Monday, July 30, 2018

Ngày Xuân xem lại Tranh Lụa Mai Trung Thứ


Họa sĩ Mai Trung Thứ tại Paris, năm 1942. Ảnh wikipedia

Mai Trung Thứ sinh năm 1906, quê ở làng Do Nha, huyện An Dương, Hải Phòng. Năm 1925, ông thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện.  Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế.  Trong thập niên 1930, cùng với một số họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italia, Bỉ, Mỹ và ở Pháp nơi ông đến định cư sau này.

Năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi. Thi hài của ông được an táng dưới chân một ngọn núi cách thủ đô Pháp không xa.

Họa sĩ Mai Trung Thứ là một trong 3 danh họa Việt Nam về tranh lụa, hai họa sĩ kia là Nguyễn Phan Chánh và Lê văn Đệ, họa sĩ Mai Trung Thứ được sinh ra ở Hải Phòng, năm 1906, tốt nghiệp khóa đầu Trường Mỹ Thuật Đông Dương – Hà Nội, sang Pháp và định cư tại đây năm 1938. Sau nhiều năm nổi tiếng với thể loại tranh lụa đặc sắc vẽ về đề tài phụ nữ và trẻ em Việt Nam được người Pháp yêu quí, ông mất vào năm 1980.

Một tranh trẻ em của ông (năm 1956) đã được UNICEF dùng làm bưu thiếp. Ảnh wikipedia

Tranh lụa Mai Trung Thứ không chỉ được người Pháp yêu quí mà còn được cơ quan UNESCO của tổ chức Liên Hiệp Quốc chọn như một biểu tượng nghệ thuật của tình yêu dành cho trẻ em trên toàn thế giới.

Điểm cách tân trong vẽ Lụa của Mai Trung Thứ

Khác với cách vẽ tranh lụa của hai nhà danh hoạ Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ, họa sĩ Mai Trung Thứ không áp dụng cách vẽ lụa ướt (lụa rửa) từng được hai bạn đồng môn đồng khóa tài hoa như đã nêu trên áp dụng và được lưu truyền cho rất nhiều thế hệ hoạ sĩ Việt Nam từ trước đến ngày nay, ông tìm ra một cách vẽ lụa khác, phi truyền thống, đó là vẽ trực tiếp xuống nền lụa được bồi sẳn như vẽ bột màu trên giấy canson, như vẽ sơn dầu trên vải bố, tạm gọi là vẽ lụa khô. Đây là cách vẽ lụa được ông cách tân dựa trên kỹ thuật vẽ của hội họa hiện đại phương Tây. Với cách vẽ trực tiếp xuống nền lụa như thế sẽ giúp nhà nghệ sĩ tránh được việc phải trải qua các công đoạn chuẩn bị cầu kỳ như căng lụa, làm phát thảo rồi dùng giấy “can” đặt lên phát thảo để đồ lại những nét vẽ (đường viền) của các hình thể trong bức phát thảo, sau đó đặt giấy “can” này có lót giấy than (một loại giấy dùng cho máy đánh chữ) lên mặt lụa và đồ lại cho những nét vẽ ấy được in trên măt lụa, sau đó làm ướt lụa trước khi tô màu,… sau cùng là bồi lụa trên giấy bản để kết thúc một tiến trình vẽ tranh lụa theo truyền thống. Cách vẽ này quá lệ thuộc vào nhiều giai đoạn có tính thủ công, bức tranh bị chép đi chép lại nên cảm xúc của người nghệ sĩ bị mất đi sự sống động vì tính gò bó của thủ pháp.


Mặc khác, cách vẽ lụa của Mai Trung Thứ cho người xem sự trực cảm với màu sắc và đường nét trong tranh. Màu và nét vẽ của Mai Trung Thứ được họa sĩ chọn lọc dựa trên luật tương phản vừa có sức thu hút mạnh mẽ thị giác người xem đồng thời cũng không kém phần tinh tế của thứ thẩm mỹ kinh điển. Hiển nhiên, đây là kết quả tuyệt vời của sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 bản sắc nghệ thuật Đông và Tây, một bên đầy lý tính và phía kia là thế giới của trầm mặc.

“Thiếu Nữ Choàng Khăn”, một kiệt tác tiêu biểu cho tranh lụa “khô” của Mai Trung Thứ


Mai Thứ trong phòng tranh của mình tại Vanves, Pháp năm 1964 .  Ảnh wikipedia


Để thấy rõ điều này, chúng ta thử khảo sát một tác phẩm thuộc loại kiệt tác của ông, bức Thiếu Nữ Choàng Khăn (Mona Lisa). Thật là đặc sắc về hình họa, mềm mại, nhịp nhàng về đường nét không thể vẽ tốt hơn. Mặc dù ông đã dựa vào hình mầu của Mona Lisa, tác phẩm bất tử của Leonardo da Vinci nhưng hai cách vẽ hoàn toàn khác. Leonardo không vẽ đường viền, trường phái cổ điển loại bỏ đường viền và dùng sắc độ tối sáng để phân biệt các hình ảnh nằm kế nhau. Sử dụng đường viền có từ chủ nghĩa hiện đại và được áp dụng mạnh nhất trong các tác phẩm của trường phái Biểu Hiện. Một sự khác biệt lớn khác là trong Mona Lisa, Leonardo không dùng màu tương phản mà là một tuyệt bích của gam màu “harmoni”.


Mona Lisa với hình mẫu người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống. Ảnh wikipedia

Và điều mà trong tranh lụa truyền thống không ai vẽ được những mảng màu nguyên sắc như xanh, đỏ, vàng, lục,… một cách đậm đà và tươi tắn như Mai Trung Thứ mà thường chỉ thấy có trong tranh bột màu hay sơn dầu. Màu sắc, độ tương phản giữa xanh của chiếc khăn choàng trên nền của áo đỏ trong bức Thiếu Nữ Choàng Khăn thật sự đã tạo nên một hiệu ứng thị giác rất sống động, thật quyến rũ. Đây là một điểm khác biệt rất lớn trong dùng màu cho tranh lụa của Mai Trung Thứ và với tranh lụa của hầu hết các họa sĩ Việt Nam từ những họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Phan Chánh, như Lê Văn Đệ,… hầu như tất cả các họa sĩ vẽ tranh lụa đều chỉ dùng màu có độ nhạt và mỏng, trong một gam màu nghiêng về xanh và nâu. Dùng màu cho tranh lụa kiểu Mai Trung Thứ, từng mảng lớn và đậm màu thì chỉ có vẽ khô trên nền lụa đã canvas hóa như ông đã nghĩ ra.


Đây là một thách thức hết sức táo bạo vì như thế là đi ngược lại với tranh lụa truyền thống, đã phá vỡ tính thẩm mỹ mượt mà sương khói vốn đã ăn sâu vào tâm hồn bao thế hệ người Việt yêu tranh. Nó hiển nhiên là một đặc tính vĩnh cữu, một thẻ căn cước xác định chỗ đứng độc đáo của tranh lụa Viêt Nam trên thế giới sau sơn mài của Nguyễn Gia Trí.

Sáng tạo, chìa khóa làm ra sự khác biệt. Mặc khác, khi vẽ dựa vào bố cục và chủ đề của một kiệt tác như Mona Lisa là một cuộc phiêu lưu điên rồ nếu không thì cũng vô cùng ngớ ngẩn cho bất cứ một ai nếu không có trong tay một tài năng nghệ thuật xuất sắc và một cái đầu lớn để làm khác, để thoát ra cái bóng khổng lồ của một kiệt tác có một không hai và cũng vô tiền khoáng hậu trong nền mỹ thuật của nhân loại, rất hạnh phúc thay cho người Việt chúng ta, Mai Trung Thứ có được cả hai yếu tố vàng ấy khi thực hiện một Mona Lisa hoàn toàn Việt Nam và bằng ngôn ngữ hội họa hiện đại của thế kỷ 20. Ông đã dùng màu khác hẳn, chân dung nhân vật khác hẳn, xu hướng nghệ thuật khác hẳn và chất liệu cũng khác hẳn. Tất cả những gì của thời hiện đại và tính dân tộc, nguồn cội của Mai Trung Thứ đều toát lên một cách bao trùm toàn bộ bức tranh lụa Thiếu Nữ Choàng Khăn, tác phẩm của một họa sĩ được sinh ra từ một xứ sở nhỏ nhoi, lạc hậu, sau cả 6 thế kỷ tính từ thời Phục Hưng của Leonardo da Vinci, Mai Trung Thứ đáng được tôn vinh hơn bất cứ một tài năng hội họa nào của người Việt.


Mai Thứ năm 1968


Trịnh Cung (Bolsa, tháng 10-2016)

Nguồn:  Người Việt Online

Chú thích thêm: Nếu bạn ở Pháp , mời bạn đi xem tranh của hoạ sĩ Mai Thứ tại => Viện bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris 

No comments:

Post a Comment