Nhà thơ Tuệ Mai (1928-1982)
Bài Thơ Vu Quy
Một lần khép nép
chào biệt mẹ cha
phận con là gái
như hạt mưa sa
Một lần e lệ
bước lên xe hoa
khép trang nhật ký
đôi giòng viễn mơ
Thôi chăn gối lẻ
gửi lại giường xưa
hương đào ngây thơ
ủ giùm cho nhé
Long lanh ngấn lệ
điểm má xuân thì
hương trinh rờn rợn
tà áo vu quy
Thôi bàn học cũ
sách vở từng năm
nhớ người tóc xoã
ôn bài dưới trăng
Gửi khu vườn nhỏ
ngày tháng nô đùa
chân chim khuyên nhẩy
dưới tàng lá thưa
Gửi khu vườn nhỏ
những dáng thường qua
dấu chân lưu luyến
giòng mắt mong chờ
Gửi khu vườn nhỏ
những thoáng say mơ
của mùa e ấp
sen ngó đào tơ
Long lanh ngấn lệ
điểm má xuân thì
hương trinh rờn rợn
tà áo vu quy
Một lần khép nép
chào biệt mẹ cha
một lần e lệ
bước lên xe hoa
là thôi là tắt
tiếng hát ngây thơ
từ lòng sen ngó
từ nụ đào tơ
Gót hài hôn lễ
đưa bước xa nhà
theo câu phận gái
như hạt mưa sa...
(Trích trong "Bay nghiêng vòng đời")
Trong cuốn “Thi ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965),” Trần Tuấn Kiệt gọi Tuệ Mai là “một nhà thơ dòng,” ý nói chị là con thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải. Thơ chị hay, nhan sắc không thua kém ai, nết chị đẹp, mà lạ thay, tại sao ít sách vở nói đến – hay đúng hơn – nói đến không đủ. Mà Tuệ Mai lại từng được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1966. Có một cái gì…
Còn tôi, tôi với đêm dài
Ngủ trên trang sách, ngủ ngoài sân mưa
Ôm vùng đất hẹn trăm hoa
Mộng xây biết mấy cho vừa trước sau?
Và tôi, tôi với đêm sâu
Chợt đau vai yếu, chợt đau sử buồn
Quãng dài tanh tưởi máu xương
Quê hương thí điểm – quê hương nát nhàu…
(Tuệ Mai, Nét Nhìn Rạng Ðông)
Phải rồi, miền Nam trước 1975 các nhà phê bình chỉ có dăm người, nhiều người thực sự là nhà văn viết sáng tác, nhưng đội tên phụ nữ để viết khen chê các đồng nghiệp (như Vũ Hạnh), và trong nhịp sống sa đà ảnh hưởng Tây phương, họ thích ca ngợi những con ngựa lồng, những phụ nữ ngồi quán ngậm cổ chai bia 33 mà uống, chứ uống bằng ly bằng cốc, họ thấy không có gì lạ. Cuốn biên khảo phê bình “Văn Học Miền Nam, Thơ” của Võ Phiến không nói đến Tuệ Mai. Văn chương sáng tác dù hay mà văn học phê bình kém, thì không thiếu những trường hợp oan uổng. Sự thưởng ngoạn thuần túy âm thầm, mà cuộc tranh đấu ý thức hệ ồn ào náo động, như 20 năm ở Miền Nam, thì những tinh hoa phải lẻ loi, những cái thật phải xa lánh. Như đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt, như vàng thau lẫn lộn thì biết bao là mất mát?
Nhưng có khi cũng chính Tuệ Mai không muốn người ta tới gần mình:
Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp vỡ / Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp nổ / Hình như từ óc / Hình như từ tim / Từ kiếp người mang tên hụt hẫng / Ngậm tăm trái đắng gia đình / Từng mảnh tôi sớm mai tàn rụng / Từng mùa tôi cây cỏ không tên / Từng bước tôi tới lui vướng mắc / Từ dòng tôi bến vỡ thuyền chìm. (Tuệ Mai, Xin Chớ Gần Tôi)
Tuệ Mai lại rất nhút nhát. Tôi còn nhớ mấy lần chị tới tòa soạn Tạp chí Thời Tập ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn, mà lần nào (nay hình dung lại) chỉ nhớ hai bàn tay chị nắm lấy nhau, buông trước tà áo. Chị nói nhỏ nhẹ, rào đón, đến nỗi tôi phải ngắt ngang, nói rằng tôi là bạn trẻ của anh Trần Việt Hoài, anh trai của chị. Của cả Ðỗ Vinh (biệt danh), không rõ là anh hay em trai của chị, hai người hoạt động cách mạng tham gia cuộc đảo chánh bất thành 1960 bị chính quyền Ngô Ðình Diệm truy nã. Lúc hai anh trốn trong một căn nhà thuê ở Xóm Lách, hẻm Công Lý, tôi đã tự tiện tới thăm, đến nỗi anh Trần Việt Hoài đuổi tôi mấy lần, nói rằng “về ngay đi, nó mà xông vô bây giờ thì cậu cũng đi tù luôn với chúng tớ!” Bản tính con nhà Nho phong, lại là người nữ đã khiến chị như một cái bóng, trong khi ngoài xã hội lúc ấy “ngũ quái” (năm nhà văn nữ) đang tung hoành. Chị từng diễn thuyết về mấy nhà văn trong có tôi tại trụ sở Văn Bút Việt Nam (Tình yêu như một vốn liếng làm người của Nha Cả Viên Linh) mà mãi khi ra hải ngoại, có người cho tôi cuốn “Câu Chuyện Văn Chương” do Khai Trí xuất bản từ năm 1969 ở Sài Gòn – in lại các bài diễn văn ở Văn Bút – tôi mới biết!) Ôi đời sống, đời sống của một kiếp miệt mài với văn chương, biết bao là lãng quên và tiếc nuối.
- Thơ Tuệ Mai 1962 (tựa Nguyễn Sỹ Tế)
- Không Bờ Bến 1964
- Như Nước Trong Nguồn 1969
- Trên Nhánh Sông Mưa 1970
- Về Phía Trời Xanh 1973
Tuệ Mai tham gia sinh hoạt, nói chuyện văn nghệ, diễn thuyết tại nhiều nơi như Tao Ðàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, Trung Tâm Văn Bút của Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng, cùng với Hỷ Khương, Xuân Ðài.
Theo tiểu sử in trong Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965) “Tuệ Mai bàn về thơ thật rắn rỏi, nhiệt thành. Ở đó (các đàm trường) chị làm thơ thật mau. Trong giới phụ nữ Việt Nam hiện nay, chị được nhiều người yêu thơ mến mộ. Ngoài nếp sống yên tĩnh ở gia đình, chị còn hăng hái tham gia vào nhiều công tác xã hội nhiệt thành với đoàn Phật tử cứu trợ các nạn nhân khốn khổ.” Nhưng không những Tuệ Mai không được trích đăng trong cuốn phê bình văn học của Võ Phiến, các cuốn khác cũng không nói đến Tuệ Mai, như “Thơ Việt Hiện Ðại 1900-1960” của Uyên Thao, “Những Nhà Thơ Hôm Nay” của Ng. D. Tuyến, “Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại” của Phạm Thanh,…
Viên Linh
Viên Linh
No comments:
Post a Comment