Trong vài thập niên trở lại đây, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường phát triển năng lượng hạt nhân, chẳng hạn Mỹ, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, Trung Quốc …. Câu hỏi ngày càng cấp bách với các quốc gia này là làm thế nào để xử lý rác thải hạt nhân, nhất là rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao, không thể xử lý để tái sử dụng và tồn tại dài lâu có khi tới hàng chục, hàng trăm ngàn năm.
Trên thực tế, theo tổ chức bảo vệ môi trường GreenPeace, tất cả công đoạn sản xuất điện nguyên tử đều thải chất phóng xạ độc hại : uranium (95%) và plutonium (1%) có thể tái sử dụng, 4% chất thải hạt nhân còn lại là không thể tái sử dụng. Ngay cả quá trình xử lý rác thải hạt nhân để tái sử dụng cũng gây ô nhiễm nặng. GreenPeace nhận định sản xuất điện nguyên tử là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề nhất và để lại cho nhiều thế hệ tương lai một loại rác thải nguy hiểm vô cùng và khó xử lý.
Nhiều thập kỷ nghiên cứu và những khoản đầu tư khổng lồ vẫn chưa mang lại cho con người một giải pháp xử lý rác thải hạt nhân triệt để. Việc chuyển đổi các chất phóng xạ tồn tại lâu dài trong tự nhiên thành chất phóng xạ dễ phân rã trong tự nhiên cho tới nay vẫn chỉ là mơ ước của các chuyên gia hạt nhân, do khả năng trở thành hiện thực rất xa vời và chi phí thì không hề nhỏ.
Tại Pháp, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn điện hạt nhân, theo số liệu năm 2015, điện hạt nhân chiếm khoảng 77% lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc, thủy điện (12,6%), nhiệt điện (5%), điện gió (3,1%) và quang điện (1.1%). Với 19 nhà máy điện hạt nhân được trang bị tổng cộng 58 lò phản ứng hạt nhân, Pháp là nhà sản xuất điện hạt nhân lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, vượt rất xa Nga, Trung Quốc, Canada, Anh Quốc … Còn tính theo tỉ lệ điện hạt nhân/dân số, Pháp đứng đầu thế giới.
Cũng như tại nhiều nước khác, rác thải hạt nhân tại Pháp được lưu trữ tạm thời ngay trong các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, 10.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng được chứa tạm thời trong trung tâm xử lý rác thải hạt nhân Le Hague, cơ sở xử lý rác thải hạt nhân lớn nhất châu Âu và thuộc hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong năm 2017, điều tra của tổ chức bảo vệ môi trường GreenPeace cho thấy các bể làm nguội thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân cũng như ở nhà máy xử lý chất thải hạt nhân Le Hague không được đảm bảo an toàn chặt chẽ như các lò phản ứng, chẳng hạn dễ bị nguy cơ tấn công khủng bố. Thêm vào đó, trung tâm Le Hague chỉ được khai thác đến năm 2030. Thông thường, một cơ sở như La Hague chỉ được sử dụng trong vòng 40 năm. Còn sau đó phải làm thế nào ?
Hiện nay, do thiếu giải pháp, chôn lấp vĩnh viễn thật sâu trong lòng đất rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao dường như được coi là phương pháp xử lý rác thải hạt nhân tối ưu và được nhiều quốc gia hướng tới. Giới nghiên cứu hiện đang tập trung vào ba phương pháp chôn lấp : trong lòng lớp đá granit (Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), trong môi trường trầm tích, nhất là đất sét (Bỉ, Thụy Sĩ) hoặc lưu trữ bằng muối, chẳng hạn trong các mỏ muối (Mỹ, Đức).
Tuy nhiên, các dự án chôn lấp sâu trong lòng đất thường vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương và cư dân trong khu vực. Họ lo ngại về sự thiếu an toàn của các hầm chứa chất phóng xạ liên quan đặc biệt tới nền địa chất, chất liệu và độ bền thùng chứa rác thải hạt nhân cũng như là tác động của các yếu tố tự nhiên như động đất … Nói một cách hình ảnh, giải pháp chôn lấp rác thải hạt nhân là … « một quả bom nổ chậm » mà ngành công nghiệp này dành cho thế hệ tương lai.
Tại Pháp, dự án xây dựng Cigéo - khu chôn lấp rác thải hạt nhân sâu 500m dưới lòng đất ở làng Bure, vùng Meuse, được nghiên cứu suốt 20 năm qua. Bất chấp sự phản đối quyết liệt trong suốt nhiều thập kỷ của người dân và giới bảo vệ môi trường, vốn gọi Cigéo là « Tchernobyl trong lòng đất » hay « thùng rác nguyên tử », Quốc Hội Pháp hồi năm 2006 cho rằng chôn lấp vĩnh viễn là giải pháp khả thi duy nhất và đã thông qua dự án Cigéo. Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2011 cũng có văn bản ủng hộ giải pháp này. Nhiều quốc gia khác như Thụy Điển, Phần Lan cũng tăng cường nghiên cứu về chôn lấp vĩnh viễn rác thải hạt nhân.
Gần đây nhất, báo chí Pháp nói nhiều tới khu chôn rác thải hạt nhân Onkalo*tại Phần Lan, nơi được mệnh danh là « nghĩa địa hạt nhân đầu tiên trên thế giới ». Trong số các quốc gia phát triển ngành công nghiệp hạt nhân, đất nước Bắc Âu Phần Lan hiện đang đi trước các quốc gia khác về giải pháp chôn rác thải hạt nhân. Hồi tháng 11/2015, chính phủ Phần Lan và đã « bật đèn xanh » cho phép Posiva, cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của hai nhà máy điện nguyên tử Olkiluoto và Loviisa, miền tây nam nước này, xây dựng một hầm ngầm sâu dưới lòng đất tại thị trấn Eurajoki để chôn chất thải hạt nhân.
Thị trấn Eurajoki nằm trên đảo Olkiluoto, cách thủ đô Helsinki 30 phút chạy xe. Eurajoki xinh đẹp, thơ mộng như trong tranh vẽ với các ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn giữa ngút ngàn rừng thông và những hồ nước trong vắt. Đến Eurajoki, người ta có cảm giác như đang lạc vào một khu bảo tồn sinh thái tự nhiên. Nhưng trong lòng đất nơi yên bình đó, « nghĩa địa hạt nhân » khổng lồ đầu tiên trên thế giới có tên gọi Onkalo đang được xây dựng. Tuy nhiên, cần lưu ý là Posiva, cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của hai nhà máy điện nguyên tử Olkiluoto và Loviisa mới được phép xây dựng đường hầm chứ chưa có giấy phép chôn lấp rác thải hạt nhân.
Nếu được cấp phép chôn lấp, Onkalo sẽ là nơi chứa 6.500 tấn rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao, từ giữa những năm 2020 đến khoảng năm 2100. Onkalo được thiết kế để tồn tại nguyên vẹn trong vòng ít nhất 100.000 năm, tương đương với thời gian sống của 4.000 thế hệ con người hay nhiều gấp 25 lần độ tuổi của các kim tự tháp Ai Cập cổ đại. Theo tính toán của các chuyên gia, thời gian gần như vĩnh cửu đó đủ lâu để các chất phóng xạ trở nên vô hại.
Onkalo được khởi công xây dựng vào đầu năm 2017 ở độ sâu 400-450m dưới lòng đất. Theo thiết kế, các đường hầm trong Onkalo dài tổng cộng 60 km. Theo các chuyên gia địa chất Phần Lan, nền đá granit ở vùng này có niên đại gần 2 tỉ năm, trải qua vài thời kỳ băng hà, xung chấn gần như bằng 0, nên là khu vực địa chất ổn định, lý tưởng để chôn các conteneur chứa rác thải hạt nhân. Ông Kimmo Kemppainen, trưởng dự án Onkalo nhấn mạnh : « Chiến tranh, ngập lụt, kỷ băng hà và cả khả năng thế giới đến ngày tận thế, chúng tôi đã dự kiến tất cả cho 100.000 năm sắp tới ».
Installation of storage canisters. Người ta đang lắp ráp những bể chứa rác thải hạt nhân
Nhà địa chất Ismo Aaltonen, chuyên gia đặc trách địa chất của Onkalo cho biết rác thải hạt nhân phải được làm nguội 40 năm trước khi được chôn tại đây. Đầu tiên, rác thải hạt nhân được cho vào các thùng sắt hình trụ để phóng xạ không rò rỉ ra ngoài. Các thùng sắt này lại được đặt trong các thùng chứa bằng đồng để chống bị ăn mòn, bên ngoài là một lớp đất sét chống thấm. Và cuối cùng, « hầm mộ hạt nhân » sẽ được phủ bê tông sau khi mọi đường hầm đã chật kín các thùng phóng xạ.
Điều khiến các chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên là dự án nghĩa địa hạt nhân Onkalo không vấp phải trở ngại mạnh mẽ từ phía các tổ chức bảo vệ môi trường hay cư dân trong vùng, như thường xảy ra với các dự án chôn cất rác thải hạt nhân tại các quốc gia khác như Pháp, Anh … Theo thông tín viên đài RFI Anne-Françoise Hivert, sự thuận lợi của dự án Onkalo có được nhờ chính quyền Eurajoki tin tưởng mạnh mẽ vào các chuyên gia địa chất.
Thị trưởng Vesa Lakaniemi khẳng định : « Một khi các chuyên gia đã nói là không có vấn đề gì về an toàn, thì chúng tôi tin tưởng họ ». Và người dân Phần Lan thì có lòng tin vào chính quyền và cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia. Theo nhiều thăm dò ý kiến, cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của Phần Lan thường đứng trong tốp đầu về tỉ lệ được lòng dân, chỉ sau cảnh sát và lực lượng cứu hỏa.
Ông Matti Sanisto, 75 tuổi, hiện đã nghỉ hưu, từng là giám đốc Viện Địa Chất Phần Lan, là một trong số rất ít người phản đối việc xây dựng khu chôn rác thải Onkalo : « Có một khuynh hướng tuyên truyền từ các doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị của chúng tôi, cũng như của nhà chức trách. Họ muốn thuyết phục chúng tôi rằng vì có lớp đá có niên đại 2 tỉ năm này nên việc chôn cất rác thải hạt nhân sẽ không có gì nguy hiểm ».
Năm 2008, ông Matti Sanisto đã gửi một báo cáo cho Stuck, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân của Phần Lan. Theo ông, không thể dự kiến những gì sẽ xảy ra trong và sau thời kỳ băng hà mà theo dự báo sẽ xảy ra vào khoảng vài chục ngàn năm tới. Trao đổi với thông tín viên RFI Anne-Françoise Hivert, ông Matti Sanisto nhấn mạnh :
« Không ai có thể đảm bảo là các thùng chứa phóng xạ sẽ không bị vỡ tung dưới sức ép của các lớp băng bị tích tụ lại và sau khi các lớp đất trồi lên. Từ khi tôi thảo báo cáo đó, đã có thêm nhiều bằng chứng cho thấy tầng đất ngầm không ổn định như thế. Lớp đá đã từng bị nứt vỡ trong các trận động đất, có các vết đứt gãy chạy ngang qua khu chôn cất rác hạt nhân Onkalo. Chả có gì khác biệt ở vùng Olkiluoto cả. »
Tại Helsinki, chỉ có một vài dân biểu của đảng Xanh phản đối dự án Onkalo, trong đó có dân biểu Satu Hassi. Bà chỉ trích quyết định của chính quyền mang tính chính trị hơn là dựa trên cơ sở khoa học :
« Eurajoki, không có sự phản kháng vì chính quyền địa phương đã nhận nhiều tiền từ nhà máy điện hạt nhân. Trung tâm khai thác này cũng tạo rất nhiều việc làm cho thị trấn nhỏ này ». Dân biểu Satu Hassi còn giễu cợt sự tin tưởng thái quá của người Phần Lan : « Chúng tôi có xu hướng tin tưởng vào những gì nhà chức trách nói, ngay cả khi họ quá thân thiết với các nhà vận động hành lang cho giới công nghiệp ».
Cho dù không hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn vĩnh cửu của « hầm mộ hạt nhân Onkalo », nhưng những người như nhà địa chất Matti Sanisto, dân biểu đảng Xanh Satu Hassi và ngay cả tổ chức bảo vệ môi trường GreenPeace cũng đều không đề xuất được giải pháp thay thế. Ông Juha Aromaa, phát ngôn viên của GreenPeace tại thủ đô Helsinki, thừa nhận tổ chức này đã không huy động chiến dịch chống nghĩa địa hạt nhân Onkalo, thay vào đó họ hướng tới nỗ lực ngăn cản việc xây thêm các lò phản ứng hạt nhân. Theo nhà hoạt động môi trường này, điều tồi tệ nhất là không làm gì cả và cứ lưu trữ các chất phóng xạ đã qua sử dụng trên mặt đất.
Các nhà bảo vệ môi trường không ủng hộ hoàn toàn giải pháp chôn cất rác thải hạt nhân vì không ai chắc chắn là các hầm chứa bảo đảm an toàn lâu dài cho các thế hệ trong tương lai, nhưng họ cũng không tìm ra được giải pháp thay thế. Do vậy, câu hỏi về xử lý rác thải hạt nhân vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. « Quả bom nổ chậm » vẫn đang treo lơ lửng trên đầu các thế hệ tương lai và có thể phát nổ bất cứ lúc nào với tác hại khôn lường cho nhân loại !
Nguồn:
- RFI / Thùy Dương (đăng ngày 25/4/2018)
- Finlands-100000-year-tombs-for-storing-nuclear-waste
No comments:
Post a Comment