Vịnh Napoli của Ý
Audio
Có những giai điệu quyến rũ mê hồn mà khi nghe thoáng qua, ta cứ ngỡ rằng đó là những khúc nhạc có từ một thời xa vắng. Những giai điệu tưởng chừng xa xưa ấy thật ra lại là bài ca thời nay, nhưng lại dựa vào những truyền thống có từ hơn một thế kỷ. Đó là trường hợp tiêu biểu của hai bài Caruso và Amore Nascoto, còn được gọi là Ammore Annascunnuto.
Ammore Annascunnuto trong tiếng Napoli có nghĩa là Tình yêu chôn giấu, hiểu theo nghĩa thầm kín, cất giấu trong tim, không bày tỏ mà cũng chẳng thổ lộ. Ca từ bài hát được đặt theo thổ ngữ miền nam bán đảo Sicilia chứ không phải là bằng tiếng Ý. Bởi vì để diễn đạt Tình yêu chôn giấu, người Ý sẽ dùng chữ Amore Nascoto.
Trong chương trình phát thanh của RFI kỳ này, mời qúy thính giả và các bạn khám phá lại một số tình khúc tiêu biểu của miền nam nước Ý, trong đó có hai bài đã ra đời cách đây cả một thế kỷ. Còn hai bản Ammore Annascunnuto và Caruso là do các tác giả sau này duy trì cái bí quyết sáng tác những giai điệu du dương dạt dào, nức nở nghẹn ngào.
Tuy có cùng cấu trúc cũng như cú pháp, nhưng tiếng Napoli có phần khác biệt với tiếng Ý ở chính tả và nhất là trong ngữ vựng. Quan trọng hơn nữa là Napoli có một truyền thống sáng tác ca khúc gọi là canzone napoletana (có từ đầu thế kỷ XIX), rất phổ biến trong dân gian, đặc biệt là các làn điệu nenia, khi thì tha thiết lãng mạn, lúc thì sầu bi ai oán. Trường phái này đã cho ra đời nhiều ca khúc lừng danh thế giới, trong đó có bài ‘O Sole Mio ra đời vào năm 1898, do tác giả Eduardo Di Capua soạn nhạc, và do nhà thơ Giovanni Capurro đặt lời.
Bản nhạc thứ nhì là Torna a Surriento (viết theo tiếng Ý là Torna a Sorrento), từng được tác giả Phạm Duy dịch sang tiếng Việt là Trở về mái nhà xưa. Bài này do hai anh em Ernesto và Giambattista de Curtis sáng tác vào năm 1905. Cả hai ca khúc này từng được chuyển dịch, rồi ghi âm lại cả ngàn lần trong rất nhiều thứ tiếng khác nhau. Dựa vào truyền thống ấy, nhiều tác giả thời nay sáng tác ca khúc mới, đậm chất lưu luyến hoài niệm của các bậc tiền bối.
Về điểm này, tình khúc Ammore Annascunnuto ra đời vào năm 2000 và đáng ngạc nhiên thay, giai điệu bản nhạc là của một tác giả người Pháp tên là Bruno Coulais. Nổi danh từ đầu thập niên 1990 trở đi nhờ cái tài soạn nhạc phim cùng thời với bạn đồng nghiệp là Alexandre Desplat, tính tới nay Bruno Coulais đã sáng tác cho hơn 50 bộ phim truyện và phim tài liệu. Trong 20 năm sự nghiệp, anh từng đoạt ba giải thưởng César và hai giải Victoire de la Musique dành cho nhạc phim hay nhất.
Khúc nhạc Ammore Annascunnuto được viết cho bộ phim Comme Un Aimant (Tựa như đá nam châm), còn lời ca thì do nhạc sĩ Felippe Fragione soạn với ca sĩ Mario Castiglia theo tiếng Napoli. Mario Castiglia là người đầu tiên hát ca khúc này, mở đường cho nhiều nghệ sĩ khác của Ý ghi âm lại.
Bài hát này sau đó lọt vào tai của Celine Dion. Diva nhạc nhẹ người Canada, do rất thích bản nhạc này nên mới đưa vào chương trình biểu diễn tại Las Vegas, và Ammore Annascunnuto trở thành ca khúc Napoli duy nhất trong vốn tiết mục biểu diễn của cô trên sân khấu (repertoire). Sau đây là bản phóng tác của RFI :
Kỷ niệm xưa một thời
Về đâu rồi người hởi
Bao khoảnh khắc chôn vùi
Sao trọn đời không nói
Để lại ở đằng sau
Vết tình đầu chôn giấu
Lời thầm kín thuở nào
Chưa một lần tỏ thấu
Muôn ánh sao diệu vợi
Tỏa hào quang sáng ngời
Chói chan ngàn bóng tối
Khi tắt lịm nụ cười
Thắp sáng ngàn nỗi đau
Cả đời chưa hiểu thấu
Thầm cất giữ đời sau
Một mối tình chôn giấu
Hai thập niên trước ngày sáng tác nhạc phẩm Ammore Annascunnuto, một giai điệu khác cực kỳ nổi tiếng là bản Caruso ra đời dưới ngòi bút của tác giả Lucio Dalla. Ông viết bài này vào năm 1986, sau khi đọc quyển tiểu sử về danh ca tenor người Ý Enrico Caruso, một trong những giọng ca nam qúy nhất của làng kịch opera, với tầm vóc huyền thoại tựa như La Callas trong phái nữ.
Bản nhạc của Lucio Dalla chọn bối cảnh của những ngày cuối đời của danh ca Caruso, hấp hối trên giường bệnh, trối trăn những lời cuối cùng với một người phụ nữ mà tùy theo cách diễn giải có thể là người vợ hay là đứa con gái ruột. Trong phần điệp khúc, Lucio Dalla vay mượn khá nhiều cả giai điệu lẫn ca từ một ca khúc Napoli nổi tiếng là bản nhạc "Dicitencello Vuje" do hai tác giả Rodolfo Falvo (nhạc) và Enzo Fusco (lời) viết vào năm 1930.
Độc đáo hay chăng là ở trong phần mở đầu bài hát, Lucio Dalla nói lên được những suy ngẫm trăn trở của một người đàn ông, trước khi vĩnh viễn từ giã cõi đời. Bản nhạc này trở nên sáng tác để đời của Lucio Dalla, đồng thời cho thấy nỗ lực làm giàu cũng như làm mới bộ vựng tập những ca khúc của Napoli. Bài hát sau đó đã được rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi ghi âm lại.
Cả ba giọng ca tenor lừng danh nhất thế giới là Pavarotti Domingo và Carreras đều có hát bài này. Nhưng phiên bản phá kỷ lục là của Pavarotti với hơn 9 triệu đĩa đơn. Sau ông, các nghệ sĩ khác dù là tenor hay baryton, dù xuất thân từ kịch opera chính thống hay là kết hợp nhạc pop với cổ điển, đều trình làng phiên bản của mình. Đó là trường hợp của Andrea Bocelli, Josh Groban, nhóm Il Divo, phía Pháp thì có các ca sĩ như Florent Pagny, Lara Fabian và gần đây hơn nữa là Vincent Niclo.
Dù có hát với lối hòa âm nào đi chăng nữa, người diễn đạt buộc phải lột tả trọn vẹn tất cả những tình cảm ray rức, xâu xé tâm hồn của một người sắp vĩnh biệt cõi trần. Từ những lời kể lể thì thầm ban đầu cho tới đoạn điệp khúc cao trào, đầy nức nở nghẹn ngào, tất cả những cung bậc cảm xúc của một đời người được thu gọn, nén chặt trong cùng một bài hát. Nhờ kỹ thuật luyện thanh, nhiều ca sĩ tạo ra được cái âm sắc mượt mà quyến rũ, nhưng vẫn thiếu cái thần để đủ sức hớp hồn, để diễn đạt tiếng thét nội tâm, chết lịm âm thầm.
Bài Caruso duới đây bị nhạc sĩ Diệu Hương đạo nhạc thành bài "Tình Vọng" do ca sĩ Tuấn Ngọc hát trong CD "Hư Ảo"
Nguồn: RFI / Tuấn Thảo
No comments:
Post a Comment