Saturday, June 29, 2024

Khi các tỷ phú có quyền lực hơn cả Nhà nước




RFI - Minh Phương


Theo thống kê từ tạp chí kinh tế Forbes của Mỹ, năm 2024 được coi là năm kỷ lục về số lượng tỷ phú đô la với 2781 tỷ phú trên toàn thế giới, cao hơn 141 người so với năm ngoái. Và họ cũng đang trở nên giàu có hơn bao giờ hết. Tổng tài sản của họ còn cao hơn GDP của cả một đất nước và tầm ảnh hưởng của họ có khi còn lớn hơn cả chính phủ.

Họ là ai? Phải chăng "miệng của kẻ có tiền như có gang có thép?" Tại sao nói họ còn quyền lực hơn cả chính phủ? Quyền lực của họ liệu có phải chỉ đến từ số tài sản kếch xù mà họ sở hữu?

Qua so sánh tài sản của các tỷ phú thế giới mà tạp chí Forbes công bố với số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cùng thời điểm, ta có thể thấy nhiều người trong số họ còn sở hữu tổng tài sản cao hơn tổng sản phẩm quốc nội của nhiều nước. Chẳng hạn như Bernard Arnault (ông chủ tập đoàn LVMH, sở hữu nhiều nhãn hiệu thời trang và làm đẹp xa xỉ bậc nhất thế giới như Louis Vuitton, Dior, Celine, v.v) có tổng tài sản cao hơn GDP năm 2023 của Qatar. Elon Musk, (nhà sáng lập hãng xe điện Tesla và tập đoàn công nghệ không gian SpaceX) với tổng tài sản cao hơn GDP của Hungary. Hay Mark Zukerberg với tài sản cao hơn GDP của Slovakia cùng thời điểm đó.

Không phải "đại gia" nào cũng nắm trong tay quyền lực đủ để ảnh hưởng đến cả thế giới. Đa số những người này chỉ đơn giản là các chủ doanh nghiệp và đương nhiên họ vẫn có quyền lực, chẳng hạn như quyết định đặt công xưởng ở một nước, giúp tạo ra công ăn việc làm cho vài ngàn người ở nước đó hay tác động đến một dự luật về thuế quan mà họ cho rằng có thể gây bất lợi đến việc kinh doanh của mình. Tuy nhiên, có không ít tỷ phú có "thế lực", đủ khả năng tác động đến trật tự thế giới, áp đặt mô hình xã hội của họ lên nhân loại mà không cần nghe theo ý kiến của các chính phủ.

Vì sao họ lại ham muốn quyền lực đến vậy?

Trả lời RFI Pháp ngữ, bà Christine Kerdellant, tác giả cuốn sách “Ces milliardaires plus forts que les États” (Tạm dịch : Những tỷ phú quyền lực hơn Nhà nước) người đã từng thực hiện nhiều nghiên cứu về giới tài phiệt trên thế giới sẽ lý giải cho chúng ta nguyên nhân vì sao các tỷ phú này lại ham muốn quyền lực đến vậy :

“Họ cho rằng các chính phủ không đủ khả năng để lãnh đạo thế giới hay tạo ra các bước tiến cho nhân loại. Thay vào đó, giới cầm quyền chỉ dành thời gian để thu thuế hay áp đặt mọi việc. Những tỷ phú này tin rằng chính họ mới đủ khả năng điều hành, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trên mọi lĩnh vực.”

Ngoài ra theo bà Christine Kerdellant, tâm lý muốn kiểm soát quyền lực của họ cũng có thể bắt nguồn từ những biến cố gia đình thưở thiếu thời :

“Trong cuốn sách được xuất bản trước đó, tôi đã tìm hiểu về nhiều chủ doanh nghiệp lớn tại Pháp trong những năm 1980. Đa số họ đều mất cha từ nhỏ. Vì vậy họ bắt buộc phải trở thành người đàn ông của gia đình để gánh vác mọi chuyện cùng với mẹ. Dần dần, ham muốn quyền lực, nhu cầu được kiểm soát và thúc đẩy mọi chuyện của họ ngày càng lớn hơn so với những người khác.”

Vậy những vị tỷ phú này là ai?

Elon Musk kiểm soát bầu trời

Quay trở lại thời điểm tháng 02/2022 khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, Elon Musk đã cung cấp dịch vụ Internet cho Ukraina thông qua các vệ tinh Starlink mà công ty SpaceX của ông phóng lên. Kể từ đó, khoàng 20.000 thiết bị đầu cuối (terminal) đã được triển khai ở Ukraina cho phép người dân và quân đội nước này truy cập Internet đáng tin cậy và ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công và gây nhiễu của Nga. Theo tờ Washington Post, Starlink thể hiện ưu thế vượt trội hơn hẳn so với các dịch vụ Internet mặt đất truyền thống và bởi vậy nó đã nhanh chóng trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống quân sự của Kiev, giúp binh lính điều khiển drone trong thời gian thực, xác định mục tiêu cho hoả lực pháo binh hoặc đơn giản là liên lạc với gia đình. Thậm chí một sỹ quan chỉ huy của lực lượng Ukraina còn từng nhận định : “Chiến đấu mà không có Starlink ở tiền tuyến giống như ra trận mà không có vũ khí.”

Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, Musk bất ngờ tuyên bố trên mạng xã hội Twitter (sau này là mạng X) rằng ông “không thể tiếp tục tài trợ vô thời hạn cho hệ thống này”. Theo tờ Courrier International, quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ukraina từ chối “kế hoạch hoà bình” mà Elon Musk đề xuất nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraina. Theo đó, vị tỷ phú đề nghị Ukraina từ bỏ bán đảo Crimée và cam kết giữ thái độ trung lập với Nga và phương Tây.

Ông Olivier Lascar, tổng biên tập bộ phận kỹ thuật số của tạp chí Khoa học và Tương lai (Sciences et Avenir), trong cuộc phỏng vấn trên kênh Sénat Public bày tỏ lo ngại khi giờ đây “một cá nhân, một ông chủ dù không được người dân bầu ra nhưng vẫn có thể tác động, thay đổi cục diện của cả một cuộc chiến.”

Ngoài ra Elon Musk còn thừa nhận trong cuốn tự truyện của mình rằng ông từng bí mật ngắt kết nối mạng Starlink để ngăn drone của Ukraina tấn công một hạm đội của quân Nga :

“Khi quân đội Ukraina muốn tấn công một căn cứ hải quân của Nga ở bán đảo Crimée, Elon Musk đã có cuộc điện đàm với một nhân vật thân thích với Putin. Người này đã cảnh báo Elon Musk rằng nếu Ukraina tập kích lần này, Matxcơva sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Elon Musk nói rằng ông ta cảm thấy sợ hãi và bởi vậy đã ngăn Ukraina truy cập Internet vì ông không muốn phải trách nhiệm về một thảm hoạ như Hiroshima.”

Bill Gates nắm giữ sức khoẻ thế giới

Vào năm 2000, tỷ phú Bill Gates và vợ đã quyết định thành lập quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates (BMGF) với mục đích cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, xoá đói giảm nghèo trên thế giới. Từ lâu quỹ Gates đã là một trong những tổ chức phi chính phủ quyền lực nhất hành tinh với nguồn vốn hỗ trợ lên tới 46,8 tỷ đô la tính đến năm 2018. Con số này thậm chí còn cao hơn GDP của Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) hay Jordanie vào cùng thời điểm. Nếu quỹ Gates là một Nhà nước thì đây sẽ là quốc gia giàu thứ 91 trên thế giới, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).

Quỹ Gates cũng là nhà tài trợ lớn cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề sức khoẻ, đặc biệt là cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo số liệu năm 2020-2021 trên trang web chính thức của WHO, quỹ Bill and Melinda Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Đức, với số tiền lên tới 751 triệu đô la. Là nhà tài trợ lớn, đương nhiên ảnh hưởng của Bill Gates đến tổ chức này cũng không nhỏ. Politico trích lời đại diện một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Geneve, Thuỵ Sĩ, cho biết “Ở WHO, ông ấy được đối xử như một nguyên thủ quốc gia.” Phân tích về tầm ảnh hưởng của quỹ Gates, bà Stéphanie Tchiombiano, giảng viên khoa khoa học chính trị tại đại học Panthéon Sorbonne Paris cho biết :

Quỹ Gates có thể ảnh hưởng đến các chính sách y tế thế giới thông qua nhiều kênh như : hiện diện trong các hệ thống quản lý y tế toàn cầu, là một thành viên trong nhóm không chính thức H8 (Health 8) quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới về y tế. (…) Nhiều người còn lo ngại rằng các quyết định của WHO đều phải đợi quỹ Gates phê duyệt thì mới được thông qua.

Còn theo tờ Politico, có người thậm chí đã chỉ trích rằng ưu tiên của Bill Gates giờ đây đã trở thành ưu tiên của WHO. Theo quan điểm của họ, thay vì tập trung vào việc nâng cao hệ thống chăm sóc y tế lâm sàng ở một số nước kém phát triển để ngăn chặn các đại dịch có thể bùng phát trong tương lai hay các loại bệnh thông thường khác thì WHO lại chi một nguồn lực quá lớn cho các dự án chống lại một số loại bệnh đặc biệt mà Gates ưu tiên như sốt rét hay bại liệt. Những người chỉ trích cho rằng các tổ chức y tế cũng như quỹ Gates đã quá đề cao quan điểm cá nhân của chủ tịch Microsoft thay vì nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế.

Và hậu quả là gì? Theo điều tra của tờ Los Angeles Times, trước khi quỹ Gates xuất hiện, nhiều nước châu Phi vốn đã phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng. Sau đó Gates đến và “đổ phần lớn đóng góp vào cuộc chiến chống một số loại bệnh cụ thể như bại liệt hay AIDS, làm tăng nhu cầu đào tạo chữa trị các loại bệnh này và các bác sĩ chuyên về những bệnh này cũng được trả lương cao hơn”, gây ra tình trạng chảy máu chất xám. Số lượng bác sĩ đa khoa vốn đã ít ỏi nay lại chuyển sang các lĩnh vực chuyên khoa này khiến cho người dân tại các nước châu Phi cận Sahara ngày càng khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc cơ bản.

Ngoài ra, cũng có nhiều đồn đoán xung quanh quỹ Gates, như quỹ được thành lập ra để giúp các tỷ phú trốn thuế hay rửa tiền thông qua các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên vẫn chưa có chứng cứ xác thực nào được đưa ra để chứng minh cho những lời đồn này. Bên cạnh đó cũng có nhiều người cho rằng : “Tôi không nghĩ là họ có ý đồ xấu. Họ chỉ đơn giản là những người chơi lớn, đến mức mà nếu họ rút tiền ra thì cuộc chơi sẽ kết thúc”, Politico dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên.

Mark Zukerberg thống trị truyền thông

Sáng đăng tải một dòng trạng thái lên Facebook, trưa chia sẻ một hình ảnh lên Instragram, chiều gửi một tin nhắn qua Messenger và tối gọi một cuộc điện thoại qua Whatsapp, một ngày làm việc bình thường của người trẻ hiện nay. Trong thời đại công nghệ số, thật không dễ để tìm được một người không dùng đến bất cứ mạng xã hội nào trong số này. Và cả bốn nền tảng trên đều thuộc tập đoàn Meta, một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới do Mark Zukerberg sáng lập.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Meta, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn bộ hệ sinh thái Meta rơi vào khoảng 3,88 tỷ người, một con số khổng lồ. Nắm trong tay dữ liệu của một phần ba dân số thế giới, ông chủ Facebook hiển nhiên có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn.

Theo bà Christine Kerdellant, “Mark Zukerberg có thể tác động đến cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ. Trước đó, Mark Zukerberg đã từng cho phép một trường đại học tiếp cận với cơ sở dữ liệu của Facebook với mục đích ban đầu nhằm thực hiện một cuộc khảo sát. Tuy nhiên sau đó, trường đại học này đã bán những dữ liệu được cung cấp cho một công ty làm việc cho cơ quan vận động tranh cử của Donald Trump và cho cả một số chính khách của Anh Quốc, những người theo chủ nghĩa Brexit (đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu). Những người trả lời khảo sát, khoảng gần một triệu người, cho biết họ đã nhận được những tin nhắn, quảng cáo được cá nhân hoá gây ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Đa số những tin nhắn này đưa ra những nhận định tích cực về Trump và tiêu cực về Hilary Clinton.”

Không chỉ thay đổi được lá phiếu của các cử tri, các nền tảng mạng xã hội của Mark Zukerberg còn có thể thay đổi cả quan điểm thẩm mỹ của người dùng :

“Theo số liệu từ Viện thẩm mỹ Champs Élysées ở Paris, Pháp, số lượng người trẻ từ 15-25 tuổi đến yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng lên gấp 10 lần. Họ muốn phẫu thuật vì họ đã quen với những hình ảnh của bản thân trên những filter (công nghệ chỉnh sửa hình ảnh) có sẵn trên Facebook hay Instagram. Thường xuyên nhìn vào khuôn mặt của mình thông qua những filter làm đẹp này, họ thấy bản thân trẻ hơn, đẹp hơn, không còn những khuyết điểm, các bộ phận như mắt, mũi, lông mày, v.v đều được chỉnh sửa lại. Và sau đó những người trẻ này đến các viện thẩm mỹ để yêu cầu chỉnh sửa lại mặt mình cho giống với những hình ảnh trên các filter kia.”

Chấp nhận đau đớn và tốn kém, nhiều người trẻ giờ từ chối khuôn mặt thật để đeo lên lớp mặt nạ giả, chạy theo một thế giới ảo mà các nền tảng mạng xã hội tạo ra. Và ông chủ Meta, thay vì có những biện pháp để ngăn ngừa hay cảnh báo, trước khi người trẻ, đặc biệt là trẻ em, sa lầy trong thế giới ảo đó, thì lại biến nó ngày càng trở nên cuốn hút hơn, gây nghiện hơn, miễn sao có thể giữ chân họ ở lại càng lâu càng tốt để tiện cho việc quảng cáo.

Vậy các chính phủ có thể làm gì để hạn chế quyền lực của những tỷ phú này?

Bà Christine Kerdellant nhận định : “Ta có hai cách. 
  • Cách đầu tiên là làm như chính quyền Trung Quốc. Cách của họ là ngăn chặn các doanh nghiệp Mỹ phát triển ở Trung Quốc, thay vào đó là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, tạo thế cân bằng giữa các tỷ phú Trung Quốc với Mỹ. Rồi đến một ngày, khi các doanh nghiệp này đã lớn mạnh và có đủ khả năng đe doạ đến quyền hành của chính phủ Trung Quốc trong một số lĩnh vực, cây gậy bấy giờ mới bắt đầu được giáng xuống. Chẳng hạn như Jack Ma, vị tỷ phú ngày càng giàu có và quyền lực, ông chủ của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba với vị thế ngang ngửa Amazon, chỉ sau một lần chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp thụt lùi mà đã phải trả giá đắt. Trung Quốc và Tập Cận Bình sau đó đã quyết định phải “quản lý” lại các chủ doanh nghiệp. Jack Ma đã bị giam giữ trong ba tháng và chịu cảnh « tra tấn trắng ». Ông không bị nhốt trong một nhà tù mà là một khách sạn, nơi mà ánh đèn trắng được bật suốt cả ngày để tra tấn tinh thần. Sau đó, họ thuyết phục Jack Ma rằng ông ta phải từ bỏ tập đoàn của mình vì lợi ích của nước Trung Quốc, ông ta phải để cho chính phủ can thiệp vào việc kinh doanh của Alibaba. Sau khi Jack Ma bị bắt, tập đoàn của ông đã mất ba phần tư giá trị thương mại và bản thân ông cũng chỉ còn nắm giữ 8% cố phần của tập đoàn này. Và sau đó, chế độ Tập Cận Bình đã làm tương tự với các công ty khác thuộc BATX (các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bao gồm : Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi). 60 tỷ phú trong số 600 tỷ phú Trung Quốc đã biến mất, trong đó có nhiều người đã phải rời bỏ quê hương, nhiều người khác thì bị bắt hoặc bị yêu cầu phải bỏ lại quyền lợi của mình ở các tập đoàn mà chính mình đã lập ra.
  • Cách thứ hai là làm như châu Âu, vốn không thể thực hiện các biện pháp như Trung Quốc. Họ cố gắng mua lại 900 công ty, tức là muốn diệt từ trong trứng việc cạnh tranh và hưởng lợi từ những gì mà các công ty này tạo ra. Ngoài ra còn các biện pháp về thuế quan, như áp 15% mức thuế tối thiểu toàn cầu với các công ty đa quốc gia, v.v”
Thật khó có thể phủ nhận tài năng cũng như những đóng góp của các vị tỷ phú này cho xã hội. Họ thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện đời sống và tạo ra các bước tiến cho nhân loại. Cảm ơn và thậm chí là biết ơn họ, đương nhiên. Nhưng phải chăng vì vậy mà người dân và các chính phủ - đại diện của người dân – chấp nhận trở thành quân tốt trên bàn cờ của các tỷ phú?

RFI - Minh Phương

No comments:

Post a Comment