Thursday, April 20, 2023

Tưởng Nhớ Ca Nhạc Sĩ Tami Lê của ban nhạc Family Love


Ca Nhạc Sĩ Tami Lê (26.9.1950 - 29.12.2007)


Tami Lê tên thật là Lê Thị Diệu Tâm, sanh ngày 26 tháng 9 năm 1950, là em ruột của ca nhạc sĩ Lê Trí, chị của Lê Toàn và Lê Thanh. Tami còn có 4 cô em gái khác, tất cả là 8 anh em. Thủơ còn bé, Tami là người rất ưa chuộng nghệ thuật, có học đàn piano trong nhiều năm và rất mê ca hát, vẽ tranh cũng như phát họa thời trang. Lúc Tami đưọc khoảng 14 tuổi, thỉnh thoảng hay lân la đến club nơi anh của mình là Lê Trí trình diễn để xin lên hát vài bài, và mộng của Tami là một ngày nào đó sẽ được trở thành ca sĩ trong ban nhạc của ông anh trai.



Năm 1970, sau khi hợp tác với nhiều ban nhạc như “Les Pénitents”, “The Trâu Bò” và “The Flowers”, Lê Trí đã quyết định rời sân khấu để thành lập một ban nhạc phái nữ gồm Christiane Lê và vài nữ nhạc sĩ của ban nhạc “The Blue Stars” gồm có Tường Vân, Tường Nga với sự cộng tác của Thanh Tuyền (ái nữ của cố tài tử Đoàn Châu Mậu), và dĩ nhiên là có cô em gái Tami Lê. Anh đã đặt tên cho ban nhạc mới này là “The Rabbits”. Nhiệm vụ của Tami là đánh đàn Organ và ca hát. Tami cùng The Rabbits đã trình diễn một thời gian khoảng hai năm ở các club nổi tiếng tại Sàigon và các club mỹ khắp nơi.



Ban nhạc The Rabbits năm 1970. Từ trái: Thanh Tuyền, Christiane Lê, Tami Lê, Tường Nga, Tường Vân

Trong khoảng năm 1972, sau khi Thanh Tuyền rời nhóm Rabbits, Lê Trí đã mời Minh Hải là tay guitar của “The Flowers” vào thay thế, và anh cũng trở lại phụ trách phần Organ để Tami có thể hát nhiều hơn. Đó là lúc ban nhạc “The Family Love” ra đời, và trình diễn thường xuyên tại The Key club. Khi các phòng trà một lần nữa bị đóng cửa, Family Love làm việc trong các club quân sự của Mỹ, và đây cũng là thời gian mà cậu em trai là Lê Toàn gia nhập ban nhạc.

Đến năm 1973, Tami được mẹ gửi qua du học ở Hawaii để cho cô có một tương lai vững chắc hơn. Trong lúc ở Saigon, khi chánh phủ cho phép các hộp đêm hoạt động trở lại, Family Love đã đóng đô một thời gian tại Melody club gần Tân Sơn Nhất, đồng thời xuất hiện trong những chương trình matinée “Hippy A Gogo” do Tùng Giang, Nam Lộc, Trường Kỳ, Kỳ Phát và Lê Phúc tổ chức. Không bao lâu thì ban nhạc này đã trở nên thần tượng của giới trẻ Saigon khi trình diễn mỗi đêm tại Mini Club trên đường Catinat, cho đến cuối năm 1974. Lê Thanh cũng đã được mẹ gửi sang Hawaii để du học cùng với chị trong khoảng thời gian này.

Trước biến cố 30 tháng Tư 75 độ vài tháng, Tami gọi về Viet Nam để báo tin là Saigon sẽ mất, và đã chạy ngược chạy xuôi để bảo lãnh cho cả gia đình qua di trú tại Hoa Kỳ. Như một phép lạ, khi Tami và em trai là Lê Thanh đang giúp người tị nạn trong những chuyến bay ghé sang Hawaii trước khi vào đất liền, Tami bỗng nhiên rời phi trường quân sự xin qua phi trường quốc tế để đón những chuyến bay khác từ Việt Nam, thì cô đã bất chợt bước vào chiếc 747 và tìm thấy mẹ và 3 em là Lê Toàn, Diệu Thuỷ và Diệu Tiên. Tami đã lập tức tìm đủ mọi cách để xin giữ gia đình mình lại Hawaii thay vì về định cư tại California. Sau đó Tami vẫn cùng Lê Toàn và Lê Thanh tiếp tục ra phi trường hàng đêm để giúp người Việt tị nạn cho đến khi được tin anh của mình là Lê Trí cùng Christiane Lê và gia đình của cô em kế của Tami là Diệu Trinh đã đến Phi Luật Tân. Và không bao lâu thì cả gia đình đã được đoàn tụ.

Tại Honolulu, Lê Trí đã tái thành lập ban nhạc Family Love với hai em trai là Lê Toàn và Lê Thanh, và lần này Tami Lê cũng đã gia nhập để hát cùng với chị dâu là Christiane Lê, với sự cộng tác của hai nhạc sĩ là Quốc Hùng và Phùng Thuận. Vào năm 1976, Tami đã lập gia đình cùng với một giáo sư ngưòi Mỹ và hạ sanh được một cháu gái là Michele Mai Hatfield. Kể từ đó, Tami đã cùng Family Love tiếp tục trình diễn sáu đêm mỗi tuần, bắt đầu từ các căn cứ quân sự trên đảo cho các quân nhân Mỹ rồi đến những phòng trà ở Waikiki cho du khách ngoại quốc, trước khi đi lưu diễn tại vùng Mid-West ở đất liền gần một năm tiếp theo. Sau khi ban nhạc sang San Jose lập nghiệp vào năm 1981, Tami đã ở lại Honolulu thêm một thời gian và hát cho nhiều ban nhạc khác.
Ban nhạc Family Love chụp 1975 Honolulu, trước nhà của sponsor ông bà Jamieson. Người đứng cao nhất là nhạc sĩ Lê Trí (piano), hàng giữa từ trái sang: Quốc Hùng (bass), Lê Toàn (guitar) và hàng đầu từ trái: Lê Thanh (em kế Lê Toàn chơi keyboard), Christiane Lê, Tami Lê, Phùng Thuận (trống)

Đến năm 1986, Tami đã quyết định rời Hawaii để về sum họp cùng gia đình tại San Jose, California. Nhờ những kinh nghiệm lâu năm cũng như nhiều vốn liếng thu thập được khi trình diễn trưóc du khách ngoại quốc tai Hawaii và các tiểu bang khác, tên tuổi của Tami đã được cộng đồng Việt Nam tại đây chú ý và thương mến trong thời gian trình diễn cùng Family Love tại các vũ trường như Lido và Dimension. Tami là ngưòi rất vui tánh và tốt bụng, có thể nói cô là người đã giao thiệp rộng nhất so với các anh em khác trong ban nhạc. Trên sân khấu cũng như bất cứ nơi nào, Tami lúc nào cũng vui vẻ với nụ cười tươi trên môi. Đối với cô, hình như ai cũng là người quen biết. Cô ít khi làm phiền lòng ai và hay tin tưởng nơi bạn bè. Tami lại biết thưởng thức rượu ngon và thích đùa cợt tiếu lâm với gia đình và các bạn thân thiết.

Ngoài tài ăn mặc và vẽ kiểu thời trang, Tami còn có một giọng ca rất đa dạng. Cô đã hát thật vững trong loại nhạc top 40 của Hoa Kỳ, đồng thời cũng rất xuất sắc với những bài tình ca Pháp bất hủ. Sau này, Tami đã thâu rất nhiều bài hát Việt Nam khi Family Love bắt đầu tung ra những băng cassette ‘’Karaoke’’, và cô cũng đã góp tiếng hát trong nhiều ca khúc trên những laserdiscs của trung tâm U-Sing-Along. Trong thập niên 90, ngoài nghề ca hát, Tami còn làm phụ tá pháp lý cho một văn phòng luật ở San Jose. Sau đó cô đã tái giá và sống thật hạnh phúc cho đến khi lâm bệnh ung thư ngực vào đầu năm 1998. Cô đã trải qua nhiều ngày tháng chữa trị, và nhờ tánh tình bướng bỉnh và đầy nghị lực, cô dường như đã khỏi hẳn. Tami đã lấy bằng địa ốc để làm việc cùng ông xã cho hãng Century 21. Nhưng cũng trong thời gian này, Tami đã phải trải qua thêm một thử thách lớn khi hôn nhân lần thứ hai của cô đổ vỡ. Tami đã trở lại cuộc sống bình thường với cô con gái Michele và đã rất yêu đời khi làm việc hằng ngày cho một cửa hàng lớn tại Santana Row. Nhưng đầu năm 2007, Tami đã phác giác sự tái phát của bệnh ung thư, nhưng lần này nó lại lan vào xương và phổi của cô một cách nhanh chóng.



Vào những ngày tháng cuối đời, tuy đang bị căn bịnh hành hạ, Tami cũng đã cố gắng viết lời Mỹ cho nhạc phẩm ”Nửa Hồn Thương Đau” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với tựa là ‘’Half of My Soul is in Pain’’. Tami đã mượn ý nghĩa của bài hát này để diễn tả những sự hẩm hiu bạc phận của mình bằng Anh ngữ. Đây cũng là thời gian mà nữ ca sĩ Julie đã đến chăm sóc và gọi thăm hỏi Tami thường xuyên.

Mời Quý khách nghe album nhạc 👉 Cọp Vằn 👈

Trong buổi dạ vũ gây quỹ do Family Love tổ chức tại Milano club vào dịp Thanksgiving năm 2007, nhiều bạn bè đã rơi lệ khi em gái của Tami là Diệu Thủy hát bài này để tặng cho chị. Cách đây độ mười năm, Tami đã dành nhiều thì giờ viết lời Việt cho một số bài hát ngoại quốc mà cô đã chọn để thu trong CD đầu tay của mình với tựa đề “Cọp Vằn”. Một trong những bài hát thành công nhất trong CD đó là bài “La Vie En Rose” (Say Đắm Bên Anh) với lời Việt của Tami đã được ca sĩ Ý Lan chọn để làm chủ đề cho một trong những CD của cô, và vẫn còn hát khắp nơi mỗi khi cô trình diễn. Đêm 29 tháng 12 năm 2007, khi Tami đang mê man, Ý Lan đã gọi điện thoại từ quận Cam và hát tặng bài “La Vie En Rose” vào tai của Tami trước khi bước lên sân khấu, và Tami đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ tối, với các anh em bên cạnh.



Tami Lê đã trải qua nhiều thăng trầm với những biến cố cá nhân dồn dập trong đời của cô. Tuy Tami vui tánh thích đùa giỡn, nhưng cô cũng là một nguời rất lãng mạn với nhiều mối tình ngang trái thoáng qua để rồi với hai lần ly dị và hai lần bị ung thư. Tami đã đương đầu với biết bao ưu tư lo lắng xáo trộn về vật chất cũng như tinh thần. Nhưng với lòng can đảm và nhiều nghị lực, Tami không hề nản chí và vẫn cố gắng tranh đấu để kéo dài cuộc sống dù bị cơn đau hành hạ từng giây phút. Trong khi thoi thóp với chỉ một phần nhỏ của lá phổi, cô vẫn ráng sống với gia đình và những người thân yêu cho đến nhũng giây phút cuối cùng. Và giờ đây, Tami đã nhẹ nhàng ra đi sau khi được xưng tội và rước lễ cũng như phép lành theo thông lệ của đạo công giáo, với tên thánh là Marie Rosario. Tami để lại mẹ già 82 tuổi, một anh trai, bốn em gái (một trong bốn em gái của Tami là Diệu Tuyết đã từng lập nghiệp và gia đình tại Thụy Sỹ từ 1972), và hai em trai. Người con gái duy nhất Michele của Tami hiện là một giáo sư của trường trung học Sierramont tại San Jose.



(trích trong website của ban nhạc Family Love viết bài này từ cuối năm 2007)
(trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 151 phát hành ngày 29 tháng 12 năm 2017)

No comments:

Post a Comment