Tuesday, November 30, 2021

Bao giờ ??? - Trần Hoài Văn


👉 Đại Ngu (chữ Hán: 大虞) là quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ, tồn tại từ năm 1400 đến khi cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị bắt năm 1407. 👈


Giọng đọc: Huyền Thoại

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc , cướp ngày là quan...


Tiếng khóc váng lên và tiếng ầu ơ của mẹ ru đứa cháu ngoại kéo hắn trở về thực tại. Hắn ngồi trầm ngâm, bất động, lâu lắm rồi, dễ đã vài tiếng. Chiếc gạt tàn trước mặt đầy lùm lên, khói thuốc dày đặc, ngột ngạt trong căn phòng xua lũ thạch sùng chạy mất hút trên bức tường vôi cũ kĩ, nham nhở. Mắt nhắm lại, đầu gật gật, mồm lẩm bẩm không thành tiếng. Rõ là hắn đang nghĩ gì, lung lắm. Đã mấy lần mẹ định gọi hắn vào ăn cơm. Mẹ ngạc nhiên, không hiểu nguyên cớ gì đã làm thay đổi tính cách của hắn đến vậy?

Những năm trước, mỗi lần hắn về, căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ vắng lại rộn lên, lao xao cả khoảng không tĩnh lặng đầy nắng và gió. Hắn hò, hét, nói cười inh ỏi, lại còn hát nữa :
 
Con cười , con nói, con hát nghêu ngao.
Bước thấp bước cao qua bờ ruộng nhỏ.
Mẹ già ta đó, hái mướp bên rào... ”.

Đoạn nào không thuộc lời, hoăc cái giọng ống bơ rè không thể lên cao hơn được, hắn lại huýt sáo váng lên mới kinh. Hồn nhiên, tếu táo , mồm mép, sao lần này hắn lại trầm như vậy? Mẹ thương hắn lắm, vì mẹ xa hắn lâu quá rồi- đã mười lăm năm có lẻ. Ấy là cái số hắn vất vả, ông giời bắt hắn phải đi xa, ở nhà thì chỉ chết đói- Ông thày bói phán về hắn như vậy. Nghèo đói, mẹ chẳng sợ, vì đã giàu bao giờ đâu mà sợ nghèo. Mẹ chỉ mong hắn về với mẹ, lấy vợ, sinh con cho mẹ có tí cháu nội bế bồng. Ai đời, đã băm tư cái tuổi đầu, chứ còn ít ỏi gì nữa. Chẳng bù cho thằng em, mới ra trường, công việc chưa đâu vào đâu, đã ti toe đòi cưới vợ. Mà cưới ai cơ chứ? Con gái gì mà mắt trắng, môi thâm, ăn nói chỏng gọng, điệu chảy nước. Nó chả nói ra, mẹ cũng biết. Cưới gì con bé này. Nó cưới là cưới bố con bé - một ông đại tá công an đương chức.

Còn hắn, mỗi lần mẹ nói chuyện vợ con, hắn chỉ cười buồn rồi nói lảng sang chuyện khác..Hay là hắn vẫn nặng lòng với con bé Thảo? Khổ thân! Hồi rằm tháng Bảy mẹ lên chùa cúng, nó cứ quanh quẩn đợi. Lúc hóa vàng, nó đến bên mẹ, hỏi thăm về hắn. Nhắc đến tên hắn, mắt con bé ánh lên da diết. Mẹ biết, bộ quần áo nâu sòng của nhà Phật chưa đủ để giữ chân con bé thoát khỏi vương vấn bụi trần. Nhưng thôi, chuyện dài lắm!

Đúng, hắn buồn. Thế là chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa chiếc máy bay Boing 747 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ đưa hắn tới một phương trời xa lắm. Nơi mà hắn sẽ lại phải sống những tháng ngày khắc khoải trong nỗi nhớ quê hương, người thân, nơi mà hắn lại phải làm lụng vất vả, chắt chiu từng đồng tiền còm để đến cuối năm( nếu có thể) hắn lại về với mẹ. Lần ra đi này, lòng hắn trĩu nặng hơn những lần trước, bởi hắn vẫn canh cánh một niềm “tâm sự” ( theo lối nói của các phim bộ Hồng Không và Trung Quốc đang chiếu nhan nhản khắp các kênh trung ương và địa phương). Cái tâm sự không chỉ của riêng hắn mà là của nhiều người Việt ở cái đất Đông Âu này: Về hay ở ? Câu hỏi này ám ảnh hắn đã nhiều năm, là đề tài tranh cãi thường trực giữa hắn và những người bạn. Những đêm mất ngủ, đứng lặng sau khung cửa sổ nhìn tuyết bay trắng xoá đầy trời, những bưổi chợ ế ngồi co ro trong tiếng gầm gào của bão tuyết, hắn nhớ đến quặn lòng cái nắng hạ chang chang. Kể cả những ngày trời trong, nắng vàng như mật, bước trên thảm cỏ hoa tươi non trải đầy mặt đất, hắn vẫn nặng lòng với cái rét ngọt phơn phớt tím hoa xoan...

Hắn đã mệt mỏi, chán nản với kiếp sống tha hương. Hắn đã chai lì trước những ánh mắt nhìn đầy miệt thị của một số người dân bản xứ, những lời nói, cử chỉ thô tục của đám cảnh sát chuyên rình rập làm tiền những người Việt khốn khổ. Mỗi lần phải qua cửa khẩu, hắn gồng mình như con nhím xù lông để nuốt cái nhục nhã ê chề khi những người lính biên phòng khinh khỉnh xăm xoi tấm hộ chiếu có in hình bông lúa và ngôi sao năm cánh, rồi sau đó là tụi hải quan ùa vào bới móc, lục tung đống hành lí tội nghiệp của hắn với một sự thích thú ra mặt. Có lần, vì xách giúp một phụ nữ Nhật chiếc túi ( bà này bận con nhỏ), nên rất vô tình, hắn đứng lẫn trong đám khách du lịch của xứ Phù tang trước bàn làm thủ tục nhập cảnh. Viên sĩ quan biên phòng xem một cách chiếu lệ những cuốn hộ chiếu của đất nước “ Mặt trời mọc” rồi chụp dấu cồm cộp, không quên nở nụ cười lịch sự” Chúc ông bà những ngày vui vẻ ở đất nước chúng tôi”. Hắn cũng được nhận nụ cười, thái độ lịch sự nhã nhặn ấy ,cho đến khi cuốn hộ chiếu được mở ra. Trong chớp mắt, nụ cười biến mất, chỉ còn lại một khuôn mặt lạnh lùng với tia nhìn cảnh giác cao độ xăm soi vào hắn. Viên sĩ quan chỉ tay ra một góc phòng và bảo hắn đứng đợi. Những người bạn Nhật mới quen nhìn hắn ái ngại, thương cảm.

Đứng như trời trồng ở một góc, hắn chết lặng vì nhục nhã, xấu hổ. Hắn quay mặt vào tường, tránh những cái nhìn tò mò của đám đông đủ các sắc tộc vàng, trắng, đen lẫn lộn, cố nuốt những giọt nước mắt to như hạt ngô chực lăn ra từ hai hốc mắt.

“ Hỡi ôi! Hồ Qúi Li, tại sao khi cướp ngôi nhà Trần, ông nỡ đổi tên nước Đại Việt thành Đại Ngu để bây giờ cái đám hậu duệ của ông phải khổ thế này!”

Hắn than thở. Ồ , không, không được! “ Khóc là nhục. Van - hèn, rên yếu đuối... ” Những vần thơ có cánh này hắn đã đọc ở đâu rồi ấy nhỉ? Thằng Tư bản con kia, mày thấy tao nghèo mà dám khinh à? Hãy nghe đây:

..ừ, đói khổ phải đâu là tội lỗi
Anh mới hiểu càng ngậm ngùi khổ tủi
Càng dày thêm uất hận của lòng ta
Nuôi đi em cho đến lớn đến già
Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu
Để thêm nóng mai đây hồn chiến đấu
Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng…


Những vần thơ lanh lảnh như hồi kèn xung trận từ đâu ùa về, vuốt ve tâm trạng AQ của hắn. Thơ thế mới gọi là thơ chứ. Hắn nghĩ mãi không nhớ ra tên của nhà thơ vĩ đại này đặng cảm ơn ông. Nhưng thôi, không quan trọng. Cái chính là hắn đã lấy lại bình tĩnh, với tư thế từ “ đỉnh cao muôn trượng”, hắn phóng cái nhìn đầy từ bi bác ái vào đám đông khốn khổ kia. Giá như đức Đạt Ma có sống lại hẳn cũng không thể có cái nhìn thánh thiện hơn được. Cuối cùng, khi mọi người đã xong hết, họ cũng gọi hắn ra, văn vẹo một hồi rồi miễn cưỡng chụp dấu nhập cảnh cho hắn. Cất cái giọng hỉ xả của đấng cứu thế, hắn vờ hỏi nguyên nhân. Tay biên phòng nhìn hắn (lần này là cái nhìn đầy thông cảm):

-” Tôi biêt là ông không vui. Với tư cách cá nhân, ông không khác gì những người Nhật kia. Nhưng với tư cách công dân, rất tiếc, sự khác biệt rất lớn. Chúng tôi được lệnh hạn chế tối đa cho phép các công dân nước ông nhập cảnh. Còn vì sao, tôi nghĩ là ông đủ thông minh để hiểu điều này.”

Đút cuốn hộ chiếu vào túi, hắn nói:
-” Rồi sẽ có ngày, các ông phải nhìn chúng tôi khác đi. Chúa công bằng , nhân từ lắm, Chúa không để ai phải khổ nhục cả đời đâu.”

-“ Rất mong như vậy. Nhưng điều này không phụ thuộc vào Chúa, mà vào chính dân tộc ông. Các ông phải tự quyết định tương lai của mình. Chúc may mắn!”.

- “ Dù sao cũng xin cảm ơn. Đồ tư bản giãy chết.”. Hắn hét nhanh câu cuối rồi co cẳng chạy biến.

-“ Đồ chết không kịp dãy!”. Chẳng phải tay vừa, gã biên phòng đập bàn, quát với theo..

Mỗi lần gặp chuyện tương tự( khi gã AQ đã chết trong hắn) , hắn buồn rầu, tinh thần suy sụp rất lâu. Hắn chỉ muốn vứt bỏ, tung hê tất cả để về nhà. “ Chí ít ra ở nơi đó, mình sẽ không bị phân biệt, đối xử như ở xứ người.” Nghĩ vậy, hắn lại cố "cày" để cuối năm có tiền về thăm nhà. Thời gian ở nhà, không để phí một ngày, hắn lao vào tìm hiểu cuộc sống, xã hội, đi đây đi đó, tiếp xúc, gặp gỡ người nọ người kia. Nhưng rồi sau mỗi lần, cái ý định về hẳn của hắn lại ngãng ra. Hắn lại khổ với những dằn vặt , toan tính. Sau 15 năm “cởi trói”, “ mở cửa”, đời sống của người dân có khá hơn xưa. Nhưng hình như hồi phổ thông, người ta có dạy hắn là bất kì mọi số, trừ số âm, đều lớn hơn 0. Nếu vậy chưa nên quá lạc quan, phải xem xét cẩn thận. Hắn tự nhủ. Quả thật, đằng sau một số thay đổi hào nhoáng bên ngoài, cuộc sống của người dân còn cực lắm. Trừ một số kẻ có chức quyền xài tiền chùa, tham ô công quĩ, những kẻ buôn lậu cấu kết với các quan chức nhà nước có một cuộc sống vương giả, vênh vang không coi ai ra gì, còn người lao động vẫn phải làm lấm mặt mới mong đủ ăn.

Hắn ngạc nhiên thấy phần đông, kể cả thành phần trí thức, kĩ sư, bác sĩ.. chẳng mấy ai quan tâm đến tình hình chính trị , xã hội. Tất cả thời gian có được, họ dồn hết vào cuộc mưu sinh. Họ phải tự cứu lấy mình trước đã. Đã quá mệt mỏi, thất vọng với những lời hứa hẹn, những câu khẩu hiệu nghe rất vui tai, đối với họ- ai lên ai xuống cũng vậy thôi.Chỉ có những người già, người về hưu- những người đã một đời cống hiến là còn theo dõi , để ý và để lắc đầu ngán ngẩm: “ Bình mới rượu cũ. Lại như chuyên Đào kép mới của Nguyễn Công Hoan viết cách đây đã gần bảy chục năm.”

Hắn đem chuyện về hay ở tâm sự với bọn bạn thân( những thằng con chấy cắn đôi thời phổ thông, những thằng đã từng du học như hắn rồi về nước trước) trong một bữa rượu. Nghe hắn trút bầu tâm sự, lũ bạn lặng lẽ im lìm như những pho tượng( những pho tượng nhẫn nại tu rượu và nhai thịt chó). Lúc lâu, một thằng( trước đây là cánh tay phải của Chí Béo (1) đôm 5 (2) ) thủng thẳng:”

-Về nước nếu muốn buôn bán thì trước hết mày phải thuộc lòng định luật Bảo toàn năng lượng mới: Đồng tiền không tự nhiên sinh ra và mất đi, mà nó chỉ chảy từ túi thằng này sang túi thằng khác. Nghĩa là chỉ có lừa lẫn nhau, hay tham ô móc ngoặc, thụt két. Nay đài báo rùm beng ca ngợi người này là doanh nghiệp giỏi, thì ngày mai lại ầm ĩ kết tội, đưa tin thằng doanh nghiêp” giỏi” đó đã bị bóc lịch hoặc dựa cột. Ở nhà , tụi nó khôn lắm, toàn những thằng có sỏi trong đầu. Bao nhiêu soái lớn, bé, từ Nga, Ba lan hăm hở vác tiền về đầu tư, được ba bảy hai mốt ngày phải vội vã chạy mất dép ngược ra nước ngoài để được chết toàn thây. Mấy đồng vốn còi của mày thì tụi nó chỉ định lừa thôi là đã bay bằng sạch. Còn nếu làm ăn theo kiểu “ chân chỉ hạt bột” thì phải kiếm từng xụ Nay đoàn này kiểm tra, mai đoàn khác chiếu cố, lót tay các kiểu. Làm cả năm không bằng tụi mày làm bên kia một tháng. Cực lắm.

Hắn im lặng, bởi bản thân hắn cũng nhận thấy như vậy. Sợ hắn chưa thông, một thằng khác tiếp lời” Còn đi làm công ăn lương ư? Mày phải thực hành nhuần nhuyễn nguyên lí Đội&Đạp. Nghĩa là phải đội đít các sếp để nó thí cho tí “khẩu phần hạnh phúc” và đạp lên thằng khác mà cướp miếng ngon hơn. Thằng cầm búa mà kiếm được một tháng một triệu thì mừng như cha chết sống lại, kẻ cầm liềm một ngày công “ bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” chỉ đáng giá ba ngàn đồng bạc. Một số ít những thằng cầm bút, ấn phím chuột, biết vài ngoại ngữ như bọn tao thì làm cho liên doanh nước ngoài, tháng vài vé. Suốt ngày chỉ cắm đầu vào công việc, lơ mơ là bị đuổi như chơi. Ở ngay nước mình mà phải làm thuê cho thằng ngoại quốc, thì mày ở mẹ bên kia mà độc lập tác chiến, hoặc cố làm ông chủ, dù to dù nhỏ gì thì vẫn dễ thở , đỡ nhục hơn bọn tao.”

- Tưởng chúng mày có ý kiến gì hay ho hơn , chứ nhũng điều này tao có mù đâu mà không nhận thấy. Hắn thở dài ngao ngán.

- Chính thế, sự thật chỉ có một. Nếu mày muốn nghe những điều giả dối nhưng êm ái và vui tai thì nên tìm ở chỗ khác. Một thằng xen vào. Ồ không, hắn đâu có muốn nghe những điều giả dối. Hắn buồn vì cái sự thật hiển nhiên và quá phũ phàng. Hắn muốn lạc quan lắm chứ, hắn tự huyễn hoặc, rằng mình sai, mình nhìn cuộc sống còn phiến diện. Hắn rất mong như thế! Nhưng cái lũ bạn chết tiệt này đã giội cho hắn một gáo nước lạnh, đã thổi tắt đi cái tia hi vọng mong manh của hắn. Chúng không cho hắn chạy trốn thực tại. Chúng bắt hắn phải mở mắt nhìn cuộc đời bằng con mắt trần tục, chứ không qua những lăng kính màu hồng , màu xanh nào cả. Mà chúng là ai kia chứ? Cái lũ bạn hắn? Một thằng là dân học ở Nga như hắn, nay là giám đốc một CTTNHH ở Hà nội. Một thằng là kĩ sư lập trình, làm cho một công ti liên doanh với Đài Loan. Một thàng là dân XH đen, ăn cơm trại nhiều hơn cơm nhà. Một thằng là phó trưởng công an phường- thời phổ thông học dốt như một con bò, toàn được hắn và thằng XH đen gà bài. Một thằng là thành viên HDQT cái nhà hàng ăn uống kiêm ka-ra- O-ke này, nơi mà bọn hắn đang rung đùi đánh chén. Có tin được bọn chúng không nhỉ? Không, dứt khoát là không rồi. Bọn này nhìn cuộc đời lệch lạc lắm. Chúng chỉ thấy cây, không thấy rừng.Chúng cùng một duộc với hắn- đáng khinh.

Thấy không khí trầm quá, Vinh, thằng chủ nhà hàng cầm chai rượu dốc ồng ộc ra cái bát sành rồi đưa cho hắn:
-Thôi, đừng suy nghĩ gì nhiều.Tât cả những điều mày vừa nghe là những tâm sự thật của bọn tao. Khắp mọi nơi mọi chỗ bọn tao phải nói dối, đeo mặt nạ, nhưng riêng ở đây thì không. Mày không thích ở bên kia thì cứ về. Người ta sống được thì mình cũng sống được. Nhiều khi ở nhà có thể kiếm được rất nhiều tiền đấy. Còn chuyện mánh khoé và thủ đoạn, cái này học nhanh lắm, bọn tao sẽ giúp. Chưa chừng lúc mày về thì thằng Thịnh đã làm quan to, còn thằng mặt sứt kia nếu chưa bị bắn chết thì có thể sẽ làm ông trùm, ít ra là một góc thành phố này. Bạn bè không để mày chết đói đâu. Bây giờ thì uống đi, mỗi thằng một tợp, như kiểu ngày xưa ấy.

Hắn đón bát rượu đầy sóng sánh, làm một tợp rồi chuyền cho lũ bạn. Sau dăm cái “ khà” , chiếc bát bị đập vỡ tan. Tiếng vỡ của mảnh sành như một liều thuốc kích thích, cả bọn hoạt bát hẳn lên. Bát đĩa , chai lọ trên bàn hăng hái bay loạn xạ. Đến khi chiếc bàn đã bị bẻ gãy cái chân thứ ba thì gã khổ chủ sực tỉnh, nó gào lên:“ Khoan, chúng mày định phá hết nhà hàng của tao à.

Ngừng tay! Tiết mục mới!” Cả bọn ngơ ngác. Ngừng một lát để kích thích trí tò mò của bọn kia lên cao độ, thằng này làm bộ mặt bí hiểm như pháp sư thổi kèn rắn, đưa tay lên dõng dạc tuyên bố:” Tiết mục thi Bé khoẻ bé đẹp”, rồi dõng dạc vỗ tay ba cái. Lập tức từ ngoài cửa một nhóm sáu bé lừng lững bước vào. Ờ, khoẻ thì có, vì bé nào cũng đô như lực sĩ, nhưng hình như không được đẹp lắm. Pháp sư thổi kèn rắn khuỳnh chân xuống tấn, chắp tay trước ngực, kính cẩn nghiêng mình, nháy ria liếm mép:” Hàng mới từ Hải phòng về làm tiếp viên cho bổn hãng. Các em nguyên là Bưởi , Mận , Đào , Mơ,Thắm, Nụ, nhưng từ nay sẽ mang tên mới: Hải Anh, Lan Anh Tú Anh... Của nhà giồng được, xin mời các cụ chiếu cố!” Các “cụ" đứng như trời trồng, chân tay luýnh quýnh, mặt mũi đã hơi dại đi, thở gấp. "Cụ" Thịnh còn cố rặn ra một tràng, kiểu cách phường tuồng hơn cả gã “Pháp sư thổi kèn rắn”; “Gớm m..m!!! Cụ chỉ giỏi bày vẽ. Mà sao không báo trước để tôi uống bớt đi chút rượu. Bây giờ đã đầy một bụng rồi thì còn làm ăn gì được nữa. Mà thôi, anh em tôi cũng không nỡ phụ công cụ đâu.

Một nhà văn đã viết rằng: “Làm đàn ông chả thằng nào nên xấu hổ vì có con b. cả” (3). Xin rước các cụ nhé!”. Nói đoạn, nó cười rung cả cái bụng đầy mỡ như sắp rơi xuống đất rồi dắt tay một “bé” vâm nhất, chạy biến lên trên gác. Nhìn cái bụng bự như bom bia của thằng bạn, trong đầu hắn thoáng một ý nghĩ ngộ nghĩnh: “Giả sử không có sự giúp đỡ của chiếc gương thì liệu thằng này có thể nhìn thấy “thằng nhỏ” của mình không nhỉ?” Phá lên cười, hắn ngơ ngác nhìn quanh, lũ bạn đã dẫn các “bé” tùy nghi di tản sạch, chỉ còn một “bé” có vẻ “ô mai xấu” nhất lặng lẽ đứng đợi hắn ở góc phòng. Thấp thoáng sau khung cửa sổ, ánh nắng yếu dần. Mặt trời sắp đi ngủ...

... Đêm trước hôm đi, hắn và thằng em lang thang khắp phố phường Hà Nội. Trời rét ngọt. Mưa bụi lay phay như rắc bạc cả không không gian tĩnh lặng. Hai anh em nhâm nhi ly cà phê trong một quán cóc bên hồ Thiền quang. Thằng em bảo: “Lần này anh về vào mùa đông, không được ngửi mùi hoa sữa. Nhưng thôi, càng đỡ nhớ nhung những mối tình thuở học trò”.

Hắn: “Không! mùi hoa sữa không gợi cho anh một chút vấn vương tình ái nào. Vì khi rời Hà Nội vào cái tuổi 18, anh vẫn chưa một lần được nhìn bầu vú con gái. Mùi hoa sữa chỉ gợi cho anh những cơn đói triền miên. Hồi luyện thi, lớp học thêm của anh trú ngay dưới mấy cây hoa sữa. Cứ tối đến, khi hương hoa sữa lan ra là cái dạ dày lại réo lên, hành hạ. Chỉ mong sao hết giờ học để được về lùa vội mấy bát cơm với canh dưa nóng. Cho đến giờ, mỗi lần ngửi mùi hoa sữa, anh lại đói cồn cào. Của đáng tội, nếu gọi là những rung cảm đầu đời của Tuổi học trò thì cũng có một, hai. Nhưng hồi đó bọn anh không máu như tụi mày sau này. Thỉnh thoảng tranh thủ “giết được quả tay” là sướng âm ỉ đến mấy ngày, chứ đâu có như tụi choai choai bây giờ lôi nhau đi thuê nhà nghỉ để “hạ trại”.

Thằng em khoái chí cười ngặt nghẽo “Mai anh đi rồi, có lẽ phải một hai năm nữa mới gặp nhau. Mấy tháng sau em cưới anh lại không về được. Bố mẹ rất mong anh cưới vợ, ba tư tuổi rồi mà vẫn lông bông. Em thì không còn con đường nào khác, phải cưới Liên. Mặc dầu em không yêu cô ấy. Đơn giản, đây chỉ là một sự bán thân. Tại sao đàn bà bán thân được, còn đàn ông chúng ta thì không? Sau khi cưới, chắc chắn ông đại tá công an sẽ xin cho thằng con rể làm ở Hà Nội, vào một vị trí có lắm mỡ mà húp hít. Em sẽ phấn đấu vào đảng trong thời gian gần nhất, bằng mọi cách để tiến thân với sự trợ giúp của ông nhạc. Khi đã có quyền thế rồi thì tự nhiên tiền về như nước. Anh cứ nhìn ông Thịnh bạn anh xem, chỉ là một thằng đồn phó phường mà xây cái nhà to vật vã. Thân cò lặn lội kiếm ăn ở tận đẩu tận đâu như anh bao giờ mới có được? Cả xã hội bây giờ là như thế. Em thương anh và thương chính bản thân em. Từng đấy năm anh nuôi em ăn học, bây giờ là lúc em phải tự bước vào đời”.

Hắn đưa mắt nhìn kỹ thằng em. Trước mặt hắn là một gã thanh niên cao lớn đẹp trai với đôi mắt sáng, thỉnh thoảng lại ánh ra những tia sắc lạnh. Không còn đâu thằng bé tám tuổi gầy còm, sứt mấy cái răng cửa cứ ôm chân anh mà khóc tại sân bay mười lăm năm trước. Hắn thoáng thấy hơi buồn “Em phấn đấu, lập thân bằng con đường chính trị, anh không cản. Nhưng mong có chức có quyền để mà bòn rút tiền dân thì khốn nạn quá. Không ổn đâu. Đất nước này chưa khá được vì rất nhiều thằng như em đấy. Hoà bình thống nhất đã một phần tư thế kỷ rồi, vẫn lẹt đẹt trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới. Người Việt Nam mình đâu có kém cỏi thấp hèn hơn những giống dân khác. Chỉ cần phát huy tập trung trí tuệ được của tám mươi triệu dân trong nước và ba triệu người Việt ở nước ngoài, xây dựng được một bộ máy trong sạch là đất nước sẽ khá hơn rất nhiều”.

Thằng em tròn mắt “Làm gì mà anh đao to búa lớn thế, cứ như là mấy ông “dân chủ”, “đối lập” ấy? À, nghe nói ở bên kia anh tham gia làm báo phải không? Cần thận nhé, kẻo bị “Tru di tam tộc” đấy. Cái luật này không thành văn, nhưng luôn hiện hữu. Anh ở bên ấy không sao, nhưng người thân ở nhà sẽ bị hành, bị đì không ngóc đầu lên được. Còn anh, đừng để cảnh về đến Nội Bài hay Tân Sơn Nhất thì đã có một chiếc xe đít vuông và mấy ông an ninh chờ sẵn thì toi”.

Hắn cười “Đúng là anh có tham gia viết lách đôi chút. Những điều bọn anh viết thì suốt ngày đài báo ở nhà vẫn đề cập đấy thôi: bài trừ quốc nạn tham nhũng, chấn chỉnh đảng, làm trong sạch đội ngũ... Không bẩn thì tại sao phải làm sạch, không rệu rạo, rã đám thì việc gì phải chấn chỉnh. Nhận thức, đưa ra được những phương hướng đó là rất tuyệt vời, giờ chỉ còn phải nghiêm túc thực hiện. Trách nhiệm của tất cả mọi người, nhất là những kẻ cầm bút dù là trong hay ngoài nước là phải mổ xẻ những u nhọt xã hội cho mọi người đều thấy để mà loại bỏ nó đi. Bọn anh kiên quyết phản đối những kẻ chỉ to mồm hô hào lật đổ, gây chia rẽ hằn thù quá khích một cách mù quáng. Dân tộc này đã quá nhiều mất mát. Không được phép để một lần nữa máu lại đổ trên quê hương chúng tạ Nhưng nếu chỉ viết để ru ngủ dân tộc, cũng là có tội. Còn nếu như anh bị hiểu lầm, để một ngày xấu trời nào đấy xảy ra cái điều em nói, thì... sẽ có “Chuyện kể năm 3000”. Thế thôi!!!...

Ngày hắn đi, mưa nặng hạt, bầu trời tối sầm. Thằng cháu lại khóc váng lên tiễn chân ông cậu. Trước khi kịp nhảy vào xe, hắn vẫn kịp nghe tiếng ầu ơ của mẹ ru thằng cháu ngoại:

Con vua thời lại làm vua
Con sãi ở chùa đi quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa?


Bao giờ? Bao giờ? Bao giờ những tháng ngày lạnh giá u ám này sẽ qua đi và mùa xuân ấm áp sẽ về trên quê hương hắn. Hắn tin và mong rằng điều ấy sẽ đến.

Trần Hoài Văn
Warszawa, 03.2001


Chú thích:
(1-) Một soái người Việt bên Nga những năm 90
(2-) DOM 5 - một trung tâm thương mại của người Việt tại Moscow những năm 90.
(3-) Nguyễn Huy Thiệp.

No comments:

Post a Comment