Xin mời bạn nghe khoa học gia Huỳnh Mỹ Hằng tâm sự
Mới đây, một nữ khoa học gia người Mỹ gốc Việt, đã được tổ chức phi chính phủ MacArthur Foundation ở Hoa Kỳ, chọn trao giải thưởng MacArthur Fellowship 2007, còn được gọi là “Genius Grants” xin tạm dịch giải “Thiên Tài”, là giải thưởng cao quí nhất của tổ chức này.
Người được vinh hạnh nhận giải này là nữ Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng, hiện đang làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, tiểu bang New Mexico. Trang Phụ Nữ kỳ này mời quí vị và các bạn nghe một số chi tiết lý thú về nữ khoa học gia Huỳnh Mỹ Hằng.
Những phát minh cống hiến cho nhân loại
Thưa quí vị và các bạn, Mac Arthur Foundation là một tổ chức phi chính phủ, đã chu cấp nhiều khoản tài trợ cho các cá nhân, các cơ quan, hội đoàn trên toàn thế giới. Đối với Việt Nam và các nước trong vùng hạ lưu sông Mê kông, từ năm 1999 đến nay, tổ chức này đã tài trợ 67 dự án với tổng số tiền là 14 triệu Mỹ Kim trong lãnh vực nghiên cứu và bảo vệ môi trường.
Riêng với chương trình Mac Arthur Foundation Fellowship mà nữ khoa học gia được chọn, thì hoàn toàn khác hẳn. Ông Daniel J. Faukler , giám đốc chương trình này cho biết:
“MacArthur Foundation là một tổ chức phi chính phủ lớn nhất tại Hoa Kỳ, giúp cho nhiều cá nhân và các hội đoàn trên toàn nước Mỹ và 60 quốc gia trên toàn thế giới. Chúng tôi chú trọng đến vấn đề về các lãnh vực khoa học, xã hội, giáo dục, kinh tế. Có rất nhiều chương trình khác cũng liên quan đến truyền thông nữa.
Cô Huỳnh Mỹ Hằng là người rất xứng đáng được giải thưởng này vì đã có sáng tạo rất đặc biệt và đã tự một mình thực hiện công trình của cô. Phát minh mới của cô đã mở một cánh cửa mới cho việc chế tạo chất nổ mà không để lại hậu quả xấu về môi trường và nhiệt độ.
Riêng MacArthur Fellowship là một chương trình hoàn toàn khác. Đây là một chương trình nhằm giúp đỡ và ủng hộ cho cá nhân nào có phát minh đặc biệt để cống hiến cho nhân loại. Họ sẽ được thưởng nửa triệu mỹ kim trong 5 năm để tiếp tục nghiên cứu và làm việc trong lãnh vực của họ.”
Khi Phương Anh hỏi thăm về cách thức chọn lựa người được giải, ông cho biết: “Cách thức chúng tôi tìm những cá nhân này là: hàng năm, hàng trăm ngàn người đề nghị với chúng tôi một cách bí mật. Không có ai có quyền tự mình nộp đơn được mà phải có một người,hay một cơ quan, tổ chức nào đó giới thiệu, và điều này được giữ bí mật. Có hàng trăm ngàn người được đề nghị trong nhiều lãnh vực.
Chúng tôi yêu cầu những người đề nghị phải nêu rõ những thành quả mà cá nhân người được đề nghị đã tự làm, những thành tích trong công việc của họ có thực sự sáng tạo và giúp ích cho nhân loại hay không? Sau đó, chúng tôi bí mật làm việc với cơ quan hay tổ chức của cá nhân đó để tìm hiểu và điều tra thêm. Chúng tôi rà soát hết hàng trăm ngàn người được đề nghị.
Cuối cùng, chúng tôi chọn lại còn 24 người và cô Huỳnh Mỹ Hằng là một trong 24 người đó. Mỹ Hằng là một khoa học gia về ngành hóa chất và 23 người khác thì thuộc về nhiều lãnh vực khác nhau. Cô Huỳnh Mỹ Hằng là người rất xứng đáng được giải thưởng này vì đã có sáng tạo rất đặc biệt và đã tự một mình thực hiện công trình của cô. Phát minh mới của cô đã mở một cánh cửa mới cho việc chế tạo chất nổ mà không để lại hậu quả xấu về môi trường và nhiệt độ.”
Về hình thức trao giải thưởng, tổ chức Mac Arthur Foundation không tổ chức lễ trao giải, mà chỉ gọi điện thoại thông báo sau khi hội đồng tuyển chọn đã điều tra và cân nhắc thật cẩn thận. Vì thế, tất cả những ai được nhận giải đều rất bỡ ngỡ. Ông nói tiếp:
“Chúng tôi không làm lễ trao giải thưởng mà chỉ gọi điện thoại thông báo cho cá nhân đó rằng họ được lãnh năm trăm ngàn mỹ kim và không hề bị bó buộc về điều gì. Cá nhân đó muốn làm gì thì làm với số tiền này trong lãnh vực nghiên cứu hay học tập, vì chúng tôi rất tin tưởng vào đạo đức và tài năng của họ.
Khi tôi gọi điện thoại cho cô Huỳnh Mỹ Hằng và thông báo cho cô ấy, rồi nói với cô ấy rằng chúng tôi sẽ không liên lạc với cô ấy nữa sau khi tiền thưởng được chuyển vào tài khoản của cô, rằng chúng tôi rất tin tưởng vào tài năng của cô và tin chắc rằng cô sẽ tiếp tục dùng tiền đó để nghiên cứu, học tập, làm việc trong lãnh vực của mình, cô ấy đã rất sửng sốt và không tin lắm. Nhưng, thực sự là như thế. Cô ấy là một thiên tài nên xứng đáng được trao giải thưởng này.”
Tâm sự của Huỳnh Mỹ Hằng
Thưa quí vị, riêng đối với nữ tiến sĩ, khoa học gia Huỳnh Mỹ Hằng, Phương Anh được biết rằng, cô đến Mỹ vào năm 1985 cùng với mẹ và 5 anh chị em khác để đoàn tụ cùng cha và em trai đã vượt biên trước đó. Sinh ra và lớn lên ở Dĩ An, Biên Hoà, đến Mỹ khi tròn 23 tuổi và chưa hề biết một câu tiếng Anh. Cô tâm sự:
“Hồi mới ban đầu qua Mỹ, tụi em không có sự giúp đỡ của chính phủ cho nên cả gia đình phải đi làm… Mấy chị em vì muốn đi học cho nên vừa đi làm vừa mượn nợ để đi học. Nhờ em thấy gương của bà ngoạị nên em cố gắng đi học. Mới qua, em không biết sinh ngữ nên không đi làm trong company được, chỉ đi làm mướn cho người ta và kiếm tiền đi học. Nói thiệt là hồi mới qua, em không biết sinh ngữ, không có bằng trung học nữa, và em đi học sinh ngữ rồi em thi một cái bằng tương đương. Nhờ cái bằng đó em mới vô trường đại học được.”
Với lòng quyết tâm học hỏi, ngoài giờ đi làm thuê, làm mướn trong các trang trại ở Albany, New York, cô cố gắng tự mình tìm cách khắc phục mọi trở ngại. Cô kể tiếp:
“Lúc đó, em không biết nghe, không biết nói tiếng Anh, chỉ đi học và tra từ điển thôi. Lúc lên đại học, thì em chọn ngành hoá và toán, không phải là em giỏi đâu, vì hai môn đó không có nhiều sinh ngữ..(cười) rồi học như thế và cuối cùng thì em tốt nghiệp đại học về toán và hoá. Sau cùng thì em đi theo ngành hoá vì em thích làm các thí nghiệm…và vì vậy em trở thành nhà hoá học chứ thực sự là em đâu có ý định từ ban đầu. (cười)”
Sau khi tốt nghiệp năm 1991 tại trường State University of New York, cô tiếp tục vừa làm và vừa học và đến năm 1998 thì tốt nghiệp tiến sĩ ngành hoá và làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, bang New Mexico. Khi được hỏi rằng là một phụ nữ lại chọn ngành hoá và nay lại chuyên về chất nổ, cô có gặp những trở ngại nào trong công việc. Cô rất thực lòng nói:
“ Thông thường, ngành hoá học đã khó rồi mà phụ nữ mà đi theo ngành này thì khó hơn nhiều. Vì có rất nhiều sự ganh tị và lúc nào cũng nghĩ là đàn ông thì thông minh hơn đàn bà. Quan niệm của mọi người là như vậy nhưng mà đối với em thì em không chán nản. Hơn nữa, bà ngoại của em là tấm gương cho em vì bà rất cố gắng làm, lúc nào cũng có tinh thần phấn đấu, làm là phải làm cho được, cho giỏi. Em nhìn thấy gương đó và em đã cố gắng.”
Theo lời cô cho hay, việc cô chuyển sang lãnh vực chất nổ chỉ là sự tình cờ mà thôi. Cô nói:
Lúc mới qua, em thấy mình thật nhỏ nhoi, so với những người Mỹ, nhưng về sau em rất tự hào là người phụ nữ Việt Nam, vì so với những người Mỹ, phụ nữ Việt Nam có tính chịu đựng, cố gắng... Cho nên em thấy nếu em làm được như thế này thì tất cả mọi người Việt Nam ai cũng làm được.
“Có một bữa, em làm một thí nghiệm về chất nổ, chỗ em làm mới gửi em đến đến nơi đào tạo những người làm chất nổ để làm chất nổ đó mà không bị nguy hiểm. Khi em lại đó, tự nhiên em thích, em thấy chất nổ mà em không sợ mà em cảm thấy rất vui, rất fun, giống như pháo nổ vậy, và em quyết định đổi nghề, thay vì làm hóa học bình thường thì em hoá học liên quan đến chất nổ.”
Tự hào là phụ nữ Việt Nam
Thưa quí vị, theo tin của tổ chức Mac Arthur Foundation, thì nữ khoa học gia Huỳnh Mỹ Hằng đã phát minh ra hai cơ chế phản ứng hoá học để khi xúc tác lên chất nổ thì khi nổ sẽ không còn gây ra chất độc của kim loại. Điều này, đã được các nhà hoá học nghĩ đến và nghiên cứu từ xa xưa, cho tới bây giờ, nhưng chưa có ai tìm ra cả. Một phát minh quan trọng như thế, nhưng đối với nữ tiến sĩ khoa học gia Mỹ Hằng, thì cô luôn khiêm tốn cho rằng:
“Lúc nổ thì nó cho ra chất độc, chì hay thủy ngân, và bây giờ người ta muốn chế ra một chất khác khi nó nổ thì đừng cho ra chất độc, Bởi vì em nhìn thấy chất nổ đó bằng cặp mắt khác, nên đã làm thử và em đã tìm ra được.. Thí dụ một trái bom hay một trái lựu đạn, một cái súng hay bất kỳ cái gì đó, muốn cho nó nổ thì phải có một chất khác bắt đầu cho nó nổ, không có chất đó thì nó không nổ được và nó cho ra chất độc, nên em đã tìm ra chất không có độc.
Họ đã cố gắng tìm chất đó gần 400 năm rồi mà họ kiếm không ra, vì những người làm chất nổ thường nhìn với cặp mắt khác, còn em thì em lại nhìn chất đó với một cách khác. Em chỉ không có quan điểm giống như người ta thì em làm được, vậy thôi, chứ em không nghĩ là em giỏi đâu, chỉ là hên xui may rủi thôi.. (cười)”
Thưa quí vị, một điều vô cùng đáng quí ở người phụ nữ này là tinh thần dân tộc. Khi hỏi điều gì làm cho cô tự hào nhất sau khi được vinh hạnh nhận giải thưởng cao qúi này, cô trả lời ngay:
Lúc qua , em thấy mình thật nhỏ nhoi, so với những người Mỹ, nhưng lúc em đi học, và liên hệ với những người ở đây, em phải công nhận rằng, em rất thích và tự hào là người phụ nữ Việt Nam, vì so với những người Mỹ, phụ nữ Việt Nam với tính tình của người Việt Nam, chịu đựng, cố gắng làm, nhất là các bà mẹ Việt Nam, lúc nào cũng chịu đựng được, lúc nào cũng cố gắng được.
Cho nên em thấy nếu em làm được như thế này thì tất cả mọi người Việt Nam ai cũng làm được, không cần phải theo khoa học…những nghề khác cũng vậy…miễn là có sự kiên nhẫn. Em rất tự hào em là người Việt Nam.”
Quí vị vừa nghe câu chuyện của nữ tiến sĩ khoa học gia Huỳnh Mỹ Hằng, người vừa tìm ra một hợp chất mới cho ngành hoá học. Nhờ vậy đã được trao giải thưởng Thiên Tài của tổ chức Mac Arthur Foundation. Thật là một niềm vinh dự cho người Việt chúng ta và đặc biệt là chị em phụ nữ chúng mình. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Nguồn: 2007 Radio Free Asia / Phương Anh, phóng viên đài RFA
Mời bạn nghe/ đọc thêm => Khoa học gia Huỳnh Mỹ Hằng giải thích về phát minh giành được giải thưởng MacArthur
No comments:
Post a Comment