Ô Lâu là con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nằm ở phía tây hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Lưu vực thượng nguồn nằm ở độ cao hơn 900m, chiều dài dòng chính khoảng 66km với diện tích lưu vực trên 900km². Nguyên nhánh chính Ô Lâu hợp lưu với nhánh Rào Quao (nay đã ngăn thành đập thủy lợi gọi là hồ Quao) chảy từ địa phận xã Phong Mỹ về đến làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền thì hợp lưu với dòng Tho Lai (nguồn Thác Ma) tại Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị rồi xuôi về phá Tam Giang. Đoạn sông từ Phước Tích - Mỹ Chánh về Vân Trình (dài khoảng hơn 10km) là ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị (bờ Bắc) và Thừa Thiên Huế (bờ Nam). Đoạn sông này vào thời Lê sơ được gọi là Đại Giang; sách Phủ biên tạp lục thời chúa Nguyễn chép là Độc giang, tức sông Đôột (do nằm cạnh làng gốm Phước Tích, tục gọi là làng “Đôột Đôột”).
Năm 1994, một trống đồng đã được phát hiện tại lưu vực thượng nguồn sông Ô Lâu (bản Hạ Long, xã Phong Mỹ). Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn (loại I theo phân loại chung về trống đồng của F. Heger) được phát hiện đầu tiên trên đất Thừa Thiên Huế. Niên đại trống được xác định khoảng từ thế kỷ II - I trước Công nguyên (tức cách đây khoảng hơn hai ngàn năm). Việc phát hiện trống đồng Đông Sơn tại Thừa Thiên Huế đã giúp chúng ta hiểu rõ thêm về lịch sử vùng đất và mối liên quan của “mạng lưới tam giác văn hóa” cùng thời kỳ bao gồm: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai (Dốc Chùa) ở Nam bộ. Khi xây dựng tài liệu khoa học về trống đồng này, tôi đã gửi cho GS. Trần Quốc Vượng, GS. đã cho đăng công bố phát hiện ở Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tôi đã đặt tên trống này là trống đồng Ô Lâu, bởi lẽ vị trí phát hiện trống đồng nằm ngay ở lưu vực sông Ô Lâu. Trước đó, GS. Trần Quốc Vượng đã về Phong Điền để xem hiện vật mới được phát hiện, tôi đã trao đổi với GS. về đặc điểm phân bố các di tích lịch sử văn hóa Chăm Pa và văn hóa Việt cổ từ vùng thượng nguồn đến hạ lưu của sông Ô Lâu. Bao gồm cả vùng Ngũ Điền nằm ven phá Tam Giang và biển Đông. Với đặc điểm của vùng đất có biên địa tiếp nối từ rừng núi đến đồng bằng ven biển, đầm phá với môi trường đời sống phong phú của cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp và các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: nghề gốm, nghề điêu khắc gỗ, đan đệm bàng, nghề kim hoàn… đã minh chứng cho một vùng địa văn hóa đặc sắc đầy tiềm năng. Đó chính là vùng văn hóa Ô Lâu mà tôi đã từng trình bày với GS. Trần Quốc Vượng (lúc đó có TS. Nguyễn Bình, hiện nay đang là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Quảng Trị).
Hai châu Ô và Lý nguyên là đất của người Chăm xưa, kéo dài từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam ngày nay. Từ năm 1306, vùng đất này đã được Chế Mân, một vị vua Chăm dùng làm sính lễ dâng cho Đại Việt để cưới nàng công chúa Huyền Trân nhà Trần. Cuộc hôn nhân này đánh dấu cho sự hòa hiếu giữa hai nước Chăm Việt. Song đây cũng chính là sự khởi đầu của cuộc di dân Nam tiến của người Việt. Vùng thượng nguồn sông Ô Lâu thuộc xã Phong Mỹ hiện vẫn còn hai bản đồng bào dân tộc Pa Hy sinh sống. Đây là tộc người có đời sống hòa nhập với người Kinh từ lâu đời. Song đến nay họ vẫn còn gìn giữ được nét văn hóa riêng của tộc người bản địa.
Dọc từ thượng nguồn sông Ô Lâu về đến phá Tam Giang, bắt đầu từ địa phận làng Vân Trạch Hòa, thôn Tây Lái (xã Phong Thu) cho đến Phước Tích, Mỹ Xuyên, Trạch Phổ, Ưu Điềm (xã Phong Hòa), Thế Chí Tây (xã Điền Hòa), Di tích văn hóa Chăm Pa hầu như được phân bố dày đặc ở các làng xã nằm hai bên bờ sông. Phần lớn các hiện vật ở các di tích này là bệ thờ, tượng tròn, phù điêu, yoni, linga… gắn liền với dấu vết của những nền móng và vật liệu kiến trúc như cột đá, bậc cửa… của phế tích đền tháp người Chăm. Tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa hiện vẫn còn sót lại một số hiện vật bằng đá, những tấm phù điêu đang chế tác dang dở. Đài thờ ở Vân Trạch Hòa (đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế), phù điêu ở chùa Ưu Điềm là những hiện vật điêu khắc đá đặc sắc của nền văn hóa Chăm Pa có niên đại từ thế kỷ IX - X. Đền thờ thần Y Na ở Trạch Phổ (có thờ bộ Linga - Yony) đã được chép trong sách Ô châu cận lục (1553).
Làng Mỹ Xuyên là nơi phát hiện được văn bản Hán Nôm lập vào năm Đại Hòa thứ 9, tức vào năm 1451 dưới thời vua Lê Nhân Tông. Địa danh của làng Mỹ Xuyên ghi trong văn bản thời đó là: xã (làng) Đa Cảm, huyện Trà Kệ, châu Hóa, lộ Thuận Hóa. Đây là văn bản gốc cổ nhất được phát hiện ở vùng này. Nội dung văn bản nói về việc từ năm Đại Hòa thứ 7 (1449) do tình trạng ruộng ít, người đông (nhân đa điền thiểu), nên đã làm tờ trình xin với quan trên cho dân làng được khai phá vùng ruộng Ma Nê (nằm ở hạ lưu sông Ô Lâu, cách làng khoảng 10 cây số). Sau khi khai phá xong hơn 100 mẫu ruộng, người dân ở đây đã được quan huyện cấp giấy công nhận quyền khai canh cho những người đại diện. Thuật ngữ trong tài liệu địa bạ gọi đây là “Châu bằng”, thường được dịch là “bằng son”, gọi nôm na là “sổ đỏ”. Cho đến nay, văn bản Hán Nôm này được xem là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xưa nhất mà tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta còn lưu giữ được. Một điều đáng lưu ý là từ năm 1449, người dân làng này đã đối mặt với tình trạng ruộng ít, người đông. Như vậy chí ít họ cũng đã có thời gian định cư trước đó từ 5 - 7 chục năm. Như vậy, ta có thể đoán định rằng người dân làng Mỹ Xuyên đã di cư vào Thuận Hóa từ khoảng năm 1400 hoặc sớm hơn. Do dân số phát triển nhanh, ruộng đất không đủ để canh tác, nên họ phải về vùng Ma Nê (tên Nôm là Kẻ Né) khai phá đất ruộng để trồng lúa nước. Đồng thời họ cũng phải lên thượng nguồn sông Ô Lâu khai phá vùng đất Đồng Hầm thuộc xã Phong Mỹ để trồng màu. Bài văn tế hội thần ngày xưa của làng có đoạn:
“ Ô hô!
Đa Cảm, Dỏng Xuyên trăm năm còn tạc thẻ,
Mỹ Cang đây, Mỹ Xuyên đó mới một bộ mà phân đinh.
Cũng đất Đồng Hầm, cũng đồng Kẻ Né.
Cũng một đời qua cũng trăm năm lẻ…”
Vùng hạ lưu Ô Lâu, nơi dòng sông chảy vào phá Tam Giang là vùng 5 xã Ngũ điền gồm: Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải; phía Tây Nam vùng này giáp phá Tam Giang, phía Đông Bắc giáp biển Đông, là nơi khí hậu trong lành, dân cư trù phú. Xã Điền Môn có làng nghề kim hoàn Kế Môn; xã Điền Lộc có thôn Mỹ Hòa nằm ven biển, ở đây có một bộ phận cư dân gốc người Chăm mang họ Chế sinh sống từ lâu đời; tiếp đó là xã Điền Hòa, nơi có bệ thờ Chăm ở Thế Chí Tây có niên đại từ thế kỷ IX - X; xã Điền Hải có vùng dân cư thủy diện với khu nhà chồ trên mặt nước và ngư trường đánh bắt thủy sản nước lợ tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp nơi vùng sóng nước Tam Giang thơ mộng.
Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử vùng đất, đặc biệt là dựa trên các di tích hiện vật ven bờ sông Ô Lâu, tôi cho rằng nơi đây đã từng là đô cũ của vương quốc Chăm Pa. Giả thuyết này đúng hay sai, cần phải tiếp tục nghiên cứu. Song một điều chắc chắn rằng, trước khi người Việt vào đây, vùng đất này từng là một trung tâm văn hóa lớn của người Chăm. Đây là vùng đất phù sa màu mỡ, với nhiều dấu tích liên quan đến tri thức canh tác nông nghiệp của cư dân bản địa. Từ hệ thống lấy nước tưới từ các hồ đầm trên trảng cát nội đồng cho đến kỹ thuật khai thác “nước mội” (mạch nước ngầm) từ những cồn cát ven biển để phục vụ cho đời sống người dân và lấy nước tưới cho cây trồng, đã cho chúng ta biết đó là hệ thống thủy lợi truyền thống của người Chăm xưa.
Đời sống tín ngưỡng gắn liền với lễ hội văn hóa truyền thống ở vùng ven sông Ô Lâu được hình thành ngay từ khi người Việt bắt đầu di cư vào vùng đất này. Từ năm 1365, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: “… Trước đây, theo tục Hóa châu, tháng giêng hằng năm, trai gái họp nhau ở Bà Dương chơi trò đánh đu…”. Sự kiện này diễn ra tại vào thời điểm 1365, tức chỉ sau 60 năm kể từ khi triều đình cử Đoàn Nhữ Hài vào tiếp quản và đổi tên hai châu Ô, Lý thành châu Thuận, châu Hóa. Như vậy, tín ngưỡng và lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc đã xuất hiện khá sớm ở vùng đất Hóa châu của xứ Thuận Hóa. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An từng chép: “Mùa xuân mở hội bơi trải, quần áo lượt là chen chúc. Hạ lập đàn chay, ca múa tưng bừng. Người đông đúc, giàu của cải, nhiều lễ nghi, lắm tập tục… Gặp tuần đàn chay có khi bán tháo gia sản đến ức vạn đồng để cúng dường chư Phật. Khi tống táng có tục múa hát trước linh cữu gọi là “lễ đưa linh”. Kỳ giỗ đầu cúng vào lúc gà vừa gáy đầu, gọi là “giỗ trộm”. Thậm chí hội hè sớm nhóm chiều tan, thế mà phí tổn trả đến năm sau chưa hết. Ca múa thì gióng trống thúc cờ chơi trọn cả đêm. Việc cưới xin lấy loại tiền mắt ngỗng làm lễ giá thú. Lập đàn cầu đảo, trước tiên thịt một con gà làm lễ nhỏ khấn vái, sau đó mới mở lễ nhạc xướng ca”.
Tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của cư dân vùng ven bờ sông Ô Lâu và phá Tam Giang mang một đặc trưng riêng biệt. Về mặt tín ngưỡng, đó là sự giao thoa đậm nét giữa tín ngưỡng bản địa và tín ngưỡng của cư dân Việt. Sự dung hòa và kế thừa về tín ngưỡng đã tạo cho vùng đất này một tín ngưỡng đa thần phong phú. Song của cư dân Việt vùng ven bờ sông Ô Lâu luôn quan niệm rằng những vị thần, Phật hay những đấng siêu nhiên xuất phát từ tôn giáo, tín ngưỡng nào trên mảnh đất này đều phù hộ, độ trì cho họ được bình yên trong cuộc sống. Họ đến với các vị thần, Phật hay một đấng siêu nhiên nào đó bằng sự tôn kính và niềm tin tâm linh đơn giản chứ không cuồng tín. Họ mặc nhiên kế thừa những thiết chế tâm linh đã có từ trước ở ngay trên mảnh đất họ đang cư trú. Đối với đền miếu thờ những biểu tượng phồn thực như Yony, Linga hay một hình tượng nào đó thì họ vẫn luôn tôn thờ. Đây là biểu hiện của hai mặt âm dương trong vũ trụ, thể hiện sự sinh sôi sáng tạo và sự sinh tồn của loài người. Ngày xưa, theo lời kể của các cụ già trong vùng, cha ông họ từng gọi cái Linga là hạt lúa, cái Yony là cái cối xay. Họ không biết được lịch sử và ý nghĩa vật thiêng mà người bản địa đang thờ cúng là biểu tượng của thần Siva và sự sinh sôi, phát triển; họ chỉ theo hình dạng hiện vật mà gọi; như thế cũng không sai vì sự kết hợp của cối xay và hạt lúa sẽ tạo ra vật phẩm đảm bảo cho sự sinh tồn, phát triển của con người. Họ nhận thức rằng đó là những vật thiêng đại diện cho đấng tối cao. Khoảng cách giữa thần và người luôn là vô hình, song họ vẫn có sự “đổi trao” qua những lời cầu khấn mỗi khi có nhu cầu. Hầu như tất cả những gì tồn tại trong đền miếu của người dân bản địa, hoặc được tìm thấy ngẫu nhiên trong lòng đất, người Việt đều cho đó là vật thiêng, là của cải của thần linh, của tiền chủ trên mảnh đất này. Vì vậy, người Việt đã kế thừa và thờ phụng một cách rất tự nhiên từ đời này sang đời khác. Họ mạnh dạn tô đắp, khoác thêm màu sắc, y phục lên tượng thờ để biến những vị thần của người dân bản địa thành những vị Phật hay Bồ tát của tín ngưỡng Phật giáo, đạo giáo của người Việt. Một tượng nữ thần của người Chăm có thể trở thành đức Quán Âm Bồ tát hay một vị thánh mẫu mà họ từng cầu khấn trên đất Bắc. Ví dụ như pho tượng nữ thần (thường gọi tượng là Bà Lồi hay Phật Lồi) ở chùa Ưu Điềm, nguyên tượng bằng đá, về sau được thếp màu vàng, đầu sơn đen, bên ngoài có khoác áo mũ bằng vải vàng. Trên đôi vế chân của tượng có đắp thêm hai bàn chân ngửa với mục đích tạo thành thế ngồi kiết già như tượng Phật hay một vị Bồ tát. Đây chính là yếu tố “Phật hóa” theo tâm thức của người Việt đối với tượng thờ Chăm để tạo thêm niềm tin cho người dân khi đến chùa. Di tích miếu thờ phù điêu Bà 8 tay bằng đá ở làng Mỹ Xuyên là một di tích Chăm. Phù điêu này được phát hiện sau khi người Việt đã ổn định, do trông giống như hình tượng Phật Bà nên người dân đã tô đắp thêm xiêm y và còn khắc thêm chữ Vạn trên ngực. Từ yếu tố này, ta thấy rằng khi người Việt di dân vào Thuận Hóa, những gì liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng trước đó đều được cư dân Việt kế thừa một cách trân trọng, thậm chí còn nâng lên thành những đối tượng thờ cúng của một tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian đã gắn kết lâu đời với người Việt. Lễ vật thờ cúng ở những đến miếu mang yếu tố bản địa cũng có điều đặc biệt như việc cúng khoai mài, cá vượt ở Miếu Bà Trạch Phổ. Việc cúng tế ở những đền miếu này không chỉ là người dân trong vùng mà ngay cả triều đình phong kiến cũng đã tổ chức cầu đảo mỗi khi nắng hạn gọi là đảo vũ (cầu mưa). Không những thế, triều đình còn ban sắc phong thần cho một số đền miếu mà người dân và quan sở tại cho là linh thiêng.
Hoạt động tín ngưỡng gắn liền với lễ hội dân gian truyền thống đã hình thành, phát triển và tồn tại qua bao thế hệ đối với cư dân vùng ven sông Ô Lâu đã tạo nên một vùng văn hóa đặc trưng và phong phú. Ngay từ bước đầu di dân mở nước, cư dân Việt vùng này đã biết dung hòa văn hóa truyền thống của người Việt với văn hóa của cư dân bản địa. Những năm qua tôi đã tập trung sưu tầm nghiên cứu, ghi chép lại các nghi lễ, các bài bản diễn xướng trong các lễ hội văn hóa truyền thống. Bước đầu, tôi đã thu thập được một số tư liệu có giá trị về lịch sử hình thành làng xã, quá trình phát triển đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân vùng ven sông Ô Lâu. Từ đó, tôi mới thấy được sự phong phú đa dạng của đời sống văn hóa hình thành từ vùng đất này. Đối với cư dân ở đây, lúa nước là cây trồng chính nhằm đảm bảo lương thực cho con người. Song bên cạnh đó việc phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, tạo cho người dân có cuộc sống no đủ hơn. Chính nhờ kinh tế ổn định mà văn hóa ở đây phát triển. Các loại hình lễ hội, nghệ thuật sân khấu dân gian, trò chơi dân gian truyền thống ở đây đã cho chúng ta thấy rằng, từ xa xưa nơi đây từng là một trung tâm văn hóa lớn của vùng đất Thuận Hóa. Vì vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa ở đây vô cùng cấp thiết. Mặc dù hiện nay, một bộ phận di sản văn hóa quý báu ở đây không tồn tại trong cuộc sống và hoạt động cộng đồng của người dân, song nó vẫn đang nằm trong ký ức của các bậc lớn tuổi và nếu có sự khơi dậy từ các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa thì nó sẽ được đánh thức và chúng ta có dịp được thưởng thức những hoạt động tín ngưỡng, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc như: múa dật, hát sắc bùa, hát trò, tập chèo…, những trò chơi dân gian như: Leo cột mỡ, đi cầu nước, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập đột, các trò đu tiên, đu nhún, đu giàng xay, đu rút... và còn nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác đang dần bị lãng quên theo năm tháng.
Cội nguồn văn hóa tinh thần của cư dân Việt nơi đây còn có yếu tố kế thừa, hòa nhập của văn hóa cư dân bản địa. Với hệ thống di tích, hiện vật của nền văn hóa Chăm Pa, văn hóa Việt cổ, các làng nghề thủ công truyền thống như: nghề gốm, điêu khắc gỗ, nghề đan đệm bàng, nghề kim hoàn… cùng với các lễ hội, trò diễn dân gian hội tụ trên vùng đất ven sông Ô Lâu là di sản văn hóa quý báu mà chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Việc bảo tồn văn hóa vùng ven sông Ô Lâu, đặc biệt là đối với các làng nghề truyền thống ở đây là điều đáng quan tâm. Vì sự mai một của nó không chỉ là sự biến mất của những sản phẩm thủ công tinh xảo mà điều đáng quan tâm là sẽ mất đi không gian đời sống tinh thần của làng nghề mà các thế hệ tiền nhân đã dày công gầy dựng nên. Trong một cuộc hội thảo về bảo tồn làng nghề truyền thống, tôi đã từng nêu ý kiến đối với trường hợp làng nghề đan đệm bàng Phò Trạch: “Nếu một ngày nào đó, chiếc chẹ lót nôi cho trẻ nhỏ biến mất, thì chúng ta cũng chẳng còn nghe được tiếng hò ru của bà, của mẹ; và khi không còn thấy chiếc đệm bàng của người dân Phò Trạch, thì ta cũng khó hình dung được hình ảnh “bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”. Thiết chế văn hóa làng, đặc biệt là đối với những làng nghề thủ công truyền thống ven vùng sông Ô Lâu, vẫn luôn được người dân nơi đây trân trọng gìn giữ. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội đi đôi với việc bảo tồn thuần phong mỹ tục là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của người dân trong vùng. Những năm qua, chính quyền và người dân ở đây đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa thông qua việc xây dựng làng, thôn, bản văn hóa. Song để thực hiện việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và cả phi vật thể của vùng đất này, phải cần có sự nhận thức đúng đắn và quan tâm hơn từ các cấp chính quyền và ngành văn hóa mới có thể giúp cho cộng đồng người dân nơi đây phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
No comments:
Post a Comment