Mời bạn xem video
Lý tưởng gì đang là chủ đạo trong Đảng dân chủ? Câu trả lời đó là: Chủ nghĩa xã hội (CNXH) hay còn được gọi khác hơn là ‘chủ nghĩa xã hội dân chủ’. Nhiều đảng viên Dân chủ, từ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont đến Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts đều nắm lấy một số hình thức CNXH mềm mỏng hoặc cứng rắn. Vậy nếu Đảng Dân chủ lên cầm quyền và áp dụng chính sách CNXH, thì nước Mỹ sẽ ra sao? Dưới đây là câu trả lời và nó không phải là viễn cảnh tốt đẹp.
Mới đây nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx – nhà tư tưởng của CNXH, cùng với việc Đảng Dân chủ đang ngày càng cổ súy cho CNXH, Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ (CEA) đã quyết định thực hiện một báo cáo nghiên cứu áp dụng phân tích kinh tế thông thường cho nền kinh tế Mỹ khi giả lập áp dụng các chính sách của chủ nghĩa xã hội.
Báo cáo của CEA mang tên “Chi phí cơ hội của chủ nghĩa xã hội“, cảnh báo rằng: “CNXH đang trở lại trong diễn ngôn chính trị Mỹ. Các đề xuất chính sách chi tiết từ các nhà xã hội chủ nghĩa tự phong đang nhận được sự hỗ trợ trong Quốc hội và của nhiều cử tri“.
Những chính sách CNXH đã nhận được sự ca ngợi của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, của ứng cử viên Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez, và hàng chục ứng cử viên Dân chủ khác đang tranh cử vào lưỡng viện Mỹ năm nay. Phần lớn Đảng Dân chủ ngày nay đã trở nên say mê với CNXH.
Một cuộc thăm dò đầu năm nay của Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ cho thấy rằng 40% đảng viên Dân chủ cho rằng CNXH là hình thức tốt nhất của chính phủ, 10% khác nói cả CNXH và chủ nghĩa tư bản là tốt nhất. Trong khi đó, 57% đảng viên Dân chủ cho rằng CNXH có “tác động tích cực” đối với xã hội.
Nhưng, theo phân tích trong báo cáo của CEA, nếu nước Mỹ triển khai các chính sách xã hội chủ nghĩa theo kiểu Venezuela thì đó sẽ là một thảm họa thực sự.
Mô hình Venezuela sẽ dẫn đến quốc hữu hóa các ngành công nghiệp trọng điểm, kiểm soát giá và tiền tệ, phân phối thực phẩm, y tế yếu kém, bất ổn chính trị và toàn bộ nền kinh tế bị chính trị hóa.
Báo cáo của CEA ước tính nếu các chính sách như vậy được áp dụng tại Mỹ sẽ dẫn đến giảm 40% GDP thực, tương đương giảm khoảng 24.000 USD/người/năm.
Những người xã hội chủ nghĩa Dân chủ lập luận rằng việc lấy mô hình Venezuela để áp dụng tại Mỹ là thước đo không công bằng cho các chính sách xã hội chủ nghĩa. Venezuela là nơi thực hành CNXH thất bại. Nhưng chủ nghĩa xã hội “Con Đường Thứ ba” của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan thì sao? Họ đều rất thành công. Ở những nơi đó cuộc sống gần như thiên đường?
Thực tế là, ngày nay không một quốc gia nào đủ điều kiện để được gọi là quốc gia “xã hội chủ nghĩa”. Các nước tại bán đảo Scandinavia thực hành mô hình nửa-xã hội chủ nghĩa trong những năm 1970 và ngày nay họ đã từ bỏ điều đó. Thay vì các chính sách CNXH, bây giờ các nước Scandinavia đã cắt giảm chi tiêu của chính phủ, tư nhân hóa an sinh xã hội, giảm các chương trình phúc lợi từng rất hào phóng, giảm thuế và theo đuổi chính sách thị trường tự do nói chung.
Chính lãnh đạo của một trong những nước Bắc Âu từng lên tiếng khẳng định họ không phải là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong năm 2015, sau khi ông Sanders hân hoan dẫn chứng về sự thành công của mô hình xã hội chủ nghĩa tại Bắc Âu, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasumssen, phát biểu tại Đại học Harvard, đã nghiêm khắc chỉnh lại rằng: “Tôi muốn làm rõ một điều, Đan Mạch không phải là một nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa. Đan Mạch là một nền kinh tế thị trường”.
Sự thật là, ngày nay các quốc gia Scandinavia có nhiều cách tự do hơn Mỹ. Họ không có công việc được chính phủ bảo đảm, không có mức lương tối thiểu bắt buộc, và họ yêu cầu công dân tự trả chi phí cho chăm sóc sức khỏe hơn so với Mỹ hiện nay.
Hơn nữa, theo Quỹ Di sản, Thụy Điển và Đan Mạch, trong thời gian ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ, được xếp hạng kinh tế tự do hơn so với Mỹ. Na Uy cũng chỉ xếp sau Mỹ vài bậc. Tuy vậy, mức sống trung bình ở Scandinavia vẫn thấp hơn mức sống ở Mỹ.
Trong báo cáo của CEA, họ giả lập rằng nếu Mỹ áp dụng chính sách xã hội chủ nghĩa mà các nước Bắc Âu đã áp dụng trong những năm 1970, kết quả là nước Mỹ sẽ bị giảm 9% GDP thực, và giảm 19% thu nhập hộ gia đình sau thuế và chi tiêu chăm sóc sức khỏe.
Một chính sách CNXH về y tế mà Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Đảng Dân chủ đang vận động thực hiện là Y tế cho tất cả (Medicare for all). Theo báo cáo của CEA, nếu nước Mỹ áp dụng chương trình Y tế cho tất cả, thì đó sẽ là cơn ác mộng cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của người dân Mỹ.
Theo CEA, chính sách Y tế cho tất cả dẫn đến kết quả giảm 9% GDP thực tế. Nó cũng sẽ cắt giảm thu nhập hộ gia đình 19% sau thuế và chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Và nó sẽ dẫn đến sự chăm sóc và phân bổ tồi tệ hơn nhiều.
Nhìn chung, báo cáo của CEA đánh giá bằng thực tế, không phải quan điểm lý thuyết rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vận hành tồi tệ hơn nhiều so với nền kinh tế thị trường tự do hay thường gọi là nền kinh tế tư bản.
“Bằng chứng lịch sử cho thấy rằng chương trình xã hội chủ nghĩa của Mỹ sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt, hoặc làm suy giảm chất lượng, của bất kể sản phẩm hay dịch vụ nào được đặt dưới sự độc quyền nhà nước. Tốc độ đổi mới sẽ chậm, và mức sống thường sẽ thấp hơn. Đây là những chi phí cơ hội của chủ nghĩa xã hội từ quan điểm hiện đại của người Mỹ“, báo cáo của CEA nhận định.
Dưới chủ nghĩa xã hội ít nhất chúng ta sẽ chia đều sự đau khổ. Nhưng đó có phải là những gì mà người Mỹ, trong đó có những đảng viên của Đảng Dân chủ, thực sự mong muốn?
Nguồn: Trí Thức Việt Nam / Minh Khuê
No comments:
Post a Comment