nạn Đông Dương. Tuy cuộc khủng hoảng này đã chấm dứt với 2.500 người trên tàu Hải Hồng, vẫn còn có hàng chục ngàn người chờ đợi trong các trại tị nạn; 61.000 người Việt đã trốn sang Malaysia chỉ riêng trong năm 1978, và 49.000 người cập bến ở Indonesia (Robinson 42). Trong báo cáo Chương trình Tị nạn Đông Dương của mình, chính phủ Canada đã nhận xét rằng Canada “đã thực hiện những biện pháp đặc biệt để nhận 600 người tị nạn từ tàu Hải Hồng, nhờ đó phá vỡ thế bế tắc trong tình huống khó xử này. Tình huống Hải Hồng đầy kịch tính cùng với số di tản ngày càng tăng từ Việt Nam đã khiến báo chí và công chúng Canada quan tâm nhiều hơn và cảm thông hơn cho những người này” (Indochinese Refugee Program 4). Thực vậy, dù báo chí thường xuyên nhắc tới cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Đông Nam Á, với tình thế bế tắc của tàu Hải Hồng, lượng tin tức được đưa về vụ này tăng đáng kể. Bây giờ chúng tôi sẽ bàn tới phản ứng đối với việc chính phủ chấp nhận người tị nạn trên tàu Hải Hồng và nghiên cứu xem việc này đã mở ra khả năng tăng số lượng tái định cư ở Canada hơn con số 70 gia đình mỗi tháng như thế nào.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy phản ứng của báo chí thể hiện tại cuộc họp báo khi thông báo đó được đưa ra. Ba ngày sau khi Quốc hội Québec “bỏ phiếu nhất trí tuyệt đối … để xin phép chính phủ liên bang được nhận 200” trong số những người tị nạn trên tàu Hải Hồng (CP Teletype 16/11/78), Bộ trưởng Cullen và Bộ trưởng Ngoại giao Don Jamieson tổ chức một cuộc họp báo để thông báo Canada có ý định nhận 600 hành khách trên tàu Hải Hồng, và chính thức chấp nhận cam kết của Québec cho tái định cư một phần ba trong số đó. Vì cuộc họp báo sẽ được tổ chức trong một hội nghị chính trị, Bộ trưởng Cullen đã bày tỏ quan ngại rằng “nó có thể trông rất giống một thủ đoạn chính trị ma mãnh” (Pappone 21), và cảm giác ban đầu dường như khẳng định những nỗi lo sợ này. Tuy nhiên, khi các ký giả bắt đầu đặt câu hỏi, thái độ bắt đầu thay đổi chiều hướng, và giới ký giả “trở nên quan tâm và đầy cảm xúc”, chứ không xoay chuyển dư luận chống lại cam kết đã tuyên bố của chính phủ (sđd. 22).

Ngày hôm sau thông báo của Bộ trưởng Cullen, các tờ báo ca ngợi ý định của Canada nhận 600 người tị nạn, với những bài báo như “Canada là nước đầu tiên cho nơi nương náu” và “Hôm nay bắt đầu chọn 600 người tị nạn ‘may mắn’” (The Toronto Sun 19/11/78 và Ottawa Journal 20/11/78). Báo chí sau đó tập trung bàn tới những việc cần làm để chuẩn bị đón người tị nạn sắp đến, và chuyện mỗi tỉnh bang sẵn sàng cam kết tới đâu và nhận bao nhiêu người. Ngoài ra, các tờ báo thường xuyên đăng những bài về đời thường, về tâm tư tình cảm của những người tị nạn Việt Nam đã định cư ở Canada (vì có 50 gia đình “thuyền nhân” lặng lẽ tới mỗi tháng). Những bài này thể hiện tâm lý hồ hởi ủng hộ mục tiêu cứu ít ra là những người tị nạn trên tàu Hải Hồng, và những câu chuyện vui vẻ về người tị nạn Việt Nam lần đầu tiên nếm thức ăn Canada và thấy mùa đông có tuyết đã càng thu phục nhân tâm. Phản ứng của báo chí đã định hình giọng điệu nói chung trong cách tường thuật câu chuyện này với công chúng, và cách người Canada sau đó sẽ phản ứng với vấn đề tị nạn Đông Dương đang diễn ra.

Tuy nhiên, dù báo chí bày tỏ thiện chí gần như đồng loạt và chấp nhận người tị nạn Hải Hồng ở Canada, cũng xuất hiện một vài tiếng nói bất đồng. Kinh tế đang khó khăn nên nhiều người lo ngại về khả năng chính phủ tăng thuế để trang trải chi phí tái định cư người tị nạn, hoặc di dân giành mất việc làm của người Canada (Thư gởi Ban Biên tập: 03/12/78 The Toronto Sun; 11/12/78 The Toronto Star). Một số người nhắc rằng tỉ lệ thất nghiệp của Canada đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, và rằng những người mà tổ tiên của họ đã góp phần xây dựng Canada “sắp bị đói và không có việc làm, vậy mà chính phủ của chúng ta đưa những người này tới đây” (11/12/78 The Toronto Star).
Như thể đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Nhân lực Alberta Bert Hohol gởi công văn cho Bộ trưởng Cullen vào ngày 21 tháng 11 nói rằng tỉnh bang của ông sẽ nhận lên tới 50 người tị nạn, nhưng chỉ với điều kiện chính phủ liên bang trang trải toàn bộ chi phí y tế, học sinh ngữ, và học nghề (CP Ottawa Journal 04/12/78). Hohol nói rằng “cần phải hiểu rõ rằng Alberta hy vọng sự ủng hộ này sẽ tiếp tục trong tối đa ba năm, nếu cần, lúc đó những người này có thể thành công dân Canada” (Jaremko 05/12/78). Công văn này được công bố, và, nhất là khi được đối chiếu với việc Québec sẵn sàng nhận ít nhất 200 người tị nạn, bất chấp chi phí bao nhiêu, điều này trở thành cái cớ để chê bai chính quyền Alberta. Công chúng Canada đã được báo chí khơi dậy thiện chí đối với người tị nạn, nên không thèm nghe nữa khi Hohol cố gắng thay đổi lời lẽ và cáo buộc Cullen cố tình hiểu sai ý ông. Thư độc giả gởi ban biên tập thường khen ngợi hành động của chính phủ liên bang về vụ Hải Hồng, chỉ trích sự keo kiệt của tỉnh bang Alberta giàu có, và nhận định rằng Canada có thể nhận thêm nhiều người tị nạn Đông Dương nữa (Thư gởi Ban Biên tập: The Toronto Star 11/12/78). Việc công chúng phản đối Hohol và Alberta cho thấy thái độ thiện chí phổ biến lúc đó và mong muốn giúp người tị nạn Đông Dương.

Sau khi Canada công bố nhận 600 người tị nạn từ tàu Hải Hồng vào tháng 11, các tổ chức cung cấp dịch vụ di trú choáng ngợp trước việc công chúng dồn dập ngỏ ý muốn giúp giữ trẻ và cho ở nhờ, và hiến tặng đồ đạc gia dụng và áo quần. Không muốn bỏ qua tấm lòng hào phóng của công chúng, chính phủ thông báo rằng họ nhận được đủ mọi sự giúp đỡ cần cho vụ Hải Hồng, nhưng yêu cầu công chúng nhớ là dòng người tị nạn Đông Dương vẫn đều đặn đổ tới Canada và khi tới họ vẫn tiếp tục cần được giúp đỡ như vậy (Pappone 48).

Với biến cố Hải Hồng, từ dư luận chung, dù đồng ý cần phải làm gì đó, cho rằng người tị nạn Việt Nam sẽ không thích nghi với cuộc sống ở Canada, tin bài trên báo chí, xã luận, và thư độc giả gởi cho các tờ báo đã thay đổi sang nhận định rằng Canada “trong nhiều năm đã và đang chào đón những người bị trừng phạt … Chúng ta nên nhận ít nhất 10.000-20.000 trong số những người tị nạn này trong một hành động tương tự như nhận người từ Hungary vào năm 1956, từ Tiệp Khắc vào năm 1968, hoặc người tị nạn từ Chile” (The Toronto Star 11/12/78), và rằng “ít ra chúng ta cũng có thể cam kết … nhận 20.000 thuyền nhân tới Canada ngay khi có thể đưa họ tới đây được. Nhận số lượng đó chưa phải là lý do để ta tự chúc mừng. Nhưng đó là một sự khởi đầu” (The Globe and Mail 06/12/78). Khi mỗi ngày càng có thêm nhiều người bỏ trốn khỏi Việt Nam và Cam Bốt, phản ứng tích cực nói chung đối với người tị nạn Hải Hồng có lợi cho những thay đổi chính sách mà chính phủ sẽ áp dụng để nhận thêm nhiều người tị nạn Đông Dương.

Chính sách hậu Hải Hồng

Khi công chúng càng quan tâm và mong muốn giúp thuyền nhân Đông Dương hơn, vấn nạn ở Đông Nam Á càng trầm trọng. Từ 21.505 người vào tháng 11 năm 1978, số người vượt biên bằng tàu thuyền từ Việt Nam đã lên tới mức cao nhất là 54.871 vào tháng 6 năm 1979 (Chan 37). Đến giữa năm 1979, hơn 700.000 người Việt đã bỏ xứ ra đi, và hơn 200.000 người trong số đó vẫn ở tại các trại tị nạn Đông Nam Á, chờ tái định cư (Vo 163). Đạo luật Di trú 1976 của Canada đã cung cấp phương tiện chính sách để tăng số người tị nạn Đông Dương, trong đó có nhận những người có thể không thích nghi tốt với cuộc sống ở Canada, và thực hiện chương trình tư nhân bảo lãnh.

Đến cuối năm 1978, “phản ứng đáng kể” của công chúng Canada “về việc hỗ trợ vật chất và tình nguyện giúp đỡ cho vụ Hải Hồng... đã tạo động lực để Cullen” công bố một mục tiêu mới cho Canada về việc tái định cư người tị nạn Đông Dương (Pappone 21-22). Kế hoạch Hàng năm về Tái định cư Người tị nạn năm 1979 nêu cụ thể việc tư nhân bảo lãnh là cách để nhận thêm nhiều người tị nạn:
Để mở rộng thêm phạm vi của những người tị nạn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn được nhận, Đạo luật này có quy định để các nhóm thiện nguyện bảo lãnh người tị nạn. Những nhóm này ký một cam đoan có hiệu lực pháp lý để hỗ trợ ban đầu và giúp đỡ tái định cư trong năm đầu ở Canada. Điều này sẽ giúp Canada nhận những người tị nạn mà lẽ ra không được xem là có khả năng an cư lập nghiệp. (631-78RD 3)

Với ý định về chương trình tư nhân bảo lãnh, và báo chí thường xuyên khích lệ, Chương trình Người tị nạn Đông Dương cho năm 1979 thực hiện “môt chương trình mở rộng tức thì để nhận 5.000 người tị nạn Đông Dương trong niên lịch 1979, trên cơ sở tăng mức tiếp nhận theo định mức hiện tại từ 70 lên 200 gia đình mỗi tháng” (630-78RD 2). Chính phủ sẵn sàng thẩm định lại số lượng nếu cần thiết; Nội các đồng ý “rằng Bộ trưởng Lao động và Di trú báo cáo với Nội các chậm nhất là ngày 1 tháng 7 năm 1979 về việc có cần tăng cam kết của chính phủ với việc tái định cư người tị nạn Đông Dương hay không (sđd. 2).

Trong một cuộc thăm dò dư luận Gallup vào tháng 2 năm 1979, “khi người Canada được hỏi về quan điểm của họ về việc tăng gấp ba quy mô chương trình người tị nạn Đông Dương lên tới 5.000 người trong năm, 52% cảm thấy rằng con số đó quá cao, 37% cảm thấy vừa đủ, và chỉ 7% nghĩ rằng quá thấp” (Memorandum 336-72 7). Tuy nhiên, “những lời ngỏ ý tham gia chương trình tư nhân bảo lãnh cho người tị nạn cho thấy công chúng cũng có phản ứng ủng hộ người tị nạn; điều này có thể đã khuyến khích chính phủ Canada nâng hạn mức lên 8.000 người vào tháng 6 năm 1979” (Somerset 110).

Tuy nhiên, xét về quy mô của vấn nạn này, mức tăng này vẫn chưa gần đủ, với hơn 200.000 người tị nạn đang đợi tái định cư và số lượng tăng lên hàng ngày. Người dân Canada gởi hàng ngàn đơn xin tham gia chương trình tư nhân bảo lãnh. Viết cho Hội Lịch sử Di dân Canada, Pat Marshall công nhận sự kiện Hải Hồng giúp khởi xướng chương trình tư nhân bảo lãnh:

Ban đầu là Hải Hồng, một chiếc tàu oằn mình với cảnh thống khổ chung của 2.450 người tị nạn, những nạn nhân của việc cộng sản chiếm miền nam Việt Nam. Khi Malaysia không chịu cho phép tàu cập bến, tình thế đối đầu bế tắc tiếp theo đó đã khiến thế giới chú ý đến cảnh ngộ của tất cả những người tị nạn Đông Dương. Nhờ báo chí đưa tin liên lục, những khuôn mặt của người tị nạn được truyền tới tất cả các gia đình chúng ta ... Đến tháng 6 năm 1979... việc bảo lãnh người tị nạn do các nhóm tư nhân thực hiện đã được tạo điều kiện thành hiện thực.. (Marshall 1)

Tháng 6 năm 1979, Đảng Tự do không giữ được chính quyền, và Joe Clark cùng Đảng Bảo thủ Tiến bộ lên nắm quyền. Trái ngược vói vài tháng trước đó, đến tháng 7 năm 1979, chỉ có 38% người dân Canada phản đối nhận thêm người tị nạn Đông Dương, trong khi 52% ủng hộ nhận thêm. Có thể “việc báo chí nói nhiều về cảnh ngộ của ‘thuyền nhân’ … có lẽ đã giúp đánh thức phản ứng nhân đạo trong công chúng” (Somerset 110). Lúc đó, với rất nhiều loại tổ chức cộng đồng khác nhau, từ các nhóm tôn giáo tới các câu lạc bộ bowling, muốn bão lãnh người tị nạn, chính phủ liên bang mới đắc cử đã tăng đáng kể hạn mức lên tới 50.000 người. Ngoài số 8.000 người đã được cam kết nhận, chính phủ sẽ thiết lập một chương trình đối ứng, cho phép tối đa 21.000 người được tư nhân bảo lãnh, với chính phủ bảo lãnh một người tị nạn cho mỗi người được tư nhân bảo lãnh.

Không rõ tại sao chính phủ mới của Đảng Bảo thủ Tiến bộ tăng hạn mức người tị nạn Đông Dương lên đáng kể như vậy. Tuy áp lực của Liên Hiệp Quốc yêu cầu các nước phản ứng trước cuộc khủng hoảng này có thể đã ảnh hưởng tới các hạn mức của Canada trong chừng mực nào đó, cũng có thể là “việc đáp ứng các nhu cầu dân số và kinh tế của Canada đã biện minh cho hạn mức gia tăng đó” (Somerset 111). Số lượng di dân của Canada đã giảm trong những năm gần đó, và đa số người tị nạn Việt Nam còn trẻ và có khả năng làm việc.

Trước sự ngạc nhiên của chính phủ, hạn mức 21.000 người tị nạn do tư nhân bảo lãnh được thực hiện hết chỉ sau bốn tháng. Chính phủ có một quyết định đáng tranh cãi là giữ hạn mức 50.000 người, nhưng bỏ chương trình đối ứng, cho phép số lượng tư nhân bảo lãnh tăng tùy theo ý muốn của tư nhân lên tới tối đa 50.000, và chính phủ sẽ đảm nhận số còn lại trong hạn mức này. Bộ trưởng Lao động và Di trú biện hộ cho hành động này bằng phát biểu cho rằng nếu nhận hơn 50.000 người tị nạn thì sẽ “gây căng thẳng cho năng lực tiếp nhận của Canada về trường học, hỗ trợ y tế và y khoa và khả năng hội nhập thành công của những người này vào đời sống Canada” (Canada 01/11/79).

Đảng Tự do quay lại nắm quyền vào tháng 3 năm 1980. Tháng sau đó, chính phủ một lần nữa nâng hạn mức, lên tổng cộng 60.000 người, trong đó có thêm 10.000 người bảo đảm được chính phủ bảo lãnh. Bắt đầu từ năm 1979, “trong vòng 24 tháng, hơn 60.000 người tị nạn Đông Dương được nhận – phần lớn là người Việt – và 34.000 người được người dân Canada bảo lãnh theo diện tư nhân” (Anderssen and Jiménez 1). Có ý kiến cho rằng sự gia tăng này một phần là do chính phủ của Đảng Bảo thủ sụp đổ, mà có thể bị ảnh hưởng do cách họ xử lý chương trình đối ứng tư nhân bảo lãnh / chính phủ. Tác giả Somerset nhận xét rằng “Bộ trưởng Lao động và Di trú Atkey đã mất ghế dân biểu trong cuộc tổng tuyển cử... khu vực bầu cử mà ông đại diện... có tỉ lệ di dân cao; điều đó cho thấy phản ứng của công chúng về việc chính phủ bỏ công thức đối ứng là một yếu tố dẫn tới thất bại của ông Atkey” (Somerset 112).

Bất luận vì lý do gì, mức gia tăng đáng kể từ 5.000 lên tới 60.000 người chỉ trong vòng hơn một năm, cùng với số lượng người tị nạn thì mà Canada tiếp tục nhân trong thời gian còn lại của phong trào tị nạn Đông Dương, đã khiến Canada trở thành nước tiếp nhận số người tị nạn Đông Dương nhiều thứ nhì xét theo con số tuyệt đối, và nhiều nhất xét theo bình quân đầu người. Trong số những nước tái định cư hàng đầu, Mỹ nhận 1,2 triệu người tị nạn, Canada nhận hơn 200.000, Úc nhận 180.000, và Pháp nhận 120.000 (Vo 179-198). Việc Canada nhận 604 người tị nạn trên tàu Hải Hồng, cộng với ý muốn của công chúng và giới chính khách sau đó, đã mở cánh cửa giúp đỡ thêm hàng ngàn người nữa.

Kết luận

Phản ứng của Canada trước biến cố Hải Hồng cho thấy tác động mà một vụ việc tập trung duy nhất trong một cuộc khủng hoảng trầm trọng có thể gây ra, nếu nó thu hút được sự chú ý của báo chí và công chúng. Chúng ta thấy Québec dùng các quyền hạn chọn lựa di dân mới để đảm nhận vai trò dẫn đầu bên trong Canada, và Canada đảm nhận vai trò dẫn đầu đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn Đông Dương. Vấn đề Hải Hồng đã khởi xướng một phong trào tư nhân bảo lãnh rộng lớn ở Canada; phong trào này dẫn tới việc thực hiện trên quy mô lớn chính sách tị nạn mới của Canada. Sau nhiều năm Canada có rất ít hành động về phong trào tị nạn Đông Dương, động lực do sự kiện Hải Hồng tạo ra đã khiến Canada nhận số lượng người tị nạn Đông Dương tính theo bình quân đầu người nhiều nhất thế giới.

Dara Marcus / Khương An

===

Tài liệu nghiên cứu

1. Dara Marcus, The Hai Hong incident: One boat's effect on Canada's policy towards Indochinese refugees
2. Dara Marcus, Saving Lives: Canada and the Hai Hong, bout de papier Vol. 28, No. 1
Biến cố Hải Hồng 18
Tài liệu tham khảo của bài số 1 (“The Hai Hong incident”):
Anderssen, Erin and Marina Jiménez. “Summer of Love.” 2004, July 03. The Globe and Mail (Toronto).
Canada, House of Commons, Issue No. 1, 1 November 1979. Minutes of the Proceedings and Evidence of the Standing Committee on Labour, Manpower and Immigration.
“Canada first to offer haven.” 1978, November 11. The Toronto Sun (Toronto).
Canadian Press. “Alberta's refugee policy called racist.” 1978, December 04. Ottawa Journal (Ottawa).
Canadian Press (CP). “Ottawa may allow some in Canada.” 1978, November 15. The Gazette (Montréal).
Canadian Press. “Vietnamese with vars refugees.” 1978, November 16. Teletype.
Chan, Yuk Wah, ed. The Chinese/Vietnamese Diaspora: Revisiting the boat people. Routledge: London, 2011.
Chénier-Cullen, Nicole. I Found My Thrill on Parliament Hill. iUniverse, Inc.: Bloomington, 2009.
Cullen, Bud. “Memorandum to the Cabinet: Democratic Kampuchea – Human Rights and Refugees. Cabinet document: 305-78MC. 1978, June 08.
Davies, Sara E. Legitimising Rejection: International Refugee Law in Southeast Asia. Martinus Nijhoff Publishers: Leiden, 2008.
Editorial. “Asian refugees must be helped.” 1978, November 15. The Toronto Star (Toronto).
Editorial. “At our own door.” 1978, December 06. The Globe and Mail (Toronto).
Gazette News Services. “Malaysia ignores appeals for refugee ship.” 1978, November 16. The Gazette (Montréal).
Iken, Katja. “Gestrandete der Apokalypse.” 2008, December 01. Der Spiegel (Germany).
“Indochinese Refugee Program 1979.” Cabinet document. 1978, December 18.
Jaremko, Gordon. “Hospitality took back seat to cash.” 1978, December 05. The Guardian (Charlottetown).
Knowles, Valerie. Strangers at our Gates: Canadian Immigration and Immigration Policy 1540-2006. Dundurn Press: Toronto, 2007.
Letters to the Editor. “Sunday sound-off.” 1978, December 03. The Toronto Sun (Toronto).
Letters to the Editor. “Welcome more Viet refugees, reader urges.” 1978, December 11. The Toronto Star (Toronto).
Marshall, Pat. “From Friends to Hosts to Friends: Memories of the origin of the host program,” CIHS Bulletin. The Canadian Immigration Historical Society (2009) 55.
Memorandum to Cabinet. “Indochinese Refugees.” Cabinet document: 336-72. 1979, June
Biến cố Hải Hồng 19
Moulton, T.R.J., Supervisor. “Indochinese Refugee Program 1979” Cabinet document: 630-78RD. 1978, December 21.
Moulton, T.R.J., Supervisor. “Record of Cabinet Decision: Annual Plan for Refugee Resettlement” Cabinet document: 631-78RD. 1978, December 21.
Pappone, Rene. “The Hai Hong: Profit, tears and joy.” Employment and Immigration Canada: Ottawa, 1982.
Paringaux, Roland-Pierre. “Entassés dans un petit cargo, 2,500 fugitifs vietnamiens dans une situation dramatique.” 1978, November 16. Le Devoir (Montréal).
Privy Council Office. “RG2, Series A-5-a, Volume 6457, Access code: 90.” Cabinet document. 1975, June 26.
Robinson, W. Courtland. Terms of Refuge : The Indochinese Exodus and the International Response. Zed Books: London, 1998.
“Selection of 'lucky 600' refugees to begin today.” 1978, November 20. Ottawa Journal (Ottawa).
Somerset, Felicity. “Indochinese refugees in Canada: Government policy and public response.” Journal of Ethnic and Migration Studies 10.1 (1982): 106-114 .
Trần, Khánh. The Ethnic Chinese and Economic Development in Vietnam. Institute of Southeast Asian Studies: Singapore, 1993.
United Press International (UPI). “Refugee freighter ordered to leave.” 1978, November 15. The Gazette (Montréal).
Vo, Nghia M. The Vietnamese Boat People, 1954 and 1975-1992. McFarland and Company Inc.: London, 2006.

===

Chú thích:

Bài này tổng hợp các bài viết của Dara Marcus, nhà nghiên cứu từng đoạt Giải thưởng Gunn về công trình khảo cứu biến cố Hải Hồng. Bài dịch tiếng Việt đã đăng 3 kỳ trên tuần báo Thời Mới Canada vào ngày 15/4, 22/4, và 29/4/2015

1 Bài dịch tiếng Việt đăng trên tuần báo Thời Mới Canada dùng bút danh Khương An.

2 Trung Quốc phản ứng bằng cách đóng biên giới với Bắc Việt, khiến nhiều người muốn đào thoát không còn cách nào khác hơn là đi tàu sang Hong Kong. Nhiều người Hoa ở Bắc Việt đã hội nhập vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước khi bị trục xuất, và muốn sang Trung Quốc.

3 Lúc đó, Canada có các sứ mệnh giữ gìn hòa bình ở Cyprus (Síp), Trung Đông, Nam Phi, và Việt Nam. Năm 1968, Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada được thành lập; năm 1970, Canada đặt chỉ tiêu phân bổ 0,7% GDP cho viện trợ nước ngoài, và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế được thành lập. Ngoài ra, vào đầu thập niên 1970, Canada là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

4 Bản dịch tiếng Anh của tôi (Dara Marcus). Nguyên bản tiếng Pháp: “on marche littéralement sur les gens, hommes, femmes, enfants et vieillards, étendus ou accroupis, visiblement épuisés et angoissés, mais demeurant, sans exception, d'une grande dignité.”

5 Điều thú vị là, việc tái định cư ở Đức được thực hiện thông qua một chương trình riêng do Thủ hiến bang Niedersachsen lập, và tất cả những người tị nạn được Đức nhận đều tái định cư ở đó (Iken 1).

No comments:

Post a Comment