Trong một tuyên bố được báo chí Sri Lanka công bố hôm 02/07/2018, Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Colombo đã gay gắt bác bỏ bài phóng sự điều tra ngày 25/06 trên nhật báo Mỹ The New York Times. Bài báo mang tựa đề rất tượng hình : « Trung Quốc làm thế nào để buộc Sri Lanka nhả ra một cảng - How China Got Sri Lanka to Cough Up a Port »
Đối với Trung Quốc, bài viết của New York Times « đầy định kiến chính trị » và « hoàn toàn sai sự thật ». Phản ứng gay gắt đó xuất phát từ việc tờ báo Mỹ đã vạch trần được thủ đoạn gọi là « bẫy nợ » mà Trung Quốc giăng ra để lừa những nước gặp khó khăn, khuyến khích các nước này vay mượn của Bắc Kinh, để rồi sau đó khi con nợ không trả được thì bắt bí, đòi nhượng những vùng đất hay cơ sở chiến lược, và chấp nhận làm theo Trung Quốc trên nhiều điểm, tựu chung là để mất chủ quyền vào tay Bắc Kinh.
Bản tuyên bố « cải chính » của Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Sri Lanka như đã xác nhận điều đó khi nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn theo đuổi chính sách thân thiện đối với Sri Lanka, « hỗ trợ vững chắc nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ » của nước bạn, và phản đối sự can thiệp của bất kỳ nước nào vào các vấn đề nội bộ của Sri Lanka, ám chỉ đến Ấn Độ.
Và bản tuyên bố đã nhắc nhở Sri Lanka là phải tích cực thực thi các « đồng thuận quan trọng » đạt được giữa lãnh đạo hai nước…, tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ chương trình Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, và tuân thủ các « quy tắc vàng » về « tham vấn rộng rãi, cùng nhau đóng góp và chia sẻ lợi ích ».
Thủ đoạn cho vay thả giàn để đưa con nợ vào bẫy
Bài điều tra của tờ New York Times, được tuần báo Pháp Courrier International tóm lược hôm 28/06, đã nêu bật các khoản tiền khổng lồ mà cựu tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse (2005-2015) thân Bắc Kinh đã vay mượn của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có cảng chiến lược Hambantota ở phía nam đảo quốc ở vùng Ấn Độ Dương này.
Để thưởng công cho con nợ dễ bảo, năm 2015, Trung Quốc đã không ngần ngại rót hàng triệu đô la cho cựu tổng thống Rajapakse để vận động tái tranh cử. Đây là một hành động vô ích, vì ông Rajapakse đã bị người dân loại bỏ bằng lá phiếu. Tuy nhiên, đất nước Sri Lanka đã bị ông đưa vào tình thế không thể trả nợ, và tân chính quyền nước này vào năm 2017 đã phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm.
Phóng sự của New York Times đã tóm lược thủ đoạn của Bắc Kinh như sau :
« Mỗi lần tổng thống Sri Lanka, Mahinda Rajapakse, quay sang đồng minh Trung Quốc để vay vốn và xin hỗ trợ cho dự án xây cảng đầy tham vọng của ông, câu trả lời của Bắc Kinh đều là « đồng ý ».
Đồng ý, bất chấp việc nghiên cứu khả thi cho biết là cảng sẽ không hoạt động. Đồng ý, mặc dù những nước tài trợ thường xuyên khác như Ấn Độ đã từ chối. Đồng ý, cho dù nợ công của Sri Lanka đang phình to nhanh chóng dưới thời ông Rajapakse.
Qua nhiều năm xây dựng và đàm phán đi, đàm phán lại với Công Ty Kỹ Thuật Cảng Trung Quốc (China Harbor Engineering Company), một trong tập đoàn nhà nước lớn nhất của Bắc Kinh, Dự Án Phát Triển Cảng Hambantota của Sri Lanka nổi bật lên thành ví dụ điển hình của một sự thất bại, đúng như dự đoán. Với hàng chục ngàn chiếc tàu đi dọc theo một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới, vào năm 2012, cảng này chỉ thu hút được 34 chiếc tàu mà thôi.
Và thế rồi cảng Hambatota lọt vào tay Trung Quốc.
Tập Cận Bình dùng nợ làm vũ khí thúc đẩy Con Đường Tơ Lụa
Theo tờ New York Times, các hành vi của Bắc Kinh tại Sri Lanka là « một trong những ví dụ đập mắt nhất của phương pháp cấp tín dụng và tài trợ của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng trên thế giới ».
Đó cũng là một trường hợp điển hình về cách thức mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng nợ như là vũ khí để thực hiện đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của ông, và là bằng chứng rõ rệt cho thấy là « các chương trình đầu tư của Trung Quốc là những cạm bẫy thực thụ đối những quốc gia nhỏ yếu, nuôi dưỡng tham nhũng và những hành vi chuyên chế tại những nền dân chủ đang gặp khó khăn ».
Theo Courrier International, trong nhiều tháng trời, nhật báo New York Times đã điều tra về sự hiện diện của Trung Quốc tại Sri Lanka. Nhờ các cuộc phỏng vấn, cũng như những tài liệu mật mà tờ báo thu thập được, người ta đã hiểu rõ hơn về cách thức mà Bắc Kinh và những tập đoàn Trung Quốc dùng đến để thâu tóm đảo nhỏ ở vùng Ấn Độ Dương này.
Tất cả bắt đầu vào năm 2005, khi ông Rajapakse lên nắm quyền. Sri Lanka đã lâm vào nội chiến từ nhiều năm và tân nhân vật số một tại Colombo đã chấm dứt tình trạng chiến tranh bằng cách thảm sát hàng ngàn người Tamoul.
Tờ báo Mỹ nhắc lại là lúc ấy « Sri Lanka ngày càng bị cô lập do những lời tố cáo vi phạm nhân quyền’ nhắm vào vị tổng thống, và « đã phải dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ về mặt kinh tế, quân sự, cũng như hậu thuẫn về chính trị ở Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn khả năng Sri lanka bị trừng phạt ».
Mahinda Rajapakse nắm chặt quyền lực trong tay, nhờ vào nhiều người thân trong gia đình đã nắm giữ « 80% ngân sách nhà nước ». Ngay vào năm 2007, phe nhóm nắm quyền đã xin Trung Quốc trợ giúp để xây dựng một thương cảng ở Hambantota, cứ địa của gia đình Rajapakse, nằm trên bờ biển phía nam Sri Lanka.
Và cho dù các « báo cáo nghiên cứu khả thi đều kết luận rằng đề án Hambantota không sinh lợi », năm 2010, Trung Quốc đã tháo khoán cho Sri Lanka khoản tín dụng 307 triệu đô la, với điều kiện là công trình phải được giao cho một công ty Trung Quốc là China Harbor thực hiện.
Cho vay thả giàn, bắt chọn nhà thầu và nhân công Trung Quốc, nâng cao lãi suất
Báo New York Times nhấn mạnh rằng đây là « một yêu cầu thông thường từ phía Trung Quốc cho các đề án của họ trên thế giới, để né tránh việc kêu gọi đấu thầu công khai ».
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của New York Times : « Trong toàn khu vực, chính quyền Bắc Kinh cho vay hàng tỷ đô la và yêu cầu hoàn trả với giá cao để rồi thu dụng hàng ngàn nhân công Trung Quốc ».
Trong trường hợp của Sri Lanka, hai năm sau lần vay đầu tiên, ông Rajapakse lại được một khoản tín dụng mới, nhưng với điều kiện là tỷ lệ lãi suất khoản vay trước phải tăng lên 6,3%, một tỷ lệ rất cao.
Đến tháng Giêng 2015, tình hình Sri Lanka thay đổi bất ngờ. Tổng thống Rajapakse triệu tập bầu cử trước thời hạn, và trong những tuần lẽ trước ngày bầu cử, tập đoàn Trung Quốc China Harbor đã « chuyển từ một tài khoản tại ngân hàng Standard Chartered Bank, ít ra là 7,6 triệu đô la vào những trương mục tài trợ cho cuộc vận động tranh cử của ông Rajapakse».
10 ngày trước cuộc bỏ phiếu, những tờ ngân phiếu hàng mấy trăm ngàn đô la đã được phân phát cho những người sản xuất tee shirt, sari để phát cho các ủng hộ viên của tổng thống ứng cử viên. Một tu sĩ Phật Giáo ủng hộ ông Rajapakse chẳng hạn đã nhận được 38000 đô la.
Nhưng vô hiệu. Cử tri Sri Lanka đã loại bỏ ông Rajapakse, bị họ xem là độc tài và bầu lên một bộ trưởng của ông, ông Maithripala Sirisena.
Vừa nhậm chức, tân tổng thống Sri Lanka đã phải đối mặt với một núi nợ tích lũy của nhà nước.
Ngoài cảng Hambantota, Trung Quốc còn được giao phó một đề án khổng lồ là một thành phố ven hồ trị giá đến 1 tỷ đô la, trước bờ biển Colombo.
Bị siết nợ, Sri Lanka bị mất một thế kỷ chủ quyền cho Trung Quốc
Vào tháng 12 năm 2017, theo New York Times « Dưới áp lực nặng nề và sau nhiều tháng đàm phán, chính phủ đương nhiệm tại Sri Lanka đã phải nhượng cảng Hambantota cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm, cộng thêm với 6.000 ha đất xung quanh. »
Và nhờ đó, Bắc Kinh, vốn tuyên bố chỉ có « mục tiêu thương mại » ở Sri Lanka, đã bảo đảm được một thế kỷ chủ quyền trên một vùng đất bên bờ một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất trên thế giới, với một cơ sở có khả năng tiếp nhận lực lượng hải quân, tàu ngầm và các cơ quan tình báo của Trung Quốc.
Đối với Sri Lanka, tình hình không sáng sủa chút nào vì đang nhìn thấy món nợ của mình tăng vọt. Vào năm 2015, quốc gia nhỏ bé 22 triệu dân này phải hoàn trả tới 4,68 tỷ đô la cho các chủ nợ. Năm nay, số nợ tăng lên thành 12,3 tỷ đô la, trong đó có khoảng 5 tỷ đô la nợ riêng Trung Quốc.
Và vòng xoáy nợ tăng vọt tiếp tục. Theo New York Times : « Vào tháng Năm, Sri Lanka đã phải vay 1 tỷ đô la từ Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc để trả các khoản nợ đáo hạn ».
Bài học rút ra được từ Sri Lanka, theo tờ báo Mỹ rất cay đắng : Đó là một khi đã là con nợ của Trung Quốc, lãnh thổ và chủ quyền rất khó được bảo toàn.
Nguồn: RFI / Mai Vân (đăng ngày 3/7/2018))
No comments:
Post a Comment