Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (15/3/1932 - 26/2/2018) từng là Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Tôi được gặp và nói chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hai lần, năm 2009 và năm 2015. Ông ngoài 75 tuổi nhưng đầy nhiệt huyết như một con hùm.
Ông Đông nói rằng ông có đọc sách của tôi. Hình như dù có vài thắc mắc không tiện nói về sách này, ông thấy tôi là một người đáng tin. Ông nhấn mạnh rằng gần như không cho ai phỏng vấn ông.
Trong bài này tôi sẽ không nói nhiều về các tác phẩm của nhạc sĩ tài hoa này. Tôi muốn nói đến hiện tượng của Nguyễn Văn Đông trong bối cảnh thị trường nhạc thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa.
Đời ông bị làm chia đôi:
- 43 năm (1932-1975) ông làm hết mình - ông học hỏi, sản xuất, và làm việc nước.
- 43 năm nữa (1975-2018) ông im lặng để tồn tại.
Mặc dù sau năm 1975 ông sống như một người vô hình, nhưng tôi đã được gặp một đàn ông rất tự tin và biết giá trị của mình. Trong nửa đời sản xuất tròn 43 năm, ông đạt được những thành công phi thường.
43 năm (1932-1975) ông làm hết mình - ông học hỏi, sản xuất, và làm việc nước
Nguyễn Văn Đông sinh ở quận 1, Sài Gòn. Bố mẹ gốc Tây Ninh là điền chủ từng bị bắt tù thời chiến tranh chống Pháp. Lúc bấy giờ có một sĩ quan Pháp, đại úy Vieux coi Nguyễn Văn Đông như người em kết nghĩa nhận ông là con nuôi và cho học tại École d'enfants de troupe (Trường Thiếu sinh quân Đông Dương). Đây là một ngôi trường ưu tú, chỉ có con cái của sĩ quan Pháp được vào học.
Trường này dạy về văn hóa và quân sự. Giáo sư âm nhạc là Charles Martin, một nhạc sĩ Pháp từng dạy hòa âm và phối khí từ những năm 1920 ở Sài Gòn.
Thuở ấy Nguyễn Văn Đông đã học thổi kèn trompette và tham gia dàn nhạc fanfare của ngôi trường.
Năm 1948 khi lên tuổi 16 ông cũng sáng tác "Thiếu sinh quân hành khúc" đã được nhận là bài ca của trường.
Năm 1951 ông thi vào École Militaire Cap Saint Jacques (Trường Võ bị sĩ quan Vũng Tầu) và năm 1952 ông học xong với cấp sous lieutenant (thiếu úy).
Năm 1952 ông học thêm ở École Militaire Interarmes de Dalat (Trường võ bị liên quân Đà Lạt) và năm sau ông lên cấp trung úy. Rồi sau đó ông ra Bắc và học tiếp ở École Tactique Hanoi (Trường chiến thuật Hà Nội).
Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất, ông chỉ huy một Đại đội Trọng Pháo ở hai tỉnh Móng Cái và Lạng Sơn. Sau biến cố thua trận ở Điện Biên Phủ, ông được chuyển về miền Nam.
Từ năm 1954 đến 1958 Nguyễn Văn Đông đóng quân ở Đồng Tháp Mười. Khu này được coi như một "chiến trường ác liệt" suốt 30 năm chiến tranh ở Đông Dương. Nó cũng là căn cứ địa của bên cộng sản vì nằm cạnh ranh giới Việt Nam - Cambodia.
Nguyển Văn Đông là một hiện tượng rất hiếm là một nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng đã từng cầm súng trên trận địa. Năm 1956, Nguyễn Văn Đông soạn hai tác phẩm "Chiều mưa biên giới" và "Phiên gác đêm xuân." Các ca khúc này phản ánh đời sống của lính chiến ở khu ấy.
Ông nói với tôi rằng ông "viết thực tế về lính." Ông "có thấy chết nhiều lắm, đau khổ nhiều lắm." Khi mới cho phổ biến hai bài ca ấy ông đề tên bút Vì Dân như nửa muốn giấu tên mình. Hai ca khúc đều có lời giới thiệu: Kính tặng các Chiến sĩ một nắng hai sương lao mình nơi tiền tuyến, dâng mình cho đất nước và các Bạn thanh-niên sắp khoác chiến y.
Chiều mưa biên giới
Tôi hỏi ông về ca khúc "Chiều mưa biên giới" ông suy nghĩ sâu. Cũng có thể ca khúc của mình đã làm giảm sức chiến đấu của quân lực miền Nam ít hay nhiều. Nhưng ông nói là "trong người có trách nhiệm với lương trí."
Ông "không làm chủ - không lãnh đạo được cái trí của mình." Ông muốn biểu lộ cảm xúc thực của mình. "Tôi không có ý muốn phản bội. Tôi muốn người ta hiểu mình."
"Chiều mưa biên giới" được xuất bản năm 1959 rồi không biết bao nhiêu lâu sau đó lại bị cấm chung với các bài ca "Phiên gác đêm xuân," "Mấy dặm sơn khê," và "Nhớ một chiều xuân."
Trên bìa sau ca khúc "Nhớ người viễn xứ" (sáng tác chung với Lâm Tuyền và được cấp phép xuất bản 26 tháng 4 1963) có danh sách bốn ca khúc này với lời nhắn các "quí bạn yêu nhạc đừng gởi thơ về xin chữ ký trên các nhạc phẩm này nữa."
Trên bìa cũng đã đề cập đến hai ca khúc "Cuốn theo chiều gió" về "Bến đò biên giới" mà "chúng tôi cũng không xuất bản. Hẹn ra mắt quí vị khi có hoàn cảnh thuận tiện."
Một số nhạc phẩm bị cấm của Nguyễn Văn Đông
Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì lúc "thuận tiện" mới đến và các tác phẩm ấy được phổ biến rộng rãi. Thực ra "Chiều mưa biên giới" đươc nghe khắp mọi nơi như làm khuây với dân miền Nam đã cảm thấy khó phù hợp với phong cách cai trị chặt chẽ của chế độ ấy.
Nguyễn Văn Đông tâm sự: "Làm văn nghệ rất là khó - không được sự hỗ trợ vì không vào cuộc chiến tranh tâm lý."
Vì vụ bài ca "Chiều mưa biên giới" ông bị quân đội phạt, nhưng ông cũng giỏi về việc tự lăng-xê mình. Các bài hát bị cấm thì một điều tất nhiên là quần chúng sẽ càng thích và tìm đến.
Hãng đĩa hát Continental năm 1960
Nhạc sĩ - doanh nhân
Ông là sĩ quan quân đội, là nhạc sĩ sáng tác, nhưng cùng thời ông là một doanh nhân. Ông đã từng lập ra một số hãng đĩa và nhà xuất bản. Ông mở hãng đĩa hát Continental năm 1960 (167 thương xá Nguyễn Huệ). Hãng đĩa Continental có nhãn hiệu chữ viết hoa in đệm và gọn. Tên Continental là tên gọi có tính quốc tế mà có nghĩa Lục Địa được viết thế trông oai nghi và nghiêm trang.
Nhà xuất bản Trăm Hoa Miền Nam
Sau đó năm 1966 ông lập nhà xuất bản Trăm Hoa Miền Nam (103 đường Nguyễn Thái Học).
Nhãn hiệu Trăm Hoa Miền Nam được tao nhã in với chân chữ trang điểm với hình lá cây. Một thiếu nữ tóc bay thổi hạt và cánh của nụ hoa. "Trăm hoa" chắc gốc từ chữ "bách hoa" nghĩa là nhiều loài hoa.
Hãng đĩa hát Sơn Ca
Năm 1967 có thêm hãng đĩa hát Sơn Ca (135/116 đường Nguyễn Huệ) "do nhạc sĩ Phượng Linh trình bày" (Phượng Linh là tên bút chính của Nguyễn Văn Đông). Nhãn hiệu Sơn Ca hiện đại hơn, hai chữ ghép với nhau trên hình trái đất có con chim hót trên. Ở dưới có hình đàn guitar lập thể nhiều sắc màu.
Chủ trương do Đông Phương Tử
Ông sáng lập thêm một nhà xuất bản năm 1967 là "chủ trương do Đông Phương Tử." Đông Phương Tử là tên bút của Nguyễn Văn Đông khi làm cổ nhạc hay soạn lời tân cổ. Chữ của nhãn hiệu vừa tròn, vừa nét kẻ.
Nhà xuất bản Hoa Bốn Phương
Nguyễn Văn Đông lập nhà xuất Hoa Bốn Phương năm 1971 với nhãn hiệu có phong cách thí nghiệm. Chữ màu cam khó đọc trên nền cây cỏ nâu. Phông chữ cũng hỗn độn chữ hoa với chữ thường, chân chữ với sans serif trông rất hiện đại.
Năm 1966 Việt Nam bắt đầu có kỹ thuật mới để phát thành nhạc là băng cát xét. Đến năm 1969 thì kỹ thuật này đã thành phương tiện chính của người tiêu thụ âm nhạc vì được sản xuất và bán rẻ tiền hơn
Hãng Continental thực hiện các chương trình mới và chương trình được biên soạn theo các đĩa hát 45 tua từ trước. Hãng Sơn Ca đã từng làm các chương trình cát xét chỉ có một nghệ sĩ (nổi tiếng nhất là Sơn Ca 7 với Khánh Ly ca nhạc Trịnh Công Sơn). Các băng cát xét Sơn Ca có nhạc đề ("Sơn Ca, Sơn Ca, Sơn Ca" với ba giọng ca nữ hát hợp âm xuống) của Nguyễn Văn Đông soạn và Lê Văn Thiện phối khí.
Hãng băng nhạc Premier mà Nguyễn Văn Đông lập năm 1971 không sản xuất đĩa. Chữ Premier viết hoa được uốn cong như hình tròn của cuốn băng.
Hãng băng nhạc Premier
Quãng thời gian hữu ích nhất trong sự nghiệp văn nghệ của Nguyễn Văn Đông là khi ông được chuyển làm ở Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn. Mặc dù Bộ Quốc phòng không thích ông làm văn nghệ, nhưng mỗi cuối tuần Nguyễn Văn Đông làm âm nhạc và xếp chương trình đĩa băng. Ông tự mô tả mình là "người chia làm hai." Đến trưa thứ Bảy ông làm quân sự, nhưng "tối thứ Bảy, Chủ Nhật thì thuộc về mình."
Thị trường âm nhạc
Là doanh nhân thì Nguyển Văn Đông phải nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường âm nhạc.
Hãng của ông phân phối đĩa với 36 đại lý khắp miền Nam. Ông hỏi kỹ ở các đại lý về sở thích của người mua đĩa để sắp xếp các chương trình ăn khớp với thị hiếu của quần chúng nghe nhạc.
Ông kể rằng một chương trình cải lương được phát hành với 10,000 đĩa mỗi lượt, nhưng một chương trình tân nhạc chỉ có phát hành 5,000. Thường lệ một chương trình cải lương hay tân cổ sẽ bán được 70,000 đĩa và một chương trình tân nhạc chỉ bán được 5,000 đĩa.
Ông giải thích rằng lúc bấy giờ "cải lương nuôi tân nhạc."
Ông thừa nhận "tân nhạc chỉ ăn ở thành phố." Quần chúng ở các tỉnh chỉ ưa mua đĩa vọng cổ và cải lương.
Ông thực sự là một nhà sản xuất tài ba. Mỗi chương trình đĩa tân nhạc gồm bốn ca khúc thì ông chọn từng bài, tuyển các ca sĩ và dàn nhạc. Với các đĩa cải lương ông làm đạo diễn chọn đề tài chọn nghệ sĩ và thuê tác giả soạn kịch.
Mỗi việc xảy ra từ khuya đêm thứ Bảy. Sau mỗi buổi cải lương kết thúc thì các nghệ sĩ đi đến phòng thâu ở cơ quan hãng Continental tại 167 thương xá Nguyễn Huệ. Các ca sĩ tân nhạc thường hát phòng trà rồi cũng đến phòng thâu từ khuya và làm việc suốt ngày Chủ Nhật.
Để giúp vui ông đãi các nghệ sĩ những đồ ăn và uống ngon nhất. Các nhạc công rất vui mừng khi được làm việc với ông mặc dù là đêm khuya vì được tăng lương thêm một nửa.
Băng nhạc Continental
Nguyễn Văn Đông làm việc tích cực ở nhiều lĩnh vực - soạn cổ nhạc, viết ca khúc, sản xuất đĩa, xuất bản nhạc phẩm, phân phối đĩa và bản nhạc, và điều hành một phòng thu âm. Tài năng chính của ông là "có tổ chức lắm."
Nhờ Nguyễn Văn Đông làm kinh doanh giỏi, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, kể cả kỹ sư âm thanh, họa sĩ, tiệm bán đĩa và bản nhạc cũng được kiếm sống.
Nhưng ông cũng làm các việc nhỏ nhoi như viết chapeau (tức "cái nón), thực là lời giới thiệu cho các chương trình băng nhạc.
43 năm nữa (1975-2018) ông im lặng để tồn tại
Sau 1975 ông mất hết. Vì ông là đại tá của quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng nhận mề đay của quân đội Mỹ tặng thưởng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị giam 10 năm.
Trong những năm đầu ông ở một trại tại Biên Hòa, nhưng từ năm 1978-1985 ông ở Khám Chí Hòa.
Tại các trại ở ngoài trời có chế độ lao động thì ông sung sướng hơn, khi bị giam ở nhà tù phải ngồi đợi trong im lặng. Là một con người ham hành động thì bị bắt phải ngồi không rất là đau khổ.
Khi được thả tự do và được sum họp với gia đình ông sống rất khép kín. Một điều tất nhiên là ông từng thường bị công an thăm hỏi và theo dõi.
Không muốn bị nghi ngờ thì ông phải tiếp xúc với mỗi người rất cẩn thận. Một thí dụ là khi mở tài khoản email ông chọn một công ty Việt Nam để được công khai và dễ kiểm soát hơn.
Tôi nghĩ rằng ông hiểu rõ vị trí của một người lính bên thua cuộc và chấp nhận hay chịu đựng cái đời sống mới ấy mặc dù đời sống ấy chưa có chỗ đứng cho mình được hoạt động.
Nhưng ông đã tồn tại. Ngay sau biến cố năm 1975 các sản phẩm văn nghệ ông từng thực hiện bị xã hội mới coi xấu, thậm chí là độc ác. Hàng hóa của các công ty ông bị tịch thu luôn.
Nhưng mới đây thì nền tân nhạc thời Việt Nam Cộng Hòa được xét lại và dần dần được chấp nhận kể cả tán dương.
Hiện nay nhiều người than phiền về thị trường lộn xộn của âm nhạc Việt Nam. Song thị trường ấy chỉ khởi đầu từ những năm 1990 mà được xây lại từ đầu trong những năm đổi mới.
Trước năm 1975 thì miền Nam Việt Nam đã từng có một thị trường âm nhạc mà cũng có những nét lộn xộn. Nhưng thị trường ấy cũng có mặt tao nhã.
Nguyễn Văn Đông là một tay mạnh ở đằng sau thị trường âm nhạc miền Nam lúc bấy giờ. Ông soạn ca khúc theo kiểu phương Tây, nhưng ông cũng là một "Phương Đông tử" nâng cao nhạc truyền thống.
Các chương trình ông được thực hiện rất kỹ càng. Ông chú ý đến kỹ thuật âm thanh và họa tiết từng bìa và quảng cáo để hiện đại hóa văn nghệ Việt Nam. Thực ra ông chế tạo những sản phẩm văn hóa hậu tân thời và rất cá tính.
Jason Gibbs (Viết cho BBC Tiếng Việt)
Jason Gibbs có bằng tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc từ Đại học Pittsburgh, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Bài viết gửi BBC được ông viết trực tiếp bằng tiếng Việt.
No comments:
Post a Comment