Wednesday, November 24, 2021

Bánh Trôi Nước - Hoài Anh




Giọng đọc: Huyền Thoại

Đoàn tuế cống sứ ấy từ Yên Kinh về đến Thăng Long vào buổi đầu xuân năm Giáp Tuất Giáp Tuất, năm 1814 . Mấy tháng liền vất vả đường trường, họ nghỉ ít hôm cho lại sức để còn đi tiếp vào Phú Xuân phục chỉ. Vả chăng cũng cần có thì giờ để dinh trấn Bắc Thành kịp phi báo cho các trạm dọc đường thiên lý sửa soạn cáng, ngựa đổi nhau và những đồ nhu dụng cung đốn. Ra giêng trời lại mưa phùn, cũng phải nán lại qua cữ mưa này. Trong nhà công quán vắng ngắt, đầu năm mới ít ai có việc trên trấn thành. Sứ bộ cứ ăn xong lại ngồi suông nhìn mưa mãi cũng buồn. Suốt ngày khói thuốc lá tambacô (xưa phiên âm chữ tobacco, một loại thuốc lá nước ngoài) mù mịt trong phòng, tiếng quân cờ xương chí chát, tiếng gảy tiền phán thán xủng xoảng, họ cần bày trò chơi cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Phần lớn họ là người Đàng trong, không quen thuộc mấy ở Thăng Long, nên cũng chẳng muốn đi đâu. Dù mười hai năm đã qua từ khi Gia Long lấy được đất Bắc, họ vẫn dè dặt khi tiếp xúc với dân “nước” Bắc Hà, vì e nhân tâm còn chưa phục. Khi cần mua bán, họ chỉ cần rảo qua phố rồi sấp mải về ngay.

Nhưng quan Chánh sứ Nguyễn Du thì lại khác. Ông tuy người Nghệ An (thời Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân thuộc tỉnh Nghệ An nhưng đã ở Thăng Long suốt một thời trai trẻ). Thật là dịp may thăm lại người xưa cảnh cũ. Lần trước ở Kinh ra, vì nhật kỳ đã gấp nên ông không nán lại được lâu.

Sáng nay ông đã tính đi chơi, nhưng vì trời mưa nên phải ở nhà. Ông liền mang quyển truyện ngẫu nhiên mua được ở một cửa hàng sách bến Hàng Châu ra đọc thử. Sách đã mất bìa, trang đầu, giữa là mấy chữ Phong tình lục, trên, dưới hai hàng chữ nhỏ Thanh Tâm Tài Nhân Biên Thứ và Ngũ Vân Lâu Tàng Bản, mỗi bề hơn kém một gang tay, in thạch bản dòng mười, mỗi dòng hăm nhăm chữ.

Đọc một hồi, thì ra truyện Vương Thúy Kiều này, ông đã thấy trong Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn, một mặc khách trong dinh Hồ Tôn Hiến. Thì ra Thúy Kiều là một người có thực, nhưng theo sự ghi chép của Mao Khôn, thoạt vào đầu Thúy Kiều đã là con hát, sau lấy Từ Hải, được Hồ Tôn Hiến dụ hàng, đến khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường là hết chuyện. Thanh Tâm tài nhân thì tả Thúy Kiều từ khi còn phong gấm rủ là, đi thăm mộ Đạm Tiên, gặp Kim Trọng, bán mình chuộc cha, lọt vào tay Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Lão Bà, Bạc Hạnh... rồi mới gặp Từ Hải. Sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường, lại còn thêm một đoạn tái hồi Kim Trọng. Phải nhận rằng Thanh Tâm tài nhân đã thêm vào nhiều sự việc có từng lớp hẳn hoi lại ly kỳ lắt léo. Văn chương thì tầm thường thôi nhưng không hiểu sao ông cảm thấy day dứt trước cảnh ngộ trớ trêu của Thúy Kiều đến thế. Bỗng ông nảy ra ý định trong những ngày nhàn rỗi ở công quán, sẽ diễn truyện này ra Nôm cho đỡ sốt ruột chờ đợi buổi lên đường.

Nguyễn Du nhìn ra phía ngoài. Mưa đã tạnh, rặng liễu trước chùa Quán Sứ khô hết nước đang bay phất phới trước gió xuân như ganh với cành phan ở cổng chùa. Có tiếng người cười nói. Thiện nam tín nữ tấp nập đi lễ Thượng nguyên. Những cô gái nón quai thao tua cũng bay như lá liễu; tay giữ quai nón, tay kia vung vẩy, văn hài rón rén trên lối cỏ xanh. Thấy có chàng trai đi tới, cô yểu điệu nấp sau bà mẹ mặc áo ngoài lam giang trong lót nền hồ thủy, vừa đi vừa lẩm nhẩm nam mô, tay lần tràng hạt trước ngực. Tiếng xà tích bạc lách cách như tiếng nhạc ngựa... Cây đại trước chùa nở hoa trắng, mùi hương man mác quyện vào tà áo các cô gái đang bay lên như những câu thơ... Bỏ qua đoạn lung khởi, ông viết ngay vào đoạn ông cảm hứng nhất, từ mùa xuân tình ái đầu tiên trong đời Kiều:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.


Ông dừng bút đắn đo. Nguyên văn tả Kim Trọng từ trước đã chờ chực lúc Thúy Kiều ra vào để được gặp nàng, như thế mất cả ý vị. Phải để Thúy Kiều đến mộ Đạm Tiên đã rồi hãy gặp Kim Trọng, sau khi nhìn cái gương bạc mệnh sờ sờ trước mắt, nàng lo lắng cho thân mình về sau, nên lúc thấy bóng dáng của tình yêu, của hạnh phúc, nàng muốn nắm bắt lấy ngay, như thế vừa đúng tâm lý mà văn chương cũng có chỗ khởi, phục, đóng, mở, thu hút được người đọc. Ông đọc lại thấy nguyên văn tả cái buổi ban đầu lưu luyến thô kệch vụng về quá; lại để chị em Thúy Kiều về nhà trêu đùa gán ghép cho nhau đến là dơ dáng dại hình.

Bỗng mắt ông sáng lên. Ngọn bút lại tung hoành trên mặt giấy như vó ngựa dập dồn. Những nét chữ xương kính hiện ra như dấu ngựa in trên đường. Bút dần dần đi chậm lại kiểu lỏng buông tay khấu bước lần dậm băng. Màu trắng của ngựa, màu xanh của áo nổi bật trên nền trời buổi hội ngộ đầu tiên để lại một dấu vết suốt đời không phai nhòa được.

Đọc lại, ông sửng sốt thấy không phải là Kim Trọng mà là chính ông đang dạo bước qua đền Bích Câu. Chiếc lá đỏ trôi theo ngòi biếc, như một bài thơ hẹn ỡm ờ. Mái đền rêu mốc cong cong như nghiêng xuống, dáng Tú Uyên chờ đợi một Giáng Kiều nào. Trong đền nghi ngút khói hương mường tượng xiêm áo của nàng. Một đám mây là là xuống thấp, có phải Giáng Kiều xòa tóc xuống để ông bíu theo mà bay lên trời?

Hay đó là hồn thơ nâng ông bay lên cao:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Kiều từ trở gót trướng hoa
Mặt trời gác núi, chiêng đà thu không
Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân
Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà


Ngọn bút ông căng như một cành cây trĩu nhựa. Bóng hoa ngoài cửa sổ chập chờn trên mặt giấy ngà hoa mộc, hay là những chữ nở hoa dưới nét bút đẫm mực gieo xuống giấy như những giọt sương. Không biết là giòng thơ hay chính mùa xuân đã làm cho ông ngây ngất.

Đến đoạn sau, đọc lại nguyên bản thì thấy viết:

“... Kim Sinh thấy cô trốn nấp, nhân nói nhử cô rằng:
- Đã là của tiểu thư thời tôi dám đâu không trả. Song tiểu thư cần xem cho kỹ thì mới khỏi lầm.

Cô kia ở bên tường lại nói:
- Thoa của cháu là thoa kim phụng, trên có ba viên bảo thạch chín hột trân châu, không cần xem nữa, chính của cháu rồi.
- Cô nói thế quả không sai, lẽ ra tôi phải đưa trả. Nhưng cũng phải trao tay cho cô thì mới ổn chứ!

Người con gái ấy nghe nói đến đó, đứng nghĩ một hồi, không biết làm sao, đành phải đứng lộ ra nửa mình, và ra mặt mà nhận. Kim Sinh thấy chính là Thúy Kiều, lòng mừng hí hởn, bèn nói:
- Thoa này thế ra là của Vương tiểu thư đánh mất, mà tôi lại may mắn bắt được! Khiến tôi lại nhờ nó mà thấy được phương dung, thật là hạnh phúc quá!

Thúy Kiều cũng biết đấy là Kim Trọng, bèn mừng thầm mà nói:
- Chàng Kim ơi, sao lại nói như vậy? Đó là may mắn cho em mà thoa ấy lại là chính anh bắt được chứ...”

Nguyễn Du bực mình gấp mạnh quyển sách. Ai lại để cho Thúy Kiều lẳng lơ dạn dĩ thế này, còn gì là đoan trang e ấp nữa. Anh chàng Thanh Tâm tài nhân mang tên tài nhân nhưng về chuyện yêu đương thì anh ta chẳng tài chút nào. Ai lại trai gái gặp nhau độc lý sự vụn, đã thế Thúy Kiều lại đầy vẻ dạy đời. Nguyễn Du nhớ lại hồi trẻ đi hát phường vải ở làng Trường Lưu, gặp một cô gái tên là Cúc, người đẹp giọng hay, tài bẻ chuyện, nhưng chỉ phải một nỗi sắp quá thì, ông đã bẻ một câu xiết bao tình tứ:

Trăm hoa đua nở tiết xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu


Cô Cúc đáp lại bằng một câu cũng thật là ý nhị:
Vì chưng ham chút nhị vàng
Cho nên Cúc phải muộn màng về thu...


Nhớ lại chuyện cũ, trước mắt ông như hiện ra cảnh các cô gái ngồi dựa cột nhà, mỗi người một cái xa, một chân đạp lên thoen xa, một chân co lại, tay phải quay quàng xa, tay trái cầm sợi vải đưa lên đưa xuống uyển chuyển nhịp nhàng như điệu múa. Tiếng xa vè vè với tiếng quay ro ro êm ái tạo nên một điệu nhạc trầm trầm đệm cho câu hát du dương. Bấy giờ đêm đã khuya, không gian tứ bề im lặng. Tiếng hát mảnh như tơ giăng dài trong không gian ràng buộc hồn người. Tiếng hát “giọng cao đón gió, giọng trầm lắng sương” làm hơi thở như ngừng lại, nhịp tim đập chậm hơn, lắng sâu vào tận đáy lòng. Trai gái đắm chìm trong tiếng hát, trong nguồn yêu thương dào dạt, tưởng như chỉ có mình họ giữa trời đất mênh mông. Hồi ấy Nguyễn Du thường sang Trường Lưu chơi với Nguyễn Huy Quýnh, chú Nguyễn Huy Tự (Nguyễn Huy Tự, gọi Nguyễn Du bằng chú vợ, tác giả truyện Hoa tiên.) thường được ông Quýnh dẫn đi hát phường vải. Sau buổi tối đầu tiên, từ đấy đêm nào Nguyễn Du cũng quen lệ tìm sang. Có lần nhỡ hẹn không sang, thế là lần sau đến, trước khi ra về, các cô gái còn bắt ông gửi khăn áo lại làm tin. Rồi dần dần, sau các cuộc hát đối, hai cô gái Trường Lưu tên là Uy và Sạ, cùng đem lòng yêu ông, bỏ cả nghề canh cửi. Nguyễn Huy Quýnh biết chuyện bèn viết thư hộ để kể lể sự tình:
Trời làm chi cực bấy trời
Cơi trầu này để còn mời mọc ai
Tím gan đổ hắt ra ngoài
Trông theo truông Hống đò Cài thấy đâu
Khi lên đổ rối cho nhau
Khi về trút một gánh sầu về ngay...


Nguyễn Du cũng viết bài Thác Lời Trai Phường Nón để đáp lại:
Giữa thềm tàn đuốc còn tươi
Bã trầu chưa quét nào người tình chung
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu
Làm chi cắc cớ đến điều
Mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay...


Lúc Nguyễn Du đang viết đây, dư âm tiếng hát xưa như còn văng vẳng bên tai:
Tai nghe câu ví như ru
Đêm thu để khiến nét thu ngại ngùng...


Nhớ lại sau những đêm hát đối với cô gái phường vải, Nguyễn Du đã viết những lời thơ da diết:
Tiếc thay duyên Tấn phận Tần,
Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa.
Chưa chi đông đã rạng ra,
Đến giờ hãy giận con gà chết toi.
Tức gan cho cái sao mai,
Thảo nào vác búa đánh trời cũng nên...


Thế mà chỉ mấy tháng sau, cô Uy cô Sạ cũng bỏ ông mà đi lấy chồng. Thì ra ở đời cái gì đẹp cũng thường mau tàn, lúc này ông bâng khuâng nhớ tiếc thời trai trẻ. Nhưng bóng dáng của cậu chiêu Bảy hào hoa phong nhã nổi tiếng kinh kỳ đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng rồi. Bữa vừa tới Thăng Long ông đã đi thăm lại nhà cũ ở xóm Bích Câu, trước có dinh thự của thân phụ ông, quan Tham tụng Nguyễn Nghiễm, ngoài cổng có đắp ba chữ lớn “Ô Y Hạng” (Ngõ áo đen, lấy điển cái ngõ xóm nhà họ Tạ, có nhiều người làm quan đời Tấn Trung Quốc). Giờ cỏ non mùa xuân đã lấp hết dấu vết lâu đài. Nguyễn Du nhớ lại cảnh kiêu binh đến phá phủ đệ để trả thù việc Nguyễn Khản, anh ruột ông, chủ mưu bắt chém bảy tên kiêu binh, chặn trước mưu mô chúng tôn phù vua Lê lấn át chúa Trịnh. Lúc này Nguyễn Du như còn nghe thấy tiếng hò hét man rợ, tiếng chân bước thình thịch, tiếng gạch đá rào rào, bức tường lảo đảo rồi nặng nề vật mình xuống, bụi cát mù mịt... Tấm biển vàng “Kim Âu Đình” - ngự bút của Trịnh Sâm, bị kéo sập, đè lên những bể cạn, những núi non bộ, những đôn chậu... tiếng sứ vỡ lạo xạo chói tai... Chiếc sập gỗ trắc chân quỳ Nguyễn Khản từng ngồi cầm chầu điểm hát trước mặt Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ, gãy răng rắc như tiếng sắt nghiến xương. Và nhất là hình ảnh người khách phương Bắc trấn cửa dinh, một mình chọi nhau với lũ kiêu binh, cuối cùng bị chúng vằm nát như bùn...

Một con cào cào từ đâu bay đến đậu vào tay ông, càng cứa vào da nghe rờn rợn. Cây lau gió thổi ngả nghiêng như trêu cợt. Nhớ lại câu thơ Đường:
Khả liên Vương Tạ đình tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia
(Én xưa thềm cũ Tạ Vương, Bay về đậu chốn tầm thường dân gia.).

Nhưng ở đây én cũng không bay về, vì biết trước không còn chốn đậu...

Trên đường về, ông vòng lên phố Hàng Hòm định hỏi mua một cái tráp sơn then. Trước cửa lùa tầng dưới một ngôi nhà kiểu chồng hộp diêm, có một người đàn bà ngoài ba mươi, ẵm đứa con nhỏ. Khăn xô, tóc bù rối nhưng lại mặc áo hồng của con hát nhà quan, cũ bạc có vết xoạc rách. Người ấy nhìn ông trừng trừng rồi buột tiếng kêu:
- Ối kìa! Ông lớn Bảy! Sao tóc ông bạc nhiều thế này, suýt nữa thì con...

Người đàn bà đặt vội đứa trẻ xuống, toan sụp lạy. Nguyễn Du xua tay bảo đừng. Nhận ra là một người con hát cũ trong dinh của Nguyễn Ức, em ông, ông hỏi:
- Chị Hương đấy hả? Khăn ai thế?

- Bẩm ông lớn, khăn chồng con ạ.

- Rồi không đợi hỏi tiếp, chị ta kể lể một thôi

- Bẩm từ ngày ở cửa ông Tám con ra, con đã có người thương đến, nhờ giời cũng được ba mụn con. Nhưng mẹ chồng con không bằng lòng cho con là nhà trò con hát, bắt chồng con phải rẫy. Chồng con không vâng lời thế là cụ từ, không thèm nhìn mặt. Hai vợ chồng đành phải đi làm thợ sơn nuôi thân, nuôi cháu. Mới đây, anh ấy chẳng may bị bạo bệnh mà chết, con vẫn thủ tiết thờ chồng nuôi con. Chả là nhà con thường có bạn buôn đến giao hàng nhận hàng, người anh chồng con vin vào đó vu cho con là trong khi tang chồng mà chứa giai trong nhà, cáo lên cửa quan. Chung quy chỉ muốn đuổi mẹ con con ra khỏi nhà này chiếm lấy mặt cửa hàng và để hưởng hết gia tài của mẹ chồng con sau này. Chẳng biết lễ lạt thế nào mà quan huyện Thọ Xương cho lính đến nhà, bắt con giải lên huyện về tội thất tiết làm bại hoại phong hóa. Con hỏi bọn lính có bắt được quả tang không mà lại trăng trói người ta. Chúng quát: Bất biết, lệnh quan đòi thì cứ phải lên hầu đã, rồi cứ sấn vào trói. Con liều đẩy chúng ra, hô hoán lên. Bà con phường bạn đến đánh tháo, chúng đành phải lui, trước khi về còn đe rồi sẽ biết tay. Con biết thế nào chúng cũng còn đến hành hung mà con thì thân cô thế cô chống làm sao được với lũ hùm sói ấy. Bóp đầu bóp trán nghĩ mãi con mới sực nhớ ông Tám con có thể che chở cho con, nên vội bế cháu lội tắt đồng sang tận bên Kẻ Gióng. Sang đến nơi thì bà con dạy là ông con đã vào Kinh rồi...

Đứa bé được thả xuống từ nãy đã lấy que chọc sơn son, sơn đen quệt nhoe nhoét lên mặt. Nó còn bôi tay đầy sơn vào những khay, tráp, quả đang làm dở. Nguyễn Du vội bảo chị Hương cứ bế lấy con đừng sợ thất lễ. Chị ta vừa ôm con, vừa nói tiếp:
- Thấy thế con đã ngã lòng nghĩ phen này thật hết đường trông cậy. Ai ngờ phúc nhà con còn vượng, lại gặp ông lớn đây. Ông lớn quen biết các quan trong trấn thành, một lời ông lớn nói giúp bằng trăm ngàn lời của chúng con.

- Giá có chú Tám ở đây với các quan là chỗ thân, nói cũng mạnh hơn, còn ta chỉ là khách - Nguyễn Du ngần ngừ.

- Con cắn rơm cắn cỏ lạy ông lớn, ông lớn nghĩ tình tôi tớ trong nhà mà cứu giúp cho. Con tin rằng được lời ông lớn thì các quan cũng nể gia thế nhà ta mà không nỡ xử ức con.

Nguyễn Du im lặng nhìn ra đường. Tính ông vốn không thích xin xỏ cầu cạnh. Cơ lao bất tác cầu nhân thái, bụng đói không giở thói cầu xin người, ông đã nói ý ấy trong bài thơ Thành Hạ Khí Mã. Biết mình nói có đắt lời không hay lại hại thêm cho người ta. Nhà Nguyễn hay nghi kỵ con em những cựu thần nhà Lê, anh ông là Nguyễn Nễ đã từng giúp việc cho tổng trấn Bắc thành mà về quê còn bị tên tri phủ Nguyễn Văn Chiêm truy bức, tức mà chết. Cả anh rể ông là Vũ Trinh, cũng vừa bị cái án trảm giam hậu đấy thôi. Nhưng nhìn cảnh chị Hương, một đàn con thơ nheo nhóc, đứa lôi đằng trước, đứa kéo đằng sau, ông không thể cầm lòng được, đành phải nhận lời vào dinh tổng trấn. Vả chăng khi mình đi sứ, ông tổng trấn đã đặt tiệc tiễn hành, nay mình về, cũng nên vào chào cho phải phép.

Nhớ đến lời hứa với chị Hương, Nguyễn Du xếp sách vở lại, lên đường vào dinh trấn. Tới gần cửa Đông Nam, lính ở trong thấy người, thả điếu kiều cho ông qua hào. Cửa thành, hai tên lính áo vải đen trong lót vải vàng, tay chẽn, khố lục thắt ngang lưng, xét hỏi người ra vào. Thấy Nguyễn Du mặc thường phục áo lương khăn lượt, chúng cầm giáo ngáng lại. Nhưng khi ông xưng chức tước là Cần chánh điện học sĩ, Du đức hầu, chánh sứ đoàn tuế cống sang Bắc quốc về thì chúng mặt tái như chàm đổ, một tên vội chạy vào báo. Lát sau tên đó đã chạy như bay ra, chắp tay cung kính:

- Quan tổng trấn rước cụ lớn vào.

Nguyễn Du theo đường cửa vòm xuyên qua tường thành. Khỏi cột cờ ông qua dũng đạo thẳng tới trước điện Kính Thiên. Nhìn đằng sau thấy dấu vết một hai cung điện cũ của vua Lê nay đã đổ nát, bỗng ông cảm thấy bùi ngùi trước cuộc tang thương. Mải nghĩ, ông không biết mình đã tới trước dinh tổng trấn. Một giọng nói ồm ồm cất lên:

- Ô kìa, quan Chánh sứ, bữa ngài hồi quốc tôi bận việc quan nên không thân ra cửa ô nghênh tiếp được, xin ngài tha cho cái tội thất lễ.

Nguyễn Huỳnh Đức đã ra trước cửa đón. Y đã sáu mươi tuổi, tướng võ biền, trán thấp, mi mắt sùm sụp, lông mày chổi xể, đôi mắt thỉnh thoảng ánh lên những tia dữ tợn nhưng lại vụt tắt ngay. Nguyễn Du đáp lễ:
- Bẩm quan huynh, đệ mới về còn tẩy trần cho hết cát bụi đường trường mới dám vào hầu.

Nguyễn Huỳnh Đức mời Nguyễn Du vào trung đường, pha trà khoản đãi. Viên đội nhà chè bê lên một bộ ấm chén Khang Hy. Nguyễn Huỳnh Đức thân rót ra hai chén, đẩy đĩa chén về phía Nguyễn Du, mời. Nguyễn Du nhấp một ngụm, bỗng nhăn mặt. Thứ trà này đúng là pha bằng siêu đồng, kim khí bị hòa khí nó hấp hơi, có mùi tanh đồng. Nguyễn Du khi uống trà tất phải tự tay pha lấy bằng siêu đất nung, có như vậy mới giữ được hương vị.

Nguyễn Huỳnh Đức đưa đà câu chuyện:
- Ngài sang Bắc quốc có kiếm được bộ ấm chén nào cổ không? Mấy năm nay tôi cũng để ý lùng một chiếc ấm Dương Tiễn mà mãi chưa được.

- Tính tôi ưa xuề xòa nên chỉ kiếm một bộ đĩa chén sứ mộc và sách thôi.

- À sách, sách cũng hay! Trẻ nhỏ nhà tôi đang cần cái món ấy để tập làm văn bài. Nhưng phải cái loại tứ thư ngũ kinh có nhiều thể chú và chú thích của tiên nho ấy. Làm kinh nghĩa mà dẫn được điển tích nhiều thì mới dễ đỗ.

- Lần này, đệ bận sứ sự nên cũng không có thì giờ săn tìm sách cổ. Một hôm, ngẫu nhiên đi qua một cửa hàng sách ở Hàng Châu, đệ mới mua được một quyển Kim Vân Kiều truyện.

- Kim Vân Kiều truyện? Có phải tiểu thuyết không? Nói quan huynh bỏ lỗi cho, chứ tiểu thuyết toàn là loại sách nhảm cả, người quân tử há nên để mắt tới.

- Ấy, tôi cũng chỉ định mua về cho trẻ trong nhà nó xem thôi.

Nguyễn Huỳnh Đức trợn tròn mắt:
- Ấy chớ chớ! Tôi can ngài đừng rước cái của nợ ấy về kẻo hư con em trong nhà. Có sách gì mà làm đôn nhân luân, chính tâm thuật, giới dâm thắc, thận pháp thủ (làm luân thường ngay ngắn, tâm thuật chính đính, răn cấm chuyện dâm ô, khuyên cẩn thận giữ phép tắc) thì hãy cho chúng nó đọc chứ còn cái thứ dâm thư thì đừng.

- Không những thế mà tôi lại còn định diễn ra quốc âm nữa.

- Ngài có diễn nôm gì thì diễn nhưng cứ theo ngu ý, ngài nên diễn nôm cái sách gì khuyên dân không nên làm giặc cỏ ấy thì hay. Độ này giặc cứ như ong cả. Quan tổng trấn Nguyễn Văn Thành trước đã nhờ người làm khúc Điểm mê khuyên dân không nên nghe giặc nó dụ dỗ, lừa phỉnh, thì chúng lại làm khúc Tố khuất trả lời lại. Từ bấy đến nay, trấn quan chúng tôi cũng cạn lý đấu nhau với chúng. À hay ngài diễn nôm quách cái bộ Đãng Khấu Chí của cái nhà ông gì... môn khách quan Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị ngày trước, kể chuyện dẹp bọn giặc Lương Sơn Bạc mà lại hay. Ngài mà diễn nôm xong thì tôi xin cho khắc ván in ngay và xin biếu ngài năm mươi lạng vàng làm nhuận bút.

Nguyễn Du lảng sang chuyện khác:
- Thưa quan huynh, lần này đệ đến trước để chào quan huynh rồi về Kinh, sau có chút việc riêng nhờ cậy.

- Việc gì ngài cứ cho biết, nếu giúp được ngài, tôi đâu dám từ nan.

Nguyễn Du kể lại tình đầu nỗi oan của chị Hương. Nguyễn Huỳnh Đức vuốt vuốt mấy sợi râu bạc lơ thơ:
- Việc này hơi khó đấy. Nó thuộc về huyện Thọ, huyện Thọ xử thế nào còn tư lên phủ Hoài. Phủ Hoài không xét được thì mới bẩm lên đây. Cắt tiết gà ai lại dùng dao mổ trâu. Mình chưa đợi dưới bẩm lên mà cứ từ trên giội xuống, e có điều bất tiện. Ngài cũng đã làm quan cai trị, ngài còn lạ gì, tình thầy trò cũng phải để cho thuộc quan dưới họ làm ăn chứ. Ấy, tôi võ biền, nghĩ sao nói vậy, ngài đừng chấp nha!

Nguyễn Du cảm thấy hơi bực mình nhưng đành phải nín lặng. Nguyễn Huỳnh Đức vỗ đùi như chợt nghĩ ra:
- Ngài vừa nói mụ đó trước là con hát phải không?
- Vâng.
- Chừng bao nhiêu tuổi.
- Độ hăm hai.
- Hơi nhiều tuổi chút. Nhưng không sao. Nhan sắc có khá không?
- Cũng tạm coi được.
- Còn cái khoản hát thì không cần phải bàn. Đã là ca nữ nhà họ Nguyễn Tiên Điền thì có thể tin được. Lịnh Huynh ngày trước là người sành âm luật lắm kia mà, bài hát nào ngài viết ra cũng được ngoài giáo phường tranh nhau truyền tụng, thì con hát nhà ngài dĩ nhiên là phải giỏi rồi. Nói thiệt với ngài, tôi cũng tính lập một đội nữ nhạc trong trấn dinh, chỗ tôi chẳng yến tiệc nhiều mà không cứ các quan Khâm mạng trong Kinh ra còn cả khách Tây dương nữa. Năm trước, đón được con Cầm về phủ, nhưng nó già xấu quá rồi, chẳng lẽ mỗi khi ra hát lại phải lấy khăn lụa che mặt. Mà các quan bây giờ thì thanh không đủ, còn phải sắc nữa kia. Cái con Cầm ấy lại trái tính trái nết không pha trò có duyên như ngày xưa, lại cáu kỉnh gắt gỏng không biết chiều khách, làm phật lòng các quan, tôi cũng đang tính đuổi đi... À hình như nó đã hầu rượu trong bữa tiệc tiễn ngài đi năm ngoái thì phải...

Nhớ trong bữa tiệc hôm ấy, Nguyễn Du đã thấy một người đàn bà gầy gò, tóc hoa râm, sắc mặt đen sạm võ vàng, áo quần vải thô bạc phếch vá nhiều mụn trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Nhưng đến khi tiếng đàn nguyệt trong trẻo cất lên thì mọi vật hình như thay đổi cả. Cảnh trước mắt nhòa đi, ông chỉ thấy bát trăng trên hồ Giám, một ca nữ trẻ tuổi, mặt tươi như hoa đào, mày thanh má phấn, áo hồng, quần lụa cánh trả đang gảy một khúc đàn, tiếng thánh thoát tiêu tao khác hẳn mọi khúc trên đời thường nghe. Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông, tiếng trong như đôi chim hạc trên trời xa thẳm. Tiếng mạnh như sét đánh tan tấm bia đá, tiếng buồn như lời rên của người mang bệnh nhớ nước... Khi nàng gảy xong một khúc thì tiền và lụa thưởng ném rào rào chồng đầy cả mặt đất. Hồi ấy, ra thăm anh là Nguyễn Nễ làm quan nhà Tây Sơn, Nguyễn Du đã từng gặp nàng trong bữa tiệc vui. Sau ông dời nhà về Nam, mãi năm ngoái mới gặp lại nàng trong bữa tiệc ở dinh tổng trấn.

Nguyễn Huỳnh Đức vít cong cái cần xe điếu bằng trúc ngà hóa long thở một hơi khói rồi nói tiếp:
- Hay là thế này. Ngài bảo chị ta cứ tạm lánh vào dinh tôi, rồi tôi cho người bắn tin là nàng đã sung vào đội nữ nhạc trong dinh tổng trấn, thì bố bảo Huyện Thọ cũng không dám giở dói chuyện gì nữa. Công tư vẹn cả hai bề, vừa giúp được ngài mà tôi cũng không mang tiếng là xọc vào chuyện của hàng liêu thuộc bên dưới, chẳng hay tôn ý thế nào?

Nguyễn Du ngần ngừ. Người đàn bà kia sở dĩ muốn sống là để nuôi con nhỏ, nay vào dinh, hầu môn nhất nhập thâm như hải, cửa hầu sâu như rốn bể, thế tất phải bỏ các con lại, nàng chẳng héo hon mà chết hay sao. Ông đành tìm kế hoãn binh:
- Nhưng mà chị ta đang còn tang trở...

- Ồ! Tang thì có quản ngại gì! Lịnh huynh ngày trước gặp khi con hát có tang cũng cứ cho tiền bắt hát, có quản ngại gì đâu! Hề hề!

Nguyễn Du còn định nói nữa nhưng thấy Nguyễn Huỳnh Đức đã cúi xuống, lấy móng tay cạo cạo quân mạt chược bằng ngà voi, coi như công việc thế là đã xong, biết có nói cũng không thể nào lay chuyển được nên đứng dậy cáo từ.

Ra khỏi Cửa Bắc, Nguyễn Du định lên chơi hồ Tây để ngắm cảnh, vừa mát con mắt vừa dịu tâm hồn sau những giờ khắc ngột ngạt khó thở trong dinh tổng trấn. Mưa vừa tạnh, mặt hồ Tây sáng như một tấm gương phẳng lặng. Qua phường Khán Xuân, Nguyễn Du nhớ đây là chỗ ở của Hồ Xuân Hương, người tình cũ. Giữa vùng nổi lên một ngọn núi đất gọi là núi Sưa, trên có nhiều cây sưa trổ những cành mềm như lạt, lá non tơ như lụa xanh rất mỏng, xen những chùm hoa trắng. Dưới chân núi có một ngôi nhà ba gian lợp lá, phía trước có treo tấm biển đề ba chữ Cổ Nguyệt Đường (chữ Cổ và chữ Nguyệt ghép thành chữ Hồ, họ của Xuân Hương), nét chữ đá thảo phóng túng.

Hồi đang sống ở Thăng Long, Nguyễn Du đã được bạn rủ đến đây chơi. Sau khi xướng họa văn thơ, phần trọng vì tài, phần yêu vì nết, Nguyễn Du đã đem lòng quyến luyến người con gái thơ hay xuất chúng này. Mối tình của hai người kéo dài được ba năm thì Nguyễn Du phải chia tay nàng vào Nam, sau đó ra làm quan cho nhà Nguyễn, hết Quảng Bình lại đến Huế nên không có dịp gặp mặt.

Bữa sứ bộ vừa về tới Thăng Long, Nguyễn Du đang ngồi trong công quán thì lính hầu đem vào trình một phong thư nói có người đưa đến. Giở ra xem thì thấy trên tờ giấy hoa tiên có một bài thơ thất ngôn bát cú dưới ký tên Hồ Xuân Hương. Thơ rằng:

Gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu,
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Có ai tới đấy gửi cho cùng
Mối tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Bụi còn đôi chút sương đeo mái
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong


Đọc bài thơ, ông biết người tình cũ có ý thầm trách mình làm quan to nên quên cả bạn bè, mình phải gặp nàng để thanh minh mới được.

Vừa nhìn thấy Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đã reo lên:
- Ối giời! Đúng là rồng đến nhà tôm!

Nguyễn Du cười:
- Hôm nay là tôm đến nhà tôm chứ không phải rồng đâu. Gớm, làm gì mà trong bài thơ cô trách tôi quá vậy. Tôi có phải là loại người bội bạc với bạn bè như ông Chiêu Hổ đâu.

- Vâng, tôi cũng biết ông anh không phải là người xanh như lá, bạc như vôi không nhớ màu thắm vị cay của miếng trầu tôi mời ông anh lần đầu gặp mặt. Nhưng chẳng gì bây giờ ông anh cũng đường đường phương diện quốc gia, lúc nhìn thấy ông anh xe ngựa về tới đầu ô, tôi đâu dám đường đột đến chào để làm nhục thể quan Chánh Sứ Cần Chánh Điện Học Sĩ Du Đức Hầu.

- Thôi, cô đừng có nhắc tới chức tước làm gì cho tôi thêm hổ thẹn, phận hàng thần lơ láo nào có ra chi. Mũ áo của tôi chẳng qua cũng chỉ như mũ áo phường tuồng đóng trò giữa thế gian mà thôi. Cũng vì vậy, hôm nay tôi mặc thường phục đi bộ tới đây thăm cố nhân để chúng ta lại đàm đạo thơ văn với nhau như ngày nào. Bấy nay bận bịu trong chốn quan trường không được hưởng cái thú thanh nhã ấy, tôi cứ nhơ nhớ làm sao ấy.

- Ông anh chỉ nhớ cái thú bình thơ chứ không nhớ... hay sao?

- Tất nhiên là tôi nhớ cả cảnh, nhớ cả người cũng như câu thơ Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung của cô ấy.

- Nói vậy thôi chứ tôi thừa biết ông anh là người đa tình rồi.

- Hồ Xuân Hương liếc đôi mắt sắc như dao cau nhìn bạn, giọng ỡm ờ.

Nguyễn Du cũng trả miếng:
- Đa tình sao bằng nhà thơ đầm đìa lá liễu hạt sương gieo. Gần đây cô có làm được bài thơ nào không?

- Vừa rồi tôi mới làm bài thơ Chơi đài Khán xuân, xin đọc ông anh nghe và phủ chính cho. - Rồi Xuân Hương cất giọng đọc:

Êm ái chiều xuân tới Khán đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười.


Vừa nghe thơ, Nguyễn Du vừa nhìn về phía núi Khán, nơi có Khán đài mà Lê Thánh Tông dựng để quan sát quân sĩ tập luyện ngày xưa, giờ chỉ còn trơ lại một gò đất cỏ mọc um tùm, sắc núi xanh như tấm bình phong chắn ngang che cho tòa thành cổ kính. Phía trước là hồ Tây rộng mênh mông, sóng gợn lăn tăn ánh bạc, xa xa thấp thoáng một cánh buồm trắng nổi bật lên nền xanh trời nước. Nguyễn Du trầm ngâm:

- Tôi nhớ ở Dâm Đàm (Hồ Sương Mù, tên cũ của Hồ Tây) này đã bao đời vua chúa ngự chơi hành lạc trên mồ hôi nước mắt và xương máu trăm họ, cũng đã có không biết bao nhiêu nhà thơ mềm môi uốn lưỡi làm thơ ca tụng triều đình để được hưởng chút cân đai áo mão. Vậy mà bây giờ hành cung Trấn bắc còn đâu nữa, chỉ còn ngôi chùa Trấn Quốc ba hồi chiêu mộ chuông gần sóng than thở cho bao lớp phế hưng. Hồ Tây trải qua bao triều đại đổi thay, cung điện lâu đài đều mất hết dấu vết, chỉ còn lại một vũng tang thương nước lộn trời. Bao nhiêu bài thơ thù phụng của bọn văn nô biến thành hư không, cái còn lại vẫn là tình người và những vần thơ xuất từ cái tâm người, những cái đó cũng như “bể ái nguồn ân” không bao giờ vơi cạn. Những chữ gầm, chữ lộn ở đây đều sống động, cựa quậy như nét bút điểm nhãn rồng thiêng cất mình khỏi vách mà bay thẳng lên mây. Còn thu cả đất trời thế sự vào trong một vũng thì quả là khẩu khí của một người muốn “giơ tay với thử trời cao thấp, xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”. Bài thơ của cô quả là ngữ ngữ kinh nhân (chữ chữ làm kinh người), cô xứng đáng là một bậc nữ kiệt trong làng thơ.

- Ông anh cứ quá khen chứ tôi làm gì mà dám bạo gan lộng thiên hí địa (đùa trời giỡn đất) như vậy. Còn câu thơ mà ông anh vừa nhắc đến đó chẳng qua là vì tôi lỡ ngã nên đọc đùa để chữa thẹn đó thôi.

- Cô đừng nên khách khí như vậy. Khi đọc câu thơ của cô. Ví đây đổi phận làm trai được, thì sự anh hùng há bấy nhiêu, tôi đã ứa nước mắt tủi thẹn vì mình là trai mà tấm thân bảy thước lại chịu khom lưng trước sân người. Tôi có muốn chi cảnh vào luồn ra cúi nhưng vẫn phải nhẫn nhục ra làm quan để cầu chút bổng lộc về nuôi mười miệng trẻ thơ.

Hồ Xuân Hương nhìn mái tóc bạc sớm của Nguyễn Du, ngậm ngùi. Nàng lảng sang chuyện khác cho bạn đỡ cơn phiền muộn:

- Giờ đến lượt ông anh đọc thơ cho tôi nghe để tôi được hân hạnh lắng nghe lời châu ngọc của danh sĩ Tố Như.

Nguyễn Du khiêm tốn:
- Lâu nay tôi biếng làm thơ, nhân vừa rồi đi sứ dọc đường xúc cảnh sinh tình có làm một số bài thơ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe dọc đường, xin đọc bài thơ Sở Kiến Hành để bạn nghe và chờ lĩnh giáo.

Nghe xong bài thơ, Hồ Xuân Hương nói:
- Bài thơ này ghi lại cảnh khổ của con người mà ông anh chứng kiến trên đường đi sứ, quả là xúc động lòng người, chỉ nguyên một câu Lân cẩu yếm cao lương (chó hàng xóm chán cao lương) cũng có thể sánh với câu Chu môn tửu nhục xú, Lộ thượng đống tử cốt (Cửa son rượu thịt ôi, ngoài đường xương chết rét.) của Đỗ Phủ. Đến như câu Thiên nhật giai vị hoàng (Trời, mặt trời cũng vì Người mà vàng úa.) thì đáng nối gót Ly Tao của Khuất Nguyên. Ông anh hẳn nhớ câu thơ Lý Bạch Khuất Bình Từ phú huyền nhật nguyệt, Sở vương đài tạ không sơn khấu (Từ phú Khuất Nguyên treo cùng mặt trời mặt trăng, đài tạ vua Sở biến mất chỉ còn lại gò núi.). Quyền thế nhất thời rồi sẽ qua đi, nhưng văn chương sẽ còn mãi mãi với nước non, như Hồ Tây, như Núi Khán. Nhưng tôi trộm nghĩ văn chương thiên cổ sự (văn chương là chuyện nghìn đời.) mà thơ của ông anh từ trước đến nay hầu hết đều làm bằng chữ Hán. Ông anh cũng thừa biết chữ Hán là ta vay mượn của Tàu, sau này đến một lúc nào quốc ngữ thông dụng mà người biết chữ Hán ngày một ít đi thì làm sao có thể lưu truyền cho những đời con cháu sau này. Ấy là chưa nói làm thơ quốc âm, người không biết chữ cũng có thể học theo lối truyền khẩu rồi truyền lại cho người khác. Theo ngu ý, ông anh nên dùng thơ nôm để soạn một áng văn tuyệt tác ghi lại những nỗi đau khổ của con người, vừa giãi bày tình thương xót đối với những kẻ khốn cùng, tố cáo cảnh bất công áp bức, vừa để lại một gia tài gom góp bằng tâm huyết làm hương hỏa cho muôn đời con cháu nhớ đến ông cha, nòi giống, giữ cho hồn nước dẫu bao thăng trầm cũng không thể nào tiêu diệt được.

Nguyễn Du sửng sốt, vỗ đùi tấm tắc khen:
- Cô nói chí lý. Khi đi sứ, tôi đã làm những bài thơ chữ Hán ghi lại cảnh khổ của người Tàu, nhưng khi về tới đây, tôi lại phải chứng kiến bao cảnh khổ của người trong nước, không những thế lại là người trong nhà tôi.

Rồi Nguyễn Du kể lại cảnh khổ của chị Hương cho bạn nghe. Nghe xong, Hồ Xuân Hương nói:
- Tôi rất hiểu nỗi khổ tâm của ông anh. Mình đã bất lực không cứu nổi họ, chỉ còn một cách giúp họ giãi tỏ nỗi bất bình gửi gắm niềm thông cảm vào trong văn chương, cũng an ủi được người ta phần nào, hơn nữa, còn an ủi được bao nhiêu kiếp người bạc mệnh từ ngàn xưa đến ngàn sau. Áng văn của ông anh phải là tiếng kêu đứt ruột của những kẻ tài tình bị đọa đày vùi dập, làm sáng lên chữ tâm giữa đêm trường dạ của đời.

Những lời của Xuân Hương, một tia chớp chợt lóe lên trong óc Nguyễn Du. Vừa rồi ông đã toan bỏ ý định diễn nôm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân vì thấy nguyên bản tầm thường quá. Giờ đây bị kích thích bởi niềm thương xót những con người đau khổ như cô Cầm, chị Hương,niềm căm ghét những kẻ độc ác tham tàn, cộng với bao nhiêu điều tai nghe mắt thấy từ trước đến nay, ông thấy mình đủ sức thoát thai đổi cốt cho lũ hình nhân lạnh lẽo trong nguyên bản, đắp điếm xương thịt cho chúng, thổi hồn sống vào đó. Từ hình ảnh, tâm tư của những con người có thực trong cuộc đời. Với ngọn lửa tâm làm đuốc, ông sẽ lần từng bước xuống địa ngục của kiếp người, vớt lên từng vong hồn cho chúng đầu thai vào cõi văn chương để làm nhân chứng muôn đời cho Thiện và Ác. Lúc này ông dọc ngang nào biết trên đầu có ai, chỉ sợ trước trách nhiệm của mình đối với người đọc, đối với hậu thế. Mai sau dù có bao giờ đọc lại những dòng thơ đẫm nước mắt thương đời, biết đâu người ta chẳng hiểu được tâm sự của ông hôm nay.

Thấy Nguyễn Du đang nhìn về phía xa xăm như đắm hồn trong cõi mộng, Hồ Xuân Hương trêu đùa:
- Dù cái tâm có sáng đến mấy đi nữa thì vẫn cứ phải điểm tâm, từ nãy đến giờ tôi đã thấy kiến bò trong bụng rồi đây. Bữa nay tôi mới làm được ít bánh trôi nước, để tôi dọn lên đây chúng ta cùng thưởng thức.

Nguyễn Du nhìn chiếc bánh trôi nước trắng tròn, bập bềnh trong bát nước đường màu ngà, bỗng nhớ lại bài thơ mà Hồ Xuân Hương đã đọc cho ông nghe ngày trước.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Riêng em vẫn giữ tấm lòng son.


Lời thơ quyện vào cái chất dẻo của bánh, vị ngọt của đường thấm sâu mãi vào lòng để lại hương vị khó quên trên đầu lưỡi. Bỗng ông ngước lên nhìn người bạn thơ không chớp. Qua đôi mắt hư ảo của ông, khuôn mặt Xuân Hương như đã biến thành chiếc bánh trôi nước bệp bềnh trên mặt nước Hồ Tây với nền trời xanh da bát ngát.

Hoài Anh

No comments:

Post a Comment