Friday, November 12, 2021

Nhạc sĩ Đỗ Lễ và Những bài Tình Ca Dang Dở




Khi nhắc đến tên tuổi của nhạc sĩ Đỗ Lễ, nhiều người thường nghĩ ngay đến ca khúc “Sang Ngang”. Tuy đây không phải là ca khúc duy nhất của ông nhưng “Sang Ngang” đã khắc họa trong lòng công chúng yêu nhạc hình ảnh của môt Đỗ Lễ, người nhạc sĩ của những bài tình ca dang dở.

Nhạc sĩ Đỗ Lễ xuất thân từ Hà Nội. Ông từng theo học nhiều trường đại học nổi tiếng ở Sài Gòn nhưng về nhạc thuật thì lại hoàn toàn tự học. Tài liệu ghi lại cho biết là sáng tác đầu tay của ông ra đời lúc ông khoảng 15 tuổi và đến 18-19 thì tên tuổi ông đã được công chúng biết tới.

Đó là lúc ông cho giới thiệu ca khúc “Sang Ngang” của mình.

Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi. Anh hỡi đôi mình mộng nay đã tan, tình đã dở dang. Em khóc những chiều, anh xót xa nhiều, thương cho tình yêu. Nỗi buồn chua cay, khi lòng đổi thay, thôi hết sum vầy.” 

Bài hát theo điệu Boston chậm buồn với giai điệu được phân thành những đoạn ngắn, mang nặng tâm trạng ray rứt, chua xót, khi bùi ngùi, lúc nức nở khóc thương cho một cuộc tình không thành. Ca sĩ Hoài Xuân là người đầu tiên trình bày ca khúc này tại phòng trà. Bài hát nhanh chóng được công chúng đón nhận và đưa tên tuổi của ông đến gần giới thưởng ngoạn. Sau “Sang Ngang”, người ta còn thấy có “Tan Vỡ”

“Bao nguồn vui đã mất, lòng chết theo ngàn tiếng ca

Nghe niềm đau day dứt hoa lá nức nở xót xa

Ôi làn da thơm hương trinh dâng lên tuyệt vời

Ôi bờ môi thắm thơ ngây in trong nụ cười

Khi tình yêu đã đến lòng đắm say ngàn ước mơ

Ôi mộng tình đôi lứa êm ái như ngàn ý thơ

Khi tình tan vỡ tan theo mơ uớc mot đời

Trong niềm băng giá con tim thổn thức không nguôi

Em ơi, nếu biết thế thà đừng quen nhau

Ðừng mơ phút ban đầu cho tình ta thêm lâu

Em ơi, nếu biết thế thà đừng yêu nhau

Ðừng yêu phút ban đầu cho tình ta thêm sâu.

Phấn son chưa nhạt môi hồng,

Xa xôi em còn nhớ không?

Một chiều mưa bay giăng giăng,

Anh gửi màu hoa tím

Như màu máu con tim đang tàn lửa hương duyên

Một mai mang xuống tuyền đài

Bóng hình em muôn kiếp không phai

Bài hát nguyên là một bài thơ mang tên “Lạnh Hương Nguyền” của thi sĩ Huyền Linh. Nhạc sĩ Đỗ Lễ sáng tác phần nhạc cho ca khúc này và không biết vì lý do gì mà lại ký tên là Đỗ Huyền. Cả hai ca khúc “Sang Ngang” và “Tan Vỡ” đều có chung một chủ đề là tiếng lòng thổn thức của một người yêu gửi đến một người yêu khi cuộc tình đã không thành. Tuy vậy khi nghe hai bài nhạc thì ai cũng thấy ở ‘Tan Vỡ-Lạnh Hương Nguyền”, sự đau đớn đã thấm sâu vào da thịt của tác giả. Nó mang đến cho người nghe tâm trạng chán nản, gần như là tuyệt vọng.

Người ta nói hai ca khúc này được nhạc sĩ Đỗ Lễ sáng tác cho mối tình đơn phương của mình với ca sĩ Lệ Thanh. Không hiểu có bao nhiều phần trăm sự thật về câu chuyện này nhưng công chúng đã đón nhận cả hai ca khúc một cách nồng nhiệt. Nhiều ca sĩ tên tuổi đã trình bày ca khúc này và chính ca sĩ Lệ Thanh cũng đã trình bày và cho thu thanh vào dĩa nhựa ca khúc được cho là viết về mình, cho mình của nhạc sĩ Đỗ Lễ.

Nhưng sau khi ca sĩ Lệ Thanh lên xe hoa rồi giải nghệ nghiệp cầm ca, nhạc sĩ Đỗ Lễ vẫn tiếp tục sáng tác và các ca khúc của ông vẫn tiếp tục làm rơi lệ người nghe. Người ta thấy ông cho giới thiệu “Tàn Phai”, “Chia Ly”, “Phũ Phàng”, “Lụy Tình”, “Tình Buồn”, “Rạn Vỡ”, “Tuyệt Vọng” rồi “Tình Phụ”. Đặc biệt là “Tình Phụ”. Bài hát đã được chọn làm ca khúc chính cho phim “Nàng” do hãng Việt Nam Phim sản xuất và đã vinh dự được chọn vào chung kết giải “Những Bài Nhạc Phim Hay Nhất” tại đại hội điện ảnh Á Châu năm 1970, được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.



Dĩ nhiên nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng có nhiều sáng tác về những đề tài khác. Ông có viết về Quê Hương hay về Mùa Xuân với những sinh hoạt đậm đà màu sắc dân tộc. Nhưng hình như cái bi thiết của mồi tình đầu đời bị dang dở đã vận vào cuộc đời ông nên công chúng chỉ nhớ đến Đỗ Lễ như người nhạc sĩ với những sáng tác nhuốm màu bi ai và tan vỡ.

Ông mất ngày 24 tháng 3 năm 1997, trong cô độc tại căn nhà trọ ở Sài Gòn. Người ta cho là ông tự kết liễu đời mình. Nhiều người có thể đã chau mày khi nghĩ đến sự yếu đuối và tâm hồn nhạy cảm quá độ của nhạc sĩ Đỗ Lễ. Chúng ta, những người đã nghe nhạc của ông, nên cúi đầu cảm tạ những đóng góp của ông. Nhờ vào những rung động đó của người nghệ sĩ, chúng ta mới có được những tác phẩm sống mãi với đời và làm cho hồn nhạc Việt ngày càng trở nên phong phú và đa dạng.


Chu Văn Lễ

Vancouver ngày 16 tháng 9 năm 2016

No comments:

Post a Comment