Tín đồ Cao Đài hành lễ giờ trưa hàng ngày tại Thánh thất ở Tây Ninh.
RFA- Thiện Giao và Thy Nga dẫn chương trình
“Bản Án Cao Đài” năm 1978 của Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh là văn kiện đầu tiên làm nền tảng giải thể Hội Thánh Cao Đài . Văn bản này qui rằng: “mọi người đều có tội. Không ai vô tội. Mọi tài sản đều bị tịch thu.”
Trong một diễn biến liên quan, năm 1982, một số chức sắc đạo Cao Đài đã viết bản “Cải Án,” để phản biện bản án năm 1978. Bản cải án nói rằng văn kiện 1978 là sự kết tội không có phiên tòa, gây tác hại vật chất, nhưng “phần tín ngưỡng vẫn nguyên vẹn”.
Ban việt ngữ đài Á Châu Tự Do tìm hiểu và đối chiếu Bản Án 1978 với Bản Cãi Án 1982, trình bày trong bài thứ nhì của loạt 4 bài.
"Bản Án Cao Đài" năm 1978 từ chính quyền Tỉnh Tây Ninh
Ngày 20-9-1978, tức là chỉ hơn 3 năm kể từ khi thống nhất Việt Nam, chính quyền thời ấy, thông qua Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh, cho phổ biến một văn kiện mang tên “Bản Án Cao Đài,” làm văn tự căn bản bắt đầu quá trình giải thể Hội Thánh Cao Đài và tịch biên một số tài sản của Đạo.
Bản án, mở đầu bằng lời giới thiệu mang tính chất của một kết luận, viết nguyên văn: “Đạo Cao Đài Tây Ninh ngày thành lập đến nay đã 52 năm. Trên nửa thế kỷ qua, một số tên trong những người cầm đầu giáo phái này không ngừng lợi dụng xương máu, mồ hôi, nước mắt của tín đồ, mà tuyệt đại bộ phận là nông dân và nhân dân lao động yêu nước, để làm hậu thuẫn chính trị phản động cho các đế quốc xâm lược nước ta qua thời kỳ lịch sử của dân tộc.”
Một năm sau ngày công bố Bản Án, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bị chính quyền cưỡng bách giải thể. Đồng thời, một phần lớn tài sản của Đạo cũng bị cưỡng chế.
“Những năm 1979, 1980, do tình hình đất nước thay đổi, Ngài Mở Đạo và Ngài Đầu Sư ra Đạo Lệnh 01 giải thể Hội Thánh từ trung ương đến địa phương, đồng thời thành lập Hội Đồng Chưởng Quản. Hội Đồng Chưởng Quản chỉ có tư cách coi sóc cơ ngơi của đạo chứ không hoạt động tôn giáo.”
Phát biểu của Sĩ Tải Phùng Văn Phan, một chức sắc Cao Đài hiện đang sinh sống tại Việt Nam cho thấy, Hội Đồng Chưởng Quản là cơ quan ra đời trong bối cảnh đạo Cao Đài không còn Hội Thánh cùng các cơ quan quyền lực quan trọng được xây dựng theo giáo luật, gồm có Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và Phước Thiện.
Nội dung Bản Án 1978
Bản Án năm 1978 gồm trên 5 ngàn chữ, phân tích 4 giai đoạn thành hình và hoạt động của Đạo Cao Đài. Các giai đoạn này, theo nguyên văn Bản Án, bao gồm, “Thời Kỳ Thành Lập” từ 1926 đến 1938, “Thời Kỳ Làm Tay Sai Cho Phát Xít Nhật” từ 1939 đến 1945, “Thời Kỳ Làm Tay Sai Cho Đế Quốc Mỹ và Ngụy Quyền Miền Nam” từ 1956 đến 1975, và Thời Kỳ từ 30 tháng Tư, 1975 đến thời điểm ra đời bản án, tức tháng 9 năm 1978.
Sau những phân tích nhằm chứng minh rằng, những chức sắc cao cấp, trong đó có cả những vị khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là tay sai cho Pháp, Nhật, Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam, Bản Án đưa ra một số kết luận.
Các kết luận ấy, phần lớn nhằm vào những người khai sáng đạo và các chức sắc cao cấp của Đạo, viết nguyên văn rằng: “Đạo Cao Đài là một tổ chức chính trị đội lốt tôn giáo, lợi dụng niềm tin của quần chúng và làm tay sai cho đế quốc.”
Dựa trên lập luận rằng, đạo Cao Đài đi theo đế quốc để đối lấy quyền lợi, nhận tài trợ từ đế quốc và Ngụy Quyền, chính quyền tỉnh Tây Ninh ra lệnh tịch thu “tài sản, dinh thự, các cơ sở kinh doanh của Hội Thánh” với lý do đây “không phải là của riêng ai, mà là tài sản của đế quốc đã rút chạy để lại”. Trên căn bản này, chính quyền tuyên bố cần phải “tước đoạt những phần tài sản của chức sắc do tham ô, ăn cắp, và dựa thế lực đế quốc tạo ra”.
Một năm sau, chính quyền công bố quyết định 124/QĐ-UB, ra lệnh giải thể Hội Thánh và guồng máy hành chánh của Đạo từ trung ương đến địa phương. Một phần lớn tài sản của đạo Cao Đài cũng bị sung công quỹ. Một tín hữu Cao Đài, hiện vẫn còn sinh sống tại Việt Nam, phân tích:
“Hội Thánh có thể chứng minh ai là sở hữu chủ của Tòa Thánh. Bằng chứng thứ nhất, toàn bộ cơ sở có từ năm 1926. Thứ hai là toàn bộ cơ sở đều có tên với 6 đại tự “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.” Tài sản này đã được công bố ngay từ khi lập đạo năm 1926 chứ không phải đợi đến năm 1965.
Bây giờ chính quyền Việt Nam thường hay nói rằng pháp nhân 1965 là do Đệ Nhị Cộng Hòa ban, nên họ không chấp nhận, phải xoá đi. Như vậy là họ chụp ngang một giai đoạn. Hai sự kiện chứng minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có từ năm 1926 là tờ khai đạo với chính phủ Pháp, và cuộc lễ xã hội hóa trước xã hội vào ngày 15 tháng 10 năm 1926. Con dấu thì được đăng ký với chính quyền thời Pháp thuộc.”
“Bản Cãi Án Cao Đài” năm 1982 của một số chức sắc Cao Đài
Bốn năm sau khi chính quyền công bố Bản Án, ngày 3-5-1982, một số Sĩ Tải chức sắc của Hiệp Thiên Đài cho công bố một văn bản gởi một số cơ quan và cá nhân, trong đó có Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, tức thủ tướng, và Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước, tức chủ tịch nước.
Văn bản có tên “Bản Cãi Án Cao Đài” phản bác những cáo buộc nêu ra trong Bản Án năm 1978, đồng thời nói rõ rằng: “Đạo Cao Đài trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nhứt trong lịch sử Đạo, do Bản án của Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh đề ngày 20-9-1978, lên án các bậc tiền bối có công khai sáng mối Đạo…” Ông Nguyễn Thanh Liêm, một hiền tài của Đạo Cao Đài, nhớ lại:
“Các vị Sĩ Tải đó là chức sắc của Hiệp Thiên Đài, tức là người nắm luật của Đạo. Khi bản án Cao Đài được ban ra, thì các chức sắc này làm bản cải án cho thấy không bằng lòng với bản án. Bản án đó lên án các chức sắc của Đạo là phản Cách Mạng, và vì vậy nên đồng đạo không bằng lòng.”
Bản Cãi Án viết rằng, văn kiện tố giác các tiền bối Cao Đài không có chứng tích xác thật, mà chỉ ghép thành một “Bản án” không có phiên toà xét xử, và bị cáo là những vị đã qua đời từ lâu.
Các tác giả của Bản Cãi Án viết rằng họ “không vội vàng để chờ xem kết quả của Bản Án, và nay mọi diễn biến đã an bày, bản án cùng với thời gian lùi vào quá khứ,” hệ lụy từ Bản Án năm 1978 gây ra cho đạo Cao Đài, không gì khác hơn, là “Những tín hữu không đồng ý với Bản án bị bắt bớ, giam cầm”, “Hội Thánh bị giải thể cùng với ba cơ quan Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và Phước Thiện để thành lập “Hội Đồng Chưởng Quản” thay thế. Cùng với sự giải tán Hội Thánh, “nhiều dinh thự nội ô Toà Thánh cùng các động sản, bất động sản của Đạo đã bị trưng dụng.”
Bản Cãi Án xác định giá trị tâm linh trong hành đạo
Tuy nhiên, kết luận quan trọng và có lẽ gây khó chịu cho chính quyền lại nằm ở phần tâm linh của Bản Cãi Án. Kết luận đó là, “phần tinh thần tín ngưỡng vẫn nguyên vẹn, vì nó ở trong tâm khảm của mỗi người”, và “Chánh quyền Cách mạng làm mất cảm tình của 3 triệu tín đồ Cao Đài mà từ năm 1975 đến nay họ an tâm làm công dân nước Việt Nam mới Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa, không có hành vi chống đối hay đố kỵ.”
Một trong những điểm khiến tín hữu Cao Đài đau lòng, là Bản Án năm 1978 lên án những nhân vật khai sáng Đạo, trong đó có Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, là tay sai cho Pháp, Nhật, Mỹ. Một đạo hữu Cao Đài nói rằng, với Bản Án năm 1978, “chức sắc nào cũng là tay sai. Ai cũng có tội. Không ai vô tội. Từ chỗ đó, mọi tài sản bị sung công.”
Đến năm 2006, chính quyền Việt Nam đã cho đưa liên đài của nhân vật mà trước đó gần 30 năm họ kết án là “phản quốc,” từ Cambodia trở về Việt Nam, nhập Bửu Tháp tại Tòa Thánh Tây Ninh. Đó là trường hợp của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Người đạo hữu bày tỏ:
Chính quyền hồi phục lễ miễu năm 2006
“Tới năm 2006, họ lại rước liên đài ông Phạm Công Tắc về. Nói về mặt luật pháp, thì sao năm 1978 anh nói họ phản quốc, rồi nay rước họ về với nghi thức linh đình, cho nhập Bửu Tháp mà không có văn bản nào xoá án hay xin lỗi là nói sai? Đây là chính sách 2 mặt. Một mặt có tội, để lấy tài sản, bỏ tù, giải tán, mặt khác rước người ta về để nói là có tự do tôn giáo.”
Năm 2006 cũng là năm Việt Nam vận động để được rút tên ra khỏi danh sách các quốc gia được quan tâm đặc biệt vì tình trạng vi phạm nhân quyền, dân quyền và tự do tôn giáo.
Bản Án năm 1978 không phải là hành động duy nhất kết án, và qua đó, giải thể Hội Thánh, sung công tài sản. Từ thời điểm công bố văn kiện “Bản Án Cao Đài,” tôn giáo có lịch sử từ những năm 1920 còn trải qua nhiều thăng trầm khác. Những thăng trầm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, từ đây không xuất phát trực tiếp từ văn kiện chính thức của nhà nước, nhưng có nguồn gốc từ những chia rẽ, bắt đầu từ thời điểm công bố Bản Án 1978, và qua đó, là sự ra đời của Hội Đồng Chưởng Quản.
Từ đây, những tín hữu Cao Đài nguyên thủy bắt đầu một cuộc tranh đấu mới, với phía bên kia là những người một thời từng là đồng môn, đồng đạo.
Trong phần 3 của loạt 4 bài, ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do sẽ lần lượt ôn lại những thời điểm quan trọng trong quá trình 30 năm kể từ ngày ra đời của Bản Án. Các thời điểm này phản ánh những thay đổi trong cuộc tranh đấu của những tín hữu Cao Đài nguyên thuỷ. Và những thay đổi này, một cách tất yếu, bắt nguồn từ sự thay đổi trong chính sách quản lý tôn giáo của chính quyền.
Nguồn: RFA/ Thy Nga Thiện Giao (đăng ngày 20.6.2018)
👉 Hành trình Đạo Cao Đài từ 1975 (phần 3)
👉 Hành trình Đạo Cao Đài từ 1975 (phần 4)
No comments:
Post a Comment