Thursday, August 30, 2018

Jakarta thành phố bị lún nhanh nhất trên thế giới


Thủ đô Jakarta của Indonesia (Nam Dương) với dân số 10 triệu bị lún 25cm mỗi năm do dân chúng sử dụng quá nhiều các mạch nước ngầm. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này xảy ra tương tự tại những thành phố như Sài Gòn.

Indonesia là thành phố bị lún nhanh nhất trên thế giới và nếu tình trạng này tiếp diễn đến năm 2050 nhiều nơi sẽ hoàn toàn bị nhấn chìm, các chuyên gia cảnh báo.

Nguyên nhân chính là do người ta khai thác nước ngầm quá nhiều làm cho đất trên bề mặt bắt đầu lún xuống. 60% dân Jakarta dùng nước giếng cho sinh hoạt.

Tình trạng này làm ảnh hưởng đến nền móng của nhà cửa cao ốc.

Thành phố này khi xưa là một vùng đầm lầy, một bên là biển Java, một bên là 13 con sông chảy ngang qua. 
Đất thấp, lũ lụt xảy ra thường xuyên và cũng nặng hơn vì nước mưa không thể chảy ra biển.

Chuyên gia nghiên cứu đất lún trong 20 năm qua, ông Heri Andreas thuộc Bandung Institute of Technology nói đây không phải là chuyện đùa.

"Nếu căn cứ trên các mô hình tiên liệu của chúng tôi, từ nay đến năm 2050 khoảng 95% miền bắc của Jakarta sẽ chìm dưới làn nước."

Tình trạng này khiến ví dụ như trong quận Muara Baru, nhiều tòa nhà phải bỏ trống vì quá nguy hiểm để tiếp tục ở.

Nhưng có quá muộn không khi mà nhiều khu vực của Jakarta hiện thấp hơn so với năm 1970 đến 4 mét! Câu trả lời là không dễ tí nào.

Tuy nhiên mặc cho các chuyên gia lên tiếng báo động những cao ốc mới vẫn mọc lên trong thị trấn có cảng Tanjung Priok  này miễn là nhà thầu vẫn bán được những căn hộ đẹp đẽ của họ.

Tình trạng đáng báo động nhất được ghi nhận ở Bắc Jakarta, với cảng biển, chợ cá, khu ổ chuột, nhà máy điện, trung tâm mua sắm khổng lồ và tàn tích của khu định cư thuộc địa Hà Lan cùng những kho hàng đổ nát và các bảo tàng bụi bặm. Một số kênh và sông ô nhiễm nhất thế giới dệt thành một mạng lưới chảy xuyên qua Bắc Jakarta. Đó là nơi đang chìm nhanh nhất trong thành phố.

Công nhân sửa chữa một bức tường biển đã bị sập. Đây chỉ là một rào cản tạm thời để giữ cho thành phố khỏi bị nước ăn sâu thêm. Với sự hỗ trợ từ Hà Lan, Jakarta nuôi mộng một trong những dự án đê biển lớn nhất lịch sử. 

Các nhà thủy văn học nói rằng thành phố chỉ còn một thập kỷ để ngăn mình bị chìm. Viễn cảnh xấu nhất là phía bắc của Jakarta, với hàng triệu cư dân, sẽ chìm xuống dưới nước cùng phần lớn nền kinh tế Indonesia. Nếu không có một cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng, Jakarta sẽ không thể xây những bức tường đủ cao để giữ thành phố đứng vững trước sông, kênh rạch và biển Java đang ngày một dâng cao.   

Các tầng nước ngầm không được bổ sung nước, bất chấp lượng mưa lớn và số lượng sông ngòi phong phú, bởi hơn 97% của Jakarta hiện tại bị bóp nghẹt trong bê tông và nhựa đường. Ảnh hưởng đối với vùng nông thôn trở nên thảm khốc, với việc đốt rừng mưa để nhường chỗ cho các nhà máy sản xuất dầu cọ và nhà máy dệt, gây ô nhiễm không khí khủng khiếp. 

Sài Gòn cũng bị lún nhanh chóng từ khi bùng nổ khu chung cư

Theo số liệu công bố trên báo chí Việt Nam, 20 năm trước đất lún xuất hiện lần đầu tại một vùng nhỏ thuộc quận 6 và Bình Thạnh.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã đặt các thiết bị quan trắc lún tại 17 vị trí. Kết quả quan trắc cho thấy tốc độ lún thấp nhất là 1 cm mỗi năm và cao nhất là 40 cm trong 10 năm.

Vài năm sau lan ra các quận 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Trong khoảng từ 2002-2010, không có thêm nhiều vùng lún mới nhưng độ lún tăng nhanh tại quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh với nhiều nhất lên đến 309 mm.

Từ năm 2011 đến nay, khu vực trung tâm thành phố tương đối ổn định, vùng lún chủ yếu xuất hiện tại Nhà Bè, Bình Chánh.

Với dân số hiện nay khoảng 6,6 triệu người hệ thống nước sạch của Sài Gòn không đáp ứng kịp, lâu nay người ta dùng nước giếng khoang, trong khi theo luật là phải xin phép. Khắp nơi đều có những toán chuyên khoang giếng ở bất kỳ đâu có nhu cầu.

Thậm chí mùa hè nóng nực, người dân còn dùng nước giếng để xịt nước lên mái nhà, trên sân, ngoài đường cho ít bụi và mát, khiến cho nhiều giếng nước tự nhiên cũng khô cạn luôn.

  Các nghiên cứu gia của trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia đề nghị qui định vùng cấm và hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước ngầm.

Ngoài ra, để hạn chế việc hình thành các phễu hạ thấp mực nước ngầm, phải cung cấp nước mặt đủ cho nhu cầu sử dụng các khu đô thị mới và khu công nghiệp.



Nguồn: SBS / (đăng ngày 14/8/2018)

No comments:

Post a Comment