Vào ngày 21 tháng 10 năm 1978, một chiếc tàu chở khoảng 2.500 người tị nạn đã thu hút được sự chú ý của dư luận trên toàn Canada và khắp thế giới. “Thuyền nhân” đã liên tục bỏ Việt Nam ra đi kể từ khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, nhưng biến cố tàu Hải Hồng (Hai Hong) đã làm thay đổi phản ứng của Canada trước phong trào tị nạn Đông Dương.
Chiếc tàu này không được phép cập bến ở Malaysia, trong khi máy hư, nên tàu đành thả neo đậu ngoài khơi bờ biển Port Klang, và lâm vào tình thế giằng co bế tắc với nhà chức trách Malaysia. Chỉ chở 2.500 người, tàu này không phải một vấn nạn quá lớn nếu xét trong phạm vi phong trào tị nạn Đông Dương, nhưng đó là một tình thế khẩn cấp đối với những người trên chiếc tàu quá chật chội; họ thiếu đồ ăn, nước uống, đồ dùng y tế, và chỗ ở đàng hoàng.
Tàu Hải Hồng đã thu hút được sự chú ý của báo chí và khiến xã hội ra tay cứu giúp nhiều hơn những tình huống tị nạn Đông Dương cho tới lúc đó. Tình huống tàu Hải Hồng đã khơi mào việc thực hiện trên diện rộng luật di trú mới vừa có hiệu lực chỉ mấy tháng trước, trong đó có một chính sách tị nạn nhân đạo nhất quán, sự tham gia của tỉnh bang vào quá trình chọn lựa di dân, và chương trình tư nhân bảo lãnh.
No comments:
Post a Comment