Huy hiệu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (Ảnh Wikipedia)
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa - Nguyễn Văn Thiệu (sinh ngày 5.4.1923 - mất ngày 29.9.2001)
Audio: Tưởng Niệm Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lần giỗ thứ 7 (29.9.2001 - 29.9.2008)
Giọng đọc: Đoàn Trọng Hiếu - Duy Tâm
Nước Việt Nam Cộng Hòa chỉ tồn tại được hai mươi năm, trải qua hai nền Cộng Hòa, dưới sự lãnh đạo của bốn đời tổng thống: Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương và Dương Văn Minh. Một đất nước nhỏ bé chỉ có mười tám triệu dân đã anh dũng chiến đấu chống lại một đại khối cộng sản mười ba nước với số dân hơn một tỉ người, với đạo quân tiền kích hiếu chiến hiếu sát của chúng là quân đội cộng sản Bắc Việt. Dẫu Bắc Việt đã nhận được sự viện trợ gần như vô giới hạn của khối cộng, đặc biệt Liên Sô và Trung Cộng từ sau ngày Hiệp Ðịnh Ba Lê 27.1.1973, dẫu Việt Nam Cộng Hòa đã bị cái gọi là “đồng minh, bạn” bỏ rơi một cách tàn nhẫn, quân đội Bắc Việt vẫn phải rất khó khăn khi tiến vào ngưỡng cửa Sài Gòn ngày 30.4.1975, và sẽ không hy vọng thắng bằng quân sự, nếu Ðại Tướng Dương Văn Minh quyết định đánh tới cùng. Hai chiến thắng ở Thủ Thừa, Long An, của Sư Ðoàn 7 Bộ Binh với người hào kiệt Ðại Tá Ðặng Phương Thành, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 12 Bộ Binh và người dũng tướng Lê Minh Ðảo, Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh ở Xuân Lộc, đã khẳng định rằng, khi mặt đối mặt trên chiến trường, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn chiến thắng.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quan sát bản đồ Đông Á(Ảnh Wikipedia)
Ba mươi năm dài đã trôi qua mà niềm uất nhục của từng Người Lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn như những vết thương hãy còn sưng tấy và nưng mủ, khi mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc quá khứ người ta buộc các anh phải buông súng. Cộng sản Hà Nội nên nhớ rõ rằng, Người Lính QLVNCH chỉ buông súng theo lệnh của hàng tướng Minh, chứ không phải chiến bại trên chiến trường. Lịch sử đã ghi nhận rõ ràng điều đó, các thế hệ sau cũng sẽ rõ được uẩn khúc đó. Ngày nay, Trung Cộng đã công khai công bố bản văn bán nước của cộng sản Hà Nội thông qua việc Hồ Chí Minh lệnh cho Phạm Văn Ðồng gởi công hàm ngày 14.9.1958 công nhận lãnh thổ lãnh hải của Trung Cộng, trong đó bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản công bố này chắc chắn sẽ được bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng phổ biến rộng rãi trong quần chúng Việt Nam và toàn thế giới, để người dân biết được bộ mặt bán nước của cộng sản Hà Nội, và để hợp thức hóa chủ quyền và quyền khai thác tài nguyên trên những quần đảo này của Trung Cộng. Thế giới sẽ đương nhiên được an toàn khi ký kết những công trình khai thác dầu và khí ở đó. Nhân dân Việt Nam sẽ quăng vào mặt cộng sản Hà Nội kèm theo những bãi nước bọt bản văn bán nước nhục nhã này, chúng còn gì để rêu rao và để bào chữa nữa.
Ðất nước và nhân dân Việt Nam bất hạnh, Miền Nam dũng cảm kiêu hùng cũng bất hạnh. Bất hạnh không phải vì không đánh đuổi được giặc cộng, mà là vì chiến đấu trong nỗi cơ đơn cay đắng và cơ cực. Những người lãnh đạo của hai nền Cộng Hòa đã gồng gánh trên vai sức nặng của cuộc chiến đối đầu với quân địch đã đành, mà còn còng lưng dưới sức nặng phi lý và không cần thiết của những sự thiếu hiểu biết, kiêu ngạo với đồng minh nhưng khiếp nhược trước kẻ thù của người Mỹ. Chính những tướng lãnh và sử gia Hoa Kỳ đã khẳng định sự thật đó. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị giết chết, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị buộc phải từ chức, đều phản ảnh nỗi bất hạnh của quân dân Việt Nam Cộng Hòa.
Trong lần tưởng niệm Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhân ngày Giỗ Thứ Bảy của ông, chúng ta cùng ngậm ngùi lật lại vài trang sử cũ có liên quan đến đời binh nghiệp và những năm lãnh đạo đất nước của ông. Một người lãnh đạo trong tư thế đối đầu với mọi thế lực bạn lẫn thù, một cá nhân nhỏ bé mà phải đương cự với hầu hết những tay lãnh đạo sừng sỏ nhất của thế giới, một con phượng hoàng ở giữa bầy hổ lang: Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh, Lê Ðức Thọ, Breznev, Kossygyn, Nixon, Kissinger. Và còn nhiều nữa, chưa kể đến nội thù mang đủ mọi màu áo tôn giáo và chính kiến. Thế mà ông đứng vững được đến tám năm, mà có lúc đã đem đến cho Miền Nam một nền kinh tế thịnh vượng trong bối cảnh tàn phá của chiến tranh. Tưởng công nghiệp ấy không phải người lãnh đạo nào cũng có thể làm được. Trong thời gian qua, chúng tôi may mắn tìm thấy được một vài tài liệu về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đặc biệt phần lược sử chính thức về ông do Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa biên soạn và phát hành năm 1971. Chúng tôi xin lược dịch toàn bộ văn bản này. Ðồng thời chúng tôi cố gắng sắp xếp và bổ sung thêm một ít hình ảnh theo thứ tự những năm chấp chánh của Tổng Thống Thiệu, cùng chia sẻ với độc giả, huynh trưởng quân đội và chiến hữu, để gọi là thay thế cho những nén hương hoài niệm về những cống hiến của ông cho dân tộc và tổ quốc.
“Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là vị Tổng Thống thứ hai của Việt Nam Cộng Hòa và cũng là vị Tổng Thống thứ nhứt của của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa sau Hiến Pháp ngày 1.4.1967.
Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5.4.1923 tại làng Trị Thủy, tỉnh Ninh Thuận, thuộc phía Nam miền Trung. Ông Thiệu xuất thân từ một gia đình nông dân có một cuộc sống trung lưu nhờ vào sự cần mẫn trong công việc đồng áng. Ông bà thân sinh của ông Thiệu luôn chăm chỉ làm lụng để nuôi dưỡng đàn con năm người, ba trai và hai gái. Nhưng người anh chị em này cũng đã luôn giúp đỡ lẫn nhau trong sự sinh sống. Những năm niên thiếu, ngoài việc cắp sách đến trường cho đến khi vào trung học, ông Thiệu đã giúp hai người chị gái trong công việc buôn bán.
Trong những năm cuối của Ðệ Nhị Thế Chiến, từ 1945-1946, như hầu hết những người trai trẻ trong thời chiến, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thiệu tạm xếp bút nghiên theo tiếng gọi đất nước, tham gia vào những nhóm thanh niên yêu nước trong phong trào có danh xưng là Tái Kiến Thiết Quốc Gia (National Reconstruction), một tổ chức trá hình của Việt Minh. Tuy nhiên, chàng thanh niên Thiệu đã sớm nhận ra rằng trong thời hỗn mang ấy, cộng sản đã lợi dụng lòng yêu nước của những người Quốc Gia để áp đặt lên nhân dân Việt Nam một chủ nghĩa xa lạ, ngoại lai. Ông Thiệu quyết định từ bỏ hàng ngũ Việt Minh để theo đuổi lý tưởng của riêng ông. Ðó là lý tưởng Quốc gia chân chính.
Năm 1948, Trường Võ Bị Quốc Gia được thành lập. Khóa học thứ nhứt của Trường Võ Bị được khai giảng tại Huế để đào tạo sĩ quan chỉ huy cho Quân Ðội Quốc Gia. Trước khi vào Trường Võ Bị, ông Thiệu cũng đã tốt nghiệp Trường Hàng Hải Thương Thuyền, nhưng ông đã nhận thức rằng chỉ là ở Quân Ðội ông mới có cơ hội thực sự chiến đấu chống giặc cộng sản. Năm 1949, chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Thiệu tốt nghiệp Khóa I Võ Bị Quốc Gia với cấp bậc Thiếu Úy.
Suốt cuộc chiến tranh 1949-1954, từ chức vụ Trung Ðội Trưởng lên đến Trung Tá Trung Ðoàn Trưởng, rồi Tiểu Khu Trưởng, bước chân của ông Thiệu đã từng đặt lên mọi miền đất nước từ Nam, Trung và Bắc. Từ đồng bằng Miền Tây đến Hưng Yên, Phủ Lý ở Miền Bắc, trở vào Miền Trung trong chiến dịch năm 1954. Trong khoảng thời gian chỉ huy trên nhiều mặt trận đó, là một người lính chiến đúng nghĩa nhất, ông Thiệu đã góp vào những trang chiến sử những chiến thắng lừng lẫy. Ông được chiến sĩ và quân đội biết đến như là một người lính dũng cảm và chân chính, với tài lãnh đạo đơn vị và chỉ huy trên chiến trường. Ông còn chứng tỏ tài năng trong lãnh vực tham mưu quân đội.
Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu được đề cử đi tham dự nhiều khóa học ở ngoại quốc, như ở Trường Bộ Binh tại Coetquidan, Pháp quốc năm 1949. Tám năm sau, ông được củ đi học khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu cao cấp ở Hoa Kỳ tại Trường Leavenworth, rồi năm 1960 tại trường Forth Bliss. Ngoài ra, Trung Tá Thiệu đã tham dự một khóa học ở Okinawa năm 1959.
Với những kinh nghiệm già dặn ở cả hai lãnh vực quân sự và lãnh đạo chỉ huy trong chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Khu II và Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, Trung Tá Thiệu được cất nhắc làm Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Ðà Lạt năm 1956. Trung Tá Thiệu đã góp công đào tạo hàng ngàn cấp chỉ huy hiện dịch ưu tú cho Quân Ðội trong bốn năm trách nhiệm. Với những thành quả to tát đó, ông xứng đáng được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vinh thăng lên Ðại Tá, rồi được bổ nhiệm làm Tham Mưu Phó Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Liên Quân trong năm 1960. Sang năm 1961, Ðại Tá Thiệu được đề cử trông coi Sư Ðoàn 1 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 11 Chiến Thuật, chịu trách nhiệm giữ yên bình cho toàn khu vực gọi là Khu Phi Quân Sự (Demilitarized Zone) bao gồm luôn phần lãnh thổ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Tháng 12.1962. Ðại Tá Thiệu từ giã Sư Ðoàn 1 Bộ Binh trở về Miền Nam trông coi Sư Ðoàn 5 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 32 Chiến Thuật bao gồm phần lãnh thổ của 9 tỉnh thuộc khu vực Miền Ðông.
Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, Ðại Tá Nguyễn Văn Thiệu được Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng tín nhiệm trong chức vụ Tham Mưu Trưởng Lục Quân, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, kiêm Tổng Thư Ký Hội Ðồng Quân Lực (The Armed Forces Council). Cuộc đời binh nghiệp của Thiếu Tướng Thiệu vẫn xoay chuyển không ngừng, với chiều hướng đi lên, khi ông được đề bạt lên làm Tư Lệnh Vùng IV Chiến Thuật. Khi từ giã Miền Tây, ông lại được đề cử làm Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng.
Tháng 6.1965, khi chính phủ dân sự của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho Quân Ðội, Hội Ðồng Quân Lực với 10 ủy viên đã bỏ phiếu kín bầu Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu trong cương vị Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, một chức vụ hành xử như Quốc Trưởng của Việt Nam Cộng Hòa. Tiếp nối truyền thống dân chủ của nền Ðệ Nhứt Cộng Hòa, Trung Tướng Thiệu đã đắc cử Tổng Thống trong lần bầu cử ngày 3.9.1967, với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Phó Tổng Thống. Tổng Thống Thiệu tuyên thệ nhậm chức, tuyên thệ trung thành với dân tộc và tổ quốc ngày 31.10.1967, mở đầu cho một trang sử mới và là bước đầu tiên của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.
Là một vị tướng chiến trường xuất sắc, Trung Tướng Thiệu đã được trao gắn rất nhiều huy chương Quân Ðội như sau:
- Ðệ Nhị Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương
- Ðệ Nhất Ðẳng Lục Quân Huân Chương
- Ðệ Nhất Ðẳng Không Quân Huân Chương
- Ðệ Nhất Ðẳng Hải Quân Huân Chương
- 11 huy chương các loại
- Lãnh Ðạo Bội Tinh, v.v..
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng bà Ðệ Nhứt phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh, người sinh quán ở Mỹ Tho, tỉnh Ðịnh Tường, có hai người con (ở thời điểm 1971) là Nguyễn Thị Tuấn Anh, 17 tuổi và Nguyễn Quang Lộc, 10 tuổi. Bà Thiệu là đương kim Chủ Tịch Hội Bảo Trợ Gia Ðình Binh Sĩ QLVNCH (National Association for the Protection of Military Dependents). Bà còn là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội Việt Nam (Vietnamese Women-In Service to the Society Association), đã khởi công xây dựng Bệnh Viện Vì Dân, là bệnh viện tân tiến nhất của Việt Nam”.
Từ năm 1971-1975, Tổng Thống Thiệu tiếp tục cương vị Tổng Thống nhiệm kỳ 2 với cụ Trần Văn Hương làm Phó Tổng Thống. Sau chiến thắng ngoại biên Kampuchea của cả ba Quân Ðoàn II, III và IV từ tháng 4.1970, quân cộng chạy trối chết ẩn náu sâu trong nội địa đất Miên, Tổng Thống Thiệu và nội các chánh phủ đã có được chút thời gian để phát triển kinh tế quốc gia. Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa được hồi sinh, doanh gia bắt đầu mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, nền kinh tế sáng sủa và có nhiều thành quả lớn. Hãng Citreon Pháp thiết lập lập cơ xưởng ráp xe ở Sài Gòn, Quân Ðội xúc tiến việc thiết kế sản xuất xe “Jeep Citreon” thay thế cho lại xe Jeep chính cống của Mỹ. Những cơ xưởng kỹ nghệ điện tử, truyền thanh truyền hình phát triển mạnh. Nền tài chánh Việt Nam gặt hái nhiều tiến bộ đáng kể với việc thành lập nhiều ngân hàng tư thu hút tiền vốn từ quần chúng. Nhưng đặc biệt và nhiều ý nghĩa hơn hết phải là việc ban hành Luật Người Cày Có Ruộng (Land for Tillers) được Tổng Thống Thiệu long trọng ban hành ngày 26.3.1970 tại Cần Thơ, thủ phủ Miền Tây, trong đó mỗi nông dân chưa có ruộng riêng được cấp phát 3 mẫu ruộng (mỗi mẫu rộng 10.000 thước vuông, 100mx100m) miễn phí. Thuế viên trạch hàng năm chỉ đóng vài trăm đồng Việt Nam tượng trưng, tất cả số huê lợi từ ruộng rẫy, nông dân hoàn toàn sử dụng, không phải giao nộp chánh phủ một hột lúa hay một củ khoai nào. Các cửa hàng doanh thương mua bán nhỏ, thí dụ như những tiệm chạp phô, tiệm may, quán ăn, v.v... cũng chỉ đóng thuế môn bài vài trăm đồng cho một năm. Chúng ta cũng nhớ lại rằng, lương tháng một công chức hay một giáo sư trung học lúc đó trong khoảng 20 đến 25 ngàn đồng, hoặc lương một anh binh nhì khoảng 18.000 đồng, thiếu úy chừng 21.000 đồng, thì thuế nông nghiệp và doanh nghiệp hằng niên chỉ có khoảng 200 ố 300 đồng, là một con số thật nhỏ bé.
Ngày 29/08/1970 phát hành bộ tem "Người cày có ruộng" . (Tem ảnh của Nora Lãng Du)
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp phái đoàn Hải quân Hoa Kỳ (Ảnh Wikipedia)
Ngày 21.4.1975, Tổng Thống Thiệu lên đài truyền hình quốc gia đọc diễn văn từ giã dân chúng và Quân Ðội. Ông cay đắng nói nhiều lời trách cứ Hoa Kỳ tàn nhẫn bỏ rơi đồng minh. Chức vụ Tổng Thống được trao lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Tổng Thống Hương làm việc chỉ được một tuần lễ, ông là một chiến sĩ quốc gia có tinh thần chống cộng cứng rắn. Người ta lại phải áp lực cụ trao quyền Tổng Thống cho một nhân vật mềm dẻo và biết điều hơn. Trước mọi sức ép, Tổng Thống Hương đành bàn giao Dinh Ðộc Lập cho Ðại Tướng Dương Văn Minh ngày 28.4.1975. Ba ngày sau, vị Tổng Thống thứ tư của Việt Nam Cộng Hòa đọc lời đầu hàng trên hệ thống truyền thanh quốc gia buộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng ngừng chiến đấu. Lúc đó là 10 giờ sáng ngày 30.4.1975.
Sống đời lưu vong ở xứ người, thoạt tiên Tổng Thống Thiệu tạm cư ở Ðài Loan, thời gian sau ông sang cư trú ở Anh quốc, rồi cuối cùng sang định cư hẳn ở Hoa Kỳ, thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts. Mang mển trong lòng nhiều uẩn khúc và bí mật quốc gia, ông Thiệu lặng thinh cam chịu sự trách cứ của đồng bào và chiến hữu, về những thất bại và hậu quả ông đã gây ra cho đất nước. Thời gian dần trôi, ba mươi năm hơn, nhiều bí mật đã được phơi bày cho thấy còn rất nhiều yếu tố đóng góp vào sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Ðiều mà chúng ta có thể thấy được là, trong cương vị Tổng Thống của một nước nhược tiểu, Tổng Thống Thiệu đã làm tất cả những gì có thể để cứu vãn đại cuộc. Ông đã từng từ chối thẳng vào mặt Kissinger không chịu ký Hiệp Ðịnh Ba Lê ngày 31.10.1972, bất chấp sự bực tức điên người của ông Nixon, lúc đó đã sắp vào ngày bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai của ông. Tổng Thống Thiệu còn quyết tâm không ký Hiệp Ðịnh Ba Lê ngày 27.1.1973, tỏ rõ chủ quyền quốc gia. Nixon buộc phải gởi một bức thư với lời lẽ rất cứng rắn và hằn học: “Nếu chánh phủ ngài không chịu ký vào văn bản ngừng bắn, thì chúng tôi buộc phải tiến hành ký đơn phương. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thông báo với thế giới rằng chánh phủ của ngài ngăn trở hòa bình. Vì lý do đó, chúng tôi buộc phải cắt đứt viện trợ quân sự và kinh tế cho Miền Nam Việt Nam ngay tức khắc”.
Bức thư của Tổng Thống Nixon đã có thể trả lời cho những trách cứ đổ lên sự câm nín của Tổng Thống Thiệu. Dù ông Nixon có cắt hay không viện trợ, thì số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã được quốc hội Hoa Kỳ với đảng Dân Chủ chiếm đa số quyết định trong những tháng cuối cùng: “Không một xu nào nữa cho chánh phủ ông Thiệu”. Ngày nay, cũng đảng Dân Chủ đang rục rịch muốn bỏ chạy ra khỏi vũng lầy Iraq và có thể cả Afghnistan, nếu họ thắng được cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.2008 tới đây. Lịch sử như một chiếc bánh xe luôn lăn tiến về trước, nhưng có lúc nó cũng trở về khởi điểm ban đầu. Một cường quốc giàu có như thế, một quân đội hùng mạnh nhất thế giới như thế, chỉ đáng tiếc không có được những vị tổng tư lệnh đúng nghĩa, có tài thao lược bình định thiên hạ, có hùng tâm tráng chí đạt đến vinh quang, mà chỉ luôn nghĩ đến việc bỏ chạy trước địch quân. Một lần bỏ chạy ra khỏi Việt Nam là đã đủ. Nếu chạy nữa, không khéo thiên hạ sẽ đặt cho quân đội ấy, tổng tư lệnh ấy cái biệt danh “tướng chạy và quân đội chạy bậc nhất thế giới”.
Tổng Thống Thiệu mang những nỗi niềm u ẩn và nhiều bí mật ấy vào thế giới bên kia ngày 29.9.2001. Nhưng hẳn rằng, thời gian càng trôi qua thêm, thì các sử gia nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như cuộc đời của Tổng Thống Thiệu sẽ còn khám phá ra được nhiều điều còn chưa sáng tỏ nữa.
Phạm Phong Dinh
Falls Church - Virginia