Nhà văn Trần Trung Đạo tại Boston (1982)
Chuyện kể từ nhà văn Trần Trung Đạo về những ngày mới đặt chân tới Hoa kỳ tại thành phố Boston.
Vào những năm cuối thập niên 1970, những người Việt tị nạn ở Mỹ biểu tình vì đồng bào bị bức hại trong nước .
Tất cả những ký ức và cảm xúc của anh đã quyện vào trong những trang viết.
"Tôi muốn ghi lại một cách trung thực những gì mình đã biết, mình đã nghe, mình đã thấy. Có thể những điều mình biết mình nghe nó không hoàn toàn chính xác, nhưng tôi ghi lại tối đa những gì mà tôi tin tưởng. Đó là niềm tin lớn trong lòng là viết lên sự thật, những gì sẽ để lại cho ngày sau. Có thể trong thời gian sau 5 năm 10 năm hay 100 năm sau, những cái chân thật của thế hệ mà chúng ta đang đi hôm nay sẽ được dò lại và bước lại bởi những thế hệ sau này. Những câu chuyện mà tôi vừa kể quý vị sẽ thấy đó là vết thương của một dân tộc trong một gia đoạn khắc nghiệt của lịch sử mình."
Câu chuyện một em bé Việt Nam sống sót sau sáu tuần trôi dạt trên biển. Cả gia đình em đã chết cùng những người trên tàu. Chỉ còn một dúm người sống sót và không ai hiểu vì sao em có thể sống được.
Câu chuyện của em và nhiều câu chuyện tương tự như vậy của người Việt vượt biên vượt biển đã ám ảnh tâm hồn chàng thanh niên tên Đạo, nhiều đến mức ký ức về họ trở thành ký ức của anh.
Bên bờ biển Palawan
Có một em bé gái
Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
Đang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
Và nói chuyện một mình
Như nói với xa xăm
– Em đến từ Việt Nam
Câu trả lời thường xuyên và duy nhất
Hai tiếng rất đơn sơ mà nhiều người quên mất
Chỉ hai tiếng này thôi
Em nhớ kỹ trong lòng
Em chỉ ra ngoài Đông Hải mênh mông
Cho tất cả những câu hỏi khác
Mẹ em đâu?
– Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu?
– Sóng cuốn đi rồi
Chị của em đâu?
– Nghe chị thét trên mui
Ba em đâu?
Em lắc đầu không nói
– Bé thức dậy thì chẳng còn ai nữa
Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
Trên ghe sót lại chỉ dăm người
Lạ lùng thay một em bé mồ côi
Đã sống sót sau sáu tuần trên biển
Họ kể lại em từ đâu không biết
Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
Chị của em hải tặc bắt đi đâu
Sóng cuốn mất người em trai một tuổi
Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nổi
Đã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em
Ôi những giọt máu Việt Nam
Linh diệu vô cùng
Nuôi sống em
Một người con gái Việt
Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn ngàn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại
– Viên kẹo tròn này để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông này để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ này để qua cho chị
Viên kẹo lớn này để lại cho em
Còn viên kẹo thật to này… là phần Bé đấy
Suốt tuần nay em vẫn ngồi
Một mình lẩm bẩm
Ngơ ngác nhìn ra phía biển xa xôi
Như thuở chờ Mẹ đi chợ về
– Thật trễ làm sao
Em tiếp tục thì thầm
Những câu nói vẩn vơ
Mẹ ngày xưa vẫn thường hay trách móc
Em cúi đầu nhưng không ai vuốt tóc
Biển ngậm ngùi mang thương nhớ ra đi
Mai này ai hỏi Bé yêu chi
Em sẽ nói là em yêu biển
Nơi cha chết không trống kèn đưa tiễn
Nơi tiếng chị rên
Nghe buốt cả thịt da
Nơi Mẹ chẳng về dù đêm tối đi qua
Nơi em trai ở lại
Với muôn trùng sóng vỗ
Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu
Đau buồn là vậy nhưng với Trần Trung Đạo, nếu có kiếp sau anh vẫn muốn làm người Việt Nam. Với anh, "không có dân tộc nào khác hơn về sự chịu đựng, và vươn lên như dân tộc Việt Nam."
Nguồn: SBS / Phạm Mai Hoa (phát thanh 29/4/2018)
No comments:
Post a Comment