Tác phẩm Điêu Tàn xuất bản 1937
Cách đây nửa thế kỷ, với tập thơ khổ nhỏ, mỏng mảnh gồm 36 bài là Điêu tàn, Chế Lan Viên đã “đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam). Kinh dị không phải chỉ vì lúc đó tác giả còn nhỏ tuổi (lúc viết Điêu tàn, ông chỉ mới 15-16 tuổi) mà chủ yếu vì giọng thơ buồn ảo nảo pha màu sắc huyền bí kỳ lạ. Ở đó, Chế Lan Viên đi ngược thời gian, và bằng tưởng tượng đã phục hiện một thế giới chỉ còn trong ký ức với những dự cảm hãi hùng khác thường. Ở đó, người học trò mất nước tìm thấy lại được những dấu vết huy hoàng rực rỡ của một dân tộc mạnh mẽ vào loại bậc nhất của Đông Nam Á nhưng ngày nay chỉ còn trong cổ sử và huyền thoại: dân tộc Chăm-pa.
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành
(Trên đường về)
Nhưng đấy chỉ là ánh hồi quang của một giấc mơ hư ảo thuộc về quá vãng. Nó thoáng hiện và không băng bó được vết thương lòng cho con người. Mà dường như nó lại còn khơi sâu thêm cho nỗi đau hiện tại:
Vẻ rực rỡ đã tàn bao năm trước
Bao năm sau còn dội tiếng kêu thương
Có lẽ chỉ vì Chế Lan Viên sống trong một giai đoạn lịch sử bị nô lệ và trong một không gian tràn ngập sắc buồn gợi cảm. Sự diệt vong của một dân tộc đã dễ dàng đập mạnh vào tình cảm và trí tưởng tượng của một người trai trẻ yêu nước. Lại thêm những chứng tích còn đó, những cổ tháp sừng sững nhưng trơ vơ, lạc lõng giữa ruộng đồng núi non khô khốc của miền Trung nắng cháy, những huyền sử gợi cảm xa xôi về Chế Bồng Nga, nàng Mỵ Ê, thành Đồ Bàn đã khiến nhà thơ tuổi trẻ lịm đi trong niềm u uất, trầm cảm tuyệt vọng :
Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận
Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành
Cũng đương chôn lặng lẽ những ngày xanh
(Những nấm mồ)
Mặc tưởng triền miên trong mặc tưởng, nhà thơ họ Chế chỉ thấy những vang vọng lịch sử kia một thế giới “Điêu tàn”. Đó là một cõi âm giới với xương sọ đầu lâu, với mồ không huyệt lạnh. với tha ma pháp trường. Đó là một dòng sông Linh hư ảo được dựng lên dưới tà dương nắng xế hay trong đêm mờ sương tàn lạnh, với những hồn ma vất vưởng, với những thành quách đổ nát trong một màu sắc tàn lụi kinh dị. Điêu tàncủa Chế Lan Viên vì thế là một thế giới hư linh, ma quái chìm đắm trong bóng tối cô đơn lạnh lẽo với những cơn mê sảng của một tâm hồn vong nô bị giá lạnh:
Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than
Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng lửng đưa nơi rộn rã tiếng từ quy
Đây chiến địa đôi bên giao trận
Muôn cộ hồn tử sĩ thét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm uất hận
Xương Chàm tuôn rào rạo nỗi căm hờn
(Trên đường về)
Và bằng một lòng tin đau đớn, ông dựng lên một thế giới hoang tưởng hư ngụy, và ông tin là nó có thật. Rồi ông bị hút theo xác tín siêu hình đó. Nhưng sau đó, xác tín bị đánh vỡ, lúc ấy ông trở nên cô đơn và câm đặng. Vì thế Chế kêu lên hốt hoảng, một tiếng kêu khắc khoải về việc nỗi đau bi biến chất, về việc mất lòng tin và chỉ còn lại sư cô đơn. Và ông tự ngụy tạo cho mình những âm vọng từ một thế giới khác để trò chuyện:
Ai kêu ta trong cùng thẳm hư vô
Ai réo gọi giữa muôn sao chới với
Đó thực sự là một tiếng kêu hốt hoảng mà sâu thẳm, một tiếng gọi khắc khoải về nỗi cô đơn của con người trong xã hội nô lệ. Thực ra đó là cách nhà thơ cố tạo ra một ngăn cách giả định giữa nhà thơ và cuộc đời. Cho nên khi cuộc đời "tất cả không ngoài nghĩa khổ đau" thì tin vui mùa xuân đưa đến chỉ còn là một sự mỉa mai đau đớn:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
(Xuan)
Chỉ có mùa thu là thật, cũng như chỉ có nỗi đau là thật, nhưng với thu ấy, cũng chỉ có một bóng người đi - về, đi tới đâu không biết, và về ở nơi không bao giờ tới và mong ước:
Ô hay tôi lại nhớ thu rồi
Mùa thu rớm máu rơi từng chút
Trong lá bàng thu đỏ rực trời
Đường về thu trước xa lăm lắm
Mà kẻ đi về chỉ một tôi
Người con trai mạnh mẽ và say đắm "chỉ một tôi" ấy không tìm thấy cho mình một khoảng lặng thanh thản giữa ngày để mơ mộng và yêu thương. Nhìn vào đâu cũng thấy chất ngất những tháp buồn chơ vơ. Tâm cảm con người cứ tràn ngập sắc úa quá vãng và siêu hình. Trong khoảng giữa năm, mùa nào cũng là "địa ngục". Ở mùa xuân thì nhớ mùa thu, ở mùa thu hiện tại thì chập chờn nhớ mùa thu quá khứ. Còn trong khoảng giữa ngày - buổi trưa, với lòng nhà thơ chỉ là một miền đất siêu trần thế:
Trưa lên trời. Và xanh thẳm bầu trời
Bỗng mê ly, nằm thấy trắng mây trôi
(Trưa đơn giản)
Hay ngay trong buổi đẩu ngày xán lạn, ta vẫn thấy Chế mặc tưởng u uất:
Đây muôn vật chìm sâu trong yên lặng
Mà lòng ta thổn thức mãi không thôi
Hay người khóc vì tháp Chàm quạnh vắng
Hay khóc vì xuân đến gạch Chàm rơi ?
(Bình Định, 9h sáng ngày 25-12-1936)
Chỉ có buổi tối, nơi bóng đêm ngự trị, nhà thơ mới được sinh tồn vì ở đó, những linh hồn "điêu tàn" bị khánh kiệt lòng tin mới biết cảm thông và gặp được nhà thơ:
Này, em trông một vì sao đang rụng
Hãy nghiêng mình mà tránh đi nghe em
Chắc có lẽ lính hồn ta lay động
Khi vội vàng trở lại nước non Chiêm
(Đêm tàn)
Khác với Hàn Mạc Tử - nỗi đau đời được diễn đạt bằng nỗi đau người, một nỗi đau trải nghiệm của thịt da tôi sượng sần và tê điếng, Chế Lan Viên nhức nhối một nỗi đau trí tuệ sâu sắc. Đó là cơn vật vã của suy tưởng chiêm nghiệm về xác tín, về niềm tin, về sự tồn tại của con người trên mặt đất, và về cái Tôi bị vong thân giữa đời. Bởi thế cách tìm kiếm phục sinh của Chế thật khác với bao nhà thơ khác như Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ,... Những thánh đường, tháp cổ, những thiên thần vũ nữ đang nhảy những điệu luân vũ trần thế đầy gợi cảm hoan lạc trên đá hay những nét trầm tư của những con bò đá canh giữ vòm trời tinh tú của nền nghệ thuật kỳ diệu Chăm-pa đã không được ông chú ý. Ông chỉ khắc sâu nỗi "điêu tàn" đang có của nó để phục sinh những tâm hồn bị vong nô:
Ai tưởng đến tháp Chàm kia trơ trọi
Tháng ngày luôn rộng cửa đợi ma Hời
Ai nhìn đến làn thương rêu lở lói
Trên thịt hồng nứt nẻ gạch Chàm tươi
(Thu về)
Điêu tàn vì thế phần nào có thể làm cho một số người biết suy nghĩ và nhớ lại thân phận đích thực của mình cùng những bài học lịch sử đầu lòng của một dân tộc chưa bao giờ chịu làm nô lệ.
Và ngày nay, đọc Điêu tàn, chúng ta cảm ơn rất nhiều nhà thơ Chế Lan Viên, nhưng ở một bình diện khác, tôi còn muốn cảm ơn thế giới nghệ thuật còn lại của Chăm-pa: Chính thế giới này không chỉ là chất liệu cho cảm hứng thi ca một thời mà nó còn là toàn bộ thần thái buồn bã ảo nảo và đau đớn cùng cực của Điêu tàn của Chế Lan Viên nói riêng và của trường thơ Loạn Bình Định nói chung. Chính nó đã làm nên khí chất, sắc thơ và tình điệu thẩm mỹ cho trường phái thơ nổi tiếng này, và cũng từ đấy ghi lại một dấu son khó phai trong lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại.
Lê Quang Đức
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Hội An số 2, ra tháng 09-2000
No comments:
Post a Comment