Saturday, November 13, 2021

Nghìn Sau Lưu Luyến Với Nghìn Xưa - Thái Tú Hạp



Giọng đọc: Bích Hà - Nguyễn Đình Khánh


Sự thay đổi lề lối làm việc trong tòa soạn vài ba năm trở lại đây tạo cho nhân viên thoải mái nghỉ ngơi trong ba ngày Xuân Tết. Đối với tôi, thời gian ngắn ngủi đó quả thật là hạnh phúc. Những ngày đầu năm mới không nhằm vào ngày cuối tuần nên những đứa con đều phải đến trường, hiền nội lại đi thăm bà con. Còn lại một mình trong căn nhà vắng vẻ, tôi mới cảm nhận cái thú vị nhớ nhung đến những mùa Xuân với bao kỷ niệm đằm thắm hạnh phúc nơi quê nhà.

Có nhà nghệ sĩ nào đó đã nói: Ông không sợ cô độc mà ông chỉ sợ cô đơn. Quả thật như thế, suốt đời ông không có một người nữ ”tình nguyện nâng khăn sửa túi”, mà chỉ thấy ông trà rượu khề khà bên cạnh những tài hoa nam tử.

Từ khi bước vào trung học, tôi có cái thú mê sách, bao nhiêu tiền ăn quà sáng đều dành dụm để mua sách. Nỗi đau nhất của tôi là sau những ngày tháng 4, người ta phá tan tủ sách của tôi và khiêng đi đốt... tôi còn nghe tiếng than khóc của bao nhiêu thi hào thi bá thi tiên trong ngọn lửa phần thư...

Sau bao nhiêu thăng trầm khổ nạn trong trại tù, trên biển Đông... chúng tôi may mắn đến định cư ở miền đất tự do nầy. Trong căn nhà khiêm nhượng, tủ sách hình thành như một người bạn tri kỷ thủy chung.

Mùa Xuân đã trở về theo chu kỳ của tạo hóa, đời sống mới đã thực sự tái sinh. Những chồi non lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ, thiên nhiên như vừa tắm gội thật tinh khiết và trẻ trung như niềm hy vọng tỏa ngát trong trái tim nhân loại. Bầy chim cũng đã trở về hót líu lo trên cành đào chớm nụ hoa trước hiên nhà.

Cho dù ở một mình nhưng tôi không cảm thấy cô đơn. Hàng ngàn tiền bối uyên bác, những hiền nhân triết gia lỗi lạc, những thi nhân văn sĩ lừng lẫy Đông Tây.. đang ở bên cạnh tôi mỉm cười thân ái chờ tôi đón lấy từng dòng tâm huyết tỏ bày, chia xẻ mộng lớn mộng con vá trời lấp biển... những anh tài mang sứ mạng thời đại cứu dân cứu nước. Khởi từ ý niệm kỳ diệu của thiền sư Vạn Hạnh sau khi ”... đem gậy nhà Phật để bảo vệ lãnh thổ sơn hà” (Trụ tích trấn vương kỳ...) hoàn thành sự nghiệp chống ngoại xâm xây dựng đất nước thanh bình thịnh trị. Thiền sư lại khoác áo cà sa thong dong cùng mây trời trên đỉnh non cao. Và để lại cho đời bốn câu thơ tuyệt tác:

THI ĐỆ TỬ
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

DẶN BẢO ĐỆ TỬ
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
(Ngô Tất Tố dịch)

Đến cụ Tiên Điền Nguyễn Du, thì Phật Giáo đã thấm sâu trong nền tảng văn hóa dân tộc. Thi Hào Nguyễn Du đã viện dẫn nghiệp báo luân hồi một cách triệt để của Phật Giáo. Cái nghiệp như hình với bóng đeo đuổi con người đến suốt kiếp. Cái tâm căn nguyên của mọi vọng tưởng u minh mê lầm. Ở trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, Sư Tam Hợp đã giãi bày:
...

Sư rằng: Phúc họa đạo trời
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cõi phúc, tình là dây oan
...

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn vốn tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
...

Qua đến tác phẩm Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sanh thì Cụ Nguyễn Du đã hiển lộ rõ nét về lòng tin sâu xa đối với Phật Giáo. Cụ đã đọc đến cả ngàn lần Kinh Kim Cang, Cụ tin có nhân quả luân hồi trong cuộc hành trình của thần thức đầy huyền nhiệm vượt qua mọi lý giải của triết học và khoa học hiện đại. “Người Phật Tử không nghĩ tới những giọt lệ hậu thế, dù là 300 hay 3000 năm, không nuối tiếc chốn bụi hồng, luôn luôn muốn làm người khách lạ, ra vào tự tại trong các cõi, không luyến tiếc không sợ hãi, vẫn bất tử, và diệu tâm của mình cũng là diệu tâm của tất cả chúng sanh” (Nghiêm Xuân Hồng).

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng ghi dấu những trang anh hùng hào kiệt trong quá trình dựng nước và giữ nước. Từ ngàn xưa Dũng Tướng Lý Thường Kiệt đã biết vận động tâm lý quân sĩ bằng những lời thơ đầy hào khí bất khuất, ngút lửa kiêu hùng khẳng định quyết tâm bảo vệ bờ cõi dấu yêu:

Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư...

(Đại ý Lý Thường Kiệt khẳng định nước Nam là Tổ Quốc của người Việt Nam, quân nhà Tống chớ hòng đem quân xâm lấn, thế nào rồi quân Bắc phương cũng nhận lấy sự thất bại nặng nề. Cuối cùng quân dân nước Việt chiến thắng vẻ vang)

Thượng Tướng Trần Quang Khải đem đại binh từ Nghệ An ra Bắc chiếm lấy Hàm Tử bị giặc chiếm đóng, quan dân ta đã ca khúc khải hoàn:

Đoạt sáo Chương Dương Độ
Cầm hồ Hàm Tử Quan
Thái Bình ta nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
(Chương Dương cướp giáo giặc. Hàm Tử bắt quân thù. Thái Bình nên gắng sức. Non nước đó ngàn thu).

Như hạt cát cuốn theo cơn bão thổi vào sa mạc trí tuệ của loài người. Chúng tôi ngẩn ngơ hạnh phúc không biết phải nắm bắt thế giới nào đây! Mỗi cuốn sách là một trác tuyệt huyền nhiệm kỳ ảo uyên bác như mỗi hành tinh trong vũ trụ. Bao nhiêu đời chưa chắc đã nói hết. Thôi thì chúng tôi quay về cõi mộng mơ cố hữu trên quê hương yêu dấu, từ thuở Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, đến Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, và đến cõi thơ hiện sinh trần tục của Bà Hồ Xuân Hương, để tìm vài nụ cười thoải mái.

Mùa Xuân đã trở về đánh dấu thời điểm một chu kỳ mới của tạo hóa, một kỷ nguyên tâm thức của nhân loại hòa hợp cùng đất trời siêu nhiên kỳ diệu. Mùa Xuân rạng rỡ đến với tương lai đầy niềm tin và hy vọng giữa ngàn hoa tươi thắm. Không có gì ý vị cho bằng là cùng nhau mở ra những trang thơ tiền nhân ca ngợi mùa Xuân trong phút giây hiện thực nầy. ”Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ! Có giống như mình lưu luyến không?”

Thơ văn thời kỳ tiền chiến vẫn được các nhà biên khảo phê bình nhận định văn học đánh giá cao về phẩm chất cũng như về số lượng truyền bá trong nhân gian. Chúng ta không nên dựa vào nhận định của những nhà phê bình văn học chủ quan để thẩm định về giá trị tác phẩm như trường hợp của nhà thơ Nguyễn Bính, mặc dù không được Hoài Thanh Hoài Chân tuyển chọn vào danh sách những nhà thơ lừng lẫy thời tiền chiến, nhưng thơ Nguyễn Bính vẫn được nhân gian truyền tụng khắp nơi và vượt qua thời gian. Trong bài viết hạn hẹp nầy, chúng tôi chỉ đan cử vài nét đẹp cô đọng nhưng sinh động về cõi thơ của ông:

Thơ thẩn rừng chiều một khách thơ
Xa nhìn ra rặng núi xanh mờ
Khí trời êm ả và trong sáng
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Hai cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư đường còn xa
Và bóng tà dương dần sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Hỡi cô con gái hái mơ ơi!
Chẳng trả lời tôi lấy một lời
Cứ lặng mà đi rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi...

Những câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh như thấm sâu vào tâm hồn của những người yêu thơ từ ba bốn chục năm trước đến bây giờ:

...

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
...

Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói chiều bay lên cây...

Hay những câu thơ tuyệt vời khác:
...

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân..
...

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau.. lơ lửng.. với nghìn xưa..
...

Phút linh cầu mãi không về
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen
Khói trầm bên giấc mơ tiên
Bâng khuâng.. trăng rải qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam
Rạc rời, vó ngựa quá quan
Cờ trao ý cũ, mây dàn mộng xưa..

Theo quan niệm người xưa, mỗi khi đọc bài thơ hay phải xông trầm thơm ngát kính cẩn trân trọng để đón nhận cái khoái cảm đầy hỉ lạc của đạo vị, vì cái đẹp là nguồn vui muôn thuở, nhất là cõi thơ tuyệt vời kỳ diệu. Thời điểm của dòng thơ tiền chiến vẫn trong sáng, thơ mộng và tình tứ qua cõi thơ của Nguyễn Nhược Pháp, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... và Thâm Tâm với bài thơ Tống Biệt Hành vẫn tạo cho chúng ta nhiều cảm xúc nhất:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng
-Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ, sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai lòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay
...

Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay
Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm.

Đến những nhà thơ trong thời kỳ chiến tranh cận đại những dòng thơ thắp sáng trữ tình, vừa chiến đấu vừa yêu người tình bé bỏng ở hậu phương. Trong giới thơ văn lừng lẫy vang bóng nầy có Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Dần và nhất là Quang Dũng. Bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây được lưu truyền sâu rộng trong nhân gian và trải qua nhiều thập niên vẫn còn đa số giới thưởng ngoạn thi ca yêu thích:

Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn tây phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan?

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Cho nhẹ lòng nhớ thương
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo chiều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta...

Cũng giống như tâm trạng của chúng tôi, khi mọi người trong gia đình rủ nhau đi dạo Tết, còn lại một mình trong thư phòng nhiều tranh Tết, thi sĩ Vũ Hoàng Chương cảm tác bài thơ Xuân:

Sáng chưa sáng hẳn, tối sao đành
Gà lợn om sòm cả bức tranh
Rừng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đó, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh...

Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi...
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về
Trông ra bến Hoặc bờ Mê,
Ngàn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch, đừng vương gót này
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời
Thơ ta chẳng viết cho đời
Không vang nhịp khóc dây cười nào đâu!
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê giằng đặc ta cầu đó thôi
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ cho còn mất hơi tàn thanh âm
(Nguyện Cầu)

Nhiều nhà văn nổi tiếng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam như Võ Phiến, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, kể cả triết gia Phạm Công Thiện... ở vào những ngày tháng cuối đời lại tìm về cõi thơ. Thơ là một siêu nghệ thuật về ngôn ngữ. Thơ rất dễ làm nhưng sáng tác nên một bài thơ hay không phải dễ. Ngôn ngữ của thi ca là một thứ ngôn ngữ đầy âm điệu thanh thoát vọng âm từ ghềnh đá, từ vực thẳm tâm thức, từ sâu đậm ấm áp của hơi thở vũ trụ huyền ảo... Thơ Nghiêm Xuân Hồng trau chuốt và uyên bác, những vần thơ tinh khiết và an nhiên, bàng bạc tư tưởng vi diệu của Phật Giáo...

Người về bứt áng mây hồng
Dệt y trăm sắc ngại ngùng lòng ai
Tôi về mơ giấc mơ dài
Song-hồ-hư-ảnh-trăng-cài-sắc-không
Người về bước nhỏ thong dong
Ngậm ngùi tình muộn vương lòng đỗ quyên
Tôi về mở sách u huyền
Mưa hoa lãng đãng mấy miền tịch dương
Người về nhặt nụ hướng dương
Tô thêm khóe mắt cô nường Huyền-Âm
Tôi về khép cánh hư không
Bồ-đoàn che khắp nửa vòng trần duyên
Người về tiệc rượu đảo điên
Chê ly quá nhỏ, hài sen rót đầy
Tôi về tỉa nhánh trúc gầy
Đèn khuya giãi bóng vơi đầy Hoa-Nghiêm
Người về lìa suối tịch-nhiên
Chênh vênh gót ngọc đảo điên nụ cười
Tôi về gấp áng mây trời
Ôm-trăng-đổ-giấc-bên-đồi-Tào-Khê...”

Nhà văn, thơ Mai Thảo, những năm cuối đời về định cư tại thủ đô người Việt tỵ nạn, những ngày Xuân Tết rộn ràng đông vui nhưng với nhà văn thơ Mai Thảo lúc nào cũng chọn cho ông một cõi riêng tĩnh lặng, ông thích một mình rong chơi khắp cùng thế giới:

Bước một mình qua ngưỡng cửa năm
Nhân gian tịch tịch tiếng mưa thầm
Chợt đâu vẳng tiếng gà lai kiếp
Báo vẫn đêm dầy ở cõi âm...
(Trừ Tịch)

Sách một dẫy nằm trơ trên giá
Cạnh người thân thế cũng trơ trơ
Sách, người hai cõi cùng hư hoại
Mới một ngàn chương thiếu một tờ...
(Lẻ Một)

Ngọn núi nào đâu mà khuất núi
Không nhìn thấy nữa bạn bè ta
Hóa ra núi chỉ là tên suối
Nơi của nằm yên dưới suối vàng
Tôi ở trên đường đi tới suối
Tầu lăn ình ình tầu chuyến cuối
(Núi và Suối)

Mùa đông, nhớ một con đường tuyết
Tịch mịch đi qua một cánh rừng
Rừng ở trên cao, cành trụi lá
Con đường tuyết phủ ấy là ta
(Con Đường Tuyết Phủ)

Một đóa vui cuối ngày mới nở
Đài nửa chừng hoa nhụy đã tan
Nâng bông héo muộn vào Nguyên Đán
Cho cũng riêng mình chút đỉnh Xuân
(Nở Muộn)

Nhà văn, nghiên cứu, biên khảo, giáo sư Vũ Ký đã nhận định về thiên tài Bùi Giáng, ”... Bùi Giáng có biệt tài học và hiểu ngoại ngữ rất nhanh, như Pháp, Anh, Đức ngữ, nên ông đã đi vào thế giới của Simone de Beauvoire, Jean Paul Sartre, Heidegger, Somerset Maugham, của Francois Sagan, của Camus, Henry Miller.. thêm vào những triết lý của Khổng, Lão và Phật Giáo, nên đã làm cho Bùi Giáng sống trong nghịch lý triền miên trong tâm thức.. Tuy nhiên, Bùi Giáng tinh lọc những tuyệt vời nhất để hình thành những dòng thơ rất Đông Phương và cũng rất là Bùi Giáng”:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng: bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
...

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngầu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân...

Dòng thơ Việt như dòng thác đổ từ đầu nguồn Tây Tạng xuyên qua bao ghềnh núi cheo leo, hoang vu vực thẳm vượt nghìn trùng non cao đến những phù sa Cửu Long Giang cây trái mật, để cuối cuộc hành trình đầy trăng sao thơ mộng là hòa tan vào đại dương mênh mông. Mỗi chặng đường là trăm ngàn đóa hoa vi diệu bát ngát hương thơm ngược gió thời đại lưu truyền mãi trong tâm thức nhân gian. Trùng trùng duyên khởi thăng hoa như tên tuổi để đời, của những trang thơ hiện đại như Hoàng Trúc Ly, Cung Trầm Tưởng, Vũ Hữu Định, Viên Linh, Đinh Hoàng Sa, Cao Mỵ Nhận, Tường Linh. Luân Hoán, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Thành Tôn, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Mộng Tú, Huy Trâm, Trần Trung Đạo, Phan Xuân Sinh.. như những vì sao lấp lánh trên bầu trời văn học Việt Nam. Có những bài thơ đọc lại nhiều lần vẫn yêu thích cái không khí cổ kính bàng bạc ”lối xưa xe ngựa hồn thu thảo - nền cũ lâu đài bóng tịch dương...” - thơ của Bà Huyện Thanh Quan.   Chúng tôi vẫn yêu những dòng thơ trữ tình của Nguyên Sa: Áo Lụa Hà Đông, Cần Thiết, Tương Tư, đến Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ:

Em ốm nghe trời lượng đã hao
Em ngồi trong nắng mắt xanh xao
Anh đi giữa một ngàn thu cũ
Nhớ mãi mùa thu bẽn lẽn chào

Anh nhớ em ngồi áo trắng thon
Ngàn năm còn mãi lúc gần quen
Em gầy như liễu trong thơ cổ
Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường

Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng
Có trời lau lách chỗ hư không
Anh tìm âu yếm trong đôi mắt
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông

Anh nắm tay cho chặt tiếng đàn
Tiếng mềm hơi thở, tiếng thơm ngoan
Khi nghe tiếng lạnh vào da thịt
Nhớ tiếng thơ về có tiếng em...

Trên những chặng đường trôi nổi thăng trầm theo mệnh nước, theo cuộc đời nương tựa nơi chốn bụi hồng, đã tạo cho chúng tôi những nhận định về cõi thơ Du Tử Lê, chàng lãng tử đã ăn ở thủy chung với văn chương Việt Nam lâu dài nhất. Chúng ta có thể tìm thấy tâm trạng khắc khoải, u trầm trong Thơ Tình, Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà, Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau, Mẹ-Về Biển Đông, Người Nhón Gót Thả Diều Chưa Nói Hết..
...

Cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
Cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
Cõi vui nhân thế cõi già
Cõi lang thang mượn mái nhà hư không
Cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
Cõi con muốn bỏ, cõi chồng, vợ, xa
Cõi em muốn dạt chân về
Cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
Cõi nào cõi thật, tôi riêng?
Cõi đêm máu chảy, cõi thương, nhớ, trùng
Cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
Thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu
Cõi đời đó, có chi đâu!

Chỉ bài thơ nầy thôi, Du Tử Lê đã vẽ lên chân dung đích thực, và chúng ta cảm nhận rõ nét nhất: Du Tử Lê người lãng tử hạnh phúc. Ông đã vượt tới cái tâm thức bát nhã, cái thể lý đồng nhất của tạo hóa, rong chơi suốt bốn mùa hoa cỏ ngát thơm. Tiếng vọng lại bên kia bờ tử sinh chỉ còn là cõi tâm động hoang vu ngoài biên giới của tình yêu thơ mộng.. (Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt..).

Đi sâu vào thế giới thơ văn của tiền nhân, bằng hữu... càng bị cuốn hút vào cõi mê hoặc không lối ra. Thời gian thì qua mau, ”ngày xuân con én đưa thoi”, mới sớm mai đã nắng chiều hiu hắt trên ngọn cây thông già.

Thiền Sư K. S. Dhammananda đã nhận định về con người hiện đại không nghe tiếng nói của thiên nhiên vì quá bận bịu với lòng ham muốn vật chất và lạc thú. Hoạt động tâm thần của người đó quá mải mê với những thú vui trần tục nên đã chểnh mảng không lưu ý tới sự cần thiết của chính tâm trí mình. Thái độ bất thường của con người hiện đại dẫn ngay đến kết quả trong một nhận định sai lầm về đời sống trên thế gian và về mục đích tối hậu của cuộc đời. Đó là nguyên nhân của tất cả các mối thất vọng, lo âu, sợ hãi, bấp bênh trong hiện tại...

Qua những kinh nghiệm thật nhỏ bé thu nhận trong cuộc hành trình trên sáu mươi năm nơi cõi tạm trần gian, đến lúc chúng tôi hiểu được ”Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường...”. Hãy tự vỗ về nỗi khổ đau trong từng giây phút tĩnh tâm an lạc, bằng những thăng hoa tư tưởng hướng thiện. Như trong vườn hoa mỗi sớm mai vẫn an nhiên nở rực rỡ dưới ánh mặt trời trước hiên nhà, mặc dù chỉ ngắn ngủi một ngày thôi, rồi sẽ tàn tạ trong lặng lẽ cuộc đời. Bao giờ cũng nên tâm niệm, hãy cố gắng làm cho thế giới chung quanh chúng ta có một đời sống tốt đẹp hơn, như những trang sách quý đã tạo cho chúng tôi niềm hạnh phúc thật sự sáng hôm nay, những phút giây mở ra bầu trời mùa Xuân khởi điểm một năm mới đầy niềm tin và hy vọng.  Như Thiền Sư Mãn Giác đã dặn dò đệ tử qua bài thơ bất hủ lưu truyền, chúng tôi chỉ xin đan cử hai câu cuối:

...Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Tiền đình tạc dạ nhất chi mai...

... Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai...

Cành mai là Chân Như, là ý niệm mầu nhiệm miên viễn vượt không-thời-gian, Tâm thức khởi động từ tiểu ngã đến đại ngã, kết tinh niềm an lạc hiện hữu. Chúng ta phải tự tin và lạc quan trong cuộc sống, dĩ vãng đã qua và ngày mai chưa đến. Hãy an nhiên tự tại phấn đấu vượt qua cho dù cuộc đời nhiễu nhương đau khổ hằng sa thử thách. Cho dù dòng suối đã cuồn cuộn sông ra biển, nhưng sẽ bốc hơi thành mưa tắm mát núi non ruộng đồng cố quận. Tri ân tiền nhân và cảm tạ bằng hữu đã cho tôi trọn vẹn một ngày đầu Xuân hỷ lạc cùng với chữ nghĩa văn chương...đậm đà cốt tủy nơi xứ người.

THÁI TÚ HẠP

No comments:

Post a Comment