Wednesday, September 14, 2016

Sách nói về đời sống tình dục của Mahatma Gandhi




Mahatma Gandhi, vốn được coi là một vị thánh tại Ấn Độ, đã giữ giới sắc trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi đã trở thành người lãnh đạo tinh thần của phong trào giải phóng Ấn Độ, Gandhi vẫn có những quan hệ với phụ nữ.

Người ta vẫn thường bàn tán về chuyện này, nhưng sau khi ông mất, các chi tiết về đời sống riêng tư của Gandhi đã nhường chỗ cho biểu tượng mẫu mực của tinh thần dân tộc.

Cuốn sách mới về Mahatma Gandhi, « Gandhi, khát vọng trần truồng » vừa được xuất bản tại Anh hơn 60 năm sau khi ông qua đời. Mahatma Gandhi vốn được coi là một vị thánh tại Ấn Độ . Tác giả cuốn sách, nhà sử học Anh, Jad Adams, đã dựng lại cuộc đời của Mohandas Karamchand Gandhi, có biệt danh Mahatma (có nghĩa là Tâm hồn lớn), người anh hùng trong cuộc đấu tranh giiành độc lập cho Ấn Độ, mà phẩm chất tiêu biểu của ông là đức khổ hạnh, không bị các thú vui trần thế lôi cuốn.

Trả lời phỏng vấn AFP qua điện thoại, tác giả cuốn sách cho biết Gandhi viết nhiều về tính dục. Gandhi lấy vợ và có một đời sống tình dục bình thường. Năm 1885, ông trải qua một cảm giác đặc biệt, đó là sự ghê tởm chính bản thân, khi ông quan hệ với vợ, trong khi cha ông thì đang hấp hối. Năm 1900, Gandhi nhận thấy cấm dục là một điều nên làm. Sáu năm sau, ông nguyện thực hiện giữ giới sắc.

Nhà sử học cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy Gandhi đã phạm giới hạnh mà ông đã tự đặt ra cho mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau này, khi đã trở thành người lãnh đạo tinh thần của phong trào giải phóng Ấn Độ, trái ngược với hình ảnh một vị thánh khổ hạnh mà mọi người thường tưởng tượng, Gandhi vẫn có những quan hệ với phụ nữ.

Cuốn sách kể lại việc ông ngủ cạnh các phụ nữ ở trần tại thảo am (asrham) của ông, trong khi ông lại cấm chồng của những người này quan hệ tình dục với họ trong thời gian ngụ tại chỗ ông. Nhà sử học cho rằng, Gandhi đã « chờ đợi phụ nữ kích thích ông, để ông có thể chứng tỏ khả năng kháng cự với các cám dỗ của mình ».


Lối sống của Gandhi không được nhiều người xung quanh ông tán thưởng. Thủ tướng Nehru cho rằng các sinh hoạt này là không bình thường. Cho đến khi Gandhi bị ám sát năm 1948, người ta vẫn thường bàn tán về chuyện này. Nhưng sau khi ông mất, các chi tiết về đời sống riêng tư của Gandhi đã nhường chỗ cho hình ảnh về ông như biểu tượng mẫu mực của tinh thần dân tộc.

Nguồn: RFI/Trọng Thành

No comments:

Post a Comment